Người xứ Nghệ

Quốc hội khóa I: Nghệ An có hai nhà khoa học nổi tiếng là đại biểu

70 năm đã trôi qua nhưng những dấu ấn và kỳ tích mà Quốc hội khóa I để lại vẫn còn hết sức rõ nét. Có thể khẳng định một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn và thắng lợi rực rỡ của Quốc hội khóa này chính là chất lượng đại biểu. Như nhận định của TS. Trần Du Lịch trong Hội thảo Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển: “Dường như Quốc hội khóa I đã chọn được những đại biểu đúng nghĩa là tinh hoa. Ở tuổi nào cũng là tinh hoa”. Với 61% thành phần đại biểu là trí thức, Quốc hội khóa I đã minh chứng cho sự cần thiết và tầm quan trọng của tầng lớp này trong sự nghiệp phát triển chung. Trong số 333 đại biểu được bầu chọn, Nghệ An có 15 đại biểu. Trong số đó có hai nhà khoa học nổi tiếng, là những người đã đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học- kỹ thuật Việt Nam. Đó là hai vị giáo sư: GS. Tạ Quang Bửu và GS. Nguyễn Xiển. Họ đều là những người con của mảnh đất Nghệ An, là những nhà khoa học xuất sắc, là những vị đại biểu Quốc hội tận tâm. Với tư cách một trí thức, họ đã mang tài năng của mình cống hiến cho đất nước, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ vị trí nào.

GS. Nguyễn Xiển (1907- 1997), sinh ra và lớn lên ở phường Hồng Sơn, thành phố Vinh.Ông vốn nổi tiếng là thần đồng khi đang còn là một học sinh Trung học. Nguyễn Xiển từng nhận học bổng của Hội Như Tây du học và sang Pháp. Tại Pháp, ông theo học nhiều chuyên ngành như: Toán đại cương, vi phân tích phân, cơ học thuần lý, vật lý. Ở chuyên ngành nào ông cũng tốt nghiệp với thành tích cao. GS. Nguyễn Xiển được cử là Giám đốc Đài Thiên văn Phù Liễn, một cơ quan khoa học hàng đầu của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Ông là người tiên phong, đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực, công trình tại Việt Nam như: là người khai sinh ngành khí tượng, cùng một số trí thức sáng lập Tạp chí khoa học đầu tiên của nước ta, người đầu tiên soạn các giáo trình tiếng Việt cho Đại học khoa tự nhiên, chủ biên các sách Atlas về khí hậu Việt Nam. Là một trí thức đại tài song ông nhiều lần từ chối tham gia chính trường, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng. Cho đến khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được người khuyên trí thức yêu nước phải nhận trách nhiệm lịch sử, ông mới thay đổi và từ đó một lòng theo Bác, theo Cách mạng, cống hiến cho đất nước.

GS. Nguyễn Xiển là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII. Ông từng là Phó Chủ nhiệm UB thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Ủy viên UB dự thảo Hiến Pháp; Ủy viên UB KH và Ngân sách của Quốc hội, Ủy viên danh dự của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1946-1950), Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam,…Trong Quốc hội khóa I, ông là đại biểu của đoàn Kiến An. Những năm 1946-1947, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ nhưng ông vẫn đích thân đi bộ, xe đạp hay thuyền về các tỉnh để đôn đốc, kiểm tra hộ đê. Trong nhiệm kỳ của mình GS. Nguyễn Xiển đã chỉ ra không ít những hạn chế của chính quyền địa phương, thẳng thắn lên tiếng trước những khuyết điểm, sự tha hóa của cán bộ. Năm 1948, ông đã viết bản báo cáo nêu lên 9 điểm chưa được trình Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời nhắn gửi “Đó là những khuyết điểm của địa phương, cá nhân, nhưng có ảnh hưởng tai hại, cần phải sửa chữa.

Có lẽ một trong những dấu ấn tạo nên chân dung GS. Nguyễn Xiển là thái độ tận tâm của một trí thức yêu nước; là cách ông quan tâm, đấu tranh cho tầng lớp trí thức. Chính vì vậy ông luôn được giới trí thức tin yêu, nể trọng. Sau này, trong một phát biểu năm 1992, ông nói: “Cuối cùng, vốn là đại biểu trí thức yêu nước, tôi xin nói vài lời về trí thức. Nhìn chung anh chị em chưa được tạo điều kiện làm việc thuận lợi để phát huy khả năng chuyên môn và đóng góp ú kiến về các mặt chính trị, xã hội, đạo lý, văn hóa; chất xám nước ta vẫn còn lãng phí và có ngu cơ một bộ phận mòn mỏi, tha hóa vì snh kế. Đề nghị Đảng và Nhà nước sử dụng trí thức tốt hơn, nhất là trí thức trẻ đào tạo ngày càng đa dạng về nguồn.” Dành trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước với những thành tựu lớn lao nhưng đến cuối đời, trong hồi ký của mình, ông vẫn tự nhận “tôi chỉ là một trí thức tự do, sống theo cảm tính, bản năng tự nhiên hơn là bằng lý luận, hoạt động chủ yếu theo con tim và tâm trí của mình nên cũng chưa đi chuyên sâu cả về chính trị và khoa học, ngay về chuyên môn cũng là một nhà hoạt động thực tiễn hơn là một nhà nghiên cứu. Do vậy sự cống hiến còn hạn chế.” Đó mới thực sự là một trí thức chân chính, một nhân cách lớn!

Sau GS. Nguyễn Xiển, xứ Nghệ tiếp tục có một gương mặt được nhận học bổng của Hội Như Tây du học là: Tạ Quang Bửu. GS. Tạ Quang Bửu (1910 – 1986) là người con của huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ông được biết đến “là một bộ óc Lê Qúy Đôn thời nay”, “Cây cầu nối của khoa học Việt Nam với thế giới”. Nhận học bổng của Hội Như Tây du học, ông sang Pháp theo học ngành Toán, cơ học. Sau đó, ông tiếp tục nhận học bổng của Đại học Oxford (Anh), học thêm về vật lý lượng tử. Trong cuộc đời mình, Gíao sư đã để lại nhiều công trình khoa học có giá trị với nhiều cuốn sách được xuất bản như: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - hạt nhân – Vũ trụ tuyến, Sống, Đại số các Toán tử, Hạt cơ bản… GS. Tạ Quang Bửu còn là một người tinh thông, sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ, một trí thức có khả năng tự học siêu phàm.

GS. Tạ Quang Bửu liên tiếp là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI. Trong Quốc hội Khóa I, ông là đại biểu của đoàn Hà Tĩnh. Những năm tháng công tác, Tạ Quang Bửu được biết đến là người không ngại khó khăn, luôn phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của mình; không ngừng tìm tòi, sáng tạo và mang tài năng của mình cống hiến, phục vụ đất nước. Dù hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ hết sức khó khăn, chiến tranh bom đạn và bản thân nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của đất nước nhưng ông vẫn luôn tranh thủ đọc, nghiên cứu. GS. Nguyễn Xiển đánh giá “Trong thời kỳ kháng chiến này, ông Bửu là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ đương thời.”

Từ những ngày đầu Cách mạng, ông đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo công hàm, đón tiếp đoàn Ngoại giao các nước. Tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946, ông là cố vấn trong phái đoàn đàm phán với chính phủ Pháp. Sau đó ông tham gia phái đoàn dự Hội nghị Fontainebleau 1946 tại Pháp. Trong thời gian ở đây ông đã tìm mua một số lượng lớn các sách khoa học kỹ thuật để đưa về nước. Những cuốn sách này lúc bấy giờ là những tài liệu hết sức quý giá, có ý nghĩa lớn đối với nền khoa học nước nhà. Năm1954, với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông tham gia đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Genève về Việt Nam và là người đại diện cho Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kí văn bản Hiệp nghị Genève.

GS. Tạ Quang Bửu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng (1947 đến 7/1948), Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Chủ nhiệm UB Khoa học Nhà nước, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa. Ở trên cương vị nào ông cũng có những sáng kiến táo bạo, những đóng góp to lớn. Đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, ông đã chỉ đạo nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí, đạn dược. Vốn tinh thông ngoại ngữ, ông đã giúp dịch nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho khoa học quân sự, đặt nền móng cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Ông từng nói: “Chúng ta là những tri thức Việt Nam yêu nước được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Chúng ta chỉ phân biệt cương vị trong khi làm việc, chứ chúng ta cùng chung một nỗ lực là phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thông minh, cần cù, dũng cảm, đoàn kết, dám nghĩ dám làm để phục vụ quân và dân đánh giặc Pháp xâm lược, giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”.

Cũng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa I, Giaó sư đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng ĐH Bách khoa. Với cách quản lý mới mẻ, tiến bộ, ông đã giúp đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên có chất lượng. GS. Tạ Quang Bửu được biết đến là người luôn phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, trăn trở với phương pháp giáo dục. Ông chủ trương dạy Đại học là dạy phương pháp, nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu.

Trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XIV, nhìn lại lịch sử và khắc họa chân dung hai vị giáo sư đáng kính là để chúng ta, đặc biệt là tầng lớp trí thức hiện nay tự rút ra những bài học. Học ở cách cư xử với tư cách một trí thức chân chính, cách đối xử và đấu tranh cho trí thức, cách làm việc và cống hiến cho đất nước. Trí thức, ở thời đại nào, cũng phải là người tiên phong trong công cuộc dựng xây đất nước. Dù ở lĩnh vực nào, giữ chức vụ cao hay thấp thì người trí thức cũng phải đem tài năng của mình để cống hiến; không ngừng trau dồi, học hỏi, làm việc. Thờ ơ với chính trị - xã hội, thờ ơ với công cuộc phát triển của đất nước, thơ ơ trước cái ác, cái xấu có lẽ là sự hèn kém nhất của người trí thức. Với tư cách là Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội cần có những đại biểu tinh hoa, có trình độ, tinh thông chuyên môn để phát huy tối đa chức năng của mình cũng như hoạt động ngày một hiệu quả. Chính vì thế, những trí thức chân chính, có tài năng, trách nhiệm nên tham gia vào Quốc hội và một khi đã được lựa chọn, phải không ngừng phát huy vai trò của mình.  Trả lời phỏng vấn tờ Cứu quốc trước thềm Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, bác sỹ Tôn Thất Tùng từng nói: “Tôi lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số anh em trí thức đối với cuộc Tổng tuyển cử này. Họ làm như việc của nước mình như là việc của nước nào ấy. Tôi từ trước vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn của tôi, không tham dự gì vào đời sống chính trị, nhưng bây giờ tôi thấy phải có bổn phận phải ra ứng cử. Phần thấy tôi có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi, vừa phần muốn...phản đối thái độ hờ hững , lạnh lùng của bọn trí thức nói trên.”  Cho đến nay, đã 70 năm trôi qua nhưng lời nói ấy hẳn vẫn còn có giá trị, vẫn đánh động đến không ít trí thức đang chìm đắm trong tư tưởng hưởng thụ và yên vị.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512062

Hôm nay

2388

Hôm qua

2337

Tuần này

22436

Tháng này

218935

Tháng qua

121356

Tất cả

114512062