Những góc nhìn Văn hoá

Hồ Xuân Hương không muốn làm đàn ông

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

Hồ Xuân Hương

Nghiên cứu Hồ Xuân Hương đến nay tựu trung vẫn còn một tam giác vấn đề: tiểu sử, văn bảndâm tục. Có một hay nhiều Hồ Xuân Hương? Tác giả thơ nôm truyền tụng và Lưu hương ký là cùng người? Thơ Hồ Xuân Hương là của một người nữ hay của nhiều đàn ông đội danh nàng? Và, do vậy, nếu chỉ có một nữ thi nhân Hồ Xuân Hương, thì bài thơ nào là của nàng? của Bà Huyện Thanh Quan? của dân gian? Trong tình hình tư liệu hiện nay khó mà đưa ra được một lời cuối về tiểu sử và văn bản. Tất cả đều là những giả thuyết đang vẫy gọi những luận chứng khoa học. Duy vấn đề dâm tục, dẫu cũng là một mớ bòng bong, nhưng ít nhiều không phụ thuộc vào tư liệu. Chọn nghiên cứu dâm tục trong thơ nôm truyền tụng chẳng những khai mở được thực chất thơ Hồ Xuân Hương, mà còn có thể định hướng một cách giải quyết tiểu sử và văn bản.

Tranh v n s H Xun Hng ca danh ha Bi Xun Phi.

Tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái. (nguồn intenet)

Trước hết, tồn tại hay không tồn tại (to be or not to be) cái dâm cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương? Tuyệt đại đa số đều nói . Thậm chí người ta còn làm một loại hình học về dâm tục, như dâm tục ít, dâm tục nhiều (Trần Thanh Mại), dâm tục có tính tư tưởng và dâm tục không có tính tư tưởng (Đặng Thanh Lê). Từ đó đi đến kết luận bài thơ nào dâm tục nhiều mà lại không có tính tư tưởng thì đích thị không phải của Hồ Xuân Hương mà do một Hồ Xuân Hương đực nào đó gài vào. Thiểu số tuyệt đối cho rằng không, bởi chuyện ấy, cái ấy trong thơ Hồ Xuân Hương là nhu cầu tự nhiên của con người có gì đâu mà chả dâm với tục (Đỗ Đức Hiểu). Nhưng hai ý bất đồng trên lại đồng với nhau ở một điểm: đó là sự lúng túng, bất cập. Bởi, họ đều công nhận thơ Hồ Xuân Hương có giá trị nghệ thuật lớn, nhưng ác nỗi cái nghệ thuật ấy, cái thánh ấy, lại gắn chặt với cái tục như hai mặt của một tờ giấy, hơn nữa càng dâm tục bao nhiêu thì càng nghệ thuật bấy nhiêu.

Sai lầm lớn nhất của các nhà nghiên cứu nói trên là đường lối tư tưởng. Với họ chỉ được chọn một: hoặc là dâm tục, hoặc là không dâm tục. Từ bỏ lối tư duy theo nguyên lý loại trừ nói trên, tôi chọn lối tư duy theo nguyên lý bổ sung. Thơ Hồ Xuân Hương vừa là dâm tục, vừa là không dâm tục, tức vừa thanh, vừa tục. Để chứng minh được hệ luận bất thường này, tôi đi theo hai con đường vừa hữu thức (1) vừa vô thức (2). Đến với con đường thứ nhất là một hệ pháp (paradigme) lần ngược đường dây lịch sử: thơ Hồ Xuân Hương → lễ hội dân gian → tục thờ cúng phồn thực → tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng phồn thực là niềm tin vào sự sinh sôi nảy nở ở con người, vật nuôi và cây trồng của nhân loại vào thời Đá mới. Khi có tôn giáo lớn xuất hiện thì tín ngưỡng phồn thực lịm dần. Riêng ở Việt Nam, một nước nông nghiệp với nền văn minh thực vật, thì tín ngưỡng phồn thực vẫn sâu gốc bền rễ. Ở sự tôn thờ sinh sôi nảy nở này thì thiêng tục là một, trong tục có thiêng trong thiêng có tục. Thơ Hồ Xuân Hương là sự ảnh xạ, là sự hoài niệm của tín ngưỡng phồn thực, nên trong thơ nàng thanhtục cũng là một, trong tục có thanh, trong thanh có tục, như âm dương trong thái cực đồ.

Con đường thứ hai là ở người nguyên thủy không có tư duy trừu tượng, mà tư duy hình tượng. Bởi vậy, niềm tin vào sự phồn thực phồn sinh được gửi vào tục thờ cúng hình tượng âm vật, dương vật và hành động tính giao. Khi xã hội phân hóa, sự hòa đồng nguyên thủy bị đánh vỡ, người ta bắt đầu phân biệt cao/thấp, thiện/ác, tốt/xấu, thiêng/tục, thanh/tục… Và nửa trên của hệ giá trị này được khuyến khích, còn nửa dưới bị trấn áp, chà đạp. Các hình tượng sinh thực khí bị dồn đẩy vào tiềm thức, rồi vô thức tập thể thành các cổ mẫu (archétype). Các sơ nguyên tượng này luôn tồn tại một cách mập mờ trong huyền thoại, cổ tích, phong tục tập quán, hội hè đình đám, trong ngôn ngữ, trong các trò đố tục giảng thanh hay đố thanh giảng tục, trong thơ ca dân gian. Đặc biệt ở thơ Hồ Xuân Hương, các cổ mẫu xuất hiện như là các biểu tượng phồn thực, mà sự phong phú của nó có thể tạo thành một loại hình học. Các biểu tượng gốc chính là các cổ mẫu, như âm vật: hang động, khe kẽm, cối; dương vật: sừng, chày; hành động tính giao: đâm, húc, chày cối, đánh đu. Các biểu tượng phái sinh do chính Hồ Xuân Hương sáng tạo ra, như âm vật: cái quạt (“vành ra ba góc da còn thiếu”), cán cân (“tạo hóa rơi đâu mất”), miệng túi (“càn khôn khép lại rồi”); hành động tính giao: dệt cửi (“hai chân đạp xuống năng năng nhắc”), châm (“ong non ngứa nọc”). Biểu tượng gốc có ý nghĩa dâm tục cả ở trong thơ Xuân Hương lẫn ngoài thơ nàng, còn biểu tượng phái sinh thì chỉ có ý nghĩa ấy trong thơ Hồ Xuân Hương mà thôi. Nếu biểu tượng gốc là sản phẩm của vô thức tập thể thì biểu tượng phái sinh mới là sáng tạo cá nhân của nhà thơ. Một nhà thơ lớn bao giờ cũng vừa tuân theo truyền thống, tức vô thức tập thể, vừa chống lại truyền thống, để có sáng tạo cá nhân.

Đến đây hẳn bạn đọc phải tự đặt cho mình một câu hỏi: vậy, Hồ Xuân Hương, nàng là ai? Trước khi đi vào chủ thể sáng tạo này, hãy điểm qua vài nét về cái thời đại đã sinh ra nàng và nàng cũng góp phần sinh ra nó. Hồ Xuân Hương sinh sống (sinh và sống) vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ, thời ý thức hệ toàn trị Nho giáo hoàn toàn bị suy sụp. Phật giáo, Đạo giáo, nhất là lễ hội dân gian phục hưng trở lại. Chiến tranh liên miên vì “lợi ích nhóm” giữa các tập đoàn thống trị. Trong xã hội xuất hiện hai tầng lớp mới, trước đó chưa có, là quan binhthương nhân. Các đô thị, kể cả kinh đô, chất thị (buôn bán) dần dần lấn át chất đô (hành chính). Tư tưởng thị dân hình thành và bắt đầu chi phối ý thức hệ nhà nho chính thống, làm nảy sinh một tầng lớp tri thức mới: nhà nho tài tử, nhà nho phi chính thống, thậm chí nho phi nho. Như Phạm Thái, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Nhậm… Họ đi tìm tự do, trong đó quan trọng nhất là tự do lựa chọn, như chọn minh chủ, chọn tình yêu nhằm thể hiện tài năng của mình, được là mình, tức phát triển ý thức cá nhân. Họ trở thành một lớp tác giả văn học mới.

Hồ Xuân Hương là con gái một người đàn bà phố thị xứ Bắc và mộtông đồ Nghệ, đầu bảng trong các loại “đồ” hay chữ như đồ Bắc, đồ Nam, đồ Quảng. Nàng đã theo cha đi “bán chữ” khắp thiên hạ, rồi định cư ở Thăng Long/Kẻ Chợ. Nàng đã tiếp xúc với đủ loại người, học lời ăn tiếng nói, đặc biệt là cách nói của những người thị dân. Hồ Xuân Hương cũng có được một vốn tri thức bác học từ người cha và các bè bạn của cha. Chỉ riêng việc khi làm thơ, mà chủ yếu là thơ đối đáp, thơ đối cảnh sinh tình, thơ ứng diễn, Hồ Xuân Hương không chọn thể thơ lục bát dân gian, mà thơ Đường luật bác học đã chứng tỏ trình độ học thức cập thời đại của nàng. Khi sống cạnh hồ Tây, nàng mở “thi xã Khán Xuân”, một salon văn học dân sự đầu tiên (bởi Tao Đàn của Lê Thánh Tông là thi xã quan phương, quốc doanh) để chiêu mộ các tao nhân, mặc khách như Nguyễn Du, Tốn Phong Thị, Trần Phúc Hiển,…đã nói lên nhiều điều. Quả thực, Hồ Xuân Hương là một thị dân một trăm phần trăm đồng thời cũng là một nhà nho tài tử chính hiệu. Có thể nói, trong thời đại của mình, nàng là một gái mới, tức một phụ nữ tân tiến thường xuất hiện ở những bước ngoặt tư tưởng văn hóa – xã hội.

Đứng trước sự lựa chọn con đường cách tân thi ca, các nam tài tử như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, theo “dòng máu chứa đầy điển tích” (chữ Nguyễn Huy Thiệp) đã đi đến với văn học đô thị Minh – Thanh Trung Hoa, đặc biệt là tiểu thuyết tài tử giai nhân. Các ông đã phóng tác ra truyện thơ lục bát những tiểu thuyết văn xuôi đề cao sinh hoạt thị dân và tình yêu tự do, thành những tân thanh, như Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều. Còn Hồ Xuân Hương, thì ngược lại theo bản năng đàn bà của mình, nàng quay về với văn hóa bản địa, tìm tiếng nói mới của mình trong với tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian. Mà ở Việt Nam thì dân gian còn lồng trong dân tộc, còn dân tộc thì lại lồng trong nhân loại. Một nhân loại thuở khai thiên lập địa. Thơ Xuân Hương, bởi vậy, mang một cái nhìn vũ trụ luận cổ sơ. Người đàn bà minh triết này đã nhìn thấy tương lai trong quá khứ. Dường như ngã rẽ này, trí tuệ của trái tim thì sáng suốt hơn trí tuệ của đầu óc?

Tiếng nói vũ trụ luận cổ sơ ấy chính là tính dục. Nếu tình yêu mang tính chất cá nhân, mong manh và thoáng chốc, thì tính dục mang tính tộc loại, mạnh mẽ và ngoài thời gian. Nếu ăn uống là bản năng gốc nhằm duy trì đời sống cá thể, thì tính dục là bản năng gốc nhằm duy trì đời sống tộc loại. Ca ngợi tính dục, chính là ca ngợi sự sống. Như vậy, cùng đi tìm một cách tân thơ ca, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, đôi tình nhân một thuở ấy, đi trên hai nẻo tưởng chừng như ngược nhau. Mã tính dục của thơ họ là khác nhau, nhiều khi đối nghịch nhau. Mã tính dục bác học của Nguyễn Du với những chim xanh, con ong, cái bướm, vườn hồng, đóa trà mi, ngậm gương, Tống Ngọc, Trường Khanh, còn mã tính dục dân gian của Hồ Xuân Hương là quả mít, ốc nhồi, cõi hầm, kẽ rêu, quạt giấy, chày cối, sừng, dùi trống, châm, móc, húc, dệt cửi… Tuy nhiên, các hình tượng tính dục của Hồ Xuân Hương, không thuần túy là dân gian. Cái nhìn đực cái lưỡng phân lưỡng hợp, nguyên lý âm dương đắp đổi, triết luận phồn thực, đã mang lại cho thơ nàng một minh triết. Sự lựa chọn ấy ở/của Hồ Xuân Hương không chỉ là lựa chọn của thời đại như ở/của Nguyễn Du, mà còn chủ yếu là của thiên tính nữ Việt, của Vệ nữ nguyên thủy Việt. Cũng may vì không thèm đổi phận làm trai, mà trong thơ Việt Nam, trong văn hóa Việt Nam mới còn giữ lại được một kỳ nữ, một thiên tài thơ trác tuyệt, có một không hai.

Hồ Xuân Hương, có thể nói, là người đặt nền móng cho văn hóa tính dục Việt Nam. Trung Hoa ngay từ đầu đã có văn hóa tính dục. Một nhánh của Đạo giáo coi giao hợp là một thuật dưỡng sinh, nên các đạo sĩ thầy thuốc nghiên cứu tình dục rất kỹ. Các tác phẩm Hoàng đế nội kinh, Tố nữ kinh, Phòng trung thuật, Xuân cung đồ đều dạy nghệ thuật làm tình cho tầng lớp quý tộc. Sau này Trung Hoa còn có thêm một tầng lớp thương nhân giàu có, tiền lời lãi không tái đầu tư mà đổ vào ăn chơi và nuôi các nhà triết học, các văn sĩ, họa sĩ. Bởi vậy, họ có cả một kho tiểu thuyết hoa tình (érotique), thậm chí khiêu dâm (porno), như Kim Bình Mai, Nhục bồ đoàn… Xã hội Việt Nam cổ truyền không có một tầng lớp đại gia, Đạo giáo dưỡng sinh không phát triển, còn Nho giáo chủ yếu là Tống nho kiểm soát dục vọng con người rất chặt chẽ. Người ta, nhất là tầng lớp trên, chỉ biết đến chính dâm, tức dâm để sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống, còn dâm để hưởng thụ lạc thú thì bị coi là tà dâm, không ai dám/muốn nhắc đến. Thế mà Hồ Xuân Hương, trong thơ của mình, dám ca ngợi thứ dâm ấy. Nàng gọi đó là thú vui (“Thú vui quên cả niềm lo cũ/Kìa cái diều ai nó lộn lèo”). Nàng trách người thợ vẽ khi vẽ người không vẽ cái thú vui ấy (“Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/Trách người thợ vẽ khéo vô tình”). Đây là chỗ Hồ Xuân Hương, người đàn bà ấy, đã cất tiếng chống lại ý thức hệ chính thống giả dối, thích “đi đêm” (“Ban ngày quan lớn như thần/Ban đêm quan lớn tần ngần như mà…”), đồng thời mở đầu cho văn hóa tính dục.

Thơ Hồ Xuân Hương là thơ tôn thờ sự sống. Một sự sống trình hiện với đầy đủ các hành động, màu sắc, âm thanh, hình khối dạng thức… Vì thế, thơ nàng là thơ của động từ, của tính từ chỉ phẩm chất và trạng từ chỉ cách thức, mức độ thật khác xa với thơ Bà Huyện trang trọng, cách vời làm bằng những danh từ, mà lại là danh từ Việt Hán, lấy quá khứ làm hiện tại. Tôn thờ sự sống ở đây và bây giờ, Hồ Xuân Hương chống lại cái chết, chống lại mọi thế lực ngăn cản dòng sống. Đầu tiên là các thầy chùa, những người diệt dục này đã ngăn cản dòng sống một cách nhân tao, mà nhiều khi có thắng được bản năng đâu (“Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc/Trái gió cho nên phải lộn lèo”). Sau đó là phụ nữ vô âm, á nam á nữ, do lỗi của tự nhiên nên không có khả năng sinh nở? Với những người đàn bà này, mà trước đây các nhà nghiên cứu cứ gán cho là quan thị, vì họ không thấy đằng sau tiếng cười của Xuân Hương là nước mắt. Còn với những người đàn ông, thơ Xuân Hương có thái độ lưỡng giá. Một mặt phê phán thói đa thê khiến nhiều phụ nữ phải cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” hoặc “năm thì mười họa hay chăng chớ.” Mặt khác ca ngợi những hiền nhân, quân tử “mói gối chồn chân vẫn muốn trèo.” Những người đàn bà trong thơ Hồ Xuân Hương là người duy trì và bảo vệ sự sống. Đây là cội nguồn sâu xa của ý thức nữ quyền, của giá trị tư tưởng thơ Xuân Hương, chứ không chỉ chống bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, đồng thời quan trọng hơn, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam tính dục được nhìn bằng con mắt của phụ nữ. Và, từ đó, có một viết nữ.

Cuối cùng, cái làm cho Hồ Xuân Hương trở thành Hồ Xuân Hương là thiên tài ngôn ngữ của nàng. Tiếng-Việt-Xuân-Hương, quả thực, rất tài tình. Mỗi từ mỗi chữ của nàng đều có hai nghĩa thanh và tục, từ đó câu thơ thanh và tục, bài thơ thanh và tục. Mỗi bài thơ là một biểu tượng, biểu tượng phồn thực. Thanh và tục xoắn luyến vào nhau, càng thanh bao nhiêu thì càng tục bấy nhiêu và ngược lại. Tôi gọi đó là lấp lửng hai mặt (équivalence). Điều này đã tạo ra một phong cách ngôn ngữ độc đáo, lệch hẳn với chuẩn ngôn ngữ chung của thời đại, mà tiêu biểu là thơ Bà Huyện Thanh Quan. Điều này tạo nên phong cách thơ Xuân Hương. Chính phong cách là lệch chuẩn này đã phá vỡ phong cách thơ Đường, phá vỡ “hồn thơ” Đường, để tạo nên một thơ Đường mới, Đường phi Đường. Bởi thế, mỗi bài thơ Xuân Hương là một lễ hội. Trước tiên là một hội hè ngôn ngữ, với âm thanh và màu sắc, với đủ loại trò chơi và trò diễn. Sau đó thơ nàng mang một bản chất lễ hội. Bởi, lễ hội là sự vi phạm một cách nghiêm trang các cấm kỵ (Freud). Trong không gian thiêng và thời gian thiêng của lễ hội, người hành hương trẩy hội tha hồ vi phạm các cấm kỵ (như trai gái sờ soạng nhau ở hang Cắc Cớ chùa Thầy, ở Hội Chen làng Nga Hoàng, hoặc ngủ với nhau bờ ruộng, sonwf đê vào đêm rã đám ở Hội La, Hội Gióng, mà không bị phạt vạ, bởi lúc này tục là thiêng, thiêng là tục. Điều này tạo ra tính xả láng, niềm vui, vui như hội, niềm vui của hội hè đình đám. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, cũng như tham dự vào một lễ hội, có được niềm thích khoái thẩm mỹ là được ăn trái cấm mà không sợ bị trừng phạt.

Hiện nay, cái tên riêng Hồ Xuân Hương đã trở thành danh từ chung, hoặc một tính từ. Ai làm thơ dâm tục, ai giữa thanh thiên bạch nhật dám nói to lên những “cái ấy,” “chuyện ấy” thì người ta gọi thơ ấy, người ấy là “rất Hồ Xuân Hương.” Còn nhà thơ nữ ngoại quốc nào nổi tiếng về viết tình dục, như Murasaki xưa kia và Dimitrova ngày nay, thì được gọi là “Hồ Xuân Hương Nhật Bản” hay “Hồ Xuân Hương Bungary.” Thực ra, cách thậm xưng đó không chính xác, làm giảm giá Hồ Xuân Hương Việt. Hồ Xuân Hương không thể ngang bằng họ ở cạnh khía bạo dạn tình dục, ở cạnh khía nói tình dục trực diện. Bởi, nàng nói dâm tục một cách gián tiếp thông qua sự lấp lửng hai mặt. Quả thực, lấp lửng hai mặt ở mọi cấp độ (ngôn ngữ, biểu tượng, tư duy nghệ thuật, triết luận phồn thực) mới chính là bản thể thơ Hồ Xuân Hương. Chỉ ở thực chất này, thơ Hồ Xuân Hương mới “treo giải nhất chi nhường cho ai” cả ở Việt Nam và trên thế giới./.

(Bài đã đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 5)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442673

Hôm nay

2187

Hôm qua

2299

Tuần này

2486

Tháng này

217847

Tháng qua

112676

Tất cả

114442673