Người xứ Nghệ

Tổng Bí thư Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt Hà Tĩnh, Hà Huy Tập sớm bộc lộ sự cương trực, thẳng thắn, sẵn sàng bênh vực những người bị áp bức. Được học hành, bản tính đó càng được bồi đắp và rồi đưa anh dấn thân vào con đường đấu tranh chống lại sự bất công xã hội khi anh là giáo viên ở Nha Trang và cuối năm 1925 đưa anh gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức chính trị tiến bộ vừa được thành lập ở trong nước. Với bầu máu nóng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh lao vào hoạt động. Càng hoạt động thực tiễn, năng lực tổ chức trong anh càng được khẳng định và được tổ chức phát hiện và điều động anh vào Sài Gòn phát triển lực lượng khi tổ chức này đổi tên thành Đảng Tân Việt.

Cuối năm 1928 khi mật thám Pháp vây ráp và lùng bắt những nhà cách mạng, Tân Việt tìm cách đưa Hà Huy Tập ra nước ngoài tạm lánh. Được sự giúp đỡ của một số nhà cách mạng Việt Nam và Lãnh sự quán Liên Xô tại Đại Liên, Trung Quốc, Hà Huy Tập làm thủ tục sang học tập tại Trường Đại học phương Đông của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Anh nhập học với thẻ sinh viên mang tên Xinhitrơkin, số 4716, khóa chính quy 3 năm (1929-1932). Trong môi trường giáo dục mới đó, Hà Huy Tập say sưa học tập và rèn luyện nhân cách của một nhà cách mạng chuyên nghiệp mong góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Cũng phải nhấn mạnh là những năm anh theo học Trường Đại học phương Đông cũng là những năm nhà trường trải qua nhiều biến động to lớn trước và sau Đại hội VI của QTCS – Đại hội được đánh giá như là sự chiến thắng bước đầu của khuynh hướng “tả” trong QTCS. Và dĩ nhiên, trong tư duy của anh không thể không chịu ảnh hưởng của những biến động tư tưởng đó. Và khi còn là sinh viên, Hà Huy Tập được QTCS phát hiện và bồi dưỡng bởi sự thông minh và sắc sảo trong tư duy của anh. Tháng 2/1932, trong lá thư gửi cho đồng chí Lê Hồng Phong trên đường về Trung Quốc tìm địa điển bí mật, an toàn để đặt trạm liên lạc với trong nước, ông Miphơ và bà Vaxiliêva thông báo sẽ tăng cường đồng chí Xinhitrơkin cho Lê Hồng Phong. Tháng 4/1932, để Hà Huy Tập nắm bắt đường lối của QTCS, Hội đồng Ban phương Đông đã mời Xinhitrơkin, người “rất chắc về đường lối, về phương diện chính trị, đồng chí ấy đã được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm công tác quần chúng”(1) tham gia góp ý vào bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, một văn kiện quan trọng do QTCS dự thảo nhằm khôi phục phong trào cộng sản Việt Nam sau khi cao trào cách mạng 1930-1931 bị dìm trong bể máu.

Sau khi tốt nghiệp, Hà Huy Tập lập tức được QTCS bổ sung cho Lê Hồng Phong đang trên đường về Trung Quốc qua ngã đường Pháp. Đây là ngã đường giao liên bí mật quan trọng nối Mátxcova, trung tâm cộng sản thế giới với Đảng ta, nhưng đến giữa năm 1932 bị lộ nên thực dân Pháp phong tỏa gắt gao. Trong hoàn cảnh đó, Hà Huy Tập khi tới Pari không thể đi được, đành quay lại Matxcơva.Trong thời gian chờ đợi đó, Hà Huy Tập đã sưu tầm tư liệu và viết cuốn Essai d’hístoire du mouvement communiste en Indochine (Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương). Hà Huy Tập hoàn thành công trình nghiên cứu đầu tay này vào đầu năm 1933 nhân dịp kỷ niệm 3 năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và được công bố dưới dút danh Hồng Thế Công vào tháng 8 cùng năm. Công trình được bố cục thành 3 phần, 10 chương, có Lời đề tựa của Ăngđrê Mácty và Lời giới thiệu của Nguyễn Quốc tế. Bằng những tư liệu lịch sử cập nhật, phong phú và đáng tin cậy, Hà Huy Tập không chỉ đã dựng lại thành công bức tranh toàn cảnh về quá trình hình thành và phát triển của phong trào cộng sản Đông Dương từ khởi thủy đến tháng 3 năm 1933 khi phong trào bị đàn áp khốc liệt, mà quan trọng hơn là  rút ra những bài học kinh nghiệm và khẳng định hướng đi của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với niềm tin vững chắc rằng “ chúng ta nhất định sẽ tiếp tục một cách vững vàng con đường vẻ vang mà Đảng đã đi từ 3 năm nay, với ý chí kiên quyết sửa chữa những sai lầm của minh…Thực hiện lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin, sau khi cách mạng dân chủ thắng lợi, Đảng ta sẽ lãnh đạo quần chúng lao động chuyển cách mạng tư sản thành cách mạng vô sản, tiến tới chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa ở Đông Dương”. Công trình nghiên cứu của Hà Huy Tập đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự hình thành Khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự đóng góp to lớn đầu tiên khi Hà Huy Tập mới tốt nghiệp Trường Đại học phương Đông.

Khi bản thảo công trình được đưa vào nhà in thì tác giả cùng với Nguyễn Văn Dựt theo tuyến giao liên Mátxcơva – Vladivoxtoc – Hông Kông – Quảng Châu tìm Lê Hồng Phong. Ngày 1/8/1933 họ gặp Lê Hồng Phong tại Mao Cao, trao đổi tình hình, bàn luận các giải pháp thực hiện Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó tối quan trọng là thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, theo quyết định của Ban phương Đông QTCS. Trong bôí cảnh “bộ máy của Đảng bị phá hủy, liên lạc bị đứt mối, các tổ chức tan tành, những chiến sĩ ưu tú bị bắt cầm tù, chỉ còn lại những người cộng sản hoặc nhóm cộng sản riêng lẻ” ( 2), tháng 3/1934, tại Macao, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập gồm 3 người là Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt. Tổ chức này đã đóng vai trò là người lãnh đạo, người tổ chức tổ chức lại cơ quan lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hà Huy Tập được phân công làm Tổng biên tập tạp chí Bônsơvích. Tạp chí mỗi tháng ra một kỳ, thỉnh thoảng hai kỳ, góp phần quan trọng vào sự thống nhất tư tưởng của Đảng, tập hợp lực lượng còn lại, tiến tới khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.

Sau thành công của Hội nghị của Ban Chỉ hy ở ngoài và đại diện của các tổ chức Đảng trong nước, việc tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã trở nên hiện thực.  Tháng 9/1934, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII QTCS (3). Do vậy, toàn bộ công tác chuẩn bị cho Đại hội I đều dồn lên vại Hà Huy Tập, từ chuẩn bị các loại văn kiện, tài chính đến địa điểm họp và nơi ăn chốn ở cho các đại biểu trong nước sang và viết bài cho Tạp chí Bônsêvích chỉ đạo sinh hoạt chính trị trong các chi bộ trước lúc đại hội Đảng. Sau thời gian chuẩn bị khấn trương, Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã được tiến hành tại Ma Cao từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, dưới sự chủ trì của Hà Huy Tập. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 13 đồng chí ( 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết) do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư và thông qua gần 30 văn kiện. Sự thành công của Đại hội I ĐCS Đông Dương đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam. Trong kỳ tích đó có sự nổ lực to lớn của Hà Huy Tập. Cũng phải nói thêm là từ tháng 9/1934 đến giữa năm 1936, tức gần 2 năm, Ban Chỉ huy ở ngoài do Hà Huy Tập đứng đầu kiêm thêm chức năng của BCHTU trong nước. Công việc tăng lên và công việc nào cũng đòi hỏi Hà Huy Tập để mắt tới.

 Theo quyết định về nhân sự của Hội nghị BCH TU tháng 7/1936, Lê Hồng Phong, ỦY viên BCH QTCS, Tổng Bí thue Đảng CS Đông Dương ở lại Thượng Hải để giữ mối liên lạc với QTCS, còn Hà Huy Tập về nước để tổ chức lại BCH TU. Đầu tháng 8/1936, Hà Huy Tập bí mật về Sài Gòn. Sau khi nắm tình hình cách mạng khu vực Sáì Gòn và các vùng phụ cận, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghi cán bộ tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới trong nước và đặt trụ sở tại làng Tân Thới Nhất, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Trên cương vị Tổng Bí thư ĐCS Đông Dương, Hà Huy Tập cử các ủy viên trung ương đi Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên chắp nối liên lạc. Với năng lực tổ chức tốt và uy tín của nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm, đến đầu năm 1937, Hà Huy Tập đã nhanh chóng xác lập được bộ máy trung ương, chính thức thực hiện thống nhất tổ chức Đảng trên cả nước, sẵn sàng hoàn thành những nhiệm vụ mới theo tinh thần  thay đổi chiến lược và sách lược của QTCS trong hoàn cảnh mới.

Trong những năm làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập  đã cùng BCHTU đã sử dụng nhiều phương pháp, nhiều hình thức đưa cách mạng nước ta phát triển lên một bước mới chưa từng có, được thể hiện rõ nét trong các phong trào, các cuộc vận động mang tính chất quần chúng sâu rộng như các phong trào Đông Dương Đại hội, Đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ…Trên bình diện lý luận, Hà Huy Tập là cây bút sắc sảo trong những cuộc bút chiến chống mọi biểu hiện tư tưởng sai lầm, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, đặc biệt trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống khuynh hướng cực tả của nhóm trôtxkit ở Việt Nam. Tranh thủ diễn đàn báo chí công khai thời kỳ này (L’Avant Garde ( Tiền Phong), Le Peuple (Dân Chúng), Kịch Bóng), Hà Huy Tập với bút danh Hồng Qui Vit đã viết bài đập lại những quan điểm xằng bậy về cách mạng vô sản của Tạ Thu Thâu đăng trên báoLa Lutte, số ra ngày 13/5/1937: “Làm sao giai cấp vô sản có thể thực sự ảnh hưởng đến các giai cấp xã hội khác, kéo họ theo mình nếu mà giai cấp vô sản lại từ bỏ cái sứ mạng lịch sử là vai trò tổ chức và lãnh đạo các giai cấp xã hội khác? Lý luận của Thâu là rất nguy hiểm vì kết quả là nó sẽ làm giai cấp vô sản bi cô lập và đưa giai cấp vô sản đến thất bại”. Và đặc biệt Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương cho xuất bản cuốn Trốtxki và phản cách mạng được sắp xếp thành 4 phần lớn: 1. Lênin và Trốtxki 2. Đệ tam và đệ tứ quốc tế 3. Cách mạng và phản cách mạng, 4. Chủ nghĩa Trốtxki ở Đông Dương. Các bài báo và cuốn sách của Hà Huy Tập đã góp phần rất quan trọng vào cuộc tranh luận công khai nhằm đập tan các luận điệu nhố nhăng của những nhà cách mạng đầu lưỡi, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, đưa những tư tưởng cách mạng đúng đắn của Đảng đến với quảng đại quần chúng nhân dân. Trong các cuộc bút chiến đó, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện là một cây bút lý luận sắc sảo, giàu tinh chiến đấu và bản lĩnh chính trị cao.

Những hoạt động lý luận và thực tiễn của Hà Huy Tập đã góp phần to lớn tạo nên cao trào cách mạng 1936-1939, góp phần xây dựng đội quân chính trị hùng hậu cho cách mạng, tạo thế và lực mới cho cách mạng nước ta bước sang giai đoạn quyết định, giai đoạn tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong một lần đi thị sát cuộc đấu tranh của nhân dân nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938 tại Sài Gòn, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt. Dù bị cực hình và đọa đày trong ngục tù đế quốc, Hà Huy Tập không hề khuất phục, một lòng một dạ bảo vệ Đảng, giử vững khí tiết của người cộng sản và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Ngày 25-3-1941, tòa án binh Sài Gòn kết án tử hình Hà Huy Tập với tội danh “có trách nhiệm tinh thần” về khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 10 năm 1940 và ngày 28-8 cùng năm kẻ thù xử bắn Hà Huy Tập. Anh đi vào cõi vĩnh hằng hưởng dương 35 tuổi.

Trong thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 có một phần quan trong dấu ấn trí tuệ và phẩm chất đạo đức của đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng.

............................

Chú thích.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, tr, 249.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 5, tr, 322

3. Lúc đầu Đại hội VII QTCS dự định tổ chức vào cuối năm 1934, nhưng vì S. Kỉrốp, Bí thư Thành ủy Lêningrat bị ám sát nên lùi lại tháng 3-1935, nhưng cuôi cùng tháng 6 năm 1935 mới họp được.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512062

Hôm nay

2388

Hôm qua

2337

Tuần này

22436

Tháng này

218935

Tháng qua

121356

Tất cả

114512062