Văn hoá học đường

Kỷ niệm mùa tuyển sinh năm 1966

Thời đó (trước năm 1965) điểm thi đại học là một bí mật Quốc gia vì thi tốt chưa chắc đỗ. Còn phải xét lý lịch gia đình và địa phương có đồng ý cho đi học không. Và đạt rồi thì còn được học loại trường nào, khoa nào. Chẳng hạn, lý lịch tốt mới được học tiếng Nga và tiếng Hán (Trung Quốc), kém hơn thì chỉ được học tiếng Anh, tiếng Pháp (!). Nhưng thi thì vẫn rất khó (“Cổng trường đại học cao vời vợi/Mười đứa trèo lên, chín đứa rơi”). Bạn nào thi năm 1964 thì biết (năm khó nhất).
Nhưng rồi chiến tranh ập đến miền Bắc. Từ năm 1965 đến 1969, ngừng kỳ thi tuyển sinh đại học. Thay vào đó là xét cử tuyển. Ban Tuyển sinh các tỉnh sơ tuyển xếp loại rồi gửi hồ sơ học sinh đến các trường để các trường chọn và chấp nhận hồ sơ chính thức. Bao nhiêu chuyện vui và có cả cười ra nước mắt. Số phận đời người nằm trong tay ban Tuyển sinh địa phương (chọn trường) và ban Tuyển sinh các trường (rà lý lịch, chọn chuyên môn và phân khoa các chuyên ngành). Tôi được khoa Ngữ Văn cử làm trợ lý tuyển sinh ở trường cho khối Xã hội hai mùa tuyển (1966, 1967) nghĩa là với K.11 rồi K.12.
Tôi đã có một bài trong tập ký về mùa tuyển sinh năm 1966 vô tiền khoáng hậu. sẽ xin đăng lại ở đây để chia sẻ và mừng các bạn sinh viên K11. Ngày ấy sắp kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

                                                     ***
Mùa Hè năm 1966, chúng tôi đã bước sang năm thứ 2 cuộc sống sơ tán của trường đại học Tổng Hợp HN ở thung lũng bên rừng Đại Từ. Chiến tranh đã lan đến Hà Nội. Cuối tháng 6, máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang. Lửa cháy ngút trời. Tôi từ Đại Từ về Hà Nội để chuẩn bị cho sinh viên đi thực tập ở Lạng Sơn thì được lệnh của Khoa quay trở lại khu sơ tán để đi làm trợ lý tuyển sinh đại học. Đây là khóa thứ 2, do chiến tranh, sinh viên được chọn vào đại học không qua kỳ thi tuyển do tình hình khó khăn.
Chúng tôi (tôi và anh Mai Cao Chương) mang nồi xoong và gạo, mỳ lên Ban tuyển sinh trường ở Núi Xem. Một tuần tá túc ở nhà của Hợp tác xã. Trường lúc đó có sáu khoa: Toán Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử. Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận hồ sơ của các ban tuyển sinh tỉnh gửi lên để lựa chọn và phân ngành. Trường Tổng hợp có tiếng là chỉ tuyển sinh giỏi nên được chỉ đạo là phải chọn những sinh viên có kết quả học tập thật giỏi giang trong hai khối tự nhiên và xã hội. Lại được căn dặn là không được xét cảm tính và bản vị.
Ngày đầu tiên, tôi được giao tuyển chọn học sinh tỉnh Nam Hà (Nam Định và Hà Nam). Học sinh của tỉnh này rất giỏi. Có những hồ sơ còn có cả lời bảo lãnh của các thầy cô phụ trách môn học ở trường cấp 3. Chúng tôi đọc lý lịch qua loa vì đã có Ban tuyển sinh các địa phương lựa chọn. Nhưng kết quả học tập thì phải coi thật kỹ.
Đọc các hồ sơ tôi rất cảm động khi cầm trong tay hồ sơ của em Nguyễn Ngọc Ký. Đây rồi nét chữ của em thiếu niên huyền thoại năm nào. Em viết bằng chân mà đẹp. Mọi người xúm lại xem và trầm trồ. Lời phê của thầy giáo thật tuyệt. Chúng tôi không băn khoăn gì cả xếp ngay hồ sơ của em vào loại tuyển chọn ưu tiên và để em theo học ngành Văn học.
Một chuyện khác tôi cũng rất nhớ là việc chúng tôi phải chọn sinh viên giỏi phân đều cho hai ngành xã hội là Văn và Sử. Chúng tôi không muốn mang tiếng bản bị chọn người giỏi hơn cho Văn. Trước mắt tôi là hồ sở của anh Bế Kiến Quốc (là cố nhà thơ xuất sắc) và anh Phùng Hữu Phú (sau này là xếp của tôi ở trường ĐH XHNV rồi là một Chính trị gia cao cấp). Cả hai đều là học sinh ưu tú của Nam Định, anh Mai Cao Chương và tôi phân vân mãi, sau cùng thì đồng ý với nhau chuyển hồ sơ của anh Phú sang Sử vì điểm số học bạ của anh Phú so với anh Quốc có phần trội hơn. Tôi biết chắc rằng thế nào anh Phú cũng có nguyện vọng thích học Văn vì tuổi trẻ thường thích mơ mộng hơn cho nên tôi rất để ý đến trường hợp anh Phú khi đón K11 vào trường… Đời có những cái tình cờ mà rồi thành nghiệp. Sau này tôi mới biết là ngay vợ tôi, cũng năm ấy, có nguyện vọng xin vào học Bách khoa Dệt hay Sư phạm thì Ban Tuyển sinh Hà Nội bảo phải vào học Y, do nhu cầu công tác!
Tháng 9. Chúng tôi lại được cử đi đón sinh viên mới nhập trường.
Một cuộc đón tiếp đường rừng khác hẳn những cuộc đón trước đây và chắc là cả sau này nữa. Để đảm bảo an toàn, trường không đón sinh viên ở Đại Từ là nơi làng đại học sơ tán mà chọn một địa điểm trong rừng sâu huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Sinh viên mới phải xuống tàu hỏa cuối đêm, lại chờ đến cuối ngày thì đi bộ từ ga Phổ Yên hoặc từ Phố Cò theo một con đường mòn đầy sỏi đá quanh co, khúc khuỷu, vượt qua Sông Công nhờ bè nứa của trường, đi bộ khoảng gần 30km.
Trạm đón tiếp của chúng tôi là mấy cái lán bỏ hoang của đội 7 Nông trường chè Bắc Sơn đã sơ tán sâu vào rừng. Chúng tôi gồm có anh Lợi (Tổ chức), anh Thu (Giáo vụ) là người của trường, anh Phạm Quang Đức, anh Nguyễn Duy Tiến (khoa Toán), anh Nguyễn Công Khanh (khoa Lý), anh Diệp Văn Lâm (khoa Hóa), anh Đình (khoa Sinh), một ông Y tá và tôi, cùng nhau quản lý mấy tạ gạo và ngô, một bồ muối, một ít thuốc men và mấy bản danh sách sinh viên các khoa.
Hạ tuần tháng 9, sương rừng xuống lạnh. Chúng tôi nằm co ro trong những chiếc lán trống trải, ban đêm cảnh rừng mù mịt trong sương thu. Các em sinh viên  mới lần lượt đi bộ từ ga Phổ Yên đến trạm vào buổi đêm, có tối tới hơn 100 em. Các em đi thành từng đoàn, quần áo tơi tả, đầm mồ hôi và bụi đường. Có em từ tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình tới đây phải mất 12 ngày đường hết tiền, hết gạo, phải ăn cháo nhưng mặt em nào cũng rạng rỡ. Tôi còn nhớ có một em từ Nghệ An đi bộ ra, hai chân quấn hai mảnh may ô đầy máu, đến nơi em không kịp ngồi, em không kịp nộp hồ sơ mà nằm gọn vào chiếc xe cải tiến chở gạo của chúng tôi ngủ ngay và ngáy như sấm. (Em sinh viên ấy ngày nay là anh Hữu Hùng nhà báo - Biên tập viên kỳ cựu của báo Phụ nữ, một người nay rất Tây và sang trọng).
Một đêm tôi vừa chợp giấc thì anh Nguyễn Duy Tiến túm chân kéo dậy vì có một đoàn học sinh mới tới. Tôi nhìn thấy khoảng hơn 20 em lại có một ông già đi chân đất, đeo ba lô, ông để râu đen và trông khá quen.Tôi ngờ ngợ và sau đó nhận ra nhà văn Nguyên Hồng. Tôi ngạc nhiên vì sao ông lại ở đây. Hỏi ra mới biết ông đi bộ từ Nhã Nam (Yên Thế) sang đây để tiễn cậu con trai tên là Sơn vào khoa Toán. Ông mệt mỏi nhưng hỉ hả. Chúng tôi mời ông ăn cháo đêm với măng luộc chấm vừng. Các em học sinh thì đã có sẵn một nồi cháo muối thật to, mỗi em sau khi nghỉ chân được anh Trần Văn Bạn đại diện cho quản trị nhà trường chiêu đãi một bát ô tô cháo muối. Sau một giờ nghỉ, các em nộp hồ sơ cho chúng tôi rồi lên đường đi tiếp trong đêm. Nhiều em không ăn cháo mà chỉ tranh thủ ngủ. Nhà văn Nguyên Hồng cùng thức với chúng tôi, ông mang theo một be rượu, cho chúng tôi uống ké với ngô rang. Nhà văn gọi chúng tôi là các thầy và kể chuyện cho chúng tôi nghe ý định viết tiểu thuyết về núi rừng Yên Thế, Đề Thám. Tôi hỏi ông nhiều về các sáng tác trước cách mạng, ông hứa sau khi con ông vào trường sẽ lên thăm các thầy và tâm sự với Khoa Ngữ Văn. Thế rồi ông tạm biệt, lại ba lô chống gậy, mang đồ cho cậu con trai cha con lặng lẽ đi vào màn sương đêm, lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Phải mặt trời lên cao thì mới tới được thung lũng Đại Từ.
Những ngày ở trạm đón tiếp, tôi và các bạn đã có dịp gặp em Nguyễn Ngọc Ký, em gầy gò, khắc khổ mặc áo nâu đã sờn, chân đi dép lốp (*). Đó chính là đôi chân đã làm nên sự nghiệp đẹp đẽ của em. Em đã tặng chúng tôi một tấm bản đồ vẽ rất nhanh bằng chân. Ở đây tôi cũng có dịp gặp anh Phùng Hữu Phú, đúng như tôi đoán, trông anh rất nhanh nhẹn thông minh. Đầu húi cua mặc bộ đồ xanh bạc màu, anh tha thiết trình bày nguyện vọng với anh Lợi xin sang học ngành Văn. Nhưng  được giải thích, tôi tin rằng chẳng bao lâu anh sẽ an tâm và say mê với ngành Sử học. Còn anh Bế Kiến Quốc thì rất thư sinh và vui nhộn chứ không già dặn, sâu sắc như thi sĩ sau này.
Sau kỳ tuyển sinh một tháng, nhà văn Nguyên Hồng lại trở lên khu sơ tán với chúng tôi. Lần này thì ông thăm Khoa Ngữ Văn cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà văn Như Phong.
Dưới trăng hạ tuần tháng 10, ở bãi Cây đa cụt (Vạn Thọ) Nguyễn Đình Thi say sưa đọc cho sinh viên Khoa Văn nghe những trang “Vỡ bờ” (tập hai) vừa sáng tác. Nhà văn Nguyên Hồng giải thích những điều chúng tôi hỏi ông ở rừng Phổ Yên dạo trước. Một chuyện làm tôi rất nhớ là ông nghỉ ở nhà gần tôi, ông quen đi chân đất nên khi thầy Phan Cự Đệ mời ông đi diễn thuyết ông phải tìm một đôi dép cho phải phép lịch sự.Ông đành mượn đôi dép của cụ chủ nhà, nhưng khi ông lên sân khấu, tôi nghe tiếng cười khúc khích, dưới ánh đèn măng sông, tôi thấy ông đi lại có vẻ khó khăn. Anh Lê Chí Quế phát hiện và chỉ cho tôi là đôi dép ông mượn được lại là hai chiếc cùng một bên. Ông chủ nhà chỉ có vậy, còn nhà văn thì cũng rất vô tâm. Ông không hề biết và thản nhiên say sưa diễn thuyết.
Từ ấy đến nay (1991) đã 25 năm. Lớp sinh viên khóa K11 đã ngoại tứ tuần, nhiều người đã thành đạt, còn chúng tôi thì đã chở thêm năm mươi  chuyến đò nữa (đến nay, 2016) qua sông, trên đầu đã bạc trắng hết tóc nhưng tôi vẫn nhớ mãi về mùa tuyển sinh năm ấy,…
Mới đó mà đã hai mươi năm khi tôi viết bài này (Thu năm Canh Ngọ, 1990). Cũng vào tiết chớm Thu năm 2010, lớp cựu sinh viên Ngữ văn K11 năm ấy tổ chức họp mặt nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Anh chị em mời các thầy cô cũ về họp mặt cùng lớp. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi gặp nhau, ôn lại kỷ niệm xưa như vừa mới ngày nào. Và năm nay, 2020, các bạn ra trường vừa tròn nửa thế kỷ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443533

Hôm nay

291

Hôm qua

2333

Tuần này

21346

Tháng này

218707

Tháng qua

112676

Tất cả

114443533