Văn hoá học đường

Vì sao quy định thi cử thay đổi xoành xoạch?

Đến tháng 4/2014, chỉ còn cách thời điểm thi tốt nghiệp khoảng 1 tháng, tất cả GV và HS THPT hết sức bất ngờ khi được thông báo Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi cấu trúc đề thi. Môn Ngữ văn có thêm nội dung thi “đọc –hiểu”, môn Ngoại ngữ bên cạnh phần thi trắc nghiệm có thêm phần thi viết. Đến nay, tất cả các GV và HS chưa hình dung được dạng câu hỏi cho phần thi “đọc – hiểu” của môn Ngữ văn “mặt ngang mũi dọc” ra sao, vì từ trước đến nay chưa bao giờ bắt gặp dạng đề này. Môn Ngoại ngữ cũng chưa biết tỷ lệ giữa thi viết và thi trắc nghiệm là bao nhiêu %, thời gian làm bài phân chia cụ thể ra sao. Các GV đều cho rằng Bộ GD-ĐT đã hành động có tính chất ngẫu hứng, tùy tiện khi bất ngờ “đánh úp” GV và HS bởi những qui định thay đổi xoành xoạch và tréo ngoe như vậy. Cũng trong năm 2014, Bộ GD – ĐT đã rút từ 6 môn thi tốt nghiệp thành 4 môn thi, trong đó có hai môn thí sinh được tự chọn. Trong kì thi tốt nghiệp năm 2013, sau sự kiện trường THPT Đồi Ngô (HS quay videp clip về hành vi tiêu cực trong thi cử của GV rồi phát tán lên mạng internet), Bộ GD – ĐT đã bất ngờ cho phép thí sinh được mang máy quay phim, chụp ảnh vào phòng thi. Nhưng đến năm 2014, qui định này lại bị bãi bỏ. Trước phản ứng mạnh mẽ của các trường ĐH ngoài công lập, từ năm 2014, Bô GD – ĐT cũng quyết định bỏ điểm sàn và phương thức thi “ba chung”, rào cản cuối cùng để ngăn các trường tuyển những HS quá yếu kém vào ĐH. Một thời gian dài cho phép sinh viên học các môn khoa học cơ bản được thi chứng chỉ sư phạm (để có thể ra làm GV), đến năm 2014, Bộ GD - ĐT cũng bất ngờ bãi bỏ qui định này.

Việc thay đổi các qui định về thi cử một cách ngẫu hứng và tùy tiện như trên của Bộ GD – ĐT đã gây nên nhiều khó khăn cho công tác tổ chức thi cử của các tỉnh. Hiện nay, các Sở GD-ĐT đang vắt chân lên cổ để tổ chức kì thi vì có quá nhiều điểm mới và phức tạp. Công tác dạy học, ôn thi tốt nghiệp, thi ĐH cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tâm lý người dạy và người học hoang mang. Thầy Trần Ngọc Hà, GV trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) bức xúc: “Đến nay, tôi cũng chưa hình dung được thế nào là dạng câu hỏi đọc – hiểu, nói gì học sinh. Thầy không hiểu dạng đề, thì biết dạy thế nào cho học trò. Nhiều học sinh hỏi tôi về dạng đề này, tôi cũng chịu không trả lời được, nên các em rất lo. Nếu thay đổi cấu trúc đề thi, sao không thông báo từ đầu năm, rồi tập huấn và nêu rõ dạng đề cho GV và HS có thời gian chuẩn bị?”.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên trước hết là tính thiếu ổn định của nền giáo dục: từ triết lý, cho đến mục tiêu, hệ thống các phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng như phương diện thông tin, thống kê. Công tác quản lý giáo dục, mà đại diện cao nhất là Bộ GD - ĐT rất yếu kém, ban hành các chính sách, qui định mang tính chất đối phó với dư luận chứ không dựa trên những khảo sát, nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Trước áp lực của các trường ĐH ngoài công lập, Bộ GD – ĐT buộc phải bỏ điểm sàn, do không chứng minh được hiệu quả thực tế của giải pháp này. Mặt khác, Bộ GD – ĐT cũng không lường trước được hậu quả/hệ quả của việc bỏ điểm sàn. Trước đây, Bộ GD- ĐT có qui định những HS kết quả học tập lớp 12 đạt loại giỏi và thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi sẽ được tuyển thẳng vào ĐH. Từ qui định này, xuất hiện tình trạng gian lận, làm giả hồ sơ, sửa điểm tràn lan, có nhiều HS được tuyển thẳng nhưng học lực yếu kém. Bộ GD – ĐT phải bãi bỏ qui định trên. Đến năm 2014, Bộ GD – ĐT lại bát ngờ ban hành qui định sử dụng điểm tổng kết của năm lớp 12 để xét kết quả tốt nghiệp. Vậy là các Sở GD – ĐT lại phải rất vất vả để đối phó với tình trạng nâng điểm vô tội vạ của GV. Tuy nhiên, theo một số quan chức ngành GD –ĐT, nếu như GV cố ý nâng điểm cho HS thì không thể kiểm soát được, nếu như không có sự phối hợp của học sinh, dư luận.

Một nguyên nhân nữa là vọng ngoại, vội vã làm theo cách của nước ngoài nhưng không có sự khảo sát, tính toán phù hợp. Do các kì thi PISA quốc tế có phần thi “đọc – hiểu”, nên một số chuyên gia của Bộ GD – ĐT đã tham mưu chuyển cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn có dạng câu hỏi này với mục đích “hội nhập quốc tế”. Song cho đến nay, ngay cả các chuyên gia này cũng chưa hình dung được sẽ chọn văn bản nào, đặt câu hỏi ra sao cho phù hợp. Lúc mới có ý tưởng, Bộ GD – ĐT nói rằng sẽ yêu cầu thí sinh “đọc – hiểu” những văn bản ngoài SGK, nhưng sau đó dư luận có nhiều ý kiến, Bộ GD – ĐT lại ban hành văn bản nêu rõ chỉ ra đề trong SGK.   

Công tác thông tin, thống kê yếu kém cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi các qui định về thi cử như cơm bữa. Trước thực trạng HS học hàng chục năm tiếng Anh mà không giao tiếp được, Bộ GD – ĐT đã bổ sung thêm phần thi viết vào môn thi này, so với thi trắc nghiệm 100% như những năm trước. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không đưa ra những số liệu, nghiên cứu thuyết minh cho sự thay đổi này, cũng như không biết được sự thay đổi này liệu sẽ đem lại hiệu quả ra sao.

Thiết nghĩ, phương pháp tổ chức một kì thi quốc gia cần có tính ổn định, và được xây dựng dựa trên nền tảng một triết lý giáo dục rõ ràng, thống nhất và các số liệu nghiên cứu, đánh giá, thống kê một cách bài bản, nghiêm túc và khoa học. Có thể coi phương pháp tổ chức kì thi quốc gia như một dự án, được xây dựng dựa trên các cứ liệu khoa học và được phản biện một cách kĩ lưỡng, thí điểm, tổng kết trước khi áp dụng. Quốc hội cần ban hành qui định thẩm quyền quyết định về tổ chức kì thi quốc gia thuộc Chính phủ, để tránh sự tùy tiện của Bộ GD – ĐT, gây khó khăn và xáo trộn cho nền giáo dục. Về lâu dài, cần cơ cấu lại hệ thống quản lý giáo dục, nếu không thì các qui định “sớm ban hành, chiều sửa đổi” sẽ còn tiếp tục./.                    

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558471

Hôm nay

269

Hôm qua

2384

Tuần này

22030

Tháng này

226014

Tháng qua

122920

Tất cả

114558471