Những góc nhìn Văn hoá

Di sản đô thị thành phố Vinh - giá trị và định hướng phát huy

Vinh là đô thị được hình thành, định hình và định vị trong lịch sử đô thị Việt Nam trên 200 năm. Từ trước đến nay, khi nói đến Vinh, các nhà nghiên cứu hầu như chỉ quan tâm đến những di sản liên quan đến lịch sử đấu tranh chính trị của Vinh, của Nghệ Tĩnh, mà chưa chú ý nghiên cứu các di sản liên quan đến sự hình thành và phát triển, thăng trầm của Vinh, với tư cách một đô thị. Bên cạnh đó, thiên tai, chiến tranh và cả “nhân tai” hầu như đã biến Vinh thành bình địa, không chỉ một lần. Điều này càng làm cho việc nghiên cứu di sản đô thị Vinh trở nên vừa khó khăn, vừa có vẻ như xa xỉ và không thiết thực.

Gần đây, qua nghiên cứu của bản thân, tôi cho rằng những suy nghĩ trên là sai lầm. Vinh đã từng có và hiện vẫn còn những di sản đô thị rất độc đáo và có giá trị. Việc tuyệt đại bộ phận những di sản vật thể đã biến mất bởi nhiều nguyên nhân, càng làm cho việc nghiên cứu chúng là hết sức cần thiết, không chỉ vì lí do lịch sử, mà còn bởi nhu cầu của cuộc sống đương đại, trong đó có cả nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội.

Bài báo này là một cố gắng gần như lần đầu tiên, đặt vấn đề nghiên cứu di sản đô thị Vinh, đồng thời gợi ý những định hướng và giải pháp nhằm khai thác và phát huy các giá trị di sản đô thị Vinh cho mục tiêu phát triển.

I. Những nhận thức chung về di sản đô thị

Từ trong lịch sử, ngay từ khi chưa trở thành lỵ sở của Nghệ An, Vinh, với chợ Vĩnh đã được biết đến như một nơi đô hội, một nơi “đất lành chim đậu” cho người tứ phương, trong đó có cả người nước ngoài đến sinh cơ lập nghiệp.

- Năm 1788, Vua Quang Trung chọn Vinh để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng Trung Đô bị dang dở.

- Tháng 5/1804, Vua Gia Long xuống chiếu dời trấn thành Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vinh. Từ đây, Vinh chính thức trở thành lị sở của tỉnh Nghệ An.

- 20/7/1885, Pháp chiếm thành Nghệ An, mở đầu cho sự thâm nhập và đầu tư của các nhà tư bản Pháp, tư bản trong nước và các nước vào Vinh - Bến Thủy. Tạo cơ sở biến Vinh từ một đô thị quân chủ - nông nghiệp, trở thành đô thị công nghiệp và thương mại, theo hướng hiện đại.

- Ngày 12/7/1899: Vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Vinh cùng với các đô thị khác là Thanh Hóa, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết. Những năm này Vinh đã được mô tả là: “Vinh cách Huế 400 cây số và cách Hà Nội 296 cây số, có 40 người Âu, 161 người Hoa, 12.000 người Việt, là tỉnh lỵ Nghệ An. Cách đây hai năm, Vinh đã trở thành một thành phố thực sự có những con đường rải đá thẳng xinh đẹp, những đường phố có nhiều hiệu buôn của người Trung Hoa và người Việt Nam và những hiệu làm nghề thủ công, như đồ sắt, đồ thêu, làm lọng, làm đồ mã, buôn gỗ nứa. Khu vực người Hoa kiều ở có nhiều nhà gác cao đẹp, sân xây bằng đá san sát đều nhau” (sách Tổng quát An Nam năm 1901).

- Ngày 11/3/1914, Vua Duy Tân ra đạo dụ thành lập Trung tâm đô thị Bến Thủy.

- Ngày 27/8/1917, Vua Khải Định ra đạo dụ thành lập Trung tâm đô thị Trường Thi.

- Ngày 10/2/1927, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Thành phố Vinh trên cơ sở sáp nhập ba trung tâm đô thị Vinh, Trường Thi và Bến Thủy.

Bản đồ Vinh- Bến Thủy năm 1925. Ảnh TL

Như vậy, chỉ trong khoảng trên dưới 30 năm (1899-1927) đô thị Vinh - Bến Thủy đã được định hình và phát triển thành một đô thị công nghiệp, thương mại có tầm cỡ ở Trung Kỳ. Mặt khác, đô thị Vinh thời kì này đã phát triển thuận theo quy luật: Công nghiệp, thương mại phát triển trước tạo nhu cầu và tiền đề thu hút dân cư, thúc đẩy hạ tầng đô thị phát triển, dẫn đến thành lập đô thị nhỏ, nhiều đô thị nhỏ liên kết trở thành đô thị lớn. Đến những năm 1930, Vinh đã phát triển gần như hoàn thiện một mô hình đô thị, với các chức năng trung tâm hành chính; trung tâm kinh tế (công nghiệp và thương mại); đầu mối giao thông; trung tâm phòng thủ.

Với lịch sử hơn 200 năm, thành phố Vinh đã từng và đang có một quỹ di sản đô thị khá phong phú. Có thể điểm qua một số loại hình sau đây:

I.1. Các công trình văn hóa, tín ngưỡng

Đến những năm 1940, Vinh vẫn đang tồn tại một hệ thống các công trình văn hóa, tín ngưỡng rất phong phú. Về chùa có: Chùa Diệc, chùa Cần Linh, chùa Tập Phúc. Về đền có: Võ miếu (đền Nhà ông); Thiên hậu phủ (đền Nhà Bà); Văn miếu; Đền Xã tắc; Đền Tam Tòa…Về Công giáo có Nhà thờ Cầu Rầm; Dòng tu Francico (nam và nữ)…

Đền Tam Tòa 1900.  Ảnh TL

Các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở Vinh cũng là những công trình kiến trúc có giá trị cao. Cho đến nay, ngoài Võ miếu (đền Hồng Sơn) còn giữ được nguyên dạng, thì các công trình khác đều đã là phế tích (chùa Diệc, Văn miếu) hoặc hoàn toàn biến mất. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản đô thị.

I.2. Chợ Vinh

Chợ Vinh năm 1900.  Ảnh TL

Chợ Vinh - trước đây có tên gọi là chợ Vĩnh. Tên gọi chợ Vĩnh đã có trong sách "Thiên nam tứ chi lộ đồ", một sách địa lý nước ta được biên soạn vào thời nhà Lê. Với chợ Vĩnh, trước khi trở thành lị sở Nghệ An, Vinh đã là nơi sầm uất. Từ năm 1804, khi Vinh trở thành tỉnh lỵ, chợ Vinh càng sầm uất. Năm 1808, một vụ cháy ở đây đã thiêu rụi gần 300 nóc nhà. Điều này chứng tỏ khi đó khu vực chợ Vinh đã rất sầm uất.

Về vị trí từ trên 300 năm nay, chợ Vinh về cơ bản vẫn ở nguyên vị trí cũ.

Như vậy, chợ Vinh có tuổi đời cao hơn tuổi của thành phố. Chợ Vinh, kể cả hiện nay vẫn không phải là công trình tiêu biểu về kiến trúc, mà chợ Vinh chính là thành tố đầu tiên, quan trọng nhất tạo nên đô thị Vinh, giá trị của nó là ở khía cạnh nhân chứng lịch sử, kí ức đô thị của thị dân Vinh.

I.3 Thành Nghệ An

Nếu chợ Vinh là yếu tố “thị”, thì thành Nghệ An chính là yếu tố “đô” và yếu tố “thành” trong ba yếu tố tạo nên đô thị Vinh. Thành Nghệ An là nơi đặt trụ sở của chính quyền Nam Triều tại tỉnh. Đồng thời thành, với nghĩa đen là thành lũy, thành quách cũng chính là một công trình phòng thủ quan trọng để bảo vệ chính quyền.

Thành Nghệ An những năm 1920.  Ảnh TL

Năm 1804, khi lị sở của Nghệ An chính thức dời trấn từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên, thành Nghệ An cũng được xây dựng bằng đất. Đến năm 1931, vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng. Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000m2, bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m).

Trong thành Nghệ An có Hành cung là ngôi nhà dành cho Vua mỗi khi nhà vua đến tỉnh. Có dinh Tổng đốc, Án sát, Bố chánh, Nhà lao, Trại lính…

 

 

Sơ đồ thành Nghệ An.  Ảnh TL

Cụ Phan Bội Châu khi mới bắt đầu sự nghiệp yêu nước và cách mạng đã xây dựng kế hoạch đánh chiếm thành Nghệ An. Bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cùng các đồng chí của mình tổ chức lấy trộm súng của trại lính trong thành. Việc bị bại lộ, bà bị bắt và bị giải vào nhà Lao Vinh, bị tra tấn dã man. Phiên tòa ngày 4/6/1918 đã xử bà chịu đánh 100 trượng và đày khổ sai 9 năm.

Năm 1931, Nhà Hành cung là nơi Pháp và chính quyền Nam triều tổ chức Lễ Quy Thuận, sau khi đàn áp cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đến năm 1940, thành Vinh lại chứng kiến sự hy sinh của Đội Cung và những nghĩa binh yêu nước. Ngày 14 tháng 7 năm 1957, trong lần về thăm quê lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Nghệ An ở sân vận động trong thành Nghệ An.

Thành Nghệ An là một di sản có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Tuy không nguyên vẹn, nhưng đây cũng là một trong số rất ít di sản còn sót lại của Vinh cho đến ngày nay.

I.4 Quỹ kiến trúc Pháp và các công trình dân sinh thời thuộc Pháp 

Nếu tính từ khi chính thức thành lập Tòa Công sứ ở Vinh (1897) đến 1945, người Pháp có gần 50 năm đầu tư xây dựng ở Vinh.

Dinh Công sứ.  Ảnh TL

Ngoài dấu ấn kiến trúc Pháp được thể hiện qua quy hoạch và thiết kế đường phố, vỉa hè, cảnh quan, có thể nói ở Vinh thật sự đã có một quỹ kiến trúc Pháp khá phong phú, tồn tại trong các công trình hành chính, kinh tế, dân sinh…

Có thể điểm diện một số dạng công trình kiến trúc tiêu biểu ở Vinh thời kỳ này:

- Dạng kiến trúc cơ quan công quyền như Dinh Công sứ, trụ sở Tòa án; trụ sở các Kiểm lâm; Hải quan; Giao thông công chính; Nông nghiệp; Thú y; Trại lính Trường Thi…

- Dạng công trình kinh tế, dân sinh, như Bưu điện; Ga Vinh; Nhà Băng Đông Dương; Nhà thương Vinh; Nhà Tằm; Khách sạn Grand; Khách sạn Ga; trụ sở Công ty Rừng và Diêm Đông Dương; Nhà máy Xe lửa Trường Thi; Nhà máy Diêm; Nhà máy Điện....

- Dạng công trình văn hóa công cộng, vui chơi giải trí, như Câu lạc bộ (nhà séc) ở phố Disney, Rạp chiếu bóng Majetic …

- Ngoài những công trình tiêu biểu đó, thời kỳ này ở thành phố Vinh - Bến Thủy còn có nhiều công trình nhà dân, biệt thự mang đậm phong cách kiến trúc Pháp.

Tuy nhiên, tất cả các công trình thuộc “quỹ kiến trúc Pháp” của Vinh đều đã bị phá hủy trong "tiêu thổ kháng chiến" năm 1947. Năm 1947, toàn thành phố có 235 công sở, 324 nhà cao tầng và 1.263 nhà dân bị phá hủy trong chiến dịch “Tiêu thổ kháng chiến”. Trong đó rất nhiều công trình và ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp, hoặc chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp.

Thiết nghĩ các nhà quản lý, các nhà quy hoạch, kiến trúc, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa cũng cần có suy nghĩ, để cho những dấu ấn kiến trúc Pháp ở Vinh được lưu giữ không chỉ trong ký ức và trên sách vở.

I.5 Tiểu văn hóa Trung Hoa khu vực Cửa Tiền – Chợ Vinh

 

Trước khi Vinh trở thành tỉnh lỵ, Hoa kiều chủ yếu sinh sống và buôn bán ở Lam Thành- Phù Thạch. Năm 1804, khi Vua Gia Long xuống chiếu chuyển lị sở Nghệ An về Vinh, hàng trăm hộ gia đình Hoa kiều cũng nhanh chóng chuyển về đây. Họ cư trú khu vực xung quanh Chợ Vinh để sản xuất, kinh doanh và buôn bán. Cộng đồng Hoa kiều nhanh chóng quần tụ tạo nên một tiểu văn hóa Trung Hoa rất đậm đặc ở đây. Cả một tuyến phố sầm uất bậc nhất khi đó từ Ngã Tư Chợ chạy thẳng vào Chợ Vinh (phố Cao Thắng ngày nay) hầu như do Hoa Kiều chiếm giữ, nên cũng được gọi là Phố Khách (Rue des Chinois). Kiến trúc phố Khách ở Vinh hồi đó giống như những khu phố cổ ở Hội An, hoặc các phố Mã Mây, Hàng Buồm Hà Nội.

 

Phố Khách (Rue des Chinois)năm 1900 . Ảnh TL

     Không chỉ thế, Hoa kiều còn xây dựng nên ở đây một hệ thống các thiết chế văn hóa khá hoàn thiện, để phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng của họ. Có thể kể như: Đền Võ Miếu (còn gọi là đền Nhà Ông) thờ Quan Công; đền Biển Thước, thờ đại danh y Biển Thước; Thiên hậu phủ (còn gọi là đền Nhà Bà) thờ Thiên hậu. Bên trong khu vực Thiên hậu phủ có cả Hội quán Hoa Kiều và trường học giành cho người Hoa. Khu vực phố Khách còn có cả rạp hát chủ yếu giành cho người Hoa là rạp Thái Mộng Đài.

Thiên hậu phủ.  Ảnh TL

Hiện nay, ngoài Võ Miếu (nay gọi là đền Hồng Sơn) tất cả các thiết chế văn hóa khác của người Hoa ở khu vực này đều đã không còn nữa. Sau nhiều biến động lịch sử, số người Hoa ở Vinh nói chung, ở khu vực xung quanh Chợ Vinh cũng không còn đáng kể. Tiểu văn hóa Trung Hoa ở Vinh đã trở thành một kí ức đô thị của Vinh.

I.6 Ga Vinh

Theo các tài liệu hỏa xa thời Pháp còn được lưu trữ, Ga Vinh chính thức được bắt đầu xây dựng vào quý II năm 1900. Ngày 17-3-1905 được xem là “ngày sinh nhật” của Ga Vinh bởi đây cũng chính là ngày đoàn tàu hơi nước đầu tiên hú còi xin đường vào ga sau hành trình dài 300 km từ Hà Nội đến Vinh. Từ đấy, Ga Vinh cùng Nhà máy Xe lửa Trường Thi được đặt dưới sự quản lý của Đặc khu đường sắt Bắc Trung kỳ. Ga Vinh là một công trình lớn, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, dân sinh, mà còn là một công trình kiến trúc đẹp, mang dấu ấn của kiến trúc Pháp.

Ga Vinh. Ảnh TL

I.7 Trường Tiểu học Pháp Việt và trường Quốc Học Vinh

Những năm đầu thế kỷ 20 Vinh đã là một trung tâm giáo dục của Bắc Trung bộ. Trong hệ thống giáo dục ở Vinh nổi bật có hai ngôi trường chứa đựng nhiều giá trị lịch sử là trường Tiểu học Pháp Việt và trường Quốc học Vinh.

Trường Tiểu học Pháp Việt thành lập năm 1905.

Trường Tiểu học Pháp- Việt. Ảnh TL

Trường đóng ở đường Gia Long, nay là đường Đặng Thái Thân. Sự ra đời và hoạt động của ngôi trường này gắn với tên tuổi của những danh nhân như Đào Tấn; họa sỹ, nhà giáo Lê Huy Miến; danh nhân Cao Xuân Dục. Đây cũng và ngôi trường mà anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành đã theo học một năm (1905 – 1906). Đây cũng là nơi mà hàng trăm danh nhân, nhà cách mạng, nhà khoa học tên tuổi đã theo học, hoặc là thầy giáo, như Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Xiển…

Trường Quốc học Vinh (College de Vinh) thành lập năm 1920. Vị trí của trường ban đầu ở khu vực Quán Thầu Đâu, tức Bến xe Vinh ngày nay. Ban đầu là ngôi trường trung học cho học sinh cả vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình. Đây cũng là cái nôi đào tạo ra hàng trăm nhà cách mạng, nhà văn hóa cho đất nước, như Hoàng Xuân Hãn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai… 

Quốc học Vinh cũng gắn với lịch sử 100 năm bóng đá Nghệ An, khi đội bóng của trường “Lam Thành túc cầu đội” là một trong những đội bóng đá đầu tiên của Nghệ An.

I.8 Trường Thi:

Địa danh Trường Thi ở Vinh gắn với hai lớp di sản nổi tiếng, đó là Trường thi hương và Nhà máy xe lửa Trường Thi. 

Năm 1807 nhà Nguyễn mở khóa thi hương đầu tiên dưới triều vua Gia Long. Thay vì thi ở trường thi hương cũ ở Lam Thành- Phù Thạch, năm đó một khu đất phía nam tỉnh thành được chọn để mở trường thi. Suốt 35 năm trường thi vẫn là tạm bợ tranh tre nứa lá. Năm Thiệu Trị thứ 3, 1843 trường thi hương được xây dựng lại. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Trường thi hương ở địa phận thôn Hạ, xã Yên Dũng, về phía đông tỉnh thành. Tường xây bằng đá ong, chu vi 193 trượng, cao 4 thước, 5 tấc, các viện ở trong trường đều lợp ngói”. Từ khoa đầu tiên năm 1807, đến khoa cuối cùng năm 1918, tại trường thi hương này đã tổ chức 41 khoa thi, chọn ra 889 cử nhân, chiếm gần 20% tổng số cử nhân được các khoa thi của Nhà Nguyễn chọn lựa. Trong đó có những người trở thành danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Trần Tấn, Đặng Như Mai, Lê Thước… 

Nhà máy xe lửa Trường Thi những năm 1920. Ảnh TL

Đầu thế kỷ 20 đường sắt xuyên Việt bắt đầu được xây dựng. Năm 1904 người Pháp đã bắt tay mua đất và xây dựng ở Trường Thi một nhà máy xe lửa thuộc loại lớn nhất Đông Dương, cùng với nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhà máy xe lửa Dĩ An. Vào thời kì cao điểm Nhà máy xe lửa Trường Thi có tới 4000 công nhân làm việc. Không chỉ là một cơ sở công nghiệp lớn, nhà máy xe lửa Trường Thi còn là một cái nôi nuôi dưỡng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, góp phần làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931.

Ngoài ra Trường Thi cũng là nơi đóng quân của một trại lính lê dương lớn nhất khu vực. Bên cạnh đó cũng có sân bay hoạt động suốt cả thập kỉ 20 và 30 của thế kỷ trước.

I.9 Bến Thủy

Gắn với sự ra đời và phát triển của đô thị Vinh, địa danh Bến Thủy chứa đựng những lớp trầm tích lịch sử vô cùng quan trọng.

- Lớp thứ nhất gắn với sự kiện khu vực này được vua Quang Trung lựa chọn để xây dựng Phượng hoàng Trung đô. Mặc dù sự nghiệp xây dựng đang dang dở, nhưng Phương Hoàng Trung đô vẫn là một mốc son lịch sử, góp phần định vị Vinh trong lịch sử dân tộc.

- Lớp di sản thứ hai, ghi nhận Bến Thủy nói riêng, Vinh – Bến Thủy nói chung trở thành một đô thị kỹ nghệ và thương mại tầm cỡ ở Trung Kỳ. Sau khi người Pháp đã đứng chân ổn định ở Nghệ An, Bến Thủy được các nhà tư bản trong và ngoài nước ồ ạt đầu tư. Bến cảng và nhà ga đường sắt được xây dựng, hàng loạt nhà máy, công xưởng được đầu tư xây dựng. Suốt chiều dài khoảng 5, 6 cây số từ Phà Bến Thủy xuống Nhà máy cá hộp Laphic ở khu vực giáp Hưng Hòa là la liệt các xưởng gỗ, nhà máy chế biến, cưa xẻ gỗ, Nhà máy Diêm, Nhà máy Điện. Trong đó, Nhà máy Diêm Bến Thủy là nhà máy có công nghệ hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, sản xuất mỗi năm hơn bốn mươi triệu bao diêm, xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Khu vực Bến Thủy khi đó có khoảng trên dưới 3000 công nhân. Hàng loạt các cơ quan, công sở như Kiểm lâm, Hải quan, Hiến binh… cũng đóng trụ sở tại đây. Biến Bến Thủy thành một trung tâm kỹ nghệ rất sầm uất.

Bến Thủy những năm 1920. Ảnh TL

- Lớp di sản thứ ba gắn với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh mà Bến Thủy là nơi “đứng đầu dậy trước”, với sự liên minh công nông ngay giữa trận tiền. 

Cột đèn Ngã Ba Bến Thủy, một chứng tích của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh .  Ảnh TL

- Lớp di sản thứ tư gắn với cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Bến Thủy là một trong những nơi có mật độ bom đạn lớn nhất ở miền Bắc. Chỉ tính riêng từ 1964 đến 1968, Mỹ đã ném bom xuống khu vực phà Bến Thủy đến 2912 trận, với 11.377 quả bom. Nhưng, Bến Thủy cũng đã ghi danh hàng chục đơn vị và cá nhân anh hùng, như Bến Phà, Nhà máy Điện, Nguyễn Hữu Tùng, Nguyễn Trọng Tường, Nguyễn Đăng Chế, Hoàng Thị Liên…

I.10 Khu chung cư Quang Trung

Từ sau ngày đất nước thống nhất, di sản đô thị quan trọng và có ý nghĩa nhất của Vinh chính là khu chung cư cao tầng Quang Trung. Với sự viện trợ của Cộng hòa Dân chủ Đức thành phố Vinh đã được quy hoạch và hồi sinh từ chính khu Quang Trung. Khu chung cư Quang Trung được bắt đầu xây dựng từ tháng 5 năm 1974. Sau bảy năm, mặc dù mới hoàn thành được hơn một nửa kế hoạch là xây dựng được khu phía đông đường Quang Trung, nhưng khu chung cư Quang Trung cũng đã có 21 tòa nhà 5 tầng, hơn 800 căn hộ, cho khoảng 5000 người sinh sống. Khu Quang Trung là biểu tượng của sự hồi sinh của Vinh sau chiến tranh, đó cũng là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Đức. Suốt gần ba mươi năm, Quang Trung là nơi cư trú của tầng lớp tinh hoa của thành phố, là hình mẫu lí tưởng của hàng vạn gia đình.

Quy hoạch khu chung cư Quang Trung. Ảnh TL

Khu Quang Trung những ngày đầu xây dựng. Ảnh TL

Quang Trung là một di sản đô thị hiện đại có giá trị về nhiều mặt của thành phố Vinh, rất cần có hình thức bảo tồn thích hợp.

 

II. Một số định hướng và giải pháp bảo tồn, phát triển di sản đô thị Vinh

Mặc dù đã từng có một quỹ di sản đô thị khá giàu có và đặc sắc, nhưng qua thời gian, chiến tranh, thiên tai và đặc biệt là “nhân tai”, hiện nay hầu hết các di sản đã không còn hiện tồn về khía cạnh vật thể. Để không chỉ tiếc nuối và oán trách, cần phải rà soát lại các thông tin, vết tích về các di sản đã nói ở trên, cũng như các di sản khác, để nếu cần thiết và có thể thì đưa vào danh sách kiểm kê, tiến tới xếp hạng một số di tích nếu đủ điều kiện. Hiện nay chúng tôi được biết có một số phế tích công trình, hoặc địa điểm rất đáng quan tâm chưa được xếp hạng, nên rất dễ bị xâm hại.

Đồng thời, xin đề xuất mấy định hướng và giải pháp bảo tồn và phát triển dựa trên nguyên tắc “cần thiết và có thể”. “Cần thiết” là cần bảo tồn và phát triển những di sản đô thị thực sự có giá trị về lịch sử, văn hóa, hoặc kiến trúc, nghệ thuật. “Có thể” là khả năng bảo tồn và phát triển của di sản, tùy thuộc vào chính bản thân di sản đó và điều kiện về thông tin, về vật chất, kỹ thuật của chúng ta. Theo nguyên tắc đó, xin có mấy kiến nghị cụ thể sau đây:

II.1.Bảo tồn ngay một số di sản hiện tồn, còn có khả năng bảo tồn

Số di sản loại này không có nhiều. Có thể điểm qua:

- Bảo tồn một tòa nhà, hoặc một phần của một tòa nhà trong khu chung cư Quang Trung, để lưu giữ về một khu chung cư một thời là biểu tượng của sự hồi sinh của thành phố sau chiến tranh và là niềm mơ ước của hàng vạn gia đình. Ngân sách nhà nước phải đầu tư cho công việc này.

- Bảo tồn ba cổng Thành Nghệ An. Hoàn thiện việc phục dựng hồ thành. Cần thiết và có thể phục dựng lại một vài đoạn Thành cổ, để cư dân và du khách hiện nay có thể hình dung diện mạo và cấu trúc của thành trước đây. Việc này không khó về thông tin, kỹ thuật và cũng không tốn kém quá nhiều kinh phí, mặt bằng cũng khá thuận lợi.

- Bảo tồn Đền Hồng Sơn như nguyên dạng

- Bảo tồn nguyên trạng cổng tam quan của Chùa Diệc

II.2. Phục dựng một số di sản tiêu biểu

Khi phục dựng những di tích cũ cố gắng tối đa để giữ được dáng vẻ, nét kiến trúc của công trình xưa dựa trên những bức ảnh, hoặc thông tin hiện có. Cần thiết và có thể:

- Phục dựng Văn Miếu tại vị trí cũ, nhưng diện tích thu gọn lại

- Phục dựng chùa Diệc tại vị trí cũ, nhưng diện tích, quy mô cũng thu hẹp lại

- Phục dựng chùa Tập Phúc tại vị trí cũ, nhưng diện tích, quy mô cũng thu hẹp lại

- Phục dựng lạimột số hạng mục của Bến phà Bến Thủy. Đây là việc cần làm ngay, vì tại đây đã triển khai một dự án lớn về bất động sản, nếu muộn sẽ phải trả giá đắt.

II.3. Đặt bia dẫn tích cho một số di sản hiện không có khả năng, hoặc không cần phục dựng:

Cần thiết và có thể đặt bia dẫn tích (kèm ảnh tư liệu) tại vị trí một số công trình kinh tế, văn hóa, dân sinh tiêu biểu ghi dấu sự ra đời và phát triển của thành phố Vinh thời kì thuộc Pháp. Có thể liệt kê:

- Chợ Vinh

- Phố Hoa kiều (đường Cao Thắng hiện nay)

- Dinh Công sứ (khu vực đối diện cầu Cửa Tiền, trên đường Lê Hồng Sơn hiện nay)

- Ga Vinh (Trung tâm Điện ảnh đa phương tiện hiện nay)

- Nhà băng Đông Dương (Khu vực tòa nhà Dầu khí hiện nay)

- Trường Tiểu học Pháp Việt (trên đường Đặng Thái Thân hiện nay)

- Trường Quốc Học Vinh (Khu vực Bến xe Vinh vừa dời đi)

- Nhà thương Vinh (trên đường Phan Đình Phùng)

- Bưu điện Vinh (gần BigC hiện nay)

- Trường Thi và Nhà máy Xe lửa Trường Thi (khu vực gần Khách sạn Phương Đông hiện nay)

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434837

Hôm nay

2108

Hôm qua

2349

Tuần này

21487

Tháng này

211885

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434837