Xuân về, Tết đến với mỗi nhà, với cả làng, cả nước. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, là người Việt Nam, ai cũng nghĩ đến Nhà – Làng - Nước. Mọi người đều mong ước nhà nhà hạnh phúc, làng làng trù phú và đất nước bình yên, mạnh giàu.
Xuân về, Tết đến với mỗi nhà, với cả làng, cả nước. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, là người Việt Nam, ai cũng nghĩ đến Nhà – Làng - Nước. Mọi người đều mong ước nhà nhà hạnh phúc, làng làng trù phú và đất nước bình yên, mạnh giàu.
Trong gian khó thì khát vọng vươn lên để thay đổi số phận càng mãnh liệt hơn. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ điều đó. Từ số phận lầm than trong kiếp nô lệ suốt 1000 năm Bắc thuộc, người Việt Nam đã vùng lên giành lại độc lập và không lâu sau đó đã chấn hưng đất nước, dựng nên thời đại Lý – Trần huy hoàng, dân yên, nước mạnh với rất nhiều thành tựu văn hóa – văn hiến rực rỡ và những chiến công bảo vệ đất nước đạt tới tầm nghệ thuật khiến quân xâm lược phương Bắc phải khiếp đảm và kính phục. Đỉnh cao tập quyền của chế độ phong kiến Việt Nam mà đại diện là nhà Lê, cùng với triều đại tiếp theo là nhà Nguyễn, đã định hình dáng nước hôm nay. Nhà Nguyễn không hoàn thành sứ mệnh giữ nước nhưng tên tuổi các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân thì sống mãi cùng lịch sử dân tộc.
Đã nhiều phen nước mất nhà tan nhưng khát vọng cứu nước và canh tân đất nước của người Việt vẫn không bao giờ ngưng nghỉ. Thế kỷ XIX, bị thực dân Pháp xâm lăng, đô hộ, đồng thời với các sỹ phu kháng chiến Nguyễn Trung Trực, Trần Tấn – Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thiện Thuật…là các nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ…Chính các nhà cải cách đã góp phần không nhỏ để các nhà cầm quyền ít nhiều thay đổi nhận thức về bổn phận của mình với nước, về kế sâu gìn giữ và chấn hưng đất nước. Hưng thịnh của một quốc gia - dân tộc là bắt đầu từ ý chí, nghị lực, tài năng của những con người có tầm nhìn mới, tầm nhìn phát triển, có ý chí vươn lên, vươn lên để sánh cùng thiên hạ; Có trí tuệ của những người thấu hiểu lịch sử, thấu hiểu nhu cầu phát triển của nước, của dân; Và, có ý chí của những người dám chịu thiệt, dám chết vì Dân, vì Nước, dám đánh đổi cuộc đời vì chân lý khách quan.
Việt Nam, năm 2016, đang đứng trước cơ hội và vô vàn thách thức. Thế và lực của đất nước đã được tăng cường; Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã vươn tới tầm vóc mới, bề thế và mạnh mẽ hơn. Nhưng, cho đến nay,nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, từ mô hình đến quản trị, từ nguồn nhân lực đến nợ công…Tệ nạn xã hội, thói quan liêu, tham nhũng…vẫn đang hoành hành; Niềm tin xã hội lung lay. Đạo đức làm người không ít nơi là trò xa xỉ…Trong lúc đất nước đang phải cùng lúc chịu nhiều áp lực đến từ các phương trời khác nhau của các cường quốc. Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa đang dậy sóng.
Ngày mai nào cho đất nước Việt Nam? Tồn tại thế nào để phát triển? Phát triển thế nào để giữ được nước? Phải làm gì cho, và vì, tương lai đất nước mạnh giàu, nhân dân hạnh phúc?
Đây là câu hỏi mùa Xuân – Tết năm nay, Bính Thân – 2016, dành cho mỗi người con nước Việt hôm nay!
Người dân đang tin tưởng và chờ đợi ở Đảng, Nhà nước, Chính phủ về khí phách và kế sâu giữu nước, về con đường để nước mạnh dân giàu.
Niềm tin có được từ ý chí giữa nước và khát vọng canh tân đất nước của người xưa!
Lời giải cho câu hỏi xuân này có từ lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha!
2284
2400
2684
219620
121356
114512747