Góc nhìn văn hóa

“Di chúc” của Bác Hồ gửi lại quê hương Nghệ An

Bác Hồ về thăm quê năm 1957

“Bác là người nhà chứ có phải là khách đâu!"

Ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ nhất.

Sáng ngày 16/6/1957, khi Bác vừa đến Vinh, lãnh đạo tỉnh mời Bác đi vào nhà khách mới được xây dựng, nhưng Bác ngăn lại: "Bác xa nhà, xa quê đã lâu rồi nên phải về thăm nhà trước đã. Nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Bác là người nhà chứ có phải là khách đâu!". Không nghỉ lại Vinh, Bác đi luôn về làng Kim Liên (Nam Đàn), thăm lại ngôi nhà xưa dân làng dựng cho thân phụ của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng. Về đến vườn nhà, Bác tần ngần nhìn ngắm nếp nhà xưa của cha mẹ, chỉ cho mọi người đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên... trên mảnh vườn xưa.

Lúc vào nhà, Bác lại nhớ và chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật. Dường như mọi ký ức tuổi thơ đã ùa về nguyên vẹn trong Bác. Ngôi nhà này, mảnh vườn này đã chứng kiến tuổi thơ trong sáng có, vất vả có, nhất là cái đau mẹ mất khi cha vắng nhà. Khi rời xa căn nhà này, Bác chỉ là cậu niên 16 tuổi, nay trở về đã là một người già ngót 70. Khi ra đi còn có cha, có anh chị, nay trở về thì những người thân yêu nhất đã không còn… 50 năm mà Bác vẫn có nhớ người bạn thời niên thiếu mà nay đã trở thành cố Điền. Bác ôm lấy bạn và khóc. Những giọt nước mặt chỉ dành cho quê, cho những lần gặp mặt.

Nói chuyện với bà con dân làng, bằng giọng Nghệ, Bác trải lòng: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!”, “Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, Nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành”.

Cũng chiều hôm đó (16/6), nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và Nhân dân tỉnh nhà, Bác đọc câu thơ: “Chúng ta đoàn kết một nhà/Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”. Bác còn nói: "Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là: Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!".

Nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh nhà, Bác mong muốn Nghệ An chuyển biến tốt về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế. Bác nói: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng. Vậy các cô, các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không? Quyết tâm không? Làm được không? - Được! Rất tốt. Cuối cùng Bác nhờ các cô các chú về địa phương chuyển lời Bác hỏi thăm đảng viên, cán bộ và đồng bào địa phương”.

Bốn năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai và là lần cuối cùng. Buổi chiều hôm đó, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Bác nhận lời mời ăn tối cùng anh chị em cơ quan. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Bác bảo một cán bộ đi cùng mang gói cơm độn ngô đỏ ra cho mọi người cùng ăn. Giản dị, vui vẻ, và ấm cúng vô cùng.

“Bản Di chúc” cho quê nhà

Trước ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đằng đẵng mấy chục năm Bác lo tìm đường cứu nước, giữ nước. Mãi đến năm 1957, Bác mới về thăm quê lần đầu sau 51 năm và cũng chỉ về thêm được một lần nữa vào năm 1961. Xa quê nhưng tấm lòng của Bác luôn hướng về quê. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1930 đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Bác có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 2 lần về thăm, 1 lời đề tựa dành cho quê hương Nghệ An.

Trong bức thư cuối cùng ngày 21/7/1969 gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhà Nghệ An (mà thực ra là gửi đồng bào cả tỉnh), Bác vui mừng biểu dương đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên tỉnh nhà “…đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống vẻ vang của quê hương Xô viết, đóng góp được nhiều công sức vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc…Đời sống nhân dân được ổn định”. Bác viết: “Tôi cũng vui mừng nhận thấy cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu mệnh lệnh, cố gắng đi sát Nhân dân để tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Bác dành nói nhiều nhất về 4 việc mà tỉnh Nghệ An cần phải làm là: 1): “Tích cực thực hiện dân chủ với Nhân dân hơn nữa[]các cơ quan phụ trách đều phải để cho nhân dân bàn bạc kỹ và tự mình quyết định một cách thật sự dân chủ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn”…; 2). “Khôi phục và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết, các đồng chí phải cố gắng làm cho tốt…”.; 3). Hết sức chăm lo đời sống nhân dân. Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, lại phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khoẻ và giải trí của nhân dân. Đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sĩ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong”.   4). Một điều phải luôn luôn nhớ là: Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở vào thời kỳ quyết liệt. Đế quốc Mỹ đã bị thua đau, nhưng còn rất ngoan cố. Quân và dân ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững công tác phòng không sơ tán, củng cố hầm hào. Cố gắng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng quân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Cuối thư, Bác mong: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Và Bác “…chúc toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong tỉnh mạnh khoẻ và cố gắng tiến bộ”.

Bức thư này Bác viết dài hơn, cụ thể mọi thư trước, lúc Bác đã rất yếu, chỉ  trước ngày “đi xa” chỉ 40 ngày. Có thể coi đây như là Di chúc của Bác để lại cho quê hương Nghệ An! Chỉ cần đọc bức thư - “Di chúc” này là có thể hiểu được tình cảm của Bác dành cho quê hương sâu nặng biết chừng nào!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511610

Hôm nay

2273

Hôm qua

2336

Tuần này

21984

Tháng này

218483

Tháng qua

121356

Tất cả

114511610