Góc nhìn văn hóa

Văn hóa trong việc ăn, việc nói qua ca dao, tục ngữ

Khi nói về việc học ăn, học nói; ca dao, tục ngữ có nhiều câu rất thú vị. Qua những nhận xét sâu sắc, hóm hỉnh, ta thấy cha ông ta quan niệm rằng lời ăn tiếng nói không chỉ là hành động của mỗi cá nhân mà nó còn là những hành vi mang tính xã hội, bộc lộ nhân cách của mỗi con người.

Trước hết xin bàn về việc Học ăn. Cha ông ta dạy rằng con người ta phải biết ăn, nghĩa là không chỉ biết ăn cho ngon, cho sạch, cho từ tốn, lịch sự (“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”)biết ăn còn là biết cách ứng xử trong bữa ăn (tế nhị, lịch thiệp…), biết thể hiện lòng nhân hậu, có tình, có nghĩa:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng

Hoặc:

Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi

Bài học rút ra ở đây thật là sâu sắc: là những người lao động dãi nắng dầm mưa, ông cha ta cho rằng bữa ăn, miếng ăn là thành quả lao động của mình, phải trải qua bao vất vả, cực nhọc mới tạo được giá trị vật chất nhỏ nhoi ấy, bởi thế Nhân dân ta rất quý trọng thành quả đó:

Có khó mới có miếng ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho

Thế nhưng con người ta đừng coi miếng ăn, coi đồng tiền là trên hết. Để mất tình, mất nghĩa thì miếng ăn ấy là rất xấu:

Miếng ăn là miếng tồi tàn

Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu

Nhiều lần ca dao vừa khẳng định, vửa cảnh cáo nghiêm khắc:

Ăn một miếng, tiếng cả đời

Nếu phân tích kỹ thì ta thấy rằng trong câu này chữ “ăn” gắn liền với chữ “tiếng”, hiểu rộng hơn: chữ ăn gắn với lễ tiết, danh dự: phải xử sự việc ăn như thế nào để khỏi khó coi, khỏi bị bạn bè, xã hội chê cười, phê phán. Xem vậy thì mới biết việc ăn cũng chẳng đơn giản.

Rõ ràng học ăn cũng chính là học sống, thái độ với việc ăn cũng chính là biểu hiện một phần của cách sống, thái độ sống của con người. Thật là thâm thúy!

Bây giờ xin bàn đến việc học nói. Khi giao tiếp trong xã hội, có lúc lời nói đem đến cho người nghe một ấn tượng đẹp và cảm giác dễ chịu:

Nghe lời anh nói đậm đà

Chồng con chẳng phải rứa mà em thương

Có khi cũng chỉ một lời nói thôi mà để lại nỗi đau suốt đời không thể xóa mờ được:

Roi song đánh đoạn thì thôi

Một lời xiết cạnh muôn đời chẳng quên

Bởi lẽ lời nói có rất nhiều sắc thái biểu cảm, có khi: “Một lời nói: quan tiền, thúng thóc”, có khi: “Một lời nói; dùi đục cẳng tay”. Ca dao, tục ngữ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói:

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Nghĩa là xác định rằng lời nói có tính bền vững, tính dai dẳng rất cao. Do đó phải lựa lời mà nói, phải nói cho đúng, cho đủ, cho hay, nghĩa là phải học nói. Trước hết, phải nói bằng thái độ chân thực của những gì mắt thấy, tai nghe, qua những chứng cứ cụ thể:

- Nói có sách, mách có chứng

- Biết thì thưa thốt

Không biết thì dựa cột mà nghe

Như vậy tính chân thực là yêu cầu đầu tiên của việc nói. Lời nói phải chân thực đồng thời phải nói thế nào cho hay, cho lôi cuốn, hấp dẫn. Đừng gian dối, đừng ba hoa, đừng bốc quá:

Rượu lạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dù hay cũng nhàm

Con người ta trước hết hãy bộc lộ nhân cách của mình bằng những lời nói đẹp:

Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi

Người khôn ai nỡ nặng lời làm chi.

Hoặc:

Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời

Rõ ràng học nói cũng chẳng đơn giản chút nào. Trong phần trên ta đã nói: học ăn chính là học sống, bây giờ ta cũng có thể nói: học nói chính là học sống. Những lời cao dao, tục ngữ dân gian không những bổ ích với các thế hệ trước mà còn bổ ích với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày hôm nay, bổ ích cả cho các thế hệ mai sau./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511022

Hôm nay

221

Hôm qua

2359

Tuần này

21396

Tháng này

217895

Tháng qua

121356

Tất cả

114511022