Những góc nhìn Văn hoá

Tết bình an trong sự khác thường

Tết là một dịp đặc biệt, là hoàn toàn khác với ngày thường. Và năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nên Tết lại còn là khác thường trong sự khác thường. Và trong những sự khác thường, con người ta lại mong muốn một điều rất đỗi bình thường: mong muốn một cái Tết bình an cho mọi người.

Vài hôm trước, nhân dịp Tết Nguyên Đán - Tết lớn nhất của dân tộc Việt Nam đang đến gần, một cuộc tọa đàm về Tết đã được tổ chức trên một diễn đàn xã hội và thu hút được khá nhiều nhà nghiên cứu tham gia trực tuyến. Một câu hỏi được đặt ra là “Theo bạn, một cái Tết hoàn hảo là Tết như thế nào? Và khi nhắc đến Tết thì bạn sẽ nghĩ đến điều gì?”. Đã có nhiều nhà nghiên cứu tham gia thảo luận vào vấn đề này theo các góc nhìn khác nhau. Tựu chung lại, người ta cho rằng một cái Tết hoàn hảo là một cái Tết vui vẻ, đầm ấm và an lành. Và nhắc đến Tết làm cho người ta nghĩ đến hình ảnh của sự sum họp gia đình, của sự thể hiện tình cảm người sống dành cho người chết, người sống dành cho nhau. Và cũng cả những hình ảnh về việc được thỏa mãn một số nhu cầu chính đáng mà ngày thường người ta ít có cơ hội, có điều kiện để làm.

Mong muốn một cái Tết truyền thống với nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong cuộc sống hiện đại và cùng với nó là sự bình an, mạnh khỏe trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành cũng được nhiều người chia sẻ. Đó là mong muốn, là khao khát chung của mọi người, không chỉ bây giờ mà trước đây và sau này cũng vậy. Nhưng trong mỗi cá nhân lại luôn có những mong mỏi khác nhau dành cho dịp Tết. Đó là những mong muốn mà ở cuộc sống hàng ngày, người ta không có điều kiện để thực hiện và hi vọng ngày tết sẽ được làm và làm được. Hay nói cách khác, tết đến, cho chúng ta những cơ hội để được sống khác với những ngày bình thường.

Có những nhu cầu chính đáng mà ngày thường người ta không làm được vì nhiều lý do, thì người ta mong muốn dịp tết họ sẽ được làm những thứ đó. Ngày thường đói thì Tết ăn no hơn; ngày thường rách thì Tết mặc đẹp hơn; ngày thường xa quê thì Tết được sum họp gia đình; ngày thường bận rộn công việc thì Tết được nghỉ ngơi…. Mong muốn đến Tết là mong muốn được khác hơn theo nghĩa tích cực.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đói, thuở bé, tôi cũng như nhiều bạn cùng trang lứa khác, đều mong Tết đến để có áo mới và đặc biệt là được ăn no hơn, ăn ngon hơn. Ăn mặc là nhu cầu thiết yếu, hàng ngày của con người. Nhưng trong bối cảnh chung của đất nước trước và ngay sau Đổi mới, nghèo đói trở nên phổ biến, con người ta quen ăn thiếu, mặc rách quanh năm, thì Tết lại mong muốn được áo quần mới, được ăn no và ngon hơn ngày thường. Đó không chỉ là kinh tế, mà còn là vấn đề văn hóa. Bởi dịp Tết, dù nghèo đói thế nào thì cha mẹ cũng cố gắng mua cho con tấm áo mới, cũng cố gắng có thịt, có cá để cúng tổ tiên và cũng để cho gia đình được những bữa ăn mà ngày thường là không có được. Rồi những ngày tháng học tập và làm việc ở xa quê, Tết lại càng trở nên da diết hơn, mong chờ hơn vì được về với gia đình, với cha mẹ, được thắp nén hương cho tổ tiên, thăm hỏi họ hàng bà con và gặp gỡ những người bạn từ thuở nhỏ. Những việc này không phải ngày thường không thể làm được, nhưng trong cuộc sống bộn bề và bận rộn, mấy ai được thường xuyên về thăm quê. Có điều, đến Tết thì chắc chắn tâm lý nguồn cội luôn thúc dục người ta chờ mong, cảm nhớ đến quê nhà. Rồi còn nhiều vấn đề khác nữa, những thứ mà ngày thường người ta gặp khó khăn trong việc thực hiện thì dịp Tết lại là cơ hội để người ta thỏa mong. Những người quan năm bận rộn làm ăn cũng phải gác lại công việc để về đón Tết với gia đình. Những người ngày thường hay cãi nhau, mâu thuẫn thì Tết đến cũng gác lại chuyện cũ, vui vẻ làm hòa để đón Tết. Rồi những vợ chồng hay giận hay hờn, đến ngày Tết cũng làm lành với nhau để sum họp gia đình, vui vẻ mừng xuân. Hay những người ngày thường có uống rượu bia thì hay bị vợ rầy la, đến Tết lỡ có say sưa tí cũng không ai nói gì…

Đó là những thứ tốt đẹp mà người ta mong chờ, người ta khao khát ở Tết. Nhưng ở chiều ngược lại, Tết cũng là quãng thời gian mà các thói hư tật xấu, các tệ nạn lại sinh sôi nẩy nở nhanh chóng. Lấy lý do năm mới, Tết đến, nhiều người lại tự cho mình được phép vui chơi quá mức, có khi là sa ngã. Tết đến anh em gặp nhau nên uống thêm vài chén, rồi thành say sưa suốt ngày, dễ gây ra những điều đáng tiếc. Tết đến anh em gặp nhau rồi bài bạc tí cho vui lấy lộc, để rồi lộc đâu chẳng thấy mà tan cửa nát nhà. Rồi ngày xuân ngày Tết, được các anh công an cả nể bỏ qua mà chạy xe quá tốc độ hay kẹp ba kẹp bốn, để rồi những chuyện không may lại ập đến…. Với những người bản lĩnh, luôn vươn lên làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thì Tết là cơ hội để được sống trong văn hóa truyền thống, trong tình cảm gia đình, bạn bè thân thiết, và luôn mong cho nhau được bình an, vui vẻ để đón chào năm mới. Còn với người kém bản lĩnh, với những người có động cơ xấu, thì Tết lại là quãng thời gian đầy cám dỗ, là cơ hội để người ta trục lợi. Đó là một cái nhìn khác về ngày Tết. Dịp Tết cho phép chúng ta được không giống bình thường để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng mà cuộc sống hiện đại chúng ta khó tìm thấy trong ngày thường. Nhưng nó cũng đưa chúng ta đối diện với những cảm dỗ và hiểm nguy khi mà sự khác thường đó bị lợi dụng theo chiều tích cực.

Năm nay, Tết lại càng nhiều thay đổi, là cái khác thường trong Tết khác thường. Chúng ta vừa trải qua một năm đầy biến động. Dịch dã như cơn sóng thần ào qua làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của hầu hết con người. Kinh tế khó khăn, sức khỏe hạn chế, nỗi lo dịch bệnh luôn đe dọa mọi người. Trong bối cảnh đó, liệu Tết nay rồi có nhiều thay đổi? Đương nhiên Tết luôn thay đổi, kể cả khi không có dịch bệnh. Nhưng năm nay lại càng thay đổi nhanh hơn vì dịch bệnh quá phức tạp. Một mặt, dịch bệnh làm cho Tết đến người ta lại thêm lo lắng sự di chuyển về quê để đón Tết của một số lượng lớn dân cư sẽ làm cho dịch bệnh thêm phức tạp; Rồi qua Tết liệu dịch bệnh có theo chân người mà nhân rộng ra không?; hay làm thế nào để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong dịp Tết khi dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, trong một năm qua, dịch bệnh đã cướp đi hơn 3 vạn rưỡi sinh mạng, là tổn thất lớn nhất về con người từ sau hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước ở thế kỷ trước. Dịch bệnh làm cho con người thấy ranh giới giữa cái sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Càng khiếp sợ hơn là nỗi sợ hãi khi giã từ cuộc đời mà không có được những người thân yêu bên cạnh. Điều đó càng làm cho người ta hướng về nguồn cội, về gia đình. Sống chết chưa biết thế nào, thì Tết nhất lại càng phải về quê cho bằng được, để được thắp hương cho tổ tiên, sum họp với gia đình. Và xu hướng di chuyển từ các đô thị về các vùng quê ăn Tết lại càng trở nên mạnh mẽ.

Chúng ta đã nói nhiều đến bình thường mới trong bối cảnh dịch bệnh. Và giờ là bàn về khác thường mới trong dịp Tết. Ngày trước, những sự khác thường như đã nói ở trên được người ta chấp nhận trong dịp Tết. Còn bây giờ làm sao để những cái khác thường đó vẫn giữ được giá trị và đảm bảo cái bình an của ngày thường. Đó là những thách thức lớn, những câu hỏi khó mà hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, và trong mỗi con người đang tìm kiếm những câu trả lời. Tết vô cùng quan trọng trong tâm thức người Việt bởi nó là dịp để người ta vượt qua được những thứ thường ngày, thỏa mãn được những nhu cầu chính đáng trong điều kiện khó khăn. Và dù có vấn đề gì đi chăng nữa, cũng khó mà ngăn cản người dân Việt Nam đón Tết Nguyên Đán trang hoàng. Nhưng sự trang hoàng của Tết cần phải được bền vững, cần phải gắn với sự phát triển, gắn với các giá trị tốt đẹp nên mỗi con người phải có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng và cho nhau. Đó cũng là tìm kiếm những giá trị tốt đẹp của cái bình thường trong cái khác thường./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443145

Hôm nay

236

Hôm qua

2305

Tuần này

2958

Tháng này

218319

Tháng qua

112676

Tất cả

114443145