Nhìn ra thế giới

Yếu tố tôn giáo trong "học thuyết Putin"

Đạo Chính thống từng là quốc đạo của Nga, tiếng chuông nhà thờ dường như vẫn ngân nga đâu đó, cả trên những nẻo đường xô viết. Từ điển Bách khoa Nga cho rằng: “Chiến thắng chống phát xít chính là thắng lợi của liên minh các dân tộc Nam, Tây và Đông SLAVƠ”.
Đây cũng là các vùng lãnh thổ từng thuộc phạm vi ảnh hưởng của đế quốc BYZANTINE – nơi Chính thống giáo từng là quốc đạo. Từ điển Bách khoa Nga cũng viết rằng: Hội đồng tương trợ kinh tế và khối VARSAW về thực chất cũng là một dạng liên minh SLAVƠ.

Với người Nga, nói đến dân Slavơ nghĩa là nói đến đạo Chính thống. Hai thuật ngữ này có cùng từ căn. Người Nga cho rằng, nước Nga là quốc gia duy nhất hoàn toàn theo đạo Chính thống, cho dù theo các nguồn, vẫn có khoảng gần 20% dân Nga theo các tín ngưỡng khác. Qua cửa miệng và trong sách vở, nhiều cuộc chiến tranh của nước Nga với các nước khác được đồng nhất bởi nhiều người Nga với những cuộc thánh chiến (Thập tự chinh) chống dị giáo…

Trên thực tế, đạo Chính thống được xem là đã truyền bá vào đất của những người Nga cổ vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X. Nhưng phải tới thế kỷ XVI, nó mới chính thức được xem là quốc đạo của nước Nga Sa hoàng, thành lập từ một sổ tiểu vương quốc.

Sách báo Nga ngày nay thường dùng chữ “Bức hại” để mô tả tình thế của giáo phái Chính thống thời Xô viết. Còn các sách lịch sử và văn học Xô viết viết rằng nhiều cố đạo đã cộng tác với các lực lượng phản cách mạng. Từ năm 1964, Đảng Cộng sản Liên Xô thay đổi chính sách cư xử với nhà thờ Chính giáo. Một ban chuyên trách về tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng được thành lập, hợp nhất hai ban chuyên trách về đạo Chính thống Nga và về công việc thờ cúng ra đời từ giữa Chiến tranh Vệ quốc.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, một số cha cố được xem là người của KGB gài vào. Đoàn đại biểu Giáo hội Chính thống Nga đi dự các hội nghị tôn giáo thế giới không ít lần theo đuổi các mục tiêu được xem là có tính chất chính trị, chẳng hạn, cổ suý ủng hộ cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam (theo các nguồn của Nga).

Kể từ khi Liên xô tan rã, không chỉ Nhà thờ đạo Chính thống được tôn lên như quyền lực thứ năm, mà đức tin vào đạo Chính thống cũng dần phải đóng cả vai trò tín điều chính trị cho cả quốc gia và quân đội Nga.

Trên thực tế, quyết định tôn giáo hoá hệ tư tưởng của nước Nga mới vừa ráo mực là kết quả của một quá trình trăn trở, thậm chí đau đớn, kéo dài tới gần hai thập kỷ.

Luồng gió mới của chủ nghĩa dân túy

Theo quan điểm của Nhà thờ Chính thống Nga, cuối thời  Gorbachov, một số công trình tôn giáo bắt đầu được tôn tạo. Quỹ khôi phục nhà thờ Chúa cứu thế được lập, có tài khoản chính thức để con chiên cúng hiến (1991). Trước đó, Giáo hội Chính thống đã khuyến nghị Chính phủ Nga giúp tu sửa thánh thất Chính giáo. Ngày 16-7-1992, Tổng thống Nga Yeltsin ký sắc lệnh “Thành lập quỹ trùng tu Matxcơva”, trong đó việc đại tu Nhà thờ Chúa cứu thế được đặt lên hàng đầu. Nhà thờ Chính giáo Nga được đăng ký pháp nhân chính thức vào thời hoàng hôn của Liên Xô nhờ đạo luật “Tự do lương tâm và tổ chức tôn giáo”. Yeltsin là nguyên thủ đầu tiên tham dự các nghi lễ Chính giáo lớn (kể từ sau thời kỳ quân chủ). Dần dà, thủ tục này trở nên nhất thiết đối với giới chức Nga.

Cho dù Putin gây cảm tưởng sẽ phục hồi Xô viết mạnh mẽ, nhưng ông đã có quan hệ ngày một mật thiết hơn với giới tăng lữ. Ngay từ ngày đầu làm Tổng thống Nga, Putin thường xuyên gặp đại giáo chủ toàn Nga (theo biên niên tôn giáo của 4 năm đầu cầm quyền của Putin). Tuy vậy, một nhân vật như Putin hẳn không bao giờ tỏ ra không duy trì những di sản Xô viết.

Năm 2007, kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, có lẽ là năm bản lề để thể hiện quan điểm về tôn giáo trong “học thuyết Putin”, ông tuyên bố: “Tín ngưỡng truyền thống của nước Nga và lá chắn hạt nhân chính là các thành tố để củng cố vị thế của Nhà nước Nga, tạo nên các tiền đề cần thiết để đảm bảo an ninh cả bên trong và bên ngoài cho nước Nga” (họp báo của Tổng thống Nga, ngày 1-2-2007).

Và Nga đã dám “chặt cầu” Xô viết?

Giữa năm 2008, trước cuộc họp can thiệp vũ trang của Nga vào Nam Osetia, một chức sắc cấp cao của Giáo hội Chính thống Nga ra tuyên bố: “Hãy đoạn tuyệt với mọi biểu tượng Xô viết”. Nói tóm lại, vị cha cố này cho rằng đã đến lúc nước Nga phải dám “chặt cầu”!

Theo nhà quan sát chính trị, nhà văn nổi tiếng Liên Xô - Nga Mikhail Veller, nhà thờ Chính giáo đã được các thế lực cánh hữu trong giới cầm quyền bật đèn xanh trong động thái này.

Nguyên nhân sâu xa của tuyên bố bất ngờ này của nhà thờ Chính giáo Nga, vẫn theo bài bình luận phát trên Đài Phát thanh Nga tháng 7-2008, là do chính quyền Nga hiện đang ở đường cụt của ý thức hệ. Trong khi mò mẫm xây dựng một học thuyết mới, chính quyền chợt nhận thấy nên lấy chính một trong những di sản phi vật thể gần như chỉ của Nga - tín điều đạo Chính thống - làm hệ tư tưởng cho nước Nga mới.

“Học thuyết Putin”, đã được các nhà nghiên cứu chính sách của chính quyền Nga ở phương Tây dùng “kính chiếu yêu” để soi, rồi phán là cực kỳ thâm hậu. Nhưng theo bình luận trên của Đài Phát thanh Nga, tới nay chỉ mới đưa được ra vài khẩu hiệu chung chung, như: “Vì phúc lợi của người Nga”, hay “Nước Nga phải là Đại Nga”… Đảng cầm quyền (đảng Nước Nga thống nhất), chỉ bao gồm các nhân vật chóp bu và “có máu mặt”, gần như không có chân đứng trong nhân dân. Trong khi đó Đảng Cộng sản Nga, cùng với Giáo hội Chính thống Nga, là hai lực lượng có ý thức hệ rõ ràng, đều có “lịch sử, truyền thống, nghi thức và chuẩn mực đạo đức”…

Đảng Cộng sản Nga, trong tâm thức của đại đa số dân Nga, là biểu tượng của thời kỳ Xô viết trong lịch sử Nga. Đây là “thời kỳ đại kinh khủng, nhưng vĩ đại”, “đẫm máu, nhưng vẫn có vẻ công bằng hơn thời hiện tại”. Thời đại Xô viết, bên cạnh những tồi tệ và gian khổ, đã có cả “hạnh phúc, vinh quang và đúng đắn”. Hiện Đảng Cộng sản Nga vẫn theo đuổi một “mô hình xã hội lý tưởng”. Nếu xoá bỏ các biểu tượng Xô viết, như quốc ca, hình búa liềm…Đảng này sẽ mất liên hệ với hiện thực trong quá khứ, tất dẫn đến suy yếu thực lực trong hiện tại.

Cũng vào giữa tháng 7-2008, có cuộc tập trận chung giữa quân đội Gruzia và Mỹ (Immediate response 2008), thì đầu tháng 8, xảy ra cuộc can thiệp chớp nhoáng của Nga vào Nam Osetia. Đây có thể xem là thời điểm bản lề cho những thay đổi trong đời sống chính trị của nước Nga.

Nhưng cũng phải một năm sau, sự lựa chọn một trong hai thế lực chính trị nêu trên mới bộc lộ rõ, khi truyền thông đưa tin giáo lý đạo Chính thống sẽ thâm nhập vào trường học và nhất là vào quân đội.

Các động thái trên chính trường Nga gần đây cũng cho thấy một sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa nhà thờ và Kremli trong những vấn đề nan giải, chẳng hạn như xu thế li khai ở Ucraina…

Ý kiến của giới học giả

Nhất trí với Đài Phát thanh Nga (15-7-2008) rằng đây là một quyết định xuất phát từ bế tắc về hệ tư tưởng, báo Nezavisimoe (Độc lập) số ra ngày 24-7-2009 có bài nhan đề: “Tổng cục chính trị Chính thống giáo sẽ cứu quân đội”. Bài viết cho rằng, một mặt, sự thâm nhập của tôn giáo vào quân đội sẽ giúp kiểm soát chặt tình hình chính trị và tinh thần quân đội, như lịch sử cho thấy; mặt khác, chính lịch sử cũng cung cấp những bài học rằng sự lạm dụng công cụ tôn giáo trong việc nhà binh từng đem lại những hậu quả gì.

Giới bác học Nga cũng lên tiếng chống lại sự “can thiệp của Giáo hội Chính thống vào mọi mặt đời sống xã hội Nga”. Các viện sĩ nổi tiếng nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã ký một thư ngỏ gửi Tổng thống Nga yêu cầu ngừng ngay “quá trình giáo quyền hoá xã hội Nga”. Bức thư cho rằng Giáo hội Chính thống Nga đang chủ trương giảng dạy trong nhà trường môn “Cơ sở văn hoá Chính thống giáo”, về thực tế là bước đi thiếu bình đẳng trong quan hệ đối với các tín ngưỡng khác của nước Nga. Các nhà bác học cũng nghĩ rằng việc đưa môn thần học, về thực chất là tập hợp các tín điều tôn giáo vào giảng dạy như một bộ môn khoa học trong trường viện ở Nga là “không thể hiểu nổi”, rằng nhà thờ Chính giáo nên đứng ngoài hệ thống giáo dục quốc gia. Phát biểu trên Đài Tiếng vang Matxcơva, viện sĩ V.Gilzburg (đã được giải thưởng Nobel) nhấn mạnh rằng nỗ lực áp đặt tín điều của Nhà thờ Chính giáo đang làm phương hại đến lợi ích khoa học của đất nước.

Tuy nhiên, theo các nguồn Nga, quá trình giáo quyền hoá vẫn tiếp tục. Báo Nezavisimoe ngày 24-7-2009 cho rằng các tín điều Chính thống giáo đang trở thành ý thức hệ quốc gia, trước hết là trong quân đội và hải quân Nga.

Theo các số liệu chính thức, luôn có khoảng 40% dân số Nga cho rằng chỉ cần duy trì một quân đội hùng mạnh là đáng mặt siêu cường, vì lúc đó các nước khác sẽ phải “nể sợ” Nga. Khoảng 25% số người Nga còn lại cũng nghiêng về quan điểm sức mạnh quân sự là tiêu chí để xác định vị thế siêu cường.

Trong khi chờ đợi điều luật chính thức hoá sự có mặt của các cố đạo Chính giáo trong quân đội Nga, nhà thờ đã phái một số cha vào phục vụ quân đội ở các vùng nhạy cảm, như Kavkaz từ cuối năm 2009.

Trước đó, trong một động thái dường như để ủng hộ tuyên bố của Thủ tướng Putin về “Tiểu Nga” (Ucraina), theo đó Nga chống việc Ucraina gia nhập NATO… các chức sắc đạo Chính thống cấp cao nhất kêu gọi thành lập Liên minh Slavơ.

Tôn giáo nay không chỉ là thuốc phiện?

Quân đội Nga từ sau khi bãi bỏ Tổng cục Chính trị khi Liên Xô tan rã, đã trở thành bãi chiến trường của các tệ nạn, với sự tăng trưởng khủng khiếp của tội phạm các loại, kể cả từ phía sĩ quan chỉ huy. Phương án trợ lý về giáo dục của chỉ huy đại đội (pompolit) là quân nhân theo chế độ nghĩa vụ hai năm không có tác dụng đáng kể tới tình trạng tiêu cực lan tràn trong toàn quân. Kể từ năm 2002, các học viện quân sự lại đào tạo ra các chỉ huy phó về chính trị như thời Xô viết. Nay những sĩ quan chính trị đầu tiên này của quân đội Nga hiện đã ra trường.

Tờ Nezavisimoe đã chỉ ra vai trò của các trợ lý về giáo dục trong quân đội hiện đang tiến đến số không và sự xuất hiện trở lại của các cha tuyên uý trong quân đội đang bất chấp các ý kiến phản kháng trong và ngoài quân ngũ, gồm cả ý kiến cho rằng nước Nga đang lùi về thời Trung cổ. Một số nhà quan sát nước ngoài cũng có cảm nhận tương tự về giải pháp “đồ cổ” này.

Trước đây, trong quân đội Sa hoàng, từng có 3.700 cha cố đạo Chính thống ở cấp trung đoàn và 100 Imam (thầy tu Hồi giáo). Trong quân đội Hoa Kỳ, hiện cũng có 3.000 cha tuyên uý và khoảng bằng ấy nữa đang hiện diện như lực lượng dự bị. Có lẽ vì thế mà hiện khoa đào tạo tăng lữ cho quân đội Nga đã được mở. Trước mắt có khoảng 300 thầy tu Chính giáo vào quân đội. Trong tương lai, quân số cha cố sẽ là khoảng hàng chục ngàn (theo các báo Nga).

Học giả Nga cũng nhận thấy sự có mặt của các cha cố trong quân đội “ăn nhập” hơn với học thuyết “Nền dân chủ có chủ quyền” của chính quyền Putin. Vì nước Nga xưa nay vẫn được cai trị bởi chế độ chuyên quyền (authoritarianism) ở các mức độ khác nhau, đồng thời mức độ chuyên quyền càng cao thì vai trò của giáo quyền lại càng rõ nét hơn (báo Nezavisimoe ngày 24-7-2009 lý giải). Nhưng các báo Nga không nghĩ rằng bước đi này của chính quyền là không mạo hiểm.

Khi Marx nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, hẳn Người mới chỉ ra tác động của nó như là nguồn an ủi. Nhưng nếu Kremli thành công trong việc dùng tôn giáo như công cụ để giành lại vị thế siêu cường thì thuyết “Nền dân chủ có chủ quyền” rõ ràng có tính sáng tạo.

Nhưng như cổ nhân đã từng tổng kết: con chiên phải tình nguyện đến với đức tin, chứ không thể đem tín điều ràng buộc trái tim, khối óc nhân gian…

Mặt khác, khi người Nga được xem không hẳn là sùng đạo, mà huyền bí, thì chiêu thức “cái mới là cái bị quên lãng từ lâu” này có thẻ xem như không khó hiểu. Nó thể hiện điều mà Matxcơva đang hướng đến, không phải là khoa học, công nghệ hay kinh tế, mà là tinh thần dân tộc sẽ là bệ phóng đưa Nga trở lại vị thế siêu cường./.

                                                                                                                                  

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513146

Hôm nay

2247

Hôm qua

2436

Tuần này

21083

Tháng này

220019

Tháng qua

121356

Tất cả

114513146