1. Đóng góp về chính trị - xã hội
Xung quanh những đóng góp về chính trị - xã hội của Phật giáo, điều cần cần lưu ý là: dù không phải một học thuyết chính trị - xã hội như Nho giáo, song dường như suốt hơn 200 năm, Phật giáo đã góp phần tích cực giúp các triều đại quân chủ củng cố xã tắc, xây dựng và duy trì sự ổn định xã hội. Sử sách nước nhà từng ghi nhận một đội ngũ đông đảo các nhà sư và tăng lữ tham chính, có vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước. Bên cạnh công việc chủ đạo là suy tư - nghiền ngẫm các kinh điển Phật giáo, truyền bá tư tưởng cho các môn đệ nhằm đào tạo ra một lớp người am hiểu, tinh thông Phật pháp, các nhà sư còn đồng thời là những vị cố vấn đắc lực cho triều đình (được ban danh xưng Đại sư, Quốc sư…). Do vậy, tầng lớp tăng thống có đóng góp hết sức lớn lao trên nhiều phương diện - bao gồm cả văn hóa - chính trị, giáo dục - khoa cử nhằm phát triển đất nước, ổn định xã hội, giáo hóa dân chúng khiến cho nhà Lý suốt mấy trăm năm tồn tại trong bình yên. Công việc của các vị Đại sư, Quốc sư họ có thể là tiếp sứ thần, "đàm quân sự", trả lời nhà vua khi được hỏi về "vận nước"… Không còn nghi ngờ gì nữa, tư tưởng và triết lý sống của Phật giáo ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đều có tác động trực tiếp đến cách hành xử và đường lối trị nước của nhà vua. Chính điều đó đã làm nên chất nhân văn cho màu sắc chính trị trong giai đoạn này - chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay vì pháp trị. Đúng như nhận định của tác giả Lê Tuấn Huy : “Dưới sự tác động, hướng dẫn tinh thần của các thiền sư, Phật giáo thời Lý đã tạo dựng một bản sắc văn hóa chính trị đầy tính nhân bản. Nhà Lý đã được xem như một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các vị vua của triều đại này có cuộc sống đạo đức và tâm linh. Đã không có cảnh tranh đoạt, bạo loạn, cực hình, mà thay vào đó là một đường lối chính trị khoan dung, độ lượng, từ bi với thần dân và với cả kẻ thù . Xã hội vì đó mà bình an, phú cường, đoàn kết, tạo nên những chiến tích trước Chiêm Thành phía Nam và cả Tống quốc hùng mạnh phương Bắc” (1).
2. Về kiến trúc, nghệ thuật
Có thể nói, những công trình kiến trúc thuộc loại đẹp nhất Việt Nam xưa nay chính là di sản văn hóa Phật giáo. Thời Lý, nhiều vị vua đã không tiếc công, tiếc của dựng nên một hệ thống chùa chiền. Hoàng đế sáng nghiệp Lý Công Uẩn vừa lên ngôi được 2 năm đã “dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ, và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng…” (2). Những năm sau đó, các vua kế nghiệp cũng không ngừng đầu tư công sức cho việc xây mới, tu bổ đền chùa, đình miếu, tháp tượng như chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Diên Hựu (Một Cột), chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hương Lãng, chùa Linh Xứ, chùa Bối Khê… Trong đó, không thể không nhắc tới 4 công trình được sách vở đời Minh hết sức ca tụng (họ gọi là An nam tứ đại khí): tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh. Rõ ràng, nhìn từ phương diện mỹ thuật, những kiến trúc Phật giáo đã làm giàu có và phong phú thêm sức sống, chiều sâu cho nền văn minh Đại Việt. Theo Chu Quang Trứ, “Mỹ thuật thời Lý rất rực rỡ, đậm chất dân tộc, là đỉnh cao thứ hai” sau đỉnh cao đầu tiên là mỹ thuật Đông Sơn (3).
Như vậy, có thể khẳng định rằng đóng góp của Phật giáo thời Lý chính là đã để lại cho đất nước ta một di sản văn hóa độc đáo và quý báu: kiến trúc Phật giáo. Sự xuất hiện chùa chiền, đình miếu giai đoạn này vừa góp phần giáo hóa, rèn luyện đạo đức lối sống cho cho quần chúng nhân dân, vừa giúp nhà vua giữ vững kinh đô. Chẳng phải “ngôi chùa là thể hiện sự đoàn kết toàn dân, nơi quy tụ các thành phần xã hội, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, trai gái. Họ cùng nhau góp sức trong sự nghiệp chung, không chỉ phục vụ cho xã hội mà còn thoả mãn nhu cầu văn hóa của cộng đồng thông qua các lễ hội” sao? (4). Những tư tưởng từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo rất gần với quan niệm sống của người nông dân đất Việt: Thương người như thể thương thân, Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no… nên đã đi vào lòng người hơn là những triết lý cao siêu được tầm chương trích cú từ những kinh điển của các bậc thánh hiền. Tứ diệu đế của Phật giáo để giải thoát cho chúng sinh không xa vời, đơn giản, dễ hiểu và thực hiện.
3. Đóng góp cho văn học
Có một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học viết nước nhà - chúng ta vẫn quen gọi là Văn học Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV). Ở giai đoạn này, tồn tại 2 bộ phận văn học song song: văn chương yêu nước và văn học Phật giáo. Nếu như văn chương yêu nước với những áng bất hủ như Phạt Tống lộ bố văn, Nam quốc sơn hà… đã đem lại hùng tâm tráng chí cho cả một dân tộc thì mảng văn chương Phật giáo lại nhẹ nhàng, sâu lắng trầm tích nhiều triết lý hoặc tươi tắn, gợi cảm giác thanh bình khi “Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh” (Vô vi trên điện gác/ Xứ xứ tắt đao binh - Đỗ Pháp Thuận).
Các tác phẩm trong Thiền uyển tập anh được xem là những thành tựu tiêu biểu của văn học thời này và vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc điểm nổi bật của văn học đời Lý là một đội ngũ hùng hậu các “văn nhân, thi sĩ” khoác áo cà sa. Lịch sử văn học nước nhà đã và sẽ lưu danh hơn 40 thiền sư - thi nhân với những tên tuổi tiêu biểu như: Đỗ Pháp Thuận, Mãn Giác, Viên Thông, Dương Không Lộ, Quảng Nghiêm... Các thiền sư đời Lý đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn học cổ Việt Nam. Sáng tác của các thiền sư tuy tập trung thuyết lý cho đạo Phật nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố xã hội tích cực và có giá trị văn học. Đây là rung động tinh tế trước sự chuyển vần của đất trời trong tiết cuối xuân xen lẫn suy ngẫm mang đậm sắc màu triết lý về dòng đời và kiếp người của Mãn Giác thiền sư:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi…
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Mộ xuân tức sự)
Hay nhà sư thông tuệ Huyền Quang đã nói về triết lý Phật giáo với những rung động sâu sắc nhưng vẫn rất nhân văn:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này đều không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc chi có có không không mơ màng.
Bên cạnh mảng văn học Phật giáo, chúng có nhiều bộ tùng thư về Phật giáo đầy giá trị mà khuôn khổ hữu hạn của một bài viết không cho phép chúng tôi “lạm bàn” như: Thiền uyển tập anh, Thánh đăng lục, Tổ gia thực lục, Tam tổ thực lục…
Có thể xem, thơ thiền thời Lý là tấm gương phản chiếu lung linh, sống động vẻ đẹp của con người và dân tộc buổi thiên đô từ Hoa Lư ra Thăng Long - nơi có thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”. Không ít kiệt tác văn học thời này chính là những vùng ánh sáng vi diệu, thể hiện mối tương giao giữa đạo và đời, tương hợp giữa con người và vũ trụ. Nó là phần kết tụ và thăng hoa đẹp nhất của tâm hồn, trí tuệ con người Đại Việt bấy giờ, góp phần không nhỏ trong việc hình thành một “dòng riêng” độc đáo giữa “nguồn chung” thơ ca dân tộc suốt nhiều thế kỷ.
Những trình bày trên đây - dẫu có thể chưa đầy đủ - đã khẳng định những đóng góp to lớn và tích cực của Phật giáo đối với nhà Lý nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung. Trong suốt 216 năm tồn tại, 8 đời vua thay nhau dựng nước và giữ nước dưới “bệ đỡ” là hệ tư tưởng Phật giáo. Quốc gia Đại Việt đã có vài thế kỷ phồn thịnh, vững bền. Cuộc thiên đô vĩ đại cũng giúp Phật giáo phát huy được trọn vẹn tính tích cực của mình ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Biết bao thăng trầm biến thiên dâu bể nhân sinh đã diễn ra trên đất Thăng Long 1.000 năm qua, nhưng tư tưởng, triết lý và di sản văn hóa Phật giáo thì vẫn còn đó. Không thể hình dung được giá trị và sức sống của nghìn năm văn hiến Thăng Long nếu không có những đóng góp của Phật giáo!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1): Xin xem bài viết Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta và ảnh hưởng của nó trong các thế kỷ X - XIVcủa tác giả Lê Tuấn Huy trên trang Web: http://www.daitangkinhvietnam.org
(2): Xin xem Đại Việt sử ký toàn thư (Trọn bộ), Nxb Văn hóa Thông tin, Sđd, tr. 161.
(3): Chu Quang Trứ. Văn hóa Việt Nam - Nhìn từ Mỹ thuật (Tập 2), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002, tr. 17.
(4): Xin xem bài viết Vai trò của Phật giáo thời Lý góp phần giáo dân thông qua lễ hội Phật giáo của tác giả Thích Thông Đức trên trang Web: http://www.daophatngaynay.com