Những góc nhìn Văn hoá

Kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ở nông thôn

 

 

 

Gần đây, nhiều người đã lên tiếng báo động về tình trạng văn hóa đọc đang bị “lấn át” bởi văn hóa nghe nhìn và truyền thông số. Không thể phủ nhận thực tế này, nhưng ở một số vùng nông thôn ở Nghệ An, văn hóa đọc đang có những tín hiệu tích cực, bắt nguồn từ sự quan tâm của các cấp chính quyền và những người tâm huyết.

 

Sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo địa phương

Buổi sáng đầu năm, Thư viện huyện Yên Thành khá đông bạn đọc đến trao đổi sách. Chúng tôi nhận thấy bạn đọc đến với thư viện ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có các em học sinh, người trung tuổi và cả người cao tuổi. Anh Phan Duy Dũng, ngụ ở xã Hoa Thành cho biết: “Là bạn đọc thường xuyên, hàng tuần tôi đều đến mượn và đổi sách. Tôi thường dành thời gian đọc sách về khoa học kỹ thuật, bí quyết kinh doanh, có khi đọc cả sách văn học. Việc đọc sách giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm cuộc sống, bớt thời gian tụ tập và làm những việc không có ích và quan trọng hơn là làm gương cho các con”.

Ngày hội đọc sách tại Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương). Ảnh: Hữu Hoàn

Chị Phạm Thị Bình – cán bộ thư viện huyện Yên Thành cho hay, văn hóa đọc ở “quê lúa” đang có nhiều dấu hiệu “hồi sinh”, thể hiện rõ ở số lượng bạn đọc ngày càng tăng. Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng số lượng thẻ bạn đọc và số lượt bạn đọc đều tăng 15% so với năm 2021. Đồng thời, còn xây dựng thêm được một thư viện của dòng họ Chu ở xã Hoa Thành, góp phần đưa văn hóa đọc về cơ sở. Nhờ đó, Thư viện huyện Yên Thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy chứng nhận đạt giải thưởng phát triển văn hóa đọc.

Kết quả này, theo chị Bình được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành Văn hóa. Thư viện được UBND huyện đầu tư xây dựng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, nằm ở vị trí trung tâm với diện tích 200m2, nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Điều này đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi, tâm lý thoải mái cho bạn đọc đến mượn và đổi sách, nhất là khi khuôn viên thư viện nằm tách biệt với các cơ quan khác. Đồng thời, ngành Văn hóa địa phương cũng luôn đánh giá cao vai trò của thư viện và văn hóa đọc, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức ngày hội đọc sách. Thường xuyên bổ sung trang thiết bị và sách, báo, tạp chí đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Hiện nay Thư viện huyện Yên Thành có gần 12.000 bản sách phục vụ tại chỗ và 31 loại báo, tạp chí.

Bên cạnh “quê lúa”, xứ Lường (huyện Đô Lương) cũng là địa phương có phong trào văn hóa đọc phát triển. Thể hiện rõ nhất ở chỗ trong những năm qua, Đô Lương luôn là huyện dẫn đầu về số lượng thí sinh dự thi và đạt giải cao tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Những gương mặt “Đại sứ văn hóa đọc” như Lê Thiệp Sang, Thái Thị Trà My… đã góp phần khẳng định truyền thống hiếu học và rạng danh quê hương. Ở Đô Lương hiện nay ngoài thư viện huyện và thư viện các trường học còn có 5 xã và 8 dòng họ xây dựng được thư viện phục vụ người dân và con em địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Hoàn – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Đô Lương cho biết: “Kinh nghiệm chúng tôi rút ra được trong quá trình đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc là tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ, phối hợp của ngành Giáo dục. Hàng năm cần được bố trí nguồn kinh phí tương xứng cho hoạt động thư viện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để thu hút sự quan tâm của bạn đọc”.

Những thủ thư tâm huyết, sáng tạo

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành Văn hóa, phong trào văn hóa đọc phát triển ở các địa phương còn phải kể đến vai trò của cán bộ thủ thư. Bởi trong thời đại bùng nổ thông tin, công chúng đứng trước nhiều sự lựa chọn, muốn văn hóa đọc không bị lấn át phải có những người thủ thư tâm huyết, nhạy bén và sáng tạo.

Bà con nhân dân và các em nhỏ xóm Bắc Sơn, xã Bắc Thành (Yên Thành) đến thư viện xóm đọc sách. Ảnh: Công Kiên

 

Chị Phạm Thị Bình – cán bộ Thư viện huyện Yên Thành đã thay đổi quan niệm “bạn đọc tìm sách” sang “sách tìm bạn đọc”, nghĩa là khẳng định vai trò quan trọng của thủ thư. Từ quan niệm ấy, chị Bình thường xuyên tiếp xúc với bạn đọc, nắm bắt nhu cầu để tham mưu bổ sung thêm nguồn sách. Sắp xếp sách báo, tài liệu theo từng thư mục một cách khoa học, giúp bạn đọc dễ phân loại và tiếp cận; tham mưu tổ chức ngày hội sách tại nhiều địa điểm để thu hút bạn đọc. Ngoài ra, chị còn lập tài khoản facebook “Thư viện Yên Thành” để kết nối bạn đọc, đồng nghiệp khắp mọi miền để học hỏi kinh nghiệm, thu hút bạn đọc và nâng cao hiệu quả công việc.

Với chị Nguyễn Thị Hường – cán bộ Thư viện huyện Thanh Chương, giải pháp quan trọng nhất để thu hút bạn đọc chính là phát huy hiệu quả mạng Internet. Chị cũng lập tài khoản facebook “Thư viện sách huyện Thanh Chương”, tại đây có chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách”. Nội dung chuyên mục là giới thiệu vắn tắt từng cuốn sách hay và tác phẩm kinh điển trên thế giới để thu hút bạn đọc. Bình quân mỗi tháng chị Hường giới thiệu được khoảng 20 cuốn sách theo từng chủ đề, chủ điểm của tháng và các mùa trong năm. “Từ cách làm này, thư viện chúng tôi đã có thêm nhiều bạn đọc đến mượn và trao đổi sách. Khi đã vào “guồng”, mọi người sẽ truyền cảm hứng đọc sách cho các thành viên trong gia đình, bạn bè, góp phần lan tỏa văn hóa đọc” – chị Hường nói.

Còn chị Bùi Việt Hà – cán bộ Thư viện huyện Anh Sơn giới thiệu sách đến công chúng bằng hình thức sân khấu hóa. Những cuốn sách hay được chị chuyển thể thành kịch bản sân khấu, phối hợp với Đội Tuyên truyền lưu động dựng thành vở diễn phục vụ nhân dân địa phương. Cách làm này đã thực sự thu hút công chúng, từ chỗ xem vở diễn nhiều người đã tìm đọc tác phẩm, lượng bạn đọc đến với thư viện ngày một tăng…

Bà Phan Thị Hường – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục triển khai kế hoạch văn hóa đọc trong cộng đồng của UBND tỉnh, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh phối hợp với các cấp chính quyền để nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ thư viện cơ sở, khuyến khích tìm các giải pháp thu hút bạn đọc…”

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442833

Hôm nay

229

Hôm qua

2318

Tuần này

2646

Tháng này

218007

Tháng qua

112676

Tất cả

114442833