Văn hoá học đường

Kant và bốn câu hỏi cốt lõi

Khi luồn cúi người khác thì bản thân kẻ được luồn cúi cũng chẳng ra gì, bởi cả hai đều chà đạp nhân phẩm (Kant). Nhân phẩm đòi hỏi phải có ý thức. Có ý thức mới có thể lựa chọn. Biết lựa chọn là tự do. Nhân phẩm-Ý thức-Tự do là tinh hoa của triết học Kant, cũng là linh hồn của giáo dục và sự khai minh đầu óc.

Xin hãy làm quen với Immanuel Kant (1724-1804). Tư tưởng giáo dục của ông - được môn đệ tập hợp lại từ các khóa giảng về giáo dục học mà chúng ta sẽ tìm hiểu - không thể so sánh với tư tưởng triết học của ông về bề rộng lẫn chiều sâu. Lý tưởng giáo dục hiện đại kết tinh trong ý tưởng về sự tự trị của mỗi cá nhân sẽ không thể hiểu được, nếu không được đặt vào trong toàn cảnh triết học của ông. Vì thế, ta không thể không nhắc qua hành trình tư tưởng khi giới thiệu đôi nét về cuộc đời.

CHÀNG ĐỘC THÂN "KHÓ TÍNH" ?

Kant sinh năm 1724 tại Königberg, thành phố miền Đông Phổ, nay là Kaliningrad thuộc Nga. Thành phố này hầu như bị tàn phá hoàn toàn vào cuối thế chiến 2, kể cả ngôi nhà nơi Kant sinh ra. Nay chỉ còn Bảo tàng Kant trong đại học và ngôi mộ nổi tiếng của ông đàng sau giáo đường đổ nát như là di tích tưởng niệm. Những trang tiểu sử về ông thường cho ta hình ảnh về một cuộc sống học giả khá đơn điệu, buồn tẻ, thiếu vắng những biến cố cá nhân:

-     xuất thân gia đình nghèo, nhưng may mắn được hưởng nền giáo dục chu đáo. Năm 16 tuổi, vào đại học, sau đó làm gia sư kèm trẻ. Tốt nghiệp, được làm giảng viên không lương, phải độ nhật nhờ chân phó thủ thư thư viện hoàng gia. Mãi đến năm 46 tuổi mới ổn định cuộc sống nhờ được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ. Từ đó, ông chỉ giảng dạy, viết sách (có lúc làm viện trưởng đại học) và mất năm 1804 với câu nói an nhiên lúc lâm chung giống như Nguyễn Du của chúng ta: "Thế là tốt!".

-     sinh ra, ăn học, làm thầy giáo và qua đời tại thành phố quê hương, không đến nơi nào khác, dù có nhiều lời mời. Sinh hoạt trọn đời theo một "thời khóa biểu" nghiêm ngặt của đời sống độc thân: dậy thật sớm, giảng bài cũng rất sớm để có thời gian viết sách. Đúng 4 giờ chiều, đi dạo, một mình, trên cùng một con đường. Dân thành phố cứ chờ ông ra khỏi nhà đi dạo để lên dây cót đồng hồ! (Chỉ hai lần ông trễ giờ: nhận được quyển Émile của Rousseau và nghe tin Cách mạng Pháp bùng nổ).

Hình ảnh khá buồn tẻ và nghiêm nghị này thật ra chỉ đúng một nửa! Kant suốt đời không ra khỏi thành phố quê hương và từ chối ghế giáo sư ở nhiều đại học khác còn có lý do khách quan: thành phố hẻo lánh ngày nay, vào thời Kant, không chỉ là kinh đô của Đông Phổ mà còn là trung tâm văn hóa và trí thức của khu vực nói tiếng Đức, lớn hơn cả Berlin. Quan hệ của Kant với thành phố phong nhã này còn là một quan hệ "thẩm mỹ", vì ta không quên rằng, bên cạnh một triết gia của lý tính, Kant còn là triết gia về sở thích, về trí tưởng tượng và sự lịch thiệp của đô thị. Điều này thể hiện ngay trong phong cách của ông, trái với hình dung thông thường: ăn mặc sành điệu, thông thạo các môn giải trí, vui vẻ và là khách mời được yêu chuộng trong các "phòng khách văn chương" danh giá nhất.

Ông cố ý chỉ dành buổi sáng cho công việc chữ nghĩa (giảng dạy và viết sách), còn cả buổi chiều để giao du thoải mái với bạn bè: buổi ăn trưa kéo dài, dịp để thưởng thức hương vị của thức ăn và rượu ngon, đàm đạo và cập nhật thông tin trên mọi lĩnh vực. Buổi tối đọc sách văn chương và du ký. Giai thoại cho biết ông am tường đến từng chi tiết những cây cầu trên dòng sông Seine hơn cả dân Paris!

Nhưng, chính đời sống tinh thần phong phú mới thật sự làm nên tên tuổi bất hủ của Kant.

Năm 1783, ông viết: "Chính David Hume [triết gia Anh] đã đánh thức tôi khỏi giấc ngủ giáo điều". Vì Hume là nhà hoài nghi, và, hoài nghi là khởi điểm của mọi sự phê phán. Ngoài Hume, còn có J. J. Rousseau và Pierre Bayles. Sự "thức tỉnh" của Kant, dưới ảnh hưởng của ba tác giả trên, bắt đầu từ 1760 và đã chuyển sự quan tâm của ông từ lĩnh vực khoa học tự nhiên (Kant vốn là nhà thiên văn học và toán học có tiếng) sang triết học và việc phê phán năng lực nhận thức nói chung. Sự hoài nghi không tự dưng mà có, nó cũng cần một cơ hội bên ngoài, thường là nỗi thất vọng lớn hay một thảm họa. Ngày 1.11.1755, một trận động đất đã tàn phá thành phố Lissabon (Bồ đào nha), một trong những trung tâm thương mãi lớn của châu Âu thời bấy giờ. 30.000 người mất mạng. Giống như nhiều thảm họa "phi lý" về sau, trận động đất Lissabon đánh một đòn mạnh vào phong trào Khai minh và lòng tự tin của châu Âu thế kỷ 18. Người ta gọi đó là "cái chết của lòng lạc quan". Từ đó nảy sinh một cách tiếp cận khác, một "diễn ngôn" mới: từ nay cần nghiên cứu thảm họa và nguy cơ: thay vì chỉ bàn về tội lỗi và trừng phạt, nghiên cứu về địa chất và địa tầng thay vì chỉ nói về cơn đại hồng thủy thần thoại. Nói cách khác, khai minh cần đi vào chiều sâu với tư duy và tri thức khoa học vững vàng.

TINH THẦN SOCRATES

Đối thủ chính yếu của Kant là cả hai phía cực đoan: thuyết duy lý giáo điều (tưởng rằng có thể dùng lý trí để giải thích mọi việc, kể cả cái siêu nhiên, vô hình) và thuyết hoài nghi giáo điều (không còn tin tưởng vào năng lực giải thích nào hết).

Kant cho rằng mục tiêu và phương pháp của thuyết hoài nghi giáo điều không thể bẻ gãy được thuyết duy lý giáo điều! Trái lại, theo ông, vấn đề là làm thế nào để ngay trong sự hoài nghi triệt để, vẫn có thể xây dựng được tri thức vững chắc. Nghi ngờ cách lý giải giáo điều của thần học, vẫn có chỗ dành cho đức tin; nghi ngờ sự "toàn tri" của giáo hội, vẫn có thể bàn về luân lý, đạo đức. Ở phương diện này, có thể so sánh Kant với Socrates cổ đại, một sự tương đồng mang ý nghĩa giáo dục và sư phạm học sâu sắc. Thời Socrates, đã từng có những nhà biện sĩ tài ba phá đổ tất cả, và Socrates là người đã nỗ lực đi tìm tri thức có giá trị phổ quát và cả những quy phạm không kém phổ quát cho hành động đạo đức. Một tình thế mới kiểu Socrates đang đặt ra cho Kant: vừa phải phá hủy, vừa phải cứu vãn để đưa khoa học tiến bước vững chắc lên một cấp độ mới mẻ.

Kant thừa biết đây là công cuộc suy tưởng hết sức nặng nề và phức tạp. Âm thầm ôm ấp mối hoài nghi từ năm 36 tuổi (1760), mãi hai mươi năm sau (1781), ông mới giải đáp được câu hỏi đầu tiên: "Tôi có thể biết gì?" bằng kiệt tác "Phê phán lý tính thuần túy". Và rồi còn ba câu hỏi lớn khác nữa cần được lần lượt giải đáp: "Tôi phải làm gì?"; "Tôi được phép hy vọng gì?", và, sau cùng quy về câu hỏi: "Con người là gì?".

Bốn câu hỏi nổi tiếng ấy của Kant sẽ là cái giá đỡ và nguồn dưỡng chất cho tư tưởng giáo dục và phương pháp giáo dục "khai minh" đúng theo nghĩa đen của từ này.

 

 Bài đã đăng Người Đô Thị, Bộ mới, số 16, 15.05.2014. Bản tác giả gửi VHNA 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441866

Hôm nay

2266

Hôm qua

2317

Tuần này

21770

Tháng này

217040

Tháng qua

112676

Tất cả

114441866