Những góc nhìn Văn hoá

Nối tiếp mạch nguồn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 kỳ vọng những quyết sách phát triển về văn hóa Nguồn: dangcongsan.vn

       Mạch nguồn văn hóa Việt và quá trình nhận thức của Đảng về văn hóa

Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rất rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt của đời sống vật chất, tinh thần của con người, được con người tạo ra và phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa con người với xã hội. Nói đến văn hóa là nói đến tinh hoa, sự kết tinh, hun đúc thành giá trị tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn và tiến bộ. Thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc, cộng với sự tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa chung của nhân loại đã tích lũy, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, bản sắc văn hóa, làm nên hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Để rồi, qua trường kỳ lịch sử của những cuộc tranh đấu giành, giữ độc lập, cũng như quá trình lao động sáng tạo, thì hệ giá trị kể trên đã được chắt lọc và “tinh luyện” để hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là “khí thiêng sông núi” tạo nên nội lực và sức mạnh của dân tộc.

Hồ Chí Minh từng dạy rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”[1]. Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước ngày càng có bước phát triển: Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” [2]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định quan điểm chỉ đạo: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[3]. Tại văn kiện Đại hội lần thứ XII, Đảng tiếp tục phát triển: “Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”; “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần [4]. Tại Đại hội XIII của Đảng, văn hóa được đề cập là một trong những vấn đề trọng tâm. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược về văn hóa. Trong đó, một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại;...phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[5]. Xuất phát từ quá trình nhận thức đó, ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới.

Sự kiện đặc biệt về văn hóa và khát vọng non sông

Sau 75 năm, kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, ngày 24/11/2021, Hội nghị Diên Hồng về văn hóa đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện hết sức đặc biệt, bởi Hội nghị được diễn ra đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất (21/11/1946 - 21/11/2021); là sự tiếp nối mạnh nguồn “văn hóa soi đường quốc dân đi”; là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp, quan điểm quan trọng về văn hóa; đánh giá thực trạng, kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; đề ra nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa cho giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi dậy khátvọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang, đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng và tiến bộ xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn thì dân tộc còn

Vì sao văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước?

Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, những nhận thức mới về giá trị cho phát triển bền vững ngày càng rõ nét. Nhất là những thách thức, những vấn đề đặt ra, những nguy cơ bất ổn. Đó là khuynh hướng phổ biến các mô típ văn hóa chung toàn cầu. Khuynh hướng đó có thể sẽ dẫn đến sự “đồng nhất” các giá trị văn hóa, sự “san bằng”, “đồng hóa” các nền văn hóa khác nhau. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ đe dọa xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các khu vực, các vùng, các quốc gia dân tộc, làm nghèo sự đa dạng trong bức tranh văn hóa nhân loại. Nếu không nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến việc tự xóa bỏ ý thức dân tộc, làm mất dần khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố quan trọng đảm bảo sự trường tồn của một dân tộc. Vì vậy, bản sắc văn hóa là một trong những giá trị được đề cao, coi trọng; là một phần quan trọng trong sức mạnh nội sinh, có giá trị nền tảng cho sự phát triển quốc gia, dân tộc. Nghĩa là quốc gia nào gìn giữ được bản sắc văn hóa thì có điều kiện trở thành đất nước mạnh, ngược lại, nếu đánh mất bản sắc sẽ trở thành dân tộc bị lệ thuộc. Mà sự lệ thuộc về văn hóa là con đường ngắn nhất dẫn đến lệ thuộc vào kinh tế, từ đó dẫn đến bị lệ thuộc về chính trị. Nói cách khác, nếu bị “đồng hóa” - đánh mất văn hóa, chỉ dựa trên văn hóa vay mượn, sự du nhập thiếu chọn lọc thì nguy cơ dân tộc sẽ biến mất chứ chưa nói đến sự trường tồn, phát triển.

Thứ hai, hiện nay, sức mạnh kinh tế không còn là yếu tố mạnh nhất chi phối quyền lực quốc gia, mà “quyền lực mềm” quốc gia gắn với sức mạnh văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mỗi đất nước. Đồng thời, văn hóa ngày càng được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, có mối gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội. Tức là, khi văn hóa trở thành một ngành công nghiệp thì văn hóa không chỉ đơn thuần là yếu tố tinh thần mà còn hiện hữu các giá trị vật chất. Văn hóa không thể còn là lĩnh vực chỉ tiêu tiền, trùng tu, tôn tạo mà văn hóa là lĩnh vực kiếm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa. Hơn nữa, các ngành công nhiệp văn hóa phát triển dựa trên sự khai thác tổng hợp các yếu tố: sáng tạo, khoa học công nghệ, thị trường và vốn văn hóa. Vì vậy, thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như các ngành khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Đây là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển. Cho nên, việc quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Phải luôn xem đó là mối quan hệ mật thiết, quy định lẫn nhau. Văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế” và “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Thứ ba, văn hóa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng con người mới XHCN. Khi văn hóa trở thành “sức mạnh mềm”, đó không chỉ là “nền tảng”, soi đường mà còn là hệ giá trị to lớn trong con người Việt Nam. Đó là môi trường sản sinh ra những phẩm chất của con người, có tác động đến sự hình thành nhân cách con người và ngược lại, con người là chủ thể tác động trở lại văn hóa. Nói cách khác, dưới tác động của con người, môi trường văn hóa có thể thay đổi và ngược lại. Nghĩa là, khi các giá trị văn hóa được đề cao thì các mối quan hệ xã hội cũng có điểm tựa là các giá trị chân chính, đúng đắn và các quan hệ này sẽ tự nhiên hướng tới cái đẹp, cái thiện. Ngược lại, xã hội phát triển, con người phát triển thì văn hóa cũng có điều kiện được bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, trong mối quan hệ này vấn đề trọng tâm là làm sao để các giá trị văn hóa dân tộc luôn tác động tích cực đến sự phát triển con người, hướng con người đến sự tự nhận thức các giá trị, từ đó hướng họ đến hành động có trách nhiệm có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Do vậy, việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, phục vụ phát triển bền vững đất nước trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Với tầm quan trọng đó, văn hóa ngày càng được đề cao trong các mối quan hệ xã hội, các lĩnh vực hoạt động và đặc biệt là trong xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” [6]. Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới [7]. Việc kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao là vấn đề cần hết sức quan tâm.Nhất là văn hóa bồi đắp và khơi dậy “tinh thần đoàn kết”, “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8] thành văn hóa vươn lên, văn hóa khát vọng làm giàu, khát vọng sáng tạo, xây dựng đất nước. “Gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người... hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”[9]. Góp phần quan trọng gia tăng sự đoàn kết, cố kết cộng đồng, tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội, hướng đến những giá trị tốt đẹp, tạo nền tảng tinh thần, động lực vững chắc cho sự phát triển hài hòa, bền vững trong thời kỳ đổi mới.

Những vấn đề cần quan tâm

 “Tuy vai trò của văn hóa đã được xác định, nhưng trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, nhiều sản phẩm văn hóa còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần... Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa”[10]. Vì vậy, cần phải quan tâm công tác chấn hưng văn hóa. Để thực hiện được điều này, các cấp, các ngành cần phải không ngừng đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ phai nhạt về bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam” [11]. Đồng thời, ngăn chặn tối đa các sản phẩm đội lốt văn hóa, không có giá trị bồi bổ tinh thần, sai lạc trong lựa chọn các giá trị văn hóa.

Đối với công tác phát triển kinh tế trong văn hóa cần tập trung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển phát triển kinh tế thành luật pháp, quy định và chiến lược cụ thể. Xác định trách nhiệm pháp lý của chủ thể kinh tế trong tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hóa cũng như khai thác nguồn vốn văn hóa, giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế. Tạo động lực cho doanh nghiệp tìm tòi, đầu tư, đổi mới hình thức hoạt động hướng tới các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển ngành kinh tế mới - công nghiệp văn hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, tập trung hoàn thiện thị trường các sản phẩm và du lịch văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh của các vùng, miền, địa phương. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng khai thác và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong du lịch; phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch văn hóa, nhất là di tích lịch sử, văn hóa con người Việt Nam, tạo sự phát triển hài hòa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

* Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An

-----------------

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11.

[2]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia,

       Hà Nội, 2003, tr. 114

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung

       ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.48

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của

       Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 123, tr.17

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,

       Nxb CTQG sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110 - 111

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, H,

       2011, t.13, tr. 66.

[7]. Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con

     đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản số 966, tháng 5-2021,

       tr. 7

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của

       Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003, tr. 114

[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của

       Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 123

[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.

         Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 84,

[11]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.

         Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 143

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443013

Hôm nay

2209

Hôm qua

2318

Tuần này

2826

Tháng này

218187

Tháng qua

112676

Tất cả

114443013