Góc nhìn văn hóa

Chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế

Du khách trải nghiệm thực tế ảo tại quần thể di tích Cố đô Huế

Thừa Thiên Huế là vùng đất lịch sử, tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên các giá trị truyền thống đặc sắc. Văn hóa Huế hình thành và phát triển qua hơn 700 năm của Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế được gìn giữ và phát huy từ bao đời nay, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Huế sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO vinh danh, gần 1.000 công trình được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 3 di sản đã được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chuyển đổi số đã và đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh. Một số công trình thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng đã ứng dụng công nghệ 3D, như Đại Nội, lăng vua Tự Đức, cung An Định,... Riêng lăng vua Tự Đức được tập đoàn Google đưa vào ứng dụng Google Art and Culture - ứng dụng với công nghệ 3D tạo nên một bảo tàng trực tuyến cho phép người dùng có cái nhìn cận cảnh về kiến trúc nghệ thuật của các di sản trên thế giới. Triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác Model 3D và xoay 360 độ, phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số.

Ngoài tác dụng giúp di sản văn hóa Huế tồn tại trong không gian số, công nghệ 3D còn đưa việc số hóa dữ liệu di sản sang một giai đoạn mới, bởi với hệ thống dữ liệu chuẩn xác, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) đã tạo ra các trải nghiệm dựa trên việc mô phỏng hiện thực, từ đó cho phép du khách hòa mình, tương tác với đối tượng trong một không gian ảo nhưng giống như thật. Với sự ra đời của “Trung tâm Thông tin diễn giải lịch sử Hoàng thành Huế và Trải nghiệm thực tế ảo VR - Đi tìm Hoàng Cung đã mất”, nhờ đó khách tham quan trong và ngoài nước có thể chiêm ngưỡng Hoàng cung Huế từ phi thuyền trên cao, hoặc đi lại khắp Đại Nội Huế bằng máy chạy bộ tại chỗ. Ngoài ra, dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng các ngôn ngữ hiếm. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên web. Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện Scan, số hóa các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm với hơn 500.000 trang tư liệu Hán Nôm quý hiếm.

Ngoài ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nêu trên, vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn cũng được quan tâm triển khai nghiên cứu hiệu quả. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa khoa học và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ngày càng được quan tâm. Nghiên cứu khoa học để hiểu các tài liệu lịch sử và định hướng các cách thực hành bảo tồn, phát huy ngày càng được xem là một bước quan trọng để đảm bảo các kết quả lâu dài tích cực cho văn hóa. Sự phát triển của khoa học di sản được đặt trong sự tham chiếu cụ thể để công việc bảo tồn, phát huy được thực hiện một cách chuẩn xác, phù hợp nhất. Điển hình là di sản áo dài Huế. Kết quả nghiên cứu của dự án KH&CN cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế” cho sản phẩm áo dài tỉnh Thừa Thiên Huế” do Phòng Kinh tế thành phố Huế chủ trì thực hiện và đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài” do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện đã góp phần duy trì, tôn vinh và phát triển thương hiệu Áo dài Huế, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất phát triển nhằm góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà thiết kế trong lĩnh vực áo dài.

Bản thân áo dài Huế đã là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa thích. Đặc biệt, ngày 29/03/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, với 3 mục tiêu chung: Khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển Áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển. Khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là cơ sở pháp lý để Sở Văn hóa và Thể thao triển khai đồng bộ và đẩy mạnh công cuộc phục hưng áo dài truyền thống tại Cố đô Huế. Có thể nói, việc khai thác phát huy giá trị di sản áo dài Huế trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa là con đường bền vững để giữ gìn di sản trong cuộc sống đương đại, giúp cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Trong đề án “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam”, vấn đề chuyển đổi số và phát triển công nghiệp sáng tạo rất được quan tâm để bắt kịp xu thế thời đại. Chuyển đổi số không chỉ là việc sưu tầm, số hóa toàn bộ những thông tin về các mẫu mã áo dài, các kiểu dáng, hoa văn họa tiết, phụ kiện liên quan, mà còn nhằm phục vụ công tác quảng bá, phát huy giá trị một cách có hiệu quả nhất, đồng thời kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này phát triển (tiêu biểu là ngành thiết kế, thời trang, điện ảnh, quảng cáo...).

Ngày 06/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Hơn 4 năm sau, ngày 29/11/2013, Bộ VH,TT&DL ban hành Quyết định số 4227/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, do thời điểm quyết định được ban hành việc tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 còn có phần hạn chế, cho nên các vấn đề ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được đề cập đúng mức. Vì thế, các hạn chế này cần được bổ khuyết trong chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành văn hóa trong giai đoạn sắp tới.

Trên cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chúng ta có thể đầu tư và huy động các nguồn lực một cách thỏa đáng như cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu mới. Có thể thấy rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa Huế theo hướng bền vững, mà còn đem lại những giá trị kinh tế trong phát triển du lịch di sản, quảng bá hình ảnh, con người Huế đến với bạn bè thế giới.

          Những thành tựu đạt được trong việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế là rất đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay. Việc tự nâng cao khả năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số trong bảo tồn, mở rộng hợp tác quốc tế là những điều kiện mang tính bắt buộc để ngành Văn hóa thực hiện và hoàn thành tốt những trọng trách trong công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Huế, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

                                                                                                                P.T.H

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511017

Hôm nay

216

Hôm qua

2359

Tuần này

21391

Tháng này

217890

Tháng qua

121356

Tất cả

114511017