Bài thứ nhất của nhà Cần vương yêu nước Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), hiệu là Ngạc Đường, Lương Giang, biệt hiệu là Hiến Đình, quê xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi, triều Tự Đức (1871), rồi giữ nhiều chức vụ trong triều đình nhà Nguyễn. Sau đó ông từ chức, trở về quê chiêu tập nghĩa quân Cần vương chống nhau với thực dân Pháp, thu được nhiều chiến công vang dội. Ngày 25-7-1887 ông bị thực dân Pháp bắt khi đang mang bệnh. Chúng đưa về Huế giam giữu, dụ dỗ, mua chuộc, nhưng ông nhất mực bất khuất và hy sinh tromg ngục năm 63 tuổi.
Có lẽ lần ra Thanh Hóa liên kết với phong trào Cần vương ở tỉnh này,Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn đã có dịp thăm thành Nhà Hồ, miếu thờ nàng Bình Khương (1) ở phía đông thành và sáng tác 2 bài thơ để lại. Về sau địa phương khắc thơ lên bia đá, dựng ở miếu Bình Khương, đến nay vẫn còn. Theo chúng tôi biết thì bài thứ nhất của ông đã được dịch giới thiệu trên sách báo (2). Riêng bài thứ 2 mới chỉ thấy khắc trên bia.
Bài I : Nguyên văn:
乂 安 東 城 同 三 甲 進 士 阮 春 温 詩 云:
1 - 何 物 閨 房 一 女 流
剛 腸 凛 凛 日 霜 秋
胡 人 已 忍 欺 孤 子
姜 氏 何 容 負 丈 夫
月 炤 颓 城 高 節 白
雪 侵 頑 石 涙 痕 留
陳 家 二 百 年 天 下
誰 是 人 家 的 好 逑
Phiên âm: “ Nghệ An Đông Thành đồng tam giáp Tiến sĩ thi vân
Hà vật khuê phòng nhất nữ lưu
Cương trường lẫm lẫm nhật sương thu
Hồ nhân khả nhẫn khi cô tử
Khương Thị hà dung phụ trượng phu
Nguyệt chiếu đồi thành cao tiết bạch
Tuyết xâm kính thạch lệ ngân lưu
Trần triều nhị bách niên thiên hạ
Thùy thị nhân gia đích hảo cầu.”
Dịch nghĩa : “ Thơ của Tiến sĩ Đông Thành, Nghệ An
Nơi chốn khuê phòng có một người phụ nữ trong trắng
Lòng dạ ngời ngời sáng như giọt sương thu
Người họ Hồ nhẫn tâm lừa dối cô gái cô đơn
Nàng Bình Khương như là đấng trượng phu
Trăng soi lên bờ thành nêu cao khí tiết trong trắng
Tuyết ngấm vào đá thành dòng nước mắt
Nhà Trần hai trăm năm làm chủ thiên hạ
Mấy gia đình có được lứa đôi đẹp bằng vậy?”
Dịch thơ : “ Trong trắng phòng the một nữ lưu
Bền gan ngời ngợi sáng sương thu
Họ Hồ lòng nhẫn lừa cô phụ
Khương Thị tâm thành đấng trượng phu
Nguyệt rọi lên thành danh tỏ rạng
Tuyết tan vào đá lệ còn ngưng
Hai trăm năm ấy Trần triều cũ
Hỏi lứa đôi nao sánh được cùng?”
( Hương Nao dịch)
Bài II ; Nguyên văn:
2 - 奇 纙 海 口 北 兵 来
七 里 城 門 鎖 不 開
烈 女 冤 仇 埋 石 壨
忠 臣 怨 恨 築 花 街
一 犁 春 雨 青 禾 麥
三 徑 秋 風 賊 草 芽
早 識 民 岩 真 可 畏
當 年 莫 上 白 鷄 臺
Phiên âm :“ Kì La hải khẩu Bắc bình lai
Thất lí thanh môn tỏa bất khai
Liệt nữ oan cừu mai thạch lũy
Trung thần oán hận trúc Hoa Nhai
Nhất lê xuân vũ thanh hòa mạch
Tam kính thu phong tặc thảo nha
Tào thức dân nham chân khả úy
Đương niên mục thượng “ Bạch Kê” đài!”
Dịch nghĩa : “Cửa biển Kì La quân Bắc đã tới
Cửa thành bảy dặm vẫn đóng không mở (3)
Liệt nữ oan uổng bị chôn dưới lũy đá
Trung thần đã oán hận vì xây thành Hoa Nhai(4)
Một giọt nước mưa xuân mùa màng tươi tốt
Ba ngọn gió thu làm cây cối cũng như lòng người căm lũ giặc
Khi dân đã hiểu thì thật là đáng sợ
Tựa như trên lầu cao tiếng gà “ Bạch Kê” gáy.”(5)
Dịch thơ ; “ Kì La giặc Bắc tới nơi
Cửa thành dài rộng vẫn thời đóng yên
Vùi thân liệt nữ oan khiên
Trung thận oán hận xây nên thành này
Lúa xanh mưa thấm đường cày
Gió thu ba hướng thổi bay giặc tà
Một khi dân thức tỉnh là
Lầu cao nghe tiếng gáy gà “ Bạch Kê”
( Hương Nao dịch)
Một Nho sĩ nữa của Nghệ An còn để lại bút tích nơi thành Nhà Hồ là ông Hồ Đắc Dự, hiệu là Đường Doanh, quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu,Nghệ An. Ông Hồ đỗ Cử nhân khoa thi Hương năm Giáp Thân, triều Kiến Phúc (1884). Sau khi thi đỗ ông được một số người mời về nhà dạy học, trong đó có ông Hồ Bá Kiện là thân sinh nhà cách mạng Hồ Tùng Mâụ. Năm 1893, ông được bổ làm Huấn đạo huyện Yên Định, Vĩnh Lộc Thanh Hóa, rồi quyền Đốc học tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian nhậm chức ở đây, Cử nhân Hồ Đắc Dự đã đến tham quan thành Nhà Hồ, miếu Bình Khương và sáng tác bài thơ để lại, hiện thấy khắc trên bia đá dựng ở phía đông thành Nhà Hồ.
Nguyên văn :
役 書 如 火 築 民 愁
君 以 身 當 妾 以 頭
怨 恨 更 深 精 衞 石
悲 聲 增 坦 澤 門 謳
未 應 山 海 成 虚 誓
重 爲 江 河 障 倒 流
存 没 不 闗 興 廢 局
凛 然 正 氣 口 碑 留
翰林著作領教授驩州雙琼胡得預君赢謹誌
成泰癸卯十五年夏五月端午後三日
Phiên âm : Dịch thư như hỏa trúc dân sầu
Quân dĩ thân đương thiếp dĩ đầu
Oán hận canh thâm Tinh Vệ thạch
Bi thanh tăng khản đảm môn âu
Vị ưng sơn hải thành ư thệ
Trọng vị giang hà chướng đáo lưu
Tồn một bất quan hưng thế cục
Lẫm nhiên chính khí khẩu bi lưu.
Hàn lâm trước tác lĩnh Giáo thụ Hoan Châu, Song Kinh
Hồ Đắc Dự Đường Doanh cẩn chí
Thành Thái Quí Mão thập ngũ niên, hạ ngũ nguyệt Đoan Ngọ
hậu tam nhật.”
Dịch nghĩa : “ Sách vở để lại còn hực mối hận sầu của dân
Chàng lấy thân còn thiếp thì lấy đầu đương với kẻ thù
Tiếng bi thảm tăng thêm nổi buồn trước cửa
Lời thề núi biển trở thành suông
Nhưng nó nặng nghĩa non sông đất nước
Mất còn không quan hệ tới thời cuộc còn mất
Chính khí nghiễm nhiên vẫn còn trong bia miệng
Hàn lâm Hồ Đắc Dự, giữ cức Giáo thụ, người Nghệ An, hiệu Song Kinh,
Đường Doanh kính ghi.
Năm Qúi Dậu niên hiệu Thành Thái 15 (1903), mùa hạ, tháng 5, sau têt
Đoan Ngọ 3 ngày (8-5)”
Dịch thơ : “ Sách còn hực giận của dân
Thân chàng, đầu thiếp đối quân bạo thù
Oan hồn Tinh Vệ bao thu
Nỗi buồn càng thảm dường như trước nhà
Lời thề núi biển tuy nhòa
Song còn nghĩa nặng sơn hà, nước non
Khác nhau thời cuộc mất còn
Bia truyền chính khí trường tồn mai sau.”
( Hương Nao dịch)
-----------------------------------
(1) Miếu Bình Khương căn cứ vào sự tích thời nhà Trần có chàng Cống sinh mới cưới người vợ trẻ là Bình Khương, thì bị bắt đi phu xây thành Nhà Hồ và đá đè chết. Người vợ trẻ chờ không thấy tin chồng đã tới thăm. Đến nơi hay tin, nàng đập đầu vào thành tự vẫn. Người đời sau đã dựng miếu thờ, để nhằm lên án việc Hồ Quí Ly đoạt ngôi nhà Trần và bắt dân xây thành khổ cực.
(2) Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn -Nxb Văn học Hà Nội 1977 – Tr.147,148.
(3) Thành Nhà Hồ người xưa thường được xem là bức thành 7 dặm
(4) Hoa Nhai là con đường lát đá từ cổng Tiền ( phía Nam) thành Nhà Hồ đến núi Đốn ( Đốn sơn),
Người ta cũng thường dùng danh từ“ thành Hoa Nhai” để chỉ thành Nhà Hồ.
(5) Bạch Kê ( Gà Trắng) lấy tích Thục An Dương vương xây thành Cổ Loa thường bị con quỉ “ Bạch Kê” phá hoại