Đạo giáo Trung Quốc theo chân những kẻ thống trị truyền vào Việt Nam từ rất sớm, gần như ngay sau khi mới sáng lập với xu hướng tu tiên, thuật phong thuỷ, xem tướng, bói toán, dùng bùa phép để chữa bệnh, cầu an, giải hạn. Xu hướng này tồn tại và ảnh hưởng lâu dài cho đến ngày nay. Đạo Tứ phủ của Việt Nam phản ánh khá rõ ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc vào tín ngưỡng Việt Nam, thể hiện ở sự vay mượn Đạo giáo Trung Quốc về nguyên lý gồm hệ thống thần linh, kinh, phù phép, v.v.. nhưng rút gọn cho phù hợp với nhu cầu và tâm lý của người Việt Nam. Con nhang đệ tử là các ông bà Đồng - những người có căn đồng - có khả năng để cho các thần linh nhập xác để thực hành các nghi lễ phán truyền, trị bệnh, bói giải,v.v... Họ hoạt động không có tổ chức chặt chẽ thống nhất, không có người cầm đầu, các đền thờ hoạt động tương đối độc lập.
Một biểu hiện khác của Đạo giáo Trung Quốc khi vào người Kinh Việt Nam là đã góp phần hình thành nên một lớp người làm nghề thầy cúng có tên gọi là thầy Phù thuỷ. Thầy Phù thuỷ được coi là những người biết làm phép trừ tà trị ma chủ yếu bằng bùa chú, phù phép. Trong nhà thầy Phù thuỷ có lập gian tĩnh để thờ một vị thần trong Đạo giáo mà thầy Phù thuỷ tôn làm thần chủ, chẳng hạn như Thái Thượng Lão Quân, Trương Thiên Sứ, thần Độc Cước (1), v.v...
Ngoài ra, ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc vào các tỉnh miền núi phía bắc việt Nam còn được đến từ Đạo giáo dân gian của các dân tộc thuộc nam Choang của Trung Quốc. Đạo giáo Trung Quốc khi du nhập vào khu vực cư trú của người Choang đã góp phần hình thành nên một tầng lớp các thầy cúng gọi là Đạo công và Sư công là một hình thức Đạo giáo dân gian chịu nhiều ảnh hưởng của phái phù lục thiên về bùa chú chữa bệnh trừ tà. Nhóm các thầy Tào của người Tày, Nùng Việt Nam và một bộ phận người Choang ở khu vực giáp ranh biên giới Việt - Trung là sự kết hợp của Đạo công và Sư công nhưng thiên nhiều về Đạo công hơn (2). Sự tham gia của Đạo giáo dân gian ở cả hai phía người Kinh và người Choang đã góp phần hình thành ở người Tày một lớp người hành nghề cúng bái có tên gọi Then, Pụt xét về bản chất là một dạng thầy cúng có nhiều điểm tương đồng với các ông thầy Phù thuỷ và các ông bà Đồng của người Kinh. Dưới đây, trong phạm vi cho phép, bước đầu xin đưa ra những biểu hiện về giao lưu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian nam Trung Quốc và bắc Việt Nam vào trong Then thông qua lớp công tướng và phép hành nghề của các thầy Then ở huyện Quảng Uyên thuộc dòng Then nam miền đông tỉnh Cao Bằng.
Công tướng của Then: Tuy hình thức thờ nghề của các thầy Then ở Quảng Uyên đơn giản (chỉ có một bát hương) nhưng đối tượng thờ cúng của họ lại khá đa dạng mà qua đó có thể nhận thấy được sự dung hợp giữa các yếu tố tín ngưỡng bản địa với các yếu tố du nhập từ người Kinh và từ nam Choang(3). Đó là một hệ thống điện thần phức tạp với sự có mặt của nhiều vị thần tướng được du nhập từ nhiều con đường khác nhau mà chính bản thân thầy Then cũng không hiểu cặn kẽ được. Căn cứ vào tên gọi và vai trò của từng vị, có thể tạm chia hệ thống điện thần của các thầy Then Quảng Uyên thành 3 nhóm gồm các vị tướng nghề, các vị tổ tiên và các vị thần trong điện thần Đạo giáo.
Trước hết, trong Then có nhiều biểu hiện ảnh hưởng của Đạo giáo dân gian người Kinh về điện thần, thể hiện khá rõ qua các vị thần linh chủ chốt được gọi là các vị tướng nghề. Qua xem xét, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ có sự liên quan giữa các vị tướng nghề của các thầy Then với các vị thần chủ của các thầy Phù thuỷ miền xuôi. Trước hết là các vị tướng chủ về phép thuật của Then là Phya Cắm (Núi Tím), Phya Đán (Núi Đán), Phya Danh (Núi Danh). Mặc dù mang tên gọi theo tiếng địa phương là Phya (núi) nhưng khi nhập đồng các tướng này lại nói tiếng Kinh. Một số tướng có tên gọi và đặc điểm tương tự với các thần ở miền xuôi. Chẳng hạn, tướng Nguỵ Chưng Tiêu Độc Cước tức Phya Đán (có thầy gọi là Nhuệ Sơn Tiêu Độc Cước) không rõ Nguỵ Chưng (ghi theo âm đọc của các thầy Then) có liên quan gì đến Nguỵ Trưng là một đạo sĩ đời Đường sau làm Gián nghị đại phu đời Đường Thái Tông không nhưng Độc Cước có lẽ là tên gọi liên quan đến thần Độc Cước, tương truyền là một vị thần bắt tà ma rất linh ứng ở miền xuôi, ở Việt Nam có trên 300 nơi thờ, riêng tỉnh Thanh Hoá có 52 điểm thờ (4). Cách giải thích về đặc điểm “độc cước” (một chân) của thần mỗi nơi một khác. Có thuyết nói rằng thần vốn là con một pháp sư nổi tiếng ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), khi mới ba tuổi đã đánh trống động tới trời. Trời liền sai thiên tướng xuống lừa lúc nó ngủ mà chém xẻ người làm đôi. Người bố đem chôn nhưng sau này đứa trẻ sống lại chỉ có đầu mình và một tay, một chân nên gọi là Độc Cước (5). ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) có đền Độc Cước thờ một bàn chân lớn in thủng mặt đá được giải thích qua tích một chàng trai nghĩa hiệp đã sả đôi thân mình để giúp dân trừ nạn Quỷ Đỏ. Từ tín ngưỡng dân gian thần Độc Cước đã được các thầy Phù thuỷ tôn làm “Thánh Độc”, “Độc Cước chân nhân” có phép thuật tróc quỷ, trừ tà được đưa vào thờ phụng trong cửa tĩnh. Trong Then, tuy không thấy nói đến lai lịch thần một chân nhưng vị tướng này có dị tật là câm, khi xuất hiện chỉ giao tiếp với mọi người bằng động tác. Như vậy tướng Độc Cước trong Then của người Tày ít nhiều có liên quan đến thần Độc Cước của các thầy Phù thuỷ miền xuôi. Từ vị thần một chân đến vị tướng câm chỉ là một sự phản ánh tính dị bản vốn là một trong những đặc điểm của văn hoá dân gian.
Ngoài Nguỵ Chưng Tiêu Độc Cước, trong Then còn có các vị tướng nghề quan trọng khác thuộc Phya Danh (Núi Danh), gồm các tướng Thiên Bồng Thiên Ru, Ngũ Lôi Huyền Đàn, Bạch Xà Hắc Hổ, Thuỷ Sủ Hoả Thang là những tướng đại diện cho oai quyền và phép thuật của Then. Trong đó, ít nhất ba vị có dấu hiệu liên quan đến các vị thần của các thầy Phù thuỷ miền xuôi, đó là:
- Tướng Ngũ Lôi Huyền Đàn: Miền xuôi có thần Huyền Đàn, tương truyền xuất hiện vào thời Đinh, cưỡi cọp đen, đánh đâu thắng đó được Ngọc Hoàng xếp vào số 12 thiên tướng (6).
- Tướng Hắc Hổ (còn gọi là Nam Hai, Hổ Lang) là tướng hổ, tương đương ở miền xuôi có Ông Năm Dinh (Ngũ Dinh quan lớn) là thần Ngũ Hổ có sức mạnh trấn trị tà ma, được thờ trong điện thần dưới dạng bức tranh Ngũ Hổ. Tướng Hổ xuất hiện trong Then dưới hình thức nhập đồng với tư thế gào thét vờn mồi (7).
- Tướng Bạch Xà: Vị tướng này không thấy xuất hiện dưới hình thức nhập đồng trong Then nhưng vẫn được nhắc đến trong danh sách công tướng. Bạch Xà là thần tướng trong điện thờ Nội đạo đời Lê, là 2 con rắn thần có mào, giáng sinh từ tà ma, có phép phun lửa diệt giặc trừ quỷ.
Ngoài ra, trong danh mục công tướng của Then còn có Trần Hưng Đạo, vị thánh ở miền xuôi có tài trừ tà cứu nạn cho dân nên được tôn là Đức Thánh Trần. Vị tướng này không thấy xuất hiện trong các nghi lễ của Then. Tuy nhiên, có lẽ theo tâm thức dân gian người Tày là đối lập với ma lành có ma dữ, mặc dù Đức Thánh Trần không xuất hiện nhưng trong các nghi thức của Then cấp sắc (như lễ cấp mũ ở ngoài đồng), ngoài các vị thánh thần bản địa ra họ có mời thêm vong hồn Phạm Nhàn (có lẽ là Phạm Nhan) - vốn là một kẻ thù của Đức Thánh Trần. Ngoài ra, cửa Phạm Nhàn còn là một cửa trên hành trình đi dâng lễ vật xin cấp sắc với mục đích cống nộp lễ vật cho các loại ma tà tật ách để chúng không quấy phá công việc của thầy Then. Điều thú vị là Phạm Nhàn đã được dân gian Tày bản địa hoá thành ma gà - một thứ ma đàn bà lẳng lơ tương truyền vốn là em gái Ngọc Hoàng, chỉ có thể thờ phụng mà không trừ diệt được.
Các vị thánh, thần nói trên đều do người Việt Nam (người Kinh) xây dựng bên cạnh việc thờ phụng các vị thần Đạo giáo Trung Hoa như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân. Từ các vị thánh thần trong điện thần của người xuôi chuyển sang thành các vị tướng nghề của Then, đó là con đường đi từ sự giao lưu, hội nhập và phát sinh phát triển của các hình thức tôn giáo tín ngưỡng dân gian vốn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều quốc gia, nhiều dân tộc.
Về hiện tượng các tướng nghề của Then khi nhập đồng nói tiếng Kinh được các thầy Then giải thích rằng: Theo truyền lại thì gốc Then là từ người Kinh, lúc đầu toàn nói tiếng Hán - Việt, sau chuyển sang nôm Tày, vì vậy khi tướng xuống phải nói tiếng Kinh! Trong khúc hát Suôi suông của Then Quảng Uyên, Cao Bằng có một đoạn dài trích lời quân suông chống lệnh thầy Then bằng tiếng Kinh mà mở đầu bằng câu: Pỏ ruông liện phuối Keo với Tán (Suông chồng liền nói tiếng Kinh với Chúa...). Đây cũng là một bằng chứng cho thấy trước đây từng có một dạng thầy Then là người Kinh. Ngoài ra, rải rác trong văn bản lời hát Then cũng thấy xuất hiện khá nhiều câu, đoạn bằng tiếng Kinh hoặc bằng tiếng Hán - Việt. Việc một số dòng Then ở miền tây Cao Bằng (huyện Hoà An, Hà Quảng,v.v...) và ở Lạng Sơn khi làm lễ cấp sắc phải nhờ thầy Phù thuỷ chủ trì cũng là một chi tiết khẳng định rằng hệ thống điện thần của Then có mối liên quan nhất định với điện thần của các ông thầy Phù thuỷ người Kinh.
Vậy quá trình hội nhập hai dòng tín ngưỡng Phù thuỷ và Then được diễn ra như thế nào? Điều này chỉ có thể lý giải dựa trên các cứ liệu khảo sát thực tế trong dân gian. Ông Then Nguyễn Trùng D. ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên cho biết tổ tiên ông có 11 đời làm nghề Then và Phù thuỷ, ông là người nối nghiệp ở đời thứ 12, gốc gác tổ tiên ông ở Thanh Hoá, trên ban thờ nhà ông có ghi: “Tổ tích nguyên lai Thanh Hoá Việt, di cư an địa Thái Nguyên đa”. Trong công tướng Then của ông này cũng có tướng Độc Cước. Tương tự, ông Then kiêm thầy Phù thuỷ Nguyễn Đình Th. ở huyện Chợ Mới, Bắc Kạn cũng có tổ tiên là người Kinh làm nghề Phù thuỷ ở Nam Định lên Bắc Kạn được 6 đời, cả 6 đời đều có người làm thầy cúng hoặc là làm Phù thuỷ hoặc là làm Then, ông Th. là người làm nghề ở đời thứ 6. Tất cả các các vị này đều có tên hiệu đệm là Pháp: Nguyễn Pháp Tông - Phù thuỷ (đời 1), Nguyễn Pháp Hựu - Then nữ (đời 2), Nguyễn Pháp Quang - Phù thuỷ (đời 3).... và Nguyễn Pháp Ngôn (ông Th.) thầy Then kiêm Phù thuỷ (đời 6).
Theo như trên thì các thầy Phù thuỷ và thầy Then đều thuộc về dòng pháp sư. Theo quy định trong nghề thì những người làm Then có tên hiệu được đặt phổ biến theo nguyên tắc: Họ + Pháp (tên đệm) hoặc Huyền (tuỳ quy định của sách ở một số nơi)+ tên hiệu. Qua đó chứng tỏ có sự liên quan về cách thức hành nghề của hai ngành cúng này. Văn cúng Phù thuỷ mà ông Th. đang dùng trong lễ giải hạn là một dạng văn cúng khá phổ biến ở huyện Định Hoá, Thái Nguyên. Tuy lời cúng bằng tiếng Kinh nhưng đường đi trong bài cúng này lại tương tự như Then với các cửa như: Thổ công; Giếng thuỷ tinh (tương đương với tu bó - mỏ nước của người Tày); Cửa ma chết thảm (tương đương Tàng cáp của người Tày); Thành hoàng; Táo quân; Tổ tiên; Bà mụ (tương đương cửa Mẹ Hoa của người Tày); Cửa tướng; Tổ sư; Cửa sao cửa hạn; Hồi quân trở xuống. Điểm khác nhau cơ bản ở cách giao tiếp với thần linh là thầy Phù thuỷ ngồi tại đàn cúng điều khiển âm binh thần tướng đi dâng lễ, văn cúng của thầy Phù thuỷ đơn giản không có các hình tượng văn học và truyện kể dân gian như ở Then, Pụt.
Về trình tự một lễ cúng của thầy Phù thuỷ cũng tương tự như Then là sau khi lập đàn tràng thầy Phù thuỷ cũng thỉnh tướng và âm binh xuống hộ giá đi dâng lễ vật. Điều khác là trong mục thỉnh tướng, thầy Phù thuỷ có thêm một bài thỉnh Phật mở đầu bằng tiếng Hán - Việt. Phần “Thiết tướng hội đồng văn” tiếp theo có nội dung tương tự như “Thỉnh tướng” của Then. Nội dung đại ý: Thầy Phù thuỷ được thừa lệnh Ngọc Hoàng gõ chuông mời các vị tướng lĩnh trong cung Ngọc Hoàng xuống giúp thầy đi cứu nhân độ thế, gồm các vị: Bắc Phương Trấn Trạch, Lôi Thần, Bạch Xà Hắc Hổ, Tề Thiên Đại Thánh, Đô Thiên Đại Thánh, Huyền Thiên Đại Thánh Đô Thủ, Vua Càn Linh Lang, vua Dóng, vua Dèm, vua Mây, v.v... Đặc biệt trong bài thỉnh tướng này có nhắc đến Tề Thiên Đại Thánh với tư cách là vị tổ sư: “Tổ sư Đại Thánh Tề Thiên, tay cầm ba kiếm lệnh thì phát ra, v.v...”. Qua đây có thể thấy Tề Thiên Đại Thánhcũng là vị thần chủ của điện thần thầy Phù thuỷ người Kinh bên cạnh các tướng Bạch xà Hắc hổ. Việc thờ Tề Thiên Đại Thánh là khá phổ biến ở Then của các địa phương Việt Bắc. Ngoài hệ thống công tướng khá rõ ràng như ở Then Quảng Uyên nói trên, đây đó trong các dòng Then vẫn thấy xuất hiện việc thờ cúng Tề Thiên Đại Thánhhoặc là trên ban thờ hoặc là trong lời thỉnh tướng khi lập đàn tràng. Trên bàn thờ của thầy Then họ Thẩm ở trấn Kim Long, huyện Long Châu, Quảng Tây (tương truyền là hậu duệ của nhà Mạc) cũng có đặt 5 bát hương thờ 5 vị đại thánh gồm: Tề Thiên Đại Thánh, Hiệp Thiên Đại Thánh, Vân Thiên Đại Thánh, Huyền Thiên Đại Thánh, Đô Thiên Đại Thánh. Theo giải thích thì đây là 5 vị thánh chủ chốt của nghề Then, khi nào đi hành nghề cũng phải thỉnh đến. Nếu tính theo vị trí địa lý thì dòng Then này thuộc dòng Then nam miền đông Cao Bằng (Kim Long giáp với huyện Hạ Lang, Cao Bằng). ở Then Bắc Kạn cũng phổ biến thờ Tề Thiên Đại Thánh(như trường hợp bàn thờ của Then Nguyễn Đăng L. ở huyện Na Rì có đặt hai bát hương thờ Tề Thiên Đại Thánh và Mình Thiên Đại Thánh). Hoặc như bài thỉnh tướng trong lễ Then của ông thầy Then kiêm Phù thuỷ Nguyễn Đình Th. (đã đề cập ở trên) cũng có đoạn mời tướng như sau: Tướng Hắc Hổ Hắc Xà, tướng Bạch Hổ Bạch Xà, tướng Ngũ Lôi quan tướng, Đô Thiên Đại Thánh, Tề Thiên Đại Thánh, Huyền Thiên Đại thánh, phép mạnh thần thông... Một số thầy Then có cách giải thích về nghề nghiệp liên quan đến Tôn Ngộ Không và các nhân vật trong Tây du ký như: Chiếc quạt của thầy Then là chiếc quạt có phép thần của bà La Sát, sau khi làm phù phép các thầy Then thường có động tác khoanh tròn điểm phù phép, điều này lý giải là giống cách khoanh tròn cấm ma quỷ của Tôn Ngộ Không, v.v...
Có thể lý giải sự tham gia của điện thần thầy Phù thuỷ vào điện thần của Then như sau: Trong thời kì nhà Mạc ở Cao Bằng do có nhu cầu nâng cao và cách tân phục vụ cúng bái trong cung đình nên Then đã được một lớp trí thức kiêm thầy cúng có thể là người Kinh hoặc Tày gốc Kinh hoặc là người bản địa (chẳng hạn như Bế Văn Phùng và Nông Quỳnh Văn) trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển hoá Pụt tính thành Then và Dàng dựa trên cách hành nghề của ngành Phù Thuỷ. Vì vậy họ đã sử dụng các loại sách cúng, sách hướng dẫn làm nghề bằng chữ Nho của các thầy Phù thuỷ vào trong việc thiết lập công tướng cho Then, Dàng. Đây là loại sách gia truyền được lưu truyền dưới dạng chép tay trong các gia đình làm nghề thầy cúng. Trường hợp các bà Then Lạng Sơn hiện vẫn được các thầy Phù thuỷ người Tày dùng sách cúng miền xuôi làm lễ cấp sắc cho là một dẫn chứng tiêu biểu. Như vậy Then lúc đầu là của người Tày được người Kinh sử dụng có bổ sung thêm lớp công tướng của thầy Phù thuỷ mà hình thành nên một dạng điện thần phức tạp như trình bày ở trên. Then Cao Bằng nói chung và đặc biệt dòng Then nam miền đông là kết quả cụ thể của sự kết hợp giữa hai dòng cúng Phù thuỷ với Then/Pụt bản địa. ở dòng Then nam dấu tích Phù thuỷ trong hành nghề còn khá đậm, nhất là ở những thầy Then cao tay, chữ nghĩa giỏi có thể vừa làm Then, vừa làm Phù thuỷ. Những ông này có thể làm các lễ lớn như trục quỷ với các hình thức phù chú bắt quyết đuổi tà ma đặc trưng của nghề Phù thuỷ. Chính vì có liên quan đến dòng Phù thuỷ nên ở dòng Then nữ vì không có chữ nghĩa mà phải tôn các thầy Phù thuỷ làm sư phụ (tương tự như Pụt nhạc tôn thầy Tào làm sư phụ). Các tờ sắc thầy Phù thuỷ lập cho các bà Then này cũng có nhắc đến các tướng phổ biến của Then như Bạch Xà, Hắc Hổ, v.v...
Mặt khác, trong điện thờ của Then cũng có biểu hiện về sự tham gia của hệ thống thần linh của thầy Tào gốc Nùng. Điều này phản ánh sự dung hợp giữa các ngành cúng từ chính bản thân những người hành nghề. Trong thực tế các thầy Tào ở Quảng Uyên, Cao Bằng có thể hành nghề theo một số sách của thầy Then và ngược lại. Qua khảo sát một số thầy Tào ở vùng này cho thấy cũng có những biểu hiện giao thoa giữa các ngành cúng khác nhau. Chẳng hạn ông Tào Đào Văn L. ở xã Ngọc Động sinh năm 1961 cho biết dòng họ ông quê gốc ở huyện Đình Bảng, Bắc Ninh lên Cao Bằng đến đời thứ 3 đã Tày hoá có người làm được Then, đời thứ năm ông nội làm Then kiêm Tào, đến bố ông L. và ông L. (đời thứ 7) thì làm Tào, ông L. muốn làm Then nhưng vì không biết đàn hát nên không làm được. Đây cũng là một trong những dẫn chứng về sự giao thoa các nghề cúng trong nội bộ gia đình và sự chuyển hoá tộc danh từ Kinh sang Tày của tổ tiên những người làm nghề thầy cúng. Bản thân cách hành nghề của các thầy Tào ở Quảng Uyên cũng là một dẫn chứng cho sự giao thoa giữa các ngành cúng: Họ học chữ Hán theo sách của các cụ đồ người Kinh nhưng lại hành nghề theo sách thầy Tào gốc Trung Quốc, khi đi hành lễ đám ma nếu xướng thì theo âm Quan hoả, tế thì dùng Hán - Việt. Trường hợp các thầy Then vừa làm Then chịu sự ảnh hưởng của thầy Phù thuỷ lại vừa làm Tào có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng là một hiện tượng giao thoa dung hợp giữa hai hình thức cúng bái này mà dẫn đến sự pha tạp trong điện thần của họ. Danh sách công tướng của ông Dàng Nông Vĩnh T. ở Quảng Uyên cho thấy từ danh mục các tướng từ số 10 của cung Đền Quế với sự có mặt của các vị tướng trấn giữ ngũ phương dường như được đến từ điện thần Đạo giáo của các thầy Tào, trong đó có Triệu Công Minh là một trong 5 vị nguyên soái của điện thần Đạo giáo Trung Hoa. Ông này là nhân vật huyền thoại sống vào cuối đời Thương có phép thuật làm người cỏ, từng tham gia đánh đổ triều Thương (Trụ), trong dân gian Trung Quốc cho ông là thần tài (8). Thầy Tào cho rằng hiện thân của ông là tướng Vạn ác, một vị tướng chính của Pụt có sức mạnh đạp lửa. Trong Then cũng có một vị tướng khi nhập đồng có biểu hiện tương tự như tướng Vạn ác gọi là tướng Hoả Thang, ông này khi nhập đồng cũng phải đạp lửa. Về Hoả Thang, vị nguyên soái thứ 3 của Đạo giáo là Mã nguyên soái là nhân vật có trong tiểu thuyết Nam du ký của Dương Tượng Đẩu, ông này là người hầu cận Phật tổ Như Lai, vì phạm tội với Phật tổ mà bị đầy xuống phàm trần. Ngọc Hoàng gia tặng ông chức “Hoả lô binh mã Đại nguyên soái” cho làm bộ tướng của huyền thiên trấn vũ. Dân gian gọi ông là hoả thần (9). Như vậy không rõ trong Tào có sự nhầm lẫn giữa tướng Vạn ác với Triệu nguyên soái (Triệu Công Minh - thần tài) với Mã nguyên soái (hoả thần) không nhưng sự hiện diện của một ông tướng dũng mãnh có khả năng dập trừ hoả tai trong cả Pụt và Then cũng là một biểu hiện của sự tham gia của điện thần Đạo giáo của thầy Tào vào trong Then. Hay nói chính xác hơn là từ giáo lý thầy Tào vào Pụt rồi chuyển sang Then. Ngoài ra, 4 tướng còn lại trấn giữ các phương với các tên gọi là Nguyên Bá, Lưu Văn Đạt, Lại Văn Nghiệp, Lý Nguyên Phan chắc hẳn cũng là các vị tướng thuộc về các nhân vật trong lịch sử hoặc trong huyền thoại của các địa phươngTrung Quốc.
Mặt khác, ông thầy Phù thuỷ người Tày Vi Phan L. ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn còn cho biết ông là người làm nghề ở đời thứ 11 của dòng họ Vi vốn người gốc Choang Trung Quốc, mới đầu di cư sang Tràng Định, Lạng Sơn, sau đó chuyển cư về khu vực Thanh Hoá, Nghệ An, cuối cùng trở lại Lạng Sơn. Có thể đoán định rằng: Tổ tiên ông Vi Phan L. có thể là một nhánh Nùng ở Trung Quốc khi sang Lạng Sơn có đem theo nghề thầy cúng, khi chuyển cư về Thanh Hoá, Nghệ An vẫn tiếp tục hành nghề thầy cúng và bị Kinh hoá, sau đó quay lại Lạng Sơn, hành nghề Phù thuỷ theo sách của người Kinh. Trong thực tế sách cúng của ông này được mua từ miền xuôi. Khi làm chay trong đám tang cũng có nghi thức rước kinh Tây Trúc có liên quan đến chuyện Đường Tăng đi lấy kinh. Trong khi đó sự tích Đường Tăng đi lấy kinh lại khá phổ biến trong giới hành nghề Tào, Pụt của người Choang ở vùng ven biên giới Việt Trung với tư cách Đường Tăng là tổ sư của Tào, Pụt. Từ trường hợp cụ thể này có thể đoán định rằng: Tín ngưỡng thầy Phù thuỷ của người Kinh miền xuôi lúc đầu có lẽ cũng được truyền đến bởi bộ phận những người thầy cúng vùng nam Choang Trung Quốc mà nổi trội là phái phù lục thủ quyết. Khi ngành cúng này xâm nhập vào người Kinh nó đã được tín ngưỡng bản địa tiếp thu mà hình thành nên ngành Phù thuỷ của người Kinh với sự tham gia của các vị thần bản địa như Độc Cước, Trần Hưng Đạo, v.v...bên cạnh những vị thần Đạo giáo Trung Hoa. Do đó trong điện thần của thầy Phù thuỷ vẫn có những vị thần Đạo giáo cơ bản trùng với điện thần của các thầy Tào như Ngọc Hoàng, Tam Thanh, v.v...hoặc có biến cải đôi chút. Ví dụ trong danh sách công tướng thứ 14, 15 của ông T. cũng có nhắc đến các nhân vật trong Tây du ký như Phật tổ Như Lai và Đường Tăng với ý nghĩa là những vị tổ sư của nghề giống như quan niệm của giới Tào, Pụt người Nùng. Có lẽ vì vậy mà việc thờ Tề Thiên Đại Thánh trong điện thờ của thầy Phù thuỷ và sau đó chuyển sang Then có thể coi như là sự phái sinh của việc thờ Đường Tăng. Vì lẽ đó rất có thể thầy Phù thuỷ người Tày và ông thầy Tào người Nùng tuy hai nhưng lại cùng một gốc. Vì lý do vị trí địa lý và mối quan hệ giao lưu thân thuộc mà có thể sự xuất hiện lớp các thầy Tào ở vùng người Tày sớm hơn so với các thầy cúng miền xuôi. Sự xuất hiện nhóm Tào Slăng ở người Tày (chữ Slăng được viết là , âm Hán Việt đọc là tăng), theo các thầy Then ở biên giới Hạ Lang là bắt nguồn từ chữ Đường Tăng), có lẽ là một hình thức phái sinh của thầy Phù thuỷ người Kinh ở vùng người Tày.
Tuy nhiên trong thực tế và theo quan niệm của các thầy Then nói chung thì việc lập công tướng chỉ như là một nguyên tắc nghề nghiệp. Đối tượng quan trọng nhất mà họ thường xuyên phải thờ phụng là các vị tổ tiên gia đình, các vị tổ sư, pháp sư truyền nghề cho gia đình và các vị sư phụ trực tiếp dạy nghề cho họ. Còn các công tướng chủ yếu chỉ được họ thỉnh đến khi lập đàn cúng như một thủ tục hình thức tuy cũng có một vài trường hợp thờ trực tiếp các vị Đại Thánh trên bàn thờ như đã trình bày. Còn ở dòng Then nữ với các bà không biết chữ Hán thì các vị thánh thần mang các các tên gọi mỹ tự theo âm đọc Hán Việt lại càng xa lạ đối với họ. Phần lớn họ không biết ai ngoài các vị tổ sư, thầy cha, thầy mẹ và tổ tiên của gia đình, nội dung bằng sắc viết gì các bà cũng không hiểu hết. ở Then Chợ Mới, Bắc Kạn thờ tổ tiên và tổ sư được coi là đối tượng thờ phụng duy nhất của Then. Trong lễ cấp sắc của Then ở đây, thầy Tào cũng lập cho đệ tử một bản danh mục tổ sư gồm tên hiệu các đời làm nghề trong gia đình và tên hiệu ông Tào thầy cha của Then. Danh sách này được viết bằng chữ Hán trên một tờ giấy đỏ gập đôi, sau lễ cấp sắc sẽ được đặt thường xuyên trên bàn thờ để khi hành lễ đệ tử khấn đọc. Nếu gia đình thầy Then có tới 10 đời làm nghề thì bắt buộc vẫn phải đọc thuộc đủ tên cả 10 đời. Đây cũng là các vị được thường xuyên thờ cúng trên bàn thờ. Then cấp sắc ở Chợ Mới, Bắc Kạn không có nhập đồng tướng nghề mà chỉ nhập đồng tổ tiên. Đặc biệt là các thầy Then ở đây khi đi hành nghề đều mang theo một bức tranh thờ tổ sư gia truyền để treo trước đàn cúng. Các tranh này đều có bố cục tương tự với hình vẽ vị tổ sư ở giữa, hai bên có người hầu dâng rượu, lề tranh có đề câu đối ca ngợi công đức tổ sư bằng chữ Hán. Ví dụ, tranh tổ sư của ông Nguyễn Đình Th. đề: “Phật pháp lưu truyền cầu tất ứng, tổ sư tứ phúc bảo bình an”.
Như vậy tuy vẫn là do ông thầy cả chịu trách nhiệm thiết lập thần vị nhưng từ dòng Then nam Quảng Uyên, Cao Bằng đến Then ở Chợ Mới, Bắc Kạn đã có sự giản lược hoàn toàn về thành phần thần vị trong Then. Điều này nói lên đặc điểm của Then ở từng địa phương khác nhau: Then Chợ Mới, Bắc Kạn thuộc sự chi phối của thầy Tào còn Then Quảng Uyên, Cao Bằng chịu sự chi phối của thầy Phù thuỷ.
Nhìn chung, từ quan niệm tổ tiên và tổ sư mới là đối tượng thờ phụng chính nên trong thực tế việc thờ phụng các vị tướng nghề của Then miền đông Cao Bằng cũng chỉ là hình thức, xuất hiện chủ yếu qua nội dung lời khấn. Thậm chí nếu không có lễ nhập đồng và sự phát ngôn bằng tiếng Kinh thì có lẽ nhiều người trong dân gian sẽ không biết được trong Then lại có các vị tướng nghề gốc xuôi. Và như vậy, qua điện thờ và công tướng của Then có thể thấy rằng mặc dù có sự tham gia của các yếu tố du nhập nhưng các yếu tố bản địa vẫn là phần cốt lõi chi phối mọi hoạt động của Then.
Về phép hành nghề trong Then:Thầy Then đi hành nghề là với danh nghĩa thừa lệnh Ngọc Hoàng đi cứu dân độ thế, có âm binh phù trợ. Về cơ bản có thể hiểu âm binh của thầy Then gồm có: âm binh của thầy được cấp trong lễ cấp sắc hoặc tăng sắc, âm binh của thầy cha (có nơi có cả của thầy mẹ), âm binh của tổ tiên các đời, v, v... Trong khi hành lễ, thầy Then sẽ trực tiếp điều binh khiển tướng đi lên thiên giới giao tiếp với thần linh. Đây là điểm khác nhau cơ bản trong cách hành nghề của thầy Then so với thầy Tào (theo quan niệm dân gian thì Tào là quan văn không đi lên được thiên giới nhưng ông ta lại có thẩm quyền cấp giấy cho phép Then đi hành nghề). Đồng thời đây cũng là điểm giống nhau giữa Then, Pụt nói chung với các thầy Phù thuỷ người Kinh- cùng thờ âm binh, cùng có khả năng điều binh khiển tướng. Vậy cách thức hành nghề của Then với thầy Phù thuỷ có giống nhau không? Để giải đáp câu hỏi này dưới đây xin trình bày vắn tắt cách thức tiến hành nghi lễ của các thầy Then nói chung.
Điểm nổi bật của dòng Then nam miền đông ở Cao Bằng là các thầy Then hành nghề theo hướng dẫn của sách. Một đệ tử ngoài việc theo thầy học nghề theo lối truyền khẩu, để nâng cao trình độ, anh ta phải hoàn thiện lại kiến thức của mình thông qua đọc sách vở gia truyền. Một bộ sách hành nghề cơ bản của họ gồm những cuốn như: Sách chép các văn bản hành lễ (các khoa cúng) được viết bằng chữ nôm Tày dùng để học thuộc lòng; sách độn, sách bí pháp bằng chữ Hán,v.v... Đây là các loại sách chép tay theo kiểu gia truyền không rõ gốc tích. Song qua cách dùng từ ngữ và đặc biệt là qua cách đọc theo âm Hán- Việt trong khi niệm chú thì chứng tỏ sách này có nguồn gốc từ miền xuôi, sau được các thầy truyền tay sao chép lại.
Trong các sách nói trên, sách phép là cuốn sách được coi là kim chỉ nam cho công việc của Then mà một trong nội dung của nó là hướng dẫn thầy cách niệm chú, cách viết các chữ Hán làm phép. Ví dụ khi bước chân ra khỏi cửa đi hành lễ, để độ thân thầy dùng chân viết chữ - nhật, miệng niệm: “Thiên phú địa tái nhật chiếu nguyệt hợp minh thiên địa nhật đông nam tây bắc Đặng Triệu Mã Quan xuân hạ thu đông”. Khi đến đầu thôn của gia chủ thầy dùng chân viết chữ bản- gốc, miệng đọc: “Bản thôn phúc đức thổ địa thần đế”, v.v...Về ý nghĩa các phép nói trên, thầy Then giải thích là các thủ tục cần thiết để mang lại sự bình an, suôn sẻ cho công việc. Về ký hiệu vẽ khoanh tròn ngoài các chữ Hán , thầy giải thích đó là cách khoanh tròn cấm quỷ của Tôn Ngôn Không. Về chữ thầy cho rằng đó là phép buộc phải có để đem lại bình an cho công việc, nghĩa Tày của nó là “phà phạ” có thể hiểu như là “mây che trên đầu”, v.v...
Ngoài ra, tại các công đoạn hành lễ khác nhau các thầy cũng sử dụng các cách vẽ bùa và niệm chú dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn ngoài vẽ bằng chân (khi đi đường, khi ra khỏi cửa nhà mình hoặc nhà gia chủ) thầy còn vẽ bằng lá bưởi lên trên mặt bát nước để làm phép trừ tà giải uế, vẽ bằng hương lên túi đựng quần áo của gia chủ để thu vía, vẽ bằng quạt trong các thủ tục bắt quyết từ tà, v.v...ở các thầy Then cao tay có thể thực hiện các nghi lễ nặng về phép Phù thuỷ trừ tà trục quỷ trong các lễ ma khô hoặc tạ tổ tiên. Các bước quét quỷ được thực hiện thông qua các thủ tục vẽ bùa và niệm chú, dán bùa và nhảy múa, bắt quyết. Các vật dụng của thầy sử dụng trong lễ này như dao nhọn, sợi dây đỏ, ống bơ đựng ngô làm binh mã, v.v...đều được thầy dùng hương làm phép vẽ bùa lên.
ở dòng Then nữ không có chữ Hán thì việc học phép nghề chủ yếu bằng truyền khẩu, tuy không bài bản được như dòng Then nam nhưng về cơ bản vẫn tuân theo phép nghề. Chẳng hạn như khi ra khỏi cửa nhà mình hoặc trước khi vào nhà gia chủ bà Then phải dùng chân vẽ ký hiệu để cấm ma quỷ (các thầy Then Quảng Uyên cho đó là ký hiệu Đặng, Triệu, Mã, Quan). Trong quá trình hành lễ, các bà Then cũng thực hiện các phép vẽ bùa, niệm chú ở những trường hợp cơ bản như vẽ bùa bằng lá bưởi để giải uế, vẽ bùa bằng hương lên túi quần áo để thu hồn vía gia chủ, v.v... Qua đây có thể thấy tuy mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng dấu ấn Phù thuỷ có ảnh hưởng khá rõ trong Then, nhất là ở dòng Then nam.
Phù lục và thủ quyết là một trong số những đạo pháp cơ bản của Đạo giáo, được ảnh hưởng vào nước ta từ rất sớm và tồn tại lâu dài cho đến ngày nay mà một trong những biểu hiện của nó là ở các thầy Phù thuỷ miền xuôi. Nếu căn cứ vào sách nghề và việc thờ tướng phép (Tề Thiên Đại Thánh) thì rất có thể phép hành nghề mang màu sắc Phù thuỷ trong Then được truyền lên đầu tiên bởi các thầy Phù thuỷ người Kinh. Tuy nhiên, phù lục cũng có ảnh hưởng sâu sắc vào vùng các dân tộc thiểu số của Trung Quốc trong đó có người Choang và từ đó thâm nhập vào người Tày, Nùng Việt Nam thông qua các thầy cúng Tào, Pụt. Cách hành nghề của các bà Mật ở Tịnh Tây, Quảng Tây cũng có nhiều điểm tương đồng về hình thức với cách hành nghề của Then như: Ra khỏi cửa dùng tay bấm độn lưu lại binh mã giữ nhà, giữ thôn; ra thôn cáo biệt thổ công, trên đường đi gặp ma quỷ thì dùng tay bấm độn để ly khai ma quỷ; đến thôn gia chủ báo thổ công thôn gia chủ; vào nhà gia chủ báo tổ tiên gia chủ, v.v... Các phép bấm độn, các phép niệm thần chú, cách khoanh chữ cấm quỷ ở Phù thuỷ và thầy Tào đều tương tự như nhau. Nói cách khác, Then, Pụt là những hình thức cúng bái bản địa chịu ảnh hưởng của phù lục và thủ quyết tuy ở những góc độ khúc xạ khác nhau nhưng đều có chung một gốc từ Đạo giáo dân gian của Trung Hoa mà cụ thể là nam Trung Quốc.
Trên đây là một số nét cơ bản về sự giao lưu ảnh hưởng các tín ngưỡng dân gian của nam Trung Quốc và bắc Việt Nam vào trong Then. Tuy nhiên, tuỳ vào từng địa phương khác nhau mà mức độ giao lưu ảnh hưởng đó được biểu hiện ở những mức độ khác nhau mà bài viết này mới chỉ là những phác thảo gợi mở ban đầu.
Tháng 7/2005
N.T.Y
Chú thích
(1) Toan ánh (1992), Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr.226
(2) Chu Xuân Giao (2000), Đời sống, vai trò và bản chất của thầy Tào người Nùng An qua trường hợp bản Phia Chang, Luận văn thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, tr.125,132.
(3) Phần này trình bày dựa trên danh sách công tướng của các thầy Then (tức thầy Dàng) ở huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.
(4) Theo tư liệu của Hoàng Minh Tường, Sở Văn hoá Thông tin Thanh Hoá.
(5) Trần Ngọc Thêm(1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr.279-280.
(6) Trần Ngọc Thêm(1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam , Sđd, tr.280.
(7) Trần Ngọc Thêm(1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam , Sđd, tr.280]
(8) Phan Ngọc Khuê (2001), Tranh Đạo giáo ở bắc Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, tr.36.
(9) Phan Ngọc Khuê (2001), Tranh Đạo giáo ở bắc Việt Nam, Sđd, tr.37.
|
tài liệu tham khảo
I. Tiếng Việt
|
1.
|
Các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam (1992), Nhiều tác giả, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Dân tộc học.
|
2.
|
Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người, Nxb Văn hoá Thông tin - Tạp chí Văn hoá nghệ thuật.
|
3.
|
Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quýchủ biên(1994), Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, Nhiều tác giả, bản dịch của nhóm dịch giả, Nxb Văn hoá Thông tin.
|
4.
|
Lê Anh Dũng (1994), Con đường Tam giáo Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
|
5.
|
Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb Khoa học xã hội.
|
6.
|
Nguyễn Duy Hinh (2004), “Lên đồng”, Bài tham luận tại Hội thảo Lễ hội Phủ Dày, Viện VHTT tổ chức.
|
7.
|
Diêu Chu Huy(1996), Vu thuật thần bí, Bản dịch của GS. Lê Huy Tiêu, GS. Đỗ
Đức Sâm, Dương Thu ái từ nguyên bản tiếng Trung Quốc, Nxb. Văn hoá
Thông tin.
|
8.
|
Phan Ngọc Khuê (2001), Tranh Đạo giáo ở bắc Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
|
9.
|
Mấy vấn đề về Then Việt Bắc (1978), Nhiều tác giả, Nxb Văn hoá dân tộc.
|
10.
|
Hoàng Tuấn Nam chủ biên (2001), Non nước Cao Bằng, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
|
11.
|
Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử (1996), nhiều tác giả, Viện Sử học – Hội khoa học lịch sử Việt Nam – Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng.
|
12.
|
Phan Ngọc (1994), Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb Văn hoá thông tin.
|
13.
|
Phan Ngọc (2004), “Đạo giáo”, Về tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, tr.259-280.
|
14.
|
Trần Ngọc Thêm(1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục.
|
15.
|
|
Ngô Đức Thịnh chủ biên(1996), Đạo thờ Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin.
|
16.
|
|
Ngô Đức Thịnh chủ biên(2004), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu á, Kỷ yếu hội thảo, Nxb Khoa học xã hội.
|
17.
|
Tôcarev. X.A(1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Bản dịch của Lê Thế Thép, Nxb Chính trị quốc gia.
|
18.
|
Nguyễn Thiên Tứ, Nguyễn Thị Yên (2004), Lễ cấp sắc Pụt Nùng, Công trình sưu tầm biên dịch, Giải ba B Hội VNDG Việt Nam năm 2004, Bản thảo.
|
19.
|
Đặng Nghiêm Vạn (1965), “Sơ lược về sự thiên di của các bộ tộc Thái vào Tây Bắc Việt Nam”, Nghiên cứu Lịch sử, (78), tr.40-48.
|
20.
|
Nguyễn Thị Yên (2000), Then cấp sắc của người Tày qua khảo sát ở huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, Đề tài cấp viện, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân
gian.
|
21.
|
Nguyễn Thị Yên (2001), “Thờ Mẫu trong tín ngưỡng của người Tày, Nùng”, Văn hoá dân gian, (5), tr.28- 36.
|
22.
|
Nguyễn Thị Yên (2002), “Khảo sát đối tượng thờ cúng trong Then”, Thông báo văn hoá dân gian 2001, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.1013-1030.
|
23.
|
Nguyễn Thị Yên (2003), Lễ hội Nàng Hai của người Tày Cao Bằng, Nxb Văn hoá thông tin.
|
24.
|
Nguyễn Thị Yên (2004), “Saman giáo trong Then của người Tày”, Nguồn sáng dân gian, (1), tr.3-14.
|
25.
|
Nguyễn Thị Yên (2004) “Một số hình thức tín ngưỡng dân gian của người Tày, Nùng Việt Nam và người Choang Trung Quốc”, Dân tộc học, (4), tr.12-23.
|
II. Tiếng Trung quốc
1.
|
梁庭?望?(1987), 壮族?风?俗志?, 中央?民?族? 学?院º书?版?社?.(Lương Đình Vọng(1987), Phong tục chí người Choang, Nxb Học viện dân tộc trung ương)
|
2.
|
梁庭?望?(2000), 壮族?文花ă?Å论, 广西ữ?è育ý出?版?社?.(Lương Đình Vọng (2000), Văn hoá Choang tộc khái luận, Nxb Giáo dục Quảng Tây)
|
3.
|
五?时阶ì(2004),壮族?民?间ọ?Ú教文化,民?族?书?版? 社?. (Ngũ Thời Giới (2004), Văn
hoá tôn giáo dân gian người Choang, Nxb Dân tộc).
|
4.
|
范?宏?贵ú, 顾ậ?é识ả?ẩế(1997), 壮族?历?史与?文化, 广西ữ?ủ?ồ?ộ?ổ?ỗ. (Phạm Hồng
Quí, Cố Hữu Thức (1997), Lịch sử và văn hóa ngư?i Choang, Nxb Dân tộc
Quảng Tây)
|
5.
|
范?宏?贵ú-主?遍?(1998), 中国?各?民?族?原?始?宗教 (壮族?卷?), 中国?社?会?科?学?书?版?社?.
(Phạm Hồng Quí chủ biên (1998), Phầ Dân tộ Choang trong sách Tôn giáo nguyên thuỷcác dân tộ Trung Quố, Nxb Khoa họ xã hộ Trung
Quố).
|
6.
|
范?宏?贵ú(2000),同?根?生?的民?族?-壮泰各?族?渊?源与?文化, 光明?日?报?书?版?社?. (Phạm
Hồng Quí (2000), Các dân tộc cùng nguồn gốc - Nguồn gốc và văn hoá
các dân tộc Choang - Thái, Nxb Quang Minh nhật báo).
|
7.
|
古壮字?字?典? (1989),广西ữ?ủ?ồ 书?版?社?. (Từ điển chữ Choang cổ (1989), Nxb
Dân tộc Quảng Tây).
|
8.
|
张有隽Á - 主?编(1999), 边境上?族?群, 广西ữ?ủ?ồ 书?版?社?. (Trư?ng Hữu Tuấn chủ
biên (1999), Tộc quần trên biên giới, Nxb Dân tộc Quảng Tây).
|
9.
|
中国?民?族?民?间ọẻ?蹈集¯成?.广西ữ?ớ.天?琴舞ố (1992),中国?ISBN中心出?版?. (“Múa
đn Then”, quyể Quảg Tây, Tuyể tậ vũđ?o dân gian dân tộ Trung
Quố (1992), Trung tâm xuấ bả ISBN Trung Quố)
|