Nguồn sử liệu chép về hoạn lộ của Đinh Nho Hoàn rất ít. Tài liệu Đăng khoa lục cho biết ông từng giữ chức Thượng bảo Tự khanh, Lại bộ Hữu thị lang, làm Phó sứ sang triều cống nhà Thanh năm 1715, mất trên đường đi sứ, được truy tặng Lại bộ Tả thị lang (hàm Chánh Tam phẩm). Nguồn tài liệu Gia phả bổ sung thêm một số chức quan trong hoạn lộ của Đinh Nho Hoàn, trong đó quan trọng nhất là chức Đốc trấn Cao Bằng mà ông đảm nhiệm từ tháng 8 năm 1704 đến khoảng năm 1710 (khoảng 6 năm tại chức).
Trong phần Giới thiệu “Mặc Ông sứ tập”, nhà Hán học Ngô Đức Thọ cho biết: “Thời gian ở Cao Bằng ông thi hành nhiều việc lợi dân, như sửa đường, phá ghềnh đá cho thuyền bè đi lại giao thương dễ dàng. Thuyền buôn của người Trung Quốc (Khách thương) sang buôn bán trước phải chờ đợi lâu mới được khám hàng cho lưu thông. Thời cụ Đinh làm Đốc trấn có lệnh cho khám hàng phải nhanh chóng, thuận tiện cho chủ hàng. Nhớ ơn việc ấy, Hoa thương ở Cao Bằng góp tiền dựng một tấm bia trước cửa nhà Hội quán để ca ngợi công đức của Đinh Đốc trấn…”[1]. Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về vị trí “phên dậu” của trọng trấn Cao Bằng trong các thế kỷ XVII-XVIII, bài viết này muốn khẳng định vai trò của Đinh Nho Hoàn với vùng đất biên viễn trong thời gian giữ chức Đốc trấn. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trải hàng ngàn năm của dân tộc ta, Cao Bằng luôn giữ vai trò là miền đất “phên dậu” quan trọng bậc nhất ở biên giới phía Bắc.
Địa danh Cao Bằng được chép trong sử sách từ rất sớm. Trong bộ Dư địa chí soạn vào năm Thiệu Bình thứ 5 triều vua Lê Thái Tông (1438), tác giả Nguyễn Trãi khi chép về sông Bồ và sông Hoa An đã xác định vị trí của hai con sông đó thuộc địa bàn Cao Bằng. Sách ấy chép: “Bồ và Hoa An ở về Cao Bằng… Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định; đông bắc tiếp giáp Lưỡng Quảng; tây nam tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn. Có 1 lộ phủ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là phên dậu thứ tư về phương bắc vậy”[2]. Như thế, theo Nguyễn Trãi, vào nửa đầu thế kỷ XV, Cao Bằng là một lộ phủ riêng biệt không thuộc vào trấn Thái Nguyên (thời kỳ sau thế kỷ XI) hay phủ Lạng Sơn (thời thuộc Minh). Có lẽ các tài liệu viết sau Dư địa chí như: Thiên Nam dư hạ tập, Đại Việt địa dư toàn biên hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục, v.v… căn cứ vào việc cải tổ các đơn vị hành chính năm Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469) mà đều chép đất Cao Bằng ngày nay, một phần là phủ Bắc Bình (hay Yên Bình hoặc Cao Bình) thuộc Ninh sóc Thừa tuyên, còn một phần thuộc phủ Lạng Sơn.
Theo tác giả Nguyễn Văn Siêu trong Đại Việt địa dư toàn biên thì Cao Bằng được đặt thành trấn năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) triều vua Lê Hiến Tông. Sách ấy ghi rõ: “Năm Cảnh Thống thứ 2 mới đặt riêng ra làm trấn Cao Bằng. Khoảng năm Quang Hưng (1578-1599) nhà Mạc chiếm cứ, đến năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) nhà Mạc mất, nhà Lê lại đặt lại trấn Cao Bằng”[3].
Các tác giả bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục dựa vào Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập (soạn năm 1483) khi chua về địa danh Bắc Bình đã viết: “Bắc Bình là tên phủ nguyên trước thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên, sau đổi là Cao Bằng. Khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680) đổi làm trấn”[4].
Có lẽ dưới triều Lê Hiến Tông (1498-1505), Cao Bằng đã trở thành trấn và do vị trí quan trọng của nó đối với công cuộc bảo vệ lãnh thổ quốc gia Đại Việt ở dải biên cương phía Bắc mà đến đời Lê Hy Tông (1676-1705) được đặt làm trọng trấn. Vì lẽ đó mà triều đình Lê - Trịnh mới “Đặt trọng thần để cai trị” còn 4 châu “vẫn cho thổ ty chia nhau cai quản”.
Mô tả về vị trí của miền đất này, nhà sử học Phan Huy Chú cho biết: “Phủ Cao Bằng ở phía tây nam Thái Nguyên, giáp giới với các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa và Sơn Tây. Bốn châu đều rừng núi kéo liền từng dãy địa thế xa rộng…”[5].
Đánh giá về vai trò đặc biệt quan trọng trấn Cao Bằng, tác giả Phan Huy Chú khi bàn về chức Trấn ty nêu rõ: “Thời trung về sau bãi chức Đô ty, lại đặt chức Trấn thủ, duy có ba sứ Cao Bằng, Lạng Sơn và Nghệ An vì việc biên giới quan trọng, phiền kịch đều đặt chức Đốc trấn và Thanh Hóa là chỗ căn bản quan trọng riêng đặt chức Lưu thủ, tên quan tuy không giống nhau nhưng chức vụ coi trấn thì chỉ là một…”[6].
Tuy vậy, từ khi được đặt làm trấn, rồi trọng trấn, ở Cao Bằng, triều đình Lê - Trịnh vẫn duy trì chế độ thổ quan là chủ yếu. Mặc dù theo như lời của Lý Tử Tấn (thế kỷ XV) thì “ở Cao Bằng thổ sản có nhiều thứ quý lạ”, song các người đến làm quan ở đấy không thể ở lâu được, triều đại trước phải ký trị ở Thái Nguyên. Một trong những lý do khác khiến triều đình Lê - Trịnh khó đặt được lưu quan ở đất này vì theo như sách Dư địa chí dẫn lời của sách Ác thủy ký thì cả 4 châu Thạch Lâm, Quảng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang của Cao Bằng đều là những nơi “ma thiêng nước độc” đúng như câu ví của Nguyễn Thư Hiên: “Thế xứ Thanh, thần xứ Nghệ, nước Hưng Thái, ma Cao Lạng đều rất đáng sợ”. Đây chính là trở ngại rất lớn, trước hết là về mặt phong thổ đối với những người ở nơi khác đến. Thậm chí có những viên quan giỏi như Nguyễn Công Hãng được chúa Trịnh Cương rất tin cậy, giao cho lên trấn trị Cao Bằng cũng viện cớ khất lần. Về việc này, sử chép rất rõ: “Mùa đông, tháng 12, triệu Nguyễn Khắc Thuần, Đốc trấn Cao Bằng về Kinh, cho Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Công Hãng lên thay.
Bấy giờ có người trong châu tên là Uyên Hiệp, giả danh Mạc Trạch, phiến động mê hoặc dân châu, chực làm loạn. Nhưng công việc bị lộ, không bùng nổ được. Chúa cho Khắc Thuần khu xử trái đường lối, triệu về Kinh. Ra lệnh cho chính phủ họp bàn chọn người đi thay, các quan có đưa tên một vài người nhưng không được Chúa ưng thuận. Đốc trấn Cao Bằng vốn là chức quan trọng yếu, Chúa muốn ban cho Công Hãng nên sai Hãng đi. Bèn khiến Đỗ Bá Phẩm hở lời dụ chỉ của Chúa cho Hãng biết nhưng Công Hãng nói: “Xin được khỏi lìa bên tả hữu Chúa, không muốn phó lị ở châu, quận xa. Chúa cố sai Bá Phẩm đi dụ bảo nữa, Công Hãng mới vâng mệnh, và vào tạ ơn. Chúa cho Công Hãng được tùy tiện làm việc”[7].
Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII, tình hình chính trị - xã hội ở Cao Bằng diễn ra khá phức tạp vì nơi đây chính là căn cứ cũ của nhà Mạc từ đầu thế kỷ XVI và là vùng giáp biên nên thổ phỉ Trung Quốc thường tràn sang quấy phá. Thực tế lịch sử từ giữa thế kỷ XVII trở về sau đã chứng minh: Do sự suy yếu của Nhà nước phong kiến trung ương không đủ khả năng củng cố và quản lý chặt chẽ được miền phiên trấn như trước nữa nên một số vùng ở biên giới phía Bắc nước ta đã bị mất vào tay các thổ tù và phong kiến Trung Quốc.
Năm 1592, nhà Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long. Nhà Mạc tuy thất bại nhưng uy tín của vương triều này vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng, nhất là trong thời kỳ các chúa Trịnh chuyên quyền thì không ít người tỏ ra chán ghét chính quyền Lê - Trịnh mà theo về với nhà Mạc. Từ năm 1600-1625, nhà Mạc chiếm cứ vùng Cao Bằng, xưng vương hiệu, đắp thành lũy xây dựng lực lượng để đối chọi với chính quyền Lê - Trịnh. Nhiều lần, nhà Mạc lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ Lê - Trịnh, đã kéo quân về chiếm lại Thăng Long nhưng rồi không giữ được lại phải rút lên Cao Bằng cố thủ. Năm 1623, Bình An vương Trịnh Tùng chết, Trịnh Tráng lên ngôi Chúa nhưng trong nội bộ dòng họ Trịnh diễn ra xung đột gay gắt. Đảng phái của Trịnh Xuân (em Trịnh Tráng) tập trung lực lượng, tổ chức đánh phá các nơi. Trịnh Tráng buộc phải cùng triều thần đưa vua Lê vào Thanh Hóa. Nhân cơ hội này, Khánh vương Mạc Kính Khoan từ Cao Bằng kéo quân về đóng ở làng Thổ Khối (huyện Gia Lâm) uy hiếp kinh thành Thăng Long. Khi Lê - Trịnh đưa quân từ Thanh Hóa tiến ra, Mạc Kính Khoan thua chạy lên Cao Bằng, sau đó sang Trung Quốc rồi cho người về dâng biểu xin hàng. Triều đình Lê - Trịnh phong cho Mạc Kính Khoan chức Thái úy, Thông quốc công quản lý miền Cao Bằng theo lệ tiến cống hàng năm như các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ năm 1638, Mạc Kính Vũ không nhận chức của triều đình Lê - Trịnh nữa mà tự lên ngôi vua ở Cao Bằng, xưng hiệu là Thuận Đức rồi từ đấy thường xuyên đem quân về đánh phá ở vùng Thái Nguyên. Tuy bị đánh đuổi, truy bức nhiều lần nhưng quân Mạc không bao giờ chịu ở yên. Đến năm 1667, chúa Trịnh đem đại quân cùng các tướng là Đinh Văn Tả, Lê Châu, Lê Thời Hiến tấn công lên Cao Bằng. Mạc Kính Vũ thua to phải dạt sang Trung Quốc. Trịnh Tạc thu hồi toàn bộ đất đai của họ Mạc giao cho Võ Vinh làm Đốc trấn Cao Bằng, Đinh Văn Tả làm Trấn thủ Thất Tuyên (Thất Khê). Mạc Kính Vũ sang cầu cứu nhà Thanh, nhà Thanh bèn đứng ra làm trung gian bênh vực họ Mạc. Triều đình Lê - Trịnh đành phải nhượng bộ, rút Đốc trấn Võ Vinh và quân lính về, giao lại đất Cao Bằng cho Mạc Kính Vũ. Năm 1677 nhân cơ hội Mạc Kính Vũ theo Ngô Tam Quế (một quan lại cũ của nhà Minh) chống lại nhà Thanh, triều đình Lê - Trịnh một mặt cho người sang kể tội nhà Mạc với nhà Thanh, mặt khác sai Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đăng đem binh lên Cao Bằng tiễu phạt. Mạc Kính Vũ thua chạy sang Long Châu (Trung Quốc), nhưng đến năm 1682 thì bị quan quân nhà Thanh bắt được. Năm 1683, viên quan nhà Thanh ở Quảng Tây là Vương Quốc Trinh bắt giao cho nước ta 350 người con cháu tướng tá nhà Mạc để nhận số tiền hối lộ là 5.500 lạng bạc. Tuy thế dư đảng nhà Mạc vẫn còn lẩn trốn khắp nơi ở vùng rừng núi Cao Bằng và bên kia biên giới, làm cho trật tự an ninh xã hội ở Cao Bằng thêm nhiều nan giải và phức tạp.
Cho đến năm 1683, quyền lực thực tế của nhà Mạc ở Cao Bằng đã chấm dứt nhưng những cơ sở xã hội mà nhà Mạc tạo dựng trên mảnh đất này hơn 80 năm qua vẫn còn rất vững chắc, chưa thể một lúc mà triệt phá ngay được. Thêm vào đó, dư đảng nhà Mạc vẫn còn lẩn trốn, quấy rối trên địa bàn dưới dạng những đám cướp như việc xúi giục bọn thổ phỉ nổi dậy cướp phá ở La Thượng Đàn năm 1688. Đầu năm 1692, dư đảng nhà Mạc ở bên kia biên giới lại nổi dậy, qua lại đánh phá các nơi. Mạc Kính Trí tự xưng là Hán Đường công; Đinh Công Tiệp tự xưng là Đô đốc tụ tập nhau để cướp bóc. Sau nhờ có phiên thần Bế Công Quỳnh dụ dỗ xúi giục viên quan ở Long Châu bắt bọn này, đóng cũi giải về Kinh thì tình hình mới tạm yên ổn.
Nhìn chung trong suốt thế kỷ XVII, miền đất Cao Bằng luôn nóng bỏng chiến sự, quân đội triều đình Lê - Trịnh phải nhiều phen “đi trẩy nước non Cao Bằng” để lại phía sau những lời khóc than ai oán của bao người vợ, người mẹ xa chồng, lìa con.
Trong những thế kỷ trước, Nhà nước phong kiến Đại Việt rất quan tâm đến việc củng cố trật tự trị an ở các địa phương miền biên viễn, trên cơ sở đó bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương theo như lời dụ bảo của vua Lê Thánh Tông năm 1473: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được… Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng…”[8].
Sau khi thu hồi được Cao Bằng từ tay nhà Mạc, triều đình Lê - Trịnh càng tỏ ra quan tâm đặc biệt đến miền đất này. Một trong những biện pháp tích cực nhất góp phần ổn định tình hình Cao Bằng là chính sách xếp đặt lại bộ máy hành chính địa phương, tuyển chọn những người có tài năng để đảm nhiệm công việc nặng nề của một phiên trấn còn chồng chất bao khó khăn trở ngại.
Có lẽ sau bao năm binh lửa triền miên, dân chúng Cao Bằng đã nếm trải quá nhiều nỗi thống khổ của chiến tranh, li loạn, nên lúc này chúa Trịnh muốn dùng những bề tôi Nho học có danh tiếng đem đạo Thánh hiền để giáo hóa dân, dùng ân đức để trị dân. Hai viên văn quan là Đoàn Tuấn Hòa và Ngô Sách Tuân cùng đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676) gần như là những nho thần đầu tiên giữ chức Đốc trấn và Đốc đồng Cao Bằng. Tiếp theo đó là Đinh Nho Hoàn (1704), Nguyễn Khắc Thuần; Nguyễn Công Hãng (1715)…
Trong các chức quan ở địa phương thì “chức Trấn thủ ở các xứ do đặc chỉ ban ra”[9] và có vai trò rất quan trọng vì nó tập trung toàn bộ quyền hành ở trong tay. Chính vì vậy mà các chúa Trịnh thường giao chức nhiệm này cho những người thân cận. Ví như năm 1642, Thanh Đô vương Trịnh Tráng cho con cháu ra trấn trị các nơi: Trịnh Tạc trấn Sơn Nam; Trịnh Lịch trấn Sơn Tây; Trịnh Lệ trấn Kinh Bắc; Trịnh Sâm trấn Hải Dương. Đối với các trấn miền biên cảnh xa xôi, họ Trịnh thường cho trấn thủ các nội trấn kiêm lĩnh hoặc giao cho một cận thần trong triều phụ trách. Những người giữ chức Đốc trấn Cao Bằng phải đặc biệt được các chúa Trịnh tin tưởng. Điểm lại các viên Đốc trấn Cao Bằng từ Đoàn Tuấn Hòa, Ngô Sách Tuân (cuối thế kỷ XVII); Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Ngọc Huyền, Mai Thế Chuẩn (nửa đầu thế kỷ XVIII)… họ đều là những bậc đại khoa, những nho thần có tài cai trị. Người thì “Trừ đảng giặc dùng đại sách binh nhung, vỗ về dân thể nghiệm điều thánh hóa[10] như Ngô Sách Tuân; người thì “Có tài về việc vỗ về dân chúng, chống cự bọn giặc cướp nên dân nơi biên giới được yên ổn làm ăn…”[11] như Nguyễn Ngọc Huyền hay “thi hành nhiều việc lợi cho dân” như Đinh Nho Hoàn v.v… Chính nhờ tài năng và sự mẫn cán của những viên quan này mà một dải biên cương luôn bị khuấy động nhiễu loạn trước kia đã dần đi vào nền nếp và trở thành phên dậu vững chắc ở biên giới phía Bắc của quốc gia Đại Việt.
Dưới thời Lê Trung hưng, thường thì các viên quan giữ chức Đốc trấn, Trấn thủ ở những địa phương xa chỉ phải đảm nhiệm trong một thời hạn nhất định (nhiều thì 10 năm như Ngô Sách Tuân; 7 năm như Nguyễn Ngọc Huyền; 6 năm như Đinh Nho Hoàn), khi mãn kỳ sẽ được hồi Kinh hoặc đổi bổ đi các địa phương khác. Chúa Trịnh luôn phòng xa mọi điều bất trắc có thể xảy ra một khi viên quan tài giỏi cai trị phiên trấn lâu ngày lại được nhân dân địa phương mến chuộng… rất dễ nảy sinh ý đồ liên kết với các thổ tù xây dựng lực lượng cát cứ, triều đình khó bề chế ngự và kiểm soát, nhất là đối với những trọng trấn miền biên viễn. Cũng vì lẽ đó mà sang đầu thế kỷ XVIII, năm 1708 nhằm ngăn ngừa trước các tù trưởng ở phiên trấn liên kết với các triều thần có thể sinh biến, chúa Trịnh Căn đã ra lệnh cấm các phiên tù không được giao kết riêng với những nhà quyền quý ở Kinh và quy định các tù trưởng khi về triều chỉ được mang theo không quá 4 người tùy hành và lưu lại kinh thành không quá 20 ngày.
Có thể nói, từ cuối thế kỷ XVII đến khoảng ba thập kỷ đầu thế kỷ XVIII, tình hình chính trị - xã hội ở Cao Bằng khá ổn định. Chính vì vậy mà năm Bảo Thái thứ 2 (1721), chúa Trịnh Cương cho “bãi bỏ lính đồn thú ở Cao Bằng. Theo lệ cũ, lính địa phương (thổ binh) ở Thái Nguyên luân phiên nhau đi đồn thú ở Cao Bằng. Chúa cho rằng đất nước thừa hưởng thái bình đã lâu, cõi biên vô sự, quân lính sở tại (thổ trước) cũng đủ sức chống giữ, bèn bãi bỏ việc đồn thú để giảm bớt sự khó nhọc vì phải thay nhau luân phiên”[12]. Đồng thời triều đình cũng cho phép hai ty Thừa chính và Hiến sát cùng phủ huyện ở các trấn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn đều đình chỉ việc phó nhậm, công việc của các chức quan ấy thảy đều dồn về cho trấn quan[13].
Tuy nhiên, tình hình ổn định ấy không kéo dài được bao lâu. Vào những năm cuối của thập kỷ 30 (thế kỷ XVIII), phong trào khởi nghĩa nông dân bùng nổ mạnh mẽ ở Đàng Ngoài và gây ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị - xã hội, an ninh trật tự ở Cao Bằng.
Năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1738), Lưu thủ Thái Nguyên là Lê Đình Tính tâu với chúa Trịnh Giang: “Châu Bạch Thông, huyện Cảm Hóa tiếp giáp vào khoảng Lạng Sơn, phủ Cao Bằng và Bảo Lạc, trước đây không có đồn ải. Bọn dân ngoài giáo hóa (triều đình) đi lại tự do. Phiên thần thì tự tiện vào kinh sư cầu mong làm việc riêng tư, mà việc tuần phòng canh giữ đều phế trễ. Bọn giặc hung giữ không ai kiềm chế, sẽ lan tràn ra. Xin lập đồn ở những đường hiểm yếu, chia giao cho phiên tù (cho lính tới đóng giữ) để việc phòng bị biên giới được nghiêm[14].
Chúa Trịnh ưng thuận lời tâu, tiếp đó cùng với triều thần bàn định 6 điều xử trí phiên trấn ngoài biên tùy theo phương cách xử trí để giữ vững vùng biên giới[15].
Năm 1744, lợi dụng phong trào nông dân nổ ra mạnh mẽ, tấn công vào chính quyền Lê - Trịnh ở khắp mọi nơi, dư đảng họ Mạc ở bên kia biên giới lại trở về quấy phá Cao Bằng. Về việc này, sử cũ chép: “Trước kia, họ Mạc bị quan quân tiến đánh, dắt díu gia quyến chạy sang trú ngụ ở Quảng Tây. Đến nay, mầm mống còn sót lại, nhận thấy trong nước có việc nguy cấp, bèn tụ tập quần chúng xâm phạm vào biên giới. Triều đình đã mấy lần sai quân đi đánh dẹp… nhưng vì làm trái phương pháp vỗ yên dân, chống cự giặc nên dân man sau lại hưởng ứng với giặc, thế giặc lại to lên. Chúng đi lại vùng Hưng Hóa, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang làm lòng người náo động”[16].
Dư đảng nhà Mạc hoạt động mạnh trong hai năm 1744-1745. Chúng tiến đánh Thái Nguyên, vây hãm Cao Bằng trong hai tháng. “Trong thành hết lương, Đốc đồng Trần Danh Lâm vỗ về sĩ tốt, hết sức chống giữ, lại tùy tiện trích bạc công mộ người đưa thư đến các thổ quan ở phủ Trấn Yên, Long Châu và Bằng Tường nhà Thanh, dùng đồ thưởng trọng hậu đút cho bọn này, hẹn ứng phó giúp về mặt ngoài. Vì thế, ai cũng vui vẻ giúp sức: Họ bắt, giữ vợ con, chặn đường hái củi, lấy nước và tải thương. Giặc thấy thế sợ hãi, phải rút lui. Danh Lâm lại đuổi đánh tan được. Bốn châu thảy đều bình định. Lại chiêu tập, yên ủi dân phiêu tán, cho họ trở về yên nghiệp làm ăn…”[17].
Từ giữa thế kỷ XVIII trở ra, tình hình chính trị - xã hội ở Cao Bằng ngày càng trở nên nghiêm trọng buộc chúa Trịnh phải đặt thêm vệ binh, mỗi châu đặt 1 vệ binh, mỗi vệ hai hiệu… nhưng vẫn không duy trì được trật tự như trước nữa. Đặc biệt vào những năm tồn tại cuối cùng Nhà nước phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, diễn biến chính trị trên địa bàn Cao Bằng thật căng thẳng, trong nội bộ bộ máy hành chính ở địa phương bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt dẫn đến tàn sát, chém giết lẫn nhau tạo điều kiện cho bọn thổ phỉ hoành hành cướp bóc gây nên tình cảnh rối loạn ở vùng biên viễn, đời sống của nhân dân Cao Bằng ngày thêm khốn quẫn.
Tóm lại: Trong các thế kỷ XVI-XVIII, Cao Bằng là một trọng trấn của quốc gia phong kiến Đại Việt, bảo vệ cửa ngõ quan yếu ở phía Bắc của Tổ quốc. Mặc dù trong suốt thế kỷ XVII, trên mảnh đất Cao Bằng chiến sự luôn diễn ra ác liệt nhưng không làm tổn thương đến quá trình cố kết dân tộc vốn có truyền thống từ ngàn xưa. Với những chính sách và biện pháp tích cực, Nhà nước phong kiến Lê - Trịnh đã bước đầu củng cố và tạo sự ổn định tình hình an ninh - chính trị ở miền đất này (đặc biệt trong những thập kỷ đầu thế kỷ XVIII), tạo cơ sở vững chắc cho việc giữ gìn, bảo vệ dải đất biên cương phía Bắc. Từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi, trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động, một số vùng đất ở biên giới phía Bắc nước ta đã bị nhà Thanh xâm lấn và vĩnh viễn không đòi lại được (như 6 châu ở phủ An Tây - Hưng Hóa bị nhà Thanh chiếm năm 1780), nhưng riêng địa bàn Cao Bằng không hề bị xâm phạm. Điều này càng khẳng định thêm vai trò của các viên Đốc trấn - người chịu trách nhiệm cao nhất, có toàn quyền xử trí các công việc liên quan đến quốc phòng, an ninh, tổ chức chính quyền và chăm lo đến cuộc sống của người dân trong địa hạt quản lý. Với 6 năm giữ chức Đốc trấn (1704-1710), Đinh Nho Hoàn đã gắn bó cùng đồng bào các dân tộc Cao Bằng dựng xây, phát triển và giữ gìn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
[1] Mặc Trai sứ tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.11.
[2]. Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976, tr.240.
[3]. Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.447.
[4].Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.1036.
[5]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập I. Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.125.
[6]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, tr.29.
[7]. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên), tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1991, tr.100.
[8]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, sđd, tr.1121.
[9]. Lê Quý Đôn toàn tập, tập II: Kiến văn tiểu lục. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.125.
[10]. Văn bia đình Quỳnh Lôi do Thám hoa Vũ Thạnh soạn năm 1692.
[11]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, sđd, tr.555.
[12]. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên), sđd, tr.123-124.
[13]. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên), sđd, tr.123-124.
[14]. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên), sđd, tr.230.
[15]. Sáu điều ấy là:
1. Phiên thần phụ đạo, có nhiều kẻ do cầu cạnh mà được cai quản bình dân. Nay ủy cho quan trấn xét chọn người nào tài giỏi thì mới trao cho chức vụ ấy.
2. Các trường xưởng (mỏ) nên theo lệ cũ cho các phiên tù quản giám, để cho phu mỏ có chỗ thống thuộc.
3. Xử trí đối với người Nùng áo xanh.
4. Nghiêm cấm tệ đặt mua gỗ ở đầu nguồn.
5.Cấm các tuần ty đặt thêm chi nhánh để thu càn thuế của người đi buôn.
6. Những dân điêu tàn nên miễn cho họ những thuế thiếu từ trước.
Trong số 6 điều ấy, chúa Trịnh chuẩn cho thi hành 4 điều sau.
[16]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, sđd, tr.573.
[17]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, sđd, tr.582.