Diễn đàn

Một nền văn hóa bị biến dạng cũng đáng lo chẳng khác gì bị gió cuốn đi

Tiêu đề bài báo này là xuất phát từ câu nói của Mahatma Gandhi - vĩ nhân của dân tộc Ấn Độ: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”. Chúng ta luôn bàn đến vấn đề xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đã làm nhưng có lẽ vẫn còn chưa đủ. Có được bản lĩnh để không bị “ngọn gió nào cuốn đi” trong thời đại ngày nay là một thách thức ghê gớm nhưng còn có một thách thức khác nữa mà dường như ta chưa nhận ra đó là sự méo mó, biến dạng của các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu không kịp thời phát hiện và điều chỉnh thì có khi chúng ta đã tự tay phá hủy mọi thứ trước khi những cơn gió lạ thổi vào nhà mình!

Phải khẳng định rằng việc tiếp thu và giao lưu văn hóa là điều không thể khác, là cần thiết để phát triển. Mahatma Gandhi cũng từng nói: "Không văn hóa nào có thể tồn tại nếu nó tìm cách trở nên độc tôn". Tuy nhiên, nếu không có bản lĩnh chúng ta sẽ khó có thể  giữ được nét riêng của mình , tránh sự “xâm lấn” của những nền văn hóa khác chứ chưa nói đến mang những giá trị của mình để phổ biến và giới thiệu ra với bên ngoài. Để có thể đạt được điều đó việc trước hết cần làm là hiểu cho đúng về bản sắc, giữ cho được cái hồn cốt dân tộc. Nói cách khác là phải có một sức đề kháng, khả năng miễn dịch.

Thực tế cho thấy chúng ta đang khiến cho những giá trị văn hóa của mình ngày một mờ nhạt. Những hình ảnh thuần Việt đang ngày một mất đi mà lắm khi còn khó xác định thế nào là thuần Việt. Sự thay hình đổi dạng đó có nhiều tác nhân, chủ yếu là do tác động từ hai phía: bên trong và bên ngoài. Bên ngoài đó là sự “phong hóa” của những “cơn gió ngoại lai”. Bên trong là do chính chúng ta làm sai lệch, biến tướng. Dù ở góc độ nào đi nữa thì tựu trung lại cũng là do nhận thức chưa thấu đáo về các giá trị văn hóa để rồi dẫn đến việc tiếp thu, pha trộn thiếu chọn lọc hay tổ chức các nghi lễ, lễ hội, phong tục sai quy cách, phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực.

Nỗi lo từ sự phong hóa của những cơn gió ngoại lai

Câu chuyện này đã được nhắc đến rất nhiều nhưng hình như  vẫn chưa chưa có thay đổi đáng kể. Việc văn hóa Hàn Quốc thông qua phim ảnh, ca nhạc ăn sâu vào một bộ phận giới trẻ hiện nay, hội chứng fan cuồng thần tượng trở thành điều đáng lo ngại, nhất là ở độ tuổi học sinh THCS, THPT. Hay trong các video nhạc trẻ của Việt Nam, phong cách ăn mặc, cách dàn dựng, phần lớn na ná Hàn Quốc, thậm chí chọn bối cảnh quay ở nước ngoài được ưa chuộng hơn ở đất nước mình… Những câu chuyện đã cũ ấy xin phép không nhắc lại. Ở đây muốn đề cập đền một xu hướng khác. Đó là các bộ phim hợp tác sản xuất  như “Mùi ngò gai” trước đây và bộ phim đang chiếu trên VTV3 “Tuổi thanh xuân”. Xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp tục được khai thác và thịnh hành trong tương lai. Hợp tác sản xuất là điều tốt nhưng vấn đề đáng nói là sự “xâm chiếm” của văn hóa Hàn trong các bộ phim. Những dấu ấn của Việt Nam trong phim mờ nhạt trong khi hình ảnh Hàn Quốc với các thắng cảnh, ẩm thực, giáo dục, hãng điện thoại, ngân hàng, thị trường âm nhạc…được quảng cáo một cách tối đa. Ở phim “Tuổi thanh xuân”, nhân vật chính là một fan cuồng nhạc Hàn và trang phục của các diễn viên “rất Hàn”. Thậm chí khi bối cảnh đã ở Việt Nam, chúng ta ngoài quảng cáo được bánh chưng, phở, vài nét Hà Nội thì chả có nhiều đặc sắc trong khi đó cửa hàng bánh ngọt, tập đoàn Samsung của Hàn được quảng cáo rất khéo léo… Nhiều lúc nhìn vào phim cứ nghĩ đó là bộ phim Hàn lồng tiếng.

Bên cạnh văn hóa Hàn Quốc, văn hóa phương Tây cũng đang xâm lấn vào đời sống Việt một cách đáng ngại. Về ngôn ngữ, việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong diễn đạt đang khiến mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Một bộ phận giới trẻ hiện nay còn thích sử dụng ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ. Thậm chí giờ đây còn xuất hiện những lớp từ ngữ “lạ” và khó nghe do sự kết hợp Tây- ta một cách vô lối hoặc ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng. Nếu chúng ta không giáo dục được con cháu mình niềm yêu, lòng tự hào với tiếng nói dân tộc để có trách nhiệm giữ gìn nó thì cũng có nghĩa chúng ta đã giáo dục thất bại. Bên cạnh đó, nhiều ngày lễ của phương Tây đang được du nhập và ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ hơn cả lễ hội truyền thống như: Ngày lễ tình nhân (Valentine), Lễ hội Hóa trang (Halloween)…Ngay cả cách thức tổ chức ngày lễ truyền thống của chúng ta cũng bị Tây hóa khá nhiều. Khi xem chương trình đón Tết của VTV vào đêm 30 tháng Chạp , tôi không khỏi ngạc nhiên khi đêm giao thừa người lại đổ ra đường đếm ngược, nhún nhảy theo tiếng nhạc Rmix đậm chất Tây phương chờ năm mới. Lẽ nào người ta quên rằng Tết cổ truyền trong ý niệm người Việt, đêm giao thừa phải là lúc gia đình quây quần bên nhau, thắp nén hương lên bàn thờ và hướng về tổ tiên, ông bà? Chúng ta đã có hẳn một chương trình đón năm mới Dương lịch (Tết tây) theo phong cách đó rồi tại sao đến ngày Tết cổ truyền lại cũng là như thế? Tại sao không truyền phát, tái hiện lại trên màn ảnh một đếm giao thừa theo đúng văn hóa Việt? Giao lưu và tiếp nhận những giá trị mới, văn minh là cần thiết nhưng những giá trị căn bản, tốt đẹp của dân tộc cũng phải giữ bằng mọi giá. Giữ và dạy cho con cháu đạo hiếu căn bản đã làm nên hồn cốt người Việt. Bản sắc dân tộc ở một góc độ nào đó cần có sự bảo thủ nhất định của nó. Bởi thế, đừng trách giới trẻ lãng quên những giá trị, hãy xem chúng ta đang giáo dục họ ra sao và đang mang đến những thứ gì để lôi kéo thị hiếu của lớp người này?

Thiếu hiểu biết và tư duy vụ lợi đang làm méo mó các giá trị truyền thống!

 Thời gian gần đây, hình ảnh các lễ hội truyền thống ngày một trở nên nhếch nhác và gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Lễ hội bản thân nó phải là nơi quy tụ và bộc lộ một cách rõ nét các phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ…của người dân địa phương. Nói cách khác thông qua lễ hội ta hiểu được nét đẹp và bản sắc văn hóa của cư dân sinh sống trong không gian văn hóa ấy. Vậy mà giờ đây nhìn vào các lễ hội người ta thấy một khung cảnh hỗn tạp, chen lấn, xô đẩy, cướp lộc cầu may. Sự biến tướng của việc làm lễ, dâng sớ. Lối vào đền chùa, lễ hội tràn ngập các dịch vụ đổi tiền lẻ, quầy hàng bày bán, tranh giành, lôi kéo khách,... Các điểm đền chùa, ngập ngụa khói hương, vàng mã, người sì sụp khấn vái cầu may, ném đầy tiền lẻ lên bàn thờ thần, Phật. Họ đang biến thế giới tâm linh trở nên phàm tục và dường như tư duy mua bán, hối lộ cũng được áp dụng ngay cả ở những chốn linh thiêng.

Chẳng dừng lại ở đó, những người tham gia còn chen lấn, xô đẩy, tranh giành và thậm chí giẫm đạp lên nhau. Nào là cướp lộc tre ở Hội Gióng (Sóc Sơn), tranh ấn đền Trần (Nam Định), nào là cướp Phết ở Vĩnh Phúc, rồi lễ hội nào cũng chen chúc xô đẩy nhau như Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Đền bà chúa Kho (Bắc Ninh), bán rủi cầu may trong phiên chợ Viềng (Nam Định)… Tất cả những hiện tượng này phản ánh một thực tế: người ta đổ xô đi đền, chùa, lễ hội để cầu may cho bản thân chứ không hiểu gì về giá trị văn hóa, ý nghĩa thực sự của lễ hội đó.

Một hiện tượng đáng buồn khác đó là sự lãng phí, tốn kém, chạy theo hình thức trong việc lập kỉ lục. Nào là cặp bánh chưng to nhất, nào là tô hủ tiếu và đòn bánh phồng tôm lớn nhất tại Sa Đéc, rồi huy động người để lập Kỷ lục quốc gia "Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh”, ly cà phê lớn nhất, bánh xèo to nhất…Tất cả những cái đó không những không mang lại giá trị mà còn gây lãng phí, đi ngược lại với văn hóa dân tộc. Nếu nói về thẩm mỹ và văn hóa Việt thì chúng ta nào có chuộng những thứ to, lớn, hùng vĩ, mà đây chỉ là kiểu bắt chước Tây phương. Trong Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu đã chỉ rõ:Với người Việt “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lí. Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải” Như vậy việc đua nhau xác lập kỷ lục hay xây dựng tượng đài kì vĩ có đúng với tư duy văn hóa Việt không? Nếu như hiểu bản sắc nằm ở việc lựa chọn kiểu giá trị sống thì bản sắc của dân tộc Việt phải là kiểu lựa chọn những cái đẹp thanh, nhã, vừa vặn như Trần Đình Hượu đã chỉ ra. Điều đó có nghĩa lập kỷ lục trên chỉ gây tốn kém, lãng phí và không có giá trị văn hóa nào. Thậm chí nó còn làm biến tượng, méo mó văn hóa dân tộc.

Khi đời sống kinh tế phát triển, người ta quan tâm hơn đến nhu cầu văn hóa tâm linh. Cùng với đó là việc trùng tu lại các khu di tích, chùa, đền và phục dựng các lễ hội.Tuy nhiên việc tu sửa cẩu thả, làm biến dạng và mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Các vụ việc như tu sửa sai chùa Trăm Gian, xây dựng khu di tích Đền Hùng và gần đây là việc sai phạm trong tôn tạo chùa Một mái và Am Dược tại Yên Tử làm biến dạng di tích, mất mỹ quan và giá trị lịch sử các kiến trúc. Ngoài các công trình lớn này, nhiều chùa, đền khác cũng bị tu sửa sai quy cách như đền Và, đền Đô, chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà (Bắc Giang)..v..v. Vấn đề đáng nói đây không phải là việc làm sai có thể sửa mà một khi đã “lỡ sai” là sẽ hủy hoại giá trị văn hóa, lịch sử; chưa kể đến việc “sai ở đâu sửa ở đấy” gây ra tốn kém lãng phí vô cùng.

Có thể nói đời sống văn hóa tâm linh nước ta đang bị biến tướng đáng lo ngại. Những phong tục thờ cúng, các lễ hội với giá trị nguyên thủy của nó là thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, với trời đất, thể hiện truyền thống đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” và những giá trị nhân văn tốt đẹp đã bị chúng ta làm méo mó đi vì tư tưởng vụ lợi, niềm tin thiếu hiểu biết. Giờ đây nó trở thành sự mù quáng, mê tín dị đoan. Người ta đến chùa, đền, lễ hội không phải với tấm lòng thanh tịnh, hướng về thần Phật, tổ tiên hay trời đất nữa mà chỉ mong bằng mọi cách xin được những điều tốt lành cho bản thân mình. Một thực tế kì lạ đến trớ trêu là cuộc sống, kinh tế càng phát triển thì dânViệt càng có xu hướng mê tín, đổ xô vào việc tạ lễ đền chùa, cầu khấn, tìm mua các đồ vật phong thủy một cách thiếu hiểu biết. Có lẽ nào cứu cánh cuối cùng cho niềm tin trong xã hội Việt giờ đây chỉ có ở những thứ siêu nhiên, không thực?

Thực trạng tại Nghệ An

Trong vấn đề chung của đất nước, chúng ta hãy soi chiếu và nhìn vào những vấn đề riêng của Nghệ An. Có thể nói về ngọn gió “ngoại lai” tại xứ Nghệ không? Có chứ, chỉ là khác phạm vi! Đối với dân tộc, ngọn gió ngoại lai là từ những đất nước khác, dân tộc khác. Đối với địa phương, ngọn gió ấy là từ địa phương khác. Thoạt nghe có vẻ vô lý hoặc ai đó sẽ cho rằng đây là tâm lý phân biệt, chia rẽ vùng miền. Không, tuyệt nhiên không có sự phân biệt nào ở đây! Đó là bản sắc địa phương cần gìn giữ để tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn hóa dân tộc. Cần khẳng định lại một lần nữa, bản sắc tốt đẹp lắm khi cần sự bảo thủ ở một góc độ nào đó.

Xứ Nghệ vốn đã tồn tại trong tâm niệm những vùng miền khác là mảnh đất địa linh nhân kiệt với rất nhiều đặc trưng riêng, mà trước hết là ở tiếng nói, giọng nói. “Đặc sản” ấy hình như lại trở thành điều né tránh của một bộ phận người Nghệ? Hiện nay, trên truyền hình, trong một số buổi lễ, sự kiện, hội nghị của tỉnh, những người dẫn chương trình, một số phát biểu…lại thường chuyển sang giọng Bắc. Thiết nghĩ phương ngữ, những phát âm thiếu chuẩn về dấu… nên điều chỉnh để dễ nghe nhưng cái âm sắc của giọng Nghệ thì không nên chuyển. Đó là điều đáng tự hào, là thứ giúp người nghe biết và nhận diện miền văn hóa của chúng ta. Năm nay, tỉnh nhà cũng tổ chức Lễ phát thẻ  ấn đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết (mồng 5 Tết Ất Mùi). Liệu rồi đây có trở thành một điểm chen lấn, xô đẩy để giành ấn thẻ như Nam Định trong tương lai không? Và hoạt động này có thực sự cần thiết? Thiết nghĩ sự bắt chước nào về văn hóa dẫu có giống đến nhường nào cũng là điều không nên và khó chấp nhận!

Tâm lý chạy theo kỷ lục đề cập ở trên cũng đã xuất hiện tại Nghệ An, khi gần đây tổ chức hoạt động gói bánh chưng dâng lên mộ bà Hoàng Thị Loan. Vào sáng 24/02 tức mồng 06 Tết Ất Mùi, cặp bánh chưng được kết từ hơn 700 bánh chưng nhỏ, nặng 7 tạ đã được dâng lên mộ thân mẫu Hồ chủ tịch. Để có cặp bánh chưng này khoảng 20 người phải gói trong 1 ngày, nấu chín mất 15 giờ và cần một lực lượng đông đảo để đưa rước cặp bánh lên đến khu mộ. Chưa tính đến rất nhiều các chi phí, công việc khác cũng thấy được sự lãng phí rất lớn. Lẽ nào lòng thành bây giờ lại được đo bằng trọng lượng hay kích thước của lễ vật?

Nghệ An cũng là nơi có nhiều lễ hội thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn cả ở các tỉnh thành khác. Một năm tỉnh có khoảng 25 lễ hội, tập trung chủ yếu vào tháng Giêng đến tháng Ba Âm lịch. Cùng với sự phát triển của lễ hội, tình hình trật tự an ninh cũng trở nên phức tạp hơn và phát sinh nhiều vấn đề.  Tại các nơi diễn ra lễ hội tình trạng chen lấn, bày bán các dịch vụ lộn xộn, làm mất mỹ quan và phản cảm. Như tại lễ hội đền Cờn, khu vực tổ chức hội đua thuyền trước đền rất nhiều rác, các điểm bày bán lộn xộn. Tại đây người ta phải treo biển: “Qúy khách không nên cho tiền những người ăn xin” Điều đó thể hiện sự bất lực của quản lí và một thực trạng đáng buồn. Chưa kể đến việc xe ôm ngồi chèo kéo khách thiếu văn hóa ở lối đi… Tại đền Hoàng Mười, vào dịp khách về tạ lễ, người dân địa phương thường ngồi chờ tiền lộc phát ra rồi tranh nhau lượm, tạo nên khung cảnh  nhếch nhác, phản cảm…

Tuy nhiên tình trạng lễ hội trên địa bàn nhìn chung vẫn chưa gây nên bức xúc như những địa phương khác trong cả nước. Song, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không sớm chấn chỉnh, rà soát lại tình hình lễ hội trên địa bàn để có sự quản lí chặt chẽ hơn, thì có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó giải quyết hơn trong tương lai.

Cần một tiếng chuông thức tỉnh!

Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình hình. Đặc biệt năm 2015, Ban Bí thư đã ban chỉ thị 41CT - BBT… nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lí, tổ chức lễ hội. Tại điều 3 và điều 4 của chỉ thị đã chỉ rõ những việc cấp thiết, thực sự cần làm để đưa các lễ hội trở lại nề nếp, mang đúng giá trị tinh thần của nó.  Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm tình trạng này quả là câu chuyện nan giải khi ý thức người tham gia lễ hội chưa được cải thiện, tư tưởng vụ lợi ăn sâu vào đầu óc của cả người tổ chức lẫn người tham gia.

Truyền thông đã vào cuộc để phản ánh thực trạng nhưng chúng ta lại quá mải mê đến phán xét một vài phong tục và thiếu tính xây dựng. Điều cần làm hiện nay là phải làm sao để đưa những lễ hội trở về đúng với giá trị của nó. Làm sao để giúp người dân hiểu được ý nghĩa của từng lễ hội khi tham gia; để họ thấy rằng cái họ được không nằm trong những thứ phải mất tiền, mất sức tranh giành. Nếu chúng ta còn tiếp tục tổ chức lễ hội theo quy cách hiện nay thì người dân vẫn sẽ tiếp tục tranh, cướp, xô đẩy. Nếu chúng ta nói rõ cho họ giá trị đích thực ở đâu, ngưng các việc làm vụ lợi và vô bổ thì liệu họ có còn mất sức tranh giành như thế nữa không?

Quan trọng hơn nữa, hãy thoát ra khỏi từng hiện tượng cụ thể để nhìn một cách tổng thể. Đó là văn hóa Việt, bản sắc Việt đang từng ngày từng giờ bị làm méo mó, biến dạng bởi chính cả cách bảo tồn, khôi phục không đúng hướng. Nếu còn tiếp tục theo đà này chúng ta sẽ hủy hoại những giá trị có được bao đời nay, những giá trị đã giúp ta đứng vững trước sự đồng hóa hàng ngàn năm của phương Bắc. Trước khi hội nhập, quảng bá giá trị hãy làm sao gia cố lại cho vững những gì mình đang có. Ngôi nhà văn hóa của chúng ta đang lung lay bởi chính chúng ta. Để khắc phục triệt để, không có con đường nào khác là tập trung xây dựng, giáo dục con người. Bởi đó chính là chủ thể sáng tạo nên văn hóa. Một thế hệ lệch lạc về giá trị, thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc và chạy theo lợi ích của đồng tiền sẽ là liều thuốc độc đối với nền văn hóa chúng ta. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta biết cái chuông “thần thành” đó ở đâu. Vấn đề ai sẽ là người đánh chuông?  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512838

Hôm nay

2375

Hôm qua

2400

Tuần này

2775

Tháng này

219711

Tháng qua

121356

Tất cả

114512838