Diễn đàn

Sao lại thế?

Trong cuốn Góp nhặt cát đá (Thạch sa tập) của thiền sư Muju (Vô Trú), thiền sư Hakuin được nhắc đến với câu chuyện giản dị “Thế à?”. Nhưng câu chuyện giản dị ấy lại trở thành vĩ đại. “Thế à?” là một “chuyển ngữ” của bậc thầy giác ngộ bằng con đường nhẫn nhục quảng đại, ôm chứa, hóa giải và vượt thoát mọi oan khuất của nghiệp mệnh.

Mùa xuân năm nay, tôi có một câu chuyện để kể ra đây. Bởi thuộc hàng hậu học, lại chưa kinh lịch, vốn chẳng tiếng tăm, tôi hằng kính phục thiền sư Hakuin nhưng vẫn chưa học được hai chữ “Thế à?” của ngài, mà tôi nói: sao lại thế? Sao lại thế?

Chuyện thế này.

Tác phẩm Thơ Haiku Nhật Bản của Thái Bá Tân ra mắt vào cuối năm 2013 vừa rồi (NXB Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) có lẽ là một trong những tuyển tập thơ được mong chờ nhất với những người yêu thơ. Công trình đồ sộ hơn 600 trang chuyên về thơ Haiku Nhật và cả một phần thơ cổ Triều Tiên (vốn còn xa lạ với bạn đọc Việt Nam) được tác giả dày công thực hiện suốt nhiều năm. Không thể không hy vọng đó một món quà tinh thần quí giá vào những ngày cuối năm Quý Tỵ.

Tập đại thành dịch thuật này lẽ ra có một vị trí rất trang trọng trong những tủ sách giới thiệu tinh hoa nhân loại. Nhưng câu chuyện không bình thường đã xảy ra với cuốn sách từ trang 7 đến trang 17 có nhan đề: Phần một - MATSUO BASHO.

Tám trang viết mang tính giới thiệu này, tuy được tác giả chú thích là “Theo Wilkipedia” (đáng tiếc là chữ này cũng không có trên trang mạng, vì tên chính xác của nó là Wikipedia) nhưng trên thực tế là lấy từ nguồn Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, 1998 và Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục, 2000 của Nhật Chiêu (NC). Trang Wikipedia, mục từ Matsuo Basho cũng chú thích rõ là tham khảo từ nguồn Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, 1998. Song, trong cuốn Thơ Haiku Nhật Bản của Thái Bá Tân (TBT), các thông tin lấy từ các nguồn trên lại trở thành một cái tên rất mông lung: “Theo Wilkipedia” [Xin lưu ý chữ “l” trong từ gốc Wikipedia].

Sao lại thế nhỉ?

Câu chuyện vẫn không dừng lại. “Theo” nghĩa là thế nào? Tôi trộm nghĩ, “theo” là theo ý tưởng, theo sự hướng dẫn. Chép lại thì không phải là “theo” nữa.

Nhưng, thế này thì là chép hay là theo? Lại rất đau đầu:

1.a. Sách Thơ ca Nhật Bản của NC, mục 7. Matsuo Basho và mộng giữa đồng hoang:

Đến năm lên chín, ông vào lâu đài Ueno, làm tùy tùng cho con trai lãnh chúa là Yoshitada, chỉ lớn hơn ông vài tuổi. Hai thiếu niên cùng nhau chơi đùa, học tập và làm thơ như đôi bạn thân” (trang 137)

1.b. Sách Thơ Haiku Nhật Bản của TBT:

“Chín tuổi, Basho vào lâu đài Ueno làm tùy tùng cho một lãnh chúa và trở thành bạn thân với con trai vị lãnh chúa này, một người chỉ lớn hơn ông vài tuổi tên là Yoshitada. Hai người cùng nhau vui chơi, học tập và làm thơ” (trang 7)

2.a.Sách Thơ ca Nhật Bản của NC:

Nhưng Yoshitada mất sớm, lúc mới 24 tuổi. Sau khi lên núi Koya để đặt một nạm tóc của bạn vào chùa, Basho quyết định rời bỏ lâu đài Ueno, dù không được phép của lãnh chúa” (trang 137)

2.b. Sách Thơ Haiku Nhật Bản của TBT:

“Khi người bạn Yoshitada lâm bạo bệnh mất vào năm 24 tuổi, Basho lên núi Koya đặt một nạm tóc của bạn vào chùa và quyết định rời bỏ lâu đài Ueno, mặc dù không được phép của lãnh chúa” (trang 7)

3.a. Sách Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 của NC:

Ban đầu, Bashô thử làm những công việc khác nhau nhưng dần dà ông trở thành một người giảng dạy thơ haikai.

Haikai là cách gọi vắn tắt của thể thơ haikai no renga (Bài hài liên ca). Nó thiên về trào lộng chứ không trang trọng như renga (liên ca) cổ điển.

Trước đó, thống trị thế giới thơ haikai là Teitoku (1571-1653). Nhưng đưa haikai ra khỏi sự dung tục, vượt qua sự giải trí đơn thuần là Soin (1605-1682) thủ lĩnh của thi phái Danrin” (trang 262-263)

3.b. Sách Thơ Haiku Nhật Bản của TBT:

“Trong những năm này, ông đã làm nhiều nghề khác nhau nhưng cảm thấy mình chỉ hợp với văn chương, ông bắt đầu mở lớp dạy thơ Haikai (bài hài), một thể loại thơ còn được gọi là Haikai no renga (bài hài chi liên ca), là những bài thơ dài thiên về trào lộng, nhẹ nhàng và phóng túng, vốn rất thịnh hành trong thời Tokugawa (…)

Tư tưởng thơ Haikai của Nishiyama Soin, đứng trên mọi sự dung tục và tầm thường, vượt ra ngoài một thể loại thơ giải trí thế tục đơn thuần vốn đang thịnh hành toàn quốc với trường phái Teimon, đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và sáng tác của Basho về sau” (trang 8)

4.a. Sách Thơ ca Nhật Bản của NC:

Định mệnh của thơ haikai rơi vào tay của Bashô. Ông sáng tạo một phong cách mới gọi là Shôfu (Tiêu phong), dung hợp sự trào lộng đời thường của haikai hiện đại với yếu tố cao nhã tâm linh của renga cổ điển và hoàn thiện một loại thơ ngắn 17 âm tiết (5-7-5) giống như khổ thơ mở đầu của renga gọi là hokku (phát cú) nhưng độc lập. Thể thơ cực ngắn ấy về sau được mọi người biết đến với cái tên haiku.

Từ năm 1860 ông về sống trong một mái lều nhỏ bên bờ sông Sumida do học trò xây cho gọi là Bashô –an (Ba Tiêu am).

Bashô bắt đầu tu tập Thiền đạo, theo sự hướng dẫn của một Thiền sư sống gần đấy.

Nhưng để đại ngộ, tất phải có đại nghi. Mặc dù danh tiếng càng ngày càng lớn, những nghi vấn tâm linh và nghệ thuật không ngớt thúc bách Bashô phải tìm con đường cho chính mình.

Thế rồi, vào mùa thu năm 1684, Bashô từ bỏ cuộc sống yên ổn ở Ba Tiêu am mà bắt đầu làm một lữ nhân (tabibito) của cõi phù thế.” (trang 138-139)

4.b. Sách Thơ Haiku Nhật Bản của TBT:

“Mùa xuân năm 1679, Matsuo Basho được phong tước hiệu Sosho (bậc thầy dạy thơ Haikai). Năm sau, ông dời đến túp lều bên sông Sumida, và ở đây, có đệ tử mang tặng cây ba tiêu (cây chuối), một giống cây đương thời chỉ có ở Trung Hoa. Ngay tức thì, nhà thơ say mê nó và đem trồng trong sân nhà. Khách đến thăm gọi nhà ông là “ba tiêu am” (Basho-an). Cũng trong năm này, ông tu tập thiền đạo với một thiền sư tại ngôi chùa địa phương (…)

…số phận Haikai rơi vào tay Basho: ông đã sáng tạo ra một phong cách mới là Shofu (Tiêu Phong, ẩn ý về đời nghệ sĩ như những tàu lá ba tiêu bị xé tan trong gió những đêm giông bão), một phong cách dung hợp giữa sự trào lộng đời thường của Haikai đương thời với yếu tố cao nhã tâm linh của thể thơ Renga (liên ca) cổ điển. Ông cũng dần hoàn thiện một loại thơ ngắn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 từ những câu đầu (hokku) của thể thơ Renga và thể thơ cực ngắn ấy về sau được mọi người biết đến với cái tên đã trở thành bất hủ Haiku.

Mặc dù danh tiếng ngày càng rực rỡ, những nghi vấn về bản thể, tâm linh, thiền tông và nghệ thuật không ngớt thúc bách Basho tìm con đường cho chính mình để đạt được đại ngộ (satori). Mùa thu năm 1684, ông từ bỏ cuộc sống yên ổn ở am ba tiêu và bắt đầu làm một lữ khách (tabibito) của cõi phù thế.” (trang 9)

5.a. Sách Thơ ca Nhật Bản của NC:

Hai năm sau, Bashô đã tạo nên một chấn động trong văn chương bằng bài thơ về bước nhảy bất ngờ của một con ếch đăng trong một hợp tuyển của thơ ông và đồ đệ mang tên Haru no hi (Xuân nhật), tức Mặt trời mùa xuân (trang 140):

Furu ike ya                            Ao cũ

Kawazu tobikomu    Con ếch nhảy vào

Mizu no oto                           Vang tiếng nước xao

Biết bao lời bình đã được viết ra về bài thơ kì bí này. Tiếng vang của nước (mizu no oto = thủy âm) mà con ếch của Bashô đã khuấy động nên là một dư âm đã ngân qua bao nhiêu thời đại và xứ sở.

Chuyến đi kế tiếp hướng về Kashima được Bashô kể lại trong tác phẩm Kashima kiko (1687). Hành hương đến Đền Kashima, thăm viếng sư phụ là Thiền sư Buccho, thăm lại những cây anh đào nổi tiếng ở Yoshino mà nhớ về người bạn yểu mệnh năm xưa” (trang 141)

5.b. Sách Thơ Haiku Nhật Bản của TBT:

“Hai năm sau, Basho tạo nên chấn động trong văn chương bằng bài thơ về bước nhảy bất ngờ của con ếch mà tiếng động của nó khi chạm vào mặt nước ao cũ vang trong thinh lặng của đêm đen như khoảnh khắc đạt đốn ngộ của thiền sư, đăng trong hợp tuyển của thơ ông và đồ đệ mang tên Xuân nhật (Hara no hi).

Chuyến đi kế tiếp của Basho hướng về Kashima được ông mô tả trong Kỷ hành Kashima (Kashima kiko, 1687). Đây là chuyến đi mà đích đến của Basho là đền Kashima thăm viếng sư phụ, thiền sư Buccho, và thăm lại cây anh đào nổi tiếng ở Yoshino để nhớ về người bạn yểu mệnh tại Ueno năm xưa” (trang 9).

6.a. Sách Thơ ca Nhật Bản của NC:

Gần như ngay sau đó, Bashô lại bỏ ra một năm trời đi lang thang. Từ Edo đến bờ biển Suma, từ Akashi đến Sarashina để được tận hưởng mùa trăng trên đỉnh Obasute. Chuyến đi này lại sinh thành hai nhật kí thơ ca khác là Oi no kobun (Cập chi tiểu văn, 1688) tức Ghi chép trên chiếc túi hành hương và Sarashina kiko (1688), tức Nhật kí về thôn Sarashina.

Cả hai tác phẩm đều là lời ca ngợi thiên nhiên vô cùng nồng nàn, là lời kêu gọi say đắm “trở về với thiên nhiên”. Đó là một lí tưởng mà Bashô gọi là fuga (phong nhã), biểu hiện qua những con người lỗi lạc như Saigyo của thơ tanka, Sesshu của tranh thủy mặc, Rikyu của trà đạo và Sogi của thơ renga.” (trang 141)

6.b. Sách Thơ Haiku Nhật Bản của TBT:

“Ngay sau chuyến đi Kashima, Matsuo Basho lại khăn gói hành hương trong một năm trời từ Edo về bờ biển Suma, từ Akashi đến thôn Sarashina để được tận hưởng mùa trăng trên đỉnh núi Obasute. Chuyến đi này là tiền đề cho hai tập nhật ký thơ ca khác, là “Ghi chép trên chiếc túi hành hương” (Oi no kubun, cập chi tiểu văn, 1688) và “Nhật ký về thôn Sarashina (Sarashina kiko, 1688). Đây là những trang ca ngợi thiên nhiên vô cùng nồng nàn, là lời kêu gọi say đắm “trở về với thiên nhiên”. Đó là lý tưởng mà Basho gọi là fuga (phong nhã), biểu hiện qua những con người lỗi lạc như Saigyo của thơ Tanka, Sesshu của tranh thủy mặc, Rikyu của trà đạo và Sogi của thơ Renga” (trang 10). [Xin lưu ý: chữ kubun trong phần chép trên của TBT là sai (do mạng Wikipedia sai trước), viết đúng là kobun, tiếng Nhậtnghĩa là “tiểu văn”].

Với nhã ý muốn giúp bạn đọc đỡ mất thời gian tìm sách và đối chiếu từng từ từng ngữ từng đoạn của ba cuốn sách: Thơ Haiku Nhật Bản của Thái Bá Tân, Thơ ca Nhật Bản  và Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 của Nhật Chiêu, tôi đã cố gắng đánh vi tính lại tất cả các đoạn trùng lặp, nhưng cuối cùng đành chịu, vì quá nhiều và quá phức tạp. Chữ của Nhật Chiêu trong văn bản Thái Bá Tân quá nhiều. Số lượng từ ngữ được chép từ sách của NC trong sách của TBT (ở 8 trang Phần 1 Matsuo Basho) tính ra đến khoảng 80%. Tôi chợt nhớ một lời thoại rất hay trong bộ phim The sound of music; khi đại tá Von Trapp biết rằng các con ông (vốn được rèn luyện như những cậu lính hải quân nghiêm ngặt) đã dám ra đường, trèo lên cây và chơi thuyền, ông đã nói với nàng bảo mẫu Maria: “Nào, hãy nói cho tôi biết, đây là sự thật hay do tôi tưởng tượng ra?”.

Câu chuyện “hư hư thực thực” này còn dẫn đến những chi tiết hài hước khó ngờ. Ví dụ: Trong Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 của NC, tác giả ghi rõ: “Trên đường, ông đã dừng chân ở một mái lều nhỏ tên là Genjuan (Huyễn trú am) nằm trong khu rừng gần Hồ Biwa. Chính nơi đây, Bashô đã viết nên bài tùy bút kì tuyệt gọi là Genjuan no ki (Huyễn trú am chi kí, 1690)” (trang 266). Trong Thơ ca Nhật Bản, nhà in để sai lỗi moras: “Trên đường, ông đã dừng chân ở một mái lều nhỏ tên là Genju-an (Huyền trú am) nằm trong khu rừng gần hồ Biwa” (trang 143). Tuy nhiên sau đó, nhà in lại in đúng: “Chính nơi đây, Bashô đã viết nên bài tùy bút kì tuyệt gọi là Genjuan no ki (Huyễn trú am chi kí, 1690)” (trang 143)”. Nhưng khi vào sách của TBT, dịch giả này vẫn “chép” rất thật thà: “Trên đường thiên lý, Basho đã dừng trú tại “Huyền trú am” (Genju-an) trong khu rừng bên hồ Biwa, và tại đây ông viết nên bài tùy bút kì tuyệt mang tên “Tùy bút Huyền trú am” (Genjuan no ki, 1690). Hóa ra, cũng lỗi tại Wikipedia, người chép khó lòng phân biệt!…

Chưa kể, cụm từ “trở về với thiên nhiên” là ngẫu hứng của Nhật Chiêu, tự nhiên ông thích để câu ấy vào ngoặc kép để nhấn mạnh theo phong cách tài tử vốn có, thì ở sách của TBT (trang 10), câu ấy cũng nằm y trong ngoặc kép, như thể hai tác giả cùng bất ngờ chung niềm hứng thú một cách bí mật.

Lại nữa, Thơ ca Nhật Bản của NC viết: “Đến năm 1693, nhà thơ quyết sống cô tịch, thôi tiếp khách. Người ta nói rằng cánh cửa khép suốt ngày của ông chỉ thỉnh thoảng mở ra khi có một “biến cố” như hoa triêu nhan vửa nở ngoài hàng giậu” (trang 143). Thơ Haiku Nhật Bản của TBT chép: “Đến năm 1693, Basho quyết định đóng cửa sống trong cô tịch, không tiếp khách, và người ta nói rằng cánh cửa nhà ông chỉ mở ra khi có một biến cố, như khi hoa triêu nhan nở bên hàng dậu” (trang 11). Thứ nhất, chữ “biến cố” trong nguyên tác khi bị chép đã mất đi dấu ngoặc kép, nhưng bỏ dấu ngoặc kép đi là vô nghĩa. Thứ hai, TBT đã biết đến hoa triêu nhan (tức asagao) từ lời giới thiệu này. Nhưng khi vào phần dịch, ông vẫn “không biết như thường”, vẫn dịch asagao (tiếng Anh là A morning-glory) là “Từ rạng sáng”. Sao lại thế?

Đoạn kết cho một bài viết giới thiệu, ông Thái Bá Tân viết:

“Thiên tài của Basho bao trùm nhiều hiện tượng khác nhau của đời sống, và tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng về sau” (trang 13). Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 của Nhật Chiêu viết: “Thiên tài của Bashô ôm choàng những hiện tượng khác nhau của đời sống, do đó gây nên một ảnh hưởng sâu rộng” (trang 274). Vậy là chữ “ôm choàng” được thay bằng “bao trùm” cho khác đi, “gây nên” được sửa thành “tạo nên” cho “dễ hiểu” hơn. Câu của Nhật Chiêu: “Người ta hành hương theo những bước đường phiêu lãng ngày xưa của ông” (trang 274), câu của Thái Bá Tân: “Nhiều người đã hành hương theo bước đường phiêu lãng của Basho ngày xưa” (trang 13). Vậy là chữ “người ta” được thay bằng chữ “nhiều người”, “ông” được thay bằng “Basho”. Đó là “phong cách chép” của nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân. Còn vô số những ví dụ khác về kỹ thuật cắt cúp, đảo từ, đảo ngữ mà “ý nhất định không đổi so với bản gốc” của dịch giả.

Đây là đoạn cuối cùng trong bài giới thiệu Basho của TBT:

“Sang thế kỷ 20, Basho lại càng trở thành một hình ảnh vĩ đại được tôn vinh của nền văn hóa Nhật Bản. Một số nhà nghiên cứu xem ông là nhà thơ huyền bí tương tự Blake và Wordsworth, số khác thấy ông đi trước chủ nghĩa tượng trưng của Pháp. Thể thơ Haiku do ông hoàn thiện bằng thiên tài của mình đã trở thành thể thơ quốc tế, được nghiên cứu rộng rãi cả trong và ngoài Nhật Bản. Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của thế giới còn sáng tác thể thơ này bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có Paul Eluard của Pháp, Octavio Paz của Tây Ban Nha và George Seferis của Hy Lạp” (trang 13).

Toàn bộ đoạn này được gọt giũa từ mục 12 trong sách Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 của Nhật Chiêu, trang 274: “Sang thế kỷ XX, Bashô trở nên một hình bóng vĩ đại của văn hóa Nhật Bản, có người xem ông là nhà thơ huyền bí (tương tự Blake và Wordsworth), có người thấy ông đi trước chủ nghĩa tượng trưng của Pháp…(…)

Nói một cách chừng mực hơn, thơ haiku mà Bashô đã hoàn thiện bằng thiên tài của mình, trở nên thể thơ quốc tế trong thế kỷ XX. Bên ngoài Nhật Bản, haiku chẳng những được nghiên cứu rộng rãi mà còn được các nhà thơ ở nhiều xứ khác nhau sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có cả Paul Eluard của Pháp, Octavio Paz của Tây Ban Nha và George Seferis của Hi Lạp”.

Cũng theo “thi pháp quen thuộc”, TBT thay “trở nên” thành “trở thành”, “hình bóng” thành “hình ảnh”, “thế kỷ XX” thành “thế kỷ 20”, “Hi Lạp” thành “Hy Lạp”... Đồng thời, có thêm vào một ý nho nhỏ “không sai” là “các nhà thơ lớn của thế giới” để làm rõ nghĩa cho cụm từ “các nhà thơ ở nhiều xứ khác nhau” của NC.

Với hình thức vừa chép, vừa “tổng kết”, “tổng thuật”, vừa “sắp xếp”, “thu xếp”, “biên chú”, dịch giả Thái Bá Tân có một bài giới thiệu về Matsuo Basho rất … chỉn chu. Chỗ nào không thấy khó hiểu thì chép cả, chỗ nào “khó hiểu” hoặc “khó tiếp nhận” hoặc “khác với phong cách của bản thân” thì sửa lại cho “đơn giản”, thêm vào một vài ý tưởng không “quá xa” so với bản gốc. Như vậy được hiểu là “theo” chăng, như quan niệm của dịch giả TBT?

Cách làm việc trên của TBT khiến tôi nghĩ về “màu sắc” của nền học vấn hiện nay…Nhìn các em, các con miệt mài “sáng tạo trên cơ sở ghi chép” rồi “nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Tôi nhớ đến một câu ca dao: “Thật vàng chẳng phải thau đâu – Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng”. Vàng thật thì sợ gì lửa mà bảo đau. Hóa ra ở đây là “vàng thau lẫn lộn”. Cái câu than vãn này coi chừng không phải của “vàng” đâu, mà của “thau” đấy…

Nghĩ rằng dịch giả Thái Bá Tân đã có niềm tin chắc nịch vào Wikipedia (không tin sao lại chép gần hết như thế), tôi đoán người chép xem nó là “tối cao”. Wikipedia mà “tối cao” thì người làm học thuật dày công mài óc nơi thư viện hàn lâm có cần chi cho đời?

Ngược lại, nếu người chép xem Wikipedia chỉ là thứ hỗn trộn, cắt cúp vớ vẩn (nên mới không chú ý rằng nó rất ngoan ngoãn ghi rõ nguồn chú là lấy từ sách của Nhật Chiêu) thì rõ là người chép này rất “huyền bí”: vừa khinh vừa chép, vừa ghét vừa dùng.

Thế là thế nào? Sao lại thế?

Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết. Dịch giả Thái Bá Tân không hề tự nhận mình trực tiếp viết về Basho, mà cẩn thận ghi rằng: “Theo Wilkipedia” (thế mới tài). Vậy (dường như / hay rõ là) ông không đạo văn, mà ông chỉ “không biết rõ” ai là người viết ra những gì mà ông đã chép lại rất chi tiết. Wilkipedialà cái tên không có thật, còn Wikipedia thì lại ghi rõ ở mục Tham khảo tênsách Thơ ca Nhật Bản của Nhật Chiêu. Nghĩa là, chính tác giả Thơ Haiku Nhật Bản cũng không thể biết mình đang chép của ai. Có thể như thế được không?...

Sao lại thế?

Một người gần như gắn cả đời với thơ ca, dịch biết bao nhiêu bài thơ được nhiều người yêu mến và thuộc lòng, một ngày nọ bỗng nhiên dễ dàng chép thông tin trên mạng (bằng cách nhấn copypaste trong vòng ít phút, một thao tác đơn giản của người biết sử dụng internet) để làm lời giới thiệu cho tác gia mà mình yêu quí (tất nhiên có kèm theo việc đảo lộn trật tự các đoạn văn sao cho tất cả thật mới mẻ và thông thái). Một đời làm lụng có thể bị nghi ngờ một lần. Có thể như thế được không?...

Sao lại thế?

Trong mục “Đôi lời cùng người đọc” của sách Thơ Haiku Nhật Bản, dịch giả Thái Bá Tân chia sẻ ông đã nghiền ngẫm suốt 30 năm để chuyển dịch một di sản lớn của nhân loại là thơ Haiku Nhật Bản. Nếu đúng như vậy thì đó là điều mà người làm văn chương đời nào cũng mong muốn có được: một tình yêu lớn, một sức làm việc phi thường, một ám ảnh bền bỉ, một ước vọng giao kết, một khả năng chuyển ngữ.

Nhưng đằng sau tất cả những lý tưởng lớn lao đó đâu chỉ là một cuốn sách in đẹp và được đặt trong biên mục xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam, đâu chỉ là lời mong mỏi muốn được “đón nhận và nâng đỡ” (trang 6). Dịch giả muốn người đọc nâng đỡ điều gì? Nâng đỡ những bài thơ được dịch bằng tình yêu, hay nâng đỡ những “điều bất thường không thể hiểu được” ở cuốn sách này?...

“Một lần bất tín vạn lần bất tin”, tôi không muốn thế, tôi muốn rành mạch!

Đằng sau một danh tiếng đôi khi chỉ là một sự thật giản đơn. Sự thật ấy là tấm lòng người chấp bút. “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”.

 

Đầu xuân Giáp Ngọ, rét đậm!

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513151

Hôm nay

2252

Hôm qua

2436

Tuần này

21088

Tháng này

220024

Tháng qua

121356

Tất cả

114513151