Diễn đàn

Thời...chữa cháy!

Trong ngày đầu tiên Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực: Xử phạt các xe hơi không có bình chữa cháy, cả nước nháo nhào bao chuyện dở khóc dở cười nào là bình chữa cháy phát... cháy (nổ), nào là để đâu trên xe cho an toàn và, thẩm mĩ, nào là xe không được đậu ngoài trời nắng nóng (nguy hiểm do... bình!)... Chợt ngẫm, hình như ở ta bây giờ, có không ít chuyện chẳng khác chi... bình chữa cháy.

Trước hết, xin hỏi những người có trách nhiệm là có nước nào ban hành quy định như ta không? Xin hỏi tiếp luôn là phải chăng các hãng sản xuất xe hơi trên toàn thế giới quá dốt nát nên chưa nghĩ ra việc trang bị cái bình chữa cháy cho xe? Quả thật không thể hiểu nổi khi nền công nghiệp xe hơi hơn 150 tuổi đời mà vẫn không nghĩ ra cái điều mà nơi đã sản xuất được ốc vít “phát minh” ra...

Chắc chắn rằng một khi xe xuất xưởng, thì yêu cầu đầu tiên là phải đạt đến độ hoản hảo của.. không thể cháy. Có nhà xe nào khuyến khích khách hàng mua xe phải mua thêm bình chữa cháy?

Lỗi phát cháy từ xe chỉ là trường hợp hi hữu và, quan trọng nhất, chẳng có ai khuyến khích việc những người không chuyên (không có nghiệp vụ) tự chữa cháy cho xe hơi bởi cái nguy hiểm do bình xăng phát nổ, tác hại gấp ngàn lần thiệt hại về xe.

Đó là chưa nói chuyện rồi đây, bất cứ CSGT hay Thanh tra GT nào, kết hợp với CS PCCC (lại thêm tốn kém, nhiêu khê) cũng có quyền dừng xe bất kì lúc nào để kiểm tra... bình chữa cháy(!) Vậy là, vừa mới ban hành quy định CSGT chỉ được quyền dừng xe trong 5 trường hợp thì nay, mặc nhiên cho thêm cái quyền thứ 6 – trớ trêu thay là “quyền 6” này đủ... vô hiệu hóa tất cả các quyền kia. Cách ban hành quy định như thế chẳng khác chi cách lấy đá ghè vào chân mình.

Ở một đất nước nắng nóng, mùa hè như đổ lửa mà lãnh đạo ngành khuyến nghị đỗ xe phải tìm chỗ mát mà đỗ thì chỉ có trời mới biết là đỗ chỗ nào? Hơn nữa, bao nhiêu là mát? 39 độ hay 19?...

Cũng cần phải nhấn mạnh là lâu nay, không chỉ ô tô “tự” cháy mà ngay cả xe máy cũng cháy nhiều lắm. Vậy, nếu thật sự cần thiết, tiện ích sao không quy định buộc 30 triệu xe máy đang lưu thông trên đường cũng phải có bình chữa cháy?

Sẽ có rất nhiều người dân nghĩ ngay đến câu hỏi cần đặt ra là loại bình nào đúng chất lượng, nó của hãng nào? Rồi đây, biết đâu lại xảy ra nhiều tiêu cực xung quanh chuyện bình dởm, bình thật...

Những người ban hành quy định có nghĩ đến trường hợp khi đi vào đường đồi núi, va đập liên tục, liệu có an toàn với các bình chữa cháy hay không? Lí do thật giản dị: Chẳng có chiếc xe nào thiết kế chỗ để bình chữa cháy nên gá tạm hay tự chế, chẳng thể nào đảm bảo sự yên lành...

Từ cái chuyện bình chữa cháy, mới nghĩ thêm là ở ta có quá nhiều cái cách chữa cháy – chữa theo kiểu cháy xong rồi mới dập tắt... khói. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT cho phép các Trung tâm Đào tạo Từ xa đào tạo chương trình đại học cho các giáo viên tiểu học từ hàng chục năm nay, bỗng nhiên, đùng một cái tuyên bố rằng chức năng đào tạo không phù hợp nên phải dừng(?)!

Mới đây, trước tình trạng có 35 vạn thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp, Bộ khuyến nghị sẽ khống chế tuyển sinh. Đồng ý rằng đây là giải pháp cần thiết, cấp bách vì nếu không làm thế thì sẽ không giải quyết được sự lãng phí và các tiêu cực xã hội; nhưng cách thức mà Bộ GD-ĐT áp dụng, chẳng khác chi... chữa cháy.

Mấy hôm nay, báo chí đang ồn ào chuyện có quá nhiều cấp phó (ví dụ, Sở NN và PTNT Nghệ An lạm phát cấp phó 100% (6 so với quy định là 3); rồi đây, để đúng “quy định” (“quy trình”?) chắc chắn phải chữa cháy. Thế nhưng, chữa như thế nào là cả một núi vấn đề vì nó liên quan đến “sinh mạng” chính trị, cuộc sống, danh dự của không ít cấp phó dư thừa đang ngập tràn cả xã hội...

Tất cả những điều kể trên chỉ là những chuyện... mới đây. Còn nếu kê đủ, kê đúng thì có vô số các quy định, quy tắc, quy chế ban hành theo kiểu chữa cháy mà không bút nào tả nổi, chẳng mực nào ghi đủ.

Những người có trách nhiệm chữa cháy đã xáo trộn đời sống người dân; rồi, lại đẩy người dân chữa cháy tốn kém, nếu không nói là phạm tiếp các lỗi dối gian. Chẳng hạn, người dân phải đưa con cháu sang tận Singapore để tiêm vắc xin thì đúng là đáng xấu hổ cho ngành y tế nước nhà. Đó là chưa nói chuyện giẫm đạp, chen chúc từ 2-3 giờ sáng để tiêm vắc xin cho cháu, cho con...

Nguyên tắc tiên quyết của mọi chính sách, quy định, luật pháp là làm cho xã hội lành mạnh hơn, ổn định hơn chứ không phải là ngược lại. Điều tốt đẹp đó chỉ đến khi những người có trách nhiệm ban hành các chính sách mới phải tiên liệu trước các hệ lụy, có lộ trình thích hợp; và, nhất là, đáp ứng đúng và đủ nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Rất thiết tha mong mỏi vấn nạn... chữa cháy sẽ giảm bớt và đến lúc phải ngừng hẳn. Không thể chấp nhận một bộ máy quản lý vận hành từ 70 năm nay mà suốt ngày chỉ loay hoay chữa chỗ này, vá chỗ nọ...

8.1.2016

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512745

Hôm nay

2282

Hôm qua

2400

Tuần này

2682

Tháng này

219618

Tháng qua

121356

Tất cả

114512745