Đền Quán Thánh (hay Quan Thánh?) là cách gọi quen thuộc của người dân xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An… Còn theo lời kể của những người già, trong đó có cụ nhà nho cuối cùng của xóm tôi, thì đây là Nhà Thánh Văn Xương.
Đền Quán Thánh (hay Quan Thánh?) là cách gọi quen thuộc của người dân xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An… Còn theo lời kể của những người già, trong đó có cụ nhà nho cuối cùng của xóm tôi, thì đây là Nhà Thánh Văn Xương.
Nhà Thánh Văn Xương (nhìn từ bên ngoài)
Thánh Văn Xương tức là Văn Xương Đế quân, Văn Khúc Tinh Quân, một vị trong hệ thống thần linh của Đạo giáo. Theo quan niệm truyền thống (xuất phát từ Trung Quốc), Ngọc Hoàng Đại Đế là vị vua tối cao của bầu trời, là chủ của muôn loài vạn vật, dưới Ngọc Hoàng Đại đế có một cung gồm 6 vị chủ về sáu việc võ bị binh đao, phúc lộc, thăng thưởng, trừng phạt, văn chương nghệ thuật, ứng với sáu vì sao. Sáu vì sao ấy đều được gọi là Đế Quân hoặc Đế Tinh, Tinh Quân. Văn Xương Đế Quân, Văn Xương Đế Tinh, hay Văn Khúc Tinh Quân hay Thánh Văn Xương chủ về văn chương nghệ thuật. Bao Chửng, một vị thanh quan ở Trung Quốc đời Tống, tương truyền là hiện thân của Văn Khúc tinh quân (cùng thời với ông, võ tướng Địch Thanh là hiện thân của Võ Khúc tinh quân. Hai người cùng được Ngọc Hoàng cử xuống để giúp Tống Nhân Tông trị vì thiên hạ). Ở Việt Nam cũng có nơi thờ Văn Xương Đế Quân. Tại đền Ngọc Sơn ở Hà Nội, Văn Xương Đế Quân được hình thể hóa với tư thế đứng, bút cầm trong tay. Có ý kiến cho rằng việc thờ Thánh Văn Xương ở Việt Nam có từ thời Lê Thánh Tông, một đấng minh quân, cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn.
Nhà Thánh Văn Xương ở xã Đồng Văn tọa lạc giữa một vùng đồng ruộng không rộng rãi nhưng tươi tốt, ở vào thế tả Thanh Long hữu Bạch Hổ với phía Nam là dòng sông Lam uốn lượn phù sa, vào mùa xuân ngô lạc tươi tốt trong ánh nắng mênh mang và sắc nước hiền hòa. Bên tả ngạn là con đê uốn cong nét mày thiếu nữ; Phía Bắc là dải núi thấp, mà người dân hay gọi một cách thân thương quê kiểng là Rú Ông. Rú Ông là nơi tọa lạc của đền thờ Cao Sơn Cao Các, di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, với vô số những huyền thoại làm đẹp thêm, phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Rú Ông xuất phát từ phía Tây vòng sang Đông tạo cho Nhà Thánh thế tựa lưng vào núi; sông Lam vòng từ Nam sang Đông, tạo cho Nhà Thánh thế hướng mặt ra sông đúng với phong thủy truyền thống, đủ thấy rằng người Đồng Văn xứng đáng là một vùng đất học và trọng lễ. Tự đời nào, người dân ở đây đã truyền tụng một bài ca như thể hiện niềm tự hào về quê hương xứ sở, với những câu như “Văn Tri huyện Lang Trung/Võ Chánh Cơ Phó Vệ/Cũng đời đời kế thế/Cũng sắc mạng triều đình…”. Truyền thống khoa bảng và tướng lĩnh ấy như một mạch nguồn nối dài, nối dài cho đến tận hôm nay. Chỉ riêng xóm Phú Hậu bằng cái lòng bàn tay mà hiện đang có ba Tiến sĩ cùng công tác ở Trường Đại học Vinh, còn Cử nhân, Thạc sĩ, thì nói vui một chút là “Lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong”.
Nhà Thánh Văn Xương tương truyền chủ yếu là nơi hội yến định kì dành cho những người theo con đường văn nghiệp hoặc nơi đãi yến những người đỗ đạt ở các kì thi. Nếu tính về niên đại, nó đã có trên 150, chính xác là 157 năm tuổi. Tấm bảng ở đầu “khu đĩ” còn ghi rõ, công trình được tạo tác vào năm Tự Đức thứ 20 (Tự Đức nhị thập niên), tức là năm 1866. Chính vì là nơi yến tiệc nên quy mô kiến trúc hoàn toàn khác biệt với kiểu quy mô, kiến trúc đền miếu truyền thống. Không rõ nguyên thủy diện tích khuôn viên là bao nhiêu, nhưng hiện nay phần nền cao hơn mặt ruộng gồm cả lối vào sát tam quan cũng chỉ chừng một sào đất. Đặc biệt là không có nhà tả vu, hữu vu, và sân gạch phía trước được ôm bằng chân tường ba phía cũng chỉ rộng chừng trên dưới trăm mét vuông. Kết cấu nóc cổng theo lối tam quan nhưng thực ra chỉ có một lối vào và không có tắc môn. Ngoài vẻ uy nghi của ba mái cổng và tường rào, và các thiết kể phần mái, không gian Nhà Thánh cơ bản không khác bao nhiêu so với không gian chính đường truyền thống của người Việt.
Phía trong Nhà Thành Văn Xương
Bởi là Nhà Thánh Văn Xương nên trên nóc và phần đầu đao các mái cũng có những khác biệt về điêu khắc. Ở giữa nóc vẫn là con Bệ Ngạn, nhưng hai đầu nóc không phải đầu rồng, mà là hai con kỳ lân như là biểu tượng của từ tâm và trí huệ - phù hợp với không gian văn chương. Mái được lợp bằng ngói âm dương mũi hài. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, của thời gian và thời tiết, mái ngói vẫn cơ bản nguyên lành và hầu như không có chỗ dột thấm.
Hiện không thấy hậu cung, không gian bên trong Nhà Thánh quả lý tưởng cho việc hội họp. Nền nhà hình chữ nhật rộng chừng hơn tám chục mét vuông, vuông thành, sắc cạnh, hiện nay đã thủng lỗ chỗ nhưng cơ bản vẫn bằng phẳng, đi lại bình thường, có thể trải chiếu ngồi đánh cờ, uống rượu. Nhà có hai mươi bốn cột gỗ xếp thành sáu hàng ngang bốn hàng dọc - một kiểu kiến trúc cổ điển của người Việt. Tất cả các cột vẫn còn nguyên vẹn, vững chãi và hình như không có dấu hiệu mối mọt. Thân cột không hoa văn cầu kì nhưng ở đuôi rường, kẻ thì lại được chạm khắc khá tinh xảo. Không hiểu, hồi cải cách đồ thờ bị phá dỡ, hay vốn chỗ này không thờ tự, nhưng hiện tại người ta không thấy dấu hiệu của việc thờ cúng bởi không thấy gian thờ và đồ tế khí.
Không ai cưỡng được bước chân của lịch sử với quy luật thương hải tang điền. Lịch sử khắt khe sẽ biến một số thứ thành dĩ vãng. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nho học dần tàn suy và tiêu biến trước đòi hỏi của thời đại. Chôn vùi theo nó là những giá trị đã từng làm nên chính nó. Nền khoa cử Nho giáo không còn, hiển nhiên các loại hình văn hóa biểu hiện tinh thần của nó, nhất là văn hóa vật thể, cũng chỉ còn là chứng tích xưa cũ của một thời xưa cũ. Nhà Thánh Văn Xương cũng không thể tự mình chống lại ý chí của thể cuộc nhân sinh. Nhưng điều lạ là, trong cơn bão táp Cách mạng cách nay hai phần ba thế kỷ, nhiều công trình đã bị tháo dỡ, chỉ tính trên địa bàn xã Đồng Văn. Nhưng Nhà Thánh Văn Xương, một công trình kiến trúc nằm khiêm nhường trên một thửa ruộng biệt lập với khu dân cư, không mất nhiều công để phá dỡ, thì vẫn còn đó, trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nhắc thêm rằng, cùng với Nhà Thánh Văn Xương dành để tôn vinh các văn nhân, các nhà Nho khoa bảng, xã Đồng Văn còn có không gian dành để tôn vinh các vị đỗ đạt ngạch võ cử. Chẳng thế mà xa xưa, ở địa phương này còn tồn tại kiến trúc Nhà Võ. Nhưng khi người viết bài này ra đời, Nhà Võ không còn một chút dấu tích nào. Cũng là điều khó hiểu. Điều duy nhất có thể hiểu được là, đến nay, Nhà Thánh Văn Xương vẫn còn đó, lặng lẽ và u buồn, là nơi trú mưa, nơi cất tạm rạ rơm của nông dân trong vùng hay chỗ nghỉ chân của lũ trâu bò vào những buổi trưa mệt nhọc. Trong khi gần đó, đền Cao Sơn Cao Các đã được trùng tu, được tổ chức lễ hội hàng năm, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; trong khi xóm Núi Ông ngày càng đông đúc, chật chội, trù phú; trong khi dòng sông Lam vẫn mê mải về xuôi tuy bất thường lở bồi, sâu cạn… thì Nhà Thánh chỉ còn là một nơi u tịch, vô liêu trong thân ngói gỗ đã gồng gánh hơn một trăm năm mươi năm thời gian. Nghĩa là hơn một thế kỷ rưỡi…
LTN
2121
2325
21363
220528
121009
114522589