Vùng đất Cự Đồn xưa nay thuộc huyện Con Cuông và một phần của huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn. Đây là nơi gắn liền với công lao của Uy Minh vương Lý Nhật Quang - vị Tri châu đầu tiên của xứ Nghệ.
Vùng đất Cự Đồn xưa nay thuộc huyện Con Cuông và một phần của huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn. Đây là nơi gắn liền với công lao của Uy Minh vương Lý Nhật Quang - vị Tri châu đầu tiên của xứ Nghệ.
Đền Khe Sặt (thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông) - một trong những di tích thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang ở vùng Cự Đồn xưa
Lý Nhật Quang là em ruột của vua Lý Thái Tông, được nhà vua tin cẩn xuống chiếu bổ làm Tri châu Nghệ An với tước hiệu Uy Minh hầu vào tháng 11 năm 1041. Cũng từ đây, sự nghiệp của Lý Nhật Quang gắn liền với mảnh đất và con người xứ Nghệ, vùng đất phên dậu và là trọng trấn phía Nam của Tổ quốc. Trong 16 năm làm Tri châu Nghệ An (1041 - 1057), Lý Nhật Quang đã có nhiều cống hiến to lớn cho xứ Nghệ nói chung và mảnh đất miền Tây xứ Nghệ - Cự Đồn nói riêng.
Trước khi Lý Nhật Quang xuất hiện, Cự Đồn là mảnh đất hoang vu, dân cư thưa thớt với núi non điệp trùng. Dưới con mắt của một chiến lược gia tài ba, có tầm nhìn xa, trông rộng, Lý Nhật Quang nhận thấy Cự Đồn là vùng đất giàu tiềm năng, lại có vị trí chiến lược quan trọng, giáp Ai Lao, ông đã tập trung nhân lực và vật lực để khai phá, vừa góp phần làm “thay da đổi thịt” cả một vùng đất rộng lớn, vừa bảo vệ vững chắc “phên dậu” của đất nước dưới thời Lý. Công lao của Lý Nhật Quang được thể hiện rõ trên các lĩnh vực:
Khai hoang, lập làng
Cùng với quá trình khai hoang, lập làng ở nhiều nơi khác trên mảnh đất xứ Nghệ, Lý Nhật Quang đã tập trung một lực lượng lớn dân phiêu tán và binh lính đồn trú cùng lực lượng dân bản địa tiến hành khai phá ruộng đất ở vùng này. Theo “Đại Việt sử kí toàn thư”, tháng 8 năm 1044, sau khi mang quân đi đánh Chiêm Thành, thắng lợi trở về, vua Lý Thái Tông gọi Lý Nhật Quang đến yên ủi và trao quyền tiết việt và gia phong tước vương vì những công lao, đóng góp của ông cho cuộc chiến này, đến tháng 9 “Vua từ Chiêm Thành về, làm lễ cáo thắng trận ở miếu Thái Tổ xong, rồi ngự ở điện Thiên An, mở tiệc rượu mừng về đến nơi. Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng hơn 5.000 chiến tù và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các chiến tù đều ghép theo bộ thuộc cho ở từ trấn Vĩnh Khang thẳng đến Châu Đăng (tức là Quy Hóa sau này)”. Theo Phó Giáo sư Ninh Viết Giao, Vĩnh Khang hiện nay bao gồm một số xã thuộc huyện Tương Dương và huyện Con Cuông ngày nay. Như vậy, việc Lý Nhật Quang mang tù binh lên vùng đất miền Tây xứ Nghệ nói chung và vùng Cự Đồn nói riêng không chỉ được Nhân dân lưu truyền mà còn được chính sử ghi chép. Những dấu vết lịch sử còn lại cho thấy, ngoài vùng Khe Diêm, nhiều nơi trên địa bàn này cũng được khai phá như vùng Khe Choăng (nay thuộc xã Châu Khê), Khe Thơi (nay thuộc xã Lạng Khê)...
Mở con đường thượng đạo thứ hai
Trong thời gian làm Tri châu ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã cho mở hai con đường, trong đó, con đường thứ hai khởi đầu từ Đô Lương men theo sông Lam, qua Anh Sơn, Cự Đồn, Hội Nguyên lên tận Mường Mật ở Tương Dương và Kỳ Sơn đến giáp Ai Lao. Con đường này chạy qua Con Cuông hiện nay tầm khoảng 30km. Sử sách không ghi rõ ông làm con đường này từ khi nào, nhưng có ý kiến cho rằng “Lý Nhật Quang khởi công làm con đường này từ năm Bính Tuất (1046), mùa xuân năm sau, tức năm Đinh Hợi (1047), con đường đã hình thành”. Để công cuộc mở đường được thuận lợi, Lý Nhật Quang đã cho một số thổ quan người các dân tộc thiểu số ở địa phương thông thạo đường đi lối lại, điều tra khảo sát địa hình, địa thế ở khu vực phía Tây này. Nhờ vậy, quá trình mở đường lần này đã rút ngắn được thời gian và công sức. Con đường thượng đạo hình thành đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo điều kiện cho việc đi lại, trao đổi vật phẩm giữa Nhân dân miền núi với miền xuôi.
Đảm bảo an ninh vùng biên viễn
Song song với việc khai hoang mở đất, lập làng, xây dựng và phát triển kinh tế ở mảnh đất Cự Đồn nói riêng và miền biên viễn phía Tây Nghệ An nói chung, Lý Nhật Quang còn chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh quốc phòng. Tại Khe Diêm (nay thuộc xã Bồng Khê), ông bố trí một đồn binh lính bảo vệ Cửa Luỹ để Nhân dân yên tâm khai hoang, sản xuất. Dưới con mắt của một nhà quân sự tài ba, việc mở con đường thượng đạo thứ hai không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giao thông mà còn vì mục đích xây dựng, củng cố an ninh quốc phòng, lưu thông nhanh chóng các thông tin, vận chuyển lương thực, khí giới cùng sự chuyển quân mỗi khi đất nước có biến. Trên thực tế, trong khoảng thời gian Uy Minh vương Lý Nhật Quang trị nhậm ở Nghệ An, miền Tây xứ Nghệ đã nhiều lần bị giặc ngoại bang xâm lấn, mỗi lần như vậy, ông đều huy động các lực lượng, thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Ở vùng Khe Chè (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, giáp ranh với huyện Con Cuông), dân gian còn lưu truyền câu chuyện: “Một lần, quân Ai Lao làm phản, sang đánh phá miền Tây Nghệ An. Lý Nhật Quang mang quân đi đánh dẹp. Trên đường kéo quân về, ông được Nhân dân hân hoan chào đón. Về đến Khe Chè, bà con vây lấy ông chúc mừng chiến thắng. Ông vui vẻ cầm cái điếu cày, rít một hơi dài rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ, cái điếu là một đoạn tre lộn ngược. Sau đó, từ chiếc điếu mọc lên một cây tre vít đầu xuống đất rồi mới trổ lên trời”. Truyền thuyết này dù mang yếu tố hoang đường nhưng thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Nhân dân nơi đây đối với Lý Nhật Quang - người không chỉ có công mở mang đất đai, xây bản, lập mường mà còn tạo dựng và giữ gìn cuộc sống bình yên cho dân làng.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Nhân dân nhiều nơi trên địa bàn Con Cuông và vùng phụ cận lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng như đền Khe Sặt ở thị trấn Con Cuông, đền thờ Lý Nhật Quang tại bản Xiềng (Môn Sơn) và bản Bủng (Châu Khê). Ngoài ra, trước đây, bản Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương)... cũng có đền thờ Lý Nhật Quang.
Như vậy, dấu ấn của vị Tri châu đầu tiên của xứ Nghệ để lại trên mảnh đất này không chỉ là hệ thống ruộng đất khai hoang trải dài với sự ra đời của nhiều làng, bản; là con đường thượng đạo chiến lược... mà dấu ấn ấy còn đọng lại sâu sắc trong tâm thức của bao lớp thế hệ thông qua hệ thống các di tích đình, đền, miếu mạo....Không những thế, trên mảnh đất Cự Đồn, dù ở trung tâm hay len lỏi vào tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, chúng ta vẫn có thể nghe được những câu chuyện kể, những bài vè thú vị về vị Tri châu tài ba năm đó./.
Bài viết có tham khảo các tài liệu:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông (2022), Lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông (1931-2020), NXB Nghệ An;
2. Huyện ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ huyện Con Cuông, Địa chí văn hóa huyện Con Cuông, Nxb Nghệ An;
3. UBND huyện Đô Lương (2003), Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với Nghệ An, Viện Sử học, Hà Nội;
4. Hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh Đền Khe Sặt, thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông;
5. Ngô Sỹ Liên (2004), Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa thông tin.
2232
2336
21943
218442
121356
114511569