Đất và người xứ Nghệ

Đồng chí Đặng Chính Kỷ với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931

Để phục vụ tốt công tác tuyên truyền và vận động cách mạng, sau khi thành lập nhóm Cộng sản Đoàn và Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí, ngày 21-6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cho phát hành tờ báo Thanh niên. Báo Thanh niên đã theo đường dây bí mật chuyển về Nghệ An làm thức tỉnh đội ngũ trí thức yêu nước, trong đó có Đặng Chính Kỷ. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2023) xin giới thiệu đôi nét về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đặng Chính Kỷ - Trưởng ban Tuyên truyền của Tỉnh ủy Nghệ Ạn, người đã sáng tác “Bài ca cách mạng” để kêu gọi Nhân dân Nghệ An đứng lên đoàn kết đấu tranh, lập nên chính quyền Xô viết đầu tiên ở Đông Nam châu Á.    

 

Đồng chí Đặng Chánh Kỷ (1890-1931)

Đặng Chính Kỷ (thường gọi là Chánh Kỷ), sinh năm 1890, tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng, để giữ bí mật, đồng chí đã dùng các bí danh: Đặng Đức Chiêm, Đặng Tùng Mậu, Năng. Đặng Chánh Kỷ sinh ra trong một gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Ông nội là cụ Đặng Đức Uẩn, đậu cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), làm quan dưới triều Tự Đức, nổi tiếng thương dân, công tâm và chính trực. Cụ Uẩn là bạn học và cũng là bạn quan trường, chơi rất thân với cụ Cao Xuân Dục. Thân phụ là ông Đặng Đức Hòa, một nhà nho yêu nước, thương dân, bất hợp tác với giặc, sau khi thi đỗ đạt, ông không ra làm quan mà trở về quê nhà làm nghề bốc thuốc chữa bệnh giúp dân và dạy con trẻ trong làng. Thân mẫu là bà Lê Thị Nhã, hiền lành, chăm chỉ, làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ lụa, luôn chăm lo cho các con được học hành khôn lớn. Đặng Chánh Kỷ là con trai út, anh vừa sáng dạ lại chăm học, học giỏi cả chữ Hán lẫn Quốc ngữ. Là cháu của một vị quan mẫu mực, Đặng Chánh Kỷ luôn được ông nội dạy bảo những điều hay lẽ phải, nhân cách làm người chính trực. Vâng lời ông và cha, ngoài giờ học, Đặng Chánh Kỷ còn chăm chỉ lao động, giúp đỡ bạn bè nên luôn được mọi người yêu mến. Năm 14 tuổi (1904), cha, ông nội và mẹ đã lần lượt qua đời, Kỷ phải chịu cảnh côi cút. Thương em út học giỏi và ngoan nên vợ chồng người anh cả dù nghèo nhưng vẫn tằn tiện để nuôi em tiếp tục được đi học. Thương anh chị nghèo, Đặng Chánh Kỷ đã chăm chỉ lao động để giúp gia đình mà vẫn học tập giỏi.  

Năm 1907, cảm thương hoàn cảnh gia đình của bạn học cũ, cụ Cao Xuân Dục đang giữ chức Thượng thư Bộ Học đã đưa Đặng Chánh Kỷ vào Huế nuôi dạy và ăn học. Ngày học ở Nam Đàn, Đặng Chánh Kỷ chỉ học chữ Hán và Quốc ngữ, vào Huế, anh học thêm Pháp văn. Không phụ lòng tốt cưu mang của người bạn tốt của cha, Đặng Chánh Kỷ luôn nỗ lực học tập. Đến tuổi khôn lớn, Đặng Chánh Kỷ có ý định kiếm việc làm để sống tự lập. Biết được nguyện vọng của Kỷ, Cụ Cao Xuân Dục đã gợi ý sẽ sắp xếp cho anh một công việc thích hợp, nhưng Đặng Chánh Kỷ đã khéo léo từ chối lòng tốt và sự quan tâm của cụ. Anh xin phép cụ được trở về quê, mở lớp dạy con trẻ học tại thị trấn Sa Nam, huyện Nam Đàn.

Làm nghề dạy học, Đặng Chánh Kỷ có điều kiện để tuyên truyền thơ văn của cụ Phan Bội Châu, khơi dậy tinh thần yêu nước, căm thù giặc cho học trò và Nhân dân quanh vùng. Để năng cao trình độ, thầy Kỷ vừa dạy học, vừa chăm chỉ tự ôn luyện bài vở để tham dự các kỳ thi. Năm 1923, Đặng Chánh Kỷ tốt nghiệp Primère (Tiểu học Pháp - Việt) và lấy cô Phạm Thị Khương ở làng Thanh Thủy làm vợ. Năm 1924, anh đưa gia đình vào cố đô Huế, mở trường tư thục ở thành nội để dạy học, đặt tên là Trường Thái Trạch. Nghe tin ông đồ Nghệ dạy giỏi và đức độ, Nhân dân quanh vùng đến xin cho con em nhập học rất đông.

Năm 1925, phong trào đấu tranh, mít tinh biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu nổ ra ở Huế, là người rất hâm mộ cụ Phan, Đặng Chánh Kỷ không chỉ là người tham gia trong đoàn biểu tình mà còn đi tuyên truyền vận động, đọc và bình thơ cụ Phan trước đông đảo nhân dân, khích lệ tinh thần dân tộc cho quần chúng. Đặng Chánh Kỷ còn hăng hái đi xin chữ ký dân biểu để gửi lên toàn quyền Đông Dương, yêu cầu xóa bản án tử hình cho cụ Phan. Sau khi cụ Phan Bội Châu vào an trí ở Bến Ngự, Đặng Chánh Kỷ thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc và nhận những lời khuyên bổ ích của Cụ. Năm 1926, Đặng Chánh Kỷ tham gia tuyên truyền tinh thần yêu nước và để tang, truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Từ năm 1925 đến 1927, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển mạnh, Đặng Chánh Kỷ tìm đọc các sách báo tiến bộ: “Báo Thanh niên”,“Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc để tuyên truyền. Từ cổ đô Huế, Đặng Chánh Kỷ đã bí mật liên lạc với Nguyễn Sỹ Sách và tổ chức cách mạng của những trí thức người Nghệ An ở Trung Kỳ. Năm 1927, Đặng Chánh Kỷ được kết nạp vào Hội Thanh niên, trở thành một nhân vật tuyên truyền quan trọng của Hội ở Huế. Thầy Kỷ tham gia viết báo cách mạng, sống gần gũi và luôn chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ.  Ngoài việc tuyên truyền trong hàng ngũ học sinh, trí thức, thầy Kỷ còn đến nói chuyện với mọi tầng lớp nhân dân lao động. Từ khi tham gia cách mạng, thầy Kỷ thường đưa các bài Hịch và thơ văn yêu nước vào bài giảng để khích lệ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, vạch trần tội ác dã man của bọn cướp nước và lũ bán nước đê hèn. Hoạt động tuyên truyền của Đặng Chánh Kỷ đã bị bọn mật thám theo dõi. Cuối năm 1927, Đốc học Huế đã ra lệnh đóng cửa Trường Thái Trạch, bãi nhiễm nghề giáo của Đặng Chánh Kỷ và đuổi anh về Nghệ An.  

Đặng Chánh Kỷ trở về quê khi Nguyễn Sỹ Sách và tổ chức cách mạng ở Nghệ An đang rất cần có thêm một nhà cách mạng đa tài, đặc biệt là người làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh. Tổ chức Thanh niên và các đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ và Trần Văn Cung đã giao cho Đặng Chánh Kỷ phụ trách công tác tổ chức Hội Thanh niên các trường học, đặt trụ sở liên lạc tại nhà thờ cụ Vương Thúc Quý ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn. Cuối năm 1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, dưới sự lãnh đạo và tuyên truyền của Đặng Chánh Kỷ, học sinh các trường ở Nghệ An hoạt động mạnh và tham gia tổ chức Sinh Hội. Đặng Chánh Kỷ đã tham gia viết bài đăng trên tờ Báo Xích Sinh do đồng chí Nguyễn Phong Sắc thành lập và đồng chí Nguyễn Tiềm làm chủ bút. Đốc học Nghệ An đã ra lệnh cho bọn mật thám dò la, lục soát các trường để bắt bớ những người lãnh đạo. Tri huyện Nam Đàn là Lê Khắc Tưởng đã kéo lính về làng Kim Liên lục soát trường học, thu giữ các loại sách báo tiến bộ rồi bắt thầy Đặng Chánh Kỷ giải về Nhà lao Vinh để xét hỏi. Khi Án sát Nguyễn Khắc Niêm (là bạn học cũ Đặng Chánh Kỷ) đến gặp Đặng Chánh Kỷ, giả bộ thương hại, đã lên tiếng:“Tôi với anh vốn cùng học một thầy, nhưng nay tôi “đường thượng chi quan” mà anh thì “giả hạ chi tù” thật ái ngại quá ”. Bằng những lời tâng bốc, Án sát Nguyễn Khắc Niêm ngon ngọt phân bua:“Người có học yêu nước nhưng phải biết thời thế, bây giờ chưa có thời cơ để nước Nam đánh Pháp”. Nghe những “lời khuyên” của “bạn” học cũ, Đặng Chánh Kỷ rất khó chịu, nhưng cố ghìm lòng, giữ bình tĩnh rồi mới lên tiếng trả lời:“Tôi đi dạy học là để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Tôi chưa hề có hành động gì để có thể gọi là chống Chính phủ! Vì sao các ông lại cho lính bắt tôi?”. Trước lời lẽ và lý luận chặt chẽ, sắc sảo có sức thuyết phục, Đặng Chánh Kỷ đã làm Án sát Nguyễn Khắc Niêm phải bó tay. Vì chưa đủ chứng cớ buộc tội, Tòa án phong kiến Nam triều Nghệ An đành phải thả Đặng Chánh Kỷ về và giao cho hào lý địa phương quản thúc.

Được quần chúng nhân dân bảo vệ và che chở, Đặng Chánh Kỷ vẫn tiếp tục dạy học và tuyên truyền cách mạng. Tháng 4-1930, Phan Đình Đồng làm thư ký cho cụ Phan ở Huế đã trở về quê, Đặng Chánh Kỷ đã phân công cho Phan Đình Đồng làm công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ thanh thiếu niên tham gia hoạt động có tổ chức và chuẩn bị lực lượng. ..

Sau cuộc biểu tình của công nông Vinh Bến Thủy và Nhân dân Hạnh Lâm trong ngày 01-5-1930, Đặng Chánh Kỷ đã tổ chức các buổi nói chuyện, diễn thuyết, kêu gọi và thu hút hàng ngàn người tham gia. Ban ngày đi tuyên truyền vận động Nhân dân, ban đêm cùng tự vệ đi treo cờ, rải truyền đơn, viết bài, in ấn truyền đơn báo chí kêu gọi Nhân dân đấu tranh. Ngày 30-8-1930, Đặng Chánh Kỷ trong Ban lãnh đạo Huyện ủy Nam Đàn đã tổ chức cuộc đấu tranh rầm rộ với quy mô 3000 nông dân toàn huyện tham gia. Đặng Chánh Kỷ đã cho chuẩn bị lá cờ đỏ búa liềm, ghi sẵn dòng chữ:“Nam Đàn tri huyện huyện quan, tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu nhân dân”. Nghĩa là: Tri huyện huyện Nam Đàn từ nay về sau không được nhũng nhiễu nhân dân. Quần chúng đấu tranh đập phá huyện đường Nam Đàn, phá nhà giam giải thoát tù chính trị, phá ty rượu, rồi kéo về làng trấn áp bọn lý trưởng cường hào.  

Sau những thắng lợi dồn dập của phong trào cách mạng ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo Huyện ủy Nam Đàn tổ chức Đại hội Huyện Đảng bộ, bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy gồm 7 đồng chí, Đặng Chánh Kỷ được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Sau khi Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời ở nhiều làng xã, để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo Tỉnh Đảng bộ lâm thời Nghệ An tổ chức Đại hội vào tháng 10 năm 1930 để bầu ra Ban Chấp hành chính thức. Tỉnh ủy Nghệ An đã điều động đồng chí Đặng Chánh Kỷ thôi giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Nam Đàn, lên Tỉnh ủy bổ sung vào Ban Tuyên truyền phụ trách chỉ đạo phong trào các huyện phía Bắc Nghệ An. Để ca ngợi và kêu gọi tinh thần đấu tranh của Nhân dân các địa phương trong toàn tỉnh, đồng chí đã viết nhiều bài báo đăng trên tờ “Báo Tiến Lên” của Tỉnh ủy Nghệ Ạn và Báo “Người Lao khổ” của Xứ ủy Trung Kỳ và các báo khác. Đặng Chánh Kỷ sáng tác nhiều bài thơ tuyên truyền, nổi bật nhất là “Bài ca cách mạng”. Mở đầu là câu thơ bất hủ: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước… Tổng này xã nọ kết liên/Ta hò, ta hét, thét lên thử nào/ … Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng…”.

Các bài viết tuyên truyền của Đặng Chánh Kỷ ngắn gọn, hùng hồn, dễ thuộc và có sức thuyết phục rất cao. Trong bài diễn thuyết Nói chuyện với Thanh niên”: đồng chí viết: “… Xin anh em thanh niên, hãy mau mau đứng dậy. Dốc một lòng dũng cảm, quyết một chí hy sinh. Đổ máu đào để đòi lại lợi quyền, phất cờ đỏ để sửa sang nền xã hội ”.

Ngày 01-5-1931, đồng chí Hoàng Trần Thâm, Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh ủy đang diễn thuyết trước hàng ngàn Nhân dân huyện Thanh Chương thì bị bọn mật thám bắn lén. Đồng chí Đặng Chánh Kỷ lên thay làm Trưởng ban, tiếp tục lãnh đạo công tác tuyên truyền trong thời kỳ thực dân Pháp khủng bố trắng. Do có kẻ phản bội chỉ điểm, các đồng chí Đặng Chánh Kỷ, Nguyễn Duy Trinh và nhiều đồng chí khác đã lần lượt bị bắt giam. Không chịu khuất phục kẻ thù, quyết giữ vững khí tiết của người cộng sản, cuối năm 1931, Đặng Chánh Kỷ đã anh dũng hy sinh tại nhà lao Vinh.

Để các thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau học tập, tri ân và noi gương tinh thần đấu tranh giám xả thân vì cách mạng của đồng chí Đặng Chánh Kỷ, tên của ông đã được lưu danh trong sử sách; được đặt cho một số trường học, đường phố Nghệ An. Các bài thơ, bài báo của đồng chí Đặng Chánh Kỷ được in trong tác phẩm “Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh” và nhiều sách xuất bản ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt “Bài ca cách mạng” đã được phổ cập cho triệu triệu học sinh học tập và làm theo.

Đặng Chánh Kỷ - nhà cách mạng tiền bối xuất sắc, đa tài; nhà báo, nhà thơ, một cây bút sắc sảo; một nhà tuyên truyền hùng biện của Đảng đã góp phần làm rạng danh truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Cuộc đời và tấm gương hy sinh của đồng chí Đặng Chánh Kỷ sẽ sống mãi với quê hương Xô viết, quê hương Bác Hồ ./.   

                                                                                  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522785

Hôm nay

235

Hôm qua

2282

Tuần này

21559

Tháng này

220724

Tháng qua

121009

Tất cả

114522785