Những góc nhìn Văn hoá

Chủ điểm nhớ Thăng Long - Hà Nội qua nghìn năm văn học dân tộc

Trải qua bao cuộc phế hưng, chủ nhân của các tác phẩm thương nhớ Thăng Long – Hà Nội vốn thuộc nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau. Ở đây có những tác gia thuộc thời dựng nước Lý – Trần, có những văn nhân là người đương thời, đang cùng chúng ta tiến vào ngày kỷ niệm ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Trong số đó, nhiều người là vua chúa, quan cao chức trọng; nhiều người thuộc tầng lớp bình dân, chúng dân, ẩn sĩ.

Chiếm phần đông là những người sinh sống giữa nơi đô thành, ở giữa Thăng Long mà nhớ Thăng Long. Nhiều người sinh ra ở chốn kinh kỳ nhưng rồi lưu lạc bốn phương, trong một sớm một chiều chợt nhớ Thăng Long – Hà Nội rồi cất lên tiếng ca để muôn năm còn lưu luyến. Có người một lần đi ngang qua miền kinh đô dâu bể bỗng chạnh lòng yêu nhớ mà để lại những thiên du ký khắc khoải với muôn đời. Lại có những người mang gánh nợ kinh thành sống giữa xứ người dặm ngàn cách biệt, trong từng đêm dài vẫn thao thức mơ về núi Nùng sông Nhị cõi trời Nam. Bao nhiêu đời người, bao nhiêu cảnh ngộ là bấy nhiêu kỷ niệm, bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu niềm thương nỗi nhớ.

Từ rất sớm, chủ điểm phản ánh niềm thương nhớ đất Thăng Long – Hà Nội đã tỏa rộng với nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều thể tài, thể loại khác biệt nhau. Khởi nguồn là những tác phẩm văn học dân gian, những bài ca viết về Kẻ Chợ, về con người Tràng An thanh lịch, về cảnh quan ba sáu phố phường. Nối tiếp sau là những tranh Hàng Trống và sự lên ngôi của các thể loại văn học dưới thời trung đại, bao gồm thơ, phú, văn bia, ghi chép, truyện ký, truyền kỳ… Bước sang thế kỷ XX, thơ ca viết về Hà Nội ngày càng rộng mở các cung bậc tình cảm, phong phú về đề tài, đa dạng về hình thức. Đặc biệt mảng văn xuôi cũng phát triển với đủ các thể loại, thể tài hồi ức, hồi ký, kỷ niệm, thi ca, tản văn, tùy bút, ghi chép, du ký... Phải thừa nhận rằng, trong những thành tựu chung của các ngành văn hóa nghệ thuật in dấu tâm thức hướng về Thăng Long – Hà Nội, các sáng tác văn chương giữ một vị trí nổi trội…
Tiếp nhận dòng cảm hứng nghệ thuật Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (Huỳnh Văn Nghệ), chúng ta có thể khai thác từ nhiều góc độ, phương diện khác nhau. Trước hết, có thể quan sát từ điểm nhìn văn học sử, sắp xếp các tác phẩm theo hai thời kỳ: trung đại (từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX) và hiện đại (từ thế kỷ XX đến nay). Tuy nhiên, để tiện cho việc trình bày, phân tích và theo dõi vấn đề, chúng tôi sẽ lược qui theo hai bình diện loại hình thể loại văn chương tiêu biểu (thi ca và văn xuôi) và giới hạn phạm vi ở nền văn học trung đại(1).
Đối với người Việt Nam, thi ca vốn được ưa chuộng từ lâu đời, được coi trọng và có nhiều tác phẩm sáng giá. Thi ca vốn là tiếng nói trữ tình, do đó càng phù hợp với dòng cảm hứng đề vịnh, thương nhớ Thăng Long – Hà Nội. Không thể nói khác hơn, nhân vật trữ tình và cũng là đối tượng chủ yếu của dòng thơ thương nhớ miền đất kinh kỳ chính là con người và mối quan hệ giữa người với người. Điều khác biệt trước hết ở đây là mối quan hệ tình người thực sự có ý nghĩa kết tinh đạo lý và văn hóa dân tộc, nâng vị thế mỗi con người cụ thể lên tầm vóc danh nhân tiêu biểu của đất nước. Đó là thơ Nguyễn Trãi tặng Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân; ngược lại là nỗi nhớ của Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên về Nguyễn Trãi; thơ Nguyễn Bảo tiễn biệt Ngô Sĩ Liên về quê hưu trí… Mở rộng và đại chúng hơn là nỗi nhớ về những con người đời thường, những chủ nhân ông của Hà thành, bộc lộ qua tâm sự của Nguyễn Du về cuộc đời người ca nữ, Nguyễn Công Trứ khách thể hóa hình ảnh tửu đồ và mỹ nhân trong hát nói…
Suốt dọc dài thời gian, ký ức kinh thành thường gắn với các địa danh lịch sử, danh thắng như Văn Miếu Quốc Tử Giám, tháp Báo Thiên, đền Trấn Võ, bến Chương Dương, Hồng Hà, Hồ Tây, Hồ Gươm… Âm hưởng hồn thiêng Thăng Long – Hà Nội một thời giáo mác, một thời khói lửa, một thời chiến trận hào hùng gắn với tên tuổi Lý Thường Kiệt, Tạ Thiên Huân, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Lượng… Xin dẫn bài thơ Quá Phù Đổng độ (Qua bến đò Phù Đổng) của Tạ Thiên Huân (thế kỷ XIII-XIV) với tất cả những ngậm ngùi thế sự khi vọng tưởng câu chuyện thần thoại ngàn năm xưa:
Thiết mã tê hàn vạn lý thu,
Đương niên sự nghiệp phó đông lưu.
Nguyệt minh bất quản hưng vong sự,
Độc chiếu hành nhân cổ độ đầu.
Trần Lê Sáng dịch thơ:
Ngựa sắt hí vang vạn dặm thu,
Năm nao sự nghiệp mặc đông lưu.
Trăng soi hờ hững đời hưng phế,
Dõi khách trên đường chốn bến xưa!
Nhận diện con người Thăng Long, hãy xem cái cách Nguyễn Mộng Tuân cảm phục, trân trọng tài năng và cốt cách Nguyễn Trãi qua bài thơ Tặng Gián nghị đại phu Nguyễn công(Tặng quan Gián nghị đại phu họ Nguyễn):
Hoàng các thanh phong ngọc thụ tiên,
Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền.
Nhất thời tư hãn suy văn bá,
Lưỡng đạo quân dân ác chính quyền.
Bạch phát chỉ nhân thiên hạ lự,
Thanh trung lưu dữ tử tôn truyền.
Nho lâm kỷ hứa chiêm Sơn Đẩu,
Hảo vị triều đình lực tiến hiền.
Vân Trình dịch thơ:
Gác tía thanh cao phong cách tiên,
Giúp đời dựng nước đã ai trên?
Một thời, văn bút lừng danh tiếng,
Hai đạo quân dân lại nắm quyền.
Tóc bạc vẫn lo tròn đạo nghĩa,
Lòng thanh ý muốn cháu con truyền.
Làng Nho hướng tới như Sơn, Đẩu,
Mong giúp nhà vua chọn kẻ hiền.
Những chiến thắng vang dội trong các cuộc đối đầu với giặc ngoại xâm không chỉ góp phần ổn định biên cương, giữ vững nền độc lập dân tộc mà còn khởi phát ý thức con người cá nhân, nâng tầm tư tưởng và cổ vũ sức mạnh tinh thần cho cả cộng đồng. Điều này khiến cho ngay cả nữ sĩ Hồ Xuân Hương vốn thường nhạy cảm với những đề tài bỡn cợt thâm thúy cũng trở nên mạnh mẽ, hào sảng:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.
(Đề đền Sầm Nghi Đống)
Khác với nhiều giai đoạn trước đây, vùng văn học Hà Nội thế kỷ XIX dường như mất dần vị trí trung tâm, nơi từng đóng vai trò thu hút, qui tụ tài năng văn nhân bốn phương… Điều này có lý do bởi sau thời “vua Lê chúa Trịnh” kéo dài, kinh đô đóng vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của nhà nước phong kiến đã chính thức chuyển vào Huế. Kinh kỳ Đông Đô - Thăng Long phồn hoa ngày nào bây giờ chỉ còn là một tỉnh thành, một “cựu đế kinh” khiến tấm lòng thi nhân như Nguyễn Du bàng hoàng hoài niệm:
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
(Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan,
Một toà thành mới xoá đi cung điện cũ)
(Thăng Long, I)
Quang cảnh đổi thay khiến Bà Huyện Thanh Quan cũng bâng khuâng, man mác, ngỡ ngàng, tê tái:
- Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau.
 (Chùa Trấn Bắc)
- Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,
 Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
 Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
 Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương…
 (Thăng Long hoài cổ)
Khi Thăng Long trở thành “cựu đế kinh” thì học phong Thăng Long cũng theo đó mất dần vai trò chủ đạo. Mức độ phát triển các ngành nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ chững hẳn lại so với thời Lê - Trịnh. Sau gần một thế kỷ mất đi địa vị trung tâm, Thăng Long lại là miền đất nằm ở chặng cuối bị giặc Pháp thôn tính, so với việc quân Pháp chính thức khai hỏa đánh vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858 và việc đánh chiếm các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ đã thức tỉnh cả một nền văn học yêu nước thì dòng văn thơ trong cao trào chống Pháp ở Hà Nội lại phát triển trong một hoàn cảnh mới. Vào thời kỳ sau này, vấn đề “chủ hoà, chủ chiến” không còn đặt ra nữa, thậm chí các nghĩa sĩ ngày càng cảm thấy việc chiến thắng giặc Tây là điều hầu như không thể. Đồng thời với các sự kiện Nguyễn Tri Phương hy sinh cùng thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất (1873) và Hoàng Diệu tử tiết theo sự kiện thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai (1882), mặc dù ý thức chống Pháp vẫn được duy trì nhưng tâm lý thất bại, tâm trạng bi phẫn “sinh bất phùng thời”, “anh hùng di hận”, “tự phận ca” đã ngày càng trở nên rõ nét(2). Mặt khác, không chỉ nằm ở giai đoạn vĩ thanh của cuộc chiến chống Pháp xâm lược, văn thơ thương nhớ Hà Nội nửa cuối thế kỷ XIX cũng lại thuộc về đoạn chót cuối của nền văn học truyền thống, nền văn học phát triển trong quĩ đạo phong kiến, trong khi đó tại miền Nam đã manh nha xuất hiện dòng văn học chữ Quốc ngữ mang đặc trưng thời thực dân nửa phong kiến.
Nhìn từ một phía khác, có thể thấy tiến trình văn học luôn luôn là quá trình tiếp nối, phát triển những đặc điểm và giá trị quá khứ. Một trong những tác gia điển hình cho bước chuyển giao đó là Cao Bá Quát (1808-1855), người làng Phú Thị (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông có khá nhiều bài thơ viết về quê hương, về cảnh đẹp Hồ Tây, đề vịnh danh thắng Hà Nội và nỗi nhớ gia đình, bè bạn. Mới xét qua về hình thức thì thấy hầu hết các bài thơ của Cao Bá Quát đều xuất hiện các câu nghi vấn và phản vấn như thùy, kỷ, hà, vị khởi, nại hà, an đắc… Có thể nói thơ Cao Bá Quát là cả một trời những câu hỏi, những vấn nạn đặt cho cá nhân ông, cho thế hệ ông, cho thời đại ông và cho muôn vạn chúng sinh làm kiếp con người. Không bằng lòng, không chấp nhận và cũng không chịu thỏa hiệp với thực tại, việc Cao Bá Quát can án chữa quyển thi, bị bắt giam, bị đưa cải tạo “dương trình hiệu lực”, bị đẩy làm Giáo thụ phủ Quốc Oai và rút cuộc đi đến cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương vào cuối năm Quý Sửu (1853) là có thể hiểu được. Con đường dẫn đến cuộc khởi nghĩa này thể hiện rõ qua từng chặng đường thơ Cao Bá Quát, có mầm triệu từ ngày bước chân đi thi, từ khi nhìn thấy sóng cao biển lớn, từ lúc gặp em bé đói rách bên đường, từ một sớm xuân nghiêng chén về phía chân trời, từ một chiều thu ngắm mây Côn Sơn vắng người tri kỷ, từ một đêm đông nằm trong nhà giam lắng tiếng mưa rơi… Gắn với từng chặng đường đời, gắn với mỗi chặng đường thơ, gắn với mỗi bài thơ, sao ông cứ mãi tìm mãi hỏi? Trong quãng đời làm quan và bôn ba nơi xứ người, khi nào cũng thấy ông đau đáu nhớ về cây gạo đầu làng thắp lửa tháng ba, nhớ về những đứa con thơ và căn nhà nhỏ có hàng giậu thưa gần khu Đình Ngang phía nam kinh thành. Bên cạnh giọng thơ triết lý, suy tưởng về hiện tình đất nước đứng trước bão giông lịch sử, thi nhân họ Cao mãi còn bâng khuâng vọng tưởng hình bóng quê nhà:
                        Cao cao mộc miên thụ,
                        Cổ cán hà thanh sơ!
                        Thiều thiều vọng thử bang,
                        Quyết hữu cao nhân lư…
(Tương đáo cố hương)
Khương Hữu Dụng dịch thơ:
                        Cao cao cây gạo đó,
                        Gốc cỗi ngọn thanh thanh.
                        Xa xa trông nẻo ấy,
                        Nhà ở bậc cao minh…
(Sắp đến quê nhà)
Thế rồi cuộc khởi loạn mà Cao Bá Quát tham gia rút cuộc không thành - như điều tất nhiên sẽ và đã không thành. Trong một ý nghĩa nào đó, xét đến cùng, việc Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa tựa như một cách trả lời, một lần trả lời, một câu trả lời tận độ để ông vĩnh viễn không còn phải băn khoăn, vương vấn nữa. Đặt trong tương quan chung, ông là hiện thân của bước chuyển giao thời đại, là cánh cửa khép lại những vấn đề đặt ra trong nửa đầu thế kỷ, trong đó thấp thoáng cả những dự cảm về thể chế phong kiến đã đến hồi chung cuộc và nhu cầu đất nước tất yếu cần được đổi mới, canh tân(3).
Lại có tác giả nổi danh như Nguyễn Văn Siêu (1796-1872), người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, sau chuyển về thôn Đồng Thọ, huyện Thọ Xương (nay ở vào khoảng phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm) có sống tới hơn hai mươi năm trời ở phần nửa sau thế kỷ XIX. Ông được người đương thời tôn vinh là “thần Siêu”, có công đứng ra chủ trì việc tu sửa đền Ngọc Sơn, cho bắc cầu Thê Húc, dựng Đài Nghiên và Tháp Bút với ba chữ “Tả thanh thiên” nhằm biểu dương văn chương và tinh thần Nho học, tạo nên quần thể kiến trúc văn hoá hết sức sinh động bên Hồ Gươm. Là tác gia gắn bó với phố phường Hà Nội, ông còn để lại nhiều trang thơ vịnh cảnh, đề vịnh thắng tích lịch sử như Du Tây Hồ (Chơi Hồ Tây), Vịnh Hà đối nguyệt (Ngồi ngắm cảnh trăng trên sông Nhị Hà), Chương Dương độ (Bến đò Chương Dương), Điếu thành tây Loa Sơn cổ chiến trường xứ (Viếng Loa Sơn, nơi chiến trường xưa ở phía tây thành Hà Nội)…
Bên cạnh dòng chủ lưu yêu nước chống Pháp, thơ ca của các tác gia Hà Nội và tác phẩm viết về đề tài Hà Nội còn có những tiếng nói trữ tình, bao quát những nghĩ suy về lịch sử, cái nhìn về cuộc sống thường ngày, về tình bè bạn, về những danh lam thắng tính nhập hồn cùng tên tuổi kinh đô nghìn năm văn hiến. Đó là sáng tác của các tác gia sinh trưởng tại chốn kinh kỳ như Vũ Tông Phan, Đoàn Huyên, Nguyễn Tư Giản, Phạm Hy Lượng, Nguyễn Trọng Hợp,… và cả những tác gia ở những vùng miền khác có viết về Hà Nội như Bùi Văn Dị, Dương Khuê, Phan Văn Ái, Chu Mạnh Trinh… Đặc điểm chung trong nỗi niềm thương nhớ Hà Nội của các tác gia này là không khí một thời ly loạn thấp thoáng biểu cảm qua những chiêm nghiệm, nghĩ suy về thân phận, về nỗi buồn trước thời gian, trước những đổi thay của quang cảnh và lòng người, thế đạo nhân tâm. Theo chiều hướng này, Bùi Văn Dị bày tỏ tâm tư trong đêm giao thừa Hà Nội qua bài Tị Thanh hồi Hà trừ tịch hữu tác (Đi lánh ở Thanh Hoá về Hà Nội, đêm 30 tết làm bài thơ này):
Khứ niên trừ tịch thanh sơn trung,
Kim niên trừ tịch thương giang đông.
Sơn hà phong cảnh tân thù dị,
Ngã sinh như ký tùy phi bồng.
Bế môn nhàn ngọa vô nhất sự,
Hốt văn tuế mộ hà thông thông.
Cựu tuế nhất khứ bất phục cố,
Tân tuế thả lai tương vô đồng.
Nhân sự du du tuế sự cấp,
Hà thời khả tế ngô đạo cùng.
Hu ta trừ tịch mỗi như hử,
Tôn tiền túy đảo trường nhiêm ông.
Nguyễn Văn Huyền dịch thơ:
Trừ tịch năm ngoái giữa non cùng,
Trừ tịch năm nay bến đông sông.
Non sông quang cảnh đều đổi khác,
Đời ta như gửi theo cỏ bồng.
Đóng cửa nằm khàn lơ mọi việc,
Bỗng nghe năm hết chuyển rùng rùng.
Năm cũ qua đi không kể nữa,
Năm mới đang về có khác không?
Việc đời bời bời năm tháng gấp,
Khi nao giúp được đạo ta cùng.
Cứ thế, thương ôi, ba mươi tết,
Chén say túy lúy một mình ông.
Còn lại những trang thơ văn giai đoạn cuối cùng này chủ yếu hướng về vịnh sử, xướng họa, cảm thán thời thế và bộc lộ tình cảm cá nhân trước cảnh quan danh thắng Hà Nội. Trong số văn nhân, có người như Nguyễn Tư Giản làm thơ đề cao tấm gương các bậc trung thần nghĩa dũng như Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu - Đoàn Thọ qua bài Đề Trung Liệt miếu (Đề miếu Trung Liệt):
Tam nhân hạo nhiên khí,
Địa dị các thành nhân.
Nhĩ thủy vô hàng tướng,
Nùng sơn hữu vĩ nhân.
Di dân do thế lệ,
Vãng sự ich toan tân.
Y tích huyền ca địa,
Trường chiêm miếu mạo tân.
(Ba bậc người giỏi, có khí hạo nhiên,
Mỗi người một địa vị đều liều mình vì nghĩa.
Sông Nhĩ không có hàng tướng,
Núi Nùng có nhiều vĩ nhân.
Dân sống sót còn rơi lệ,
Việc đã qua thêm chua cay.
Chốn này xưa là nơi nhà học,
Nay thấy ngôi miếu mới dựng lên)
Cùng đề tài này, cùng đối tượng này, Phan Văn Ái có bài thơ Nôm Vịnh ba liệt sĩbày tỏ niềm tiếc thương những người hy sinh vì nước:
Núi Thái lông hồng đọ với nhau,
Nước đau nào quản đến thân đau.
Một nền chính khí trơ mưa gió,
Ba khối hùng tâm trọi bể dâu.
Nợ với giang sơn đành phải trả,
Người mà xà hủy kể vào đâu.
Lòng trung chỉ có lòng trung biết,
Đỗ Phủ ngày xưa khóc Vũ hầu.          
 
Ngoài ra Phan Văn Ái còn có bài Trấn Võ miếu (Đền Trấn Võ), Chu Mạnh Trinh có bài Quá Cổ Loa yết Mị Châu miếu đề bích (Qua Cổ Loa kính yết miếu Mỵ Châu đề lên tường), đều thuộc dòng thơ hoài niệm lịch sử. Khác biệt hơn, giữa thời buổi chiến tranh ly loạn ấy thảng hoặc vẫn có những trang thơ nhàn tản, tựa hồ như một cách giải toả tâm trạng trước bi kịch đất nước mà mình đành chịu bất lực, không có cách gì cứu vãn... Nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến kể từ ngày đi thi Hương đỗ thủ khoa ở Hà Nội (1864), sau ba mươi năm có dịp trở lại đã ghi nhận những đổi thay và ngậm ngùi xa xót trước lẽ thịnh suy, hưng phế qua bài Hoàn Kiếm hồ (Hồ Hoàn Kiếm):
Bất đáo Kiếm hồ tam thập niên,
Đương thời cảnh sắc dĩ mang nhiên.
Hành mao hà xứ khởi lâu các,
Già pháo dạ thanh vô quản huyền.
Huyền điểu qui lai mê cựu kính,
Bạch âu mộ hạ túc hàn yên.
Khả liên ngũ bách văn chương địa,
Thượng hữu cô sơn thạch nhất quyền.
Lê Tư Thục - Nguyễn Văn Tú dịch thơ:
Ba chục năm trời cảnh vắng ta,
Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhoà.
Tranh tre khắp chốn thành lầu gác,
Kèn súng thâu đêm bặt trúc tơ.
Chiếc én tìm về quên lối cũ,
Đàn cò tối đậu lẫn sương mờ.
Năm trăm năm cũ nơi văn vật,
Còn sót hòn non một nắm trơ.
 Bùi Văn Dị cùng bạn dạo chơi mà bâng khuâng, trĩu nặng tâm tư như trong bài Thứ vận Lã Trung thừa (Xuân Oai) du Tây Hồ (Họa thơ Tuần phủ Lã Xuân Oai đi chơi Hồ Tây):
Tái phỏng Tây Hồ phi tích niên,
Tiểu xuân hoa sự bất tằng nhiên.
Vân sơn thảm đạm thanh tôn ngoại,
Vũ hạ thương mang bạch phát tiền.
Cổ tự hàn chung tăng cảm khái,
Tao nhân hào khách kỷ lưu truyền.
Đăng lâu hà dị Tân Đình hội,
Sái lệ thê phong tịch chiếu thiên.
Nguyễn Văn Huyền dịch thơ:
Thăm lại Hồ Tây đã khác xưa,
Còn đâu hoa cảnh những xuân qua.
Non mây ảm đạm, ngoài ly rượu,
Trời đất mênh mang, trước mái phơ.
Chùa cổ chuông sầu bao cảm khái,
Kẻ hào người lịch mấy lưa thưa.
Lên lầu luống những đau non nước,
Gió lạnh chiều buông mắt lệ mờ.
Cùng đi chơi Hồ Tây nhưng Phạm Hy Lượng trong bài Tây Hồ khúc yến thứ Thiếu Tô niên huynh nguyên vận (Dân ca yến ẩm ở Tây Hồ, họa theo nguyên vần của niên huynh Thiếu Tô) lại tỏ rõ phong thái nhà nho tài tử, để lòng vui cùng người đẹp, vui cùng mênh mông sóng nước:
Đê thượng tân từ gián cổ thiều,
Hồ quang y cựu tứ vô biên.
Phiếm chu kim nhật bồi song diễm,
Nhiếp lý tiền du ức kỷ niên.
Âu đạm trần tâm minh thủy tĩnh,
Oanh điều non thiệt thính chu viên.
Bắc minh nghĩ tá bồi phong dực,
Hoa quản tiên ư Lãng Bạc truyền.
Trần Lê Văn dịch thơ:
Trên đê miếu mới cách chùa xưa,
Nước vẫn lung linh chẳng thấy bờ.
Chèo mái nhẹ đưa hai khách quý,
Thăm hồ chạnh nhớ mấy năm qua.
Oanh buông tiếng ngọc lời ca đẹp,
Cò rủ lòng trần nước sạch ưa. 
Muốn mượn gió bay sang biển Bắc,
Sáo đàn Lãng Bạc đã xa đưa.
Gắn bó với Hà Nội, thi nhân Dương Khuê vẽ lại bức tranh kinh kỳ giữa mùa heo may và biểu lộ cảm xúc man mác trong bài thơ Hà thành trung thu tiết (Trung thu ở Hà Nội):
Phong tĩnh hà minh mộ vũ hưu,
Giang thành triệt dạ tễ quang phù.
Khí đăng thu hạ xa tranh đạo,
Hoàn Kiếm hồ biên nguyệt quải lâu.
Thế sự như kỳ vô định cục,
Suy niên tá tửu mạn tiêu sầu.
Nhi đồng tham trục ngư long hý,
Bất kế sơn hà dĩ bán thu.
Khắc Hanh dịch thơ:
Gió lặng mưa tan ráng rực màu,
Giang thành tạnh sáng suốt đêm thâu.
Dưới hàng đèn điện xe tranh lối,
Bên cạnh Hồ Gươm nguyệt gác lầu.
Việc thế như cờ chưa định cục,
Tuổi già mượn chén để tiêu sầu.
Đàn em mải thích trò rồng cá,
Quên hẳn non sông đã nửa thu.
Cho đến những năm tháng cuối cùng thế kỷ, khi mà lịch sử đã sang trang, khi cuộc cờ thế sự đã tàn với việc quân Pháp cơ bản đã chiếm thành Hà Nội, đã bình định Bắc Hà và hoàn thành việc thôn tính Việt Nam thì văn thơ Hà Nội vẫn đau đáu nỗi ám ảnh về số phận cả dân tộc và mỗi cá nhân. Bi kịch nước mất nhà tan mà hàng ngũ quan lại và trí thức yêu nước vẫn luôn luôn ý thức rõ nhưng đành buông tay không tìm ra một phương cách nào khác. Chính vì nỗi đau ấy nên họ đành gửi gắm tâm sự qua những trang thơ, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc, tình cảm yêu nước thương nòi bằng việc tìm về cảnh đẹp và chính những trăn trở suy tư trước mỗi vẻ đẹp đó. 
Bước sang thế kỷ XX, địa danh Hà Nội tiếp tục vang lên trong thơ ca nhiều thế hệ với nỗi nhớ khôn khuây đan xen giữa những ngày chiến tranh ác liệt và một thời hòa bình. Điều quan trọng hơn, các địa danh bây giờ trở nên lung linh gợi cảm bởi chúng đều gắn với những kỷ niệm và tâm trạng vui buồn cụ thể của thi nhân. Trước hết, không gian Hà Nội thường hiện hữu gắn với thời gian cụ thể của Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Hà Nội hai buổi chiều (Xuân Tâm), Chiều Bích Câu (Lê Đạt),Đêm Hà Nội(Chính Hữu), Tháng ba quay lại(Hoàng Nhuận Cầm), Hà Nội chiều nay(Nguyễn Đức Mậu), Trước mùa thu Hà Nội (Đinh Thị Thu Vân)(4)… Điểm nổi bật ở đây là dấu ấn những cuộc chia tay Hà Nội. Với Nguyễn Bính, sân ga là cả một khung trời ly biệt, những niềm thương cảm, những ánh mắt lưu luyến theo mãi cùng người ra đi và cả người ở lại:
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…
 
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly...
 (Những bóng người trên sân ga)
Với Nguyễn Mỹ, cuộc chia ly giữa thời chiến tranh của đôi vợ chồng vào một ngày hồng hoang cuối năm Trưa một ngày sắp ngả sang đông/ Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ nhưng trước sau vẫn ấm ỏp niền tin yờu, hy vọng:
Đã tỏa sáng. Những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...
(Cuộc chia ly màu đỏ)
Với Phan Thị Thanh Nhàn, cuộc chia tay lại như một lời hẹn hũ, ước nguyện, chắp mối cho tương lai:
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
 
… Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
(Hương thầm)
Với Xuân Quỳnh thời hậu chiến, sự chia ly đó trở thành cõu chuyện thường ngày, trong tõm thế bỡnh yờn cựng lời hẹn một sớm mai nào hội ngộ:
Con tàu với dòng sông
Ra đi và trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi.
(Sân ga chiều em đi)
Bên cạnh chủ điểm chia tay, đạt tới đỉnh cao tiếng nói trữ tình thương nhớ là những bài thơ trực diện bày tỏ niềm tin yêu, vọng tưởng về Hà Nội. Thuộc về lối thơ này có Vũ Hoàng Chương với Nhớ về Hà Nội vàng son, Hồ DZếnh với Bến nước Thanh Trì, Đinh Hùng với Sóng Tây Hồ, Bàng Bá Lân với Mơ về Hà Nội, Tạ Tỵ với Những con đường Hà Nội, Thôi Hữu với Về gần Hà Nội, Vĩnh Mai với Nhớ về Hà Nội, Dương Kỳ Anh với Nhớ mùa thu Hà Nội, Lò Ngân Sủn với Thăm Hà Nội… Có thể nói âm hưởng lịch sử, tiếng nói trữ tình cá nhân và công dân, khát vọng thống nhất đất nước và niềm tự hào, trân trọng, yêu mến Thăng Long – Hà Nội đã kết tinh trong bài thơ Nhớ Bắccủa Huỳnh Văn Nghệ, được viết vào những năm 1946 – 1948 tại chiến khu Đ (Đông Nam Bộ):
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
 
Ai nhớ người chăng? Ơi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương
 
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng
 
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại... ôi đất Bắc
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên.                           
Bên cạnh những tác phẩm trực diện phản ánh hiện thực đời sống con người và xã hội Thăng Long – Hà Nội, dòng văn chương chuyển tải cảm hứng Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long lại nghiêng về sắc thái xúc cảm hoài niệm, thương nhớ, tự hào, trân trọng, mến yêu, gắn bó với những tháng năm quá khứ đầy kỷ niệm. Trong tâm tưởng thương nhớ đất kinh đô, các nhân vật, sự kiện, chi tiết hiện thực đời sống có phần lui xuống bình diện thứ hai, nhường chỗ cho những xúc cảm, ấn tượng, ký ức một thuở một thời. Nói khác đi, vai trò tiếng nói chủ thể, tiếng nói trữ tình ngoại đề và lời tâm sự của người viết trở nên sống động, ngân vang. Qua tấm màng lọc thời gian và không gian, hình ảnh Thăng Long – Hà Nội được chắt lọc, thăng hoa, nghiêng về một màu lãng mạn, thắp lên ngọn lửa thương nhớ lung linh, huyền ảo. Như thế, bản thân nỗi nhớ cũng tiềm tàng xúc cảm thẩm mỹ và giá trị nhân văn, tạo nên tiếng nói cảm thông, đồng vọng giữa các thế hệ, giữa con người với con người. Đó cũng chính là sự bày tỏ thái độ vinh danh lịch sử, con người, cuộc sống và cảnh quan thủ đô yêu dấu ngàn năm văn hiến.
Khác với thơ ca, đường biên của dòng văn xuôi chuyển tải cảm hứng thương nhớ đôi khi không có sự phân biệt thật rõ ràng so với những tác phẩm trực diện miêu tả, phản ánh chính con người và cuộc sống sôi động chốn kinh kỳ. Nói khác đi, bên cạnh các thể hồi ký, du ký, ghi chép, tùy bút, tản văn vốn nằm ở trung tâm dòng chảy cảm hứng thương nhớ Thăng Long – Hà Nội thì nhiều trang văn lại chủ yếu nhấn mạnh các sự kiện và đằng sau đó mới bộc lộ sắc thái tình cảm. Điều này có lý bởi xét về bản chất, sự phát biểu cảm tưởng thương nhớ nào cũng phải căn cứ trên thực tế cuộc sống mà người viết đã trải qua; và ngược lại, sự mô tả hiện thực nào cũng đều gửi gắm, chất chứa trong đó và đằng sau đó sắc thái tình cảm yêu mến Thăng Long – Hà Nội.
Vào giai đoạn đầu của nền văn xuôi trung đại, khát vọng xây dựng đất nước độc lập, tự chủ gắn liền với ý thức về một quốc gia riêng, một triều đại riêng, một hoàng đế riêng (đế chứ không phải vương) và một kinh đô riêng biệt (Đông Đô chứ không phải Đông Quan). Chính vì thế mà các bộ sách Việt điện u linh Lĩnh Nam chính quáiđều đặc biệt chú ý đến các nhân vật xa gần liên quan đến kinh thành Thăng Long. Việc xây dựng hình ảnh các nhiên thần và nhân thần, việc sưu tập các truyền thuyết và truyện cổ tích (Thánh Chèm Lý Ông Trọng, sơn thần Đồng Cổ, Tản Viên, Phù Đổng, thần Kim Quy xây Cổ Loa, thần sông Tô Lịch, thánh Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không…) chính là hồi quang phản ánh nguyện vọng xây dựng kinh đô nước Đại Việt – biểu tượng của nhà nước phong kiến tự chủ và sức mạnh dân tộc.
Đến các thế kỷ XVIII – XIX, một kinh đô Thăng Long ngời sáng trong lẽ phế hưng, tang thương dâu bể đã được thể hiện sâu sắc qua ngòi bút của Lê Hữu Trác với Thượng kinh ký sự, Phạm Đình Hổ với Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án với Tang thương ngẫu lục…Xin dẫn lại đoạn văn biểu cảm nỗi niềm Lê Hữu Trác khi đi thăm Hồ Tây và xúc động hồi tưởng câu chuyện một thời tuổi trẻ từ mấy mươi năm trước:
“Lại nói về chuyện lúc tôi vừa đến cổng dinh, thì thấy mấy chiếc thuyền đang buộc ở mé Hồ Tây, tôi bèn nói với Bàn Quận công rằng:
- Hôm nay trời nắng gắt, đi bộ rất mệt, xin cho một chiếc thuyền công để đi cho vừa đỡ nóng lại vừa gần.
Ông ta bèn sai sáu người lính thủy lấy thuyền chèo tiễn tôi về. Tôi được lệnh, ra khỏi dinh lên thuyền về. Vừa qua khỏi núi đá ở giữa hồ, nhìn ánh trời sắc nước, long lanh sóng gợn, đàn cò đàn uyên ương lượn lờ bãi nước. Trên bờ, bóng cây ở Ly cung um tùm thấp thoáng, khi ẩn khi hiện. Trên bãi, một dãy lâu đài. Cỏ hoa đua tươi, khoe hồng phô biếc. Trong đám thuyền chài nổi lên tiếng hát ngắn lướt trong bóng chiều. Chuông chùa khua rộn như giục mặt trời lặn đi.
Tôi ngồi ở trong thuyền, vô cùng sảng khoái. Nhìn xa thấy một nơi điện gác nguy nga, bóng tùng rợp đất. Tôi bảo chèo thuyền tới, mới biết là chùa Trấn Quốc bèn sai người lái thuyền vào bờ.
Tôi lên bờ, ngồi một mình trên một tảng đá bên gốc cây cổ thụ, phóng mắt nhìn ra khắp phía, xao xuyến nỗi lòng, rưng rưng mắt lệ, những người theo hầu ngạc nhiên hỏi duyên cớ. Tôi nói:
- Khi còn nhỏ ở Kinh đô, tôi đã từng cùng với mấy người quen biết bạn làm Thi xã, hò hẹn cùng nhau, hàng năm xuân thu hai lần cùng tới Hồ Tây vui chơi. Mỗi khi đến đây thì sửa soạn đầy đủ rượu và đồ nhắm, rồi thuê ba bốn chiếc thuyền chài, chèo buông ra giữa hồ rong chơi, tiếng đàn sáo vang vọng bốn bề, tới đêm khuya thì về chùa Trấn Vũ ngủ trọ. Có khi năm ba ngày mới trở về. Than ôi! Ngày nay bạn bè nhiều người đã khuất, bây giờ nhìn cảnh động lòng. Nào ngờ, mé tây mấy gốc cây già, bờ nước một dải rừng trúc, hồ rộng phía trước, gác chuông nẻo sau, đây đó còn nguyên như cũ. Ngắm cảnh vật nhớ người, cho dù gan dạ có là sắt đá đi nữa thì cũng phải mềm ra.
Bèn gạt lệ xuống thuyền quay về, muôn nỗi sầu não không sao dứt được. Bèn ngâm một bài thơ để vợi bớt nỗi lòng…” (Thượng kinh ký sự).
Chuyển tiếp sang thế kỷ XX, những trang văn thương nhớ đất Thăng Long – Hà Nội trải rộng từ nỗi nhớ một cái tết xưa, một đêm trăng thu, một cành đào Nhật Tân, một “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai”, “Hà Nội ba sáu phố phường”, “Thăm phố cổ nhớ người xưa”… Hà Nội của một thuở ấu thơ, một thuở kem que, ô mai học trò và những làn mưa xuân phơ phất, những sớm thu vàng óng ả heo may, những chiều đông rộng dài se sắt và cả những gian khó thường nhật đã trở thành dĩ vãng. Tất cả rồi trở nên sống động trong lòng người xa Hà Nội, những anh chị em du học, bà con Việt kiều ở khắp mọi chân trời góc bể… Giữa bao nhiêu xa nhớ, bao nhiêu kỷ niệm có những day dứt cháy lòng qua trang nhật ký “tình ca Hà Nội” của Nguyễn Văn Thạc. Nửa trang nhật ký mà đủ đầy câu chuyện số mệnh con người cá nhân và vận mệnh đất nước, có thân phận tình yêu và chiêm cảm cô đơn trước vũ trụ vĩnh hằng bao la, có nỗi đau thân xác tình yêu và linh giác một cuộc chia ly không hẹn ngày về, có lời ân hận nhân bản thanh cao và tiếc nuối quá khứ một thời tuổi xanh vừa đó đã qua rồi, có cả lời nguyện cầu và lời trối trăng, kêu thương, nhắn nhủ khiến bao kiếp người sau còn rơi nước mắt.
“3-12-1971
… Nghĩ về Hà Nội là nghĩ về N. Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương đêm mùa hè, của đêm mùa thu... Ta gặp nhau làm gì nhỉ? Ta nắm tay nhau làm gì nhỉ? Ta siết chặt trong nỗi xúc động làm gì... N. Anh bé nhỏ yêu dấu đêm nay ở đâu... Thương N. Anh thật nhiều mà không biết nói sao, không biết làm sao cả.
Tội nghiệp N. Anh, cứ phải buồn mãi, buồn dai dẳng... Sao không vui với bạn bè mỉm cười. Mùa xuân... đâu rồi? Đêm gần nhau nhất lại là đêm chia tay. Hạnh phúc thả những đốm sáng bay lơ lửng trên trời. Vũ trụ bao la quá mà tay N. Anh nhỏ nhắn chừng nào...
Bao nhiêu đêm nằm mơ, mình trở lại buổi tối cuối cùng, khi N. Anh dừng xe ở đằng sau và đặt nhẹ bàn tay lên vai trái. Mình ngoảnh lại... thế rồi không còn mơ được gì nữa, cứ trượt theo những đường cong mềm mại... Mai, ta xa nhau rồi, vậy mà có ai nói được với ai điều gì đâu, cứ mặc làn gió thơm mùi đồng nội vuốt ve mái tóc...
Mới đó mà ta xa nhau, thật là kinh khủng. Có lẽ nào tất cả chỉ là như thế. Có lẽ nào tất cả chỉ là như thế và vĩnh viễn cũng chỉ là như thế. Có lẽ nào đó là tột cùng hạnh phúc? Còn sau này chỉ là đau khổ và mòn mỏi, hối tiếc...
Phải chi đừng gặp N. Anh thì bây giờ đỡ hối hận biết bao. Dẫu có phải mất đi những tháng năm đẹp đẽ ấy cho N. Anh bình yên và hạnh phúc.
Tội lỗi đó không bao giờ mình có thể tự tha thứ cho được. Càng nghĩ nhiều càng thấy mông lung và thương N. Anh, thương cả mình nữa. Trái tim ơi, vỡ ra và đừng bao giờ rung nữa. Cho ta thảnh thơi, cho N. Anh hạnh phúc... Buồn lắm, cuộc sống riêng của mình. Càng nghĩ càng buồn, nhất là trong những ngày này.
Bao giờ mình mới thoát khỏi sự chờ đợi đáng ghét như hôm nay? Đi chiến đấu chắc say sưa và hào hứng hơn chăng?”…
Trong tổng thành dòng chảy văn xuôi thương nhớ Hà thành, nói riêng thể tài du ký là một bộ phận văn học quan trọng còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký Hà Nội có các sáng tác bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, đề vịnh, thư từ, hồi ký, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, dân tộc học, văn hóa học khác nữa.
Trong truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp có một đoạn văn như thế này: “Đường về, vợ tôi bảo xe đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới được đi xa thích lắm. Ông bảo: “Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: “Tại chú quen đấy. Ở nơi khác người ta cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội”. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi này yêu nơi kia. Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù!”… Như thế là nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu ĐI và XEM chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia” – cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký về Thăng Long – Hà Nội.
Khác biệt với nhiều tác phẩm, học giả Trương Vĩnh Ký, nguyên quán ở Bến Tre, có đóng góp với mảng sáng tác về đề tài Hà Nội bằng tập bút ký chữ Quốc ngữ Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi. Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi viết bằng chữ Quốc ngữ của thế kỷ XIX, bước đầu ghi nhận khả năng viết văn xuôi tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký và là hiện tượng “chín sớm”, báo hiệu cho sự phát triển một kiểu loại ngôn ngữ văn học mới. Điều đáng chú ý là tập ký ghi chép lại khá nhiều những tư liệu về Hà Nội một thuở với những cảnh hồ Hoàn Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu, chùa Một Cột, Trấn Võ; những đặc điểm về văn hoá như phong tục ngày tết, lễ hội, ẩm thực; những đặc điểm về kinh tế - điều kiện tự nhiên như chế độ hộ khẩu, ruộng đất, đền miếu, quán chợ, thành trì, cầu cống, thổ sản… Đặt trong tương quan bộ phận văn học Hán Nôm, tập bút ký Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi thực sự là một đóng góp quan trọng về đề tài Hà Nội cũng như với tiến trình phát triển nền văn học chữ Quốc ngữ nói chung.
Trên tạp chí Nam Phong số 87, ra tháng 9 – 1924, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục có in Bài ký chơi Cổ Loa là một trong những trang du ký sinh động viết về vùng đất cổ ngoại thành Hà Nội. Cuộc chơi “vì chút cảm tình với lịch sử ấy” có chủ bút Nam Phong Phạm Quỳnh, có ông Nguyễn Háo Vĩnh chủ bút Nam Kỳ tuần báo từ Sài Gòn ra, lại có hai nhà Hán học Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Duyệt. Trong đoạn kết, Tùng Vân nhấn mạnh tâm tình của kẻ sĩ với di tích Cổ Loa và thành Hà Nội: “Khi về đến Hà Nội thì trời đã hoàng hôn, cùng nhau đàm đạo lại một chút, rồi rẽ lối lên xe. Khi đó, các ông có ủy cho tôi làm một bài ký. Tôi nhân ngồi trên xe, trầm ngâm chiển chuyển, cầu lấy một cái triết lý để giải oan cho người đời xưa, còn đương lúng túng, nhác trông ra thì hóa ra phong cảnh Hồ Tây, đi một lúc nữa, lại hóa ra phong cảnh bến Mạc. Tối hôm ấy tôi chơi trăng ở bến Mạc, mà bóng trăng thì suốt đêm cứ chảng vảng mập mờ, thỉnh thoảng hơi hé ra được một tí thì lại có một cái đám mây mong mỏng che phủ ngay đi. Khác nào như một người đàn bà trinh thục náu ở trong bức rèm thưa, có cái tình tự u ẩn gì, muốn nói mà lại không nói. Mới hay cái trận mưa sáng ngày với cái bóng trăng tối hôm nay, thật là ngẫu nhiên, nhưng mà hình như không phải ngẫu nhiên vậy”… Thực ra thì trận mưa với bóng trăng dưới cõi trời Nam này có khác nhau đâu! Chẳng qua chỉ vì gắn bó, yêu quí Hà thành mà hóa ra một tấm tình riêng đấy thôi!...
Nối tiếp tạp chí Nam Phong, từ khoảng thời gian này đến 1945 có thêm nhiều trang du ký trực tiếp diễn tả những nét đặc sắc của nền văn hóa cổ Hà Nội, bao gồm những khảo sát so sánh Hà Nội xưa và nay, những di tích lịch sử và thắng tích Hà Nội với nhiều vẻ phong phú. Những tác giả tiêu biểu cho loại thể du ký Hà Nội có thể kể đến Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Minh Tuyền, Vũ Nhật, Cách Chi, Phạm Mạnh Phan... Đọc các trang viết trên tạp chí Tri tân (1941 – 1945) như Hà Nội xưa và nay, Hà Nội ngày nay không như Hà Nội dưới mắt nhà học giả Trương Vĩnh Ký của Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, chúng ta gặp lại một Hà Nội cách nay dư nửa thế kỷ, đặc biệt thấy thú vị khi người xưa lại so sánh ngược lại với một thuở xa xưa hơn. Cụ Tiên Đàm cảm thấy hãnh diện với sự hiện đại của 36 phố phường hồi gần giữa thế kỷ XX và mỉm cười về sự lạc hậu của Hà thành qua cách mô tả của Trương Vĩnh Ký trong bài Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) thì bây giờ chúng ta lại cười mỉm về cái gọi là sự “hiện đại” qua các trang văn của chính cụ Tiên Đàm. Dù sao cũng phải thấy chính nhờ những trang du ký ấy mà chúng ta hình dung được Hà Nội một thuở, hồi hướng về Hà Nội theo tư duy khảo cổ và cảm thấy gần hơn với ông cha... Đọc Một dịp đi thăm làng Bối Khê của Vu Ngã, Thăm trại thanh niên Tương Mai của Minh Tuyền, Đông Dương học xá của Cách Chi và Mạnh Phan... mới hiểu được không khí đời sống – xã hội của một thuở Hà Nội nửa thực dân đang trong quá trình bước đầu hiện đại hóa... Rồi đọc các du ký như Từ Hà Nội tới hồ Ba Bể của Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Hà Nội – Vientian trong hai giờ của Vũ Nhật... mới thấy thực trạng cơ sở giao thông ngày ấy và cả niềm hãnh diện, cảm xúc bâng khuâng của con người trước mỗi chuyến viễn du. Ở đây có một Hà Nội trong mắt người Hà Nội, có một Hà Nội trong tâm tưởng người xa Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bấy nhiêu tâm trạng, sự trạng, cảnh vật và đời sống Hà Nội chính nhờ những trang du ký ấy mà còn lại tới ngày nay. Thể tài du ký Hà Nội thực sự đã giữ vai trò một bảo tàng ngôn từ về lịch sử và thắng tích, về những cuộc du hành của người Hà Nội hồi đầu thế kỷ - cái mầm mống mà ngày nay ta gọi là Du Lịch.
Vào giai đoạn sau 1945, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và qua phân hai miền, thể tài du ký vốn in đậm sắc màu vị nghệ thuật đã chuyển hướng và hòa nhập vào dòng chảy thể loại ký, ghi chép, ký sự… Từ nhiều phương trời khác nhau, các tác phẩm hướng về Hà Nội có sự góp mặt của nhiều nhà văn nổi tiếng như Vũ Bằng, Tô Hoài, Đinh Hùng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Trong một bài tùy bút kháng chiến có tên Hà Nội nhớ Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu hóa thân trong giọng điệu tự thuật để bộc lộ nỗi nhớ thương và cảm phục cái khả năng hấp dẫn, thu phục, đồng hóa, “Thăng Long hóa” diệu kỳ của đất Hà thành với người bốn phương:
“Tôi như con chim mắc lồng. Lồng giặc có mấy chi làm dày! Này mai đây, ta sẽ phá tan như một cơn mộng xấu. Tôi nuôi lấy sức, tôi biết đợi chờ.
Nhưng mà tôi nhớ, tôi nhớ biết bao nhiêu!
Tôi nhớ tôi, tôi nhớ Hà Nội. Hà Nội nhớ Hà Nội. Thủ đô nhớ Thủ đô. Ôi ! Mình tương tư lấy mình, xác nhớ thương lấy hồn, khung cảnh nhớ nhung lấy sự sống…
Tôi nhớ những ngày bình thường làm ăn mà sao cái gì cũng Hà Nội quá. Người Cà Mau, người Lạng Sơn, người Nghệ Tĩnh đến giữa khoảng Hàng Bông, Hàng Đào là người Hà Nội. Trái cây, ngọn rau, miếng bánh từ Thượng Du, Hạ Du đã qua mấy cửa ô đi vào phố phường, cũng thành món quà Hà Nội rồi. Phu xe cũng Hà Nội, em bán báo cũng Hà Nội”…
Từ cuối trời Nam, nhà văn Vũ Bằng đã nâng Món ngon Hà Nội ngàn xưa lên thành triết mỹ ẩm thực, qua món ngon là niềm tin và khát vọng về một ngày thống nhất non sông:
Kỳ lạ đến thế là cùng Hà Nội ạ ¹!...
Ôi là miếng ngon Hà Nội! Cái ngon thiên hình vạn trạng làm cho người ta cảm thấy say sưa cuộc sống còn; cái ngon làm cho người ta thương mến nước non, thương mến từ cái cây, ngọn cỏ thương đi, thương mến từ con cá, miếng thịt của đồng bào mà thương lại; cái ngon làm cho người ta tự bắt buộc phải quý hóa từ mấy lá thìa là, cải cúc, từ một xóc cua đồng, từ mấy ngọn húng Láng của những người nơi thôn ổ đã chăm chút trồng nên…
Miếng ngon Hà Nội nhiều biết bao nhiêu! Yêu miếng ngon Hà Nội nhiều biết chừng nào!...
Duy chỉ có miếng ngon Hà Nội là không đánh lừa ai cả. Miếng ngon Hà Nội bao giờ cũng trung thành, êm ái, miếng ngon Hà Nội bao giờ cũng chiếm được lòng ta như một người vợ hiền chiếm được lòng chồng…
Ta mơ ước một ngày đất nước thanh bình, toàn dân sát cánh với nhau ăn mừng Đại Nhật bằng một bữa tiệc vĩ đại có đủ hết cả những miếng ngon Hà Nội”...
VớiThương nhớ mười hai, thêm một lần Vũ Bằng tỏ lời tụng ca Hà thành và đất Bắc, lấy văn hóa mà khơi gợi, cảm hóa, thức tỉnh, chinh phục lòng người:
“Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...
Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng. Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mác”...
Người Hà Nội và những người xa Hà Nội, những người từng một lần ngang qua Hà Nội và cả người bốn phương đều có chung tấm lòng nhớ thương Thăng Long – Hà Nội. Đây là miền đất của ngàn năm, nơi hội tụ và thăng hoa mọi giá trị con người, tinh kết tài hoa, trí tuệ bốn phương. Chính vì thế mà Thăng Long – Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ văn nghệ sĩ làm nên các tác phẩm thơ văn xuất sắc. Trải qua suốt ngàn năm, con người vẫn khôn nguôi vọng tưởng theo dáng rồng bay, vẫn mơ về Hà Nội dáng kiều thơm, vẫn khắc khoải viết nên những trang văn in dấu ấn kinh kỳ, xiết bao thương nhớ. Một thời rồi sẽ qua đi. Trăm năm rồi sẽ qua đi. Ngàn năm rồi sẽ qua đi. Sự góp nhặt những trang văn Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long hẳn sẽ là hành trang tinh thần vô giá gửi lại mai sau. Mãi mãi muôn năm sau vẫn là Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Hà Nội, 26/8/2010
 
_________________
(1) Xin xem Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập I (Bùi Duy Tân chủ biên). Tái bản. Nxb. Giáo dục, H., 2006; 620 trang.
- Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập II (Bùi Duy Tân chủ biên). Nxb. Giáo dục, H., 2007; 692 trang.
- Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập III (Bùi Duy Tân chủ biên). Nxb. Giáo dục, H., 2009; 1120 trang.
(2) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Về một vài đặc điểm thơ văn Nguyễn Cao. Tạp chí Văn học, số 5-1986, tr.107-116.
(3) Nguyễn Hữu Sơn: Cao Bá Quát và những suy tưởng trong thơ, trong sách Cao Bá Quát – một đời thơ suy tưởng. Nxb Trẻ - Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học, TP Hồ Chí Minh, 2005, tr.9-39.
(4) Trong bài viết này, khi trích dẫn tác phẩm văn học đã trở nên quen thuộc (đặc biệt với tác phẩm hiện đại), chúng tôi không ghi xuất xứ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513007

Hôm nay

2108

Hôm qua

2436

Tuần này

2944

Tháng này

219880

Tháng qua

121356

Tất cả

114513007