Những góc nhìn Văn hoá

Công nghiệp sáng tạo và văn hóa

Văn hóa, đến xã hội hiện đại có một vị thế mới, một tầm quan trọng mới đối với phát triển mà trước đây không có. Từ chỗ văn hóa chỉ được xem là sự kết tinh những giá trị tinh hoa đến chỗ văn hóa phải kết hợp nhuần nhuyễn tính bác học và tính đại chúng, từ quan niệm văn hóa chỉ là những giá trị thuần túy đến quan niệm các giá trị văn hóa có thể đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển kinh tế, con người hiện đại đã nhìn thấy sức mạnh kinh tế của văn hóa và đang khai thác tích cực các tiềm năng kinh tế của văn hóa. Tìm hiểu khía cạnh kinh tế của văn hóa qua công nghiệp văn hóa hiện đại là một dịp để chúng ta đổi mới cách nhìn đối với văn hóa dân tộc, không chỉ tự giới hạn tầm nhìn văn hóa dân tộc trong phạm vi bảo tồn, giữ gìn bản sắc mà còn biết gia nhập tích cực vào hệ thống công nghiệp văn hóa toàn cầu, biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

1. Các khái niệm “công nghiệp văn hóa” và “công nghiệp sáng tạo”

1.1. Công nghiệp văn hóa (cultural industry):

Khái niệm công nghiệp văn hóa có thể định nghĩa đơn giản là các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa văn hóa. Định nghĩa của UNESCO năm 1982  “Nói chung thì một ngành công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất , được lưu trữ và phân phối trên các dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên qui mô lớn, phù hợp với chiến lược quan tâm đến kinh tế hơn là bất cứ một quan tâm văn hóa nào”.   

Khái niệm công nghiệp liên quan đến sản phẩm hàng hóa, còn khái niệm văn hóa thường diễn đạt ý niệm trừu tượng về giá trị. Ghép hai khái niệm này đã làm bộc lộ những sức mạnh tiềm ẩn của văn hóa về phương diện kinh tế mà trước đây chúng ta ít chú ý.  

Một trong những biểu tượng tiêu biểu của công nghiệp văn hóa là điện ảnh. Quả thực, điện ảnh ra đời ở đầu thế kỷ XX đã gợi ý về một thế kỷ công nghiệp văn hóa đang bắt đầu. Đây là một phối hợp liên ngành tuyệt vời giữa máy móc cơ khí (máy chiếu 35 mm) và công nghiệp chất liệu (cuộn phim làm từ sellulose acetat), văn học nghệ thuật (nghệ thuật tự sự) và kinh doanh thu lợi nhuận (rạp chiếu phim có bán vé). Sản phẩm của hệ thống Hollywood chính là kết quả của sự tương tác giữa sự phát triển của công nghệ, của cấu trúc kinh tế và thí nghiệm thẩm mỹ. Điều cơ bản nhất là điện ảnh chứng tỏ một khả năng làm giàu cho cuộc sống con người chưa từng được phát hiện trước đây. “Lịch sử sản xuất và trình chiếu phim chính là lịch sử của sự phối hợp giữa các nhân tố kinh tế và xã hội, cũng như giữa các sáng tạo về kỹ thuật và thẩm mỹ”[1]

Nguyên tắc phối hợp nhiều nhân tố này không thay đổi cho đến tận ngày nay, dẫu chúng ta đã không còn nhất thiết phải đến rạp xem phim mà có thể xem phim tại nhà riêng qua màn hình máy tính, thậm chí xem phim ở bất cứ đâu qua màn hình điện thoại di động. Công nghệ phát triển đã tính toán để nâng cao cả giá trị kinh tế cũng như hiệu quả thẩm mỹ của việc sản xuất và chiếu phim. “Các nghệ sĩ và các nhà kinh doanh, được dẫn dắt bởi các động cơ kinh tế và/hay là thẩm mỹ, đang tiếp tục phát triển các phương pháp để khích lệ con người tương tác một cách sáng tạo với các hình ảnh”[2].  

Về mặt lịch sử, hai nhà nghiên cứu thuộc trường phái Frankfurt là Adorno and Horkheimer lần đầu tiên sử dụng cụm từ công nghiệp văn hóa (cultural industry) trong cuốn sách nổi tiếng Dialectic of Enlightenment (Biện chứng của Khai sáng)năm 1947. Hai ông khẳng định rằng văn hóa bị thống trị bởi các hàng hóa được sản xuất bởi công nghiệp văn hóa và các hàng hóa này trong khi nhắm đến mục đích là những hàng hóa mang tính dân chủ, cá nhân và đa dạng hóa, trên thực tế lại có tính chuyên chế, hòa đồng, và tiêu chuẩn hóa cao.  Một nhận định quan trọng của hai ông là công nghiệp văn hóa làm cho văn hóa bác học và văn hóa bình dân gặp gỡ. Các nhà lý luận hậu hiện đại cho rằng với công nghiệp văn hóa, cách nhìn nhị nguyên phân biệt văn hóa bác học văn hóa đại chúng như trước đã bị vượt qua; ở đây, nghệ thuật và cuộc sống không còn tách biệt. Hai ông dùng khái niệm công nghiệp văn hóa cũng có ý phản bác quan niệm cho rằng văn hóa tự phát nảy sinh từ đại chúng. Thực ra theo hai nhà nghiên cứu này, các sản phẩm văn hóa đã được tính toán kỹ cho nhu cầu tiêu thụ của đại chúng, và do đó, chúng được sản xuất ít nhiều theo kế hoạch. Chữ “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên hai ông có ý phê phán sự khai thác có tính thương mại tính sáng tạo của con người. 

Hồi những năm 1970, nhiều nhà lý luận nhìn văn hóa đại chúng và vấn đề quan hệ giữa hệ tư tưởng và chủ nghĩa tư bản theo nghĩa là sự khác biệt giữa văn hóa bác học và văn hóa đại chúng hoặc giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Trong trường hợp đầu, việc thương mại hóa văn hóa được coi là sự tầm thường hóa văn hóa vì quần chúng thiếu văn hóa. Trường hợp thứ hai, đó là động tác có tính tư tưởng và sự thần bí hóa về sự kiểm soát của giai cấp tư sản đối với các kênh thông tin. Còn Adorno thì trái lại nhìn nhận vấn đề như là sự đồ vật hóa và tha hóa. Khái niệm văn hóa theo quan niệm chủ nghĩa duy tâm Đức diễn đạt những giá trị sâu nhất được chia sẻ của một nhóm xã hội, đối lập với văn minh, như là thị hiếu và thực tiễn sống của tầng lớp tinh hoa và của nghệ thuật như là sự diễn đạt tự do và hy vọng không tưởng. Còn khái niệm công nghiệp -industry bao hàm cả khái niệm sản xuất hàng hóa, trao đổi hàng hóa, sự tích lũy tư bản  và sự tha hóa của kinh tế học Marx,  nhưng cũng bao hàm nghĩa của Weber về sự duy lý hóa.

Việc dùng khái niệm “cultural” ở đây có hai nghĩa : thứ nhất nó chỉ những đặc trưng của cấu trúc kinh tế  và năng động của việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ biểu tượng (quần bò là một loại biểu tượng). Thứ hai, nó chỉ những quá trình hàng dọc và hàng ngang đã sáng tạo ra một khu vực kinh tế thống nhất trên bình diện toàn cầu, khác với việc phân biệt trước đây ra các lĩnh vực riêng như xuất bản , in ấn, phim , ca nhạc.

Về sau khái niệm công nghiệp văn hóa được dùng để chỉ việc sản xuất âm nhạc đại chúng, phim, truyền hình, và thời trang bởi các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Ở đây điều quan tâm là kinh tế chính trị học của văn hóa: ai là người kiểm soát các thiết chế kinh tế, xã hội và văn hóa cùng phương pháp mà tập đoàn này sở hữu và kiểm soát các ngành công nghiệp văn hóa định hình khuôn mẫu văn hóa hiện đại. Nghiên cứu công nghiệp văn hóa là một phần của nghiên cứu văn hóa. Nhưng ý nghĩa của văn hóa không chỉ thể hiện trong chính sách văn hóa mà còn ở cả việc tiêu thụ văn hóa, nơi người tiêu dùng tạo các nghĩa riêng của mình[3].

Marx đã nói đến hàng hóa từ góc độ giá trị sử dụng (use value) và giá trị trao đổi (exchange value). Nhà lý luận hậu hiện đại Baudrillard lại cho rằng giá trị ký hiệu (sign -value) đã thay thế cả giá trị sử dụng và giá trị trao đổi của hàng hóa trong văn hóa hiện đại. Theo ông, đây là nền văn hóa trong đó giá trị được quyết định qua sự trao đổi các ý nghĩa tượng trưng chứ không phải qua tính hữu ích. 

Trong khái niệm công nghiệp văn hoá, chữ industry có thể dịch là công nghiệp mà cũng có thể hiểu là một ngành sản xuất, một lĩnh vực hoạt động như công nghiệp du lịch (tourism industry). Khái niệm văn hóa có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau tùy theo góc nhìn của nhà nghiên cứu. Giới nghiên cứu thế giới quan niệm văn hóa là sản phẩm của hoạt động tạo ra biểu tượng của con người, nó lâu đời như chính cuộc sống của con người. Văn hóa là phần bên trong của cái khiến chúng ta thành con người, nó thể hiện một cách đơn giản như lời ru đưa nôi của bà mẹ, cũng có khi phức tạp như kịch Kabuki của Nhật Bản. Còn công nghiệp thì trái lại, là một hệ thống sản xuất, phân phối, marketing để phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hệ thống được tổ chức bởi những cơ quan chuyên môn và được duy trì bởi nhu cầu của người tiêu dùng. Gắn văn hóa với công nghiệp khiến cho ngành công nghiệp văn hóa ra đời “một hệ thống sản xuất, phân phối và marketing các sản phẩm biểu tượng đến người tiêu thụ, ở đó mỗi ngành sản xuất văn hóa lại được hình thành từ những công ty chuyên biệt trong sản xuất, phân phối, marketing những sản phẩm văn hóa chuyên biệt và được duy trì bởi nhu cầu của người tiêu dùng về những sản phẩm đó”[4].

Towse (2003) định nghĩa: “Các ngành công nghiệp văn hóa sản xuất hàng loạt các sản phẩm và dịch vụ với nội dung nghệ thuật vừa đủ để được xem là sáng tạo và có ý nghĩa văn hóa. Những đặc điểm cơ bản là sản xuất trên qui mô công nghiệp kết hợp với nội dung văn hóa…Khả năng sản xuất hàng loạt là nhờ sự phát triển của các công nghệ như in, ghi âm, công nghệ ảnh, phim, video, internet, công nghệ số hóa-và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với các sức mạnh tích lũy được trong thế kỷ XX”[5].

Nói đến khái niệm công nghiệp văn hóa, người ta nghĩ đến những lĩnh vực bộc lộ tính sáng tạo ở thời hiện đại như quảng cáo, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, nghề thủ công, thiết kế designe, thời trang, games, âm nhạc, xuất bản , TV và phim, truyền hình, nhà hát v.v... Các định nghĩa về công nghiệp văn hóa đều nhấn mạnh những nét đặc trưng riêng biệt của hàng hóa văn hóa vốn quyết định đầu ra của các ngành sản xuất này. Adorno coi công nghiệp văn hóa là những quá trình kinh tế và xã hội phức tạp đã biến đổi văn hóa thành những hàng hóa có thể tiêu thụ. Hirsch xem “sản phẩm văn hóa như là những mặt hàng phi vật thể nhắm đến công chúng tiêu thụ để thỏa mãn không phải chỉ là chức năng thực dụng mà chủ yếu là chức năng thẩm mỹ và chức năng biểu hiện”[6].

1.2. Công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và kinh tế sáng tạo :

Trên thực tế nghiên cứu, người ta thường dùng 3 khái niệm tương đương công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và kinh tế sáng tạo. “Vì sự đa dạng của các phương pháp theo đó chúng được xem xét, các ngành công nghiệp sáng tạo ngày nay thường được dùng chỉ nội dung bản quyền (số hóa) cũng như là chỉ các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo tùy thuộc vào việc người ta muốn nhấn mạnh vào giá trị, kỹ thuật, sự sản xuất công nghiệp, việc làm được tạo ra hay chính sách đầu tư công”[7]

Các nhà nghiên cứu sau Adorno để tránh việc hiểu công nghiệp văn hóa chỉ như là một ngành sản xuất, đã quyết định dùng khái niệm công nghiệp ở số nhiều (industries).       

Công nghiệp văn hóa không chỉ bao hàm việc sản xuất các mặt hàng mà còn cung cấp cả các dịch vụ. Power (2002) cho rằng công nghiệp văn hóa hình thành từ “những tác nhân kinh tế kéo theo trong quá trình sản xuất những hàng hóa và dịch vụ mà giá trị của chúng chủ yếu hay phần lớn được xác định bởi phẩm chất của nội dung mang tính thẩm mỹ, ngữ nghĩa, cảm giác và trải nghiệm”[8]. Trong công nghiệp văn hóa có bao gồm cả du lịch văn hóa, hoạt động bảo tàng, thư viện, thể thao, các hình thức hoạt động ngoài trời. 

Người ta còn gọi công nghiệp văn hóa là kinh tế trải nghiệm (experience economics). Pine and Gilmore (1999)gọi kiểu công nghiệp này là sự ra đời của “kinh tế trải nghiệm”. “Bản chất của kinh tế trải nghiệm là sự tập trung ngày càng tăng của sự trải nghiệm đối với việc tiêu thụ trong hầu như mỗi ngành sản xuất. Trong một nền kinh tế trải nghiệm, các sản phẩm được mua sắm không chỉ do tính khả dụng của chúng mà còn vì những trải nghiệm khó tả nảy sinh trong quá trình tiêu thụ, một quá trình được làm giàu bởi sự tương tác chủ quan của người tiêu dùng với sản phẩm”[9].

Tính chất trải nghiệm của sản phẩm công nghiệp văn hóa chịu sự qui định của biến đổi văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội do công nghiệp hóa, các giá trị của con người chuyển từ nhu cầu sống còn sang nhu cầu biểu hiện bản thân, qua đó con người nhấn mạnh nhiều hơn đến sự lựa chọn, sự độc lập và tính sáng tạo[10]. Sản phẩm văn hóa được trải nghiệm hơn là được tiêu dùng theo một nghĩa ước lệ của từ này. Người tiêu dùng tương tác với một sản phẩm văn hóa và rút ra từ sản phẩm một nghĩa hay một thú giải trí nào đó.

Có nhiều ví dụ về nền kinh tế trải nghiệm, chẳng hạn một hội chợ ở Las Vegas: các cửa hiệu được đặt ngay trên đường phố nom như hội chợ La Mã cổ đại, cứ mỗi giờ lại có 5 phút trình diễn sân khấu tái hiện lại cảnh vượt biển chết đuối ở Đại Tây Dương hay những đội lính gác La Mã cổ đại để lôi cuốn sự chú ý của người mua hàng. Tuy là mỗi giờ bị mất đi 5 hay 10 phút không bán được hàng nhưng bù lại hiệu quả kinh doanh gấp ba bốn lần bình thường. Một quan niệm về công nghiệp văn hóa như là kinh tế trải nghiệm giải thích vì sao ở Thụy Điển, người ta đưa dịch vụ ăn tối vào công nghiệp văn hóa-tổ chức một bữa ăn tối không chỉ thoả mãn nhu cầu ăn uống đơn thuần mà còn đáp ứng trải nghiệm sống, chất lượng sống. Thậm chí có những nhà hàng đưa khách xuống ăn ở những tầng hầm sâu hàng trăm mét.

Các ngành công nghiệp khác có thể học được từ công nghiệp văn hóa trong việc kết hợp giữa kinh doanh và tri thức sáng tạo-đây vốn là vấn đề bản chất của công nghiệp văn hóa. Vì thế nói đến công nghiệp văn hóa, người ta cũng thường nói đến khái niệm công nghiệp sáng tạo (creative industry). “Sự kết hợp giữa kinh doanh và tri thức sáng tạo xuyên suốt cả chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp văn hóa. Sự kết hợp này cũng trở thành cơ bản trong các ngành công nghiệp như công nghiệp ô tô, máy móc. Các bài học của  công nghiệp văn hóa trở nên rất có giá trị vì các ngành công nghiệp đó đã nhận ra rằng lợi thế cạnh tranh phụ thuộc vào sự kết hợp nhanh chóng giữa các hoạt động sáng tạo và hoạt động kinh doanh” (tr. 9).

Khái niệm công nghiệp văn hóa về sau được thay thế bằng khái niệm công nghiệp sáng tạo xuất hiện ở Úc và Anh hồi giữa những năm 1990, sau đó phổ biến ở các nước khác để nhấn mạnh rằng tính sáng tạo vẫn phải là đối tượng được khai thác cho các mục đích chính trị và kinh tế. Kagan hiểu sáng tạo (creativity) như là sự hướng đến sự tái sản xuất thực tại, sáng tạo một thực tại khác, một thực tại nghệ thuật, một thực tại không có thực, tưởng tượng, huyền thoại, một sự tổng hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa siêu thực[11].

Khi dùng khái niệm công nghiệp sáng tạo, giới nghiên cứu muốn nhấn mạnh đến việc khai thác giá trị kinh tế của tri thức và thông tin. Các ngành công nghiệp thế kỷ XX và XXI phụ thuộc phần lớn vào năng lực sáng tạo của con người như một nguồn lực chủ đạo. Bộ Văn hóa Truyền thông và Thể thao Anh quốc định nghĩa công nghiệp sáng tạo “là những ngành công nghiệp bắt nguồn từ các sáng tạo, kỹ năng và tài năng cá nhân; những ngành công nghiệp có tiềm năng tạo ra sự giàu có và việc làm thông qua sự sản sinh và khai thác tài sản trí tuệ”. Vì thế nên giới nghiên cứu còn gọi công nghiệp sáng tạo là lĩnh vực bản quyền và kỹ thuật số hóa.    

Kinh tế sáng tạo bao gồm một phạm vi rộng lớn quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật, nghề thủ công, thiết kế, thời trang, phim, nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản (kể cả xuất bản mạng), phần mềm, trò chơi, đồ chơi, TV và radio, nhiếp ảnh, trò chơi video. Có người còn coi công nghiệp giáo dục, chế biến thực phẩm cũng là một bộ phận của công nghiệp sáng tạo. Liên quan mật thiết đến công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo còn phải nói đến các hội chợ triển lãm, các festival, các cuộc thi, cụ thể là “các hội chợ triển lãm nghệ thuật (art fairs), các biennales (hội chợ hai năm một lần), các phiên bán đấu giá nghệ thuật (auctions), hội chợ sách (book fairs), thị trường chương trình truyền hình (television programming markets), các liên hoan phim quốc tế (international films festival), liên hoan phim hoạt hình, liên hoan âm nhạc đồng quê (country music festival), tuần lễ thời trang (fashion weeks), các sự kiện phân loại và nếm rượu vang... Phạm vi của công nghiệp sáng tạo rất rộng và cũng mang tính sáng tạo cao.         

Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của công nghiệp sáng tạo không phải do đề xuất của giới nghiên cứu hàn lâm mà được khởi xướng từ phía các nhà doanh nghiệp.

Trong xã hội mà kỹ thuật thông tin phát triển mạnh thì điều đáng chú ý là sự thay đổi từ công nghiệp văn hóa sang công nghiệp sáng tạo. Vai trò của công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo trong việc sản xuất biểu tượng hay sản xuất văn hóa trở nên lớn hơn bao giờ hết. 

Lý thuyết nổi tiếng của Daniel Bell  về chủ nghĩa hậu công nghiệp (1973) đã nói đến động lực của sự phát triển chủ nghĩa tư bản sẽ không còn là vốn vật chất nữa mà là vốn con người dưới hình thức tri thức khoa học. Tỷ trọng của nền kinh tế sẽ chuyển từ vốn tư bản sang các tư tưởng, quyền lực xã hội chuyển từ kiểm soát vốn tư bản sang kiểm soát các nhà khoa học, từ ngân hàng sang các đại học. Vấn đề vốn con người nổi lên như một sự quan tâm mới.

Lý luận tân cổ điển cho rằng cạnh tranh kinh tế chủ yếu là giảm giá thành. Nhiều lý luận gia về chủ nghĩa tư bản phát triển nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại không phát triển  qua con đường cạnh tranh giá mà thông qua cạnh tranh về sáng tạo. Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm và quá trình mới, những cái này tạo ra thị trường mới. Tính mới của sáng tạo không có cạnh tranh. Microsoft và Bill Gates là ví dụ về cái mới không có cạnh tranh. 

2. Một số đặc điểm của công nghiệp sáng tạo :

Theo Caves (2000), công nghiệp sáng tạo có 7 đặc điểm kinh tế chủ yếu sau : 1) Không ai biết trước: luôn tồn tại tính không thể dự báo trước về phản ứng của người tiêu dùng đối với sản phẩm; 2) quan tâm cho nghệ thuật vị nghệ thuật : người lao động trong lĩnh vực này quan tâm đến tính độc đáo, đến kỹ năng kỹ thuật chuyên nghiệp, sự hài hòa của hàng hóa sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận đồng lương thấp hơn là phải làm công việc nhàm chán; 3) nguyên tắc làm việc nhóm: để có được những sản phẩm khá phức hợp (như phim), đòi hỏi tổng hợp những kỹ năng đa dạng của nhiều người; 4) sự đa dạng vô cùng: các sản phẩm khác biệt bởi tính độc đáo và chất lượng. Mỗi sản phẩm là một kết hợp đặc biệt các chuyên ngành dẫn đến sự đa dạng vô cùng của các khả năng lựa chọn. 5) danh sách A/danh sách B: các kỹ năng phân hóa theo hàng dọc, các nhà nghệ sĩ được xếp hạng theo kỹ năng, sự độc đáo, tính hiệu quả trong sáng tạo  của họ và sản phẩm. Một sự khác biệt nhỏ về tài năng có thể đưa tới khác biệt to lớn về thành công tài chính.  6) Thời gian bay: khi phối hợp những dự án phức tạp với những nhà chuyên môn có kỹ năng khác nhau, chạy đua thời gian là vấn đề cốt lõi; 7) bản quyền: một số sản phẩm sáng tạo có những khía cạnh bền vững đòi hỏi bảo vệ bản quyền cho phép người sáng tạo hay người biểu diễn thu được tiền bán, cho thuê mướn sản phẩm.

Tất nhiên, không ít đặc điểm nêu trên có thể gặp ngay trong cả những ngành công nghiệp không sáng tạo.

3. Thành công công nghiệp văn hóa tại một số quốc gia:

Công nghiệp văn hóa hiện là lĩnh vực mà tất cả các nước phát triển đều chú ý. Trong Khối Thịnh vượng chung, các nước như Anh, Australia, New Zealand sử dụng khái niệm “công nghiệp sáng tạo” (Cis) trong chính sách kinh tế. Các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha  ưa thích khái niệm “công nghiệp văn hóa” hơn. Tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, khái niệm công nghiệp văn hoá được dùng phổ biến. Cũng có nước gọi bằng khái niệm Công nghiệp bản quyền (Copyright industries-CRs), hoặc phối hợp và văn hóa và sáng tạo thành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (cultural creative industries-CCIs). Chúng tôi giới thiệu thực tế công nghiệp văn hóa tại một số nước châu Á vì các nước này gần với Việt Nam về văn hóa, chúng ta có thể học hỏi được từ kinh nghiệm của họ những bài học quí giá.

-Chính sách và tổ chức công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc[12]: Luật thúc đẩy nghệ thuật và văn hóa năm 1972 định nghĩa văn hóa và nghệ thuật là văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật múa, nhà hát điện ảnh, giải trí, nhạc truyền thống, nhiếp ảnh, ngôn ngữ và xuất bản. Bộ Văn hóa và Du lịch thành lập năm 1998 (trước đó là Bộ Văn hóa và thể thao) quản lý các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, du lịch, thể thao và thanh niên. Năm 2002, Bộ này hoạt động bằng 1,06 % tổng ngân sách quốc gia của năm. Điều đáng chú ý là chính phủ Hàn Quốc ban hành chính sách công nghiệp văn hóa để đối phó với sự thống trị của sản phẩm văn hóa nước ngoài tại thị trường nội địa, nhất là phim hoạt hình, video và phim. Tổng cục Công nghiệp văn hóa trực thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch bao gồm 6 cục khác nhau là Cục Công nghiệp văn hóa, Xuất bản và báo chí, Truyền hình phát thanh và quảng cáo, Phim và Video, Truyền thông tương tác, và Cục xúc tiến nội dung văn hóa. Các nghệ thuật và văn hóa truyền thống  thuộc về Tổng cục nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch, có nhiệm vụ quản lý, chăm lo các chương trình biểu diễn, nghệ thuật  dân gian và nghệ thuật thị giác. Năm 1999, Đạo luật xúc tiến công nghiệp văn hóa được ban hành, tu chỉnh năm 2002. Chính sách xúc tiến công nghiệp văn hóa còn thúc đẩy, hỗ trợ cho công nghệ cao và kỹ thuật thông tin.  Theo Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc thì văn hóa và kỹ thuật có nội dung giải trí là một trong sáu ngành công nghiệp nghệ thuật của nhà nước ở thế kỷ XXI có tiềm năng đặc biệt phát triển trong dài hạn. Năm 1995, hệ thống tự quản địa phương bắt đầu vận hành, trực tiếp chia xẻ trách nhiệm hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa cấp tỉnh. Chính quyền các địa phương tăng quĩ đầu tư và thiết lập hạ tầng cơ sở cho văn hóa như các trung tâm biểu diễn nghệ thuật, các thư viện, các tổ hợp công nghiệp văn hóa. Năm 1994, tổng số tiền đầu tư cho công nghiệp văn hóa ở các địa phương là 102,5 tỷ Won. Chính phủ Hàn Quốc cũng phát triển các chính sách và các khuôn khổ tổ chức đặc biệt để thúc đẩy văn hóa và công nghiệp văn hóa. Ví dụ thành lập các tổ chức chuyên môn hóa nhằm giúp đỡ các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ văn hóa từ tài chính để khởi nghiệp đến các dịch vụ marketing, xuất khẩu; giảm thuế; cải tiến, phát triển kỹ thuật và trang thiết bị. Ví dụ như Cơ quan Nội dung và Văn hóa Hàn Quốc (www.kocca.or.kr), Viện Xúc tiến và phát triển Game Hàn Quốc (www.crocess.com), và Hội đồng Phim Hàn Quốc (www.kofic.or.kr).

Theo Luật Xúc tiến công nghiệp văn hóa năm 1999, phạm vi công nghiệp văn hóa bao gồm nghệ thuật nghe nhìn, game, âm nhạc, phát thanh truyền hình, quảng cáo, xuất bản, thiết kế, nghề thủ công, phim đặc tả nhân vật, mỹ thuật, video, phim, hoạt hình, các nội dung số hóa. Phòng Chính sách công nghiệp văn hóa của Viện Chính sách văn hóa và du lịch Hàn Quốc cũng định nghĩa công nghiệp văn hóa là “công nghiệp dịch vụ có liên quan đến phát triển, sản xuất, chế tác, phân phối và tiêu thụ các nội dung văn hóa”. Các ngành công nghiệp đó có tính tri thức cao, dựa trên sự sử dụng công nghệ văn hóa cho các mục đích thực tế. Thuộc nhóm tiêu chuẩn trên chủ yếu là công nghiệp truyền thông và các công nghiệp giải trí bao gồm điện ảnh, phim hoạt hình, phim đặc tả nhân vật, game, truyện tranh, phát thanh truyền hình, các nghệ thuật số hóa khác. Việc nhấn mạnh các công nghiệp nội dung số hóa được phản ánh trong các khuôn khổ tổ chức của chính phủ, qua sự hỗ trợ khu vực văn hóa và sản xuất nội dung. Mục tiêu của chính phủ là tiến đến xã hội số hóa và công nghệ.

Theo số liệu của Viện Chính sách văn hóa và du lịch Hàn Quốc, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của công nghiệp văn hóa khoảng 10% (năm 2005), nếu tính riêng bốn lĩnh vực chủ đạo (phim, âm nhạc, phát thanh truyền hình và game) thì dự báo tăng trưởng trung bình hàng năm tới 22,8%, vượt mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ nền kinh tế 6%. Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc ước tính qui mô xuất khẩu công nghiệp văn hóa năm 2001 đạt 328 triệu USD, chiếm 0,2 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Công nghiệp phim hoạt hình đạt tới 270 triệu USD, chiếm 0,4 % thị trường thế giới. Năm 2005, ở Hàn Quốc có 200 công ty hoạt động trong ngành sản xuất phim hoạt hình, thu hút 15 000 nhân công. Phim đặc tả nhân vật, game và các công nghiệp âm nhạc đạt tới mức doanh thu lần lượt là  3,8 tỷ USD, 3,2 tỷ USD, và 340 triệu USD. 

Với chính sách ủng hộ nhất quán dành cho công nghiệp văn hóa, Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, vươn xa ra ngoài thị trường khu vực mà có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Sự nhiệt thành của khán giả Hàn Quốc với phim Hàn Quốc một phần quan trọng là do chủ nghĩa dân tộc của người tiêu thụ phim. Nhưng các hoạt động làm phim trong hai thập kỷ qua ở nước này cho thấy nỗ lực vượt thoát khỏi các diễn ngôn thuần túy dân tộc chủ nghĩa.  Thế hệ đạo diễn mới làm nên cuộc bùng nổ công nghiệp điện ảnh nước này được gọi là “thế hệ 386”- 386 chỉ tốc độ chíp máy tính, những thành viên của thế hệ sinh vào những năm 1980, vào đại học những năm 1980. Họ quan tâm đến chức năng giải trí, đến giá trị thương mại của điện ảnh và khai thác sức mạnh này của công nghiệp phim hiện đại.  “Với việc mở cửa thị trường phim Hàn Quốc, do quá trình toàn cầu hóa công nghiệp phịm thế giới đã tạo nên đòi hỏi về những phim có khả năng thành công về thương mại; cùng với dòng tiền của các tập đoàn và các nhà tư bản đổ vào thị trường phim Hàn Quốc, phần lớn các đạo diễn thế hệ 386 theo đuổi điện ảnh với giá trị giải trí, nếu so sánh thì còn hơn cả phim Hollywood”[13].

Bên cạnh việc khuếch trương công nghiệp phim thương mại, Hàn Quốc còn tổ chức nhiều liên hoan phim quốc tế. Liên hoan phim quốc tế Busan (còn gọi là Pusan) tổ chức ở thành phố cảng Pusan từ 1996 nhằm mục đích chuyển dịch các trung tâm văn hóa từ các đại đô thị châu Á như Hong Kong, Tokyo về các thành phố Hàn Quốc. Ngày nay, liên hoan phim này nổi tiếng là liên hoan phim hàng đầu châu Á. Liên hoan phim viễn tưởng quốc tế tại Buncheon bắt đầu năm 1997, liên hoan phim quốc tế Jeonju bắt đầu năm 2000…đã giới thiệu phim Hàn Quốc ra khán giả thế giới , tăng thu nhập cho công nghiệp phim nước này. Nhiều liên hoan phim có qui mô nhỏ hay phim tài liệu như Liên hoan phim tài liệu về nhân quyền , Liên hoan phim phụ nữ đã vượt thoát khỏi độc quyền của diễn ngôn về bản sắc dân tộc và cho công chúng được lựa chọn rộng rãi, nhắm đến các vấn đề kinh tế xã hội, văn hóa, giai cấp, bản sắc giới. Phim Hàn Quốc cung cấp một hình mẫu cho điều mà Chris Berry gọi là “điện ảnh dịch vụ đầy đủ”, nó bao gồm cả điện ảnh thương mại điện ảnh nghệ thuật cho đến sản xuất phim độc lập, làm phim hoạt hình, phim tài liệu[14].  Mặt khác, liên hoan phim quốc tế xét từ góc độ marketing là những sự kiện xác định bản sắc,  là sự “thỏa thuận về giá trị” giữa các nhà làm phim Hàn Quốc và thế giới.   

Chính phủ Hàn Quốc có chính sách khuyến khích công nghiệp điện ảnh : ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư vào điện ảnh, chăm lo đào tạo thế hệ tài năng mới . Học viện điện ảnh Hàn Quốc thành lập năm 1984 đào tạo được nhiều đạo diễn thành công cả về thương mại và nghệ thuật. Sự liên hệ gián tiếp của chính phủ Hàn Quốc với sự  phục hưng mới của điện ảnh đã thách thức sự phân chia vẫn thường thấy giữa cái toàn cầu với cái quốc gia, cái khu vực.

Sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc về phương diện thương mại còn có một ngọn nguồn nữa là sự biến chuyển bắt đầu từ 1986 của điện ảnh này trước áp lực của chính phủ Mỹ yêu cầu Hàn Quốc bãi bỏ chính sách bảo hộ phim nội địa, mở cửa thị trường cho phim Mỹ (chính phủ Hàn Quốc đã bãi bỏ hạn ngach nhập khẩu phim và miễn đánh thuế phim ngoại). Nói cách khác, việc phân tích tinh thần phục hưng của phim Hàn Quốc cần đặt từ góc nhìn của sự hồi đáp của điện ảnh nước này trước nền công nghiệp phim thế giới vốn đã toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Tính năng động giữa cái toàn cầu và cái khu vực được thể hiện qua điện ảnh Hàn Quốc, kết hợp được cái dân tộc và cái xuyên dân tộc. Một nền điện ảnh dân tộc được sản xuất bởi nền công nghiệp phim nội địa, lưu hành trong phạm vi quốc gia dân tộc, và hấp dẫn với khán giả nội địa; trong khi đó “điện ảnh xuyên quốc gia” được cung cấp tài chính quốc tế, được phát hành ra ngoài biên giới quốc gia sản xuất, có thể hấp dẫn khán giả xuyên biên giới.  . 

Công nghiệp điện ảnh ở Hàn Quốc là một lĩnh vực kinh doanh thu lợi nhanh hơn các ngành công nghiệp khác. Chính phủ khuyến khích các công ty, các tập đoàn kinh tế đầu tư cho điện ảnh. Ta thấy sau khi các ông lớn của điện ảnh Mỹ trực tiếp đưa phim vào thị trường Hàn Quốc vào quãng cuối những năm 1980, các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, SKC và Cheil Jedang bắt đầu đầu tư cho điện ảnh Hàn, góp phần bảo vệ thị trường phim nội địa. Daewo bắt đầu mở ngành công nghiệp giải trí năm 1988 gồm các lĩnh vực như đầu tư rạp chiếu phim, sản xuất phim, thuê mua bản quyền phim Mỹ, tạo mạng lưới cab và quyền được phân phối phim. 

Ngay trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế thì đầu tư tư bản cho công nghiệp phim vẫn hấp dẫn.

Những thành công nội địa của điện ảnh Hàn Quốc đã có tiếng vang ra các nước trong khu vực và thế giới. Nhật Bản là khách hàng lớn nhất của điện ảnh Hàn. Bộ phim ăn khách Shiri là bộ phim Hàn đầu tiên được chiếu rộng rãi ở Nhật Bản, đưa về khoản thu 20 triệu USD. Những phim có tham gia diễn xuất của các diễn viên nổi tiếng như Bae Yong-joon, Kwon Sang-woo, Jang Dong-gun, and Choi Ji-woo còn được bán từ giai đoạn tiền sản xuất. Ví dụ Tuyết tháng Tư (7,5 triệu USD), Hầu như là tình yêu (4,5 triệu), Giông tố (4 triệu)…Hollywood còn mua phim Hàn.

Một phim Hàn Quốc có doanh thu lớn (blockbuster)  là phim như thế nào ? Phim Shiricủa Kang Je Gyu, 1999, bán được 2,4 triệu vé chỉ riêng tại Seoul, so với tổng số 6 triệu vé toàn quốc, tạo ra hội chứng Shiri. Trong khi đó một phim nước ngoài nổi tiếng ăn khách The Mummy (Stephen Sommer, 1999) chỉ bán được 1,1 triệu vé ở Seoul. Phim ăn khách đạt Friend (Kwak Kyung-taek, 2001), hấp dẫn 8 triệu lượt người xem toàn quốc. Nhưng kỷ lục không dừng lại: phim (phim của Kang Je-gyu Taegukgi, 2004) bán 11,9 triệu vé; năm 2006, phim The Host của Bong Joon Ho lập kỷ lục 13 triệu vé. Việc xuất khẩu phim Hàn cũng tiếp tục có doanh thu cao : Silmido bán sang Nhật bản với mức 3 triệu USD, phim The Host được Nhật Bản mua 4,8 triệu USD. Phim Hàn Quốc chinh phục cả thị trường Đông Á và Nam Á. Các ngôi sao phim Hàn, nhạc Hàn  trở thành thần tượng mới của khán giá châu Á. Phim hoạt hình của Hàn Quốc chia xẻ thị trường chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản.  

-Chúng tôi dẫn thêm một số thông tin về công nghiệp văn hóa Hồng Kông, một thành phố nhỏ nhưng rất phát triển về lĩnh vực này. Tư tưởng về công nghiệp văn hóa lần đầu tiên được nêu lên do một số tổ chức phi chính phủ về văn hóa vào quãng năm 1999-2000. Trung tâm nghiên cứu chính sách văn hóa tại Đại học Hồng Kông được chọn nghiên cứu về công nghiệp sáng tạo của Hồng Kông và một bản báo cáo được đệ trình tháng chín năm 2003. Bản báo cáo định nghĩa các ngành công nghiệp văn hóa là “một nhóm các hoạt động kinh tế khai thác và triển khai tính sáng tạo, kỹ năng và tài sản trí tuệ để sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa và xã hội –một hệ thống sản xuất thông qua đó tiềm năng tạo ra giàu có và sáng tạo nghề nghiệp được thực hiện”. Danh sách các ngành công nghiệp văn hóa được liệt kê bao gồm quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật, cổ vật và nghề thủ công, thiết kế, giải trí kỹ thuật số, phim và video, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, xuất bản và in ấn, phần mềm và kỹ thuật máy tính, phát thanh truyền hình.

Năm 2001, các ngành công nghiệp văn hóa của Hồng Kông đem lại 46 101 triệu đô Hồng Kông, khoảng 3,8 % GDP của thành phố này, giảm so với năm 1996 (47665 triệu). Năm 2002, thu hút được 170 011 người làm việc trong công nghiệp văn hóa.

-Công nghiệp văn hóa ở Trung Quốc : 

Sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Trung Quốc là một đề tài lớn cần được nghiên cứu kỹ. Ở đây chúng tôi chỉ nêu một số sự kiện, nhận xét để suy nghĩ như một bài học kinh nghiệm.

Điện ảnh Trung Quốc có cả một lịch sử dùng văn học nghệ thuật làm công cụ giáo huấn đạo đức và tuyên truyền chính trị. Nhưng từ giữa những năm 1980, người ta chứng kiến sự biến chuyển từ quan niệm coi điện ảnh là công cụ tuyên truyền đến quan niệm điện ảnh là một lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật độc lập. Thế hệ làm phim thứ năm đã đổi mới căn bản nhiều mặt điện ảnh Trung Quốc hiện đại, từ định hướng phim tuyên truyền tư tưởng sang phim giải trí. “Phim giải trí, chứ không phải là phim tư tưởng hệ, trở nên quan trọng không chỉ vì tiềm năng thương mại của nó mà còn do cả giá trị tư tưởng và văn hóa”[15].

Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là nền điện ảnh giải trí đó đã thành công nhờ biết khai thác và phát huy những giá trị văn học và văn hóa truyền thống  Trung Quốc. Các di sản văn học nghệ thuật Trung Quốc đã được huy động cho điện ảnh xét về đề tài, chất liệu, tư tưởng và thẩm mỹ. Trương Nghệ Mưu đại diện cho thế hệ đạo diễn thứ năm của Trung Quốc, đã có hàng loạt bộ phim đoạt các giải cao trong các liên hoan phim quốc tế. Cần nhấn mạnh là nhiều phim do ông đạo diễn phóng tác rất thành công các tác phẩm văn học Trung Quốc: Cao lương đỏ (1987), Đèn lồng đỏ (1991)... , điều này các nhà làm phim Việt Nam cũng nên học hỏi. Thế hệ làm phim thứ năm này đã kết hợp thành công chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, tinh thần hiện thực  với nghệ thuật  thuật tự sự và kỹ thuật làm phim của phương Tây và cả khả năng marketing thị trường của ông.  

Du lịch Trung Quốc cũng có những bài học quí mà chúng ta cần nghiên cứu. Người Trung Quốc có sách lược đẩy mạnh du lịch dựa vào sự khai thác các tác phẩm văn học kinh điển. Sách lược đẩy mạnh sự  kết hợp văn học và các phương tiện môi giới du lịch (điện ảnh, truyền hình, báo chí, internet) để quảng bá tác phẩm và nhân vật văn học, dùng điện ảnh tái hiện các tác phẩm và nhân vật văn học nổi tiếng. Khai thác cảnh quan mà tác phẩm văn học nổi tiếng miêu tả thường trước hết căn cứ vào danh tác và cải biên hình thức gây được hiệu ứng mạnh mẽ với công chúng. Những năm 1980, truyền hình Trung Quốc liên tục chiếu Hồng lâu mộng, đã khiến cho xuất hiện công trình kiến trúc Vinh quốc phủ (huyện Chính Định, Hà Bắc),  Đại quan viên ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Thành công của phim Tây du ký khiến cho “Tây du ký cung”  ở Thần Châu đại địa xuất hiện rất nhiều. Những tác động mãnh liệt của phim truyền hình Thủy hửTam quốc diễn nghĩa đã tạo nên “Thủy hử, Tam quốc nhiệt” –từ đó, các kiểu kiến trúc Thủy hử thành, Tam quốc thành lục tục được xây dựng ở nhiều nơi.  cảnh vốn không có sẵn, chỉ được xây dựng nhân tạo dựa vào gợi ý và sự nổi tiếng của các tác phẩm văn học. Vì có Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm đời Tấn, mà đời sau lấy dòng suối ở Tây Nam huyện Đào Nguyên (Hồ Nam) phụ hội vào bài ký của họ Đào, lấy tên Đào hoa nguyên” (nguồn suối hoa đào), từ đời Đường bắt đầu xây dựng miếu, đền, lầu, gác, qua các thời trùng tu tăng bổ, các cảnh điểm đều lấy tên trong tác phẩm Đào Tiềm. Đại Lý căn cứ vào Thiên long bát bộ của Kim Dung mà xây dựng Thiên long bát bộ thành.  Cũng có thể là cảnh đã được tả trong tác phẩm nay con người xây dựng, phụ họa thêm như “Thuyền Sơn phổ đà đào hoa đảo” ở Chiết Giang vốn được nói đến trong Anh hùng xạ điêu của Kim Dung. Người Trung Quốc còn tổ chức  hoạt động trù tính hình tượng chủ đề  : Hàng Châu lấy hình tượng Tây hồ làm chỗ dựa, tích cực lợi dụng tài nguyên văn học mà tô điểm. Tại Quý Châu, Quý Châu nhật báo, Quý Châu đô thị báo, Quý Châu thương báo tất cả 13 đơn vị cùng tổ chức  “Quý Châu sơn thủy bôi” (2004), Quý Châu văn học phong hội bảng. Từ phẩm bài văn học đến phẩm bài du lịch : Ví dụ, du khách đến Thiệu Hưng đều vì đây là quê hương Lỗ Tấn, nhất là những người thời học sinh được học những tác phẩm văn học của ông mà có hứng thú du lịch. Thiếu Lỗ Tấn không có du lịch Thiệu Hưng, tên tuổi Lỗ Tấn được khai thác thành thương phẩm bài[16]. Tác phẩm văn học trực tiếp tạo thành sức hấp dẫn cho du lịch: tác phẩm văn học nổi tiếng (danh thiên) và cảnh quan nhờ có tác động qua lại mà trở nên nổi tiếng; thi văn được viết trong khi du lịch, đăng lãm đều tăng cường nội hàm nhân văn của cảnh quan. Ví dụ tiêu biểu là địa danh Xích Bích: Hồ Bắc, Quảng Châu đều có Xích Bích, đôi bờ Giang Hán một giải có 9 vùng tên Xích Bích. Vậy đâu là Xích Bích của trận chiến Tam quốc ? Từ Nam Bắc triều đến nay tranh luận chưa thôi. Từ Tống về sau, Xích Bích ở Quảng Châu chiếm vị trí thượng phong, là nhờ ông Tô Tử hai lần du Xích Bích (Tô Tử lưỡng du). Khi bị biếm trích ra  Quảng Châu, Tô Thức đã viết Xích Bích hoài cổ theo điệu Niệm nô kiều và hai bài Tiền, hậu Xích Bích phú, khiến cho thanh danh của Xích Bích Quảng Châu nổi bật, người sau theo thi văn ông mà xây dựng thành quần thể Xích Bích, biến nơi đây thành điểm du lịch. Đời Thanh, Khang Hy phân biệt Xích Bích và trận chiến Xích Bích, gọi đất này là Xích Bích của Đông Pha, hoặc gọi gọn là Xích Bích. Ngày nay, người ta cho rằng Xích Bích của trận Xích Bích trong Tam quốc là ở Bồ Kỳ, được gọi là Vũ Xích Bích, nhưng tiếng tăm của Xích Bích Quảng châu vượt xa Xích Bích ở Bồ Kỳ. Hiện tượng cảnh nhờ văn, dựa vào văn mà nổi tiếng rất nhiều. Hàn sơn tự ở Tô Châu với Phong kiều dạ bạc của Trương Kế; Nhạc Dương lâu với Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm, hay Đằng vương các tự Vương Bột thì hơi khác vì cảnh đã nổi tiếng trước đó. Bản thân những tranh luận đã gây sự chú ý, tính hấp dẫn của không gian du lịch văn học. Chỉ xét riêng cách xử lý quan hệ giữa văn học, văn hóa và du lịch đã cho thấy tính sáng tạo hết sức mới mẻ, bất ngờ của giới văn hóa Trung Quốc. Các giá trị văn học, văn hóa, lịch sử không còn chỉ phục vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng mà đã thực sự trở thành một giá trị văn hóa mới, một sức mạnh kinh tế không ngờ.    Các giá trị văn hóa được khai thác thỏa mãn đồng thời nhiều mục đích: mục đích kinh tế, mục đích quảng bá văn hóa Trung Quốc đối với người nước ngoài, giáo dục truyền thống đối với người Trung Quốc...

-Công nghiệp văn hóa của Anh quốc:

Công nghiệp sáng tạo hiện có ý nghĩa kinh tế xã hội đáng kể đối với nước Anh.

Năm 2000, lĩnh vực công nghiệp sáng tạo của Anh đã làm ra £112.5 tỷ, chiếm tỷ lệ 8 % lãi cho kinh tế đất nước; năm 2003 thu hút 1,9 triệu nhân công. Nền kinh tế sáng tạo từ địa vị ngoài lề đã chiếm vị trí trung tâm trong chính sách văn hóa kinh tế.

Thực ra ở Anh, ngay từ sau 1945 đã thành lập Hội đồng nghệ thuật và các tổ chức khu vực nhằm hỗ trợ các hoạt động văn hóa tại khu vực, những hoạt động này trước đây chủ yếu do tư nhân tự thực hiện nay được nhà nước tài trợ. Tuy nhiên sự tài trợ của nhà nước thường thiên lệch về “văn hóa tinh hoa” và mỹ thuật bác học, và chỉ phần nào dành cho /thậm chí bỏ rơi các hoạt động  văn học nghệ thuật bình dân. Đây là hệ quả của quan niệm kéo dài truyền thống rằng nghệ thuật phải dành cho công chúng tư sản tinh hoa. Vì vậy bên cạnh bộ phận được tài trợ của nhà nước, ngay từ sau năm 1945, những hoạt động sáng tạo độc lập, mang tính cá nhân vẫn phát triển. Sự phát triển diễn ra chủ yếu vì khả năng làm chủ doanh nghiệp sáng tạo –tạo ra và nhận diện được cơ hội cung cấp một sản phẩm, dịch vụ hay trải nghiệm văn hóa, tập trung được các nguồn lực để khai thác. Các bộ phim thương mại, xuất bản sách, âm nhạc đại chúng chủ yếu phát triển trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Trong khu vực nhà nước, BBC đã qua một thời kỳ hơn 60 năm từ một đài phát thanh trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh sáng tạo thương mại.

Công nghiệp sáng tạo được Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh xác định gồm 13 khu vực : nghệ thuật bác học và nghệ thuật ứng dụng, thiết kế, khiêu vũ và giải trí quảng cáo, xuất bản, truyền thông, kiến trúc, phần mềm giải trí và thiết kế thời trang. Công nghiệp sáng tạo bao trùm toàn bộ quá trình từ sản xuất sản phẩm, đến marketing, bán lẻ và tiêu thụ-nói tóm lại là một chuỗi sản xuất. Nền kinh tế sáng tạo này đòi hỏi sự hợp lực của nhiều yếu tố, đầu tư vốn lớn và các chuyên gia lành nghề; bất cứ sản phẩm nào dù là âm nhạc hay video, game hay vở diễn, đều đòi hỏi một nhóm các hoạt động kinh doanh độc lập tương tác theo các cách phức hợp và chuyên biệt. Những người bán ý tưởng, tài năng và tay nghề cũng phải hợp sức với các công ty sản xuất và phân phối sản phẩm.

Trong sự phát triển công nghiệp sáng tạo ở Anh có thể nhận thấy mối quan hệ qua lại giữa sự phát triển kinh tế và công nghiệp sáng tạo. Khi công nghệ phát triển, nâng cao năng suất lao động  dẫn đến thời gian nhàn rỗi tăng; rồi thu nhập của người dân cao dẫn đến khả năng chi trả dịch vụ giải trí tăng. Máy thu hình màu xuất hiện cuối những năm 1960 đã được các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giải trí khai thác triệt để. Các kênh truyền hình tư nhân, các đài phát địa phương, việc sản xuất các băng nghe, nhìn, tiến đến truyền thông kỹ thuật số, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh lần lượt ra đời phục vụ cho nhu cầu giải trí tăng cao và mức thu nhập của nhân dân cũng tăng theo. Internet tốc độ cao, Iphone, lại cho phép khả năng tiếp cận nhanh chóng tất cả các nguồn thông tin. Anh quốc hiện là trung tâm hàng đầu về thiết kế trò chơi game, cùng phần mềm máy tính, nhiều ứng dụng số hóa khác, những khu vực này chiếm đến 37 % . “Sự hòa trộn giữa kỹ thuật, các hoạt động sáng tạo và thương mại với sự đổi mới liên tục chính là sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, sinh viên, những nhà sản xuất sáng tạo, và các nhà doanh nghiệp khác như người xuất bản và người phân phối hàng”[17]

Năm 2005 chính phủ Gordon Brown chú ý khai thác tiềm năng sáng tạo như là chìa khóa cho thành công cạnh tranh bằng cách cổ vũ tất cả các ngành công nghiệp đều là công nghiệp sáng tạo, bằng cách khai thác hiệu quả hơn các hoạt động sáng tạo, đổi mới, hoạt động thiết kế có giá trị cao, khuyến khích kiểu xí nghiệp nhỏ và khu vực chế tạo. Xu thế hình thành các khu sáng tạo, các trung tâm, các mạng lưới, các lò ấp nhân tài, địa điểm làm việc thuận lợi, và đào tạo thầu khoán ngày càng tăng.

Đặc điểm của kinh doanh sáng tạo là nó được truyền bá và chia sẻ về mặt văn hóa với người tiếp nhận. Một người viết kịch bản, một nhà thiết kế đều chia sẻ sản phẩm sáng tạo và những can dự văn hóa cùng với công chúng tiêu thụ. Các sản phẩm của họ phải thống nhất và hòa hợp với những chờ đợi và giá trị của công chúng tiêu thụ, nhắm đến thu hút sự chú ý, đáp ứng nhu cầu giải trí và, theo quan điểm marketing, phải dẫn đến quyết định mua sản phẩm.    

3. Toàn cầu hóa và công nghiệp văn hóa

Toàn cầu hóa đang có ảnh hưởng lớn đến công nghiệp văn hóa thông qua sự phát triển của thương mại.

Giao thông liên lạc, và điều đó giúp cho con người, hàng hóa và các tư tưởng tràn qua biên giới. Khi các đường biên sụp đổ, một mối quan hệ được hình thành giữa các nhà sản xuất văn hóa ở một nước với thị hiếu văn hóa của nước khác. Văn học châu Âu định hình thị hiếu văn học Mỹ, nhạc Jazz của Mỹ lại ảnh hưởng đến thị hiếu âm nhạc châu Âu, nghệ thuật Nhật Bản bán ở Paris đã kích thích nghệ thuật ấn tượng chủ nghĩa Pháp, và phim Pháp chiếu ở Tokyo đã làm ra đời phim hoạt hình Nhật bản. “Vì những đường biên giới chia cắt các sản phẩm văn hóa khác nhau của các thị trường khác nhau đã bị sụp đổ, đã diễn ra sự tiến dần đến toàn cầu hóa”[18].

-Toàn cầu hóa tác động đến công nghiệp văn hóa theo hai hướng: thứ nhất đó là ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến lợi thế cạnh tranh trong các nền công nghiệp văn hóa. Thứ hai, đó là ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến không gian văn hóa trong đó các ngành công nghiệp văn hóa hoạt động. Các ngành công nghiệp văn hóa cổ vũ sự kết hợp, tương tác giữa các nền văn hóa, kết quả của sự kết hợp này là gắn bó được những tư tưởng và đề tài mà trước đây vốn tách biệt nhau do đường biên giới và do chính trị. Có một quan điểm khẳng định toàn cầu hóa sẽ cổ vũ sự hội tụ và nhất thể hóa các sản phẩm văn hóa. Sự nhất thể hóa này sẽ thay thế sự đa dạng văn hóa vì các hình thức văn hóa tập trung sản xuất những sản phẩm văn hóa theo những tiêu chuẩn sáng tạo đồng nhất. Sự hội nhập dẫn đến sự pha trộn văn hóa bởi những dòng người du lịch, và do kỹ thuật thông tin liên lạc phát triển đã trở thành đầu vào quan trọng cho quá trình sáng tạo, các nhà sản xuất sử dụng tài năng và ý tưởng bất cứ ở đâu mà họ bắt gặp và sử dụng cả hai để tạo ra những sản phẩm có sức thu hút rộng rãi vì chúng hòa trộn được những yếu tố văn hóa khác nhau thành một sản phẩm khá nhất thể. Kết quả là công nghiệp văn hóa thống trị và biến đổi không gian văn hóa theo cách giống hệt như các ngành công nghiệp khác thống trị và thay đổi thị hiếu của chúng ta trong trang phục và thực phẩm. 

Quan điểm ngược lại khẳng định không gian văn hóa toàn cầu chủ yếu là vũ đài cho sự tương tác và cho thương mại. Nó tồn tại như một cấp độ khác nơi các nhà sản xuất văn hóa trao đổi tư tưởng và khám phá những cơ hội sẽ kích thích hơn nữa sự đa dạng lớn hơn. Biểu hiện của sự đa dạng văn hóa phụ thuộc vào việc các nền văn hóa khác nhau tương tác với nhau như thế nào. Người Pháp và Cuba phát triển phong cách nhạc Jazz riêng của họ. Người Nhật làm phim hoạt hình theo định hướng hoàn toàn riêng của họ. Nghệ thuật múa đương đại phương Tây hình thành qua một tổng hợp với nghệ thuật múa Bali và truyền thống Nam Á.

Toàn cầu hóa đặt ra thách thức cơ bản đối với việc tìm lợi thế cạnh tranh trong công nghiệp văn hóa. Thách thức này càng khẩn cấp khi  phải ra quyết định cần có và khai thác những nguồn lực gì. Kết hợp các nguồn lực sáng tạo của nhà văn, nhà soạn nhạc, nhà trình diễn với các nguồn lực kinh tế như tư bản tài chính, thiết bị sản xuất và mạng lưới phân phối. Để có lợi thế cạnh tranh, cần phát huy các nguồn lực sáng tạo và nguồn lực kinh tế.

-Sự tiến triển của không gian văn hoá: “Các nền công nghiệp văn hóa kết nối hoạt động thị trường và đời sống xã hội đến mức độ hiếm thấy trong các ngành công nghiệp khác. Các nền công nghiệp này đi đến tồn tại trong không gian văn hóa có tồn tại từ trước vốn được cấu thành từ các niềm tin, các biểu tượng, và các tư tưởng là trung tâm của tồn tại xã hội và con người. Sự phát triển của hoạt động thương mại văn hóa trên qui mô lớn –được hỗ trợ bằng một hệ thống hùng mạnh về sản xuất, phân phối và marketing –đang làm thay đổi sự năng động và cấu trúc của không gian văn hóa truyền thống”[19].

-Góc độ pháp lý của toàn cầu hóa văn hóa

Hãng Walt Disney đem lại niềm vui cho hàng triệu trẻ em nhưng cũng bị lên án về chuyện cướp bóc nền văn hóa của họ để làm giàu. Người Hy Lạp lên án việc lấy hình tượng Hecquyn của họ để thể hiện trên phim, người Đan Mạch phẫn nộ vì câu chuyện nàng tiên cá của họ bị sử dụng. Người Pháp chống lại việc hoạt hình hóa tác phẩm nổi tiếng của Victo Huy go “Thằng gù nhà thờ Đức bà”. Cháu chắt Victo Huygo gọi Disneyland là sự toàn cầu hóa tầm thường.

Quan điểm toàn cầu hóa văn hóa xem Disney đại diện cho một tương lai trong đó những siêu tập đoàn này sẽ thống trị điện ảnh chúng ta, làn sóng của chúng ta. Những người đối lập lại điểm nhìn này cho là các tổ chức đó không phải là các chủ nhân của lĩnh vực này, chỉ có thị trường được chỉ huy bởi người tiêu thụ quyết định mua cái gì chứ không phải nhà sản xuất định đưa ra thứ gì.

-Quan điểm phê phán công nghiệp văn hóa :

Công nghiệp văn hóa về một phương diện nào đó cũng có những khía cạnh tiêu cực. Từ những năm 1960, Hannah Arendt đã lưu ý đến tình trạng công nghiệp văn hóa đã biến văn hóa thành hàng hóa tiêu dùng giống hệt các hàng hóa khác. Vì vậy mà văn hóa bị hủy diệt để tạo ra sự giải trí.

Theodor Adorno trong cuốn sách Culture Industry Reconsidered đã dùng khái niệm công nghiệp văn hóa thay vì khái niệm văn hóa đại chúng để diễn đạt thực trạng văn hóa bị biến thành hàng hóa trao đổi. Adorno còn cho rằng trong hiện tượng công nghiệp văn hóa có một khía cạnh chính trị nhất định: đảm bảo duy trì kéo dài sự phục tùng của đại chúng vào lợi ích thị trường.  

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, như đã trình bày ở trên, đây chính là một nét đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn hóa. Công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo có xu hướng kết hợp các song đề vốn bị đối lập như bác học và bình dân, trung tâm và ngoại biên, lợi nhuận và sáng tạo.

Kết luận:

Công nghiệp văn hóa –công nghiệp sáng tạo là một hiện tượng mới của kỷ nguyên toàn cầu hóa và phát triển vũ bão của công nghệ. Nhu cầu giải trí, nhu cầu văn hóa nói chung của con người đã tăng nhanh trong điều kiện kinh tế phát triển và công nghiệp văn hóa đã kết hợp được cả sáng tạo, sản xuất và kinh doanh, ba lĩnh vực vốn từng bị xem là tách rời. 

Công nghiệp văn hóa đã làm phát lộ sức mạnh kinh tế của văn hóa, một sức mạnh mà những quốc gia biết cách khai thác đã và đang thu được kết quả tốt đẹp. Đây là một trong những khía cạnh của quan hệ giữa văn hóa và phát triển cần được chú ý.   

Công nghiệp văn hóa vượt ra ngoài giới hạn của quan niệm truyền thống phân biệt văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học với văn hóa bình dân, văn hóa đại chúng. Trong công nghiệp văn hóa, chỉ có tính sáng tạo, tính đổi mới là động lực hàng đầu thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Công nghiệp sáng tạo cần được khuyến khích bởi chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước không thể đầu tư cho tất cả các lĩnh vực khác nhau. Ở đây, rất cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm nguồn vốn, thu hút nhân tài, chủ động tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm.

Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, nói đến văn hóa, mọi diễn ngôn thường tập trung vào hướng bảo tồn, bảo tàng di sản, khai thác những tài nguyên văn hóa sẵn có, tập trung vào quản lý hoạt động văn hóa chứ chưa chú ý đến thúc đẩy hoạt động sáng tạo những giá trị mới và sức mạnh kinh tế của văn hóa.

 


[1]Marria Pramaggiore and Tom Wallis (2008), Film A Critical Introduction , Laurence King Publishing Ltd, p. 5.

[2]Marria Pramaggiore and Tom Wallis (2008), Film A Critical Introduction , p. 6.

[3]“Nghĩa (meaning) nằm trong thái độ, niềm tin, mục đích, sự biện minh và lý do, do con người thiết lập trong cuộc sống hàng ngày. Nghĩa chỉ ra cái quan trọng đối với chúng ta, việc tạo nghĩa thống nhất với ý nghĩa. Nghĩa dẫn dắt hành động của chúng ta, và do đó thường cắt nghĩa và biện minh cho các hành động đó” (xem Chris Baker (2004), The Sage Dictionary of Cultural Study, Sage Publications Ltd, p.118).  

[4]Lampel J., Shamsie J., Lant Theresa K. (2005), The Business of Culture, Strategic Perspectives on Entertainment and Media, E book,  p. 6

[5]Chuyển dẫn theo Lampel J., Shamsie J., Lant Theresa K. (2005), The Business of Culture, p.7

[6]Hirsch, Hirsch, P. M. (1975). Organizational effectiveness and the institutional environment. Administrative

Science Quarterly,  N. 20.

[7]Brian Moeran, Jesper Strandgaard Pedersen (2011), Negotiating Values in the Creative Industries, Cambridge University Press, p. 3.

[8]Chuyển dẫn theo Lampel J., Shamsie J., Lant Theresa K. (2005), The Business of Culture, p. 7.

[9]Lampel J., Shamsie J., Lant Theresa K. (2005), The Business of Culture, p. 9.

[10]Modernisation Cultural Change and Democracy, p. 20.

[11]Kagan M., Postmodernism as a Birth of a New type of Culture, in trong In Labyrinth of Culture, nhiều tác giả (1997), Saint Peterburg,  c. 51.

[12]Phần viết này lược thuật nội dung chương Cultural Industries and  entrepreneurship in East and Southeast Asia của tác giả Desmond Hui, trong sách do Colette Henry chủ biên (2007) Entrepreneurship in the Creative Industries in International Perspective, Edward Elgar Publishing Limited.

[13]Jinhee Choi (2010) The South Korean Film Renaissance, Wesleyan University Press, p.5.

[14]Jinhee Choi (2010) The South Korean Film Renaissance, Wesleyan University Press, p. 5.

[15]George S. Semsel, Chen Shihe, Xia Hong (1993), Film in Contemporary China, Praeger Publishers, USA,p. 83.

[16]丁晨,  论文 学 的 旅 游 价 值 与文学 旅 游资 源 的 开 发, 湖 南 社 会 科 学,2006 (s.2).Bàn về giá trị du lịch của văn học và việc khai thác tài nguyên du lịch văn học. Tạp chí Khoa học xã hội Hồ Nam, s. 2/2006.

[17]Colette Henry Edited (2007) Entrepreneurship in the Creative Industries in International Perspective, Edward Elgar Publishing Limited, p.56.

[18]The Business of Culture, p. 277.

[19]The Business of Culture, p. 279.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511288

Hôm nay

2287

Hôm qua

2359

Tuần này

21662

Tháng này

218161

Tháng qua

121356

Tất cả

114511288