Những góc nhìn Văn hoá

Tình báo đối phương của hai cuộc chiến tranh Đông Dương

Tình báo đối phương của hai cuộc chiến tranh Đông Dương

                                                                                                            Lê Đỗ Huy

Xin thử điểm lại một số trường hợp điệp viên của phương Tây và của Mỹ, từng được sách báo phía bên kia đề cập. Cuộc chiến tranh bí mật, luôn thầm lặng và tàn khốc, còn là cuộc chiến trong tâm não của cấp chỉ huy cao nhất của mỗi bên, hoặc cuộc “ám sát” về chính trị nhằm vào các yếu nhân của đối phương.

Điệp viên thời trước khi Đảng ra đời

Sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân, một chuyên gia có tầm cỡ của CIA, là Samuel Adams, đã đưa ra một tài liệu dậy sóng, cho rằng bộ máy quân sự Mỹ đã phạm những sai lầm mang tính chiến lược về mặt tình báo. Trong tài liệu này, Sam Adams đề cập một nhận định, rằng tình báo Pháp trội hơn về tay nghề so với tình báo Mỹ[1].

Nhận định này gợi ký ức của các nhà tình báo chiến lược Việt Nam từng làm việc tại Tổng hành dinh, cũng như của ông Giáp và ông Hoàng Văn Thái - các ông đều đánh giá cao phòng nhì Pháp. Người viết bài này từng gặp một tài liệu của phía bên kia nói rằng tình báo Pháp đã sớm cấy được một người của họ vào ban lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Thái Lan (Siam). Thái Lan là một đầu cầu lớn, nơi có nhiều cơ sở cách mạng của Việt Nam trú ngụ, tránh sự đàn áp trực tiếp của Pháp, do đó cũng là nơi mật thám Pháp cài những “ăng ten” của họ.

Vì có một thời gian đọc các nhà lãnh đạo tiền bối ở Thái Lan (Đặng Thúc Hứa, Hà Huy Tuấn tức Cựu Tuấn, Ngô Quảng tức cố Khôn…) người viết bài này đã tìm cách “giải mã” thông tin trên về một con bài của Pháp ngay ở bình minh của cách mạng (không kể Nguyễn Công Viễn/ Lâm Đức Thụ, là kẻ tự nguyện bán ảnh chụp các thành viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội cho mật thám Pháp).

Đi hỏi TS Nguyễn Văn Khoan, thì được ông cho biết đây là một nhân vật người bản xứ, không phải là người Việt. Vẫn hy vọng nếu tra cứu Lưu trữ Hải ngoại của Pháp, tại Paris (và Aix - en- Provence) sẽ tìm được những thông tin tin cậy được về mặt lịch sử.

Hà Nội tranh luận đầu 1975 về chiến lược miền Nam, tài liệu nội bộ do CIA phát hành 7/1/1975.

 

Gián điệp Pháp tại Tổng hành dinh ông Giáp

Bộ Tổng tư lệnh trong kháng chiến chống Pháp, một cơ quan chiến lược tối cao, có thể đã bị gián điệp của đối phương thâm nhập vào.

Sách Hồ sơ mật Đông Dương (Dossier secret de l’ Indochine, NXB Presses de la Cité, 1964) của Claude Paillat, một cựu sĩ quan lê dương trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, viết tại trang 168:

Cùng kỳ một điệp viên, người mà Bộ Tư lệnh quân đội Pháp cài đặt được vào tâm não của Bộ chỉ huy cấp cao nhất của phiến quân, đã chuyển một bức điện chứa một chỉ thị của tướng Giáp. Sau khi tóm tắt kế hoạch của Pháp (ý nói Kế hoạch Revers), vị Thống soái (le generalissisme) của Việt Nam viết tiếp…[2].

Trong tài liệu này, Cao Bằng là trọng tâm của sự chú ý của Việt Minh, tác giả Claude Paillat cho hay.

Đây là một thời điểm hệ trọng (cuối 1949), là ngưỡng cửa của việc Đại tướng Giáp rời bỏ tại quyết định đánh Cao Bằng như đề xuất của cố vấn Trung Quốc. Nếu chiếm được Cao Bằng, đây còn là một thắng lợi to lớn cả về chính trị, vì Cao Bằng là cửa ngõ biên giới với Trung Quốc, nơi phía cách mạng vừa giành được toàn thắng trên toàn Hoa lục. Cũng là nơi phòng thủ kiên cố, và Pháp, như Claude Paillat chỉ ra ở trang 185, chắc sẽ phải cố giữ tiền đồn biên cương với khối cộng sản này. Tính toán của ông Giáp, dẫn đến một trận Đông Khê thứ hai[3], vô cùng ác liệt, nhưng hệ quả là “con thằn lằn” phải tự ngắt đuôi, bỏ cả Cao Bằng và chuỗi cứ điểm chạy lên biên giới. Về sử học, đã tạo nên Chiến trận Đường số 4 (Bataille de la RC 4 - cách người Pháp gọi chiến dịch Biên giới 1950), được Pháp xếp vào một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử (trong Tập san Les grandes Batailles d' le Histoire), bên cạnh các trận Waterloo 1815, Port Arthur (1904), Verdun (1916), Trân Châu Cảng (1941), Stalingrad (1943), với cái tên là Le drame de la RC 4 (Thảm kịch trên đường số 4)…

Nếu không có tài điều binh của Tướng Giáp, thường gợi câu:

Tấn công thoái thủ ưng thần tốc

Cao tài tật túc tiên đắc chi” (Học dịch kỳ - Nhật Ký trong tù, Hồ Chí Minh)

thì có thể điệp viên của Pháp nằm trong Bộ Tổng, cơ quan đầu não của các lực lượng vũ trang Việt Nam, đã có thể gây trở ngại cho đà tiến tới đánh thắng Pháp năm 1954 của Việt Nam.

Ở Điện Biên Phủ, cũng có chuyện tình báo Pháp nắm được kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh”, như được nêu trong Hồi ký của Cục trưởng Cục quân báo lúc đó, ông Lê Trọng Nghĩa[4]. Lẽ ra các đơn vị tinh nhuệ nhất của Việt Nam đã rải xác khắp trên cánh đồng Mường Thanh, như lời bàn sau chiến thắng của các chỉ huy quân sự như tướng Lê Trọng Tấn. Tình báo đối phương nếu vẫn nằm trong đầu não của phía ta hẳn đã không theo kịp được cách điều binh như thần của Đại tướng, nên đã không cấp báo được cho chỉ huy của họ. Sách của phía bên kia, chẳng hạn, từng chỉ ra khi F308 thình lình đi sang Lào, rồi lại đột ngột trở lại mặt trận Điện Biên Phủ, khiến Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp “không biết lối nào mà lần”[5].

 

Một trùm tình báo

John Colvin là con trai một Đô đốc người Anh, từng chỉ huy Hải quân Australia trong Thế chiến II. Sĩ quan Hải quân này đã từng bị chìm tàu trong chiến đấu, rồi lại bị chìm lần thứ hai cùng chiếc tàu bệnh viện đã cứu thoát ông, nhưng vẫn thoát hiểm. Không nản lòng, Colvin chuyển sang hoạt động bán vũ trang,và năm 1945, lên một bãi đáp vàoViệt Nam từ một tàu ngầm hạng trung, nơi ông tổ chức một nhóm du kích tấn công vào quân Nhật trong vùng Nhật chiếm đóng. Vào cuối cuộc chiến, ở tuổi 23, hàm trung úy, ông được Đồng minh ủy quyền chấp nhận sự đầu hàng của chỉ huy caocấp của quân Nhật.

“Nhưng nhiệm vụ thú vị nhất của Colvin đến vào cuối những năm sáu mươi. Năm 1965, ông được đưa lên Hà Nội với tư cách là Tổng lãnh sự quán Anh; công văn mật từ ông là một trong những nguồn thông tin tình báo chính từ Bắc Việt Nam dành cho cả London và Washington”[6], báo Anh The Independent viết.

Các nguồn phương Tây, kể cả lưu trữ đã giải mật như ta thấy, không tiết lộ danh tính của các điệp viên mà họ nói tới, dù 50, 70 năm, hoặc hơn nữa, đã qua. Các chân rết ở Đông Dương của trùm gián điệp phương Tây như ông John Colvin cũng vậy, vẫn thuộc về góc khuất của lịch sử.

 

Ly gián kế

Một vị không phải là tình báo, nhưng thường xuyên được cập nhật với kho tài liệu mật của tình báo Mỹ trước khi các thông tin này được dần dần giải mật theo luật pháp Hoa Kỳ, là nhà sử học John Prados[7].

Ngay từ trong chiến tranh, cuộc chiến bí mật chống Hà Nội (the secret war against Hà Nội, một thuật ngữ), tình báo đối phương dĩ nhiên không ngần ngại dùng các thủ đoạn ly gián nội bộ chống Hà Nội. Chẳng hạn, tướng trận mạc gốc trí thức Cao Văn K. từng bị tung tin là em ruột ông Cao Văn Viên, một tướng cấp cao của Sài Gòn lúc đó. Đến mức có những người học cùng khóa với một người con của ông thời phổ thông (những năm 1960 -1970, khi chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất), cũng nghĩ như vậy…

Vị tướng nổi tiếng nhất của Việt Nam cũng không thuộc diện ngoại lệ. Trang 233 sách Con đường máu: Đường Hồ Chí Minh và cuộc chiến Việt Nam (The Blood road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam war, NXB Wiley, 2000) có đoạn viết:

Thế rồi, lợi dụng việc tướng Giáp từ lâu đã bị coi là đứng đầu phái thân Xô (và tư duy kiểu Tây Âu), người Mỹ đã xúc tiến tạo ra một huyền thoại để “niêm cất” ông chắc chắn hơn trong thành phần chính trị (political stance) này. Một trong số các biệt kích (commandos) của Sài Gòn do CIA khiển phái ra Bắc vào năm 1962 được giao nhiệm vụ bí mật bắt mối (implicate) với tướng Giáp - một điệp viên được Matxcơva, hoặc CIA, tuyển mộ. Biệt kích Sài Gòn này bị bắt, theo đúng dự kiến (của CIA), và khai ra sứ mạng lịch sử của mình (retailed his history). Chẳng hiểu có trùng hợp không, kể từ đó nhóm Lê Duẩn - Lê Đức Thọ bắt đầu thăng hoa (ý nói mạnh cánh lên).

 

Ở Hà Nội và trên Trường Sơn huyền thoại

Trong sách Việt Nam biên niên sử: Các cuộn băng của tướng Abrams 1968-1972[8], gồm biên bản các cuộc họp của Bộ chỉ huy chiến trường của Mỹ ở Nam Việt Nam (MACV). Tại các trang 30 và 59, thủ trưởng quân báo của MACV cho hay Washington đã gài được người vào hàng ngũ quan trọng ở Hà Nội, và bằng một cách nào đó, Mỹ đã nghe được đường điện thoại liên lạc giữa các binh trạm trên đường Trường Sơn.

Lần đầu tiên chúng ta (Mỹ) đã có điệp viên nằm vùng tại những nơi quan trọng và họ đang cung cấp những tin vô cùng quý giá” (For the first time we have agents placed in the right places and they are giving invaluable information, phát biểu của chỉ huy quân báo Mỹ Davidson, tại cuộc họp của MACV 5/8/1968).

Cấu trúc câu “we have agents placed in the right places” gợi nhớ cách viết của tác giả Pháp Claude Paillat trong Hồ sơ mật Đông Dương (Dossier secret de l’ Indochine) tại trang 168: (qu’un agent secret du Haut-commandement francaise particulierement bien placé au sein des organes suprêmes de la rebelion).

Tại trang 30, vẫn tướng tình báo Davidson đề cập đến việc đã đạt được năng lực nghe lén đường dây điện thoại (communication intercept capability was achieved). Hiện chưa rõ cách này đạt được bằng công nghệ cao thuần túy, hay nhờ những điệp viên được gài vào phe cách mạng.

 

Kết cuộc

Ở ngưỡng cửa Xuân Ất Mão, tình báo Mỹ có một bài điều tra dài về ý đồ của Hà Nội trong năm 1975. Bài viết hẳn dựa trên các nguồn khá thông thạo ở Hà Nội thời đó, tuy nhiên với câu hỏi: Liệu miền Bắc có định “làm ăn lớn” (tung ra một đòn tổng lực để thống nhất nước nhà) hay không, câu trả lời của tình báo Mỹ tháng 1/1975 ấy đã không dự đoán được những diễn biến về sau, tức là đã sai hướng, nhìn trên phương diện dự báo chiến lược[9].

Căn cứ vào các hồi ức của các vị ở Tổng hành dinh, hoặc nói rõ hơn, ở sát với tướng Giáp, vào thời kỳ ấy, (như các tướng Lê Hữu Đức, Nguyễn Văn Ninh…) thì có thể nghĩ rằng tướng Giáp, một lần nữa (sau các lần ở Chiến dịch Biên giới, và ở Điện Biên Phủ), vừa quyết đoán vừa đầy mưu lược, giữ kín ý đồ tung ra đòn quyết định giải phóng miền Nam khi đạt được một trận “Đông Khê” nữa, tại Buôn Mê Thuột. Còn nhớ ngày 18/3/1975, khi Sài Gòn phải rút bỏ Tây Nguyên, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chính thức báo cáo Bộ chính trị về quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, ứng với theo kịch bản “ai nắm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương”, được biết đến từ thời Pháp.

Việc “ăng ten” của Mỹ ở Hà Nội không báo bão về cơn hồng thủy sẽ cuốn trôi chế độ Thiệu, có thể có những nguyên nhân đặc thù cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Thứ nhất, đã có một ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức bảo mật, vô cùng nghiêm ngặt trong QĐND Việt Nam, nhất là ở cấp chiến lược. Chắc chắn các quân đội và nhà nước khác cũng tuân thủ nguyên tắc “ai biết việc người đó” (rules of compartmentalization), nhưng ở Việt Nam, kỷ luật thời chiến đã được vận hành vài chục năm, các cá nhân có trách nhiệm thường tách bạch công việc và đời sống riêng tư. Người viết bài này từng nghe một nữ lãnh đạo cao cấp nói bà và chồng bà, cũng là một nhà cách mạng hoạt động lâu năm, một lãnh tụ, ai biết việc người đó… Thứ hai, ngoài những biện pháp nghi binh (không chỉ trên chiến trường, và trên trường quốc tế ở đêm trước của chiến dịch Tây Nguyên), hẳn còn có những động tác “đánh lạc hướng” ngay tại Hà Nội, trên truyền thông và trong nội bộ chính giới ở Hà Nội, cốt sao tạo được tâm thái, trong năm 1975 sẽ không có gì lớn chuyện xảy ra ngoài một đợt hoạt động quân sự Đông Xuân (1974-1975), như thường lệ. Hẳn vì thế, bài điều tra dài của CIA về động thái ở Hà Nội đầu 1975 đã không thể phản ảnh quyết tâm của miền Bắc tự “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, trong điều kiện Bắc Kinh và Moscow đều không hỗ trợ một đòn tiến công tổng lực của Việt Nam nhằm thống nhất đất nước.

Việc tình báo Mỹ không dự báo được sự bùng nổ của chiến cuộc mùa khô 1974 - 1975 ấy, có thể còn do mức độ quan tâm tới Việt Nam của chính quyền Mỹ đã giảm thiểu rất đáng kể dưới thời Tổng thống Ford. Vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai với ý đồ ngăn chặn Trung Quốc, kể từ Thông cáo Thượng Hải 1972, Mỹ bước ra khỏi cuộc chiến với lá bài Trung Quốc - từ kẻ thù trở thành đồng minh, trên mặt trận chống Liên Xô, trong tay. Nói vậy nhưng không có nghĩa là Washington năm đó đã không cố xoay xở hết cách để cố giữ chế độ Sài Gòn, nhưng phải bó tay trước thế “trúc chẻ, tro bay” mà trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra.

 

 


[1] Thất bại tình báo ở Việt Nam và đề xuất cải tổ, Tài liệu trình bày tại một cuộc họp của CIA, Washington, 24/1/1969 (Intelligence Failures in Vietnam: Suggestion for reform, paper presented at a meeting for CIA, Washington DC, 24/1/1969). http://academic.brooklyn.cuny.edu/history/johnson/65vn-5.htm

[2] C’est la même époque qu’un agent secret du Haut-commandement francaise particulierement bien placé au sein des organes suprêmes de la rebelion communiqueau 2 Bureau l’essentiel d’une directive de Giap. Résumant le plan francais, le generalissisme viet ecrit:…

[3] Trung đoàn 174 đã ra quyết định đánh Đông Khê lần thứ nhất (tháng 5/1950) mà không chờ phê chuẩn của Bộ Tổng tư lệnh. Dù đây là một chiến thắng lớn, nhưng quân Pháp đã nhảy dù chiếm lại Đông Khê, tăng cường phòng thủ khiến cho trận Đông Khê thứ hai (nằm trong ý đồ chiến lược của tướng Giáp, trở nên khó khăn). Các sĩ quan sở chỉ huy của ông Giáp cho hay Tổng tư lệnh đã trầm lặng khi nghe tin thắng trận Đông Khê lần thứ nhất, dù một tiểu đoàn Âu Phi phòng thủ kiên cố bị diệt gọn bởi một trung đoàn địa phương của Việt Minh. Sách báo về sau cũng cho biết sĩ quan cấp chiến lược chịu trách nhiệm về Mặt trận đường số 4 sau sự kiện này đã phải kiểm thảo.

[4] Bản thân người viết bài này đã được nghe tường tận từ ông Lê Trọng Nghĩa chuyện tướng Giáp đi nhiều cây số đường rừng xuống tận lán của sĩ quan quân báo Việt Nam để hỏi lại nội dung bức điện nghe lén được, rằng quân Pháp đã nắm được kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Việt Minh. Nội dung này được phản ánh, chẳng hạn, trong sách https://www.amazon.com/General-Nguyen-Giaps-Hardest-Decision/dp/6047711022

[5] Việt Nam chiến sử, Phạm Văn Sơn, tác giả xuất bản tại Sài Gòn năm 1972.

[6] https://www.independent.co.uk/news/obituaries/john-colvin-37281.html

[7] John Prados, tác giả Con đường huyết mạch mang tên Hồ chí Minh trong cuộc chiến Việt Nam (The Blood road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam war), Kế hoạch chim kền kền (Operation Vulture)… Hiện ông vẫn viết và làm biên tập cho tờ Tạp chí lịch sử quân đội hàng quý (The Quaterly Journal of Military History).

[8] Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes, 1968–1972, tác giả Lewis Sorley, NXB Texas Tech University Press, 2015.

[9] https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP86T00608R000300090001-0.pdf; bản tiếng Việt /chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/13028-ha-noi-tranh-luan-dau-1975-ve-duong-loi-chien-luoc-o-mien-nam

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442814

Hôm nay

210

Hôm qua

2318

Tuần này

2627

Tháng này

217988

Tháng qua

112676

Tất cả

114442814