Văn hoá học đường

Nghĩ về văn hóa giảng đường…

Thời còn cắp sách đến lớp, đến trường; chắc chẳng có ai băn khoăn về văn hóa giảng đường… Người Huế thì cứ êm rứa, rứa…; người Nghệ ngửa cổ nhìn trời, buông, có chi mô mà cứ lo rờ rờ, rận rận… Người Hà Nội, với sự tích tụ vốn liếngKẻ Chợ cả ngàn năm, cười như Bụt ngày Rằm, với cái mũi tròn vành vạnh, Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng ngài Tràng An… Nói cách khác, cái sự học “ngày xưa” nó thiêng liêng và tằn tiện về nghĩa lắm: Đã đi học đại học, tức là có văn hóa ngất ngư với đất trời, sao lại còn bàn về văn hóa?...

Ấy vậy mà, văn hóa giảng đường thời nay, người viết bài này tin rằng, chỉ đánh chuông báo động thôi là không đủ mà, có lẽ, phải cần đến cái trống làm bằng… da voi!

Nếu bạn không tin thì chỉ cần đến cổng bất kỳ trường đại học (ĐH) trong quãng thời gian trước khi vào học chừng 20 phút.

Đến đó,sẽ thấy một điều bình thường hơn cả chuyện thường ngày ở ngõ là 90% nữ sinh (SV) đến lớp bằng… quần rách! Rách ở đây là à la mode chứ không phải tại nghèo. Rách khắp cả hai chân, đủ vị trí và áo thì hở lung tung, nhiều vị trí. Quả thực, bàn cho ra nhẽ thế nào là “không hở hang” (và ngược lại) còn khó hơn lên trời.

Cái quần jeans rách te tua ấy dường như là chỉ số văn hóa của thời @. SV thời nay (xin đừng vội giận, mau hờn) RÁCH (nhưng không vá) đủ mọi thứ.

Họ gần như quên hẳn, quên không sủi tăm như ngài Nghệ vẫn nói, văn hóa đọc. Người viết bài này có may mắn dạy cho SV cả văn, triết, luật, sử, công tác xã hội, ngoại ngữ, du lịch…, có nghĩa là gần như tất cả các ngành KHXHNV. Tôi thường “thách” học trò thử kể tên những tác phẩm (nổi tiếng) của Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc…, mà anh hay chị đã đọc, thử xem có cuốn nào thầy chưa đọc?

Im lặng.

Nhưng, xin bảo đảm rằng, hầu như buổi học nào cũng bắt gặp ai đó, đang lén đọc truyện ngôn tình.

Các SV thời nay “quên” mất rằng TV không thay thế được phim màn ảnh rộng, cũng y chang là net chẳng bao giờ thay được sách in.

Đọc sách với ghi chép, nghiền ngẫm, lui tới khác hoàn toàn với đọc mạng. Cái thiếu căn bản nhất là đọc mạng, bao giờ cũng hàm nghĩa “chụp giựt”, chắp vá; thiếu hẳn tính hệ thống vì cứ thử tính xem, chỉ riêng việc lần tìm, nhớ lại những gì đã biết, tạm hiểu từ hôm qua để hôm nay tiếp tục, đã là một nan đề.

Tôi không phủ nhận việc đọc mạng có lợi ích thiết thân là đỡ tốn kém, mất công. Chẳng hạn, tôi đã đọc cuốn Sĩ đồ phong lưu của TQ mất đúng một tuần với gần như nỏ ăn, ít ngủ. Thế nhưng, sau một tuần liên tục (mỗi ngày trên dưới 20 tiếng đồng hồ ấy), cái mà tôi nhận được từ cuốn sách có 644 chương, với nhân vật Dương Phàm lẫy lừng ấy, gần tròn như số không!

Chuyện tiếp theo của văn hóa giảng đường ấy là cái nỗi bất biến của sự ghi và chép. Dường như nền giáo dục XHCN đã tạo nên một loạt các thế hệ chỉ biết cúi đầu chấp nhận vì ai cũng sợ phản ứng, phản kháng là… phản động! Nếu không “phản động” thì, ít nhất” cũng bị thầy, cô trù dập, họa tai!

Khi vào năm một của khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà nội (1974), bài học đầu tiên mà Thầy Trần Quốc Vượng (Thầy đã mất rồi) dạy chúng tôi ấy là phân tích cái chữL’Étudiant(e) trong tiếng Pháp và Student (sinh viên) trong tiếng Anh. Thầy nói rằng cả hai đều có từ gốc là “nghiên cứu”, hiểu nôm na, SV là người tự nghiên cứu.

Cái “nguyên lý” giản dị ấy làm sao cắt nghĩa nổi khi người tự nghiên cứu chỉ có nghe một chiều, không thắc mắc, không lần tìm, tra cứu đúng, sai? Đừng có mong đột phá, thay đổi khi nền giáo dục mấy chục năm nay cứ giẫm chân tại chỗ hoài rồi, dẫm mãi. Một nhà hiền triết có nói rằng trong cái đầu của kẻ thông minh có đầy ngập sự nghi ngờ; còn trong đầu của kẻ kém cỏi có thừa sự “tự tin”!

Đến đây, bạn đọc đã có thể lờ mờ “biết” rằng văn hóa giảng đường nay so với xưa, chỉ thay đổi cái bề ngoài, quần lành thành ra quần rách, trong khi lề cũ, nếp xưa tăm tối, mù lòa vẫn ngủ yên, bất động.

Tôi sợ nhất một xã hội mà mọi lớp người trẻ trung cứ ù lì, chấp nhận. Nếu trí thức không nói thì ai nói? Nếu đại diện của tương lai là SV cứ mãi hoài đếm bước trên lối mòn của nhận thức, hiểu biết thì làm sao đất nước rạng ngời?

Tôi luôn tin rằng, nghĩ về văn hóa giảng đường, điều quan trọng nhất, phải là thay đổi từ thượng tằng của sự học. Cái khó là phản biện, tranh cãi luôn đồng hành với… sự thật! Một khi kiến thức đầu nguồn có cả thực và hư, lý tưởng sống nhiều hư ít thật, mọi sự trái chiều của nhận thức luôn bị coi là quạ trắng, nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” là tuyệt đối, thì tư tưởng, quan điểm ủa đột phá sẽ được sinh ra dưới cái… gậm bàn nào?

Tại sao không nghĩ rằng tất cả các ý tưởng mới đều bắt đầu từ… một người thôi?

Điều nguy hại chưa dừng lại.

“Ngày xưa” học để biết, để đủ năng lực mà sống; bây giờ, biết không quan trọng bằng điểm; Kiến thức trong đầu chẳng là cái đinh gì bởi nó không thể đong, đếm, bằng cấp mới là quan trọng… Nhận thức của thời la còng (đô la còng, la to còng) phá hủy mọi giá trị. Quy luật của muôn đời rất chi là giản dị: Khi trí thức say mê kim tiền thì xã hội đảo điên.

“Xã hội” không hề giống với chị Hằng trên tút cung Trăng mà nó phản chiếu, nhảy xổ vào giảng đường cái rụp, biến SV, chưa kịp già đã vội trở thành những ông cụ non, bà cụ non có mái tóc dợm vàng giẫy sóng và cái quần rách lấp ló vô chừng…

Ước gì có thể đổi thay để xã hội và giảng đường tôn vinh sự thật, hiểu biết, đích thực, nhân tình?

Đôi khi, chỉ còn biết thở dài khi nhìn thấy bóng dáng của mình trong những hình hài trẻ trung ấy để mà xa xót, buồn thêm… Chẳng thể trách bất cứ SV nào vì giảng đường, tự nó không có lỗi. “Lỗi lầm” của giảng đường là ở chỗ, sự học ít biết nhưng biết rất chắc rằng muốn có việc làm ấy, chỗ đứng kia, phải có bao nhiêu “củ”, phải đủ mấy trăm “chai”…

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558408

Hôm nay

26

Hôm qua

2384

Tuần này

21967

Tháng này

225951

Tháng qua

122920

Tất cả

114558408