Xứ Nghệ ngày nay

65 năm thư viện tỉnh Nghệ An

 
Sau cách mạng tháng Tám (1945), Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu IV (UBKCHCLK IV) đã xây dựng được một tủ sách kháng chiến với nhiều tài liệu quí hiếm và rất quan trọng đối với Liên khu IV và tỉnh Nghệ An.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tủ sách Kháng chiến được giao lại cho ngành Văn hóa Thông tin. Năm 1956, phòng đọc sách của ngành được hình thành gọi là Phòng đọc sách Vinh, và đến ngày 19/5/1957 thì chuyển thành Thư viện tỉnh Nghệ An.

Nhà Thư viện được xây dựng khá khang trang tại vườn hoa ngã tư chợ Vinh, trở thành trung tâm đọc của cán bộ, giáo viên, sinh viên và nhân dân. Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc mà Nghệ An là một trong những trọng điểm đánh phá đầu tiên vào ngày 5/8/1964. Các cơ quan Nhà nước lại gồng gánh đi sơ tán khỏi thành phố. Thư viện tỉnh Nghệ An phải truân chuyển đến 8 lần cùng ngành Văn hóa đưa sách đi sơ tán về các địa phương nông thôn miền núi. Sách, báo được phân tán đi các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành, v.v… Thư viện đã bám trụ phục vụ bạn đọc, cán bộ, nhân dân nơi sơ tán, ngay cả trong những ngày cao điểm giặc ném bom, bắn phá ác liệt. Cán bộ thủ thư, thư viện và bạn đọc có lúc làm việc và đọc sách ngay dưới các hầm hào tránh bom đạn Mỹ. Các hình thức phục vụ bạn đọc rất linh hoạt, độc đáo trong kháng chiến ra đời, như: "Ba lô sách", "Túi sách" phục vụ chiến trường, với các khẩu hiệu như: "Sách đi tìm người", "Sách vào hầm hào kháng chiến"…
Năm 1973, miền Bắc ngừng tiếng bom rơi, Thư viện tỉnh chuyển về Vinh nhưng chưa có trụ sở, phải ở tạm trong nhà thờ Tống Gia Liêm (nhà tên địa chủ phản bạn, báo cho Pháp bắt người anh hùng - Đội Cung trong khởi nghĩa Đô Lương - 1940).
Năm 1976, đất nước được thống nhất, Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành 1 tỉnh lớn - Nghệ Tĩnh. Thư viện có vốn sách rất lớn, lên tới hàng chục vạn bản, với đội ngũ cán bộ vững mạnh. Thư viện được lãnh đạo tỉnh quan tâm cho chuyển đến trụ sở mới khang trang (ở vị trí Nhà Văn hóa Lao động hiện nay) và kịp thời phục vụ cho Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa IX (đầu năm 1999).
Công tác thư viện và phong trào đọc sách, báo được chú trọng. Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 86, ngày 16/12/1976 khẳng định: "Ngoài hệ thống Thư viện do Nhà nước quản lý, nhanh chóng xây dựng cho được hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở hợp tác xã…"
Sau 10 năm hợp nhất (1976 - 1986), hệ thống thư viện công cộng ở Nghệ Tĩnh đã lớn mạnh vượt bậc. Ngoài Thư viện tỉnh, cả 27 huyện trong tỉnh đều có thư viện và xây dựng được trên 50 thư viện xã, cơ sở hợp tác xã. Tổng vốn sách của thư viện tỉnh từ 150.000 bản đã nâng lên tới 250.000 bản. Hàng năm, thư viện bổ sung trên 1 vạn bản sách, 2.500 cuốn sách ngoại văn và trên 300 loại báo, tạp chí… Thư viện đã có 4 phòng công tác: Nghiệp vụ, Phục vụ, Phong trào, Hành chính, với đội ngũ cán bộ 25 người.
Đến năm 1991, Thư viện Nghệ Tĩnh được chia tách theo sự chia tách 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thư viện Nghệ An nhanh chóng ổn định để hoạt động tại trụ sở mới khang trang (45 Hồ Tùng Mậu - nay là Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ An).
Đến năm 2004, Thư viện tỉnh lại phải di chuyển đến địa điểm mới (20 Quang Trung - Tp. Vinh). Thư viện cũng đã nhanh chóng ổn định để đi vào hoạt động nề nếp trở lại phục vụ tốt cho bạn đọc. Thư viện trở thành một địa chỉ không thể thiếu của đông đảo bạn đọc và nhân dân trong tỉnh.
Sự nghiệp của Thư viện tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển đi lên theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học… trong sự nghiệp đổi mới và công cuộc CNH, HĐH đất nước. Thư viện Nghệ An là 1 trong 6 Thư viện tỉnh toàn quốc mở đầu trong ứng dụng Công nghệ thông tin vào công tác Thư viện. Thư viện được đầu tư máy tính từ 2003 với phần mềm Ilib, xử lý sách và truy cập cơ sở dữ liệu sách, liên thông phục vụ bạn đọc qua mạng máy tính. Thư viện Nghệ An cũng là 1 trong 3 thư viện tỉnh trong cả nước (cùng Thái Nguyên, Trà Vinh) được triển khai Dự án thí điểm "Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng ở Việt Nam" do Quỹ Bill & Melinda Gates, Hoa Kỳ tài trợ. Thư viện đã xây dựng được phòng tra cứu Internet tại thư viện tỉnh, 5 thư viện huyện (Quỳnh Lưu, Yên Thành, Quỳ Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên) và 3 đơn vị (Thư viện Trường Dân tộc nội trú Kỳ Sơn, Thư viện Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc, Thư viện xã Quỳnh Đôi) với 115 máy tính có cấu hình tốc độ cao, băng thông rộng và phần mềm dữ liệu thông tin phong phú, tiện ích.
Đến nay, Thư viện tỉnh đã có vốn sách, tài liệu trên 230.000 bản, hàng năm bổ sung 8.000 - 9.000 bản sách và trên 200 loại báo, tạp chí; hàng năm phục vụ trên 150.000 lượt bạn đọc và 350.000 lượt sách luân chuyển. Thư viện rất chú trọng công tác xây dựng thư viện cơ sở với trên 100 thư viện, tủ sách xã, đơn vị cơ sở, bộ đội biên phòng… Đặc biệt thư viện đã xây dựng được Kho sách Địa chí khá lớn với 1 vạn bản sách và hàng chục vạn tư liệu quí, trong đó có vốn di sản Hán Nôm, mộc bản, sách chữ Thái cổ, tài liệu chép tay chữ Pháp, tài liệu trong kháng chiến chống Pháp…
Công tác tuyên truyền, nghiên cứu khoa học của thư viện ngày càng được chú trọng và không ngừng nâng cao. Thư viện đã tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề do các nhà khoa học, văn nghệ sỹ nổi tiếng thuyết trình: Ông Văn Tùng, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Minh Châu, Anh Ngọc, Đào Thắng, Nguyễn Đình Chú, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hoàng Văn Khoán, Chương Thâu, v.v… Phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm khoa học có chất lượng cao như tọa đàm về bảo vệ phát huy vốn di sản Hàn Nôm, về tài liệu di sản Lê Hồng Phong, về phong trào đọc sách, v.v… Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An do Thư viện tỉnh thành lập hoạt động sưu tầm, dịch thuật khai thác khá hiệu quả, đã dịch, biên soạn các công trình: "Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh" (của TS. Dương Thúc Hạp), "Câu đối xứ Nghệ", "Văn bia Nghệ An", "Xứ Nghệ với Hoàng đế Quang Trung" và sắp tới là "Sắc phong Nghệ An"… Thư viện cũng chú trọng biên soạn các công trình khoa học, các bản thư mục để phục vụ việc khai thác thông tin tư liệu tốt nhất cho bạn đọc, như : "Tác gia Nghệ Tĩnh thế kỷ XX" (2 tập: 1990 - 1993); "Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919)" (Công trình được trao giải Nhất công trình KHCN năm 2009); các thư mục : "Ba mươi năm xuất bản phẩm trên đất Nghệ Tĩnh" (1945 - 1975), "Thư mục Xô Viết Nghệ Tĩnh", "Thư mục Bác Hồ với quê hương, quê hương với Bác Hồ" (Phục vụ Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm quê và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"), "Thư mục Nguyễn Trường Tộ - nhà Canh tân và Danh nhân Văn hóa", "Thư mục Phan Bội Châu", các thư mục phục vụ các hội thảo khoa học của tỉnh và ngành về Đền Cờn, chùa Đại Huệ, danh nhân Ngô Trí Hòa, v.v… Các loại thư mục giới thiệu sách báo như: "Thư mục Địa chí", "Nghệ An qua báo chí Trung ương", v.v… Các hoạt động khác khá nổi bật hàng năm gắn với nhiệm vụ chính trị như: Tổ chức phòng trưng bày và đọc báo Xuân; Kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Ngày hội đọc sách; Ngày hội Internet; đăng cai tổ chức Hội nghị liên hiệp 6 thư viện tỉnh Bắc Miền Trung, phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu mang tầm khu vực như: Tìm hiểu sách về Bác Hồ, Thi kể chuyện sách, Thi tuyên truyền giới thiệu sách "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", v.v…
Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành, Thư viện tỉnh được đầu tư Dự án xây dựng trụ sở Thư viện tỉnh mới, hiện đạị, là công trình ở Nghệ An Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tin tưởng rằng sự nghiệp Thư viện tỉnh Nghệ An sẽ ngày càng đi lên, xứng tầm là Trung tâm thông tin tài liệu lớn nhất của tỉnh Nghệ An và khu vực.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441541

Hôm nay

2258

Hôm qua

2283

Tuần này

21445

Tháng này

216715

Tháng qua

112676

Tất cả

114441541