Góc nhìn văn hóa
Thơ Văn Cao - nhìn từ di sản văn hóa
Nhà thơ Văn Cao (1923-1995)
Thơ Văn Cao định vị trên văn đàn Việt Nam hiện đại
Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao (1923-1995) có tên trong các công trình: Từ điển văn học. Bộ mới (NXB Thế giới, 2004, tr. 1939-1941); Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường (NXB Đại học Sư phạm, 2004, tr. 766-767); Nhà văn Công an - Tác giả và tác phẩm (NXB Công an nhân dân, 2005, tr. 51-56); Nhà văn Việt Nam hiện đại (in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn, 2020, tr. 1442); tác giả Tiến quân ca - Quốc ca, là một trong những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1957; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, năm 1996.
Tác phẩm thơ: Những người trên cửa biển (trường ca, 1956), Lá (thơ, 1988), Tuyển tập thơ Văn Cao (1994). So với các nhà thơ cùng thế hệ thời hiện đại (sau 1945), Văn Cao làm thơ không nhiều. Nhưng thơ ông biểu đạt một quy luật vững như bàn thạch trong sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Văn Cao thuộc “Nhóm các nhà thơ xuất hiện và khẳng định trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, cũng khá đông đảo: Nguyễn ĐìnhThi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Quang Dũng, Văn Cao, Vũ Cao, Hoàng Lộc, Hồng Nguyên, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Minh Hiệu. (...). Họ là thế hệ muốn vượt lên thơ tiền chiến, vượt lên các nhà thơ lãng mạn 1932-1945, khẳng định một trào lưu thơ cách mạng đỉnh cao” (Nguyễn Bá Thành - Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 82); “Với tài năng nhiều mặt và những đóng góp to lớn của mình, Văn Cao có một vị trí đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại” (Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường, NXB Đại học Sư phạm, 2004, tr. 767); “Ông không đi lại con đường mòn người khác đã đi và luôn luôn dự cảm trước những thất bại của sự tìm kiếm “Người thành công nhất ngày nay phải lo tới cái thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo tới cái thất bại ngày sau” (Mấy ý nghĩ về thơ, Tạp chí Văn nghệ, tháng Bảy, 1957). Nhưng ông đã đem đến cho thơ một cách biểu đạt mới, không miêu tả hiện thực như thơ số đông buổi ấy, mà chỉ ghi lại một tia hồi quang của nó qua trái tim nhạy cảm của mình” (Từ điển văn học. Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr. 1941). Theo cách đánh giá cao của giới nghiên cứu: “Bên cạnh Nguyễn Đình Thi, cần nhắc đến những mới mẻ trong tư duy nghệ thuật của thơ Văn Cao như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (1945), Ngoại ô mùa đông 1946 (Nguyễn Đăng Điệp - Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa, NXB Giáo dục Việt Nam, 2023, tr. 150). Tuy nhiên, thật sự chưa công bằng khi giới nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học ít người dành tâm huyết và thời gian viết về một gương mặt thơ, phong cách thơ cho “ra tấm ra món”, không tính đến Người đi dọc biển (tiểu thuyết chân dung) của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Cũng có thể coi chúng ta mắc nợ bậc tài danh thế kỷ.
Thơ Văn Cao phải lòng đất nước, con người Việt Nam
Thi sĩ Văn Cao làm thơ sớm. Mười sáu tuổi đã trình làng văn những bài thơ đượm buồn như Li khách (1939), Linh cầm tiến (1939). Tiếp nữa, trước khi đến với Cách mạng thơ ông vẫn trong dòng buồn sầu lệ như Ai về Kinh Bắc (1941), Đêm ngàn (1941), Đêm mưa (1941), Một đêm tàn lạnh trên sông Huế (1941), Quê lòng (1942), Thu cô liêu (1944)... Dấu son thơ Văn Cao, nếu có thể nói, ghi dấu từ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (1945), Ngoại ô mùa đông 1946. Theo cách phân tích của giới nghiên cứu thì đó là thơ chuyển từ “hướng nội” đến “hướng ngoại” (ngoại cảm và nội thương trong quan hệ biện chứng). Những âm u bóng tối, những thê lương li khách, những thu cô liêu, những đêm tàn lạnh...bỗng chốc như không còn hiện diện dưới thanh thiên bạch nhật. Thoắt hiện ra đôi khi như ngỡ ngàng: “Reo lên!A reo lên/Xóm cùng khổ!/Reo lên! Reo lên!/Băng mình vào đạn lửa/Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ sóng lũ Hồng Hà. (....)/Cửa ô!/Cửa ô! Cửa ô!/Oai hùng/Dữ dộị/A cửa ô... Nhà đổ thép quằn rung/Xóm âm u/Thành khối đen đặc quánh/Ơi ai ngâm mình hố lạnh/Gió mùa rú ghê người/Trăng đông dầm khe rãnh/Lưỡi lê đậu sương rơi/Cửa ô xa...cửa cô xa/Xưa đây lối xóm cầm ca/Bốn mùa ngả nghiêng sa đọa/Phường cũ tan tành vùi xóm lá/Mùa xuân về giữ chiếu hòa xa” (Ngoại ô mùa đông 1946, đăng tạp chí Văn nghệ số 3, tháng 4 &5, 1948). Nếu chúng ta nhớ lại sử văn thì 1948 là năm được gọi là “mùa thơ hoa lửa” hay “mùa thơ kháng chiến” - năm tưng bừng của những thi phẩm đi cùng năm tháng: Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sống Đuống của Hoàng Cầm, Nhớ máu của Trần Nai Ninh, Nhớ của Hồng Nguyên, Sớm mát trong như sớm năm xưa của Nguyễn Đình Thi, Đồng chí của Chính Hữu, Bầm ơi của Tố Hữu, Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông... Theo dấu chân của thi nhân trong thơ hiện lên nước non ngàn dặm trải dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, từ kinh kỳ đến khúc ruột miền Trung: Bến Ngự trên thương cảng (1955), Những người trên cửa biển (trường ca, 1956), Lên Tây Bắc (1960), Phố Phái (1967), Một đêm Hà Nội (1967), Người đi dọc biển (1970), Quy Nhơn I (1985), Quy Nhơn II (1985), Quy Nhơn III (1985), Đêm phá Tam Giang (1987), Huế xưa (1987)... Thi nhân phải lòng quê hương, đất nước nên thơ ông có cái chất men say của sự đắm đuối, thiết tha: “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng/Đầu nhà mới trồng cây mận/Bãi sú bồi thành bến/Nhà máy xi măng đã dựng bên sông/Tôi nghe tiếng hát mẹ chiều ru võng/Những ca dao của đồng lúa quê hương/Những dáng còn lặn lội/Những cánh cò bồng bế tôi đi” (Những người trên cửa biển). Tôi đã đến Quy Nhơn nhiều ngày nhưng đọc thơ Văn Cao viết về miền đất văn chương này bỗng thấy như hoàn toàn mới lạ: “Quy Nhơn chúng ta/Vài dây buồm nhỏ/Vài con đường phố nhỏ/Và ngôi nhà nho nhỏ/Vẫn ngày đêm lấp lánh/Mang vết thương xưa/Ngày đêm làm ngọc/Chưa về Quy Nhơn /Mà nhớ em/Khuôn mặt càng dịu hiền/Càng lấp lánh/Lấp lánh” (Quy Nhơn I). Quy Nhơn hôm nay bề thế, khang trang, sầm uất hơn nhiều nhưng ấn tượng xuyên thời gian - xuyên văn hóa vẫn là một thị xã (xưa), thành phố (nay) ven biển êm đềm, trầm mặc, trầm tích lịch sử - văn hóa. Mùa thu gợi cảm hứng thi nhân và độc giả. Cũng đã không ít thi phẩm lưu giữ trong ký ức các thế hệ. Nhưng đọc thơ thu của Văn Cao vẫn cứ bồi hồi khôn xiết: “Gió cứ như không/Trôi qua cửa sổ/Một mảnh trời xám/Xuống dần/Xuống dần/Có tà áo trắng/Loang qua khung cửa/Mùa thu phai đi/Màu hoàng lan/Nghe ai nhắc/Người mong tìm gặp/Nắng chuyển dần/Trên thềm đá cũ/Mùa thu năm nay/Không mưa ngâu” (Mùa thu, 1992). Nói theo lý thuyết thì “điệu hồn” và “cấu trúc” của thơ trong trường hợp này, là của một chủ thể đã vào tuổi “xưa nay hiếm” (bảy mươi tuổi ta). Nên an nhiên, lão thực, vô ưu.
Thơ Văn Cao - đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim
Nhận định của chúng tôi về tính hài hòa trí tuệ và cảm xúc trong thơ Văn Cao không mâu thuẫn với đánh giá của các tác giả viết trong Từ điển văn học (Bộ mới) khi nhấn mạnh về dấu chỉ “ấn tượng” (như một trường phái/trào lưu/khuynh hướng - tiếng Anh: Impressionism): “Thơ Văn Cao là thơ ấn tượng, mọi sự vật đập vào ông đều gây ra những ấn tượng và xóa đi hình bóng thật của chúng”. Giới nghiên cứu thường hay dẫn bài thơ Lên Tây Bắc để nói về “ấn tượng” (từ trực giác) như là “vị” của thơ Văn Cao: “Tôi lên Tây Bắc/Nhìn màu xanh mỏi mắt/Một màu xanh hư thực ước mơ”. Nhưng trở thành “ấn tượng chủ nghĩa” thì phải kể đến những bài thơ khác nữa như Mùa thu: “Một mảnh trời xám/Xuống dần/Xuống dần. (...)/Mùa thu năm nay/Không mưa ngâu”. Sát ván hơn là những ấn tượng về một xô bồ đời sống đầy tính chất nghiệm sinh/hiện sinh/lão thực: “Họ đến đây đông lắm/Những người tìm đám đông/Vòm trời hẹp những chiếc dù xanh đỏ/Uống rỗng những thùng bia/Uống đến hết một ngày đang hết/Uống đến hết một năm sắp hết/Còn liếm môi. (...)/Dưới những chiếc dù xanh đỏ/Những cốc bia sủi bọt/Vẫn liếm môi” (Quán bia).
Khi nói về sự hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ trong thơ Văn Cao, không thể không nhắc đến bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật (1960). Bối cảnh ra đời bài thơ có tính đặc thù nếu chúng ta nhớ lại đó là khoảng thời gian thi sĩ gần như gác bút (theo nghĩa không sáng tác cả thơ, cả nhạc) vì những lý do ngoài nghệ thuật, nếu không nói là kinh qua một cuộc đại khủng hoảng phát triển. Bề ngoài có vẻ như bài thơ được bao bọc bằng một thứ “ảo giác” phiêu bồng, kỳ ảo. Nhưng bên trong là một sự khắc khoải, trăn trở, xót xa, chiêm nghiệm: “Ngủ dậy một sáng/Cả phố biến mất/Không một bóng người đi/Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm” (buổi sáng thứ nhất); “Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót/Một buổi sáng không thật/Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi/Cả thành phố cùng tôi im lặng/Tất cả những con người/Chỉ thấy mắt đen lay láy/Cả tiếng xe không thành tiếng/Tại sao? Tại sao?” (buổi sáng thứ hai). Cứ thế, năm buổi sáng không có trong sự thật tâm tưởng còn khách quan vật chất thì đương nhiên tồn tại (vì “thời gian là thuộc tính của vận động và phải được gắn với vật chất, vật thể”, xét từ phương diện khái niệm triết học). Có thể đó là thời khắc thi sĩ đau đáu khao khát đi tìm (sau khi đối diện) mình - cái cá nhân có tính cá thể và cao hơn là tính bản thể. Một không gian - thời gian sống/tồn tại không có lợi cho sự khẳng định “cái tôi” thì cách suy tưởng của thi sĩ là có lý, có tình (tất cả đều có thể biến mất như chưa từng tồn tại). Thơ Văn Cao, xét trong quan hệ tinh hoa và đại chúng thì rõ ràng nghiêng trội về phẩm chất đầu (có thể thuộc “trường thơ” Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, những người cùng thế hệ). Trong bài Mấy ý nghĩ về thơ, thi sỹ bộc bạch: “Đến với cuộc đời, nhà thơ không chịu đựng một sự may rủi mà phải chủ định thành lập nên sự thẩm mỹ mới cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình trong xã hội đương thời và cả xã hội sau này. (...). Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật. (...). Chúng ta đọc một nhà thơ lớn như đi theo một dòng sông lớn “ (in đầu sách Thơ Văn Cao, Sđd).
Thơ Văn Cao nặng tình yêu tiếng mẹ đẻ
Trong phạm trù “Văn hóa” có ba bộ phận cấu thành: giá trị - bản sắc - ứng xử. Khi nói đến phẩm chất văn hóa của nhà văn, cần thiết trước tiên nói về năng lực ứng xử với tiếng mẹ đẻ - Tiếng Việt - vì “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Chữ bầu lên nhà văn. Nó là một định đề như trong toán học. Thi sĩ quan niệm: “Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng. Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài thơ mở ra cái quãng ngược, quãng xuôi, những cái không nói tới mà người đọc càng tìm thấy mãi” (Mấy ý nghĩ về thơ, Sđd). Chọn chữ thơ là công việc tỉ mỉ đòi hỏi kỳ công, tuy không đến mức “thôi xao” như trong điển tích văn học cổ điển Trung Hoa, nhưng cũng là biết mấy mươi công trình. Chúng ta có thể hình dung, mỗi khi chọn một từ nào đó, thi sĩ có thể đặt nó trước mặt rồi suy tính kỹ càng. Một ví dụ trong bài thơ Đêm mưa (1941): “Sông chầm chậm chảy trong mưa/Nghe chừng cô gái đã thưa nhát chèo”. Bình thường thì viết “mái chèo”, song thi sĩ viết “nhát chèo”. Có vẻ như lơ đãng, có vẻ như không cần cố gắng hay vội vã, cứ để mặc con thuyền chầm chậm trôi theo những “nhát chèo” nay đã thưa (thớt). Chữ “nhát” thay cho chữ “mái” đã nói được điển hình tâm trạng của con người (cụ thể ở đây là cô lái đò). Vì cuối cùng thì: “Thuyền ai vơ vẩn trôi sang bên này”. Có vẻ như không rõ mục đích, định hướng. Một ví dụ khác, khi thi sĩ viết: “Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa”, “Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo”, “Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác” (Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, 1945), hẳn khi ấy chưa mấy người để ý và bình về chữ thơ “nghiêng nghiêng”. Mãi ba năm sau, khi thi sĩ Hoàng Cầm viết “Sông Đuống trôi đi/Một dòng lấp lánh/Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” (Bên kia sông Đuống, 1948), thì giới nghiên cứu mới bàn về một khía cạnh thi pháp thơ Hoàng Cầm nằm gọn trong hai chữ “nghiêng nghiêng” (!?). Nói đến niềm mến yêu tiếng Việt và tạo tác nên sức biểu cảm lớn không thể không nhắc bài thơ Ai về Kinh Bắc: “Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc/Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?/Trời hỡi! Ốm nằm trong quán trọ/Bạn bè còn lại mấy bài thơ/Trông qua song cửa: Trời vàng úa/Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!/Chiều tím cũng đang chầm chậm xuống/Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa/Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc/Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già/Cố thét song lời tôi yếu quá/Ngựa đều chân chạy nhạc càng xa” (1941).
Thơ Văn Cao, hôm qua và hôm nay
Khi đâu đó cất lên lời than vãn về thơ hôm nay đôi khi biến thành “thơ thẩn”, có vẻ như cực đoan, song phải không có cái lý lẽ của nó. Có nhiều nguyên nhân khiến người đọc đang xa rời dần văn chương nói chung, thơ ca nói riêng bởi người viết văn, làm thơ dường như đang chui sâu, leo cao vào trong cái “tháp ngà nghệ thuật” của mình, thành ra “ngắm rớt”, “nhắm rớt” (từ dùng của nhà văn Hoài Thanh trong tác phẩm Nói chuyện thơ kháng chiến, 1951) thế giới. Người nghệ sĩ ngôn từ sử dụng triệt để khả năng “bịa đặt”, “hư cấu”, “tưởng tượng” của mình mà lơ là thực hành phương châm sáng tác “sống đã rồi mới viết”. Thơ (cũng như nhạc) Văn Cao đã cho chúng ta cảm nhận được một nguyên lý giản dị: “Càng tới gần cái cuộc sống đầy mâu thuẫn đấu tranh là càng như đi gần lại một kho thuốc nổ. Có người dao động sợ hãi và quay lưng. Có người vụng về mà làm nổ. Nhưng cũng có người can đảm biết làm nổ để mở đường” (Mấy ý nghĩ về thơ)./.
Kỷ niệm 100 năm năm sinh Nhạc sỹ Văn Cao (1923-2023)
B.T.A
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511629
2292
2336
22003
218502
121356
114511629