Văn hoá học đường
Bình thường mới cho giáo dục
Học online (nguồn internet)
Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng dịch, và đợt gần đây nhất đã gây nên một cơn “địa chấn” dữ dội, tác động toàn diện, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống, để lại những hậu quả cũng như di chứng khủng khiếp cho cả con người, kinh tế, an sinh… Và tất nhiên trong bối cảnh ấy, giáo dục cũng không thể tránh được những tổn thất nặng nề.
Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế liền sau đó đã chính thức xác lập về mặt pháp lý cho trạng thái “bình thường mới” của xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, nó có nghĩa là từ đây sẽ chuyển từ chống dịch cực đoan với ngăn sông cấm chợ, với cát cứ và sợ hãi sang tái lập một xã hội “thích ứng an toàn” với dịch. Vậy, giáo dục có thể “bình thường mới không”, và cái bình thường ấy nên như thế nào?
Dạy học online đã được áp dụng như một giải pháp tình thế không thể cưỡng lại, dù có những tích cực nhưng không ai có thể phủ nhận những hạn chế của hình thức này đối với chất lượng cũng như các vấn đề về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là cả sự an toàn thân thể của người học. Nghĩa là trong giáo dục, sự tương tác, giao tiếp và kết nối giữa những con người bằng xương bằng thịt với nhau vĩnh viễn không thể thay thế bằng bất kỳ sự tiến bộ nào của công nghệ. Chính vì thế, việc “đi học lại” phải là mục tiêu mà toàn xã hội cần nỗ lực để hiện thực hóa càng sớm càng tốt.
Như chúng ta biết, trẻ em không phải là đối tượng nguy cơ cao, tỉ lệ lây nhiễm và tử vong rất thấp so với các nhóm khác. Việc đảm bảo an toàn cho các em, tất nhiên là không cần bàn cãi, nhưng là sự an toàn dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải từ những hoang mang thiếu căn cứ.
Chúng tôi thiết nghĩ, dù học sinh ít bị Covid đe dọa, nhưng một khi các em bị nhiễm thì chính các em sẽ trở thành nguồn lây cho các nhóm đối tượng khác. Vì thế, trong điều kiện vaccine thiếu nguồn cung như hiện tại, vấn đề ở đây là không nên đặt trọng tâm vào học sinh, mà phải là vào các nhóm khác. Nghĩa là cần ưu tiên phủ vaccine cho các nhóm nguy cơ cao, để lỡ học sinh có mang virus thì cũng không vì thế mà đe dọa đến cộng đồng được.
Nếu chúng ta xử lý theo hướng ngược lại, vì nôn nóng đưa học sinh trở lại trường học mà dành vaccine cho các em trong khi các nhóm nguy cơ cao vẫn chưa được “trang bị” miễn dịch thì xã hội vẫn ở trong tình trạng bị đe dọa, thậm chí có thể rơi vào đóng băng bất cứ lúc nào, nghĩa là ngành giáo dục cũng không thể hoạt động bình thường được dù tất cả học sinh đã được tiêm vaccine.
Tóm lại, để ngành giáo dục hoạt động trở lại được với trạng thái “bình thường mới” thì trước tiên nên làm sao để các ngành/khu vực/nhóm khác có thể được bảo vệ; bảo vệ các nhóm khác chính là gián tiếp bảo vệ giáo dục vậy. Đó là chưa đề cập đến việc “cho tới hôm nay và có thể về lâu dài, loài người chưa có dữ liệu đầy đủ về an toàn vaccine ở trẻ em. Điều này có nghĩa, trước khi quyết định tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, hệ thống y tế quốc gia cần chuẩn bị cơ chế giám sát và theo dõi các phản ứng phụ chặt chẽ trên các em, trong thời gian dài” [1].
Bình thường mới trong giáo dục, theo chúng tôi, không chỉ là nỗ lực đưa học sinh trở lại với lớp học truyền thống như trước khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, mà nó còn có nghĩa là phải tận dụng tối đa những lợi thế của chuyển đối số trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Đại dịch Covid-19 là một thảm họa, tuy nhiên, nó cũng đã mang đến một “cơ hội” lớn cho những thay đổi trong giáo dục Việt Nam - nền giáo dục vốn còn quá chậm trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào việc thúc đẩy cho sự hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.
Những gì mà công nghệ có thể làm được thì cần hết sức giữ lại, như họp hành trực tuyến, trao đổi công việc, chuyển tải tài liệu, xây dựng kho tài nguyên số, thành lập các kênh online. Rõ ràng, học sinh hoàn toàn có thể làm bài và nộp bài lên một ứng dụng trực tuyến nào đó mà không cần đến lớp; giáo viên cũng có thể họp phụ huynh và trao đổi tình hình học tập với gia đình học sinh qua các app điện tử mà không cần phải mời mọc, một hình thức vốn rất nặng nề như trước nay. Sẽ tiết kiệm được vô số giấy trắng quý giá cho việc in ấn hồ sơ sổ sách vốn đang bị lạm dụng trong giáo dục hiện nay, qua đó mà tiết kiệm tiền bạc và nhất là bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Một trạng thái “bình thường mới” ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua nhưng vẫn rất cần được thiết lập, đó là lưu trữ tài liệu, sách báo, video, bài giảng v.v… trên các nền tảng số. Thư viện trong các nhà trường phổ thông (kể cả đại học) hiện nay là khâu rất nghèo nàn, yếu kém và hình thức. Không thể không xúc tiến xây dựng thư viện số khi mà thế giới đã đi rất xa.
Tóm lại, không phải chỉ là chuyện đối phó với dịch bệnh, “bình thường mới” của giáo dục nước nhà phải là một sự chuyển mình thật sự về cả cách thức quản lý, phương thức tổ chức lớp học và tổ chức dạy học. Lớp học truyền thống cũng không thể duy trì mãi lối phán truyền, giáo điều một chiều được nữa. Một khi mà học sinh thật sự trở thành trung tâm thì việc chuyển trạng thái mỗi khi có tình huống bất lợi (như dịch bệnh) sẽ lập tức được thiết lập một cách nhẹ nhàng, trơn tru mà không gây ra nhiều xáo trộn như chúng ta đang thấy.
Bình thường mới trong giáo dục là một đòi hỏi bắt buộc, không những để đảm bảo an toàn cho người học và người dạy, mà sâu xa và lâu dài hơn là để có được một nền giáo dục linh hoạt, tự chủ, tiến bộ. Một nền giáo dục như thế có nghĩa là dù không đến trường thì học sinh vẫn sẽ học tốt và học một cách tự giác, đam mê, trách nhiệm.
Bình thường mới trong giáo dục, theo chúng tôi, không chỉ là để đối phó với dịch, mà hơn thế, đó phải là một lý tưởng.
[1]Nguyễn Văn Tuấn (2021),Vaccine cho học sinh, VNexpress.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Hình như kiến gió cũng có linh hồn
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511023
222
2359
21397
217896
121356
114511023