Những góc nhìn Văn hoá

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Từ người chiến sĩ trở thành cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam

 

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ngày 10-12-1922, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông từng là thành viên đi đầu sáng lập ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957, là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là Tổng Thư kýtrong 2 khóa (I&II), từ năm 1957-1983. Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng, là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết opera với vở Cô Sao, cũng là tác giả của bản "Du kích sông Thao" nổi tiếng.

Người chiến sĩ bị tù đày trở thành nhạc sĩ

Ns Đỗ Nhuận khi còn trẻ đã từng sống nhiều năm ở TP cảng Hải Phòng - một mạch nguồn văn nghệ những thập niên đầu thế kỷ XX. Nhờ có năng khiếu âm nhạc, khi mới 14 tuổi, ông đã tự học âm nhạc dân tộc và biết chơi sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu... cho bà con lối xóm nghe. Sau đó, tại TP Cảng, trong không khí âm nhạc cải cách bắt đầu phôi thai thời bấy giờ, ông đã sớm được tiếp xúc với tân nhạc, học đàn guitare, banjo, violon, và học ghi âm. Năm 1939, thành công của Đỗ Nhuận là viết bài hát đầu tiên ở tuổi 17 - bài “Trưng Vương”, nhằm kỷ niệm ngày khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở tỉnh Hải Dương. Bài hát này được phổ biến rộng rãi và đã xuất bản ngay vào năm đó.

Tham gia hoạt động cách mạng, năm 1943, Đỗ Nhuận bị thực dân Pháp bắt giam và bịđày đi Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi lên Nhà tù Sơn La. Ông đã thực sự giác ngộ cách mạng ngay từ trong tù, sự giác ngộ của một trí thức yêu nước và trở thành người Đảng viên Cộng sản từ những ngày lao tù ác nghiệt này. PGS.TS - Ns Đỗ Hồng Quân kể về cha mình: “Nhiều bài ca cách mạng đã được ông viết ngay trong nhà tù thực dân, như: “Chiều tù”, “Côn Đảo”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân” (lời Đào Duy Kỳ), “Viếng mồ tử sĩ” (bài hát sau này được trở thành nhạc tang lễ cả nước)... Từ đó, ông lớn lên với cái nôi âm nhạc truyền thống, tự học và bước những bước tự tin vào nền âm nhạc dân tộc. Cũng chính từ đâm mê âm nhạc, với các bài ca về cách mạng, mà Đỗ Nhuận đã đến với cách mạng từ lòng yêu nước, căm thù giặc của mình. Từ những bài hát mang cảm hứng lịch sử như: “Chim than”, “Lời cha già”, “Đường lên Ải Bắc”…, ông đã soạn nên ca kịch “Nguyễn Trãi - Phi Khanh”. Cùng thời với ông, nhà thơ Hoàng Cầm đã biên soạn vở kịch thơ “Hận Nam Quan” cùng các đề tài lịch sử.

Khi ra chiến khu đi kháng chiến, cảm hứng về chiến khu, về rừng núi, đã gợi cho ông khi ra tù về thủ đô Hà Nội, chú tâm viết tiếp bản trường ca “Du kích ca” và bài “Nhớ chiến khu” ngay trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng của Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 ở Hà Nội và ở quê ông.

Và những bài ca nổi tiếng

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngay khi đồng bào Nam Bộ đi vào kháng chiến (23-9-1945), ông có ngay bài “Tiếng súng Nam Bộ” rồi bài Nhớ chiến khu (1945), Đoàn lữ nhạc. Các bài hát này được phổ biến rộng rãi toàn quốc trong những ngày đầu chiến tranh ở Nam bộ, đã khơi dậy niềm tin chiến thắng cho cả quân & dân cả nước ta. Suốt 9 năm trường kỳ chống Pháp, Đỗ Nhuận đi liền không nghỉ, qua thực tế đã viết nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh, thúc giục quân & dân cả dân tộc trong cuộc hành trình đầy gian khó, hy sinh, nhưng vẫn luôn đầy niềm tin của ngày chiến thắng.

Bên cạnh bài ca nổi tiếng “Áo mùa đông” trữ tình, Ca ngợi Hồ Chủ tịch  đầy trang trọng là bản trường ca “Du kích Sông Thao” với những âm hưởng bi tráng, hào hùng mà bây giờ nghe lại ta vẫn như thấy dòng sông Thao đang cuồn cuộn chảy. Đặc biệt nhất, sau trận Điên Biên Phủ, ông đã có bộ sử thi bằng âm nhạc về trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ: “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên” và các bài ca về “Chiến thắng Tây Bắc”... đầy niềm tin chiến thắng.

Hòa bình lập lại, sau 3 năm, dù mang trọng trách là Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngay khóa I, Đỗ Nhuận vẫn không ngừng tập trung trí tuệ sáng tác. Ông là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ các nhạc sĩ đầu tiên của tân nhạc (lúc đó đa phần tự học) được Đảng, Nhà nước cử đi tu nghiệp Đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô từ 1960-1963), từ đó, ông đi vào nhạc kịch.

Cũng chính từ đó, Đỗ Nhuận là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên đã đến với Opéra trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tác phẩm “Cô Sao” (1965). Rồi sau đó, các tác phẩm “Người tạc tượng” (1971), “Nguyễn Trãi” (1980)... ra đời. Bên cạnh những thành tựu về nhạc kịch, Đỗ Nhuận còn có những tác phẩm khí nhạc đi vào kinh điển như: “Tứ tấu Tây Nguyên” (1964) cho đàn dây, “Mùa xuân trong rừng” (1963) cho flute và piano, Violon và dàn nhạc “Vũ khúc Tây Nguyên” đã để lại tên tuổi của nhạc sĩ sáng tác cho đồng bào dân tộc... Song dù bằng thể loại nào, thì ông vẫn gắn bó với những ca khúc cách mạng đầy bản sắc dân tộc mà nay ta nghe vẫn cảm nhận được tâm hồn, tình cảm của ông gửi gắm qua âm nhạc, như: “Việt Nam quê hương tôi”, “Người chiến thắng là anh”, “Giặc đến nhà ta đánh”, “Vui mở đường”, “Trống hội tòng quân”, “Trai anh hùng gái đảm đang”, “Hát mừng các cụ dân quân”, “Quê ta từ đất dấy lên”, “Trông cây lại nhớ tới Người” (cải biên điệu hò Ví Giặm xứ Nghệ), và các bài xây dựng đất nước: “Em là thợ quét vôi”, “Đường bốn mùa xuân”,”Quê ta từ đất dấy lên”, “Thắm hoa núi rừng”, “Thương binh ca”, “Tiếng hát đầu quân”… Thật là một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của thế hệ các nhạc sĩ cách mạng đầu tiên, đến và trung thành với Đảng ta đến cùng.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã xuất bản nhiều tuyển tập âm nhạc, như: Chiến thắng Điện Biên Phủ (1961), Người tạc tượng (1973), Việt Nam quê hương tôi (1977), Tuyển chọn ca khúc Đỗ Nhuận (1994) và Album Audio phim truyền hình Video Đỗ Nhuận, Người nhạc sĩ của Nhân dân (1996), tập hồi ký Âm thanh cuộc đời (2004), chương trình Con đường Âm nhạc trên VTV3 “Việt Nam quê hương tôi” (2011),… Những tác phẩm ấy đã khắc họa chân dung một người nhạc sĩ tài ba, trung thành tuyệt đối với cách mạng, với Đảng.

Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều huân, huy chương; Huy hiệu 45, 50 năm tuổi Đảng và các giải thưởng quan trọng khác. Năm 1995, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt phong tặng đầu tiên của cả nước với các ca khúc nổi tiếng: “Áo mùa đông”, “Du kích Sông Thao”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Trông cây lại nhớ tới Người” đầy lòng tự hào dân tộc. Mỗi khi nghe lại những âm điệu nhạc này, ta càng thêm tôn kính và ngưỡng mộ ông - người nhạc sĩ hàng đầu đất nước, cây đại thụ tài ba củaâm nhạc nướcnhà.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434779

Hôm nay

250

Hôm qua

2349

Tuần này

21429

Tháng này

211827

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434779