Nhìn ra thế giới

Chiến tranh Việt Nam và kế hoạch Phòng Tuyến Ba của Trung Quốc trước Cách mạng Văn hóa 1964-1966*

Sự leo thang của Mỹ tại chiến tranh Việt Nam trong năm 1964 và 1965 là mối đe dọa lớn cho an ninh của Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc phản ứng lại bằng một chính sách ba hướng. Thứ nhất, tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho miền Bắc Việt Nam ngay trong mùa hè năm 1964, đối phó với sự leo thang của Mỹ vào tháng 8.1 Thứ hai, khi lính thủy đánh bộ của Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam ngày 8-3-1965, chính quyền Trung Quốc tỏ thái độ cho Washington biết rằng họ muốn giới hạn chiến tranh Việt Nam chỉ trong Đông Dương, nhưng vẫn chuẩn bị và sẵn sàng tham chiến nếu bị Mỹ tấn công.2 Cuối cùng, nhà chức trách Trung Quốc đã đề ra và thực hiện ngay một chiến lược đầy tham vọng vào mùa hè năm 1964 nhằm bố trí lại, thậm chí tân tạo những thành phố và xí nghiệp kinh tế quan trọng nằm sâu trong đại lục, kế hoạch Phòng Tuyến Ba. Sau cuộc đổ bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ vào Việt Nam tháng 3-1965, Trung Quốc cũng nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tổng phòng. Kế hoạch Phòng Tuyến Ba trong giai đoạn 1964-1966 cùng kế hoạch phòng ngự liên hệ sẽ là trọng tâm của bài viết này.

Ngoại trừ bài báo của Barry J. Naughton hai thập kỷ trước, công cuộc Phòng Tuyến Ba đã không nhận được nhiều quan tâm của giới nghiên cứu nước ngoài. Naughton đi sâu vào khái niệm và những đặc trưng cơ bản của kế hoạch Phòng Tuyến Ba vào những năm 1960–1970, làm nổi bật hai giai đoạn khác nhau của kế hoạch. Chiến tranh Việt Nam leo thang là chất xúc tác cho giai đoạn đầu tiên, từ năm 1964 đến Cách mạng Văn hóa năm 1966. Mối đe dọa của Liên Xô đối với Trung Quốc sau những tranh chấp biên giới vào tháng 3-1969 thúc đẩy giai đoạn thứ hai, từ năm 1969 đến năm 1971.3 Mặc dù vạch ra được nguyên nhân của kế hoạch Phòng Tuyến Ba là mối đe dọa đối với an ninh Trung Quốc, nhưng Naughton đã không có được những tài liệu được đăng báo và xuất bản rất nhiều vào những năm gần đây, và ông cũng không đề cập đến kế hoạch tổng phòng ngự năm 1965 trong mối quan hệ chặt chẽ với kế hoạch Phòng Tuyến Ba. Chứng cứ mới đây về Trung Quốc mở ra một bức tranh sinh động và chi tiết hơn về giai đoạn đầu của Phòng Tuyến Ba, cùng kế hoạch phòng ngự năm 1965, và mối liên hệ mật thiết giữa chúng với an ninh Trung Quốc.

Nhìn chung, đề xướng Phòng Tuyến Ba tương đồng với nhiều đề xướng trước và sau đó các tỉnh phía Tây, nhưng khác nhau về mục đích. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957) và nguồn đầu tư của Liên Xô những năm 1950 tập trung phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng ở Thiểm Tây, Ninh Hạ, Cam Túc, và Thanh Hải.4 Khác với đề xướng mở mang phía Tây vào cuối thập niên 1990, được cho là phát triển đất nước đồng đều hơn, Phòng Tuyến Ba trong thập niên 1960 và đầu 1970 chỉ tập trung vào các tỉnh phía Tây với mục đích chiến lược và quân sự.5 Chính vị trí địa lý cách trở và lợi thế phòng thủ của những tỉnh này, chứ không phải nền kinh tế lạc hậu, là yếu tố quyết định chính sách của Bắc Kinh.

Mục đích chủ yếu đằng sau công cuộc Phòng Tuyến Ba là việc tái bố trí từ những tỉnh phòng tuyến một (duyên hải và giáp biên) sang những thành phố mới xây dựng và những xí nghiệp công nghiệp nằm sâu trong đại lục, tức khu vực Phòng Tuyến Ba. Các tỉnh còn lại của Trung Quốc hình thành phòng tuyến hai.6 Khi lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Việt Nam vào mùa xuân năm 1965, kế hoạch Phòng Tuyến Ba được mở rộng với “Phòng Tuyến Ba cấp tỉnh” và các kế hoạch phòng ngự theo đòi hỏi đặc biệt. Tuy nhiên những kế hoạch đó bị hoãn lại khi Cách mạng Văn hóa nổ ra (1966-1976), và bài viết này cũng dừng lại khi đề cập đến thời điểm đó. Sự trở lại kế hoạch Phòng Tuyến Ba sau xung đột biên giới Trung-Xô năm 1969 lại là vấn đề khác; do đó, không được nhắc đến trong bài viết này.

 

 Những đặc điểm chung của kế hoạch Phòng Tuyến Ba

Kế hoạch Phòng Tuyến Ba được đề ra năm 1964 và 1965 nhằm đáp lại mối đe dọa trước mắt ngày một lớn từ phía Mỹ đã tái bố trí những khu công nghiệp và thành phố chiến lược dễ bị tấn công trong khu vực cách bờ biển Trung Quốc 700 km và cách biên giới phía Tây 1000 km (xem bản đồ). Kế hoạch này cũng bao gồm việc xây mới những thành phố và nhà máy ở đây. Bao phủ khoảng 30% diện tích quốc gia, kế hoạch Phòng Tuyến Ba trải dài từ Tứ Xuyên tới Vân Nam và Quý Châu ở phía Tây Nam, tới Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ ở Tây Bắc, và tới Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Sơn Tây và Thiểm Tây ở phía đông của trung tâm Trung Quốc. Riêng Vân Nam, nhiều khu vực thuộc cả phòng tuyến một và ba. Những người đề ra kế hoạch khuyến khích mười một tỉnh này xây dựng công trình ở vùng cao nguyên và thung lũng có núi bao quanh, như cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, núi Đại Biệt (Hồ Bắc), núi Thái Hàng (Hà Nam-Sơn Tây-Hà Bắc), núi Ô Tiếu (Cam Túc), núi Lữ Lương và khu vực phía nam Đại Đồng (đều thuộc Sơn Tây).7 Tuy nhiên, khi thực hiện, Phòng Tuyến Ba chỉ được phát triển ở Tây Nam và Tây Bắc.8

 Bảng 1: Tổng vốn đầu tư trên cả nước, vốn đầu tư cho kế hoạch Phòng Tuyến Ba,
và tỉ trọng của đầu tư cho kế hoạch Phòng Tuyến Ba so với tổng vốn trên cả nước.

Giai đoạn

Tổng vốn đầu tư trên cả nước (Tỉ NDT)

Vốn đầu tư cho kế hoạch Phòng tuyến ba (Tỉ NDT)

Tỉ trọng (%)

1965

17,000

7,813

45,96

1966-1970
(Kế hoạch 5 năm lần I)

97,603

48,243

49,43

1971-1975
(Kế hoạch 5 năm lần II)

176,395

59,200

33,56

1976-1980
(Kế hoạch 5 năm lần III)

246,786

69,100

28,00

Tổng cộng

537,784

184,356

34,28

Nguồn: Li Cunshe, “Woguo sanxian shengchan buju de jibe texheng” [“The Basic Features of the Overall Arrangement of Production for Our Country’s Three-line Defense”]. Zhongguo gongye jingji yanjiu 1992/ 1993, p. 48. See also Zhonggong zhongyang wenxian yanjiushi bian [CCP, Central Documents Research Ofªce], Zhou Enlai nianpu, 1949–1976 [A Chronicle of Zhou Enlai’s Life: 1949–1976], 2 vols. (Beijing: Zhongyang, 1997), Vol. 2, 725.

 Chi phí cho chiến lược tái bố trí này rất lớn, mặc dù thống kê từ nhiều nguồn có khác nhau. Một vài nguồn cho rằng trong mười một năm trước khi lãnh tụ Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Trung Quốc đã bỏ ra hơn 200 tỉ NDT vào công trình Phòng Tuyến Ba.9 Một nguồn khác chỉ ra chi tiết hơn nhưng với số liệu khác (xem bảng). Số liệu này cho thấy mặc dù mức đầu tư vào kế hoạch Phòng Tuyến Ba tăng lên trong giai đoạn 1965-1980, nhưng lại giảm tỉ trọng so với tổng mức đầu tư trên cả nước. Việc giảm dần mức ưu tiên đối với kế hoạch Phòng Tuyến Ba báo trước việc chấm dứt chính thức, khi Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh tụ Trung Quốc cuối những năm 1970. Mặc dù từng là một trong những lãnh đạo đầu tiên của kế hoạch Phòng Tuyến Ba vào giữa thập niên 1960, Đặng bãi bỏ kế hoạch này vào tháng 1-1979 và gộp vào kế hoạch cải cách kinh tế chung trên cả nước vào năm 1983.10

Chỉ trong cuối năm 1964 đến năm 1965, 300 xí nghiệp quy mô vừa và lớn đã được khởi công hoặc xây dựng xong trong khu vực Phòng Tuyến Ba, cùng 49 nhà máy khác được dời đến từ những tỉnh phòng tuyến một.11 Nhìn chung, từ năm 1965 đến 1979, 125 xí nghiệp quy mô lớn (sản xuất ô tô, cơ khí hạng nặng và hạng nhẹ, trang bị máy móc, sản xuất thép…) được xây dựng xong. Một tài liệu cho rằng trong năm 1979 sản lượng của những xí nghiệp mới xây dựng bằng tổng sản lượng của các xí nghiệp quy mô lớn trong năm 1965. Vốn đầu tư cũng dành cho việc phát triển ngành năng lượng (than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, thủy điện và nhiệt điện) nhằm cung cấp năng lượng cho những xí nghiệp mới ra đời và những thành phố lân cận.12 Hơn nữa, 8.000 km đường sắt và 250.000 km đường bộ được xây dựng phục vụ cho việc thiết lập và duy trì Phòng Tuyến Ba.13

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu dài hạn trong phát triển nội tại, cuộc Cách mạng Văn hóa vẫn tác động xấu đến kế hoạch Phòng Tuyến Ba. Hệ thống chính trị các cấp chia phe phái, sự thanh trừng những lãnh đạo có kinh nghiệm, thâm hụt ngân sách, phong tỏa đường sắt, hỗn loạn nội bộ tạo nên tình thế khó khăn cho việc tái bố trí các thành phố và xí nghiệp. Theo các báo cáo, chính phủ trung ương đã thâm hụt một lượng lớn tiền đầu tư do phân bổ sai và lãng phí trong những năm đầu của Cách mạng Văn hóa.14 Tranh chấp Trung-Xô vào tháng 3-1969 và Đại hội IX của Đảng vào tháng 4-1969 khiến tình hình bớt hỗn loạn, dẫn đến giai đoạn thực hiện thứ hai của Phòng Tuyến Ba, kéo dài đến cuối những năm 1970.15 Theo một tài liệu, đỉnh cao của việc xây dựng Phòng Tuyến Ba là giai đoạn 1969-1971, khi đe dọa từ Liên Xô nguy cấp hơn lúc nào hết.16

 Căn nguyên của chiến lược Phòng Tuyến Ba

Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ kế hoạch tái bố trí chiến lược bởi nhiều lý do. Lâm Bưu, người kế thừa Mao Trạch Đông, đã đề xuất ý tưởng ngay từ tháng 1-1962, lấy lý do lo ngại cuộc tấn công của Quốc Dân Đảng từ Đài Loan và các đảo trong eo biển Đài Loan vào đại lục của Quốc Dân Đảng với sự hậu thuẫn của hải quân Mỹ. Lâm lo ngại rằng sự yếu đuối của đất nước sau thảm họa Đại Nhảy Vọt có thể dẫn đến bị tấn công.17 Mối quan hệ Trung-Xô xấu dần đi sau Hiệp ước Chống thử nghiệm hạt nhân giữa Mỹ-Liên Xô-Anh vào tháng 8-1963, đã tác động đến an ninh Trung Quốc đến mức họ quyết định “củng cố sức phòng ngự phía Bắc”.18 Tuy nhiên các nhà máy công nghiệp do Nhật Bản và Liên Xô xây dựng ở Mãn Châu vẫn bị đe dọa bởi Liên Xô. Dấu hiệu cho thấy viện trợ quân sự tăng cao của Mỹ cho Nam Việt Nam sau cuộc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 buộc Trung Quốc quan tâm đến sự bất ổn đang gia tăng ở biên giới phía nam. Ngay từ tháng 6-1964 - trước sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8-1964 dẫn đến sự leo thang của Washington bằng không chiến - Bắc Kinh đã thông báo tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho Hà Nội.19 Đầu tháng 9-1964, Thủ tướng Chu Ân Lai cảnh báo, “nếu Mỹ muốn mở rộng chiến tranh chống phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức Bắc Việt) hoặc đưa thêm quân, tức là gây chiến ở ngay cạnh Trung Quốc, chúng ta sẽ không đơn giản ngồi yên.”20 Mối đe dọa cho an ninh Trung Quốc đến từ Liên Xô và Mỹ mà giới lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận hiện rõ ngay chính lúc họ bắt đầu xác định ưu tiên trong các kế hoạch dân sự và quân sự trong Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, bắt đầu từ năm 1966.21

Mặc dù viện trợ cho Hà Nội, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn lo ngại trước những yếu huyệt của đất nước. Mùa xuân 1964, Mao bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến quy mô lớn ở Đông Á và khả năng duy trì sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Một báo cáo từ Cơ quan hoạch định chiến tranh của Tổng tham mưu Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày 25-4 chỉ ra những vấn đề trong cơ cấu phòng ngự - việc tập trung dân cư và trung tâm công nghiệp quá mức vào những tỉnh biên giới và duyên hải dễ bị tấn công - và đề nghị di dời những thành phố và công trình công nghiệp và quân sự quan trọng có tính chiến lược vào sâu trong đại lục.22 Những năm 1950, 85% sản lượng thép được sản xuất ở Mãn Châu và những tỉnh duyên hải.23 Theo báo cáo của Chu Ân Lai tháng 3-1965, 87% sản lượng công nghiệp và 90% hệ thống tài chính nằm ở khu vực phòng tuyến một và hai.24 Đưa ra sự thiếu cân đối trong các công trình kinh tế, tài chính, và quốc phòng, tại Hội nghị trung ương Đảng về Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1966-1970) từ 15-5 đến 17-6-1964, Mao kiên quyết tán thành đề nghị ngày 25-4, rằng “trong thời đại hạt nhân, không thế có chuyện Trung Quốc không có hậu tuyến.”25

Lối tư duy chiến lược đó cũng ảnh hưởng tới lời khuyên của Trung Quốc cho Bắc Việt ngay cả trước khi chiến tranh leo thang vào đầu tháng 8-1964. Ngày 1-7, Chu Ân Lai đã nói với Nguyễn Kim, phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, về việc cần thiết phải xây dựng một “phòng tuyến thứ hai và thứ ba” ở Việt Nam, “không chỉ ở nơi đất bằng, mà còn ở vùng đồi núi.” Tóm lược các chủ trương đã được Mao ủng hộ, Chu cho rằng “nền kinh tế quá tập trung sẽ không thích hợp trong thời chiến, [bởi vậy] nó cần được trải đều.” Tuy nhiên, Chu kết luận rằng “điều lưu ý trước tiên” là không được gián đoạn nền sản xuất nông nghiệp, vì đó là cơ sở cho cả nền kinh tế.26

Kế hoạch sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tháng 8-1964 đến tháng 2-1965

Sự leo thang của Mỹ trong chiến tranh trên không đối với Bắc Việt Nam lúc bấy giờ tiếp sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 2-8, và nghị quyết của Quốc hội Mỹ năm ngày sau đó cho phép Tổng thổng Lyndon B. Johnson mở rộng cuộc chiến, càng làm cho chiến lược Phòng Tuyến Ba cần thiết hơn bao giờ hết. Ngay ngày 10-8-1964, Mao chỉ thị cho tham mưu trưởng quân đội La Thụy Khanh và phó tham mưu Dương Thành Vũ “thi hành từng bước một” bản báo cáo 25-4.27 Mặc dù cố làm dịu đi lo ngại của Tổng bí thư Việt Nam Lê Duẩn ngày 13-8 khi khẳng định rằng không ai, kể cả Washington, Bắc Kinh, hay Hà Nội, muốn kéo dài tranh chấp, nhưng vài ngày sau đó Mao lại cảnh báo trong hội nghị Ban bí thư trung ương Đảng rằng “chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng đế quốc Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh tổng lực” ở Việt Nam.28

Tuần lễ sau đó, các nhà kinh tế Lý Phú Xuân và Bạc Nhất Ba, cùng với La Thụy Khanh, cung cấp cho Mao bản báo cáo gồm một số điểm cơ bản liên quan đến các biện pháp đối với đề án Phòng Tuyến Ba. Trước hết, họ đề nghị Hội đồng nhà nước thành lập ủy ban đặc biệt với Lý là chủ tịch, Bạc và La là phó nhằm giám sát việc tái bố trị và xây dựng kinh tế. Họ cũng đề nghị chính quyền trung ương huy động đủ loại nhân lực và hệ thống tổ chức nhằm nghiên cứu chi tiết về việc hoàn thành các công trình đang xây dựng và hoãn các dự án kinh tế trước mắt ở 15 thành phố có dân số trên một triệu ở phòng tuyến một, chuyển dịch toàn bộ hoặc một phần các xí nghiệp công nghiệp quân sự và cơ khí từ phòng tuyến một đến Phòng Tuyến Ba, tạm ngưng xây dựng các công trình hồ chứa nước nhân tạo vừa và lớn, đưa các viện và chuyên viên nghiên cứu đến Phòng Tuyến Ba, xây mới các xí nghiệp và thành phố ở Phòng Tuyến Ba cách xa nhau và ở những nơi có đồi núi che khuất, thiết lập các ủy ban dân quân phòng không. Lý, Bạc và La dự kiến bước đầu của kế hoạch Phòng Tuyến Ba sẽ kéo dài đến cuối năm.

Sau đó, bản báo cáo của Lý-Bạc-La khuyến nghị Bộ Công An thi hành các biện pháp dân phòng, như tiếp tục lại việc xây hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh, vừa tăng sức chứa vừa chống ném bom. Cuối cùng bản báo cáo đề nghị phải có chỉ thị gửi đến các tỉnh nhằm thi hành những biện pháp nói trên.29

Ngày 5 tháng 9 Ban bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành chỉ thị đầu tiên đến các tỉnh về việc thành lập Phòng Tuyến Ba, bao gồm điều chỉnh lại các dự án đã có ở phòng tuyến nhằm đáp ứng những đòi hỏi chiến lược mới của đất nước, tập trung vào các công trình công nghiệp và thành thị ở Phòng Tuyến Ba, phát triển các xí nghiệp ở Phòng Tuyến Ba ngang bằng với các xí nghiệp đang có ở phòng tuyến một nhằm duy trì sản xuất.30 Lý Phú Xuân ước tính việc thực hiện sẽ mất bảy đến mười năm.31

Ngày 30-10, Ban bí thư Trung ương Đảng phê duyệt kế hoạch kinh tế sơ bộ năm 1965 nhằm thực hiện các yêu cầu mới của kế hoạch Phòng Tuyến Ba.32 Trong chỉ thị gửi tới các tỉnh và vùng tự trị, Thủ tướng Chu và Tổng tham mưu quân đội La đòi hỏi họ gửi các quy hoạch xây dựng cơ bản cho ba năm tới đến Bắc Kinh trước tháng 12 và hạn chế bớt vốn đầu tư trong khu vực phòng tuyến một và hai. Tuy nhiên, các dự án xây dựng cơ bản đang thi công được phép tiếp tục đến hoàn thành.33

Ngay cả khi các biện pháp này đang được thực hiện, Mao vẫn bày tỏ lo lắng về khả năng xung đột với Mỹ và Liên Xô. Nguy cơ Mỹ truy kích máy bay Bắc Việt vào lãnh thổ Trung Quốc để tạo cái cớ mà Washington gọi là “nương náu hợp pháp”,34 dường như gia tăng khả năng leo thang tới chiến tranh hạt nhân, như Mao đã lo ngại vào tháng 10-1965.35 Tuy nhiên, không chỉ nguy cơ gây hấn của Mỹ làm Mao lo ngại, mà cả nguy cơ bị Liên Xô tấn công: “Nếu Liên Xô tấn công chúng ta, Tây An sẽ là tiền tuyến, và bên trên là Tân Cương, Hắc Long Giang, Nội Mông Cổ… Chúng ta cần phải chuẩn bị.”36sau đó mối quan hệ Trung-Xô trở nên xấu đi, hầu hết tính toán kế hoạch đều hướng về phía Mỹ, theo như  những sự kiện xảy ra những tháng sau đó chứng tỏ.37

Cuối tháng 11-1964, Mao phê chuẩn bản báo cáo của Lý Phú Xuân và Trình Tử Hoa, một thành viên trong ủy ban đặc biệt được thành lập bởi Hội đồng Nhà nước về việc tái bố trí các công trình, về việc phối hợp  các dự án công nghiệp và năng lượng ở Tây Nam.38 Sau đó nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng Phòng Tuyến Ba ở vùng này. Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình đã dành nhiều thời gian từ ngày 2-12-1964 đến 13-1-1965 để đến quê mình ở Tây Nam trong chuyến thanh tra để chọn địa điểm. Chuyến đi thường là hành trình cuốc bộ đến những vùng chưa kịp xây dựng đường sá. Nhiệm vụ của Đặng trở nên khó khăn hơn sau khi ông bị thương ở chân do vấp ngã nên thỉnh thoảng phải chống gậy.39

Ngày 5-2-1965, Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước chính thức phê chuẩn việc thành lập Ủy ban kế hoạch Phòng Tuyến Ba ở Tây Nam Trung Quốc.40 Trong thời gian đó, Chu trình cho Mao kế hoạch quốc gia về việc tái bố trí công nghiệp quân sự, nhưng có thi hành hay không thì chưa rõ.41 Trong suốt tháng hai, Mao thay phiên Lưu Thiếu Kỳ điều khiển một số hội nghị trung ương về việc thi hành chiến lược Phòng Tuyến Ba.42 Ngày 20-2, La Thụy Khanh báo cáo về việc xây dựng gấp các nhà máy quân đội của kế hoạch Phòng Tuyến Ba trong một số lĩnh vực chuyên biệt, bao gồm vũ khí không quân, vũ khí mặt đất, đóng tàu và điện tử.43 Cuối cùng, ngày 26-2 Trung ương Đảng đưa ra chỉ thị đầu tiên, sau nhiều tháng lập kế hoạch, cho Ủy ban kế hoạch Phòng Tuyến Ba ở vùng Tây Nam bắt đầu làm việc.44 Trong phần lớn tháng 3 và một phần tháng 4-1965, Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo trung ương khác phải ở vùng Tây Nam và Tây Bắc để thăm dò thêm.45 Vùng Tây Bắc được quan tâm chỉ sau khi Chu Ân Lai đề nghị mở rộng kế hoạch ra những vùng khác.46

 Ảnh hưởng việc leo thang chiến tranh Việt Nam, tháng 3-1965

Kế hoạch Phòng Tuyến Ba tiến triển đều đặn vào đầu năm 1965, nhưng tình hình an ninh của Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi. Sau thời gian tạm lắng của chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam do bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-1964, Mỹ quay trở lại bỏ bom Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau những đợt đột kích của du kích Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam vào sân bay trực thăng của Mỹ ở Plâyku đầu tháng 2-1965.47 Chính quyền Johnson thông báo về việc đưa lính thủy đánh bộ Mỹ vào miền Nam Việt Nam ngày 1-3, và 3.500 quân Mỹ đổ bộ vào vịnh Đà Nẵng chỉ bảy ngày sau đó.48 Trong 3 tuần kế tiếp, thêm 35.000 lính và vào mùa hè là 45.000 đến 50.000 lính.49

Bốn ngày sau cuộc đổ bộ 8-3 của lính thủy đánh bộ Mỹ, Chu quay lại kế hoạch Phòng Tuyến Ba. Ông nhận thấy kế hoạch tiến triển chưa đủ nhanh để chuẩn bị cho chiến tranh ngay cả ở mức độ nhỏ nhất. Trong báo cáo trước Ban bí thư trung ương Đảng, Chu miêu tả việc thực hiện Phòng Tuyến Ba như cuộc “chạy đua với thời gian” nhằm đặt đất nước vào tình trạnh sẵn sàng cho chiến tranh. Ông nhấn mạnh rằng phải tăng tốc xây dựng Phòng Tuyến Ba (đặc biệt là trong công nghiệp quốc phòng), phát triển nông nghiệp nhằm cân đối xuất nhập khẩu gạo trong (từ 1961, Trung Quốc đã phải nhập khẩu gạo do hậu quả tàn khốc của cuộc Đại nhảy vọt), và phát triển công nghiệp nặng để có thể hỗ trợ các xí nghiệp quốc phòng ở Phòng Tuyến Ba và nền nông nghiệp của cả nước. Chu ra lệnh đưa các công trình nhà máy thép ở phòng tuyến một và hai trở lại hoạt động như biện pháp tạm thời nhằm chúng có thể tham gia vào sản xuất trong ba đến bốn năm. Chu ra lệnh phải di dời nhanh chóng các nhà máy luyện kim, cơ khí, hóa chất, dầu mỏ và quốc phòng đến các thành phố nằm gần nguồn nhiên liệu (than và nhiệt điện) ở Phòng Tuyến Ba để không nơi nào thiếu hụt sản xuất. Nhấn mạnh việc các nhà máy Phòng Tuyến Ba phải được xây dựng gần đồi núi, Chu cho rằng vùng Tây Nam có nhiều ưu thế bởi địa hình đồi núi và thủy điện dồi dào. Nhằm ổn định các thị trấn mới xây dựng nằm trong dự án, Chu ra lệnh dự trữ lương thực và gia tăng bón phân hóa học trong nông nghiệp. Ông cũng đề nghị xây dựng nhà máy hóa chất ở Tứ Xuyên nhằm khai thác những mỏ khí thiên nhiên sẵn có.50

Ngày hôm sau, 13-3, Chu mở rộng ý tưởng Phòng Tuyến Ba ở tầm quốc gia xuống tầm địa phương, và trong cuộc cuộc họp với các lãnh đạo tỉnh ra lệnh cho họ xây dựng “tiểu Phòng Tuyến Ba” ở địa phương họ. Ông hứa hẹn Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1966-1970) sẽ b sung nguồn ngân sách thích hợp, thậm chí ông còn đưa ra kế hoạch 15 năm cho việc thi hành các “tiểu Phòng Tuyến Ba” (1966-1980). Tuy nhiên Chu cảnh cáo không được có bất kì thay đổi nào về nông nghiệp liên quan đến kế hoạch “tiểu Phòng Tuyến Ba”. Thay vào đó, trọng tâm đề ra là duy trì sản lượng cao và ổn định trên từng sào ruộng.51 Ngày 14-3 Cơ quan công tác Bộ quốc phòng của Hội đồng Nhà nước gửi chỉ thị tương ứng cho các tỉnh về việc tổ chức các đề án lien quan đến các “tiểu Phòng Tuyến Ba”.52

Tuy nhiên một tuần sau, Đặng Tiểu Bình chủ trì cuộc họp của Ban bí thư Trung ương Đảng với mục đích chống lạm phát có thể sẽ xảy ra, hậu quả của chi phí gia tăng trong công cuộc “tiểu Phòng Tuyến Ba” ở các tỉnh phòng tuyến một và hai.53 Còn các tỉnh thành xem việc thực hiện “tiểu Phòng Tuyến Ba” là cái cớ để xin thêm ngân sách. Ngày 11-4, các nhà hoạch định kinh tế Lý Tiên Niệm, Dư Thu Lý, và Cốc Mục quyết tổng vốn đầu tư toàn Trung Quốc trong năm 1965 không quá 17 tỉ NDT, khuyến nghị hủy bỏ những dự án không cần thiết trong cả nước, kể cả hoãn một số kế hoạch Phòng Tuyến Ba cốt yếu. Tuy nhiên các nhà máy quốc phòng có vẻ được ưu tiên.54 Ngày 21-3 Trung ương Đảng quyết định phê chuẩn đề nghị của La Thụy Khanh trong báo cáo ngày 20-2 về việc xây dựng một số nhà máy quốc phòng chuyên trách ở Phòng Tuyến Ba.55

 Kế hoạch phòng ngự trung tâm, tháng 4 đến tháng 5-1965

Một khi Chu xác định hướng phát triển chung cho Phòng Tuyến Ba và “tiểu Phòng Tuyến Ba” vừa cho trước mắt vừa cho tương lai xa, ông và những nhà lãnh đạo khác chuyển sang việc lên kế hoạch phòng ngự chi tiết theo đài xung đột gia tăng ở Đông Dương. Ngày 8-4 Cơ quan Thương mại của Hội đồng Nhà nước đệ trình báo cáo đề ra những biện pháp khẩn cấp về hậu cần nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của Trung Quốc. Báo cáo này cảnh báo rằng 467 trong số 847 kho chứa dầu của Trung Quốc, chiếm một nửa trữ lượng dầu của đất nước (1,07 triệu trong số 2,13 triệu mét khối) nằm ở các tỉnh phòng tuyến một, cùng 284 kho chứa dầu (0,72 triệu mét khối, hay 34%) ở phòng tuyến hai, và chỉ có 96 (0,34 triệu mét khối, hay 16%) đặt ở Phòng Tuyến Ba. Báo cáo khẳng định rằng mức tập trung các kho chứa dầu dày đặc ở phòng tuyến một, những kho trên mặt đất dễ bị tấn công, và việc thiếu đầu tư vào hạ tầng kho chứa dầu đã khiến dự trữ dầu của Trung Quốc lâm vào “tình trạng đáng lo ngại” nếu phải phục vụ cho phòng không và hậu cần trong thời chiến. Những tác giả của báo cáo đề xuất việc nhanh chóng thành lập đơn vị phòng không ở những kho chứa của phòng tuyến một, nhanh chóng di dời dầu vào dự trữ ở những cơ sở ngầm ở vùng đồi núi ngay khi xây dựng xong, đồng thời tăng khả năng trữ dầu ở Phòng Tuyến Ba. Việc tái bố trí thành phố nếu các kho chứa dầu không thể di dời hoặc nếu phải xây dựng trong vùng thành vì không có giải pháp thay thế thì chỉ được phép ở Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu, những nơi dầu dự trữ có thể dễ dàng cung cấp cho Bắc Việt hay làm nhiên liệu cho phương tiện vận chuyển chi viện quân sự trợ giúp Bắc

Trong cuộc họp mật ngày 10-4 với các lãnh đạo đảng và chính phủ không được nêu rõ tên, Chu Ân Lai tóm lược tình hình an ninh của Trung Quốc. Mặc dù ông đã giải tỏa mối lo về khả năng một cuộc chiến toàn cầu mới, ông cho rằng khả năng đối đầu quân sự Trung-Mỹ là cao và sức cầm cự của Trung Quốc với cuộc chiến cũng đáng lo ngại.57 Trong bối cảnh phẫn nộ vừa xảy ra đối với điều họ tưởng là có  toan tính của Liên Xô nhằm môi giới đưa đến thỏa hiệp về Đông Dương với  Mỹ thông qua  tổng thống Pháp Charles de Gaulle,58 Chu tiên đoán rằng Mỹ và Liên Xô cũng đang thông đồng trong cuộc chiến Việt Nam để đưa Trung Quốc trở lại thời kì 20 đến 30 năm về trước. Nhưng ông nhấn mạnh rằng thông đồng giữa Liên Xô và Mỹ cũng có giới hạn. Nếu Mỹ muốn bỏ bom chương trình hạt nhân của Trung Quốc, ông khẳng định, dư luận quốc tế sẽ quay lưng với Mỹ và ủng hộ Trung Quốc. Chu kết thúc bằng việc nhắc đến tiến độ hoàn thành nhanh chóng của công cuộc Phòng Tuyến Ba để  Trung Quốc có thể dựa vào ba phòng tuyến khi xảy ra chiến tranh.59

Trong cuộc họp mở rộng của Bộ chính trị ngày 12-4, lãnh đạo trung ương đã thông báo cho các lãnh đạo tỉnh và vùng tự trị về tình hình an ninh và giải thích đường lối “phòng ngự từ xa” vừa được soạn thảo.60 Đặng Tiểu Bình mở đầu cuộc họp bằng cách nhắc lại lịch sử; theo đó, Trung Quốc không được bị động như Liên Xô khi bị Đức tấn công vào tháng 6-1941: “Chúng ta không muốn mắc phải sai lầm đó.”61 Ông trích dẫn lời của Mao năm ngoái tại lăng mộ nhà Minh: “Stalin thiếu ba thứ khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ hai: hầm trú bom, việc di dời các nhà máy [về tuyến sau], và lực lượng dân quân.”62

Đặng không ngừng chỉ trích những tỉnh đã lãng phí thời gian sau thông báo của Chu một tháng trước, nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng “tiểu Phòng Tuyến Ba”. Đồng ý với phê bình của Mao về việc thi hành Phòng Tuyến Ba quá trì trệ và hầu hết các tỉnh chỉ biết đòi thêm ngân sách trong khi không sẵn sàng tập trung binh lính, Đặng kêu gọi việc xây dựng các đơn vị dân quân cũng như tăng tốc thi hành kế hoạch Phòng Tuyến Ba trên cả nước và “tiểu Phòng Tuyến Ba” ở các tỉnh. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng nền công nghiệp quốc phòng trong từng “tiểu Phòng Tuyến Ba” phải có thể hoạt động độc lập trong trường hợp Mỹ nhảy vào.63

Chuyển sang tình hình Việt Nam, Đặng nói đến khả năng chiến tranh. Nhắc đến sự gia tăng ném bom của Mỹ vào các mục tiêu giao thông liên lạc và sản xuất ngày càng gần Hà Nội và Hải Phòng cũng như các máy bay tầm cao của Mỹ trên bầu trời Hải Nam, ông cho là quá sớm để nói đến khả năng tham chiến của Trung Quốc - và nếu có, thì ở mức độ nào. Ông thiên về khả năng chiến tranh chỉ giới hạn ở Việt Nam, nhưng cũng cảnh báo rằng Mỹ có thể mở rộng công kích sang Triều Tiên, trường hợp xấu nhất này khẳng định cuộc đối đầu Mỹ Trung trên đất Trung Quốc. Đặng bác bỏ khả năng Liên Xô sẽ trung thành với Hiệp ước đồng minh kí năm 1950 và hỗ trợ Trung Quốc.64 Ông tuyên bố, “chúng ta phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.”65

Sau khi tóm lược mức độ việc trợ hiện tại cho Bắc Việt, Đặng đề cập đến nhiệm vụ cấp bách nhất trong nước. Ông kêu gọi động viên quần chúng nhân và quân đội chính quy, thành lập các đơn vị phòng không ở các xí nghiệp công nghiệp và các mắt xích liên lạc, tuyên truyền giáo dục quốc phòng và thành lập các ủy ban phòng không các cấp. Mặc dù Đặng kêu gọi các nhà máy không huy động quá nhiều tài nguyên cho việc chuẩn bị nhằm dự trữ tài nguyên quý hiếm cho sản xuất, ông cũng yêu cầu việc rèn luyện tâm lý cho công nhân để họ có thái độ sẵn sàng khi Mỹ ném bom có hệ thống vào các cơ sở công nghiệp.66

Chu Ân Lai tiếp tục nhắc nhở tăng cường sức phòng vệ của đất nước và đẩy cao tuyên truyền đến các nước khác. Theo ông, vì các lý do chính trị nên quan hệ ngoại giao cần được cải thiện. Mặc dù chuẩn bị cho quốc phòng, nền sản xuất cần tiếp tục duy trì để nguồn thu nhập ngoại tê chủ yếu từ xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao có thể được dùng để viện trợ nước ngoài, tập trung vào Bắc Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Albania. Về đối nội, Trung Quốc cần tăng tốc “từng tháng một” các biện pháp Phòng Tuyến Ba và tổ chức những đơn vị phòng không và dân quân, nhưng tránh không gây hoang mang cho dân chúng.67

Cuối cùng, Lưu Thiếu Kỳ nói về trách nhiệm viện trợ cho Bắc Việt, mặc dù ông miêu tả tình thế hiện nay ở Đông Dương giống như nước cờ bí. Nhắc lại phần lớn lời của Đặng và Chu, ông yêu cầu một hành động biểu trưng, như bắn rơi máy bay hay đánh chìm tàu chiến Mỹ, nhằm thôi thúc tinh thần nhân dân Trung Quốc.68 Lưu nói thêm việc tàu sân bay của Mỹ bị nhận chìm ở eo biển Đài Loan gây tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ. Ông đề cập đến khả năng tấn công hạt nhân của Mỹ vào Trung Quốc, và cho rằng liệu hầm trú bom thông thường có thể chống được bom hạt nhân.69 Tuy nhiên, rõ ràng vẫn chưa có một kế hoạch phòng ngự đặc biệt nào nhằm đối phó với chiến tranh hạt nhân.

Trong bài diễn văn tổng kết, Chu Ân Lai tóm lược lại những vấn đề chính. Ông yêu cầu tăng tốc xây dựng cơ bản trên cả nước đồng thời nhấn mạnh rằng công nghiệp quốc phòng, kế hoạch Phòng Tuyến Ba và viện trợ nước ngoài là những chính sách liên quan mật thiết đến tranh chấp đang gia tăng Đông Dương. Chu thông báo về kế hoạch “phòng ngự từ xa” trước mắt và kế hoạch Phòng Tuyến Ba trong lâu dài. Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa hai kế hoạch, “phòng ngự từ xa” sẽ được ưu tiên hơn. Chu cảnh báo rằng dù chính phủ tiếp tục tăng, “thuốc súng” hiện tại vẫn không đủ nếu có chiến tranh trên diện rộng. Bởi vậy, nền sản xuất quốc phòng phải được hết sức quan tâm. Đối với kế hoạch Phòng Tuyến Ba, ông cho rằng việc hoàn thành đường sắt Côn Minh là dự án quan trọng nhất bởi vì nó có vai trò di dời các nhà máy sang những vùng Phòng Tuyến Ba được chỉ định và vận chuyển hàng hóa xuống Bắc Việt. Đối với công cuộc “tiểu Phòng Tuyến Ba”, ông ưu tiên hàng đầu cho những tỉnh phía nam và duyên hải.70 Bốn ngày sau, 14-4, Trung ương Đảng phê chuẩn những chỉ thị chi tiết về “phòng ngự từ xa”.71

Ngày 20-4 Hội đồng Nhà nước yêu cầu thi hành theo như bản báo cáo ngày 8-4 về việc tái bố trí và [trong một số trường hợp] xây mới các kho chứa dầu và hệ thống pháo phòng không để bảo vệ.72 Một ngày sau, Hội đồng Nhà nước gửi thông tư cho các tỉnh yêu cầu tái thành lập các đơn vị dân quân phòng không, vốn đã bị giải thể sau sự kiện Đại nhảy vọt, và chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với Mỹ.73

Tuy nhiên, các lãnh đão Trung Quốc tin rằng việc tái bố trí quân sự và các kế hoạch cấp tỉnh là không đủ để ngăn chặn Mỹ trong dài hạn. Giữa tháng 5, Đặng đặt ưu tiên cho việc di chuyển tới những vùng Phòng Tuyến Ba hay xây mới  ở đó các xí nghiệp quân sự có kế hoạch hạt nhân hay tên lửa so với các công nghiệp quốc phòng khác: “Chúng ta phải đề phòng trường hợp kẻ thù dùng vũ khí hạt nhân để tấn công những thành phố duyên hải; vì vậy, nên đặt việc xây dựng chương trình hạt nhân và tên lửa ở vùng khác. Chúng ta sẽ đổ tiền vào những nơi đó.”74

Chu thông báo đề cương chung cho kế hoạch phòng ngự từ xa của chính phủ trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 11-5.75 Bốn điểm trong kế hoạch yêu cầu việc đảm bảo phòng ngự, viện trợ nước ngoài, thi hành Phòng Tuyến Ba và sản xuất quốc phòng trong điều kiện ngân sách eo hẹp với 17 tỉ NDT.76 Tuy nhiên, Chu cảnh báo về nguy cơ hoàn thành một cách “hỗn loạn” các mục tiêu đầy tham vọng như trong cuộc Đại nhảy vọt năm 1959, 1960. Cùng với khả năng bị Mỹ tấn công, nhiều hiểm họa cũng xuất hiện trong năm 1965 hơn là trong một nửa thập kỉ trước.77

Theo như phát hiện gần đây của hai nhà sử học James Hershberg và Chính Đạo, trong khi tăng tốc kế hoạch “phòng ngự từ xa” để đề phòng cuộc chiến với Mỹ, lãnh đạo Trung Quốc đã gửi tín hiệu cho Washington biết rằng họ muốn chiến tranh Việt Nam giới hạn trong Đông Dương. Ngay từ 25-3, truyền thông Trung Quốc đã công khai thông báo viện trợ cho Việt Nam với mục đích đánh bại xâm lược Mỹ. Trong chuyến thăm Pakistan ngày 2-4, Chu hy vọng Tổng thống Mohammed Ayub Khan, có kế hoạch thăm Washington ngay sau đó, sẽ chuyển lời tới Washington cam kết của Trung Quốc không gây cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhưng đồng thời Bắc Kinh sẵn sàng tham chiến nếu bị Mỹ tấn công. Lời cảnh cáo của Chu đã không thể đến được thủ đô nước Mỹ vì chuyến thăm của Ayub Khan sau đó bị hủy bỏ. Cuối tháng 4 và tháng 5-1965, Chu nhắc lại thông điệp trên cho những nguyên thủ nước ngoài đến Trung Quốc. Lo ngại những thông điệp trên chưa đến được Washington, Chu chuyển lời qua Tòa công sứ Anh ở Bắc Kinh ngày 31-5. Bảy ngày sau, tòa công sứ thông báo cho Bộ ngoại giao Trung Quốc rằng thông điệp đã được chuyển đến Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Dean Rusk.78

 Kế hoạch phòng ngự cấp tỉnh, tháng 4 đến tháng 5-1965

Tư liệu về kế hoạch phòng ngự cấp tỉnh trong năm 1965 vẫn còn rải rác. Nhiều sử liệu chính thức thậm chí không đề cập đến, mặc dù chúng đã đề cập rộng đến các vấn đề quân sự khác những năm 1960.79 Thông tin nhỏ giọt trong những tài liệu trên cho thấy Quảng Tây đã thành lập các ủy ban dân quân phòng không vào ngày 5-5,80 sau đó là Giang Tô ngày 6-5,81 Vân Nam ngày 12-5,82 Phúc Kiến ngày 13-583 và Triết Giang ngày 14-5.84 Những bằng chứng có được cho thấy những tỉnh trên, đều thuộc phòng tuyến một, chú trọng đến công tác dân phòng nhưng lại không triển khai nhanh chóng. Một số tỉnh phòng tuyến một tổ chức các hội nghị về kế hoạch phòng ngự hoặc hỏi ý kiến Bắc Kinh về kế hoạch cụ thể trong năm 1965 và đầu 1966.85 Việc các sử liệu không nhắc đến kế hoạch phòng ngự các tỉnh khác, đặc biệt là phòng tuyến hai và ba, cho thấy chính các tỉnh phòng tuyến một lại quan tâm đến công tác dân phòng.

 Một số ít tài liệu từ phòng lưu trữ tại tỉnh Giang Tô cho biết thêm về kế hoạch dân phòng cấp tỉnh. Mệnh lệnh trung ương ngày 21-4 về việc tái tổ chức các đơn vị dân quân phòng không cấp tỉnh khởi động cho kế hoạch “phòng ngự từ xa” ở Giang Tô. Ngày 6-5, Ủy ban nhân dân tỉnh Giang Tô ban hành chỉ thị sơ bộ đến Ủy ban nhân dân các địa khu Nam Kinh, Vô Tích, Từ Châu, Thường Châu, Tô Châu, Nam Thông, Liên Vân Cảng và Trấn Giang về việc thành lập các ủy ban phòng không trong các cơ quan an ninh công cộng. Nhiệm vụ của các ban mới này, theo như chỉ thị, gồm hai phần: một là tuyên huấn về phòng không cho dân chúng và tổ chức phòng ngự. Hai là, thực hiện các biện pháp phòng không cùng kế hoạch kinh tế và thực hiện việc kiểm soát phù hợp với những yêu cầu của phòng không tác chiến.86

Ngày 17-5, Ủy ban dân quân phòng không tỉnh Giang Tô đệ trình một báo cáo đến Đảng ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh với đề xuất chi tiết về nhiệm vụ của Ủy ban dân quân phòng không các địa khu. Do Giang Tô là tỉnh duyên hải, Ủy ban phòng không cấp tỉnh phải tính đến phòng ngự dài hạn đối phó với chiến lược ném bom gây bất ngờ của Mỹ, đồng thời đối phó với sự lan rộng của tư tưởng chủ bại trong dân chúng khi có chiến tranh. Ủy ban muốn các biện pháp tuyên truyền được thực hiện bởi những đảng viên cấp hạng mười bảyi hoặc cao hơn nhằm khích lệ tinh thần quần chúng. Ngoài ra, Ủy ban đề nghị nghiên cứu việc xử lý hàng hóa nguy hiểm, đề ra kế hoạch phân tán và bảo vệ các cán bộ nòng cốt, và tái bố trí các đơn vị công nhân, trường học về nông thôn trên các “tiểu Phòng Tuyến Ba”. Cuối cùng, báo cáo đề xuất các biện pháp nếu xảy ra chiến tranh, như việc cung cấp nước và điện liên tục, cứu hộ, chữa cháy và duy trì an ninh công cộng. Bản báo cáo được phê chuẩn và gửi đến Ủy ban nhân dân các địa khu ngày 26-5.87 Còn việc các tỉnh thực hiện đến đâu trong những tháng sau đó thì vẫn chưa được biết.

 Đánh giá của trung ương về phòng ngự sơ bộ, tháng 6 đến tháng 7-1965

Mặc dù nhận tin từ Tòa công sứ Anh ngày 7-6  rằng lời cảnh báo đến Washington đã đến tay Bộ trưởng Ngoại giao Rusk, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn chờ đợi việc Mỹ tấn công vào mùa hè năm 1965, khi La Thụy Khanh nói rõ trong bài nói chuyện “tối mật” với các lãnh đạo tỉnh ngày 23-6. Tham mưu trưởng quân đội La cảnh báo về khả năng tấn công hạt nhân của Mỹ vào các tỉnh duyên hải.88 Bản thân Mao ba ngày sau đó cũng tỏ ra quan ngại đến các biện pháp Phòng Tuyến Ba, đặc biệt là do khó khăn trong việc di dời các xí nghiệp quy mô lớn từ vùng nguy hiểm vào sâu trong nội địa.89

Trong hoàn cảnh đó Bắc Kinh đã gửi một nhóm tám chuyên viên Bộ Quốc phòng sang Việt Nam trong 40 ngày nhằm học tập kinh nghiệm phòng không của Bắc Việt.90 Đây là đề xuất của Bộ Chính trị ngày 14-5 nhằm học tập kinh nghiệm dân quân phòng không của Bắc Việt và cách Bắc Hàn che giấu những thành phố và xí nghiệp trong vùng đồi núi.91 Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy phái đoàn của Trung Quốc đã sang Bắc Hàn.

Báo cáo về phái đoàn ở Bắc Việt, trình ngày 29-8, cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Hầm tránh bom loại nhỏ rất hiệu quả trừ khi bị trúng bom trực tiếp. Việc đào hào giao thông cũng cần thiết để bảo vệ người thông tin liên lạc khi Mỹ liên tục ném bom. Kế sách tốt nhất để bảo vệ dân là di tản về nông thôn. Báo cáo đề cập đến việc các thành phố nhỏ ở Bắc Việt thường bị bỏ trống vào ban ngày để tránh thương vong do bom Mỹ, nhưng cũng thừa nhận rằng không thể làm vậy với những thành phố lớn. Báo cáo nhấn mạnh cách phòng ngự tốt nhất là chiến đấu lại; muốn như vậy, phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa các đơn vị pháo binh và dân quân phòng không. Số liệu từ Bắc Việt, theo như báo cáo này, cho thấy 53 trong 430 máy bay địch bị bắn hạ. Cuối cùng, các tác giả của báo cáo đề cao vai trò tuyên truyền nhằm duy trì tinh thần của quần chúng và ngăn chặn tư tưởng chủ bại.92

Đánh giá cuối cùng trong bản báo cáo tới hơi trễ cho nên không ngăn ngừa được tâm lý không tốt đang lan rộng ở miền Nam Trung Quốc. Một mặt, báo cáo ngày 23-7 về các biện pháp dân quân phòng không ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam không chỉ đưa ra những thành công trong công tác dân quân phòng không, mà còn nêu tác động tiêu cực của “tư tưởng chủ hòa” làm “giảm cảnh giác trong quần chúng”. Mặt khác, báo cáo lưu ý tới kiều dân Quảng Châu, đến đại lục từ 1949, đang đòi hỏi rời đất nước để tránh chiến tranh.93 Ở Vân Nam, nơi hầu hết người dân lo ngại ở mức độ khác nhau cuộc tấn công của Mỹ, “60% kỹ sư và cán bộ lành nghề” đều hết sức lo ngại việc xảy ra chiến tranh. Rõ ràng, công tác tuyên truyền nhằm cổ vũ tinh thần là chưa đủ.

 Những quyết định trong Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, tháng 7 đến tháng 10-1965

Bắt đầu từ giữa tháng 5, một hội nghị Trung ương Đảng ở Bắc Kinh thảo luận chi tiết về Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1966-1970), trong đó có đề cập đến cấp ngân sách cho công cuộc Phòng Tuyến Ba. Mở đầu, Mao than phiền rằng hoạch định kinh tế “bị sa vào phòng tuyến hai, và không chú trọng đủ vào Phòng Tuyến Ba; bây giờ, những thiếu sót phải được bù đắp.”94 Kết quả là ngày 21-7, Ủy ban kế hoạch nhà nước gửi cho Chu Ân Lai một báo cáo kiến nghị điều chỉnh và xét duyệt lại đề cương sơ bộ của Kế hoạch 5 năm lần ba. Dự báo cuộc tấn công quy mô của Mỹ đang đến gần, báo cáo yêu cầu phải “chạy đua với thời gian” và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng nhà máy quốc phòng và phòng ngự từ xa.95 Mao cũng nhấn mạnh những ưu tiên đó trong cuộc họp Ban bí thư trung ương Đảng vào tháng 8: “Chúng ta không được để vuột cơ hội mà cần bù lại thời gian đã mất. Nếu xây dựng nội địa không tốt, chúng ta sẽ không thể ngủ yên một ngày nào.” Ông nhắc lại với mọi người trong cuộc họp về bài học thất bại của Iosif Stalin đã không chuẩn bị công sự và di dời các nhà máy về hậu tuyến trước khi Đức tấn công năm 1941.96

Theo đó, ngày 21-8-1965 Ủy ban kế hoạch nhà nước tính đến việc di dời quy mô lớn của các nhà máy trong kế hoạch tái điều chỉnh kinh tế quốc gia. Cơ quan này đệ trình đề cương sơ bộ cho Kế hoạch 5 năm lần thứ ba vào ngày 2-9 chú trọng bốn nhiệm vụ cốt lõi trong giai đoạn 1966-1970 theo thứ tự: kích hoạt phòng ngự sơ bộ, xây dựng nhà máy quốc phòng, tăng tốc xây dựng Phòng Tuyến Ba, chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu công nghiệp trên cả nước.97 Theo đó, Hội đồng kế hoạch nhà nước phân bổ 48,243 tỉ NDT (49,43% trong 97,603 tỉ NDT dành riêng cho vốn đầu tư trên cả nước) cho công cuộc Phòng Tuyến Ba trong 5 năm tới.98

Hội nghị Trung ương Đảng ở Bắc Kinh, bao gồm lãnh đạo các tỉnh, các bộ ngành, và chỉ huy của tất cả các đơn vị quân đội chủ lực, được triệu tập từ ngày 18-9 đến 12-10 nhằm đưa ra đề cương chung, trao đổi ý kiến, và cuối cùng là đưa ra đề cương chi tiết Kế hoạch 5 năm lần thứ ba. Nhắc đến những hạn chế về tài nguyên trong nước, Hội nghị kết luận rằng những đòi hỏi tuyên bố trước đó của Kế hoạch 5 năm lần thứ ba phải chuyển trọng tâm kinh tế từ sản xuất lương thực và hàng hóa tiêu dùng sang sản xuất phục vụ quốc phòng.99 Sự thay đổi quan điểm này chính thức chấm dứt của giai đoạn củng cố kinh tế từ năm 1961 nhằm phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sau thảm họa Đại nhảy vọt.

 Sự sụp đổ của kế hoạch Phòng Tuyến Ba và “Phòng ngự từ xa”, tháng 9-1965 đến tháng 6-1966

Cùng với công cuộc Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, hầu hết lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đều chuyển sang những công việc khác trước khi Cách mạng văn hóa xảy ra nhưng Đặng Tiểu Bình, một trong những nhà kiến thiết chủ yếu của công cuộc Phòng Tuyến Ba, vẫn tiếp tục công việc thực hiện nó. Trong chuyến thanh tra với Bạc Nhất Ba và những đảng viên trung ương khác Tứ Xuyên, Quý Châu, và Vân Nam, ông lại được cam đoan rằng trữ lượng phong phú của than, dầu mỏ, quặng sắt và các tài nguyên thiên nhiên khác ở vùng này rất phù hợp làm trọng điểm phát triển Phòng Tuyến Ba, nhất là khi tuyến đường sắt Côn Minh được hoàn thành.100 Khai thác từ “bài học Stalin”,101 Đặng công du cùng hơn hai mươi đảng viên trung ương trong chuyến đi khác vào tháng 3-1966 đến các tỉnh Phòng Tuyến Ba vùng Tây Bắc như Sơn Tây, Cam Túc, Ninh Hạ và Thanh Hải để thanh tra vũ khí trang bị, không quân và các nhà máy công nghiệp nặng đồng thời phê chuẩn việc mở rộng của các nhà máy này.102 Đó là những hành động cuối cùng đối với kế hoạch Phòng Tuyến Ba trước khi Cách mạng Văn hóa nổ ra.

Có nhiều lý do dễ thấy khiến lãnh đạo trung ương không còn quan tâm đến Phòng Tuyến Ba và “phòng ngự từ xa”. Với những quyết định cơ bản trong định hướng Kế hoạch 5 năm lần ba vào mùa thu năm 1965, những tranh luận thực ra đã kết thúc. Ngoài ra, nguy cơ từ phía Mỹ đã tạm lắng. Buổi nói chuyện của Chu Ân Lai vào ngày 15-10 nhận định hoàn cảnh quốc tế không còn đáng ngại như nhận định của những lãnh đạo trung ương hồi đầu năm.103 Trong buổi nói chuyện với đoàn đại biểu Phúc Kiến ngày 25-11, Bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị thậm chí còn quả quyết “Mỹ đã gim sút sức mạnh” và “quyết tâm” để tấn công Trung Quốc.104 Sự quả quyết này là có cơ sở. Cuộc chiến giữa Mỹ và Bắc Việt Nam ở thung lũng Ia Drang từ 13 đến 19-11 cho thấy Việt Cộng đã thâm nhập mạnh mẽ vào miền Nam khiến quân Mỹ nản lòng. Sau trận đánh đó, chính quyền Johnson tỏ ra muốn điều đình với Bắc Việt bằng ngoại giao để tạm dừng cuộc chiến.105

Cuối cùng, mùa thu năm 1965 đánh dấu bước phát triển chính trị quan trọng trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa vào năm sau đó. Tháng 11, Mao chuyển nơi làm việc từ Bắc Kinh sang Thưng Hải, chuẩn bị những bước đi kế tiếp đối phó lại những người đối lập ở Bắc Kinh. Mao không quay trở lại Bắc Kinh cho đến giữa năm 1966, vào lúc Cách mạng Văn hóa mà ông châm ngòi từ xa đang diễn ra chống lại các đồng chí của ông.106

Mặc dù việc quá khích hóa về mặt ý thức hệ trong nội bộ chính trị đã manh nha trong nước từ cuối mùa hè năm 1962, kế hoạch Phòng Tuyến Ba vẫn không bị ảnh hưởng cho đến mùa thu năm 1965. Trong nhiều năm, Mao đã chỉ rõ chủ nghĩa xét lại là sự lệch lạc về tư tưởng từ chỗ chủ nghĩa Mác-Lê Nin đúng đắn biến thành chủ nghĩa kinh nghiệm, một tư tưởng sai lầm mà ông chỉ ra rằng những lãnh đạo Liên Xô và đồng chí của ông đang mắc phải.107 Ngày 10-10-1965, tại cuối Hội nghị Trung ương Đảng nói trên, Mao cảnh báo với những bí thư tỉnh ủy rằng bộ phận trung ương Đảng đang bị lung lay bởi chủ nghĩa xét lại chống Đảng. Ông khẳng định vai trò của các tỉnh về việc xây dựng các tiểu Phòng Tuyến Ba độc lập về kinh tế và quân sự để sau này đánh bại phe xét lại.108 Trong thời gian đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu, trước đó không tham gia kế hoạch Phòng Tuyến Ba, bắt đầu khai thác kế hoạch “phòng ngự từ xa” cho mục đích riêng. Ngày 12-9, ông ban hành thông tư đề nghị các lực lượng dân phòng nhân dân loại bỏ những cán bộ chính trị không tốt.109

Vì vậy, khi nổ ra Cách mạng văn hóa, việc thi hành các biện pháp Phòng Tuyến Ba được phê chuẩn trước đó tiến triển chậm lại và sau đó ngừng hoàn toàn.110 Việc Lâm Bưu buộc tội La Thụy Khanh  cuối năm 1965 khiến công cuộc Phòng Tuyến Ba mất đi người đứng đầu quân đội.111 Hai bản lưu trữ cấp tỉnh nói rõ mốc kết thúc của kế hoạch quốc phòng và tiểu Phòng Tuyến Ba là tháng 5-1966.112 Việc Đặng Tiểu Bình bị “thất sủng” vào tháng 8-1966 khiến kế hoạch này mất đi người cổ võ tích cực nhất.113 Mãi đến khi bất ổn xảy ra đầu năm 1969 ở biên giới Trung-Xô các biện pháp Phòng Tuyến Ba mới hồi phục lại đầy đủ.114

 Kết luận

Chiến tranh Việt Nam leo thang buộc Trung Quốc thực hiện chương trình kinh tế chủ chốt Phòng Tuyến Ba kéo dài thêm nhiều năm sau khi xung đột ở Đông Dương chấm dứt. Dù mối quan hệ đang xấu dần đi với Liên Xô có thể làm kế hoạch loại này ra đời trễ hơn, với quy mô nhỏ hơn, động lực chính của nó vẫn là nguy cơ bị tấn công từ phía Mỹ. Mao Trạch Đông thổi phồng quá mức mối đe dọa của Liên Xô chỉ nhằm đối phó với những kẻ thù chính trị trong nước;115 trong khi, công cuộc Phòng Tuyến Ba về cơ bản nhắm đến nguy cơ tức thời và dễ thấy từ phía Mỹ. Những cuộc thảo luận nội bộ của giới lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Mỹ khá nghiêm túc, không bị cường điệu hay có những lệch lạc ý thức hệ như trong những cuộc tranh luận về mối quan hệ với Liên Xô.116 Tuy nhiên, sự cô lập của Trung Quốc với thế giới và quá khích về ý thức hệ của Mao vốn được biết đến từ năm 1962 đã tô đậm thêm suy nghĩ ảm đạm và phản ứng mẫn cảm của Trung Quốc đối với sự đe dọa từ Mỹ.

Ngay khi đề xướng Phòng Tuyến Ba ra đời năm 1964, nó đã trở thành tâm điểm trong việc hoạch định chính sách năm 1965 và sau đó lại đột ngột sụp đổ ngay trước khi nổ ra Cách mạng văn hóa. Chỉ từ mùa thu năm 1965 khi nguy cơ từ Mỹ đã lùi xa và Mao Trạch Đông bắt đầu những động thái cho Cách mạng văn hóa thì những xung đột tư tưởng giữa các lãnh đạo trung ương mới trở nên gay gắt, diễn ra ngay cả trong kế hoạch Phòng Tuyến Ba. Mặc dù Bắc Kinh tiếp tục thực hiện Phòng Tuyến Ba trong Cách mạng văn hóa, những cố gắng vẫn bị cản trở bởi tư tưởng chính trị quá khích. Chỉ một năm sau khi thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Phòng Tuyến Ba, La Thụy Khanh và Đặng Tiểu Bình đã bị “thất sủng”. Khi Phòng Tuyến Ba được khởi động lại vào năm 1969, kế hoạch này có tác động lớn đến cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc cho đến khi kết thúc hoàn toàn vào năm 1979.

Mặc dù bề ngoài, những dấu hiệu tự cung tự cấp của Phòng Tuyến Ba có vẻ giống với ý tưởng công xã của cuộc Đại nhảy vọt, rất dễ nhận ra những khác biệt chủ yếu. Cuộc Đại nhảy vọt nhằm thiết lập một xã hội tiền Cộng sản với những tổ chức tự quản về chính trị, kinh tế và quân sự (công xã nhân dân),117 trong khi Phòng Tuyến Ba hoàn toàn với mục đích chiến lược quân sự. Phân tán địa lý và tự túc kinh tế không phải là kết quả từ các ý tưởng xây dựng xã hội lý tưởng của Mao mà là hệ quả những gì Mao và những đồng chí của mình xem là cần thiết về quân sự. Hơn nữa, không giống viễn cảnh về một tương lai tốt hơn như trong Đại nhảy vọt, thế yếu về quân sự là mấu chốt của Phòng Tuyến Ba, khi Chu Ân Lai bày tỏ với người nghe vào tháng 4 năm 1965. Khi tình trạng cô lập của Trung Quốc chấm dứt vào cuối những năm 1970 và đất nước bắt đầu nhìn ra bên ngoài, tâm lý đề phòng quân sự của Phòng Tuyến Ba mới chấm dứt.

Nhìn rộng hơn về lịch sử, đề xướng Phòng Tuyến Ba giống với kế hoạch phát triển của Stalin ở Xi-bê-ri. Những người Cộng sản Trung Quốc quả quyết rằng Liên Xô đã không được chuẩn bị khi Đức tấn công năm 1941, nhưng thật ra Stalin đã phát triển những trung tâm công nghiệp phía Đông dãy Ural ít nhất là từ cuối những năm 1920.118 Tuy nhiên, do sai lầm trong chiến lược quân sự và chính sách đối ngoại-chứ không phải sai lầm như phía Trung Quốc chỉ ra- đã buộc Liên Xô phải di dời một lượng lớn các xí nghiệp từ phần đất thuộc châu Âu sang Xi-bê-ri trong một thời gian ngắn để tránh sự tiến quân của Đức năm 1941.119 Nhưng dù những lãnh đạo Trung Quốc có hiểu sai những nguyên nhân cơ bản trong chính sách của Stalin năm 1941, họ vẫn rút ra những bài học đúng đắn.

Khái quát hơn, kế hoạch Phòng Tuyến Ba thể hiện một trong những mô hình phát triển của Trung Quốc cho những tỉnh phía tây đất nước, mặc dù phát triển kinh tế không phải mục đích chính. Trong những năm đầu thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mao đã tiếp nhận những quan điểm mới nhất kiểu Stalin về phát triển kinh tế.120 Với sự hỗ trợ kinh tế của Liên Xô, Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957) đặt trọng tâm phát triển sâu trong đại lục.121 Trong số 694 dự án công nghiệp của Kế hoạch 5 năm, 472 (68%) dự án được đặt ở những tỉnh mà sau này là 11 tỉnh Phòng Tuyến Ba. Trong số 150 dự án Liên Xô hỗ trợ, 83 (55%) được đặt ở đó, bao gồm 35 trong 43 dự án phòng thủ Liên Xô (81,4%) và 48 trong 107 dự án công nghiệp dân dụng (44,9%).122 Mô hình phát triển thứ hai là cuộc Đại nhảy vọt (1958-1960). Mục tiêu không tưởng của công cuộc này không chỉ là mâu thuẫn với những kinh nghiệm kinh tế trước đó mà còn với lối tư duy chiến lược trong nền kinh tế kế hoạch kiểu Liên Xô và ngay cả trong chương trình Phòng Tuyến Ba sau đó vào những năm 1960. Với Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao sau 1978, Trung Quốc chứng kiến sự phục hồi của miền duyên hải với nền sản xuất xuất khẩu và sự giải phóng của nông dân khỏi những bó buộc còn lại của công cuộc cộng sản hóa, đưa Trung Quốc vào giai đoạn phát triển kinh tế đáng kinh ngạc.123 Chỉ đến năm 1999 Bắc Kinh mới bắt tay lại vào một chiến lược ở miền tây, quan tâm đến vùng trung tâm và phía Tây Trung Quốc.124

*"The Vietnam War and China’s Third-Line Defense Planning before the Cultural Revolution, 1964–1966"
Journal of Cold War Studies
Vol. 10, No. 1, Winter 2008, pp. 26–51

© 2008 by the President and Fellows of Harvard College and the Massachusetts Institute of Technology

Trần Quốc Tân dịch

 

Chú thích của tác giả

1. See Lorenz Lüthi, The Sino-Soviet Split, 1956–1966 (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2008), chs. 9–10.

2. James G. Hershberg and Chen Jian, “Reading and Warning the Likely Enemy: China’s Signals to the United States about Vietnam in 1965,” International History Review, Vol. 27, No. 1 (February 2005), pp. 47–84, esp. 56–57.

3. Barry J. Naughton, “The Third Front: Defense Industrialization in the Chinese Interior,” China Quarterly, No.115 (September 1988), pp. 351–386.

4. Dong Zhikai and Wu Jiang, “Woguo sanci xibu kaifa de huigu yu sikao” [“China’s Third Development of the West—An Overview and Reºections”], Dangdai Zhongguo shi yanjiu, Vol. 7, No. 4 (July 2000), p. 82; Chen Dongling, “Zhongguo Gongchangdang sanxian lingdao jiti de xibu kaifa sixiang yu shijian” [“The Theory and Practice of Developing China’s West under Three Generations of the Party’s Collective Leadership”], Dangdai Zhongguo shi yanjiu, Vol. 8, No. 4 (July 2001), p. 77; and Yang Huolin and Yang Yinjian, “Cong jihua pingheng dao da kaifa” [“From Planned Development to Great Development”], Zhonggong dangshi yanjiu, No. 4 (2000), p. 12.

5. Barry J. Naughton, “The Western Development Program,” in Barry J. Naughton and Yang Dali, eds., Holding China Together: Diversity and National Integration in the Post-Deng Era (New York: Cambridge University Press, 2004), pp. 253–295.

6. Dong Baoxun, “Yingxiang sanxian jianshe juece xiangguan yinsu de lishi touxi” [An Analysis of the Factor Correlated with the 3rd-Front Construction Policy-Making”], Shandong Daxue Xuebao, No. 1 (2001), p. 89.

7. Wang Hongjuan, “Wenge shijian sanxian jianshe shulüe” [“On the Three-Line Construction during the Period of the Culture Revolution”], Jiangxi jiaoyue xueyuan xuebao, Vol. 26, No. 5 (October 2005), p. 111; and Li Yin, “Sanxian yuanqi” [“Origins of the Third-Line Defense”], Dangde Zongheng, No. 4 (2005), p. 55.

8. Chao Lihua, ”Yunnan sanxian jianshe yu xibu da kaifa” [“Third-Line Construction in Yunnan and the Great Development of the Western Parts”], Kunming daxue xuebao, No. 1 (2006), p. 32.

9. Estimates of the precise amount vary from source to source, but usually stay within a margin of 2.5 percent. See Gu Zhenhua, “Dui sanxian jianshe de lishi fenxi” [“A Historical Analysis of Third-Line Construction”], Junshi jingji shi, No. 6 (2006), p. 78; Xu Tianchun, “Sanxian jianshe—Xin Zhongguo xibu da kaifa de xianxing,” [“Third-Line Construction—The Predecessor of New China’s Western Great Development”], Xinan minzu xueyuan xuebao, Vol. 23, No. 10 (October 2002), p. 6; and Chen Lixu, “Mao Zedong yu woguo sanxian jianshe” [“Mao Zedong and Our Country’s Third-Line Construction”], Tansuo, No. 6 (2003), p. 12.

10. Han Honghong, “Deng Xiaoping yu sanxian jianshe” [“Deng Xiaoping and the Third-Line Construction”], Dangde Wenxian, No. 4 (2005), p. 100; and Li Caihua, “Sanxian jianshe tiaozheng gaizao de lishi kaocha” [“Historical Observations of the Restructuring and Reform of Third-Line Construction”], Dangdai Zhongguo shi yanjiu, Vol. 9, No. 3 (May 2005), pp. 44–45.

11. Xu Tianchun, “Sanxian jianshe,” pp. 4–5; and Yang Gang, “Xibu diqu sanci jingji da kaifa jiqi tedian fenxi” [“The Three-fold Great Development of the Western Parts and Its Special Characteristics”], Jingji shi, No. 11 (2003), p. 109.

12. Wang Hongjuan, “Wenge shijian sanxian jianshe shulüe,” p. 112.

13. Xu Tianchun, “Sanxian jianshe,” p. 6.

14. Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55; and Wang Hongjuan, “Wenge shijian sanxian jianshe shulüe,” pp. 111–112.

15. Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55;Wang Hongjuan, “Wenge shijian sanxian jianshe shulüe,” p. 112; and Chen Lixu, “Mao Zedong yu woguo sanxian jianshe,” p. 10.

16. Li Caihua, “Sanxian jianshe tiaozheng gaizao de lishi kaocha,” p. 43.

17. Naughton, “The Third Front,” p. 352.

18. Li Danhui, “ZhongSu guanxi yu Zhongguo de yuanYue kangMei” [“Sino-Soviet Relations during China’s Resist-America-Aid-Vietnam War”], Dangdai Zhongguo shi yanjiu, No. 3 (1998), pp. 115–116. See also Lüthi, The Sino-Soviet Split, chs. 8–9.

19. Chen Jian, Mao’s China and the Cold War (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2001), p. 209.

20. Zhonggong zhongyang wenxian yanjiushi bian [CCP, Central Documents Research Ofªce], Zhou Enlai nianpu, 1949–1976 [A Chronicle of Zhou Enlai’s Life: 1949–1976], Vol. 2 (Beijing: Zhongyang, 1997), p. 655 (hereinafter referred to as ZELNP2).

21. Wang Hongjuan, “Wenge shijian sanxian jianshe shulüe,” p. 111.

22. “Report of the War Planning Ofªce of the [PLA] Headquarters,” 25 April 1964, in Dangde wenxian, No. 3 (1995), pp. 34–35.

23. Nong Zhiyi, “Lun sanxian jianshe yu Sichuan jingji kuayue shi fazhan” [“Discussing the development patterns of the Third-Line Construction and the Sichuan economy”], Zhonggong dangshi yanjiu, No. 4 (2000), p. 21.

24. Zhou Enlai, “Outline of a Report to the Central Committee Secretariat (Extracts),” 12 March 1965, Dangde wenxian, No. 3 (1995), p. 37.

25. Li Chen, ed., Zhonghua Renmin Gongheguo shilu [Records of the People’s Republic of China], Vol. 2, No. 2 (Changchun: Jilin renmin, 1994), p. 953.

26. ZELNP2, p. 654.

27. “Report of the War Planning Ofªce of the [PLA] Headquarters,” p. 33n.

28. Sun Dongshen, “Woguo jingji jianshe zhanlüe buju de da zhuanbian,” Dangde wenxian, No. 3 (1995), p. 45.

29. Li Fuchun, Bo Yibo, and Luo Ruiqing, “Report on the Governmental Economic Construction and on the Question How to Prevent the Enemy from a Surprise Attack,” 19 August 1964, Dangde wenxian, No. 3 (1995), pp. 33–35. See also “Report on How Our Country’s Economic Construction Should Prepare Itself Against an Enemy Surprise Attack,” 19 August 1964, reproduced as Document No. 3 in Qiang Zhai, “Beijing and the Vietnam Conºict, 1964–1965: New Chinese Evidence,” Cold War International History Project Bulletin, Issue No. 6–7 (Winter 1995), p. 243.

30. Han Honghong, “Deng Xiaoping yu sanxian jianshe,” p. 98.

31. Dong Baoxun, “Yingxiang sanxian jianshe juece xiangguan yinsu de lishi touxi,” p. 91.

32. Sun Dongshen, “Woguo jingji jianshe zhanlüe buju de da zhuanbian” [“The Great Transformation of Strategic Distribution of Our Country’s Economic Construction”], Dangde wenxian, No. 3 (1995), pp. 45–46.

33. CCP CC, “Instruction with Regard to the Construction of the First and Second Rear Line Defense and the Preparations for War,” 29 October 1964, Dangde wenxian, No. 3 (1995), pp. 35–37.

34. “U.S. Said to Allow Pursuit to China,” The New York Times, 27 September 1964, p. 1.

35. Zhang Xiaoming, “The Vietnam War, 1964–1969,” Journal of Military History, Vol. 60, No. 4 (October 1996), p. 742.

36. Li Danhui, “ZhongSu guanxi yu Zhongguo de yuanYue kangMei,” p. 115.

37. See Lüthi, The Sino-Soviet Split, ch. 9.

38. Nong Zhiyi, “Lun sanxian jianshe yu Sichuan jingji kuayue shi fazhan,” p. 21.

39. Zhong Baohua, “Wenhua da geming qijan sanxian jianshe de wuzi baozhang” [“The Material Safeguards of Third-Line Construction in the Period of the Cultural Revolution”], Dangdai Zhongguo shi yanjiu, Vol. 10, No. 4 (July 2003), pp. 69–70.

40. Nong Zhiyi, “Lun sanxian jianshe yu Sichuan jingji kuayue shi fazhan,” p. 21.

41. ZELNP2, p. 705.

42. Ibid.

43. Zhang Yu and Cai Guangang, “Luo Ruiqing yu guofang gongye” [“Luo Ruiqing and National Defense Industry”], Dangdai Zhongguo shi yanjiu, No. 6 (1996), p. 56.

44. ZELNP2, p. 715.

45. Chen Donling, “Zhongguo Gongchangdang sanxian lingdao jiti de xibu kaifa sixiang yu shijian,” p. 81.

46. ZELNP2, p. 700. Zhou Enlai in fact had urged construction in Henan, Hubei, Hunan, and

Shanxi.

47. Fredrik Logevall, Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1999), pp. 326–332.

48. “More Marines Due for Vietnam Duty,” The New York Times, 2 March 1965, p. 1; and “Force ‘Strictly Defensive’—Arrival is Protested by Hanoi and Peking,” The New York Times, 8 March 1965, p. 1.

49. Hershberg and Chen, “Reading and Warning the Likely Enemy,” pp. 56–57.

50. Zhou Enlai, “Outline of a Report,” 12 March 1965, Dangde wenxian, No. 3 (1995), pp. 37–38. For a more detailed instruction on grain stockpiling that was sent out on 1 June 1965, see “Comments by the State Council on the Revision by the Grain Department and the General Logistics Department of ‘The Temporary Ideas to Manage Grain, Oil, and Grass for Horses for Military Use,’” 1 June 1965, Jiangsu Sheng Dang’anguan [Jiangsu Provincial Archives, hereinafter referred to as JSSDAG], 3072, zhang 1860, pp. 3–6.

51. ZELNP2, pp. 716–717; and Sun Dongshen, “Woguo jingji jianshe zhanlüe buju de da zhuanbian,” p. 46.

52. PRC, State Council, Ofªce of Defense Industry Works, “Focal Points on the Construction of the 1st and 2nd Rear [Defense] Line of Each Province,” 14 March 1965, Dangde wenxian, No. 3 (1995), p. 38.

53. ZELNP2, p. 719.

54. ZELNP2, 725. According to a Chinese statistical yearbook, capital investment in 1965 in fact was 17,089,000,000 yuan. PRC, State Statistical Bureau, Statistical Yearbook of China 1981 (Hong Kong: Economic Information and Statistical Agency, 1982), p. 299.

55. Zhang Yu, “Luo Ruiqing yu guofang gongye,” p. 56.

56. “Report by Commercial Department on Strengthening the Air Defense and War Preparation Measures of the Oil Depots of the Commercial System,” 8 April 1965, JSSDAG, 3072, zhang 1864, pp. 5–10.

57. “Report by Premier Zhou Enlai on the War Preparations,” 10 April 1965, Fujian Sheng Dang’anguan [Fujian Provincial Archives, hereinafter referred to as FJSDAG], 101-4-384, pp. 16–24.

58. See Lüthi, The Sino-Soviet Split, ch. 10.

59. “Report by Premier Zhou Enlai on the War Preparations,” pp. 16–24.

60. Two slightly differing transcripts of this meeting have surfaced in two provincial archives. See “Speeches of Liu, Zhou, and Deng in the Politburo, 12 April 1965,” FJSDAG, 101-4-384, pp. 71–77; and “Comrade Wang Wei Communicates the Speeches of Some Responsible Comrades Discussinthe ‘War Preparedness Instructions’ in the Politburo,” 12 April 1965, JSSDAG, 3011, zhang 1162, pp. 43–49. A short speech by Zhou Enlai from this meeting has been published in China. See Zhou Enlai, “Some Problems with Regard to Capital Construction,” 12 April 1965, Dangde wenxian, No. 3 (1995), p. 39.

61. “Speeches of Liu, Zhou, and Deng in the Politburo, 12 April 1965.”

62. “ComradeWangWei Communicates the Speeches of Some Responsible Comrades Discussing the ‘War Preparedness Instructions’ in the Politburo,” p. 43.

63. “Speeches of Liu, Zhou, and Deng in the Politburo, 12 April 1965.”

64. “ComradeWangWei Communicates the Speeches of Some Responsible Comrades Discussing the ‘War Preparedness Instructions’ in the Politburo,” p. 44.

65. “Speeches of Liu, Zhou, and Deng in the Politburo, 12 April 1965.”

66. Ibid.; and “Comrade Wang Wei Communicates the Speeches of Some Responsible Comrades Discussing the ‘War Preparedness Instructions’ in the Politburo,” p. 45.

67. “Speeches of Liu, Zhou, and Deng in the Politburo, April 12, 1965”; and “Comrade Wang Wei Communicates the Speeches of Some Responsible Comrades Discussing the ‘War Preparedness Instructions’ in the Politburo,” pp. 45–47.

68. “Speeches of Liu, Zhou, and Deng in the Politburo, 12 April 1965.”

69. “ComradeWangWei Communicates the Speeches of Some Responsible Comrades Discussing the ‘War Preparedness Instructions’ in the Politburo,” p. 48.

70. Zhou Enlai, “Some Problems with Regard to Capital Construction,” p. 39.

71. Sun Dongshen, “Woguo sanci xibu kaifa de huigu yu sikao,” p. 46.

72. “Comments by the State Council on the Report by Commercial Department on Strengthening the Air Defense and War Preparation Measures of the Oil Depots of the Commercial System,” 20 April 1965, JSSDAG, 3072, zhang 1864, p. 5.

73. The order is mentioned in “Circular on Participating in the Work of the People’s Anti-Air Defense,” 6 May 1965, JSSDAG, 3072, zhang 1879, pp. 9–10.

74. Han Honghong, “Deng Xiaoping,” 98. Liu gave a similar speech on 19 May. See “Liu Shaoqi’s Speech to the Central Military Commission War Planning Meeting on 19 May 1965,” Dangde Wenxian, No. 3 (1995), p. 40.

75. The date of the Politburo meeting is not certain. One source lists 11 May. See ZELNP2, p. 729. The other lists 12 May. See “Parts of Comrade [Chen] Yun Transmitting Two Politburo Meetings (Draft Notes from May 15),” JSSDAG, 3011, zhang 1162, p. 53.

76. ZELNP2, pp. 729–730.

77. “Parts of Comrade [Chen] Yun Transmitting Two PolitburoMeetings (draft notes fromMay 15),” pp. 53–60.

78. Hershberg and Jian, “Reading and Warning the Likely Enemy,” pp. 65–78.

79. For example, Beijing Shi difangzhi bianzuan weiyuanhui [City of Beijing Gazetteer Compilation Committee], ed., Beijing zhi [Annals of Beijing], Vol. 30, Junshi zhi [Military Annals] (Beijing: Beijing chubanshe, 2002); Guangdong sheng difang shizhi bianzuan weiyuanhui [Province of Guangdong Historical Gazetteer Compilation Committee], ed., Guangdong sheng zhi [Annals of Guangdong Province], Vol. 22, Junshi zhi [Military Annals] (Guangzhou: Guangdong renmin, 1999); and Yunnan sheng difang zhi bianzuan weiyuanhui [Province of Yunnan Gazetteer Compilation Committee], ed., Yunnan sheng zhi [Annals of Yunnan Province], Vol. 49, Junshi zhi [Military Annals] (Kunming: Yunnan renmin, 1997).

80. Guangxi Zhuangzu Zizhiqu difang zhi bianzuan weiyuanhui [Ethnic Minority Autonomous Region of Guangxi Gazetteer Compilation Committee], ed., Guangxi tongzhi [Gazetteer of Guangxi], Vol. 59, Junshi zhi [Military Annals] (Nanning: Guangxi renmin, 1994), p. 488.

81. “Circular on Participating in the Work of the People’s Anti-Air Defense,” 5 May 1965, JSSDAG, 3072, zhang 1879, pp. 9–10.

82. “Yunnan sheng difang zhi bianzuan weiyuanhui,” Yunnan sheng zhi, Vol. 49, Junshi zhi, p. 30.

83. Fujian sheng difang zhi bianzuan weiyuanhui [Province of Fujian Gazetteer Compilation Committee], ed., Fujian sheng zhi [Annals of Fujian Province], Junshi zhi [Military Annals], Vol. 9 (Beijing: Xinhua chubanshe, 1995), p. 534.

84. Zhejiang sheng junshizhi bianzuan weiyuanhui [Province of Zhejiang Military Gazetteer Compilation Committee], ed., Zhejiang sheng jun shi zhi [Military Annals of Zhejiang Province] (Beijing: Fangzhi chubanshe, 1999), p. 516.

85. Guangxi Zhuangzu Zizhiqu difang zhi bianzuan weiyuanhui, Guangxi tongzhi, Vol. 59, Junshi zhi, pp. 492, 493, 497; Jiangsu sheng difang zhi bianzuan weiyuanhui [Province of Jiangsu Gazetteer Compilation Committee], ed., Jiangsu sheng zhi [Annals of Jiangsu Province], Junshi zhi [Military Annals], Vol. 64 (Beijing: Junshi kexue, 2000), pp. 672, 705. A report found in the Jiangsu provincial archives speciªcally mentions Guangdong, Guangxi, and Yunnan. See “Report on the Inspections of the People’s Air Defense Work in Guangdong, Guangxi, and Yunnan,” 23 July 1965, JSSDAG, 3011, zhang 1879, pp. 10–15.

86. “Circular on Participating in the Work of the People’s Anti-Air Defense,” 5 May 1965, JSSDAG, 3072, zhang 1879, pp. 9–10.

87. “Ideas on Participating in People’s Militia Air Defense Work,” 17 May 1965, JSSDAG, 3072, zhang 1879, 1a–7. See also Jiangsu sheng difang zhi bianzuan weiyuanhui [Province of Jiangsu Gazetteer Compilation Committee], ed., Jiangsu sheng zhi [Annals of Jiangsu Province], Junshi zhi [Military Annals], Vol. 64 (Beijing: Junshi kexue, 2000), pp. 669, 686.

88. “Notes of Comrade Luo Ruiqing’s Speech,” 23 June 1965, JSSDG, 3011, long 1162, pp. 66–71. The fact that this speech was found in a provincial archive indicates that the audience consisted of provincial leaders.

89. Mao Zedong, “With Regard to the Question of Fighting War We Shall Have Two Strings to One Bow,” 26 June 1965, Dangde wenxian, No. 3 (1995), p. 41.

90. See “Report on Studying and Inspecting the Experience of the Vietnam People’s Air Defense Work,” 29 August 1965, JSSDAG, 3011, zhang 1234, 15a. No precise date is mentioned for the delegation’s 40-day mission to North Vietnam.

91. “Parts of Comrade [Chen] Yun Transmitting Two PolitburoMeetings (draft notes from 15 May),” JSSDAG, 3011, zhang 1162, p. 60.

92. “Report on Studying and Inspecting the Experience of the Vietnam People’s Air Defense Work,” 29 August 1965, JSSDAG, 3011, zhang 1234, 15a–21.

93. “Report on the Inspections of the People’s Air Defense Work in Guangdong, Guangxi, and Yunnan,” pp. 10–15.

94. Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55.

95. Dong Baoxun, “Yingxiang sanxian jianshe juece xiangguan yinsu de lishi touxi,” p. 90.

96. Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55.

97. Dong Baoxun, “Yingxiang sanxian jianshe juece xiangguan yinsu de lishi touxi,” p. 91; and Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55.

98. Li Cunshe, “Woguo sanxian shengchan buju de jibe texheng,” p. 48.

99. ZELNP2, p. 7561; and Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55.

100. Han Honghong, “Deng Xiaoping yu sanxian jianshe,” p. 99.

101. From a speech to the National Industry and Communication Work Conference on 26 February 1966. See Han Honghong, “Deng Xiaoping yu sanxian jianshe,” p. 98.

102. Ibid., p. 99.

103. “Statement by Zhou Enlai: Informal Meeting on 15 October [1965],” JSSDAG, 3011, zhang 1162, pp. 96–100.

104. “Chen Yi’s Report on the Current International Situation, Given on 25 November to a Cadre Meeting of the Fujian Provincial Delegation,” FJSDAG, 101–12–101, p. 16.

105. See Lüthi, The Sino-Soviet Split, ch. 10.

106. Roderick MacFarquhar, The Origins of the Cultural Revolution, Vol. 3: The Coming of the Cataclysm, 1961–1966 (New York: Columbia University Press, 1997), pp. 443–445; Clive Ansley, The Heresy of Wu Han: His Play ‘Hai Jui’s Dismissal’ and Its Role in China’s Cultural Revolution (Toronto: University of Toronto Press, 1971), pp. 89–90; Li Zhisui, with Anne F. Thurston, The Private Life of Chairman Mao (New York: Random, 1994), pp. 440–442; Wu Lengxi, Yi Mao zhuxi: Wo qinshen jingli de ruogan zhongda lishi shijian pianduan [Remembering Chairman Mao: Part of a Series of Important Historical Events I Personally Experienced] (Beijing: Xinhua, 1995), pp. 149–151; and Roderick MacFarquhar and Michael Schoenhals, Mao’s Last Revolution (Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press, 2006), pp. 15–17.

107. See Lüthi, The Sino-Soviet Split, chs. 7, 9.

108. Dong Baoxun, “Yingxiang sanxian jianshe juece xiangguan yinsu de lishi touxi,” p. 92.

109. “Summary Notes of the Work Conference of the General Staff Headquarters and General Political Department on the People’sMilitia,” 12 September 1965, JSSDAG, 3011, zhang 1155, pp. 27–32.

110. Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55.

111. Huang Yao and Zhang Mingzhe,Luo Ruiqing zhuan [A Biography of Luo Ruiqing] (Beijing: Dangdai Zhongguo, 1996), pp. 512–536.

112. Jiangsu sheng difang zhi bianzuan weiyuanhui, Jiangsu sheng zhi, Vol. 64, Junshi zhi, p. 659; and Zhejiang sheng junshizhi bianzuan weiyuanhui, Zhejiang sheng jun shi zhi, p. 519.

113. MacFarquhar, The Origins of the Cultural Revolution, pp. 462–463.

114. Li Yin, “Sanxian yuanqi,” p. 55; Wang Hongjuan, “Wenge shijian sanxian jianshe shulüe,” p. 112; and Chen Lixu, “Mao Zedong yu woguo sanxian jianshe,” p. 10.

115. See Luthi, Sino-Soviet Split, chs. 9–10.

116. Ibid., ch. 10.

117. Ibid., ch. 4.

118. W. Bruce Lincoln, The Conquest of a Continent: Siberia and the Russians (New York: Random House, 1994), pp. 318–357; Stephen Kotkin, Magnetic Mountain: Stalinism as Civilization (Berkeley: University of California Press, 1995), pp. 29–71; and Benson Bobrick, East of the Sun: The Epic Conquest and Tragic History of Siberia (New York: Poseidon, 1992), pp. 415–453.

119. Lincoln, The Conquest of a Continent, pp. 358–363.

120. Hua-yu Li, Mao and the Economic Stalinization of China, 1948–1953 (Lanham, MD: Rowman & Littleªeld, 2006).

121. Dong Zhikai and Wu Jiang, “Woguo sanci xibu kaifa de huigu yu sikao,” p. 82.

122. Chen Dongling, “Zhongguo Gongchangdang sanxian lingdao jiti de xibu kaifa sixiang yu shijian,” p. 77; and Yang Huolin and Yang Yinjian, “Cong jihua pingheng dao da kaifa,” p. 12.

123. Daniel R. Kelliher, Peasant Power in China: The Era of Rural Reform, 1979–1989 (New Haven: Yale University Press, 1992); David Zweig, Internationalizing China: Domestic Interests and Global Linkages (Ithaca: Cornell University Press, 2002); and Freeing China’s Farmers: Rural Restructuring in the Reform Era (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 1997).

124. Dong Zhikai and Wu Jiang, “Woguo sanci xibu kaifa de huigu yu sikao,” p. 85.

 

©  Thời Đại Mới

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434938

Hôm nay

2209

Hôm qua

2349

Tuần này

21588

Tháng này

211986

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434938