Góc nhìn văn hóa
Tương tác gia đình trong thời đại 4.0
Công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa gia đình - một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc, là yếu tố cơ bản để xã hội phát triển ổn định. Những thành tựu công nghệ 4.0 đã tạo ra sự chuyển đổi từ tương tác trực tiếp sang tương tác gián tiếp một cách nhiều hơn, qua đó làm thay đổi nhiều giá trị văn hóa cơ bản của gia đình.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0) dựa trên nền tảng công nghệ số, hệ thống dữ liệu lớn và nhiều nhân tố quan trọng khác đã và đang tác động mạnh mẽ và toàn diện đối với đời sống văn hóa xã hội của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống con người. Cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ trong gia đình - vốn là nhân tố quan trọng nhất của văn hóa gia đình, từ quan hệ yêu đương, quan hệ hôn nhân đến các mối quan hệ cơ bản trong gia đình đều có những thay đổi nhanh chóng. Trong đó, nổi bật nhất và dễ nhận biết nhất là các quan hệ gia đình đang chuyển đổi từ tương tác trực tiếp sang tương tác gián tiếp nhiều hơn qua các ứng dụng công nghệ số.
Yêu đương là giai đoạn tiền hôn nhân, là bước đệm quan trọng để hình thành gia đình và là mối quan hệ cốt lỗi trong văn hóa gia đình. Yêu đương là mối quan hệ trong giai đoạn hai người đang tìm hiểu lẫn nhau, vun đắp tình cảm để đi đến quyết định kết hôn và thành lập gia đình. Trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, công nghệ số chưa xuất hiện và mạng xã hội chưa phổ biến thì quan hệ hôn nhân cũng dựa vào các tương tác trực tiếp. Trai gái yêu nhau chủ yếu gặp nhau trực tiếp để trò chuyện, tìm hiểu lẫn nhau. Sau đó, khi quyết định đến với nhau thì mới để hai gia đình gặp gỡ rồi đại diện hai dòng họ tiếp xúc và đồng ý với nhau. Cứ như vậy mà mối quan hệ hôn nhân được hình thành và tạo ra gia đình mới. Hiện tại, việc tương tác trực tiếp vẫn giữ vai trò quan trọng. Nhưng sự tương tác gián tiếp qua mạng xã hội đang dần trở thành nhân tố quan trọng trong quan hệ yêu đương. Qua khảo sát 117 trường hợp kết hôn ở Nghệ An (bao gồm 60 người ở nông thôn và 57 người ở thành thị) cho thấy có đến 77% đã biết đến vợ/chồng mình và trò chuyện với nhau qua mạng xã hội trước khi gặp gỡ trực tiếp và đi đến hôn nhân.
Nếu trước đây, hoặc qua mai mối mà trai gái mới gặp nhau, biết nhau để đi đến với nhau, hoặc cũng là ở gần nhau, cùng làng cùng xã, có biết đến nhau rồi gặp nhau để tìm hiểu, thì nay đã khác. Qua công nghệ số và mạng xã hội, nam nữ tìm hiểu nhau một cách thuận tiện và phổ biến qua những tương tác gián tiếp. Công nghệ số đã tạo ra nhiều mạng xã hội khác nhau, qua đó, tạo ra những không gian mới để các bạn trẻ có thể tương tác, tiếp cận và trò chuyện với nhau. Khi họ có quan hệ yêu đương với nhau thì cũng nhờ mạng xã hội mà tần suất tương tác, trò chuyện nhiều hơn, thuận lợi hơn, là điều kiện để hiểu về nhau hơn và vun đắp tình cảm bền chặt hơn. Trường hợp cảm thấy không hợp nhau thì họ cũng tìm đến sự lựa chọn phù hợp hơn một cách dễ dàng hơn. Ngày nay, nhiều đôi trai gái yêu đương nhau qua các mạng xã hội. Nhiều diễn đàn ghép đôi, tìm người yêu, tìm bạn đời… xuất hiện và ngày càng phổ biến trên các mạng xã hội. Không ít người đã tìm thấy bạn đời của mình từ những diễn đàn này, nhưng cũng khá nhiều cặp vợ chồng chỉ cưới nhau được một thời gian ngắn đã ly hôn vì chưa thật sự hiểu nhau. Yêu đương qua mạng xã hội trở nên phổ biến trong giới trẻ, thì cũng là một sự lo ngại đối với những người làm cha làm mẹ vốn luôn quan tâm đến con cái. “Con gái tôi quen với chồng cũ của nó qua mạng xã hội khi đi làm ở thành phố. Rồi chúng nó yêu nhau và về đòi cưới. Chúng nó còn chưa biết gì về gia đình của nhau lắm. Nhưng cha mẹ hai bên cũng chấp nhận vì chúng quyết tâm lấy nhau. Nhưng chưa được một năm lại ly hôn. Cứ yêu đương qua mạng xã hội mà không tìm hiểu rõ nhau mà lấy nhau thì không bền vững được”, một người phụ nữ chia sẻ về trường hợp con gái của mình.
4 anh em ở Gia Lai, Hà Nội, Vinh về quê trong ngày giỗ bà. Ảnh: Trương Thu Hương
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng có nhiều thay đổi trong bối cảnh công nghệ 4.0. Các thành viên trong gia đình hiện tại cũng tương tác trực tiếp với nhau khi ở gần nhau, nhưng sự tương tác gián tiếp đang trở nên phổ biến hơn. Thứ nhất là vì hiện tại, các thành viên trong gia đình ở cách xa nhau nhiều hơn. Nhiều thành viên phải đi làm ăn xa nhà, đi học tập ở các nơi khác nên ít ở cùng gia đình hơn. Rồi ngay cả khi ở với nhau thì do nhu cầu công việc nên cũng có ít thời gian ở cạnh nhau hơn. Cả cha mẹ và con cái đều như vậy. Rồi quan hệ vợ chồng cũng thế. Có những vợ chồng ở gần nhau nhưng trước vòng xoáy công việc luôn ào ạt thì mỗi người đều bận lo cho công việc của mình. Có vợ chồng rảnh rỗi thì đến bữa ăn còn gặp được nhau, rồi đêm về còn ở cạnh nhau. Có những cặp vợ chồng bận rộn thì chỉ gặp nhau vào đêm, hoặc trong bữa ăn tối, còn bữa sáng bữa trưa lại không ăn cùng nhau. Thời gian họ ở cơ quan làm việc còn nhiều hơn ở nhà.
Quan hệ cha mẹ với con cái cũng vậy. Cha mẹ bận làm việc thì con cái lại bận học hành. Học ở trường rồi lại học thêm, học bán trú rồi nội trú… vì nhiều hình thức khác nhau mà việc tiếp xúc trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít hơn. Do vậy, sự tương tác trực tiếp giảm dần và tương tác gián tiếp tăng lên. Vợ chồng liên lạc với nhau thường xuyên qua điện thoại, nhất là trong giờ nghỉ, thậm chí giống như một hình thức báo cáo sự hiện diện hay hiện trạng của mình với gia đình. Rồi cha mẹ với con cái cũng thường xuyên trò chuyện với nhau qua điện thoại, qua mạng xã hội nhiều hơn. Có nhiều khi, cùng trong nhà nhưng không gặp nhau hay gọi tên nhau mà nhắn qua điện thoại. Từ tầng dưới với tầng trên cũng liên hệ bằng điện thoại. Từ trong bếp với ngoài nhà cũng bằng điện thoại. Ngay cả khi gia đình có điều kiện để sum họp với nhau bên bàn ăn hay cùng ngồi uống nước, mỗi người cũng tập trung vào chiếc điện thoại của mình. Đó là một hiện trạng mà nhiều người đang lo lắng cho các mối quan hệ xã hội nói chung và quan hệ gia đình nói riêng hiện nay. Người ta lo sợ điện thoại, công nghệ số và mạng xã hội sẽ làm cho con người ta nhạt nhẽo hơn, ít tình cảm với nhau hơn.
Dù nói gì đi chăng nữa, công nghệ 4.0 cũng đang tác động mạnh mẽ đến các quan hệ văn hóa gia đình. Sự tác động này diễn ra trên hầu hết mọi phương diện của đời sống gia đình, từ quan hệ yêu đương, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Và cơ chế chung quan trọng dẫn đến sự thay đổi này là quá trình chuyển đổi từ tương tác trực tiếp sang tương tác gián tiếp trong các mối quan hệ gia đình. Sự chuyển đổi này vừa có giá trị tích cực, cũng có mặt tiêu cực của nó. Nhưng dù nhìn nhận thế nào đi nữa thì rõ ràng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi các giá trị văn hóa gia đình một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Những cuộc hôn nhân qua quen biết trên mạng xã hội có nguy cơ tan rã nhiều hơn. Trong 11 trường hợp ly hôn được khảo sát thì có 7 trường hợp quen biết nhau qua mạng xã hội và đi đến hôn nhân. Các quan hệ gia đình cũng phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn, nhất là việc chăm con, dạy con trong các gia đình đang chịu ảnh hưởng của công nghệ một cách mạnh mẽ. Trong cuộc sống gia đình, những mối quan hệ cơ bản như chồng-vợ, cha/mẹ-con, anh/chị-em cũng có những thay đổi nhất định. Trong quan hệ vợ chồng, giá trị chung thủy vẫn được coi trọng nhưng bên cạnh đó nó không còn quá khắt khe như trước. Quan hệ hôn nhân và tình dục ngày càng có sự độc lập nhất định. Nếu như trước đây, tình dục gắn liền với hôn nhân thì nay, những quan hệ tình dục ngoài luồng, ít gắn với quan hệ hôn nhân đang trở nên phổ biến hơn. Điều này cũng làm cho quan hệ vợ chồng có những biểu hiện mới, lỏng lẻo hơn và hệ quả là tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng lên cao hơn. Quan hệ giữa cha/mẹ với con cái cũng không còn quá ngăn cách thế hệ như trước khi mà cha mẹ gần gũi và lắng nghe con nhiều hơn thay vì áp đặt như trước. Con cái cũng suy nghĩ, lựa chọn lối sống, hướng đi một cách chủ động hơn và dựa nhiều vào bản thân hơn. Những “công dân toàn cầu” bắt đầu xuất hiện và ngày càng đông lên với những giá trị văn hóa hoàn toàn mới. Quan hệ anh chị em trong gia đình cũng ngày càng trở nên độc lập hơn./.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511610
2273
2336
21984
218483
121356
114511610