Góc nhìn văn hóa

Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An

1. Phùng Khắc Khoan tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai (còn có hiệu nữa là Mai Nham Tử), thường gọi là Trạng Bùng, người làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội), xuất thân từ một gia đình trí thức tiểu phong kiến. Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, một năm sau khi nhà Mạc cướp ngôi vua Lê. Ông thông minh, hiếu học, biết làm thơ từ sớm, đến năm 16, 17 tuổi đã nổi tiếng hay thơ. Thuở nhỏ, Phùng Khắc Khoan học ở gia đình, lớn lên đến Hải Dương theo học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên kiêm thông cả thuật số, nhưng cương trung khảng khái, không chịu ra thi với nhà Mạc. Năm 1553, Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hóa theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, để tham gia công cuộc Trung hưng của nhà Lê (Sử sách ghi rằng ông theo Lê Bá Ly vào Thanh Hóa năm 1550, nhưng căn cứ vào những bài thơ có ghi rõ năm tháng trong Ngôn chí thi tập của ông, thì ông vào Thanh Hóa cuối năm Quý Sửu [1553]). Trịnh Kiểm gặp Phùng Khắc Khoan, biết là người có chí khí mưu lược, có học thức uyên bác, liền giữ ông lại trong quân lữ, cho tham dự việc cơ mật, biên chép ở dinh vua và coi quân dân bốn vệ. Năm 1571, ông được cử đi các huyện ở Thanh Hóa chiêu tập, phủ dụ nhân dân vì loạn lạc phải xiêu giạt, ly tán, trở về quê cũ làm ăn.

Trong những năm sống gần Trịnh Kiểm, Phùng Khắc Khan là người được tin cậy. Chỉ có một lần, chưa rõ năm nào, vì có việc trái ý, ông bị giáng chức, đày ra thành Nam thuộc huyện Tương Dương, miền Tây Nghệ An, tiếp giáp với Ai Lao (Lào). Về việc này, còn có mấy giả thuyết/nguồn tư liệu sau: a) Theo bài Sự tích quan Thái tể Mai quận công và tài liệu ở quê quán Phùng Khắc Khoan, thì mãi sau khi về trí sĩ (1602) vì ông hay đi dạo chơi các thắng cảnh và hay làm những việc thổ mộc có công ích, nên có kẻ ghen ghét vu cho ông “tìm kiếm, dòm nom nơi quý địa để lạm dụng”; ông mới bị phát lưu ra xứ Măng Quạ (hoặc Măng Tước); 2) Theo Nam triều công nghiệp diễn chí của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1739), thì Phùng Khắc Khoan bị Nguyễn Lễ vu cáo thông mưu với giặc Mạc làm phản nên bị Trịnh Tùng đày ở chỗ núi sâu Phượng Nhãn…

          Năm 1580 đời Lê Thế Tông, nhà Lê Trung hưng, mở lại khoa thi hội ở hành tại Vạn Lại (Thanh Hóa). Phùng Khắc Khoan ra ứng thí, đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, cái tên “Trạng Bùng” (“Bùng” là tên Nôm làng ông) là do Nhân dân và nho sĩ kính mến tài đức đặt ra để gọi ông, chứ thực ra khoa thi ấy chưa có trạng nguyên, mà Phùng Khắc Khoan cũng không phải là người đậu đầu (người đậu đầu khoa thi ấy là Nguyễn Văn Giai, người Nghệ An), hoặc đậu trng nguyên bao giờ cả.

          Sau khi thi đậu, ông được thăng chức Đô cấp sự. Năm 1582, ông từ chức lui về nhà riêng ở Vạn Lại, năm sau ông lại được vời ra nhậm chức.

          Năm 1597, ông đương làm Tả thị lang bộ Công thì được sung chức Chánh sứ, sang sứ nhà Minh. Ở Yên Kinh, đoàn sứ bộ Triều Tiên đã làm thơ xướng họa với ông. Nhiều sĩ phu trong và ngoài nước khen ông là sứ giả giỏi, “công nhận việc ông đi sứ là hùng tráng và biết nhất định thành công”. Lê Quý Đôn, sứ giả nổi tiếng thời sau, cho rằng: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoại bảy mươi…biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước…Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư!”.

          Đi sứ về, Phùng Khắc Khoan được thăng chức Tả thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu. Trịnh Tùng rất kính trọng ông, thường gọi là Phùng tiên sinh chứ không gọi tên thực. Năm 1606, hình như ông lại cùng Lê Bật Tứ, Nguyễn Dụng sang sứ Minh lần thứ hai (Có ý kiến cho rằng, chưa chắc có lần đi sứ này, vì khi đó Phùng Khắc Khoan đã gần 80 tuổi. Có lẽ sử chép lầm Nguyễn Khắc Khoan ra Phùng Khắc Khoan?). Trong đời Lê Kính Tông, ông lĩnh chức Thượng thư, tước Mai Quận công. Sau vì tuổi già, sức yếu, ông xin về trí sĩ. Về quê quán, ông thường cùng các bạn thân mang theo bầu rượu, túi thơ, dạo thăm các thắng cảnh xứ Đoài. Chùa Thầy ở Sài Sơn, ngay bên làng ông, là thắng cảnh ông thường lui tới. Tại đây, ông có dựng hai nhịp “Nhật tiên kiều”, “Nguyệt tiên kiều”, có dựng bia và đề thơ. Ông mất năm 1613, thọ 85 tuổi.

          Sau khi chết, ông được Nhân dân địa phương thờ làm phúc thần. Có nhiều truyện kể và lời ca dân gian còn lưu lại trong nhân dân xứ Đoài về cuộc đời và sự nghiệp Phùng Khắc Khoan. Ông là một trí thức có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của văn học dân gian ngay ở địa phương mình. Đặc biệt là ấn tượng sâu sắc và lòng biết ơn chân thành của Nhân dân đối với Phùng Khắc Khoan về những đóng góp của ông cho sự phát triển nông nghiệp, thủy lợi, thủ công nghiệp và một số công trình văn hóa công cộng ở địa phương. Tương truyền khi đi sứ, Phùng Khắc Khoan có mang một số hạt giống, đỗ, ngô, v.v…và nghề dệt lượt, làm cày bừa về nước. Lượt Bùng và bừa Vĩnh Lộc - một làng thuộc xã Phùng Xá - vốn nổi tiếng xưa nay.

          Tác phẩm chữ Hán của Phùng Khắc Khoan có Ngôn chí thi tập, nay còn 5 tập, khoảng 260 bài; Huấn đồng thi tập, gồm 172 bài, hiện nay còn lại không đầy đủ; Đa thức tập, còn khoảng 100 bài. Thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan có Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập, gồm hàng trăm bài. Về tác phẩm Nôm, Phùng Khắc Khoan có bài Ngư phủ nhập đào nguyên, Đào nguyên hành, viết ra khi bị đi đày ở thành Nam, hiện chỉ còn Lâm tuyền vãn. Cuốn Diễn nghĩa về kinh Dịch của ông nay đã thất truyền…Nói chung, tác phẩm của Phùng Khắc Khoan còn lại, hoặc được ghi thành văn bản, hoặc chỉ được truyền miệng từng phần mà thôi.

          Phùng Khắc Khoan là một trong những đại biểu nổi bật của xu hướng đạo lý trong văn học. Quán xuyến trong toàn bộ thơ văn của ông là một nhân cách hồn hậu, cứng rắn. lão thực, là một ý chí phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện lý tưởng “trí quân trạch dân”, của kẻ sĩ đại phu thời loạn (1).

          2. Như trên đã nói, Phùng Khắc Khoan có thời gian bị đày ra thành Nam, xứ Măng Quạ (hoặc Măng Tước), thuộc huyện Tương Dương, miền Tây Nghệ An, tiếp giáp với nước Ai Lao (Lào), mà người Thái Nghệ An gọi là Mường Quạ, nay thuộc huyện Con Cuông. Thành Nam, tức là thành Mật Châu có từ đời Trần, ở xã Trầm Hương. Theo các tài liệu địa lý học lịch sử, thì thành ở phía nam sông Lam nên gọi là thành Nam. Sau đó thành đã bị lở xuống sông. Thế kỷ XVIII, trong một bài thơ của Bùi Huy Bích có đoạn: “Thành nam di chỉ thạch lân lân/Phùng lão hà niên tác trục thần/Thảo ốc dĩ thành giang thượng thủy/Đào Nguyên do tưởng khúc trung nhân”. Dịch là: “Thành nam năm xưa nền cũ đá chơ vơ/Phùng lão năm xưa thân tù tội/Nhà tranh đã thành nước sông trôi/Đào Nguyên khúc hát vẫn còn vương”(2). Trong thời gian phát lưu ở thành Nam, Phùng Khắc Khoan viết Ngư phủ nhập đào nguyên, Đào nguyên hành. Nhưng hiện chỉ còn Lâm tuyền vãn. Căn cứ vào nội dung, thì Lâm tuyền vãn có lẽ là Đào nguyên hành, hoặc một phần của khúc ca đó và cũng có thể Đào nguyên hành và Ngư phủ nhập đào nguyên chỉ là một (?). Lâm tuyền vãn gồm khoảng 200 câu lục bát bằng quốc âm, nói về thú lâm tuyền của kẻ sĩ ẩn dật và miêu tả các loại hoa, lá, rau quả theo tiếng địa phương ở miền núi Nghệ An. Tác phẩm mở đầu bằng những câu: “Vô sự là tiểu thần tiên/Gẫm xem cảnh thú lâm tuyền chăng vui?/Đất vua ai chẳng là tôi/Non cao, hang thẳm cùng giời tôn thân…”. Lâm tuyền vãn có ngụ ý tâm sự của ông một cách kín đáo, nhưng chủ yếu là để giới thiệu, miêu tả hình dáng, màu sắc, mùi vị, công dụng, v.v…của hàng trăm loại cây, quả thường dùng hàng ngày của Nhân dân địa phương, với lòng mong muốn: “Ngày nhiều vật lạ của tươi/Che chở ngàn đời, dân ấm dân no”. Ông dạy dân kinh nghiệm vun trồng: “Trồng dưa chớ để vụ qua/Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê/Quanh vườn thả đậu sừng dê/Mướp trâu, dưa chuột bốn bề leo rông”. Ông chỉ bảo cho dân cặn kẽ cách nhận dạng từng loại cây: “Đỏ tươi chon chót bông dum/Xanh đen ngằn ngặt màu um lá chàm”. Ông khuyến khích dân trồng các loại cây lấy gỗ: “Vàng tâm, lâm đống, xoan đâu/Miếu đường giống cả chưng sau được dùng”…(3)

          Thật là tình nghĩa, ân cần, chu đáo, nhân hậu biết bao! Phùng Khắc Khoan một là con người hành động, hành động trước hết vì vua, bởi ông là kẻ bề tôi, nhưng cũng không ít việc ông đã làm vì dân, vì nước, vì đời. Trong những việc làm ích lợi ấy, tình cảm ưu ái của ông thể hiện một cách giản dị, lão thực, gần gũi biết bao!  

__________________

Chú thích                       

(1) Theo Đinh Gia Khánh (chủ biên), Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam (Thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb. GD, H. 2005, tr. 460 - 481.

(2) Theo Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), Nxb. QĐND, H. 2005, tr. 248.

(3) Theo Đinh Gia Khánh, Sđd.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114524506

Hôm nay

2284

Hôm qua

2309

Tuần này

21208

Tháng này

211202

Tháng qua

0

Tất cả

114524506