Đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, cán bộ cán quản lý văn hóa là yếu tố có ý nghĩa quyết định sự phát triển sự nghiệp văn hóa. Nhận thức này được Đảng bộ ngành văn hóa quán triệt đến các tổ chức cơ sở Đảng. Những năm qua, từng bước, ngành đã cố gắng kiện toàn bộ máy và cải thiện chất lượng cán bộ. Tính đến nay, trong tổng số 653 người (biên chế: 477 người) toàn ngành có 01 người có trình độ tiến sỹ, 34 thạc sỹ, 321 đại học, 17 cao đẳng, 57 trung cấp, 223 sơ cấp; Về trình độ chính trị có 5 cử nhân, 35 cao cấp, 58 trung cấp, 145 sơ cấp. Đội ngũ này đã có nhiều cố gắng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, đóng góp quan trọng vào thành tích phát triển sự nghiệp văn hóa trỉnh nhà trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách sâu sát và khách quan, với tư duy cầu thị, cầu tiến, có thể nói, đội ngũ cán bộ, trí thức của ngành đã khá đông nhưng chưa mạnh. Chúng ta còn rất thiếu các trí thức, văn nghệ sỹ có trình độ cao, có tài năng vượt trội. Chúng ta hầu như chưa có các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Trình độ của cán bộ không chỉ thể hiện qua bằng cấp, mà cơ bản phải được chứng minh bằng năng lực lao động, sáng tạo. Tài năng và phẩm chất của trí thức, nghệ sỹ phải thể hiện bằng sự đam mê, tinh thần cống hiến, bằng những công trình, tác phẩm chứ không phải bằng những mỹ từ, những lời nói suông to tát. Ở trong ngành văn hóa nhưng chúng ta làm việc còn thiếu cảm xúc sáng tạo. Cảm hứng sáng tạo của chúng ta còn nghèo nàn hoặc bị “đóng băng” bởi còn bị xơ cứng do tình trạng nghiệp dư hóa, tùy tiện hóa trong quá trình làm việc. Do đó, vai trò quản lý, tham mưu và cả vai trò sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ của chúng ta còn nhiều hạn chế. Hệ quả là chúng ta chưa hoàn thành tốt vai trò tiên phong, vai trò tổ chức, vai trò kiến tạo cho sự vận động văn hóa của cộng đồng.
Với vai trò là một cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh các quyết sách phát triển sự nghiệp VHTTDL nhưng chúng ta còn chưa đề xuất được các kiến tạo có tầm tư duy chiến lược cho sự phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh nhà. Chất lượng, tầm vóc các kiến tạo không phải là quy mô các dự án, các công trình mà là các khả năng thực tiễn có hiệu quả nhằm tạo ra được các giá trị, các thành tựu trong quá trình vận động của cộng đồng, của cả tỉnh. Trở lại với các hoạt động thực tiễn, có thể thấy, chúng ta vẫn bị động và rập khuôn trong nhận thức và tổ chức thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh hơn mười năm qua vẫn chưa có thêm những kết quả thử nghiệm mới sau chặng đường khả quan của 30 năm đầu. Việc tổ chức lễ hội, trong đó có lễ hội Làng Sen vẫn đang còn rất nhiều lúng túng, bất cập, chưa tìm ra hướng đi mới khả quan. Các di sản văn hóa vẫn cơ bản đang “bất động” mặc dù chúng ta đã dành nhiều nỗ lực cho việc trùng tu, tôn tạo, làm cho nó tồn tại một cách sinh động, sống động trong đời sống cộng đồng. Các bảo tàng vẫn vắng bóng người xem, các thư viện cũng thưa dần người đọc. Các sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn cùng với cách thức quảng bá, xúc tiến du lịch chưa có thay đổi đáng kể. Và, dù rất bình tĩnh, vẫn phải thừa nhận rằng trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn còn chưa có được những công trình sáng tạo văn hóa – nghệ thuật có giá trị cao do đội ngũ của chúng ta sáng tạo, từ hội họa đến điêu khắc, âm nhạc đến sân khấu…
Nguyên nhân của hiện tượng trên cơ bản đến từ yếu tố con người, từ đội ngũ của chúng ta. Truy nguyên vấn đề, đó là do công tác cán bộ của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Chúng ta vẫn thiếu một chiến lược bài bản về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ của ngành. Những giải pháp thực thi đang mang tính tình huống. Chưa có những chính sách phù hợp để sử dụng, khai thác, phát huy và bồi trúc phẩm chất sáng tạo của người làm văn hóa, thể thao, du lịch. Ngành của chúng ta có nhiều lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi cao về trình độ, năng khiếu, tài năng nhưng chúng ta vẫn nặng tính hành chính hóa trong chiến lược con người. Nghệ sỹ, vận động viên, trước hết phải là năng khiếu và tài năng, sau đó là học tập, đào tạo và rèn luyện, sáng tạo và cống hiến. Chúng ta đang thiếu một cách nhìn và một cách làm phù hợp trong quá trình xây dựng đội ngũ của chúng ta. Phải chăng chúng ta cần có một tư duy mới, một cơ chế đặc thù cho việc xây dựng đội ngũ.
Trong thời gian qua, chúng ta chưa xây dựng được một môi trường lao động sáng tạo có tính đặc thù của, và cho, các hoạt động sáng tạo văn hóa – nghệ thuật. Đây là môi trường đòi hỏi dân chủ để đem đến tự do cá nhân nhằm phát huy cao nhất tài năng sáng tạo của của các văn nghệ sỹ. Chúng ta tôn trọng và chấp hành các quy định của nhà nước về lề lối, kỷ cương làm việc nhưng nhất thiết không máy móc, giáo điều mà phải xây dựng được một trường – không gian sáng tạo cho các trí thức, nghệ sỹ tài năng. Nếu không có môi trường thuận lợi sẽ không tập hợp và phát huy được năng lực, tài năng của đội ngũ này. Tại sao chúng ta đi thuê người ngoài mà chưa mạnh dạn tin tưởng giao cho họ thực hiện những công trình/chương trình văn hóa quy mô lớn của tỉnh? Chúng ta vẫn chưa có những giải pháp thật cụ thể để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ một cách dài hạn, thường xuyên và thiết thực. Và mặc dù đang khủng hoảng thiếu về chuyên gia nhưng chúng ta vẫn chưa ráo riết và quyết tâm bổ sung bằng các cơ chế đặc thù.
Một thực tế là có một bộ phận khá lớn đội ngũ của chúng ta đang ở trình độ nghiệp dư hoặc đang trong quá trình nghiệp dư hóa về trình độ, năng lực và tác phong làm việc. Không ít trí thức, văn nghệ sĩ, vận động viên tỉnh nhà cũng đang đang thiếu trách nhiệm, thiếu tâm huyết với công việc, với sự nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, kết quả, hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Bởi vậy, chúng ta cần phải khẩn trương nâng cao trình độ chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của toàn bộ bộ máy của ngành nói chung và của đội ngũ các bộ, công chức, viên chức, trí thức, văn nghệ sỹ, vận động viên của ngành nói riêng.
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, không chỉ là đòi hỏi từ thực trạng của ngành hiện nay mà còn là một yêu cầu khách quan của thời đại. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa đòi hỏi người làm văn hóa hôm nay phải luôn luôn học hỏi để theo kịp diễn biến của thời cuộc cả về tư duy, tri thức và hành động. Sự vận động của xã hội hiện đại đòi hỏi cao về năng lực hành động và ý thức chấp hành kỷ cương, nền nếp. Người làm văn hóa tỉnh nhà cũng không nằm ngoài đòi hỏi ấy. Việc chăm lo rèn dũa phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức pháp luật là yêu cầu thường xuyên đối với người cán bộ văn hóa. Trong đó cán bộ đảng viên phải là người gương mẫu, đi đầu. Các đảng viên giữ vai trò lãnh đạo phải có tư duy khái quát nhưng hiểu biết sâu sát, nhận thức được quy luật vận động và các điều kiện cụ thể của môi trường để định hướng sự vận động một cách phù hợp, có hiệu quả cao nhất. Tầm nhìn của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của sự nghiệp văn hóa. Đây cũng là một yêu cầu lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa Nghệ An hiện nay.
Trong nhiệm kì 2015-2020 của Đảng bộ ngành VHTTDL, nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp văn hóa, nhiều giải pháp cụ thể phải được được đưa ra để thực hiện như: Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí về phẩm chất, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên của ngành: Kiên quyết không tuyển dụng, tiếp nhận những người không có đủ tiêu chuẩn hoặc đủ nhưng năng lực làm việc yếu kém; Sắp xếp lại cán bộ phù hợp trình độ năng lực và yêu cầu công việc; Xây dựng môi trường sáng tạo đi đôi với việc kiên quyết thực hiện kỷ luật lao động; Tham mưu, đề xuất cơ chế đặc thù để thu hút và trọng dụng người tài. Và xuyên suốt, thực thi xây dưng một môi trường dân chủ, tôn trọng người tài, tôn trọng sự sáng tạo.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, trí thức, văn nghệ sỹ, vận động viên tài năng, tâm huyết là nhiệm vụ vô cùng khó. Tuy nhiên, khó không đồng nghĩa là không làm được. Với một quyết tâm lớn, một định hướng tốt, một tầm nhìn xa rộng của tập thể đảng bộ, tin chắc rằng đội ngũ cán bộ, trí thức, văn nghệ sỹ, vận động viên của ngành sẽ ngày càng được hoàn thiện, đủ sức phát triển sự nghiệp VHTTDL của tỉnh nhà với nhiều thành tựu mới./.