Xứ Nghệ ngày nay

Tâm sự Cao Xuân Thưởng

Mọi người biết đến ông qua những bài thơ ấn tượng giàu cảm xúc và triết lý như “Làng ơi !”, “Một làng Đông phái trong tôi” “Lòng tin của nông dân”… rồi tập thơ “Cau đến hạt” [đoạt giải B giải thưởng Hồ Xuân Hương], đến những truyện ngắn hóm hỉnh và thâm thuý như “Thuê hổ bảo vệ”, “Tử nghiệp” từng được in trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam. Và gần đây nhất ông là người đạt giải “tác giả xuất sắc trong việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác Dân ca” trong Liên hoan Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II – 2013”. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ được rằng, người thủ lĩnh của hoạt động nghệ thuật hôm nay lại một anh “thợ rừng”.

Sinh ra và lớn lên tại làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, từ nhỏ Cao Xuân Thưởng đã có niềm đam mê thơ phú. Thế nhưng, lớn lên, bạn bè ai cũng ngạc nhiên khi ông lại chọn cho mình một con đường khác, đó là theo học kỹ sư lâm nghiệp, ra trường về làm tại Tổng công ty lâm sản Nghệ Tĩnh (chuyên kinh doanh xuất – nhập khẩu lâm sản). Và bản thân ông cũng không nghĩ rằng mình lại bước vào làng văn nghệ một cách tình cờ đến vậy. Ông kể: “Năm 1982, trong một lần theo bạn là Nguyễn Trọng Tạo lên Nam Đàn chơi, trong lúc các văn nghệ sĩ quây quần uống rượu ngâm nga bàn về thơ phú, tôi - một thằng vừa đen vừa gầy, chỉ biết loay quay nấu nướng phục vụ đồ nhậu và ngồi im, nghe, chẳng nói năng gì. Rồi tự nhiên Nguyễn Trọng Tạo bảo: “Thưởng! mày thử đọc đi một bài”. Thấy mọi người đồng tình, tôi vừa run vừa đọc bài Ngày mai tôi đi. Run quá nên tôi phải đọc lại 3 lần mới rõ câu chữ. Đó cũng là kỷ niệm đầu tiên trong đời tôi được những cái tên như Thạch Quỳ, Hồng Khánh, Trọng Tạo…khen ngợi làm thơ hay”. Năm 1994, ông vào Hội văn nghệ. Thế là từ một anh “thợ rừng”, thỉnh thoảng làm thơ vì thú vui và để trải lòng mình, ông đã bước chân vào làng văn chương.  Với đam mê từ nhỏ, ông lao vào đọc sách, vào đời sống sinh hoạt văn hóa của người  xưa, thế  rồi ông đã đến với Ca Trù. Một lần nữa  làng xóm, bạn bè lại ngạc nhiên khi đang giữ chức Giám đốc Tổng kho lâm sản, trông coi toàn bộ kho gỗ Sông Hiếu, năm 2002, ông nghỉ việc về làm  nghề thuốc bắc tiếp nối nghề gia truyền của cha, cái nghề mà theo như ông nói vui là “làm thêm được ít ló (lúa)…”.

Về với làng quê, ngoài thời gian với nghề thuốc, ông có nhiều thời gian cho hoạt động văn hóa hơn. Năm 2002, chi hội VHNT huyện Diễn Châu thành lập, ông là Phó chi hội. Năm 2005, ông được bầu làm Chi hội trưởng. Đến nay Chi hội đã trưởng thành, có đội ngũ, có phong trào. Tập san Văn nghệ Diễn Châu phát hành đều kỳ mỗi năm 2 số, lại xuất bản nhiều tập thơ, văn của chung chi hội, của anh em hội viên…

Không chỉ là một nhà thơ  “thợ rừng” làm thầy thuốc, những năm gần đây, người ta bỗng thấy một Cao Xuân Thưởng là tác giả đặt lời mới cho nhiều bài dân ca, viết kịch bản các hoạt cảnh dân ca ví, giặm tại các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật. Các hoạt cảnh dân ca của Cao Xuân Thưởng viết thường gắn bó với đời sống văn hoá ở địa phương, những hình ảnh chân thực, sinh động trong cuộc sống của dân cư làng xã như O Thất mất bò, Cô hàng bán rượu...

 Và trong niềm vui mừng khi ví, giặm được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia, trong nụ cười khi đạt giải“tác giả xuất sắc trong việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác Dân ca” tại Liên hoan Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II – 2013, người ta thấy Cao Xuân Thưởng vẫn chưa vơi những lo toan về ví, giặm...

Khi được hỏi về sự tồn tại của ví, giặm trong đời sống hiện nay, ông cho rằng: Dù xã hội thay đổi như thế nào thì câu ví, giặm không bao giờ mất trong lòng người xứ Nghệ. Nhưng để nó tồn tại thì phải biết khơi nguồn, phải biết, phải hiểu như thế nào là ví, giặm.Mỗi một thời đại, với những đổi thay của cuộc sống mà dân ca - tiếng hát của mọi người cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới.Vấn đề nằm ở chỗ phải nghĩ ra hình thức mới, tìm ra những nội dung mới để công chúng dễ dàng tiếp cận với ví, giặm hơn.

Theo ông, môi trường diễn xướng cổ truyền không còn như trước thì ví, giặm được đưa vào kịch, trở thành Kịch hát, là sự tồn tại hợp lý. Thời nay thì không thể ngồi lái máy cày ầm ầm mà hát ví phường cày, không thể đứng trong xưởng may mà hát ví phường vải, không thể vừa chạy xe ô tô với tốc độ cao mà hát ví đò đưa …tức là nó chỉ phù hợp khi chúng ta đặt nó đúng trong môi trường, hoàn cảnh của nó. Nhưng không có nghĩa rằng, ví, giặm sẽ không thể tồn tại. Ông nhận định: Đúng là môi trường diễn xướng truyền thống của ví, giặm hiện nay có nguy cơ biến mất. Nhưng nó chỉ thực sự mất nếu người làm văn hoá không biết cách thay đổi hình thức diễn xướng cho phù hợp với thời đại, tức là phải làm thế nào vừa giữ được bản sắc truyền thống nhưng phải thay đổi đúng với nhịp sống xã hội. Chẳng hạn: ngày xưa có hội đình làng,…còn ngày nay thì có hội mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng kỷ niệm Quốc khánh, tết trung thu… Chúng ta có thể nhân cơ hội để biến không gian hội hè ấy thành môi trường diễn xướng của ví, giặm.

Gắn với quê, sống với quê, chứng kiến sự thay đổi của nông thôn, nông dân, Cao Xuân Thưởng  thấm thía với cái nguyên lý giản dị nhưng vô cùng sâu sắc rằng,ví, giặm tồn tại trong cuộc sống của cộng đồng, không phải ở trong sách vở, vì vậy phải cóchung tay góp sức của cả cộng đồng thì nó mới có thể tồn tại được.

Ông nghĩ vậy và tôi biết ông đang cố gắng là một hạt nhân trong cộng đồng làng xã Phượng Lịch để giữ lấy ví giặm như là hồn vía của làng ông, của chính ông.

Cảm ơn ông và những người như ông thật nhiều./.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441762

Hôm nay

2162

Hôm qua

2317

Tuần này

21666

Tháng này

216936

Tháng qua

112676

Tất cả

114441762