Văn hoá học đường

Rousseau và "tuổi của lý trí" (từ 12 đến 15)

Vào tuổi 12 hay 13, trẻ em phát triển sức lực nhanh hơn nhu cầu. Đam mê tính dục - đam mê mạnh nhất và "kinh khủng" nhất - chưa được đánh thức. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt không "ăn thua" gì với cậu. Sức trai đang lớn thay cho áo quần. Ăn gì cũng thấy ngon, nằm đâu cũng ngáy khò khò. Cậu chưa bị những giấc mơ quấy nhiễu. Người lớn nghĩ sao cũng mặc... Vấn đề bây giờ không phải là "dạy dỗ" cậu về khoa học, mà khêu gợi để cậu ham thích khoa học, giúp cho cậu biết phương pháp để tiếp thu khoa học khi lòng ham thích này phát triển hơn lên. Nói ngắn, đây là giai đoạn duy nhất trong đời người mà sức lực lớn hơn nhu cầu và đòi hỏi của bản thân!

BÌNH MINH CỦA LÝ TRÍ

Trước đây, một trong những lý do chính yếu khiến Rousseau "đoạn tuyệt" với các triết gia "khai minh" đương thời là vì ông xem họ quá thổi phồng vai trò của lý trí. Bây giờ, ông có phần xét lại quan điểm ấy, xem trọng lý trí hơn, nhưng vẫn cho nó vai trò thứ yếu. Theo đó, lý trí không ra đời từ cảm giác như chủ trương của các nhà duy nghiệm, cũng không phải là quan năng bẩm sinh và nguyên thủy như nơi các nhà duy lý. Theo Rousseau, nó là quan năng tự nhiên, có nguồn gốc từ đời sống cảm xúc. Vì thế, khi xuất hiện như một đặc điểm mới, nó được mang danh là "tuổi của lý trí" (l'âge de raison).

Tự bảo tồn là yêu cầu cơ bản của sự sống, là sự thể hiện tự phát của tính sinh vật. Những động lực đầu tiên của chúng ta, tất nhiên, phải là quy ngã để sống còn. Đời sống tinh thần, do đó, không đến từ bên ngoài thông qua những kinh nghiệm giác quan, cảm tính, mà đến từ bên trong. Chính nó tạo nên những hành vi và điều khiển đà phát triển.

Nói cách khác, sự ra đời của tự-ý thức có chiều sâu hơn hẳn việc đơn thuần gia tăng kinh nghiệm cảm tính. Nó là nguyên tắc cao hơn của sự sống, mang lại sự thống nhất và liên tục cho mọi vận động và kinh nghiệm của tâm trí. Nó chia tay với xúc cảm đơn thuần sinh vật, tiến tới những tình cảm cao cấp của tâm hồn. Chính những tình cảm cao cấp này là bệ đỡ cho mọi hoạt động của con người trưởng thành. Một lần nữa, ta thấy Rousseau chọn đi con đường thứ ba giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý.

Vậy điều gì đã làm nảy sinh phán đoán thuần lý ở giai đoạn này? Giải thích của Rousseau là một trong những thành tựu sâu sắc nhất của ông về lý thuyết phát triển. Đời sống nội tâm của đứa bé, như đã biết, được quy định bởi mối quan hệ giữa nhu cầu và sức lực để thỏa mãn nhu cầu. Ở tuổi ấu thơ, nhu cầu ít và đơn giản, đồng thời sức lực cũng yếu ớt. Bây giờ, ở tuổi 12-15, nhu cầu vẫn còn đơn giản, trong khi sức lực thì thừa thải. Chính sự thừa thải này là nguyên nhân ra đời của hoạt động lý trí!

LÝ TRÍ: QUAN NĂNG BỔ TRỢ VÀ ĐIỀU CHỈNH

"Nhu cầu và ham muốn là nguyên nhân căn nguyên của hoạt động. Rồi đến lượt nó, hoạt động tạo ra trí tuệ để hướng dẫn và điều khiển sức mạnh và đam mê, bởi lý trí làm chức năng kiểm soát và cân bằng".

Như thế, hoạt động phải phát triển ở cấp độ cao trước khi lý trí xuất hiện. "Tuổi thơ là giấc ngủ vùi của lý trí". "Trong mọi quan năng của con người, lý trí là bước phát triển khó khăn nhất và muộn nhất".

Thời kỳ đột biến này lại rất nhanh và gọn: từ tuổi 12, khi tỉ lệ giữa sức lực và nhu cầu mất cân đối trầm trọng, lý trí xuất hiện để điều chỉnh và khôi phục sự cân đối ấy.

GIÁO DỤC TRONG "TUỔI CỦA LÝ TRÍ"

Lý trí, nơi Rousseau, không phải là thực thể thần linh, mà chỉ là quan năng bổ trợ. Và đây là giai đoạn mà giáo dục chính thức bắt đầu. Cho tới nay, đứa bé phát triển theo định luật tự nhiên mà nhà giáo dục không nên can thiệp vào. Nhưng từ nay đánh dấu giai đoạn mới: dạy và học.

Rousseau nêu ba "sai lầm" trong quan niệm cổ truyền do không hiểu bản tính của lý trí:

-     dạy trẻ em bằng lý trí. Đó là đặt cày trước trâu! Sai lầm chung là giả định rằng trẻ em biết lý lẽ từ lúc mới sinh và nói chuyện với chúng như với người lớn. Quên rằng tự nhiên đi ngược lại: thân thể trước, đầu óc sau!

-     dùng quyền uy thay cho nỗ lực tinh thần của chính đứa trẻ.

-     dành cho lý trí quyền năng mà nó không có. Lý trí đến sau cảm xúc và bổ sung cho cảm xúc. "Chỉ có tiếng gọi thiêng liêng của lòng mẹ và của lương tâm mới là kẻ hướng đạo sáng suốt và mang lại hạnh phúc". Một thách thức đối với tư duy triết học đương thời!

ĐỘNG LỰC CỦA GIÁO DỤC

Nếu xúc cảm và nhu cầu tạo nên hoạt động của thân thể thì sự tò mò tạo nên hoạt động của tinh thần. Trẻ em tò mò vì sự việc hay hoàn cảnh nào đó có ý nghĩa cho sự sinh tồn của nó. Vì thế, sự tò mò liên quan đến những gì phục vụ thực sự cho đứa trẻ. Sự hữu ích là nguyên tắc cốt lõi cho giai đoạn giáo dục này. Rousseau đồng ý với F. Bacon và J. Locke ở phương diện này, và đi xa đến chỗ khá cực đoan khi xem nhẹ óc tưởng tượng. Với ông, nó chỉ tạo ra những nhu cầu giả tạo, không cần thiết, bắt nguồn từ sự cạnh tranh trong xã hội với mọi thói hư tật xấu. Không ngạc nhiên khi ông bác bỏ mọi hình thức ô nhiễm từ xã hội vào học đường: giải thưởng, tôn vinh cá nhân, ganh đua, ghen tị, xu nịnh v.v...

CHƯƠNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

Ở lứa tuổi này, không nên có chương trình "cứng". Ưu tiên cho những môn học thiết thực với cuộc sống. Địa lý, thiên văn trước đã, và học trực tiếp từ thiên nhiên. Sau đó mới đến các môn vật lý, dẫn đến kỹ năng nông nghiệp và thủ công. Khi đã cứng cáp mới ngồi vào lớp, học các thứ khác. Ba mối quan tâm lớn trong giai đoạn này:

-     khêu gợi lòng yêu thích tri thức. Không có lòng yêu thích sẽ không biết giá trị của tri thức và không kiên tâm bền chí theo đuổi nó.

-     tư duy thật rõ ràng. Chỉ có những tư tưởng rành mạch và rõ ràng mới ăn sâu vào tâm trí được.

-     cần có phương pháp đúng: không gì bền vững bằng tự học, tự tìm tòi. Ngược lại, chữ nghĩa sẽ trả hết cho thầy!

Cậu Émile được đặt vào những tình thế phải tự dùng sức của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình và tự mình rút ra kết luận.

Một trong những phương pháp hiệu quả trong tinh thần ấy là tự làm những dụng cụ học tập của mình. Sau khi quan sát, tự mình ghi biên bản, lập hồ sơ, vẽ bản đồ v.v…

Cậu học trò lý tưởng của Rousseau vào năm cuối cùng của  lứa tuổi thiếu niên phải là chàng trai chăm chỉ, hiền hòa, kiên nhẫn, khỏe mạnh, đầy dũng cảm và nghị lực. "Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ" (Huy Cận/Tựu trường), chàng không còn là trẻ con nữa và bắt đầu lắng nghe những "xôn xao thầm lặng" đang đợi chàng phía trước. Tuổi thanh niên sẽ sáng bừng với nhiều ánh lửa.

Đã in  Người Đô Thị, Bộ mới, số 8, 13.03.2014). bản tác giả gửi cho VHNA

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434874

Hôm nay

2145

Hôm qua

2349

Tuần này

21524

Tháng này

211922

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434874