Tôi góp ý vì thấy tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có những cái khác so với hai người tiền nhiệm.Đấy là cách nói của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có tính sư phạm hơn. Khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông phát động phong trào “Hai không” – Nói “không” với tiêu cực trong thi cử; nói “không” với bệnh thành tích trong giáo dục. Cách nói này hơi trái với nguyên tắc sư phạm, bởi thông thường trong giáo dục người ta dùng ngôn từ, hình ảnh đẹp để đạt mục đích. Ví dụ, để giáo dục một học trò trở thành người tốt, người ta nói với em: “Em hãy chăm chỉ, ngoan ngoãn, trung thực…”; chứ không nói: “Em đừng lười nhác, ngỗ ngược, dối trá…”. Hơn nữa, trước đó trong một thời gian dài ngành giáo dục duy trì phong trào thi đua “Hai tốt” - Dạy tốt và học tốt.Vì vậy phong trào “Hai không” gây phản cảm và trên thực tế hầu như không đạt được điều gì tích cực.
Còn nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nổi tiếng với câu nói: “Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn” cũng gây phản cảm không kém. Hìnhảnh chiến tranh, trận mạc hoàn toàn trái ngược với giáo dục nên cách ví von đổi mới giáo dục là “trận đánh lớn” đã làm cho mọi người nghĩ đến tính võ biền…
Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ không chủ trương “Hai không” hay là “Trận đánh lớn” trong giáo dục. Điều này cho thấy ông Nhạ cẩn thận và chín chắn hơn hai người tiền nhiệm.Chính điều này gây được cảm tình với báo chí và giới học giả.Theo tôi, nên xem giáo dục là một dòng chảy mạnh mẽ và liên tục, chỉ có thể khơi dòng, nắn dòng, đổi dòng chứ không thể nào chặn lại, bắt nó chảy ngược. Nghĩa là làm giáo dục, trước hết là phải kế thừa được nhữngđiều tốt đẹp đã được tạo dựng vững chắc; trên cơ sở đó tìm tòi những điều tốt đẹp hơn nữa, song song với việc loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực.
Khi được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nhạ có một số phát ngôn gây được cảm tình; ví dụ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người thực sự nhân văn”; “Sách giáo khoa chỉ là một trong những học liệu quan trọng chứ không phải mục tiêu của giáo dục”; “Tôi sẽ thành tâm lắng nghe. Các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế”… Có những cơ quan báo chí đã tổng hợp được 10 phát ngôn ấn tượng củaông Nhạ. Vì vậy, điều đầu tiên tôi muốn góp ý vớiông Nhạ là thế này: Ông nói hay, nói đúng, nói có sức thuyết phục nhưng cũng nên nói ít thôi, làm là chính.Xã hội hiện nay đòi hỏi các chính khách nói phải đi đôi với làm; nói hay mà làm dở thì rất dở.
Điều thứ hai tôi muốn gópý với ông (hình như ông cũng đã nhận thức được): Ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là ông đã nhận một nhiệm vụ rất khó khăn và đầy thách thức. Thời còn Liên Xô, nếu ai trong Bộ Chính trị được phân công phụ trách nông nghiệp thì y như rằng một thời gian sau sẽ mất uy tín vì không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay ở Việt Nam, lĩnh vực giáo dục giống lĩnh vực nông nghiệp của Liên Xô ngày xưa - rất khó đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Chính vì vậy, ông không nên lạc quan quá, không nên đưa ra những mục tiêu quá lớn, những lời hứa hẹn tốt đẹp, chỉ nên đưa ra những mục tiêu thực tế, những cái vừa sức mình.
Góp ý thứ ba: Hiện nay mỗi tháng có hàng ngàn bài báo về giáo dục.Nói chung những bài báo này đưa ra rất nhiều ý kiến, đánh giá, gợi ý... nhưng có khi chúng đối lập nhau. Vì vậy nếu nghe và làm theo thì sẽ rơi vào tình thế “đẽo cày giữa đường”. Ai cũng viện dẫn kinh nghiệm nước ngoài, Nga hay thế này, Mỹ hay thế kia, Anh, Pháp… cũng rất khá. Thế là chúng ta học hỏi và áp dụng, nhưng cái tốt cái hay của nước ngoài không thành cái hay cái tốt của nền giáo dục nước ta. Rõ ràng, khi nói đếngiáo dục, phải nghĩ đến hoàn cảnh, truyền thống, tính dân tộc, trình độ phát triển…; nghĩa là phải tìm ra một mô hình giáo dục phù hợp với Việt Nam. Để làm đượcđiều này, phải tổng kết thực tiễn, tranh thủý kiến của các chuyên gia, dày công suy ngẫm và xây dựngý tưởng của riêng mình.Hay nói cách khác, ông phải đưa ra triết lý giáo dục của riêng mình. Các cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên ở mức độ nào đó đã làm được điều này.
Góp ý thứ tư: Dù đang có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có thể xem giáo dục phổ thông tạm ổn. Bằng chứng là các cuộc thi quốc tế trình độ phổ thông, Việt Nam đều đạt thành tích tốt; học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông, ra nước ngoài học đại học (chủ yếu là tự túc, hiện có trên 110.000 người) đều học được. Do vậy, không nên tạo ra những xáo trộn lớn trong giáo dục phổ thông. Có chăng chỉ là những điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ những đòi hỏi để học sinh có cảm giác thư thái, nhẹ nhàng trong quá trình đến trường. Điều quan trọng là không nên chính trị hoá một số môn khoa học xã hội như môn Văn, môn Sử khiến học sinh chán ghét những môn học này.
Giáo dục đại học đang có rất nhiều vấn đề, hay nói thẳng là chất lượng đang rất thấp, không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Đây chính là lĩnh vực ông nên quan tâm nhiều nhất. Nguyên nhân của việc chất lượng giáo dục đại học thấp thì có nhiều, nhưng rõ nhất là các trườngđại học được mở tràn lan trong khi đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu. Nguyên nhân tiếp theo là nội dung chương trình còn có chỗ bất hợp lý - những cái đáng học thì nhà trường không dạy hay không đủ sức để dạy; trong khi ra sức dạy nhữngđiều sinh viên và xã hội không cần.Tôi nghĩ, tìm được ra nguyên nhân là giải quyết được 50% vấn đề rồi.
Trong giáo dục đại học, ngay từ bây giờ phải “cấy” vào đầu sinh viên tư tưởng: Khi ra trường, chính bản thân họ có thể tạo ra công ăn việc làm chứ không nên chỉ “vác” hồ sơ đi xin việc. Muốn vậy, cách dạy, cách học, cách thi cũng phải thay đổi.
Góp ý thứ năm: Ông phải tỏ ra dũng cảm và có bản lĩnh ngay từ đầu, sẵn sàng đối diện với Ban Bí thư, Bộ Chính trị để nói về việc tổ chức lại chương trình, nội dung một số môn học trong các trường đại học. Ví dụ, học phần “Nguyên lý chủ nghĩa Mác Lê nin” có thể rút gọn hơn; học phần “Chủ nghĩa xã hội khoa học” có thể tích hợp vào các môn học khác, trước mắt là ở một số ngành đào tạo kỹ thuật vì trên thực tế, chắc ông cũng biết được thái độ của sinh viên đối với những môn học này thế nào rồi: Họ vừa chán, vừa sợ những môn học này; họ chỉ tìm cách đối phó. Nếu chỉ học đối phó thì làm sao có chất lượng?
Nói chung, giảng đường đại học là nơi bàn luận, trao đổi, tổng kết, đưa ra các ý tưởng khoa học, cái gì không khoa học cần phải loại bỏ. Trong thời đại hội nhập, cũng cần thẳng thắn thừa nhận thế này: Sinh viên các nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp… họ có học những môn này đâu nhưng khi ra trường, họ đều làm tốt công việc của mình. Do vậy, chúng ta phải thực sự cầu thị, thực sự có thái độ khoa học để giải quyết vấn đề này.
Vì vậy, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông có thể thẳng thắn đặt vấn đề với Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này. Tôi nghĩ, với thành phần Bộ Chính trị hiện nay, nhiều người am hiểu vấn đề, am hiểu thời cuộc nên họ có thể ủng hộ ông.
Xin kính chúc ông dồi dào sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần để đưa “con thuyền giáo dục” Việt Nam ra biển rộng, đến những bờ bến mới!