Xứ Nghệ ngày nay

Đặt sai vị trí con cái trong gia đình – nguồn gốc của những sai lầm trong giáo dục đạo đức

   Một trong những vấn đề xã hội hiện được đặc biệt quan tâm là tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, nhất là ở một bộ phận giới trẻ. Cùng với đó là tỉ lệ phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Bạo lực học đường; con đánh, giết cha mẹ; thanh thiếu niên trộm, cướp tài sản,…khiến chúng ta không khỏi hoang mang và đặt câu hỏi về vấn đề giáo dục đạo đức cho con trẻ hiện nay.

     Theo thống kê cho thấy, các đối tượng phạm tội tuổi vị thành niên thường sinh ra trong những gia đình không hạnh phúc; cha mẹ ly thân, ly hôn; không được học hành đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng có các trường hợp vì được quá nuông chiều dẫn đến hư hỏng, sa đà vào tệ nạn. Những điều đó chứng minh rằng, gia đình đóng một vai trò rất lớn trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho trẻ. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về điều này. Chính bởi thế họ đặt sai vị trí của con cái trong gia đình dẫn đến lựa chọn sai phương pháp giáo dục.

     Có hai xu hướng đặt sai vị trí con cái trong gia đình hiện nay. Thứ nhất là không quan tâm nhiều đến con. Cha mẹ đặt nặng vấn đề công việc, tiền bạc, địa vị, phó mặc con cho nhà trường và để con lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Điều này dẫn đến việc cha mẹ gần như không biết gì về những nhu cầu, mong muốn thực sự của trẻ; không quan tâm đến việc học hành và những biến chuyển tâm lý của chúng ở các giai đoạn quan trọng. Con cái thì cảm thấy thiếu vắng tình thương, sự quan tâm chăm sóc; rơi vào trạng thái cô đơn, chán nản dẫn đến bỏ học, tụ tập bạn bè và dễ lầm đường lạc lối.

     Tình trạng thứ hai cũng đáng bạo động không kém. Đó là cha mẹ quá coi trọng vị trí con cái trong gia đình, nuông chiều con một cách vô điều kiện. Khi hỏi một số phụ huynh, ai là người quan trọng nhất trong gia đình, họ ngay lập tức trả lời là những đứa con. Chị Hoàng Thu Hằng (thành phố Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Con là lẽ sống. Mục tiêu của tôi đơn giản chỉ là nuôi dạy con cái thành người nên nếu đặt vị trí ưu tiên quan tâm chăm sóc trong gian đình thì con là thứ nhất.” Chị Đào Thúy Ngọc (Nghi Phú, Tp. Vinh) thì cho hay: “Cha mẹ nào cũng vậy cả thôi. Không dành tất cả cho con thì cho ai. Cha mẹ có thể bớt chi tiêu một chút nhưng con cái phải đầy đủ nhất có thể.” Ông Nguyễn Xuân Khuyên  (Trường Thi, TP Vinh) thì cho rằng: “Tôi cũng nghiêm khắc với con cái nhưng thú thực, tôi vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ phải hy sinh cho con và lo cho chúng tất cả mọi thứ, ngay cả khi con tôi đã đi làm. Dù nhiều khi biết điều này khiến con khó tự lập nhưng không làm vậy thì không yên tâm”.  Đây cũng là chia sẻ của không ít ông bố, bà mẹ khác. Họ dồn hết những thức ăn ngon nhất; quần áo tốt nhất; điều kiện học hành tốt nhất; xe, điện thoại, máy tính xịn nhất có thể,… cho con mình với phương châm “Hy sinh đời bố củng cố đời con”. Một số người còn cho rằng việc tôi đặt câu hỏi về vị trí của con quả thực là thừa thãi vì ai sống chẳng vì con cái. Dẫu biết cha mẹ nào cũng thương yêu con mình và mong muốn chúng được sống, phát triển trong điều kiện tốt nhất nhưng tình yêu thương là một chuyện, nhìn nhận về vị trí của con cái trong gia đình để giáo dục chúng một cách hợp lý lại là chuyện khác. Yêu thương con không có nghĩa là làm hết tất cả cho chúng, là quên đi bản thân mình, là để chúng không ý thức được vị trí, trách nhiệm của một người con. Quan tâm, giáo dục con theo hướng đó thực chất lại phản tác dụng. Trường hợp chị CTB ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu là một ví dụ. Đã có 2 cô con gái rồi nhưng chị vẫn cố sinh thêm đứa thứ 3. Dù đã bị kỷ luật xiêu riêu (một thời, cán bộ sinh con thứ 3 bị kỷ luật rất nặng) vì sinh con thứ 3 nhưng chị vẫn vui vẻ chấp nhận vì sinh được quý tử và coi con như cục vàng. Cậu con quý tử này được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, muốn gì được nấy và đã trở thành một đứa con hư. Chị đã bao lần phải nuốt nước mắt vào trong để gồng mình giải quyết hậu quả do con gây ra. Khi chị nhận ra sai lầm trong cách giáo dục con thì đã quá muộn. Hay như trường hợp anh Trần Văn V ở xã DP, Diễn Châu. Là con trai độc nhất trong gia đình có 4 chị em, anh V là “cục cưng” được bố mẹ nuông chiều, đáp ứng vô điều kiện và “cục cưng” này lớn lên, hư hỏng, phá phách, vào tù ra tội, làm cho bố mẹ bao phen khốn đốn.

     Sự nuông chiều con cái vô điều kiện và luôn coi con mình ở vị trí trung tâm, số một như hiện nay đang tạo ra những lớp trẻ ích kỷ hơn. Thói quen được đáp ứng ngay tức thì những mong muốn từ nhỏ trong gia đình sẽ khiến chúng trở nên đòi hỏi và lập tức phản ứng nếu không được thỏa mãn. Nhiều đứa trẻ hiện nay cư xử thiếu phép tắc trước người lớn, thầy cô giáo, một phần xuất phát từ chính việc ở nhà chúng được xem như những “ông hoàng” và luôn được cha mẹ phục vụ. Sự chăm sóc, bao bọc quá mức còn tạo ra những đứa trẻ phụ thuộc, bản lĩnh kém, thiếu kỹ năng đối phó với những ứng biến xã hội, khó thích nghi trước những thay đổi của hoàn cảnh, môi trường sống. Điều này dẫn đến việc khi bước chân ra đời, chúng dễ bị những cám dỗ lôi kéo, dễ sa ngã và khó đứng dậy sau khi vấp ngã như hai trường hợp đã nêu ở trên. Thực trạng này còn xảy ra ở nhiều gia đình thành phố có điều kiện kinh tế khá giả, cha mẹ là các công chức nhà nước hoặc người có địa vị trong xã hội.

     Trước tất cả những thực trạng đó, đã đến lúc, công tác gia đình hay chương trình tuyên truyền, giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình cần chú trọng hơn đến việc giúp phụ huynh nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của việc giáo dục con và của con cái trong gia đình. Phải làm sao để cha mẹ thấy được rằng: giáo dục con là quan trọng hàng đầu chứ không phải con và những nhu cầu của chúng là vị trí số một. Muốn giáo dục con biết lễ nghĩa, tôn trọng người lớn tuổi; biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc người khác; sống có trách nhiệm thì chắc chắn phải để chúng thực hiện đúng bổn phận của con cái. Nghĩa là phải xác định, cha mẹ là những người quan trọng nhất trong gia đình (gia đình chỉ có cha mẹ và con cái) và con cái có nghĩa vụ phải kính trọng, chăm sóc cha mẹ. Đặc biệt, cần giáo dục con tính tự lập, phân công rõ ràng về trách nhiệm và những công việc con phải làm để tránh sự ỉ lại, thụ động. Bàn về điều này, nhà báo John Rosemond, người nổi tiếng với những cuốn sách và bài báo về nuôi dạy con cái, từng viết: “Người quan trọng nhất trong quân đội là vị Tướng, người quan trọng nhất trong một tập đoàn là CEO. Người quan trọng nhất trong một lớp học là giáo viên. Và người quan trọng nhất trong một gia đình là cha mẹ.

     Gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu trong hình thành nhân cách trẻ. Sự nuôi dạy con cái của các bậc làm cha làm mẹ có tính quyết định đến nhân cách của chúng. Chính vì thế, thiết nghĩ, trước khi bàn đến những câu chuyện cao xa như xây dựng nhân cách của một cộng đồng người - điều cần một khoảng thời gian rất dài và chịu nhiều tác động của lịch sử , xã hội -  thì chúng ta nên tập trung trước hết vào câu chuyện nuôi dạy con trong mỗi gia đình, vào hướng dẫn những người sắp bước vào tuổi hôn nhân, những cặp vợ chồng cách nuôi dạy con sao cho đúng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443860

Hôm nay

2111

Hôm qua

2307

Tuần này

21673

Tháng này

219034

Tháng qua

112676

Tất cả

114443860