Góc nhìn văn hóa
Khởi nghiệp và khát vọng đổi mới đất nước
Nguồn ảnh: Internet
Chưa bao giờ người ta thấy phong trào khởi nghiệp lại trở nên phổ biến và được nhiều người quan tâm như mấy năm gần đây. Tỉnh nào cũng kêu gọi khởi nghiệp, ngành nào cũng mong muốn khởi nghiệp. Khởi nghiệp trở thành một phong trào xã hội được nhiều người trông đợi? Từ các quốc gia khởi nghiệp lan rộng ra thành một phong trào khởi nghiệp mà doanh nghiệp là đơn vị cơ bản nhất. Khởi nghiệp, theo nhiều nhà kinh tế học nhận định thì có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nước đang phát triển. Nhưng khởi nghiệp chỉ có giá trị khi đặt nó vào bối cảnh đổi mới sáng tạo, tạo ra cú hích lớn từ trong doanh nghiệp đến quốc gia để làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Khởi nghiệp có nhiều giá trị và quan trọng là sau khi khởi nghiệp thành công thì doanh nghiệp phải từng bước trưởng thành để trở thành nhân tố quan trọng trong nền kinh tế. Điều đó cho thấy khởi nghiệp phải có chiều sâu mang tính đột phá. Vậy nên cần phải đưa khởi nghiệp trở về với giá trị thật sự của nó. Gắn khởi nghiệp với khát vọng đổi mới đất nước, khát vọng đưa dân tộc Việt Nam vươn ra quốc tế và không thua kém bạn bè trên năm châu bốn biển.
Khởi nghiệp mang khát vọng đổi mới đất nước
Lâu nay, người ta nói nhiều về khởi nghiệp nhưng ít khi định nghĩa hay khái niệm hóa về thuật ngữ này. Dù rằng lên internet tìm kiếm vẫn có nhiều người đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau về khởi nghiệp. Chẳng phải các nhà nghiên cứu khoa học không quan tâm việc lý luận hóa khởi nghiệp, mà nhiều khi người ta nghĩ không cần thiết phải thao tác hóa chuyện đó. Bởi giá trị quan trọng của khởi nghiệp đến từ thực tiễn phát triển mà không cần lý luận quá nhiều để gây nên phức tạp. Có hay chăng là sự phân biệt giữa khởi nghiệp với một vài khái niệm khác như lập nghiệp, khởi đầu công việc hay bước đầu xây dựng sự nghiệp…
Khởi nghiệp có lẽ được biết đến nhiều ở Việt Nam khi mà công nghệ thông tin bùng nổ, khoa học công nghệ trở thành bệ đỡ quan trọng cho quá trình phát triển. Và có lẽ cũng là khi mà cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp: câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel” của hai tác giả Dan Senor và Singer được dịch và xuất bản ở Việt Nam và lời giới thiệu ngay đầu sách của Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên. Sau đó, càng ngày, thuật ngữ này càng phổ biến và dần lan rộng ra các lĩnh vực khác nhau. Vậy, khởi nghiệp là gì?
Trên trang Wikipedia khái niệm “Khởi nghiệp là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (Startup company), nó thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp. Khởi nghiệp là một tổ chức được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất”[1]. Như vậy, khái niệm này nhấn mạnh đến đơn vị khởi nghiệp là các công ty hay các doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước. Vậy nhưng tại sao cuốn sách nổi tiếng được nhiều người biết đến lại viết về quốc gia khởi nghiệp? Đơn giản, theo tôi hiểu, đó là khởi nghiệp mang khát vọng đổi mới đất nước, tạo ra sự đột phá để phát triển đất nước. Quốc gia khởi nghiệp là quốc gia phát triển dựa trên nền tảng sự khởi nghiệp thành công của rất nhiều công ty, trong đó các công ty về công nghệ giữ vai trò quan trọng. Công nghệ trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển của đất nước. Và Israel là quốc gia như vậy.
Là một quốc gia có diện tích rất nhỏ bé, tài nguyên nghèo nàn, lại bị kìm kẹp và ngập vào các cuộc chiến tranh. Đời sống của người dân Israel so với các nước khác là rất thấp. Nhưng rồi họ bước vào quá trình khởi nghiệp và sau vài thập kỷ họ đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một quốc gia có thu nhập bình quân thuộc diện cao. Kinh tế xã hội không ngừng phát triển, cho dù diện tích, vị trí địa lý và cả chính trị của họ vẫn luôn là một nước nhỏ, nhưng họ đã giàu mạnh lên gấp hàng chục lần trước. Có nhiều lý do, trong đó quá trình khởi nghiệp của các doanh nghiệp ở Israel luôn được nuôi nấng bằng một nguồn lực quan trọng: khát vọng đổi mới đất nước, khát vọng đưa đất nước vươn lên. Càng khó khăn, càng nghịch cảnh thì khát vọng đổi mới đất nước càng vùng lên mạnh mẽ hơn. Như chính các nhà kinh tế đã phân tích về Israel: “Ngoại cảnh là nguyên nhân chính giải thích cho “hiện tượng Israel”. Trong nghịch cảnh, người ta sẽ phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có diện tích nhỏ bé và thường xuyên bị đe dọa như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan cũng phát triển một cách kiêu hãnh và ấn tượng như Israel. Nhưng không một nước nào có thể sản sinh ra “văn hóa kinh doanh”, chưa nói đến hàng loạt công ty khởi nghiệp như Israel đã làm”[2].
Trong quá trình khởi nghiệp, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là những yếu tố rất quan trọng. Khởi nghiệp là ở các doanh nghiệp, các công ty, nhưng bệ đỡ cho khởi nghiệp phải là văn hóa, là con người. Không tự dưng mà nói đến quốc gia khởi nghiệp người ta nói đến Israel, bởi không chỉ bởi sự thành công trong quá trình khởi nghiệp mà vì họ còn xây dựng và phát triển từ nền văn hóa của mình, từ đặc tính con người mình có. Đó là đất nước của những con người quả cảm, của sự táo bạo và óc sáng tạo, những đặc tính cơ bản và quan trọng của những con người khởi nghiệp. Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, các nhà đầu tư tài chính ở châu Âu đều cần những con người ở những quốc gia có sự táo bạo và óc sáng tạo. Và ở Israel, điều kiện đó luôn có. Nên nơi đây trở thành trung tâm của đầu tư, của khởi nghiệp mà những nơi khác khó lòng hội tụ được. Nhưng đó chỉ là những điều kiện cần. Quan trọng là con người Israel tự ý thức được về năng lực, về điều kiện của họ và nung nấu khát vọng đổi mới đất nước. Đó là ngọn lửa quan trọng mà khi gặp các nguồn vốn đầu tư thì được bùng lên để phát triển. Như vậy, khởi nghiệp, xét cho cũng là sự gặp gỡ giữa sự táo bạo, óc sáng tạo của con người với các dòng vốn tài chính lớn được đặt trên nền tảng khát vọng đổi mới đất nước, đổi mới nền kinh tế và phát triển đột phá.
Doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng của khởi nghiệp
Khởi nghiệp mang khát vọng đổi mới đất nước, nhưng đơn vị của khởi nghiệp là các daonh nghiệp, các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Công nghệ là nền tảng của khởi nghiệp cũng như là nhân tố tạo ra cái mà chúng ta nói nhiều năm nay là khái niệm “khởi nghiệp”. Hay nói chính xác thì khởi nghiệp là ở các doanh nghiệp và doanh nghiệp là chủ thể của khởi nghiệp. Không có khái niệm khởi nghiệp chung chung, mà nó gắn với doanh nghiệp, dù rằng nó mang hơi hướng của chủ nghĩa dân tộc khi lấy khát vọng đổi mới đất nước làm nền tảng. Nhưng không thể đồng nhất những khái niệm này, bởi xét cho cùng khởi nghiệp là một con đường phát triển kinh tế mang tính đột phá chứ không phải một vấn đề chính trị. Khởi nghiệp thường xuất hiện từ các công ty công nghệ, lấy công nghệ làm nền tảng để tạo ra những bước đột phá trong quá trình phát triển. Và sau đó, khởi nghiệp cũng lan rộng ra các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp khác nhưng không tách rời khỏi công nghệ mà vẫn luôn lấy công nghệ để tạo ra các bước đột phá trong quá trình khởi nghiệp.
Khởi nghiệp ở các doanh nghiệp, như các nhà kinh tế học phân tích là gồm 4 giai đoạn: định hướng, thử thách, hòa nhập, phát triển. Trong đó, giai đoạn nào cũng quan trọng. Định hướng là mang tính bản lề, quyết định toàn bộ con đường khởi nghiệp. Giai đoạn này cần ý tưởng đột phá, và những kế hoạch đủ sức nặng để thuyết phục các nhà đầu tư. Thử thách là bước tiếp theo sau khi nhận được đầu tư và bước vào giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch khởi nghiệp. Sau đó bước vào giai đoạn 3 là hòa nhập, là đưa sản phẩm, dịch vụ của mình vào nền kinh tế làm sao để không bị đứt quãng. Khởi nghiệp cần sự sáng tạo đột phá nhưng cũng phải đưa vào nền kinh tế một cách hài hòa, hòa nhập với các quá trình vận động của nền kinh tế. Có như vậy thì mới đạt được hiệu quả. Và cuối cùng là phát triển, duy trì sự hiệu quả và tiếp túc hoàn thiện, thậm chí điều chỉnh để giữ vững tốc độ tăng trưởng, thậm chí đặt ra tốc độ tăng trưởng nhanh hơn để chiếm lĩnh thị trường trước khi có một đối thủ khác nổi lên thành đối trọng của mình. Đó chính là quá trình khởi nghiệp ở các công ty, doanh nghiệp.
Sự khởi nghiệp ở doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng khởi nghiệp thành công. Trong giai đoạn mời bước vào khởi nghiệp, khó khăn nhất chính là ý tưởng, kế hoạch có tính đột phá để thuyết phục được các nhà đầu tư. Thường những người bước đầu khởi nghiệp không có nhiều tài chính mà họ phải tìm các nhà đầu tư. Muốn có nguồn vốn đầu tư thì họ phải có ý tưởng và có kế hoạch vừa mang tính đột phá, mới lạ nhưng lại phải mang tính khả thi, đủ sức để thuyết phục các nhà đầu tư - vốn là những doanh nhân lão luyện đã có nhiều năm lăn lộn trên thương trường. Bên cạnh đó là nguồn lực công nghệ. Tài chính và công nghệ là hai yếu tố quan trọng để khởi nghiệp. Thiếu một trong những yếu tố này đều không được. Bởi sử dụng công nghệ nào để tạo ra được đột phá là một vấn đề quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Đây đều là nhứng thách thức không nhỏ với những người khởi nghiệp. Đó là chưa kể đến hàng loạt nhân tố khác từ hạ tầng công nghệ, hàng lang pháp lý đến chất lượng nguồn nhân lực.
Nhưng đó là những nhân tố trong giai đoạn đầu. Sau khi bước vào quá trình hòa nhập và phát triển thì văn hóa kinh doanh lại trở thành nhân tố quan trọng. Nhiều doanh nghiệp sau khi đạt được một số kết quả khả quan trong bước đầu khởi nghiệp thì không xây dựng được văn hóa kinh doanh và cuối cùng vẫn thất bại khi không tạo ra được bản sắc riêng của mình. Đó là chưa kể văn hóa cũng là bệ đỡ cho con người, cho doanh nghiệp khi thất bại. Quá trình khởi nghiệp cũng luôn đối diện với sự thất bại và sự khởi đầu lại sau thất bại lại là vấn đề lớn. Đây cũng là một bài học lớn từ quá trình khởi nghiệp ở Israel: “Dĩ nhiên, Israel không hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro, thất bại dành cho các doanh nghiệp mới thành lập. Song văn hóa và truyền thống của Israel phản ánh một thái độ độc đáo trước thất bài: đó là liên tục cố gắng vực dậy những doanh nghiệp thất bại để từ kinh nghiệm đó học cách làm lại từ đầu, còn hơn là để mặc chúng chết yếu và vĩnh viễn rơi vào quên lãng”[3]. Bài học từ thất bại thật sự là những bài học bổ ích nhưng không mấy quốc gia biết và vận dụng giá trị của nó vào phát triển.
Từ trào lưu khởi nghiệp đến khát vọng khởi nghiệp
Có thể nói, trong khoảng hơn một thập kỷ qua, Việt Nam bước vào một trào lưu khởi nghiệp sâu rộng. Sau khi du nhập khái niệm khởi nghiệp vào trong nước thì sau đó, khởi nghiệp trở thành một từ khóa thống trị trên các phương tiện truyền thông cũng như các nhà hoạch định chính sách phát triển. Đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý doanh nghiệp, thuật ngữ khởi nghiệp trở thành thời thượng. Khởi nghiệp thật sự đã tạo ra một làn gió mới trong nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trẻ. Và thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, tạo ra những dấu ấn quan trọng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp đó một mặt chứng minh rằng khởi nghiệp là đi đúng hướng, và nếu hội tụ đủ các nhân tố thì khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp, và rộng lớn hơn là cho nền kinh tế đất nước.
Một trong những điểm quan trọng của khởi nghiệp là khuyến khích các doanh nghiệp đi sâu vào nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để tạo ra những bước đột phá trong kinh doanh và quản trị. Nó tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Khởi nghiệp cần bắt đầu từ doanh nghiệp. Và quan trọng chính là các doanh nghiệp khoa học công nghệ để tạo ra các đột phá trong quá trình phát triển. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng một quốc gia khởi nghiệp phải quan tâm đến số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Bởi đàng sau khởi nghiệp là một khát vọng đổi mới đất nước.
Để phát triển đất nước, chúng ta cần quan tâm đến sự khởi nghiệp. Bởi như đã nói, khởi nghiệp là khát vọng đổi mới đất nước. Chúng ta đã đạt được nhiều thành quả to lớn từ sau công cuộc Đổi mới 1986. Và chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới đất nước để hội nhập và phát triển, đưa cuộc sống người dân tăng cao hơn nữa, thoát khỏi nhóm nước nghèo. Đó là khát vọng của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam. Chúng ta đã đưa khát vọng đó vào các cuộc chiến tranh vệ quốc để chiến thắng kể thù xâm lược. Chúng ta cũng đã đưa khát vọng đó vào công cuộc đổi mới. Và giờ chúng ta phải tiếp tục đưa khát vọng đó vào hội nhập và phát triển kinh tế. Khởi nghiệp cũng là một con đường để thổi bùng lên khát vọng đổi mới dân tộc. Nhưng phải có cách làm phù hợp và đúng đắn.
Doanh nghiệp là đơn vị cơ bản của khởi nghiệp nên để thành “quốc gia khởi nghiệp” thì Việt Nam phải có hệ thống chính sách phát triển doanh nghiệp hợp lý, vừa khớp với các quy định phát triển của các tổ chức quốc tế cũng như phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tạo sự công bằng về pháp lý giữa các doanh nghiệp, đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có chính sách phát triển cho các doanh nghiệp đặc thù như các doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Bởi công nghệ là bệ đỡ quan trọng của khởi nghiệp, nên cần có chính sách phát triển hợp lý. Ngoài doanh nghiệp thì cũng đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ, nhất là các vùng nông thôn, vùng miền núi, những nơi còn kém phát triển. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào các vùng nông thôn nhưng hạ tầng công nghệ yếu kém sẽ làm cho họ phải thay đổi.
Một chính sách phát triển doanh nghiệp hợp lý là điều kiện quan trọng cho khởi nghiệp. Như ở Israel, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và có đóng góp cho nền kinh tế thì được coi trọng và ưu đãi, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại cũng được hỗ trợ để vươn lên bằng chính những giá trị từ bài học thất bại. Chúng ta học hỏi từ Israel nhưng không làm theo như họ được bởi bối cảnh, điều kiện tự nhiên, nền văn hóa và con người Việt Nam không giống như Israel. Chúng ta có khát vọng khởi nghiệp, khát vọng đổi mới đất nước nhưng phải đi theo con đường Việt Nam, học hỏi các quốc gia khác nhưng chắt lọc sao cho phù hợp với bối cảnh đất nước. Sàng lọc những giá trị phù hợp để phát triển mới là con đường đúng đắn.
Vì một Giấc mơ Việt Nam
Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An mở rộng năm 2023 - Techfest Nghệ An open 2023.
Ảnh: Thành Duy
Mỗi người Việt Nam, ai cũng mong muốn đất nước phát triển, “sánh ngang với các cường quốc” như Hồ Chí Minh từng mong muốn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần hướng đến giấc mơ Việt Nam cụ thể hơn, đó là đổi mới và phát triển đất nước ngày càng vươn tầm ra thế giới hơn. Nhiều trí thức, nhiều nhà kinh tế cũng như doanh nhân đã đề cập đến một “giấc mơ Việt Nam” mà ở đó, công nghệ phương Tây được kết hợp với truyền thống Việt Nam, tri thức nhân loại được hòa hợp với văn hóa và con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh nền tảng cho quá trình phát triển. Đó là một giấc mơ về sự phát triển đột phá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore gần nửa thế kỷ trước và Israel trong vài thập niên gần đây.
Và không ít người nghĩ đến khởi nghiệp như là một lựa chọn phù hợp với “giấc mơ Việt Nam”. Điều đó cũng có thể nhưng còn chưa đủ. Khởi nghiệp xét cho cùng cũng là một xu hướng, một quá trình phát triển của doanh nghiệp. Còn đất nước thì không đơn giản như vậy. Nhưng nếu phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả, cộng với sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác, dựa vào tinh thần chung là khát vọng đổi mới đất nước, dựa vào nguồn lực chung là văn hóa truyền thống Việt Nam, là tinh thần dân tộc thì sẽ tạo ra một động lực rất lớn cho sự phát triển đất nước. Và lúc đó, có lẽ Việt Nam vươn lên hội nhập và phát triển theo bước các “con rồng kinh tế” không còn là giấc mơ mà sẽ là hiện thực./.
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511862
2188
2337
22236
218735
121356
114511862