Gogol viết "Những linh hồn chết" sau hàng loạt truyện vừa viết về cuộc sống đương đại (tập hợp chủ yếu vào hai tập "Mirgorod" và "Arabeski" xuất bản năm 1835) và sau vở hài kịch nổi tiếng "Quan thanh tra" (1836). "Thật buồn chán ở trên đời này, các ngài ơi!" ("Skuchno na etom svete, gospoda!"), đó là nỗi buồn được thốt lên từ những trang truyện của Gogol, nó cũng tương tự như nỗi buồn của Pushkin trong "Evgeny Onegin", của Lermontov trong "Nhân vật của thời đại chúng ta", dẫu cho mỗi người đều có cách biểu hiện riêng. Gogol biểu hiện nó bằng cái cười trào phúng. Chủ đề "poshlost'" (sự dung tục, tầm thường) trong đời sống xã hội và trong mỗi cá nhân trở thành trung tâm chú ý của Gogol. Pushkin sinh thời đã đánh giá chính xác tài năng của Gogol: "Ông luôn nói với tôi, - Gogol kể lại. - rằng không có một nhà văn nào có cái tài vạch ra một cách rõ ràng cái dung tục tầm thường (poshlost) của cuộc sống như thế, mô tả với một sức mạnh như thế cái dung tục tầm thường của con người tầm thường dung tục (poshlost poshlogo cheloveka), làm cho tất cả cái vụn vặt nhỏ mọn vốn không ai để ý bỗng trở nên to lớn trước mắt tất cả mọi người"[1]. Đó chính là một trong những đặc điểm của văn học hiện thực Nga, đặc biệt trong văn xuôi hiện thực thế kỷ XIX. Các truyện của Gogol phơi bày sự trống rỗng, vô nghĩa bao trùm lên cuộc sống những người quý tộc tỉnh lẻ, những công chức thành thị -vốn là những nhân vật tiêu biểu của Gogol-, và cuộc sống của những con người đó đã bị thay thế bằng sự tồn tại vật chất tầm thường.
Trong truyện "Ivan Ivanovich cãi nhau với Ivan Nikiforovich như thế nào", hai người hàng xóm vốn là bạn chí thân, chỉ vì một người gọi người kia là "con ngỗng" mà thù hận nhau, kiện tụng nhau đến tận cuối đời.
Tác phẩm "Cái mũi" kể lại câu chuyện cái mũi của anh công chức Kovalev tự dưng rời khỏi mặt anh ta để chu du khắp nơi trong thành phố. Đặt câu chuyện kỳ lạ đó vào bối cảnh cuộc sống thường nhật - đó là cách để Gogol phơi bày cái phi lý của cuộc sống vốn được coi là "bình thường". Sự tham gia của cảnh sát, của tòa báo, của bác sĩ vào cuộc tìm kiếm cái mũi cho thấy sự tồn tại của tất cả những cơ quan, những con người rất hiện thực đó hóa ra lại còn phi lý hơn cả việc cái mũi biến thành ông quan cố vấn cao cấp. Còn bản thân nhân vật Kovalev, sự cố xảy ra với chiếc mũi cho thấy rõ một điều: những con người như anh ta chỉ là những kẻ hèn mạt, tầm thường núp đằng sau chiếc mũi của chính mình.
Nổi bật nhất trong các truyện vừa của Gogol là "Chiếc áo khoác", tác phẩm phôi thai một chủ nghĩa hiện thực sống động mà về sau sẽ được phát triển mạnh mẽ trong văn học Nga. Đó là câu chuyện về một người công chức cả đời cặm cụi say sưa với công việc sao chép giấy tờ trong một công sở. Ước muốn lớn lao nhất của bác ta là có được một chiếc áo khoác tử tế, và để đạt được ước muốn đó, bác phải làm việc cật lực và tằn tiện hết mức, thế nhưng chiếc áo vừa mới được mặc trong ngày đầu tiên đã bị cướp đi mất. Cuống cuồng, tuyệt vọng, bác cầu cứu sự giúp đỡ, song chỉ nhận được sự nhạo báng của cảnh sát và cơn thịnh nộ sấm sét của viên quan "tai to mặt lớn". Người công chức phát bệnh và lặng lẽ chết, không ai hay biết, nhưng con ma mà bác ta hóa thành thì gây kinh sợ cả thành phố. Kiểu nhân vật công chức nghèo khổ như Akaky Akakyevich - "con người nhỏ bé" - không phải là mới mẻ trong văn học, có thể gặp trong sáng tác của Dickens, của Balzac; ở Nga trước Gogol có Pushkin đã từng đề cập. Tuy nhiên, Gogol đã đẩy quá trình mất nhân tính nơi con người đến cực điểm khi tạo nên một nhân vật mà mọi niềm vui chỉ ở khối lượng giấy tờ được cấp trên giao cho chép, và mối tình duy nhất trong đời là với cái áo khoác. Một con người với cuộc đời như vậy chỉ là bóng ma, và chỉ khi chết rồi bác ta mới có được một chút sự sống.
Trong các truyện của Gogol, ranh giới giữa hiện thực và phi hiện thực thường bị xóa nhòa, tạo thành một thế giới tranh tối tranh sáng, trong đó ma quỷ hóa thành người, người hóa thành ma quỷ. Sức mạnh của quỷ, hay sức mạnh của cái xấu, cái ác, của cái vật chất tầm thường dung tục đã và đang hủy hoại con người, biến họ thành những thân thể sống chứa bên trong những linh hồn đã chết. Đó cũng là điều đã dẫn Gogol đi đến việc sáng tạo tác phẩm tiểu thuyết quan trọng nhất của mình.
Cốt truyện "Những linh hồn chết" là do Pushkin gợi cho Gogol. Tuy nhiên, dựng lên tác phẩm như thế nào lại là cả một quá trình dài lâu, đầy trăn trở của bản thân Gogol. Trong "Tự thú của tác giả", nhà văn viết: "Tôi bắt đầu viết khi chưa hề xác định được một dàn ý nào cả, chưa biết được nhân vật sẽ như thế nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là một kế hoạch nực cười được thực hiện bởi anh chàng Chichikov, bản thân nó sẽ dẫn dắt tôi tới những con người và những tính cách khác nhau."[2]Ban đầu, Gogol chủ yếu định khai thác cốt truyện Pushkin gợi lên theo hướng trào phúng. Trong bức thư gửi Pushkin ngày 8 tháng 10 năm 1835, ông viết: "Tôi bắt đầu viết "Những linh hồn chết". Cốt truyện sẽ kéo dài trong một tiểu thuyết dài, và có lẽ sẽ rất nực cười."[3]
Sau khi viết được vài chương đầu của tiểu thuyết, Gogol bỗng dừng lại và bắt tay vào sáng tác vở hài kịch "Quan thanh tra", viết về một nhân vật tên Khlestakov đang hết tiền thì được mọi người nhận nhầm là quan thanh tra - một cơ hội tốt để hắn kiếm lợi: các quan chức trong thành phố thi nhau đến hối lộ, viên thị trưởng mời hắn đến nhà tiếp đãi ân cần, hứa gả con gái; sau khi Khlestakov đi khỏi, sự thật mới được sáng tỏ, đúng lúc đó quan thanh tra thực sự tới. Vở hài kịch này có tác động rất lớn, nếu không nói là có ý nghĩa quyết định, đối với "Những linh hồn chết": nó làm thay đổi rất nhiều trong ý đồ sáng tác của nhà văn, từ đó dẫn đến việc thay đổi thể loại của tác phẩm: "Những linh hồn chết" trở thành một tiểu thuyết - trường ca. "Quan thanh tra" được viết năm 1835, và xuất hiện trước công chúng một năm sau đó. Nó được coi là một tác phẩm vĩ đại của nền kịch Nga, cùng với nó Gogol nổi danh là nhà hiện thực thiên tài trong việc khám phá và đả kích cái ác trong đời sống xã hội. Với "Quan thanh tra" lần đầu tiên nhà văn viết với mong muốn làm rung chuyển xã hội, đánh thức những tình cảm ghê sợ, kinh tởm đối với những hiện tượng tồi tệ, đê hèn được mô tả trong vở hài kịch. Ấn tượng mà vở hài kịch gây nên càng củng cố trong Gogol ý tưởng: thiên chức cao cả nhất của văn học là trực tiếp tham gia phục vụ xã hội. Ý thức đó đã chi phối nhà văn trong suốt quá trình sáng tác "Những linh hồn chết". Kinh nghiệm của "Quan thanh tra" đã chỉ ra cho Gogol một điều quan trọng: tác phẩm gây được hiệu quả hơn cả là tác phẩm, trong đó sự phê phán, đả kích thói hư tật xấu phải kết hợp hài hòa với việc mô tả những khía cạnh tốt, tích cực của con người Nga. Ông viết: "Sau "Quan thanh tra", tôi cảm thấy rõ hơn bao giờ hết cái nhu cầu được sáng tác một tác phẩm đầy đặn, trong đó không chỉ có cái cần phải cười."[4]Nhà văn hướng đến tiểu thuyết "Don Quixote" của Cervantes, đến "Thần khúc" của Dante, đến "Iliad" và "Odyssey" của Homer như những hình mẫu để noi theo. Càng ngày, từ câu chuyện chuyến phiêu lưu của anh chàng Chichikov đầy mánh lới mưu mô, Gogol càng phát hiện ra nhiều ý tưởng sâu sắc. Nhà văn cũng khao khát viết được một tác phẩm mà "cả nước Nga hiện ra trong đó"[5].
Khi mới bắt đầu sáng tác "Những linh hồn chết", Gogol hình dung đó sẽ là một tiểu thuyết, nhưng khi phạm vi của tác phẩm đã được xác định, nhà văn đi đến kết luận là nội dung đó không thể đặt vừa vào trong khuôn khổ của một tiểu thuyết. Ông viết cho người bạn của mình, M.Pogodin, về tác phẩm: "Cái mà tôi đang ngồi viết hiện nay, đã nghĩ về nó từ lâu và còn sẽ tiếp tục nghĩ, là một cái không giống truyện vừa, không giống tiểu thuyết, nó sẽ rất dài, vài tập, tên gọi của nó là "Những linh hồn chết", đấy là tất cả những gì bạn tạm thời cần biết về nó. Nếu như Chúa giúp tôi hoàn thành trường ca của tôi như cần phải có, thì đó sẽ là tác phẩm tử tế đầu tiên của tôi."[6]Và như thế, mặc dù có những thay đổi trong quá trình sáng tác, mặc dù thái độ của nhà văn đối với đứa con này cũng thay đổi rất nhiều, nhưng ông cho đến cuối đời vẫn xác định "Những linh hồn chết" là một trường ca.
Tên gọi "trường ca" đã gây ra những tranh cãi ngay từ khi tác phẩm mới ra đời. Có người cho rằng đó là trò đùa của Gogol, cũng có người nhìn thấy trong tên gọi đó ẩn nhiều ý nghĩa hài hước. Tuy nhiên nhà phê bình V.Belinsky trong những nhận xét đầu tiên về tác phẩm lại viết: "Nhiều người trong chúng ta hiểu cái"hài hước" và "châm biếm" như sự đùa bỡn, như bức biếm họa, - và chúng ta cũng tin rằng nhiều người, với nụ cười ranh mãnh và thỏa mãn vì trí tuệ mẫn tiệp của mình, sẽ nói và viết một cách nghiêm túc rằng Gogol đã gọi đùa tiểu thuyết của mình là trường ca... Chính thế đấy! Bởi Gogol là một người nổi tiếng thích đùa và sắc sảo, và cái con người ấy mới nhộn làm sao, ôi trời ơi! Bản thân mình thì cười không ngớt và còn làm người khác buồn cười!.. Chính thế đấy, các người đã đoán ra rồi, thông minh thật... Còn với chúng tôi, không cho rằng mình có quyền viết về tính cách riêng của nhà văn còn đang sống sờ sờ ra đó, chúng tôi chỉ thấy rằng Gogol không đùa khi gọi tiểu thuyết của mình là trường ca và ông cũng không nghĩ nó là một trường ca hài hước. Cái đó không phải tác giả nói với chúng tôi, mà là quyển sách của ông ấy nói. Chúng tôi không thấy có gì đùa bỡn và đáng cười ở trong đó, không thấy trong bất cứ một từ nào của tác giả có ý định gây cười cho độc giả: tất cả đều nghiêm túc, bình thản, chân thực và sâu sắc."[7]Belinsky cho rằng tên gọi "trường ca" gắn với nội dung của "Những linh hồn chết" và thể hiện nét đặc thù của nó. Nét đặc thù đó là "một sáng tạo hoàn toàn Nga, đầy tính dân tộc, rút ra từ cái kho bí mật của đời sống nhân dân, chân thực và đầy tinh thần yêu nước..."[8]Sự kết hợp hài hoà giữa việc vạch trần hiện thực đen tối của nước Nga với tình yêu mãnh liệt đối với dân tộc Nga chính là nét đặc thù trong nội dung của "Những linh hồn chết". Cảm hứng trữ tình, thể hiện ý thức dân tộc thiêng liêng đã biến tiểu thuyết thành trường ca.
Bản thân Gogol cũng bàn về vấn đề thể loại trong một khảo luận chưa hoàn tất của mình có tên "Sách giáo khoa văn học" viết vào đầu những năm 40. Theo Gogol, trong thời đại của ông đã xuất hiện một thể loại mới, là mắt xích nối sử thi với tiểu thuyết mà ông gọi là "sử thi nhỏ". Đối tượng của sử thi là cuộc sống của toàn thể dân tộc, là cả một thời đại trong lịch sử nhân loại. Tiểu thuyết "không bao quát toàn bộ cuộc sống, mà chỉ một biến cố quan trọng trong cuộc đời, biến cố khiến cho cuộc sống được bộc lộ thật rõ ràng, cho dù chỉ trong không gian mang tính ước lệ"[9]. Còn sử thi nhỏ tạo nên "bức tranh chân thực toàn cảnh thời đại với những nét tiêu biểu được tác giả khắc họa, bức tranh trần thế, thâu tóm những cái thiếu, cái thừa, những tội lỗi và tất cả những gì nhà văn nhận thấy trong thời đại đó đáng để thu hút sự chú ý của bất cứ người đương thời có óc quan sát nào"[10].
Gogol phân biệt rõ ràng đối tượng mô tả của sử thi, tiểu thuyết và sử thi nhỏ như vậy, đồng thời cũng chỉ ra khác biệt trong xây dựng nhân vật. Nhân vật của sử thi là những "người trứ danh", nhân vật của tiểu thuyết có thể là bất cứ người nào, còn nhân vật của sử thi nhỏ thường là những "con người cá nhân bình thường, song lại hết sức có ý nghĩa trên nhiều phương diện"[11], có nghĩa là tạo nhiều khả năng quan sát, mô tả và khái quát cho nhà văn.
Trong sử thi, mối quan tâm chủ yếu không phải ở nhân vật, mà ở thế giới mà nhân vật là đại diện, "vì vậy sử thi là sáng tạo mang tính toàn thế giới"[12]. Trong khi đó tiểu thuyết lại quan tâm chủ yếu đến tính cách các nhân vật, được bộc lộ, phát triển thông qua hành động, sự kiện. Sử thi nhỏ chú trọng đến bức tranh chân thực đời sống xã hội trong một thời đại cụ thể, nó không mang tính "toàn thế giới" như sử thi, đồng thời cũng khác tiểu thuyết ở chỗ nó là "một tập hợp đầy đủ toàn vẹn những hiện tượng riêng tư tiêu biểu."[13]
Khi gọi tác phẩm của mình là trường ca, Gogol muốn xếp nó vào loại "sử thi nhỏ" với cách hiểu như trên. Sự phân chia thể loại và quan niệm của nhà văn như trên chưa hẳn là xác đáng và cũng chưa cho thấy được toàn bộ bản chất thể loại của "Những linh hồn chết". Tuy nhiên, nó giúp làm sáng tỏ được nhiều điều về ý đồ sáng tác của Gogol, đồng thời phần nào phản ánh tình hình phát triển của tiểu thuyết Nga thời đại ông đang sống. Belinsky thời gian này cũng đã nói đến tiểu thuyết như "sử thi của thời đại". Sang thập niên 40, tiểu thuyết đã thực sự chiếm ưu thế trong đời sống văn học, các tiểu thuyết gia muốn mở rộng quy mô của nó, nâng tầm cao của nó. Bằng cách kết hợp những yếu tố của sử thi, của thơ ca, của kịch vào tiểu thuyết, họ đã tạo ra một thể loại mang tính chất tổng hợp. Trong "Những linh hồn chết", điều này thể hiện ở chất trữ tình bao trùm toàn tác phẩm, sự can thiệp trực tiếp của tác giả vào kết cấu tự sự, sự phát triển đầy kịch tính của hành động, nhưng hơn tất cả là quy mô rộng lớn, bao quát, phổ biến của ý đồ tư tưởng.
Gogol dự định xây dựng tác phẩm theo mô hình "Thần khúc" của Dante. "Những linh hồn chết" sẽ gồm 3 phần: "Địa ngục", "Lò luyện" và "Thiên đàng".
Trong phần 1, nhân vật chính của "Những linh hồn chết", viên công chức đã thôi việc Pavel Ivanovich Chichikov, đến một thành phố tỉnh lẻ có tên NN, làm quen, kết thân với tất cả mọi người rồi sau đó ghé thăm các điền chủ địa phương với mục đích mua của họ "những linh hồn chết", tức những nông nô đã chết song vẫn phải trả tiền thuế thân vì chưa đến kỳ kiểm tra dân số. Những điền chủ Chichikov ghé thăm là anh chàng mơ mộng tẻ nhạt Manilov, bà góa keo kiệt đa nghi Korobochka, tay bợm rượu khoác lác hay gây sự Nozdrev, tên trọc phú thô lỗ Sobakevich, và lão hà tiện bẩn thỉu Plyushkin. Mua được khoảng bốn trăm "linh hồn", anh ta quay trở về thành phố để hợp thức hóa những giấy tờ mua bán. Người ta lầm tưởng anh ta là nhà triệu phú, song chuyện mua bán nông nô chết đổ bể, Chichikov vội vã rời bỏ thành phố. Những dòng hồi tưởng đưa người đọc trở về quá khứ của Chichikov: hai lần bị đuổi việc vì biển thủ công quỹ và tham nhũng, anh ta nảy kế hoạch mua nông nô chết rồi đem thế chấp vay tiền nhà nước qua ngân hàng.
Trong phần 2, Chichikov tiếp tục cuộc mua bán của mình, đồng thời dính vào những vụ lừa gạt khác nữa. Anh ta bị bắt, bị bỏ tù, rồi được một người bạn cứu vớt bằng cách hướng anh ta vào con đường lương thiện, đúng đắn. Gogol định sẽ theo nhân vật của mình cho đến ngày anh ta hoàn toàn được cải tạo.
Phần 1 của tiểu thuyết, tức câu chuyện về chuyến mua nông nô chết của Chichikov, trình diện công chúng Nga vào năm 1842. Phần 2 Gogol bắt tay vào viết ngay sau khi xuất bản phần 1, bản thảo bị nhà văn đốt hai lần, và đến cuối đời ông vẫn còn để dang dở. Phần 3 thì mãi mãi chỉ được biết đến như một dự định chưa bao giờ được thực hiện của nhà văn. Như vậy, nói đến tiểu thuyết "Những linh hồn chết" chủ yếu là nói đến phần đầu trong ý đồ sáng tác của nhà văn. Tuy nhiên, điều đó không hề làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tác phẩm, bởi bản thân phần 1 đã là một tiểu thuyết hoàn chỉnh, là nơi hút hết tinh lực tài năng của Gogol. Những trang tiểu sử của nhà văn cho thấy sau phần 1, Gogol không còn sáng tác được cái gì hơn thế nữa. Những chương còn lại của phần 2 "Những linh hồn chết " cũng cho thấy sự thua kém xa so với phần 1.
Đúng như ý định của Gogol, trong những trang "Những linh hồn chết" đều hiện lên những nét khắc họa nước Nga thời đại của Nikolai I: tình trạng sa sút của tầng lớp quý tộc chủ nô (không chỉ những quý tộc nhỏ, mà cả những đại quý tộc), sự phát triển hoạt động cầm cố bất động sản của ngân hàng càng làm tăng con số nợ nần và phá sản của quý tộc, ngân phiếu tín dụng được phát hành và lưu thông rộng rãi thay cho hệ thống tiền vàng trước đó cũng làm thay đổi rất nhiều đời sống kinh tế. Cho đến năm 1833 đã có đến gần bốn triệu nông nô, một thứ tài sản của quý tộc, đã được cầm cố trong các cơ quan tín dụng, ngân hàng khác nhau trên đất Nga.
Trong cuốn sách "Nước Nga năm 1839" (ba năm trước khi "Những linh hồn chết" ra đời), một du khách người Pháp, hầu tước de Custin viết: "Nước Nga được điều hành bởi tầng lớp công chức, những kẻ ngay khi còn trên ghế nhà trường đã chiếm giữ các chức vụ hành chính..."[14]Bản thân Nikolai I cũng phải thú nhận rằng đế quốc Nga nằm dưới sự điều khiển không phải của Nga hoàng, mà của những quan chức bàn giấy do chính ông ta bổ nhiệm. Những quan chức đó tụ tập đông đảo trong "Những linh hồn chết", tất cả đều làm công vụ, song tất cả đều chỉ nghĩ đến lợi ích riêng tư. Sự bành trướng của bộ máy nhà nước quan liêu kèm theo sự tốn phí ngân quỹ rất lớn. Ngoài tiền lương, những công chức có nhiều công lao còn có thể được ban đất đai, cho đến năm 1844 đã có hơn một triệu mẫu đất được giao cho công chức, và như thế đã hình thành một tầng lớp chủ đất chủ nô mới với mọi đặc quyền đặc lợi như quý tộc. Chichikov, một công chức tầm thường không lập được công trạng gì, bị sa thải một cách nhục nhã khỏi công sở, đã mưu toan chen vào cái giới quý tộc công chức đó với kế hoạch mua nông nô chết của mình.
Bộ máy nhà nước Nga cồng kềnh, quan liêu đã tạo nên một tình trạng phạm pháp và những tệ lậu quái gở ngay chính trong giới công chức. Herzen trong bài báo "Về sự phát triển những tư tưởng cách mạng ở Nga" đã viết: "Giữa giai cấp quý tộc và nhân dân là một bọn lưu manh gồm những quý tộc công chức - một giai cấp đã bán rẻ, đã mất đi nhân phẩm con người. Trộm cắp, hành hạ, chỉ điểm, say nghiện và bài bạc, bọn chúng đã và đang là biểu hiện rõ ràng nhất của sự nô lệ trong đất nước... Những công chức hoàn toàn tùy tiện bóp méo luật pháp, mỗi người theo ý của mình..."[15]
Trong "Những linh hồn chết", Gogol đã xây dựng một hình tượng nhân vật công chức điển hình của thời đại là Chichikov. Chichikov hội đủ tính chất của những nhân vật công chức trước đó của Gogol: nhẫn nại như Akaky Akakyevich trong "Chiếc áo khoác", ham danh lợi như Kovalev trong "Cái mũi", ranh ma, mánh lới như Khlestakov trong "Quan thanh tra"... Tuy nhiên, Chichikov không hèn mọn đáng thương như Akaky, không lố bịch như Kovalev, cũng không hời hợt như Khlestakov. Anh ta từ nhỏ đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ bởi ý tưởng: "Mọi thứ đều có thể làm và đạt được bằng đồng kopeck"[16]. Anh ta tằn tiện, sẵn sàng từ bỏ mọi nhu cầu, mọi thú vui để dành dụm từng đồng tiền, tận dụng mọi cơ hội để thăng tiến, trong công việc tìm mọi cách để thu lợi cho mình. Trong cương vị công chức nhà nước, Chichikov đã học một cách cẩn thận chu đáo cách lừa đảo nhà nước để tìm danh lợi, để chui vào tầng lớp điền chủ quý tộc. Gogol gọi Chichikov là "ông chủ - kẻ sở hữu" (khozain - priobretatel), đúng hơn là kẻ có tham vọng và tìm mọi cách để trở thành "ông chủ - kẻ sở hữu".
Phi vụ mà Chichikov thực hiện là một hành động lừa đảo, đồng thời cũng lại là một hành động hoàn toàn hợp pháp. Nông nô được coi là một món hàng được phép mua bán, các điền chủ sẵn sàng nhượng quyền sở hữu đối với những nông nô đã chết giữa hai kỳ kiểm tra dân số cho Chichikov với giá rẻ mạt anh ta đưa ra, thậm chí cho không (bởi vì thực chất những nô lệ đã chết nào còn giá trị gì đối với công việc của chủ nô). "Ta cứ viết là họ còn sống" - Chichikov thỏa thuận với các chủ nô khi làm giấy tờ mua bán, và anh ta hoàn toàn có quyền làm như vậy, bởi kỳ kiểm tra dân số tiếp theo chưa tới, những người chết trên giấy tờ vẫn đang được coi là còn sống. Chichikov tuyên bố: "Tôi vốn quen không bao giờ vi phạm những luật pháp của nhà nước... Tôi luôn sợ hãi câm lặng trước pháp luật". Lời tuyên bố của Chichikov còn có nghĩa là: pháp luật nhà nước đã câm lặng sợ hãi trước những kẻ gian manh như anh ta.
Khác với một tiểu thuyết thông thường, những thông tin về nhân vật chính trong "Những linh hồn chết" không được đưa ra ngay từ đầu tác phẩm. Chichikov xuất hiện một cách lặng lẽ: "Một cỗ xe ngựa khá đẹp đẽ, không lớn lắm cập cổng khách sạn của thành phố tỉnh lẻ NN. Những ông độc thân - như các vị đại tá về hưu, các ông đại úy, các điền chủ có gần trăm nông nô, nói tóm lại là những quý ông được coi là thuộc hạng trung lưu- thường đi trên những cỗ xe như vậy. Ngồi trên xe là một quý ngài không thuộc loại điển trai nhưng cũng không xấu mã lắm, không quá béo cũng không quá gầy; không thể bảo anh ta già, song cũng không nói anh ta trẻ được. Sự xuất hiện của anh ta hoàn toàn không làm ồn ào gì trong thành phố, không gây ấn tượng gì cả". Không một thông tin gì về anh ta, ngoài một mẩu giấy anh ta viết cho người phục vụ khách sạn để phòng khi cần trình cảnh sát:“Cố vấn học viện Pavel Ivanovich Chichikov, điền chủ, dùng trong những trường hợp cần thiết". Tuy nhiên những dòng chữ đó cũng rất đáng ngờ.
Dường như tác giả cố che dấu những hoàn cảnh cụ thể về nhân vật để tạo sự cuốn hút đối với độc giả. Nhưng có lẽ không chỉ là như vậy. Chichikov thực sự là một kẻ thiếu cá tính, không có bản sắc. Như một con kỳ nhông thay đổi màu da theo hoàn cảnh, Chichikov dường như hòa lẫn với thành phố NN (một thành phố mà về nó, cũng như về nhân vật Chichikov, không có một thông tin cụ thể nào), để thích ứng với cái bền chắc và cái mỏng manh của nó, để hòa hợp được với những con người ở đó, với ngài thị trưởng ("người cũng giống Chichikov, không béo cũng chẳng gầy"), với các quý ông gồm những người béo, những người gầy và những người không quá béo cũng chẳng quá gầy mà Chichikov gặp gỡ trong vũ hội tổ chức ở nhà ngài thị trưởng.
Thành phố tỉnh lẻ NN. đã từng được nói đến trong hài kịch "Quan thanh tra" - đó là thế giới của những kẻ công chức lộng hành. Đối với Gogol, những thành phố tỉnh lẻ đó là trung tâm sự điên rồ của con người. Những con đường lát đá, những ngôi nhà, khách sạn, những công sở, những cuộc gặp gỡ, ăn uống, bài bạc, vũ hội và đủ loại chuyện đàm tiếu, ... - tất cả những cái đó được mô tả một cách hài hước, cường điệu, song cũng lại đầy chất hiện thực. Sự tồn tại của thành phố NN. có vẻ như hơi kỳ quái, đó là do một phương cách mô tả rất tiêu biểu nơi Gogol: hòa lẫn chất hiện thực nghiêm ngặt đến từng chi tiết với chất phi lý, phi hiện thực.
Chất trào phúng bao trùm "Những linh hồn chết". Có những nhà phê bình cho rằng cái trào phúng của Gogol là một cách bộc lộ những ẩn ức của nhà văn, là một dạng thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn một cách vô thức, một cách bù đắp một cách vô thức những khiếm khuyết trong cuộc đời riêng của nhà văn. Cách lý giải này không thể hoàn toàn đáng tin cậy và đã từng nhận được những phê phán chỉ trích. Tuy nhiên, với những ý kiến ở một cực khác, cho rằng "Những linh hồn chết" là sự tấn công vào chế độ chiếm hữu nông nô ở Nga, thì cũng cần có sự xem xét lại. Mặc dù xuyên suốt tiểu thuyết là câu chuyện mua bán người bẩn thỉu (thậm chí là mua bán những người đã chết), qua đó có thể thấy được cái thối nát, vô nhân đạo của chế độ đó, song bản thân Gogol không phải là một nhà văn có tư tưởng dân chủ, cách mạng. Ông đơn giản xem chế độ nông nô như một hiện thực của cuộc sống Nga.
Đối tượng châm biếm đả kích của Gogol là thế giới của những quý tộc điền chủ với cách sống, cách quản lý công việc cẩu thả, thiếu thực tế, kém hiệu quả, là thế giới công chức với căn bệnh tham nhũng, thói trưởng giả học làm sang, phô trương và đạo đức giả.
Phần chính của tiểu thuyết mô tả chuyến đi của Chichikov qua các vùng quê, đến nhà của năm điền chủ quý tộc để thực hiện việc mua nông nô chết. Gogol trong chương VII đã giải thích cho độc giả rằng có hai loại nhà văn: một loại trở nên nổi tiếng nhờ xây dựng ra những tính cách là hiện thân cho những phẩm chất cao đẹp của con người, nhưng họ cũng đồng thời đã "che mắt độc giả bằng làn khói ảo tưởng, dấu giếm đi mặt xấu và chỉ bày ra cái tốt, cái đẹp của con người". Còn loại thứ hai, trong đó có Gogol, là những nhà văn "dám cả gan mở ra trước mắt mọi người tất cả những điều nhỏ mọn nhớp nhúa bao quanh cuộc sống của chúng ta", tập trung vào mô tả những tính cách đời thường đa dạng, phức tạp, và tự đáy sâu tâm hồn phải chiếu sáng cái bức tranh được vẽ nên từ cuộc sống ảm đạm đó, biến nó thành "viên ngọc sáng tạo". Gogol đã kết luận rằng đi theo những nhân vật như vậy để khám phá tất cả sự vận động của cuộc sống, " khám phá cuộc sống qua tiếng cười mà mọi người đều có thể sẻ chia và qua những giọt nước mắt mà chẳng ai biết hay nhìn thấy" - đó chính là số phận của ông.
Gogol đã biến năm nhân vật điền chủ quý tộc trở thành những "viên ngọc sáng tạo" nhờ vào sức mạnh nghệ thuật của mình.
Manilov, người điền chủ đầu tiên Chichikov đến thăm là một con người đa cảm và ngọt ngào như đường. "Anh ta có nụ cười đầy quyến rũ, mái tóc vàng và đôi mắt xanh lơ. Vào phút đầu tiên vừa bắt chuyện với anh ta, bạn không thể không nói: "Một con người dễ thương và tốt bụng làm sao!", bạn sẽ lặng im ở phút tiếp theo, còn đến phút thứ ba thì thốt lên: "Có quỷ biết cái gì thế này!" và bỏ đi, còn nếu như không bỏ đi được, bạn sẽ cảm thấy chán ngán kinh khủng".
Trong cái vẻ bề ngoài dễ thương ngọt ngào ấy là một sự lười biếng, trống rỗng. Manilov là con người không có lấy một niềm say mê nào cả, suốt ngày chỉ lặng lẽ trầm ngâm suy tư, song "anh ta nghĩ cái gì thì may ra chỉ có Chúa mới biết". Công việc quản lý điền trang hoàn toàn bị bỏ bê. Trong phòng làm việc lúc nào cũng có một quyển sách luôn được đánh dấu ở trang mười bốn mà anh ta thường xuyên đọc song đã hai năm rồi chưa xong. Phòng ở hầu như chẳng có thứ đồ gỗ nào, cho dù những lời hẹn cương quyết đã được nói từ những ngày đầu mới cưới vợ: "Em yêu ạ, ngày mai mình phải chạy thu xếp cho căn phòng này có ngay vài thứ đồ gỗ". Được cái vợ chồng nhà Manilov rất hợp nhau. Sau tám năm chung sống họ vẫn giữ những thói quen lãng mạn như nói với nhau những lời âu yếm nũng nịu, tặng cho nhau trong dịp sinh nhật những món quà bất ngờ như cái túi đựng bàn chải đánh răng có đính cườm, hoặc thường xuyên khi cùng ngồi bên nhau trên đi văng bỗng chẳng biết vì lý do gì mà ôm hôn nhau lâu đến độ trong thời gian đó có thể hút xong một điếu thuốc. Đó quả là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Tất nhiên cũng phải nói là trong nhà còn có trăm thứ việc khác ngoài những món quà bất ngờ và những nụ hôn, nhưng tại sao những bữa ăn được nấu nướng rất cẩu thả, kho thức ăn trống rỗng, mụ quản gia thì ăn cắp như ranh và những người hầu ai nấy đều bẩn thỉu, nghiện ngập,... - đó là những vấn đề tủn mủn, thấp kém mà một người phụ nữ có giáo dục như vợ Manilov không phải quan tâm. Đối với nàng chỉ có ba điều quan trọng: nói tiếng Pháp để bảo đảm cho hạnh phúc gia đình, chơi đàn piano để đem lại cho chồng những giây phút thư thái dễ chịu, và đan lát những món quà bất ngờ như cái bao cườm đựng bàn chải đã nói ở trên.
Chichikov đến nhà Manilov và được đón tiếp thật vồn vã, nhiệt tình. Nhưng đến khi bàn vào công việc, mục đích chuyến đi của Chichikov, thì Manolov sửng sốt:
"- Sao cơ? Xin thứ lỗi... tôi hơi bị ù tai, tôi vừa nghe thấy một từ quá kỳ lạ...
- Tôi muốn có những linh hồn chết... hơn nữa phải những đứa trong danh sách điều tra vẫn được xem là còn sống, - Chichikov nói.
Manilov lập tức há mồm đánh rơi cả tẩu thuốc xuống đất, và cứ há mồm ra như thế đến mấy phút đồng hồ".
Manilov không chỉ hơi lãng tai, mà còn hết sức lạc hậu so với cuộc sống xung quanh anh ta. Nếu không, anh ta đã không ngạc nhiên trước sự kết hợp kỳ lạ giữa hai khái niệm: linh hồn (hay nông nô) và chết (dusha và myortvaya). "Những linh hồn chết" (tức những nông nô chết) là một cụm từ tiếng Nga rất phổ biến trong các loại giấy tờ thời bấy giờ, cũng như những cụm từ khác như: "điền trang gồm một ngàn linh hồn"- tức gồm một ngàn nông nô (imenie v tysyachu dush), "thuế linh hồn" - tức thuế thân, do nông nô phải đóng (podushnaya podat’),... Manilov ngạc nhiên vì không biết, và cho đến phút chót vẫn không hiểu cuộc thương lượng giữa anh ta với Chichikov là gì. "Manilov hoàn toàn hoang mang. Anh ta cảm thấy cần phải làm gì đó, phải đặt câu hỏi, nhưng câu hỏi thế nào thì có quỷ mới biết được". Một con người không thể nặn óc ra được câu hỏi, cũng không thể trả lời được cho những câu hỏi đơn giản nhất. Cuộc trò chuyện giữa Chichikov, Manilov và viên quản lý cho thấy điều đó :
"- Nghe này, anh bạn quý! từ dạo kiểm tra dân số tới giờ chỗ ta có mấy nông dân chết nhỉ ?
- Sao lại chỉ có mấy? Đến nay đã có khối người đã chết ấy chứ, - viên quản lý nói đến đó thì ngắc ngứ, khẽ lấy tay che miệng trông giống hệt như cái khiên.
- Phải, tôi cũng nghĩ như thế, - Manilov tiếp lời, - rất nhiều người đã chết! - Anh ta quay sang Chichikov và nói thêm. - Vâng đúng vậy, rất là nhiều.
- Thế khoảng bao nhiêu người?- Chichikov hỏi.
- Làm sao có thể nói số lượng được? Ngài cũng biết là chẳng ai đếm xem bao nhiêu đứa chết.
- Phải, chính thế, - Manilov nói với Chichikov, - tôi cũng cho rằng người chết rất nhiều, hoàn toàn chẳng rõ là bao nhiêu người chết".
Nếu không có viên quản lý, có lẽ Manilov không thể tự mình nói được một lời nào để đáp lại Chichikov trong cuộc đối thoại này.
Manilov cho không Chichikov những nông nô chết vì chưa bao giờ quan tâm đến sự tồn tại của người nông nô và giá trị của họ. Cũng như anh ta chẳng có một mối quan tâm thực sự nào đối với sự sống xung quanh. "Ôi! đó là cuộc sống trên thiên đường", Chichikov đã nói thế khi chia tay với vợ chồng Manilov. Một lời nịnh làm mát lòng chủ nhà, nhưng cũng là một sự châm biếm mà họ chẳng bao giờ có thể hiểu: những người như Manilov hiện hữu mà như không hiện hữu, sống mà như đã chết rồi.
Korobochka, điền chủ thứ hai mà Chichikov ghé đến lại là một tính cách hoàn toàn đối lập. Cái tên "Korobochka" nghĩa là "cái hộp nhỏ" phần nào nói lên tính cách của người đàn bà góa này. Đó là một kiểu bà già luôn "nghiêng đầu kêu than về mùa màng thất bát, thua lỗ, nhưng đồng thời lại tích cóp tiền trong những túi nhỏ sặc sỡ cất trong các ngăn kéo tủ. Một túi đựng toàn tiền rúp, túi khác là tiền năm mươi xu, túi thứ ba là tiền hai mươi lăm xu, mặc dù trông bên ngoài tưởng như trong tủ chẳng có gì ngoài những khăn trải giường, những áo ngủ, những ống chỉ, và cái áo khoác đã tuột chỉ dùng thay cho áo dài nếu cái áo cũ bị rách hay vì sao đó mà bị cháy trong khi nướng bánh mì ngày lễ. Nhưng cái váy đó chẳng cháy, cũng chẳng tự rách được: bà già vốn hà tiện, và cái áo khoác tuột chỉ sẽ cứ phải nằm mãi như thế, rồi sau đó được ghi vào chúc thư truyền lại cho đứa chắt gái nào đó cùng với đủ thứ đồ cũ khác".
Korobochka là một kẻ sùng đạo, mê tín, đa nghi và ngốc nghếch. Bà ta ban đầu sợ hãi khi nghe Chichikov đề nghị mua nông nô chết (vì tưởng phải đào mồ của họ lên). Bị đồng tiền hấp dẫn, song bà ta vẫn chần chừ chưa muốn bán. Sự chần chừ đó không phải vì sợ bị quỷ sứ trừng phạt (mặc dù bà ta chỉ cần nghe đến quỷ đã sợ phát run lên), mà chủ yếu là vì sợ bị lừa ("thứ hàng này lạ quá, tôi không biết bán"). Sau khi bán cho Chichikov mười tám nông nô chết với giá 15 rúp, bà ta mất ngủ ba đêm liền và sau đó quyết định lên tỉnh để đi hỏi giá nông nô chết để yên tâm rằng mình không bị thiệt trong cuộc mua bán đó, chính vì vậy đã góp phần làm lộ phi vụ bí ẩn của Chichikov.
Những quý tộc Chichikov gặp sau đó, mỗi người là một tính cách độc đáo. Nozdrev là một tên lưu manh huênh hoang khoác lác, Sobakevich là một con buôn chính cống, thô lỗ keo kiệt. Đặc biệt hơn cả là nhân vật Plyushkin. Gogol đã kế thừa Moliere, Balzac, Pushkin trong việc xây dựng hình tượng kẻ hà tiện, tuy nhiên kẻ hà tiện Plyushkin kinh khủng và quái dị hơn mọi kẻ hà tiện nào trên thế gian này. Sự quái dị đó trước hết ở ngoại hình: "Mặt lão ta không có gì đặc biệt: nó hầu như giống mọi khuôn mặt của những ông già gầy gò, chỉ có cái cằm là vươn ra quá xa về phía trước, đến nỗi lão phải lấy khăn tay che lên để khỏi khạc nhổ vào đó; đôi mắt nhỏ tí vẫn còn chưa bị toét nhoèn chạy ra từ đôi lông mày mọc cao, trông giống như đôi con chuột vừa thò những cái mõm nhọn ra khỏi hang tối, với đôi tai cảnh giác và hàng ria ve vẩy, chúng rình xem có con mèo hay thằng nhóc nghịch ngợm nào nấp đây đó không và hít ngửi không khí một cách đầy đa nghi. Y phục của lão còn đặc biệt hơn rất nhiều: không một phương thức, không một sự cố gắng nào có thể cho phép hiểu được chiếc áo dài của lão được chắp nối từ những thứ gì: hai ống tay áo và hai vạt trước lấm dầu mỡ và bóng đến độ trông giống như thứ da dùng để đóng ủng; phía sau lủng lẳng không phải hai mà là bốn cái đuôi áo, bông sợi từ trong đó tuột ra từng túm. Trên cổ lão cũng được buộc một cái gì đó khó mà xác định được: cái tất dài chăng, cái nịt tất chăng, hay là cái dải buộc bụng, nhưng dứt khoát không phải là cái cà vạt. Tóm lại, nếu như Chichikov gặp lão ăn mặc như thế ở đâu đó gần cửa nhà thờ thì có lẽ hắn đã cho lão một đồng xu". Thế nhưng Plyushkin không phải là kẻ ăn mày, mà là một quý tộc giàu có với hơn một ngàn nông nô. Nhà cửa, kho trại của lão chất ứ của cải, đồ đạc, nhưng lòng tham của lão thì vô đáy. "Lão hàng ngày vẫn đi khắp các con đường trong làng, xem xét dưới từng cây cầu, từng bậc thang và bất cứ cái gì lọt vào tay lão ta: miếng đế giày cũ, mảnh giẻ rách của mấy mụ đàn bà, cây đinh sắt, mảnh gốm vỡ – tất cả lão đều tha về nhà và xếp vào cái đống mà Chichikov thấy trong góc phòng. “Đấy lão bắt cá đang đi săn lùng đấy!” – những người muzhik bảo nhau khi thấy lão đi thu vét. Và thực tình là sau khi lão đi khỏi thì chẳng cần phải quét đường làm gì". Có thể nói, với nhân vật Plyushkin, Gogol đã mô tả sự thoái hoá, sa đọa của kẻ nô lệ vật chất, nô lệ đồng tiền, đến mức mất hết cả nhân hình, nhân tính. Trong quá khứ, lão từng là một địa chủ chí thú làm ăn, một ông chủ gia đình hạnh phúc, từng có vợ và hai cô con gái, một cậu con trai. Vợ chết, con gái lớn bỏ trốn theo một sĩ quan khinh kỵ, con gái thứ hai ốm chết, con trai phục vụ trong quân đội, thua bạc. Plyushkin mất vợ, từ chối cấp dưỡng cho những đứa con còn sống, và căn bệnh hà tiện ngày càng trở nên trầm trọng, biến lão dần trở thành một thứ thây sống. Chichikov đã chạy đến với Plyushkin như con quạ ngửi thấy mùi xác chết: ở điền trang của lão ta, nông nô chết như ruồi. Lão đã bán cho Chichikov những "linh hồn - nông nô chết" với giá 30 xu một linh hồn.
Hình tượng Manilov, Korobochka, Nozdrev, Sobakevich, Plyushkin còn có thể xem như biếm họa những thói xấu của giới quý tộc điền chủ mà Gogol từng biết. Mặc dù sự trào phúng, cường điệu được đẩy đến thái cực trong những bức chân dung, song đó không phải là những con rối, tính chất hiện thực vẫn hiện diện trong mỗi tính cách. Gogol không phải là người thích "len lỏi trong tâm hồn con người để tìm hiểu xem anh ta nghĩ cái gì" - điều mà Lermontov đã làm trong tiểu thuyết của mình, và sau này trở thành sở trường của Dostoevsky. Trừ một số ít ngoại lệ, có thể nói chủ nghĩa hiện thực của Gogol không phải nằm ở sự phân tích tâm lý, tình cảm con người. Để xây dựng nên những tính cách điển hình, Gogol đã dựa vào những chi tiết hiện thực. Sức mạnh hiện thực của Gogol chủ yếu là sức mạnh của các chi tiết, và không một nhà văn Nga nào, ngoại trừ Tolstoy, đã vận dụng chúng một cách phong phú và có hiệu quả như Gogol. Trong chương viết về Plyushkin, hơn một nửa số trang là dành cho việc mô tả tỉ mỉ lối vào điền trang, cảnh xóm làng và các khu vực phụ cận, bên ngoài và bên trong ngôi nhà của ông chủ, quần áo, bộ dạng, cử chỉ của bản thân ông chủ. Nhà văn đã dày công vẽ nên một bức tranh về sự phù hợp, tương xứng giữa tính cách của nhân vật Plyushkin với diện mạo bề ngoài của lão, với tất cả môi trường xung quanh lão.
Bút pháp hiện thực của Gogol thường xuyên trở nên sinh động hơn nhờ sự cường điệu trào phúng. Sau khi thoát được khỏi nhà Nozdrev, tim của Chichikov "đập phành phạch như con chim cun cút bị nhốt trong lồng". Nhân vật Sobakevich thì có một khuôn mặt được tạo hóa tạc bằng dao quắm "một nhát là thành cái mũi, một nhát nữa thành đôi môi, hai nhát đục kếch xù là khoét xong hai bộng mắt", còn "sắc mặt như sắc đồng năm kopeck đúc bằng đồng". Những tấm ván trên đường dẫn đến nhà Plyushkin thì "trồi lên tụt xuống như những phím đàn piano" khi Chichikov bước trên chúng.
"Những linh hồn chết"được xây dựng dưới dạng một tiểu thuyết phiêu lưu của một kẻ bịp bợm (picaresque novel). Đi theo Chichikov là hai đầy tớ xuất thân là nông dân: gã hầu Petrushka và gã đánh xe Selifan. Mối quan hệ giữa Chichikov với hai người đầy tớ khiến cho anh ta cảm thấy mình không phải chỉ sở hữu những nông nô chết, mà là ông chủ thực thụ của những nông nô sống. Mặc dù Petrushka và Selifan là hậu duệ của Sancho Panza (nhân vật đầy tớ trong "Don Quixote" của Cervantes), song tính cách, hành vi của họ hoàn toàn là của những nông dân Nga chính cống, và Gogol đã khắc họa với đầy tinh thần hiện thực, kèm theo chút hài hước trào phúng.
Yếu tố dị thường, chất trào phúng là một đặc tính của chủ nghĩa hiện thực, cũng đồng thời là cái gây sức hấp dẫn đặc biệt trong tiểu thuyết của Gogol. Cuộc sống được tái sinh trong "Những linh hồn chết", được khám phá qua tiếng cười và qua nước mắt. Mặc dù tinh thần trào phúng dường như chiếm ưu thế, nhưng đó chỉ là bề mặt, và bên dưới bề mặt đó là một nỗi buồn vô tận về cuộc sống Nga với sự tàn suy, bất công và trì trệ của nó. Hình ảnh cỗ xe tam mã phóng như bay ở cuối phần 1 tiểu thuyết đầy tính tượng trưng. Đó cũng là hình ảnh của nước Nga mãnh liệt đang lao về phía trước. "Nước Nga, người đi về đâu?" câu hỏi đó đối với Gogol, cũng như những con người thời đại ông, còn băn khoăn lo lắng chưa tìm ra lời giải đáp, nhưng với tình yêu và cảm quan của người nghệ sĩ, nhà văn tin rằng những chuyển động của nước Nga là hết sức quan trọng và hết sức to lớn, khiến cho "các dân tộc khác phải rẽ ra và nhường lối".
(Trích trong: Trần Thị Phương Phương, Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX, NXB Khoa học xã hội, 2005)
(*): N.V.GOGOL
1809 Sinh tại làng Sorochintsa, huyện Mirgorod, tỉnh Poltava, Ukraina, cha là điền chủ quý tộc người Cô dắc;
1828 Sau khi tốt nghiệp trung học, đến Petersburg để lập nghiệp
1829 Thất bại của tác phẩm đầu tay "Hanz Kuchelgarten", dưới bút danh V.Alov, xuất bản bằng tiền riêng; bỏ ra nước ngoài, định đi tận châu Mỹ, song tới Lubeck, một thị trấn ở Đức, thì lại trở về Nga
1829-1832 Làm công chức nhà nước, làm quen với một số nhà hoạt động văn học, trong đó có Zhukovsky và Pushkin, thành công của tập truyện viết về cuộc sống nông thôn Ukraina "Những buổi chiều ở gần ấp Dikanka"
1834-1835 Làm giáo sư phụ tá về môn lịch sử ở Đại học Tổng hợp Petersburg trong một thời gian ngắn; cho ra đời tập truyện "Mirgorod" và tập "Arabesques" (tạp bút, trong đó có ba truyện vừa "Bức chân dung", "Đại lộ Nevsky" và "Nhật ký người điên"); sáng tác hài kịch "Quan thanh tra", bắt đầu viết "Những linh hồn chết"
1836 Cộng tác với tờ tạp chí "Người đương thời" do Pushkin sáng lập; vở "Quan thanh tra" công diễn lần đầu ở Petersburg và Moskva với thành công lớn; rời Nga ra nước ngoài
1836-1848 Chủ yếu sống ở nước ngoài
1836-1839 Viết "Những linh hồn chết"
1842 Tập 1 của "Những linh hồn chết" được xuất bản
1847 Xuất bản "Những bức thư chọn lọc gửi bè bạn", Belinsky phê phán gay gắt tác phẩm này trong bức thư ngỏ gửi Gogol rất nổi tiếng (bức thư sau đó bị Nga hoàng cấm vì nội dung dân chủ cách mạng trong đó, nhưng vẫn được lưu hành bí mật; Dostoevsky đã đọc nó trong nhóm Petrashevsky, vì thế bị xếp vào phần tử lãnh đạo của nhóm này và bị bắt, kết án tù khổ sai)
1848 Hành hương đến Jerusalem
1848-1852 Trờ về Nga, hướng vào các hoạt động tâm linh
1852 Đốt bản thảo tập 2 "Những linh hồn chết", chỉ còn lại 6 chương ở dạng bản nháp. Qua đời vào đêm 21 tháng 2 năm 1852.
[1]Dẫn theo: Antokolsky P., Trường ca "Những linh hồn chết" (Bài giới thiệu cho tác phẩm Những linh hồn chết của Gogol), NXB Văn học nghệ thuật, Moskva, 1978, tr.4.
[2]Dẫn theo: Tamarchenko D.E. Iz istorii russkogo klassicheskogo romana (Từ lịch sử tiểu thuyết cổ điển Nga). NXB Viện Hàn Lâm Liên Xô, Moskva - Leningrad, 1961, tr. 109.
[3]Theo Tamarchenko D.E., Sđd, tr.109.
[4]Tamarchenko D.E., Sđd, tr.108.
[5]Trong thư gửi A.Zhukovsky ngày 12 tháng 11 năm 1836, Gogol viết: “Nếu như tôi hoàn tất được tác phẩm này như nó cần phải hoàn tất, thì sẽ là một câu chuyện vĩ đại làm sao, độc đáo làm sao!... Cả nước Nga hiện ra trong đó!” (Dẫn theo: Kuleshov V.I. Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Moskva, 2004, tr.303)
[6]Tamarchenko D.E ,Sđd, tr.110.
[7]Belinsky V.G. Toàn tập tác phẩm, tập 6, NXB Viện hàn lâm Liên Xô, Moskva, 1956, tr.220.
[8]Belinsky V.G. Sđd, tr.217.
[9]Theo Tamarchenko D.E., Sđd, tr.113
[10]Theo Tamarchenko D.E., Sđd, tr.113.
[11]Tamarchenko D.E., Sđd, tr.113.
[12]Tamarchenko D.E., Sđd, tr.114
[13]Tamarchenko D.E., Sđd, tr.114.
[14]Dẫn theo: Antokolsky P. Trường ca "Những linh hồn chết". Lời giới thiệu cho cuốn: Gogol N.V. "Những linh hồn chết", NXB Văn học nghệ thuật, Moskva, 1978, tr. 9.
[15]Dẫn theo Atonkolsky P. Sđd, tr.10-11.
[16]Caùc trích daãn taùc phaåm Nhöõng linh hoàn cheát trong baøi laáy töø: Gogol N.V. "Những linh hồn chết", NXB Văn học nghệ thuật, Moskva, 1978 (Baûn tieáng Nga, baûn dòch tieáng Vieät cuûa chuùng toâi).