Xứ Nghệ ngày nay

Thanh Chương: Trang trọng lễ mừng thọ đầu năm mới

Mừng Thọ (yến lão) là lễ mừng các cụ tuổi cao lên tuổi chẵn theo quan niệm đạo đức và tôn giáo. Đây là nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam. Tết Ất Tỵ này, huyện Thanh Chương có 6.010 cụ lên tuổi chẵn từ 70 trở lên. Trong đó có 72 cụ 100 tuổi, 209 cụ trên 100 tuổi. Bắt đầu từ ngày mồng 2 tháng Giêng các lễ mừng Thọ đã được cơ sở và con cháu tổ chức trang trọng và ấm áp.

 

Các cụ dự lễ yến lão tại khối Trung Long - Thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương

Là nét đẹp truyền thống từ ngàn đời nay, lễ mừng Thọ trên địa bàn huyện Thanh Chương giành cho người có tuổi tác cao. Nếu như trước đây đến 60 tuổi đã được tổ chức thì nay độ tuổi được nâng lên, phải từ 70 tuổi trở lên. Những người đến tuổi 70 được gọi là mừng Thọ, từ 80 gọi là thượng Thọ, từ 90 tuổi trở lên được gọ là thượng, thượng Thọ. Không chi với người Việt mà những người theo đạo cũng tôn trọng lễ này. Theo Kinh Thánh, cách ăn ở tốt nhất với cha mẹ mình là hiếu kính, phụng dưỡng, nghe lời cha mẹ khi các vị còn sống, theo đạo Phật thì việc mừng Thọ cũng thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành.

Việc tổ chức lễ mừng thọ tại huyện Thanh Chương được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thông thường trước Tết khoảng 1 tháng hội người cao tuổi (NCT) các cấp phối hợp với chính quyền rà soát hộ khẩu, ấn định danh sách, thông báo cho thôn xóm khối phố và các gia đình có người cao niên lên tuổi chẵn được biết. Sau khi thống nhất, Hội NCT huyện sẽ tiến hành báo cáo và in thư mừng Thọ của Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, chuyển về cho cơ sở từ trước Tết.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương mừng Thọ các cụ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện

Ngay sau ngày đầu năm mới, tổ chức mặt trận các xã/thôn xóm đã phối hợp với Hội NCT tổ chức lễ mừng thọ tập thể. Tại đây các cụ đến tuổi sẽ được con cháu đưa đến thọ trường đã được chuẩn bị trước. Con cháu sẽ mang theo lễ vật gồm trầu cau rượu, bánh kẹo, hoa quả và một khoản tiền. Phần bánh kẹo hoa quả để “khao làng” - mời những người đến dự lễ. Tiền sẽ được ủng hộ vào một số loại quỹ thiết thực gọi là mọi người cùng vui. Bước vào phần lễ, sau khi nghe thư chúc Thọ của Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam, người đại diện cao nhất xướng tên chúc mừng, trao thư mừng Thọ, trao quà của các cấp theo quy định; các cụ được nghe, xem các bài thơ trướng, ca nhạc chúc mừng đồng thời con cháu sẽ tổ chức quyên góp ủng hộ quỹ phụng dưỡng tuổi già của Hội NCT, các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng nông thôn mới tùy từng địa phương. Sau lễ mừng tập thể, con cháu sẽ đưa các cụ về nhà và bắt đầu tổ chức các phần lễ để anh em, bạn bè, bà con lối xóm đến chúc mừng. Nghi lễ này được tổ chức rải rác từ ngày mồng 2 đến ngày gia đình tổ chức một lễ mừng Thọ chính thức.

Đại diện cấp ủy, chính quyền và con cháu chúc mừng bà Nguyễn Thị Cẩm ở khối Trung Long thị trấn Dùng huyện Thanh Chương lên 100 tuổi

Con cháu dâng rượu mừng cha lên tuổi chẵn

Lễ mừng thọ chính thức sẽ được con cháu tổ chức vào một ngày cụ thể phù hợp, thông thường là trước ngày 10 tháng Giêng. Tại lễ này, con cháu sẽ bố trí hội trường, sửa soạn mâm cỗ mời khách là anh em họ hàng nội ngoại, bạn bè thân thiết của các cụ và gia đình. Trước lúc làm lễ sẽ sửa lễ để cáo gia tiên, sau đó các cụ được mặc áo quần đẹp (thường là màu đỏ may theo kiểu cách truyền thống) ngồi ở nơi trang trọng nhất. Tiếp theo là các lễ dâng rượu của các con trai, con rể; lễ dâng trầu cau bánh kẹo giành cho con gái, con dâu. Tiếp đó là một bài diễn văn do MC thực hiện nói về gia thế, công đức, số lượng con cháu chắt, những dấu ấn kỷ niệm đáng nhớ của người lên lão và tình cảm của con cháu giành cho ông bà cha mẹ, tiếp nữa là phần tặng quà của quan khách, chương trình văn nghệ, cuối cùng là liên hoan ẩm thực. Phần lễ dài hay ngắn, cỗ bàn to nhỏ, nhiều ít tùy vào điều kiện từng gia đình

Người Việt Nam quan niệm ông bà cha mẹ sống lâu là niềm hạnh phúc, là phúc đức cho con cháu. Với trên 6.000 cụ được lên tuổi chẵn và trên 100 tuổi, lmừng Thọ ở các làng quê trên địa bàn huyện Thanh Chương những ngày đầu năm mới Ất Tỵ là ngày hội đầu năm, ngày hội của truyền thống "uống nước nhớ nguồn, một nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam./.

                                                                                               

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114533809

Hôm nay

2436

Hôm qua

2372

Tuần này

21903

Tháng này

2114317012

Tháng qua

120069

Tất cả

114533809