Văn hoá học đường

Đừng đánh đồng cái mới với tốt, coi cái cũ là xấu

Bác Hồ nói, có cái cũ mà xấu, có cái cũ mà không xấu, có cái cũ mà tốt, có cái mới mà hay.

Nhớ lại thời chiến tranh, có những nước chỉ chuyên chú tập trung sản xuấtvũ khí mới thật nhiều để có thể giết người hàng loạt. Những loại vũ khí mới đó, “văn minh” đó là đi ngược lại trào lưu tiến bộ của nhân loại.

Ngày nay cũng có những quốc gia, tổ chức nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vật dụng phục vụ cuộc sống con người, nhưng lại hủy hoại môi trường sinh thái. Cái đó cũng không thể gọi là hay.

Đổi mới (ngôn ngữ Việt Nam), cải cách (từ dùng của Trung Quốc), cải tổ (cách dùng của Liên Xô trước đây) là xu thế của thế giới, là đòi hỏi khách quan, là sự vận động tất yếu của lịch sử xã hội loài người.

Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nước ta qua 35 đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đem lại một cơ đồ, vị thế chưa từng có, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới.

Như thế, đổi mới là hay, là tốt. Nhưng trong công cuộc đổi mới, một số cá nhân, tổ chức lại giáo điều, rập khuôn, máy móc theo kiểu có lúc thì quá nhấn mạnh thực tiễn, kinh nghiệm Việt Nam, có khi lại quá đề cao xu thế của thế giới, không nghiên cứu, suy nghĩ một cách thấu đáo, chín chắn, dẫn tới có những cái cũ mà tốt thì lại bỏ, có những cái mới không hay, không tốt lại làm. Nhiều cá nhân, tổ chức vô tình hay cố ý đánh đồng giữa cái mới với hay, coi đã cũ là xấu.

Đang có một hội chứng nói và làm về 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là câu chuyện của thế giới toàn cầu, trong dòng chảy tất yếu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kỷ nguyên thông tin và tri thức, hay và rõ như ban ngày, ai cũng biết. Nhưng “hội chứng” nói và làm 4.0 thì phải xem lại! Không phải bất cứ cái gì, ở đâu, mọi không gian, thời gian, lứa tuổi, cứ mở miệng là nói 4.0, coi đó là hợp xu hướng thế giới, là hay, là tốt, là phải thực hiện.

Gần đây nhất là câu chuyện Bộ Giáo dục cho học sinh PTCS dùng điện thoại trong lớp học với sự lý giải vì nó phù hợp với “Chương trình mở, Internet, cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với thế giới, xu hướng học tập của tương lai, công nghệ phát triển thì học sinh phải thông minh, phải biết dùng Smartphon”, v.v... Câu chuyện này đang có những ý kiến khác nhau, đồng tình và không đồng tình, thậm chí phản đối. Vấn đề ở chỗ giải thích theo tư duy “hội chứng” 4.0, hợp xu hướng thế giới mà lại xa thực tiễn là không ổn. Smartphon không có tội gì, nó hay, tốt, nhưng sử dụng ở đâu, dùng như thế nào? Cho học sinh dùng Smartphon không đúng chỗ, không đúng cách có khi lại là sự “thông minh trống rỗng”.

Ảnh mang tính chất minh họa. nguồn vietnamnet.vn

Giáo dục nói chung, tiểu học và PTCS nói riêng cơ bản và chủ yếu vẫn là học để làm người. Smartphon không làm được điều này. Có khi hữu hiệu của Smartphon lại ngược lại. Ai dám đảm bảo chắc chắn màn hình chiếc Smartphon trước mặt trẻ khi cô giáo cho phép dùng là phục vụ học hay lại là thông tin xấu, độc? Một em thấy trang khiêu dâm hay lại truyền sang nhiều em khác thì sao?

Xu hướng thế giới ư? Nước Pháp khoảng 80% người không đồng tình việc cho học sinh PTCS dùng điện thoại trong lớp. Một số nước phát triển cũng do dự, băn khoăn. Thế giới nói đến “không giáo dục trẻ theo kiểu mọi kiến thức của nhân loại đã được bày lên mạng. Trong giáo dục không được quên mối quan hệ con người, giữa nhà giáo dục và trẻ. Đó là điều chính yếu. Hãy mở cửa cho trẻ với sự đối thoại của các nền văn hóa. Tư duy phân tích, phản biện, cởi mở, nỗ lực, tự tin, thích tò mò, học hỏi không thể tìm thấy ở Smartphon mà phải qua vai trò của thầy cô”.

Phải đi tìm cái mới mà hay, không phải chạy theo trào lưu cái mới. Hình như ở chỗ này, chỗ kia, chúng ta có xu hướng phải phát hiện ra cái mới, còn hiệu quả ra sao không tính đến. Thậm chí có những cái mới ra vài tháng, vài tuần đã phải bỏ, lãng phí vô cùng. Tôi nhớ vài năm trước có một bộ ra thông tư, chỉ thị về xe chính chủ; người lép ngực không được đi xe; trong xe (cả các loại xe không thiết kế chỗ để bình cứu hỏa) phải có bình cứu hỏa; thịt chỉ được bán trong 8 tiếng;... Gần đây nhất là quy định thời hạn bằng lái xe chỉ trong 5 năm, v.v... Tất cả sau đó, vì không phù hợp thực tế, một thời gian ngắn phải hủy bỏ.

Chúng ta lại có hội chứng “Khởi nghiệp”. Người người khởi nghiệp. Nhà nhà khởi nghiệp. Ngành ngành khởi nghiệp. Cả nước khởi khởi nghiệp. Khởi nghiệp là cái mới, bản chất là hay, nhưng không phải ai làm cũng hay, cũng đem lại hiệu quả. Trên truyền hình đã từng có chương trình dạy trẻ PTCS làm khởi nghiệp. Khi xem chương trình đầu tiên, tôi đã thấy không ổn. Trên thực tế rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp thất bại.

Bán hàng đa cấp. Mới du nhập vào Việt Nam thời mở cửa. Người người, nhà nhà chạy theo đa cấp. Rốt cuộc có mấy cái đa cấp tồn tại? Phần nhiều là đổ vỡ.

Về cái cũ. Đúng là có cái cũ mà xấu thì phải bỏ như tính lười biếng, tham lam, tham ô, lãng phí, quan liêu… Có cái cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, như việc hiếu, hỉ quá xa xỉ, tốn kém, lãng phí thì giờ và tiền bạc của cá nhân, gia đình và nhân dân.

Trong khi đó, nhiều cái cũ mà tốt, lại không phát triển thêm, thậm chí có người cho là không hợp thời, khó làm không làm. Trong đổi mới hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng các phẩm chất thời cách mạng giải phóng dân tộc, hy sinh đấu tranh giành độc lập dân tộc bây giờ không phù hợp với thời kỳ mới phát triển kinh tế thị trường, làm cho dân giàu, nước mạnh. Thí dụ các đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cấp chiến lược thì hành động theo kiểu vì mình, lợi ích nhóm, dính chặt vào vòng danh lợi.

Những suy nghĩ dẫn tới hành động như vậy là nguy hại vô cùng, là kẻ thù của nhân dân, của đất nước, của đổi mới, trở lực lớn nhất trên con đường phát triển, cần được phanh phui, trừ bỏ. Hơn lúc nào hết, những cái cũ mà tốt như tận trung với nước, tận hiếu với dân, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính cần phải được phát triển thêm. Công dân nói chung, cán bộ đảng viên nói riêng, thời cách mạng giải phóng dân tộc hay đổi mới, đều phải biết “làm người”. Đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. Làm đảng viên cộng sản, người lãnh đạo chủ chốt đứng đầu các cấp, cán bộ chiến lược cũng phải, càng phải trên cái nền “làm người” đó.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443537

Hôm nay

295

Hôm qua

2333

Tuần này

21350

Tháng này

218711

Tháng qua

112676

Tất cả

114443537