Xứ Nghệ ngày nay

Mai Sơn: Dạy - học còn lắm gian nan

Trường PTDTBT – THCS Mai Sơn thuộc xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An là nơi tập trung của các em học sinh từ mười bản khác nhau gồm ba dân tộc Thái, H’Mông và Khơ-mú. Cách thành phố Vinh khoảng hơn 200km, Mai Sơn là xã biên giới, giáp với nước bạn Lào.

Những “tay phượt đổ đèo” say mê nghề giáo.

Trường PTDTBT – THCS Mai Sơn hiện nay có 25 giáo viên. Không kể một số ít giáo viên là người bản địa hoặc có nhà gần trường, số giáo viên còn lại chủ yếu từ thị trấn huyện (TT Hòa Bình) hoặc dưới xuôi lên. TT Hòa Bình cách Mai Sơn khoảng gần 80km, giáo viên vào trường bằng hai con đường chủ yếu là đi thuyền qua lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ngược dòng Nậm Nơn hoặc đi xe máy theo đường vành đai biên giới qua ngã ba Mường Lống huyện Kỳ Sơn, theo xã Mỹ Lý vòng về trạm biên phòng Khe Bén, rồi đi thuyền chừng mười phút thì về đến con đường đất vào trường.

Tôi may mắn được theo chân các thầy giáo bằng cả đường sông lẫn đường bộ.

Phải thừa nhận rằng: từ thành phố Vinh lên Mai Sơn còn vất vả và khó khăn hơn… từ Vinh ra Hà Nội. Thuyền từ đập thủy điện Bản Vẽ ra/vào Mai Sơn chỉ có buổi sáng, chuyến sớm nhất lúc bảy giờ, muộn nhất là mười một giờ trưa. Tính cả chặng đường từ Vinh lên Mai Sơn, phải đi mất hơn nửa ngày đường. Vì thế mà trong các kỳ nghỉ phép hoặc công tác tập huấn ngoài thị trấn huyện, các thầy cô giáo thường chọn đi xe máy để chủ động được thời gian.

Tôi chưa hết cảm giác sững sờ ngưỡng mộ trước thiên nhiên hùng vĩ của núi non miền tây xứ Nghệ, trong lòng đã đầy khâm phục khi chứng kiến những pha đổ cua, đổ đèo ngoạn mục của các anh giáo trường Mai Sơn. May mắn thay khi tôi vào đúng dịp các nhà giáo sắp sửa vào bản vận động. Bản Phà Kháo của người H’Mông ở cách xa trường nhất, ước tính khoảng 12km đường rừng. Đứng từ bản Phà Kháo, vượt qua dãy núi trước mặt là đặt chân tới đất Lào. Đường lên Phà Kháo không chỉ là đường đi mà là lối mòn thì đúng hơn, những lối mòn đi ngược lên đỉnh núi. Có những đoạn tôi ngồi đằng sau mà cứ sợ chỉ cần anh giáo giảm ga xe máy một tí thôi là sẵn sàng bị sa ngay xuống màn sương mù giăng kín vực thẳm, hoặc trôi tuột về phía sau theo con dốc vừa lên. Thế mà cuối cùng các anh lại vút qua ngon lành. Chắc chắn một điều, ngoài bộ đội biên phòng thì các thầy giáo vùng cao là những “tay phượt đổ đèo” đáng gờm. Quả thật “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, núi rừng xứ Nghệ thật chẳng kém gì núi rừng Tây Bắc!

Thầy giáo Nguyễn Nghĩa Tuấn, người miền xuôi công tác ở Mai Sơn lâu nhất, hiện là hiệu phó phụ trách chuyên môn, quê ở huyện Quỳnh Lưu. Sau khi hoảng hồn trước những con dốc, lối mòn nguy hiểm mà con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên, tôi hỏi anh: “Có nhiều cơ hội để chuyển công tác ra ngoài trong mười năm qua, tại sao anh vẫn ở đây?” Anh bảo tôi không phải là người đầu tiên hỏi thế. Đáp lại lời chào của các em học sinh giờ tan học, anh thủng thẳng hỏi lại tôi rằng: “Mấy ngày ở đây, em có thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn không?”

Môn Âm nhạc – Mỹ thuật của mỗi trường THCS đều do hai giáo viên giảng dạy. Riêng hai anh giáo của bộ môn này phải liên tục đi lại giữa trường Mai Sơn và trường Hữu Khuông bên cạnh cũng hẻo lánh vất vả không kém. Thầy giáo Nguyễn Hữu Xuyên dạy môn Mỹ thuật, có vợ là chị Phạm Thị Hiền, học sư phạm Âm nhạc nhưng đã mấy năm rồi công việc chưa ổn định. Long đong mãi, cuối cùng chị được nhận vào làm quản sinh ở khu nội trú học sinh Mai Sơn để được gần chồng. Từ mối tình lãng mạn thời sinh viên, chị không quản ngại khó khăn vất vả, quyết từ quê Thái Bình theo anh về chốn hẻo lánh. Kinh nghiệm vượt đèo của chị tôi cũng đã được mục sở thị trong nể phục. Cô gái đồng bằng Bắc Bộ sau bảy năm theo chồng giờ đã đặc sệt chất Nghệ: “Mới đầu vô đây, chị nghe mãi không hiểu người ta nói chi. Nhưng dừ quen rồi, chị làm quản sinh nên trò chuyện hỏi han mấy em ấy nhiều hơn. Thương lắm em ạ, chúng nó ở đây có dám ước mơ làm giáo viên hay bác sĩ chi mô…” Nghĩ đến khoảng sắp tới anh Xuyên phải sang công tác bên Hữu Khuông, tôi hỏi chị có buồn chán không. Chị cười rất tươi: “Nhớ chồng thì có chứ. Nhưng còn thằng cu con, lại có các em học sinh rồi, mình cũng khuây khỏa.”

Khu nội trú học sinh vừa được xây dựng theo dự án hỗ trợ tránh lũ lụt của tỉnh từ năm 2013, nằm trên sườn núi cao hơn cách trường khoảng 2km. Số giáo viên nội trú được chia ra làm hai, một nửa ở kề trường học còn một nửa ở cùng khu với học sinh. Sau mỗi bữa cơm tối, các nhà giáo lại lặn lội bất kể gió sương từ ngoài trường vào kèm cặp các em học bài. Mọi sinh hoạt liên quan đến điện của các thầy cô lúc ấy đều phải dừng lại để đủ điện sáng cho các em.

Chẳng ai chia sẻ cùng lúc nhưng các anh chị đều nói với tôi lời giống nhau: “Động lực và niềm vui của nhà giáo là việc học tập tốt hơn của học sinh, em ạ.”

Cầu treo thông đường, thông những ước mơ…

Trường PTDTBT – THCS Mai Sơn là nơi tập trung học sinh từ mười bản khác nhau nhưng tổng số chỉ hơn hai trăm em. Nằm giữa thung lũng bản Huồi Xá, cao hơn con suối bên cạnh ngày đêm vẫn kể những câu chuyện đại ngàn là khuôn viên trường học với 8 phòng học cho 8 lớp. Phòng học dựng bằng gỗ và vách tre nứa, một nửa vừa được lợp mái tôn, nhưng một nửa vẫn còn mái ngói lủng dột chưa được tu sửa, thay mới. Mỗi mùa mưa, con suối cách khuôn viên trường và kí túc xá giáo viên chừng năm chục mét nhưng luôn gầm gè đe dọa. Các cô giáo kể: Mùa mưa trước, nước mạnh đến nỗi tống cả tảng đá to kia lên vệ đường. Khu kí túc xá cũ ở gần suối hơn bị nước cuốn nên chuyển sang vị trí này được hai năm nay.

Nhắc đến con suối, vừa là nỗi đe dọa vào mùa mưa, nhưng cũng là nguồn cung cấp điện chủ yếu cho Mai Sơn. Điện lưới chưa đến với Mai Sơn, trong nhiều năm qua bà con cũng như các thầy cô giáo, cho đến các anh bộ đội ở trạm biên phòng sử dụng điện sáng đều nhờ vào con suối.

Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, với thiếu thốn khó khăn trên những chặng đường vất vả ấy, bao giờ trường học có được cơ sở vật chất tốt hơn, đường đi không sợ mưa lũ để các em chăm đến lớp?

Dự án đường vành đai biên giới cùng với cầu treo thông từ trạm biên phòng Khe Bén vào địa bàn Mai Sơn đã khởi công từ 3 năm trước vẫn chưa hoàn thành. Mọi mong chờ của bà con cũng như các nhà giáo đều trông vào cây cầu đang xây dựng. Cầu thông, đường thông, sẽ có điện, sẽ hi vọng có tài trợ vật chất chuyển vào. Và hơn cả, cầu thông đường sẽ mở cho các em nhỏ những chân trời mới để dám ước mơ và theo đuổi ước mơ.

Sau khi hỏi mấy em nhỏ có ước mơ gì không, lớn lên muốn làm bác sĩ hay công an, tôi được trả lời bằng những nụ cười bẽn lẽn lẩn tránh, hoặc là “Không biết!” Tôi vẫn xót xa mãi khi nghe em Ven Văn Chiến(Khơ-mú) lớp 7B nói: “Không dám ước mơ, vì biết nỏ thực hiện được” mặc dù những bức tranh em vẽ rất đẹp!

Mai Sơn, tháng 11 năm 2014.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434899

Hôm nay

2170

Hôm qua

2349

Tuần này

21549

Tháng này

211947

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434899