Các nhà văn của miền đất chín rồng vốn không thuận về lối viết tùy bút hoa mỹ hay tư duy viết phóng sự sắc sảo đầy hàm ý. Trong những ghi chép hồi tưởng về kháng chiến chống Mỹ, giọng văn của họ có phần nào mang chất tường thuật lịch sử, kể lại chuyện cũ. Lối viết tha thiết chân phương toát lên từ nhiều trang giấy thấm đẫm lòng yêu nhớ quá khứ hào hùng. Đôi khi các bài ký còn có màu sắc chuyện tích về những anh hùng sống và chết cho lý tưởng, những mẩu chuyện thời chiến đau thương và nhiều uẩn khúc… Song song với dòng chảy ký chiến tranh là những bài viết về đời sống ngày thường với những nét văn hóa hết sức đặc trưng của cư dân miền cực Nam tổ quốc. Một khối lượng lớn các bài ký lấy cảm hứng từ quá trình vươn lên thoát nghèo của đồng bào sông Hậu sông Tiền. Tác phẩm của họ viết về những anh hùng, những tấm gương lao động thời bình chân chất mà giàu lòng yêu người, yêu đất đai sản vật quê hương. Người đọc còn được tiếp xúc với một mảng ký đầy chất thơ về cảnh vật và hồn linh của những miền đất nổi danh của Nam bộ như núi Cấm, vườn Cò, chợ nổi Cần Thơ…
Tựu trung, có thể nhận thấy ba mảng ký tương ứng với ba nguồn cảm hứng lớn trong hầu hết các tác phẩm bút ký ĐBSCL: ký viết về chiến tranh, ký về cuộc sống lao động thời bình và ký về thiên nhiên Nam Bộ.
1. Mảng ký chiến tranh:
Các tác phẩm ký từ năm 2000 đến nay của các nhà văn vùng ĐBSCL viết về đề tài chiến tranh có thể kể đến là Những năm tháng không quên (3 tập, ký của Nhiều tác giả, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau năm 2004), Chuyện xưa còn nhớ (Hàn Vĩnh Nguyên, NXB Văn nghệ, 2006), Dọc đường chiến đấu (Nhiều tác giả, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2003), Trên đồng nước nổi (Hồi ký cách mạng, Nhiều tác giả, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 2000), Sóng dậy đồng nước (Nguyễn Đắc Hiền, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2004), Năm tháng đã qua (Trần Văn Miêng, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, 2003), Trên nền dĩ vãng (tập truyện ký, Nguyễn Thị Mỹ Hồng, NXB Phương Đông, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 2005), Những tấm gương thầm lặng (Bút ký lịch sử, Nhiều tác giả, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, 2005), Giữa Đồng Tháp Mười (truyện ký, Nguyễn Xuân Đỉnh, Võ Thúy Phượng, NXB Văn nghệ, 2007), Đồng Tháp 30 năm (1975 – 2005), Ký ức 30-4 (Hồi ký của nhiều tác giả, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, 2005)… Tất nhiên danh sách này còn rất dài, bao gồm rất nhiều tác phẩm ở dạng hồi ký kể lại những đoạn đời tham gia cách mạng hoặc viết chân dung các tướng lĩnh và chiến sĩ vào sinh ra tử cho miền Nam đất thép thành đồng.
Các tác phẩm ký lịch sử tái hiện bức tranh thời chiến của đồng bào miền Nam từ giai đoạn sau hiệp định Giơ-ne-vơ đến chiến thắng mùa xuân năm 1975. Máu và nước mắt như thấm trong từng trang viết; Người đọc dễ nhận thấy lối viết chân thật, mộc mạc, giàu tính địa phương từ phong cách ngôn ngữ “đặc sệt Nam Bộ” đến kết cấu giản dị như những mẩu chuyện nhỏ mang tính giáo dục về chủ nghĩa yêu nước trong các tác phẩm ký của các nhà văn ĐBSCL. Hình ảnh quân và dân miền Nam gắn bó hy sinh vô điều kiện trong cuộc chiến khốc liệt suốt 30 năm đã làm cho những tác phẩm ký trở thành những kỷ niệm vô giá và phần nào làm chứng nhân cho một giai đoạn đau thương nhất của đồng bào Nam Bộ. Đó là cuộc đời của chị Út Tịch - người mẹ, chiến sĩ, liệt sĩ anh hùng của đất Trà Vinh, là quãng đời hoạt động nữ biệt động thành Lâm Thị Phấn (được thăng hoa thành nhân vật Bạch Cúc trong phim Người đẹp Tây Đô) , là những tâm sự của má tư Ninh Hòa, là chuyện kể chiến đấu của anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Bảy, anh hùng quân đội Võ Văn Mừng,” là Đỗ Phú Thứ - người con của mảnh đất nghèo An Trạch trước ngày hy sinh đã thổ lộ: “Máu tôi còn đổ thì tôi còn chiến đấu”…Tác phẩm Sóng dậy đồng nước (Nguyễn Đắc Hiền) và tập hồi ký cách mạng Trên đồng nước nổi (Nhiều tác giả) ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân Đồng Tháp trên mặt trận Giồng Thị Đam, Gò Quản Cung… Những chứng tích ấy không phải chỉ được nhắc tới trong bảo tàng quá khứ chiến tranh mà dường như vẫn sống dậy trong mỗi trang viết.
Nhờ các tập ký mà chúng ta biết thêm những sự kiện đặc biệt lạ lùng chỉ có trong thời chiến như Phòng mổ trên Đồng Tháp Mười, Phòng pha chế trên lưng (Nguyễn Xuân Đỉnh), Phòng thu thanh dã chiến ( Lê Giang), Sống cùng thời gian (trích tập ký Chuyện con người của Nguyễn Huỳnh Hiếu viết về những người làm bạc giả phục vụ kháng chiến) … Tập ký của Bác sĩ Nguyễn Hồng Trung Chuyện một thời và mãi mãi ghi lại câu chuyện về năm người thầy thuốc ưu tú của đất Vĩnh Long có công với cách mạng: Giáo sư Nguyễn Văn Thủ, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, giáo sư Trương Công Trung, Giáo sư Bùi Chí Hiếu, liệt sĩ bác sĩ Nguyễn Hồng Phước… với những chi tiết chân thực về tài năng và sự hy sinh của những trí thức lớn, những người con của Nam Bộ một lòng với cách mạng. Các tập hồi ký này có thể xem là phần tham khảo lịch sử rất có giá trị đối với những ai muốn hiểu sâu hơn chiến công của lực lượng quân y, dân y trong cuộc kháng chiến gian khổ ở chiến trường miền Nam.
Trong suốt cuộc chiến đẫm máu giành lại từng tất đất quê hương, phụ nữ Nam Bộ đã là một bộ phận không thể thiếu của lực lượng quần chúng tham gia cách mạng. Lê Huỳnh Thanh Uyên với bài viết Tháng tư ở Vĩnh Hưng đã dựng lại chân dung người phụ nữ Nam bộ bất khuất bằng những trang viết hết sức cảm động: “Chị vạch bầu sữa căng tròn cho con bú, linh tính mách bảo đây là lần cuối cùng chị được cho con bú. Chị ôm con, nhìn nó một cách trìu mến, chị vuốt mái đầu thơ dại của nó mà nước mắt chị rớt. Chị khóc không phải vì sợ kẻ thù mà khóc vì sợ con mình rồi đây sẽ mồ côi mồ cút. Chị ráng ép cho con bú thật no lần cuối. Chị ngồi đó trước bầy quỉ dữ, bọn chúng trở nên nhỏ nhoi, còn cái dáng ôm con của chị bỗng cao voi vọi. Đất trời như lặng yên, chiến tranh như ngừng lại trước tình mẹ con thẳm sâu mà đau đớn của chị”…Những bài viết như Em đi từ sông Trẹm (Vĩnh Trà), Viếng mộ em (Quách Văn Bảy), Người con gái dân y (Nguyễn Thị Mỹ Hồng), Tâm sự của má Phan Thu Loan (Kha Thị Ngọc Đẹp), Cô Mụ Hiếu (Hàn Vĩnh Nguyên), Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (Nguyễn Hồng Trung), Mênh mang tình mẹ, Sáng ngời tình mẹ (Hoài Phương)… lần lượt như những cuốn phim nhỏ ghi dấu vẻ đẹp tâm hồn và đức hy sinh của phụ nữ miền ĐBSCL. Người đọc không chỉ hình dung họ như những nhân vật trong các trang sách, tiểu thuyết, mà nhờ ký, họ trở thành những ký ức biết nói, những tấm gương có thật giữa cuộc đời. Nhiều chương hồi ký đã làm sống lại những “ngã tư Đồng Lộc” của miền Nam, những tấm gương hy sinh mãi mãi gây chấn động trong lòng người đọc.
2. Mảng ký viết về đời sống người dân Nam Bộ thời bình:
Ở một góc độ nào đó, đề tài đời sống văn hóa nói chung, sự phát triển thời bình nói riêng trong ký ĐBSCL để lại dấu ấn rõ nét nhất. Trong đó, nổi bật hơn cả vẫn là nỗi niềm đất đai. Phải chăng, người dân Nam Bộ từ thời này đến thời khác vẫn tiếp tục niềm thao thức về những rẻo đất, những dòng sông, về cái nghèo truyền kiếp, về những nỗi oan lâu dài của lớp dân khai hoang xa xưa… Chúng ta có thể đọc được những nỗi niềm ấy qua các tác phẩm như Tình đất tình người (Hoài Phương, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ, 2006), Mưa nắng đồng bằng (Lâm Thị Thanh Hà, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ, 2005), Bão đất và những bài viết ngắn (Hồ Thanh Điền, Văn nghệ An Giang, 2002), Hạt bụi nhỏ nhoi (Nam Kế Ba, NXB Phương Đông, Hội Văn học nghệ thuật Sóc Trăng, 2006), Chuyện con người (truyện và ký, Nguyễn Huỳnh Hiếu, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 2006), Sông nước quê mình (Trần Đỗ Liêm, NXB Hội Nhà văn, 2007), Cụm tràm thưa (truyện ngắn, bút ký, Hùng Tấn, NXb Phương Đông, 2007), Về Bạc Liêu (Nhiều tác giả, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, 2005), Mùa nước dữ (Ký và thơ, Nhiều tác giả, Văn nghệ An Giang, 2001), Xóm Câu (Ngọc Vinh, NXB Văn nghệ, Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, 2006)…Một số tác phẩm tuyển chọn từ các giải thưởng truyện ký, trại sáng tác văn học như Tuyển tập bút ký nhiều tác giả (Những tác phẩm đoạt giải cuộc thi bút ký ĐBSCL 2007 do Hội Nhà văn xuất bản), Ký (tuyển chọn từ trại sáng tác văn học An Giang, Hội Văn học nghệ thuật An Giang, 1998), Tuyển tập Truyện và ký (Nhiều tác giả, Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, 2000) hầu hết là những tập sách đáng đọc và suy gẫm.
2.1. Người lao động gắn đời mình với đất và nước Nam Bộ
Ấn tượng đầu tiên của người đọc khi tiếp xúc các tác phẩm kỳ ĐBSCL là những ám ảnh về đất và nước. Hàng loạt những tiêu đề rất “nhạy cảm” như: Đất, Đất dữ, Đất thức, Bão đất, Tình đất- tình người, Đồng chó ngáp, Mùa nước dữ,… thể hiện cái nhìn trung thực và chân thành của các nhà văn trước sự thật con người và xã hội.
Trong bài ký Mênh mông đời thương hồ, tác giả Ngọc Vinh ghi lại số phận một con người sống lặng lẽ giữa đồng nước bao la. Đó là người đàn ông mất cả vợ lẫn con. Tâm sự mòn mỏi của người đàn ông đơn độc đó không phải là cái chết mà là sự sống dài và đơn sơ. Câu hỏi ở phần cuối bài ký như một băn khoăn mải miết của tác giả đối với những kiếp người trên sông: “Buồn chết? Lẽ nào cuộc sống lang bạt kỳ hồ này khiến người ta chấp nhận một cách trân trọng như vậy? Nghiệp chướng chăng? Hay cái máu hồ hải phiêu bồng của người xưa từng vượt suối băng ngàn xuống phương Nam sinh cơ lập nghiệp vẫn “di truyền” ít nhiều nên họ thích phiêu lưu, dân thân không chút tham vọng”. Đề tài sông nước và con người sống trên sông nước có một sức hút rất đặc biệt đối với các tác giả ĐBSCL. Phan Trung Nghĩa trong Khách thương hồ lại mang đến cho người đọc một ấn tượng khác về những con người “hải hồ lang bạt”: họ “mượn bốn phương làm nhà, nếm trải nhiều món ngon vật lạ, thuộc làu trăm nẻo xa xôi…”, “tai ương hoạn nạn xảy ra thiếu một quê hương đau đáu, thiếu những người thân an ủi, đỡ đần”. Những trang ký về đời người thương hồ của Phan Trung Nghĩa gợi nhớ lại cả một quá khứ cơ cực và trôi nổi của nhiều thế hệ dân “miệt vườn”… Chợ nổi nơi mũi đất hiện lên từng đường nét: “Trên dòng sông Bạc Liêu, trăng tháng 10 bàng bạc từng đoàn ghe xuồng nối đuôi nhau lũ lượt kéo về. Tiếng quẫy nước, tiếng khua chèo, tiếng hát hò hòa lẫn với tiếng vạc ăn đêm, đánh thức những dòng sông lạnh vắng” … Người đọc như được mở ra một chân trời quá khứ xa xưa, nơi những người vốn đói nghèo nheo nhóc lang thang trên các ghe nhỏ xíu làm thợ gặt mướn lại “luôn đi tiên phong trong kỹ thuật gặt lúa. Chính kỹ thuật cắt lúa thấp bằng lưỡi hái trên ruộng lúa ngắn này (trái với kỹ thuật thu hoạch lúa của người địa phương) đã được người miệt vườn du nhập vào miền Hậu Giang”… Hóa ra, ở miền đất tưởng bình yên này lại trải qua đến 3 cuộc di dân: lần thứ nhất là cuộc chạy loạn đau thương của người Tiền Giang trước sự xâm lược của thực dân Pháp, lần thứ hai cơn bão năm Canh Thìn gieo rắc tai ương đói khổ, lần thứ ba là hạn hán năm 1978 khiến người dân bồng bế nhau chạy đói… “Thậm chí người ta đổi một cô gái để lấy vài táo gạo” Cái “binh đoàn” khốn khổ năm nào trở thành những vị khách bất đắc dĩ của dân Hậu Giang hào hiệp. Cuộc “cấy người” hy hữu này đã “nối liền hai miệt Tiền Giang và Hậu Giang mến yêu. Nó làm nên cái thẩm sâu của nền văn minh sông nước Nam Bộ”. Chia sẻ cảm xúc về “hồn sông nước nhập vào hồn người”, tác giả Hoài Phương trong bài ký Hồn Chợ nổi (trích trong Tình đất tình người) cũng có những trang viết nhiều sức gợi:“Trên bước đường ngược xuôi kiếm sống, ghe xuồng họ cứ bềnh bồng chỗ này tới chỗ kia, có khi len lỏi vào tận các xẻo rạch để gom hàng rồi chiều lại quay về chợ nổi ngủ đêm để sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình cho đến lúc lấy vợ, gả chồng và sinh con đẻ cháu mà lòng vẫn còn vương nặng kiếp thương hồ”…
Nước ở ĐBSCL còn có một khuôn mặt khác, đó là khi nước nổi phèn và ngập mặn - một thứ thiên tai âm thầm mà dữ dội; khi gặp nước dâng cao, “ cả làng phải bỏ ăn Tết để trầm mình đắp đê(…), rồi có năm không sao ngăn được, nước mặn tràn vào nuốt chửng cánh đồng, thế là cái quê nghèo tăm tối của tôi lại một mùa xuân nữa bị đánh mất. Trong làng, mấy ông lão ngồi bó gối thở dài, mắt đăm đăm nhìn về phía cuối cánh đồng, trông xót xa đến ứa nước mắt”. Hình ảnh người nông dân Nam Bộ ở ngay trong vựa lúa của mình mà đói khổ như một minh chứng cho cuộc sống lao động bấp bênh muôn thuở. Trước khi là đất của chim trời cá nước, thẳng cánh cò bay, Nam Bộ mang trong nó những miền hoang hóa, nơi chỉ có sự chết. Vậy nên, “những hạt lúa lem luốc như không phải mọc ra từ đất, khi ăn những hạt cơm hiếm hoi đó, người ta cảm nhận được cái vị mằn mặn của mồ hôi và nước mắt” (Những mùa lúa đã xa, Phan Trung Nghĩa). Cũng trong cảm hứng về nước, phần ký trong tác phẩm Mùa nước dữ (Nhiều tác giả) đã tái hiện sức tàn phá của cơn bão năm Canh Thìn và nỗi đau của đồng bào miền Tây Nam bộ trước thiên tai. Những tấm lòng trong cơn lũ dữ của Ái Dân , Mùa nước dữ của Đoàn Văn Đạt, Tản mạn về lũ lụt năm Canh Thìn của Ca Giao, Chống lũ của Trịnh Bửu Hoài, Từ miền đồng nước của Ngô Nhật Huy, Sông ơi sao chẳng thấy bến bờ của Nguyễn Lập Em, Lũ lụt từ miền quê mẹ của Mai Văn Tạo không còn là những bài ký ghi chép tâm tình, phong cảnh nên thơ miền Tây Nam Bộ nữa; đó là những bài viết xót đau và chân thành trước sức mạnh tàn phá của dòng nước trong cơn phẫn nộ dữ dội.
Nhưng chính những dòng sông lại mang đến vẻ đẹp và sức sống cho đồng bằng Nam Bộ. Tác phẩm Sông nước quê mình của Trần Đỗ Liêm bắt nguồn từ cảm hứng dồi dào về sông nước miền Tây và những cuộc đời trên sông. Người đọc tìm thấy trong tập ký mỏng này ấn tượng đẹp về cuộc sống hiền hòa bên dòng Mê Kông… Đó là chợ hoa Tết ở Nam Bộ, là tập tục thờ cúng bà Cậu của dân thương hồ bao đời, là câu chuyện tản mạn về ngọn giang đăng, về những chiến công năm xưa của quân dân Chợ Gạo…
Tác phẩm bút ký đầy đặn Mưa nắng đồng bằngcủa Lâm Thị Thanh Hà có thể xem là một chân dung liên hoàn về người và đất miền Tây Nam bộ. Từ bài Về một vùng đất đến Đất ở, Đất cưu mang, Đất lành…, cùng những trang viết chất chứa tâm sự như Vị ngọt của đời, Người có chân dung trong bảo tàng và U Minh không lặng lẽ, tác giả Lâm Thị Thanh Hà có thể được xem là cây bút nữ viết ký đáng chú ý của ĐBSCL. Trong bài Đất ở, tác giả ghi nhận sự kiện một vùng quê nghèo của sông Hậu không vượt 2 tấn lúa/ha/năm, đến nỗi “đói quá nên đêm đêm cô dâu trẻ phải lén về lục cơm nguội nhà mình, để rồi phải gánh lấy những lời sỉ vả, những trận đòn của nhà chồng…”. Thế nhưng, những con người khổ nhọc trên mảnh đất ấy đã biến cái túi rỗng trắng của dân nghèo thành “ vốn tự có của hợp tác xã là 2,5 tỉ đồng…”, biến cánh đồng một vụ lúa nổi thành 2 vụ, với năng suất gần 10tấn/ha/năm… Ai biết được quá khứ ở hòn Củ Tron là “hàng ba chục người kiệt quệ, bẩn thỉu, ngồi chen như nêm trên con tàu bé tí, ọp ẹp, chết máy. Khát vọng sống đã giúp họ có chút sáng suốt cuối cùng, cạy mũi tàu đẽo làm dầm bơi vào đảo…”. Mãnh lực của đất mang tới sinh lực cho nhiều kiếp người nghèo đói thiết tha bám đất bám đời để sống. Hơn thế, “cả đất dọc tuyến kinh Cái Sắn, mảnh đất cuối triều sông Hậu, nơi đã từng là đất ở của hơn trăm ngàn bà con giáo dân từ miền Bắc di cư vào, giờ đã thành quê hương, một quê hương thứ hai, và hẳn cũng là vĩnh viễn”. Sự cực nhọc về lao động, sự hoang mang về tinh thần đã được phù sa sông Hậu rửa sạch theo năm tháng để bù đắp cho bao nhiêu gia đình lao khổ một chốn nương thân. Nhưng đất đâu chỉ để ở, đất còn để cưu mang. Bài ký có cái tên trữ tình Đất cưu mang kể về cuộc sống những phạm nhân ở Kinh Năm – một địa danh một thời là Kinh chống Mỹ. Những tù nhân ở Kinh Năm là ai? Họ là những người vì gánh nặng gia đình mà thành dân buôn lậu, chuyên lừa gạt khách hàng ở các bến xe. Họ là những chị Hoa, chị Đèo, là anh Hòa thợ hồ… Họ lừa người thân lấy vàng lo cho chồng vượt biên rồi bị bắt, họ vì cuộc sống đói nghèo mà tham gia các băng cướp đường,.. Từ góc nhìn của tác giả Lâm Thị Thanh Hà, đất đai sông Hậu rộng lòng với cả “những người bên kia chiến tuyến, những kẻ tội lỗi, hư hỏng. Đất cưu mang họ và đáp lại, mồ hôi của họ cũng làm cho đất đai lên xanh…”.
2.2. Tâm tư và số phận những người dân bình thường
Nhân vật ông Mười Trang buồn bã trong Người nhạc sĩ già và cây đờn kìm cũng thu hút người đọc bằng câu chuyện rất đặc trưng cho cách nghĩ của một nghệ sĩ cải lương miền Nam suốt đời nặng nghiệp: “…nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn xa xứ như được tiếng đờn, tiếng ca kia đồng cảm, chia sẻ, nó thấm vào máu thịt tôi lúc nào không rõ”. Khi biết mình để quên cây đờn kìm ở xe đò, ông vội vã đi tìm, và khi gặp ông như muốn khóc, bởi lẽ “với tôi, nó gần giống như sinh mạng của mình”. Người nhạc sĩ không theo nổi nghiệp cầm ca mà vẫn vương vấn tiếng đàn tài tử là một dấu lặng rất nhiều cảm xúc trong chuỗi ký viết về con người Nam bộ của Ngọc Vinh. Không dừng lại ở những số phận nhiều trắc ẩn, bút ký Xóm Câu kể tiếp câu chuyện về một bà cụ với Tiếng rao chiều trên sông Cổ Chiên. Tiếng rao bình thường đó vẫn hằng “tụ lại thành một sức nặng vô hình treo trong tiềm thức” của người cầm bút. Sống cô đơn, kiếm sống quạnh quẽ như một loài cò, bà cụ Năm mất đi như một người vô danh, tiếng rao hến một thời chỉ “còn trong hơi gió”. Phải chăng, đó cũng là một ấn tượng về những con người quá đỗi bình thường trong đời này: sống cơ cực, chết trong lãng quên. Ghi chép này của Ngọc Vinh càng làm cho người đọc gần thêm hồn đất hồn người miền sông Hậu. Con người bình thường trong Thú gác cu của Hoài Phương cũng làm nên những trang viết đẹp về người, về nghề. Khó ai nghĩ được một ông già có cái tên Tư On ở tận đất An Bình (Cần Thơ) cả đời say mê gác cu và thuần dưỡng chim cu lại có thể nói một câu sâu sắc đến thế: “Người biết đạo bao giờ cũng coi gác cu là một thú thanh nhàn, một niềm vui dân dã, không nên lấy đó làm kế sinh nhai”…
Bài viết Công lý, xin đừng quên ai của Lâm Thị Thanh Hà đề cập trực tiếp đến tình hình phức tạp và những hệ lụy trong việc giải quyết chính sách đất đai cho người dân Nam bộ. Câu chuyện có thật này được kể lại với không khí thời kỳ Đổi Mới 1986. Từng chi tiết và sự kiện đều toát lên tinh thần nói thẳng nói thật, ẩn chứa một tâm huyết, một thao thức tràn trề ở những trí thức thời đó; mỗi trang viết đều nóng bỏng những oan sai một thời. Nhưng oan sai và thiệt thòi không làm mất đi niềm tin trong lòng dân đối với chế độ, với lãnh tụ. Nhiều bài ký như Lòng dân Châu Thới với Bác Hồ (Nguyễn Văn Thanh), Về một vùng đất (Lâm Thị Thanh Hà), Bác Hồ trong lòng nhân dân huyện Chợ Mới (Huỳnh Công Toại)… đều nói đến tấm lòng trước sau như một của người dân đồng bằng sông Cửu Long. “Hồi Bác Hồ mất tới giờ, năm nào nhà cũng cúng… Hễ tới ngày là bà con xúm lại, ai có gì thì mang thứ ấy tới cúng… Không biết ở đâu trên trái đất này, còn có một vị lãnh tụ được nhân dân tỏ lòng tôn kính, biết ơn bằng cách như vậy, bất chấp cả thời gian và hoàn cảnh?” (Về một vùng đất). Họ dựng đền thờ Bác ngay trên đất địch tạm chiếm, họ rơi nước mắt khi nghĩ về Bác với hai chữ “độc lập”. Cuộc sống hồn nhiên giữa gian truân và vẻ đẹp thuần phác của người dân Nam bộ còn được Ngọc Vinh mô tả trong Nơi đầu sóng ngọn gió. Chuyến đi của các văn nghệ sĩ Bến Tre và Kiên Giang đến Đảo Hải Tặc mang lại biết bao bất ngờ; hòn đảo tưởng chừng dữ dội ấy lại có cuộc sống hiền lành đến nỗi đảo không bao giờ mất trộm bởi những người dân quá chất phác, thật thà. Bởi thế, trong hành trình sống còn với miếng cơm manh áo, đôi khi “Một chiếc xuồng ba lá, một cần câu, một cái vợt đan bằng nhợ và một cái rèm nếu vào mùa mưa. Thế là đủ cho một cuộc mưu sinh” của cư dân vùng sông nước.
Con người trong dòng ký Nam Bộ không chỉ quần quật kiếm sống, trôi nổi trên đồng nước hay khốn khó với đất cằn; nghĩa tình chòm xóm cùng với nỗi cảm thương những thân phận bất hạnh cũng là một nét đẹp rất riêng trong tâm hồn của họ. Bài Miếu âm hồn trong tập ký Lễ hội và vía bà Chúa xứ núi Sam của nhà văn Mai Văn Tạo là một ví dụ cho tấm lòng rộng mở, giản dị của người dân đất Phật An Giang. Trước miếu âm hồn, tác giả cảm nhận “phải chăng là dấu vết tâm hồn của những đoàn người ly hương phiêu bạt dừng chân mở đất phía Nam”… Bài viết Đời đá của Hoài Phương nói về làng đá Thổ Sơn cũng hé mở thêm cho người đọc một đời sống khác ở Nam Bộ. “Ở làng đá này ngày nào cũng có máu. Máu nhiều thì tiền nhiều”, “có người coi núi đá ở đây chính là hồn, là ân nhân và trong tâm tưởng họ lúc nào cũng có một góc thiêng để sùng kính”. Thờ những người khốn khổ, bất hạnh, thờ đất đá…, thờ những gì thân thuộc nhất, đó là cốt cách chân thành hay là tâm hồn nhẫn nhục của cư dân Mê Kông? Đó là lòng thương giản dị, hay là văn hóa nghĩa tình của người dân Việt Nam mà những nông dân ở miền Tây Nam bộ đã giữ gìn và góp thêm hoa trái tư tưởng.
2.3. Con người dám nghĩ, dám làm và vươn lên làm giàu
Bài viết chân dung Chàng hiệp sĩ của Đồng Chó Ngáp (Lê Huỳnh Thanh Uyên) kể về vùng đất “cầm thủy” lâu đời, bởi “mùa hạn thì đồng không mông quạnh, mùa mưa thì cỏ năn, cỏ lát mọc cao đến lưng quần và phèn xì lên vàng oánh”, nó là “vùng đất hoang hóa lâu đời, chỉ để cầm trâu, không ai dám vào khai phá”, đến nỗi diện tích hoang hóa sau giải phóng vẫn còn đến 50 ngàn hecsta. Thế nhưng “đất chẳng bao giờ bạc đãi con người” nếu họ biết chí thú. Ông Nguyễn Văn Trí (Ba Trí) – một người nông dân bình thường – là người đầu tiên có sáng kiến nuôi tôm sú trên Đồng Chó Ngáp, từ đó làm nên điều kỳ diệu trên cánh đồng hoang hóa xưa. Ông dùng vôi phá phèn lấy nước ngọt, sạ giống lúa bụi đỏ chịu phèn, nuôi cá mè, nuôi tôm sú… để rồi “ tự nhiên trở thành triệu phú giữa cái làng quê đìu hiu tăm tối và nghèo xơ xác”. Bà con hàng xóm đến hỏi chuyện làm ăn, ông cũng không giấu điều gì. Vậy nên Đồng Chó Ngáp vươn mình “thay áo mới, nhà tường nhà ngói mọc lên như chuyện trong cổ tích”. Cũng giống như mô hình tôm – lúa của ông Ba Trí trên vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau, những chiếc đập thiếc ở huyện Tri Tôn cũng là kỳ công của người dân vùng Cốc Đạo Cậy. Nhờ sáng kiến tạo ra những chiếc đập mà “Cốc Đạo Cậy không còn hoang vu, bàn tay con người đã biến đất đai lau sậy thành lúa thành vàng (…) Chẳng còn chỗ cho người thất cơ lỡ vận ẩn cư. Đồng lúa êm đềm cho hạt. Đê bao đập chắn tự tin sống trong dòng lũ” (Trịnh Bửu Hoài).
Tác giả Nguyễn Huỳnh Hiếu với cuốn Chuyện con người cũng mang đến cho người đọc bức tranh chung về sự gắn bó nhọc nhằn của con người với đất đai Nam Bộ. Bài viết Đất dữ trích trong tập ký này phản ảnh cuộc chuyển mình ngoạn mục của miền đất Tân Hồng vốn hoang hóa, nghiệt ngã. “Dữ” với cái nghĩa là đất của chiến tranh, thiên nhiên, đất giàu tiềm năng, đất giàu những con người khao khát cuộc sống mới… Rồi đất thức dậy, trở mình và nuôi dưỡng lại những người đã yêu mến và hết lòng vì nó. Từ dòng kinh Tân Thành nước vàng lẫn xanh bởi màu phèn và cỏ năm xưa vươn lên thành một Tân Hồng mới, giàu có và đầy tiềm năng.
Quả thực, “đất đai luôn biết trả nghĩa cho những ai yêu nó, hiểu nó và hết lòng vì nó” (Lâm Thị Thanh Hà)
2.4. Con người vượt qua nghịch cảnh
Tiếp xúc với Người có chân dung trong viện bảo tàng của tác giả Lâm Thị Thanh Hà, người đọc hiểu thêm “cái bí ẩn” của người nữ tình báo năm nào. Giờ đây, bà trò chuyện về quá khứ vẻ vang như “cách người nông dân nói về chuyện nắng mưa cày cấy”. Đó là cuộc đời một người phụ nữ bị hành hạ ở nhà chồng, bị cướp mất con trai, rồi vì nhiệm vụ mà làm vợ một thượng sĩ ngụy, thời bình thì “lâm vào cảnh sa sút, đến nỗi phải mấy bận thế chấp cả cái sổ lãnh tiền chính sách do có Huân chương để lấy một ít tiền”… Con người đó như có hai cuộc đời. Một nghiêm trang, rực rỡ ở trong viện bảo tàng, một chìm khuất vào căn nhà đơn sơ lặng lẽ ở một vùng quê. Phải chăng, phẩm chất tình báo viên, tâm hồn hy sinh tột bực ở bà đã trở thành hòn đá tảng vững chắc để bà yên tâm vượt qua mọi thử thách còn lại của cuộc đời?
Thiên bút ký Vươn lên từ nghiệt ngã của Hoài Phương trung thực như một bài phóng sự đầy cảm xúc càng làm người đọc gần gũi và thấu hiểu hơn một phần cuộc sống của người dân Nam Bộ, cuộc sống ở phía buồn bã và khốc liệt nhất, cuộc sống ở phía tối nhưng tràn trề khát vọng vươn ra ánh sáng.… Tác giả gọi tên cuộc đời những con người bất hạnh ấy là “đói nghèo và hiu quạnh”. Đó là em Hoàng Yến ở Cần Thơ liệt hai chân, phải giặt thuê quần áo để nuôi cả mẹ già, là em Cẩm Tú bị liệt tập bơi bằng tay, là chị Phan Thị Lượm ở Long Mỹ bị liệt, làm nghề thêu may và bán vé số kiếm sống, là chị Bé Chính với đôi chân quặt quẹo vươn lên bằng những giai điệu, những bài thơ là anh út điện tử “bị dị tật bẩm sinh, hai tay teo nhỏ, còn chân thì vặn vẹo, cong queo” mà trở thành một anh thợ sửa điện giỏi nhất xóm, là anh thương binh Lê Anh Tài trở về từ chiến trường Campuchia, bị cụt cả hai chân nhưng với nghị lực phi thường anh trở thành một thợ máy giỏi, xây dựng một tổ ấm hạnh phúc và cưu mang thêm cả những mảnh đời bất hạnh… Anh thương binh tên Nhanh mất hai tay trong bài ký Vị ngọt của đời của Lâm Thị Thanh Hà cũng là một tấm gương đẹp và xúc động. Kể về những năm tháng chiến đấu ở nước bạn, anh nói “gọn hơ”: “Có gì đâu. Đi gỡ mìn, gỡ xong rồi thì về” . Đúng thật “Giản dị như thể là lời của đất”. Anh vượt lên những đau đớn mất mát, “những mặc cảm thường tình để sống, sống đàng hoàng, đầy tự trọng”… Anh Nhanh làm ruộng, trồng mía, tưới khoai bằng đôi tay bị cụt, hạnh phúc bên người vợ cũng yêu anh bằng tình yêu rất đỗi chân thành…Câu chuyện về anh Nhanh còn bộc lộ thêm phẩm chất thương yêu hiền hòa vốn có của người miệt đồng. Khi biết con rể bị thương nặng, ông bố vợ hăm con gái: “mày bỏ nó tao chặt đầu mày”. Khẩu khí đó, tinh thần đó, có lẽ thấm rất sâu vào máu những người con Nam Bộ từ thuở “mang gươm đi mở cõi”: yêu ghét rõ ràng, phóng khoáng tột bực, hết lòng vì nghĩa lớn.
3. Mảng ký viết về cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa Nam bộ
Những trang viết về thiên nhiên của miền Tây Nam Bộ rất giàu cảm xúc, mộc mạc mà vẫn nhiều khơi gợi như các bút ký Lễ hội và vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Mai Văn Tạo, Văn nghệ Châu Đốc, 2003), Về cõi biên thùy (Hồ Kiên Giang, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004), cùng một số bài viết nhỏ mô tả cảnh thiên nhiên rải rác trong các tác phẩm… Mỗi trang ký như dẫn người đọc đi qua từng cảnh quan đặc trưng riêng có ở miền cực Nam tổ quốc, từ khu du lịch sinh thái Gành Hào, Vườn Trúc, đến Chùa Cỏ Thum, Vườn Chim, Giồng Nhãn, chùa Xiêm Cán…
Hình ảnh “đặc sệt” vùng sông nước phương Nam: “Dọc theo con rạch quanh co, hai hàng dừa nước có những tàu lá vươn lên lất lay trong gió sớm, dịu dàng như những nàng thôn nữ, vài chiếc xuồng ba lá đang nhịp mái chèo xuôi về làng quê Châu Thới” (Về Bạc Liêu, Nguyễn Văn Thanh) là một nét vẽ đơn sơ, gợi hình và thấm đẫm tâm tình người nơi mũi đất. Được mệnh danh là “quê hương chim trời cá nước”, Bạc Liêu, Cà Mau có thể được xem như những biểu tượng về môi trường sinh thái. Đọc Quê hương đẹp lắm vườn cò của Hoài Phương, độc giả như được mở ra trước mắt một vẻ đẹp chim muông kỳ thú: “Lúc ráng chiều ửng đỏ cũng chính là lúc đàn chim rợp trời bay về đậu oằn cả những ngọn cây (…) Trong giây phút tuyệt vời đó, mọi người say sưa ngắm nhìn những đàn cò từ các hướng bay về mỗi lúc một đông, không biết cơ man nào mà kể, lớp lớn, lớp nhỏ, sắc màu đủ loại: ngà, trắng, nâu, bông, lửa, đen, xám… Chúng vừa bay vừa sải rộng đôi cánh, chao liệng một vài vòng, rồi nhí nhảnh sà xuống bãi đáp, tụm năm tụm ba bù khú, đầu lắc lư, miệng ríu ra ríu rít, thỏ thẻ trông thật gợi tình…” ……
Thiên nhiên sông nước Nam bộ là thế, còn món quà thực phẩm mà nó trao tặng cho người dân ở đây càng khó quên. Các món ăn dân dã như: canh chua cơm mẻ, cá rô mề nấu bông so đũa chấm muối ớt, cá rô kho tộ chấm bồn bồn, mắm đồng kho cá lóc chấm bông điên điển, cá lóc nướng trui chấm nước mắm dầm ớt hiểm, cá trê vàng nướng chấm mắm gừng (Về Bạc Liêu, Nhiều tác giả)… không biết tự lúc nào trở thành đặc sản của một vùng quê, đi vào các trang ký một cách tự nhiên như chính đời sống.
Hình ảnh những con sông của đất chín rồng không thể không được nhắc đến trong những ghi chép của các nhà văn Nam bộ. Cảm nhận về con sông quê hương, Thanh Chí viết: “Con sông Lái Viết là sông trời sanh, tuy khá rộng nhưng lại chảy vòng vèo. Nước sông thì chảy chậm rãi như không muốn đi đâu xa, cứ quẩn quanh mãi xứ nhà, đếm cho thuộc hết hàng chục cái doi, cái vịnh rồi mới chịu đi qua xứ khác” (Dòng sông Lái Viết); Với Lâm Thị Thanh Hà, con sông lại có một vẻ đẹp khác : “dòng sông mềm mại uốn lượn như một nét vẽ thần kỳ của tạo hóa. Những cụm lục bình như những ốc đảo bình yên, bồng bềnh trôi. Về mùa xuân, ốc đảo sẽ nở bừng những đóa hoa tím ngát (…) hẳn không ai có thể hình dung ra một Long Mỹ lại thiếu những sinh vật chừng như có mặt từ thuở hồng hoang: những ốc đảo xanh, những cây bần và đôi bờ dừa nước tím thẫm, suốt đêm ngày tấu lên khúc giao hưởng mênh mang và đắm say” (Về một vùng đất)…
Thiên nhiên trong cuộc trở mình sáng tạo đất đai, non nước cũng kịp trao tặng cho vùng Thủy Chân Lạp xưa những bóng núi hiếm hoi: “Núi ở Thất Sơn cứ đứt ra thành hòn, thành dãy, cứ như núi chui lên từ đất, chơi trò cút bắt với đồng bằng… Núi tạo thành thế trận bát đồ nơi miền biên cương Tây Nam, trấn giữ cả một dãy biên thùy với dáng vẻ uy nghi mà đầy thơ mộng” (Tính đất- tình người-tình An Giang, Hồ Tĩnh Tâm), “Nắng phết lên núi Tô Châu một chút vàng nhạt như nét chấm phá tuyệt vời của một họa sĩ tài hoa. Núi Tô Châu lùi dần, thị xã Hà Tiên hướng mặt ra biển như một chàng trai trẻ ưỡn ngực vạm vỡ khoe sức…” (Nơi đầu sóng ngọn gió, Ngọc Vinh)…Chính đề tài thiên nhiên đã làm nên chất thơ, chất tình và phẩm chất văn học cho dòng ký Nam bộ. Đọc bài viết của Hoài Phương viết về cây xanh của đất Trà Vinh, ai có thể bỏ qua những cảm xúc đẹp đến thế này: “Những hàng cây xanh um rợp bóng, hào phóng cùng gió mát, vẫy chào chúng tôi như một thiên sứ”, “Người Trà Vinh mang một giai điệu tâm hồn riêng, đi bất cứ nơi nào, con người cũng có thể tư duy cùng cây cỏ”… (Cổ thụ - viên ngọc xanh của thị xã Trà Vinh)
Nói như Hoài Phương trong Hành hương bảy núi: “Mỗi tảng đá, gốc cây đều có hồn”, nhiều tác phẩm ký của các tác giả ĐBSCL chất chứa hồn thơ và những suy tư về lẽ sống, về lý tưởng và những mơ ước chân thành trong đời. Cảm hứng hiền hòa, phảng phất chút buồn thương cũng là âm điệu chính trong các trang ký. Có thể nói, chuỗi ký viết về thiên nhiên, cảnh quan Nam bộ nối vào nhau như một bức tranh tứ bình bốn mùa, mùa nào thức ấy…Bức tranh không chỉ dựng lại được cả quá khứ các địa tầng mà còn ẩn sâu trong đó đời sống phong hóa sinh động, sự gắn bó thiết thân giữa người và đất, nước, sản vật của miền đất có lịch sử hơn 300 năm khai phá.
4. Đôi nét về nghệ thuật ký ĐBSCL
Nam Bộ dường như không có tác giả chuyên về tùy bút, bút ký. Họ là những nhà thơ, nhà báo, bác sĩ, là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Ký ĐBSCL là những phần bay bổng nhất của các tác giả vốn là nhà văn, nhà thơ; cũng là thể loại đắc dụng cho các thể ký lịch sử mà nhiều người viết không chuyên đã thử bút như một đóng góp về cứ liệu lịch sử kháng chiến Nam Bộ. Vì thế, một số phương diện nghệ thuật ký ĐBSCL chưa hẳn là những thành tựu đặc sắc, có ý thức của người viết về ngôn từ, cấu trúc, giọng điệu, không phải là những “cấy ghép” thành công các yếu tố tự sự và biểu cảm, cũng chưa phải là mảnh đất tạo nên phong cách lớn về tùy bút, hồi ký.
Về cơ bản, cấu trúc các bài ký ĐBSCL thường tập trung ở cốt truyện hồi tưởng, giảm thiểu hư cấu. Giọng điệu chính là giọng kể, xen lẫn cảm xúc giàu chất thơ. Nói đúng hơn, hầu như rất ít không khí chính luận, triết luận. Cách viết giản dị, không hoa mỹ, cầu kỳ, không quá sắc sảo, hàm ý ở các bài ký tạo một dòng mạch riêng của ký ĐBSCL: đó là những câu chuyện hơn là những suy tư, những tâm tình hơn là sự kiện. Phẩm chất trữ tình được khai thác tối đa trong các bài ký viết về gương hy sinh và những số phận bất hạnh. Cấu trúc kể xen lẫn lời bình tỏ ra hơi cũ so với những nội dung tương đối mới mẻ về thời cuộc phần nào giới hạn giá trị ký ĐBSCL.
Ngôn từ nghệ thuật cũng là một đóng góp của dòng ký của các tác giả Nam Bộ. Xét từ những tuyển tập bút ký, ở các bài ký được giải, phẩm chất ngôn từ văn chương giàu sắc thái biểu cảm và triết lý được tận dụng một cách hiệu quả. Ngoại trừ những bài ký sử dụng ngôn ngữ báo chí tường thuật sự kiện ở các hồi ký lịch sử, có thể nói, các bài ký viết về thiên nhiên, con người Nam Bộ thời bình đều ít nhiều sử dụng một lối văn giàu nhạc điệu, bình dị nhưng bay bổng tạo nên chất thơ rất riêng. Từ địa phương được vận dụng một cách thuần thục làm đầy đặn thêm chất văn hóa ở các trang văn.
* * *
Nhìn chung, ký ĐBSCL thực sự là bức tranh toàn cảnh về cuộc sống và thiên nhiên miền Tây Nam bộ. Ở đó, tính trung thực cùng với lòng yêu mến thiết tha miền đất trẻ của các nhà văn đã làm nên những trang văn có thể sống được cùng năm tháng. Mỗi bài viết là một câu chuyện về con người Nam bộ với những nỗi niềm tuy chất phác, giản đơn mà cũng thật sâu xa, cảm động. Họ là những anh hùng quyết liệt, dũng mãnh trong chiến tranh, khiêm nhường, chịu đựng trong thời bình. Những con người hiền hòa “làm một” với đất đai, sông nước ấy cũng chính là những con người đầy ước mơ và khám phá. Họ vẫn nuôi dưỡng âm thầm ý chí chinh phục đầm lầy hoang mạc, vẫn nối dài những khao khát của tổ tiên trong cuộc di dân vĩ đại của dân tộc về phía Nam tổ quốc. Ký ĐBSCL không chỉ là những bản anh hùng ca về quá khứ đau thương máu lửa mà còn là những ghi chép sinh động về những đổi thay đầy hứa hẹn của miền châu thổ bên dòng Mê Kông. Cùng với thơ, văn xuôi, ký ĐBSCL cũng là một chứng nhân thầm lặng trong dòng chảy không cùng những buồn vui đời người khắp nẻo đường của đất phương Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, 8-2009
TƯ LIỆU THAM KHẢO
I. Các tập ký viết riêng:
1. Nam Kế Ba, Hạt bụi nhỏ nhoi, NXB Phương Đông, Hội Văn học nghệ thuật Sóc Trăng, 2006
2. Hồ Thanh Điền, Bão đất và những bài viết ngắn, Văn nghệ An Giang, 2002
3. Nguyễn Xuân Đỉnh, Võ Thúy Phượng, Giữa Đồng Tháp Mười (truyện ký), NXB Văn nghệ, 2007
4. Lâm Thị Thanh Hà, Mưa nắng đồng bằng, , NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ, 2005
5. Nguyễn Đắc Hiền, Sóng dậy đồng nước, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2004
6. Nguyễn Huỳnh Hiếu, Chuyện con người (truyện và ký), Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 2006
7. Nguyễn Thị Mỹ Hồng, Trên nền dĩ vãng (tập truyện ký), NXB Phương Đông, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 2005
8. Trần Đỗ Liêm, Sông nước quê mình, NXB Hội Nhà văn, 2007
9. Trần Văn Miêng, Năm tháng đã qua, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, 2003
10. Hàn Vĩnh Nguyên, Chuyện xưa còn nhớ, , NXB Văn nghệ, 2006
11. Hoài Phương, Tình đất tình người, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ, 2006
12. Hùng Tấn, Cụm tràm thưa (truyện ngắn, bút ký), NXb Phương Đông, 2007
13. Ngọc Vinh, Xóm Câu, NXB Văn nghệ, Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, 2006.
II. Các tuyển tập nhiều tác giả
1. Ký (tuyển chọn từ trại sáng tác văn học An Giang), Hội Văn học nghệ thuật An Giang, 1998
2. Trên đồng nước nổi (Hồi ký cách mạng), Nhiều tác giả, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 2000
3. Tuyển tập Truyện và ký, Nhiều tác giả, Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, 2000
4. Mùa nước dữ (Ký và thơ), Nhiều tác giả, Văn nghệ An Giang, 2001
5. Dọc đường chiến đấu, Nhiều tác giả, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2003
6. Những năm tháng không quên (3 tập), Nhiều tác giả, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau năm 2004
7. Ký ức 30-4, Nhiều tác giả, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, 2005
8. Những tấm gương thầm lặng, Bút ký lịch sử, Nhiều tác giả, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, 2005
9. Về Bạc Liêu, Nhiều tác giả, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, 2005
10. Tuyển tập bút ký nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.
TÁC GIẢ TIÊU BIỂU
1. Lâm Thị Thanh Hà
- Thời gian (Tập truyện ngắn)
- Từ những kỷ niệm (In chung)
- Tuyển truyện ngắn ĐBSCL – Những hạt phù sa (In chung)
- Truyện ngắn miền Tây (In chung)
- Mùa trăng (In chung)
- Mưa nắng đồng bằng (Tập bút ký), NXB Văn nghệ TP. HCM, Hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ)
- Miền sữa ngọt (Tuyển tập bút ký nhiều tác giả )
2. Mai Văn Tạo
3. Phạm Thị Ngọc Điệp
- Làng quê yêu dấu (Tuyển tập bút ký nhiều tác giả)
- Mỹ nghệ xứ dừa (Tuyển tập bút ký nhiều tác giả)
- Hoa dành dành trắng (Tuyển tập bút ký nhiều tác giả)
- Một nửa là người (Tuyển tập Truyện và ký)
4. Hồ Thanh Điền
- Bão đất và những bài viết ngắn (Bút ký), Văn nghệ An Giang, 2002.
- Kỷ vật Chu Tiên (Tuyển tập Truyện và ký)
5. Ngọc Vinh
- Xóm Câu (Tập bút ký), NXB Văn nghệ, Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, 2006.