Xứ Nghệ ngày nay

Chợ nông thôn mới: Xây to nhưng không hiệu quả

Từ khi chợ được quy định là một trong 19 tiêu chí của xã Nông thôn mới, trên địa bàn Nghệ An, xã xã đua nhau xây dựng chợ thật to lớn nhưng nơi thì chợ không hoạt động được, nơi thì không hiệu quả, thật lãng phí, tốn kém.

Tỉnh Nghệ An hiện có khoảng hơn 400 chợ các loại, trong đó có 218chợ đạt tiêu chí chợ NTM. Ngoài ra, nhiều xã đang xây dựng đạt chuẩn NTM đều có quy hoạch xây dựng chợ. Để đạt tiêu chí chợ NTM, chợ phải đạt các điều kiện:  Ví trí xây dựng chợ phải phù hợp với việc lưu thông hàng hóa, gần khu dân cư, trung tâm xã; Hoạt động chợ phải kết hợp với các hoạt động dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan; Diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000 m2 trở lên; diện tích nhà chợ chính tối đa hơn 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%; diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%; Chợ phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng, gồm: Nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác,… Vậy là các xã đưa nhau xây chợ to. Qua khảo sát mới đây ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh và Diễn Châu, chúng tôi thấy nhiều chợ được được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, rất tốn kém, lãng phí và số tiền nợ từ xây chợ chưa biết đến bao giờ mới trả hết được. Chợ Cầu xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên là một ví dụ. Chợ được xây dựng trên diện tích 6.500m2 với tổng kinh phí theo dự toán gần 25 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 4 tỷ, số còn lại do CTy XDTM Hoa Hùng đầu tư với hình thức BOT: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Chợ nằm sát đường 8B, có 41 ki tốt và 3 dãy đình với hơn 100 ví trí kinh doanh. Có mặt tại chợ Cầu lúc gần 9 giờ sáng (ấy là lúc đông buổi chợ) vào một ngày đầu tháng 7/2016 (sau gần 2 năm chợ được khánh thành), chúng tôi thấy số người bán hàng ở chợ đếm chưa hết đầu ngón tay. Người mua hàng cũng chỉ lèo tèo dăm ba người. Bà Phan Thị Linh bán hàng khô ở chợ thở dài não nề: Lỡ mua ốt, mua hàng rồi, không đi bán thì nóng rọt nóng gan mà đi thì nhiều ngày ngồi không, ngày nhiều nhất cũng chỉ bán được dăm chục ngàn đồng. Ông Đặng Đình Hợi bán nông cụ bên cạnh bà Linh cho biết thêm, ngày chợ mới cưới, có nhiều khuyến mãi, mỗi người đi chợ còn được xã phát 10.000 đ nên chợ cũng đông vui lắm nhưng chỉ được dăm hôm thôi. Hết khuyến mãi, chợ vắng hoe. Nhiều gia đình bỏ ra cả đống tiền mua ki ốt để kinh doanh, ốt mặt tiền là 150 triệu đồng chứ có ít đâu, giờ không buôn bán chi được đang sống dở chết dở. Nhà tui đây, đầu tư mua 3 ốt (2 ốt của 2 cô con gái may và bán quần áo hiện đang đóng cửa), tui ngồi cả ngày cũng chỉ bán được mươi mười lăm ngàn, nhiều ngày không bán được đồng nào. Các tiểu thương chợ Cầu hy vọng có một nhà máy, xí nghiệp lớn nào được xây dựng cạnh chợ để có người mua may ra mới cứu sống chợ. Đem nguyện vọng của bà con trao đổi với ông Trần Văn Hạnh - Chủ tịch UBND xã, ông cho hay, nếu có dự án nào đầu tư thì xã ủng hộ thôi. Hiện chợ vẫn còn 1/3 số ki ốt chưa có người đăng ký, số ki ốt đã đăng ký cũng không hoạt động được. Ông cũng hy vọng về một ngày mai chợ Cầu sẽ có một tương lai sáng sủa hơn.

Chợ xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (rộng 10.000 m2, kinh phí xây dựng theo dự toán là 3,9 tỷ đồng) sau hai năm xây dựng đến nay mới chỉ là 1 đình chợ và hai dãy ốt trống hoác, nền chợ thì lồi lõm, nhiều chỗ trũng đất nên nhão nhoét mỗi khi có mưa. Ông Văn Bá Hòa - Chủ tịch UBND xã băn khoăn, liệu rồi khi chợ hoàn thành đưa vào sử dụng không biết có duy trì được không vì Nam Thái là xã miền núi, dân số ít, không có đặc sản gì để giao thương ở chợ, lâu nay dân có thói quen đi chợ ở các xã bên. Trò chuyện cùng, ông rất áy náy vì đã không trình cấp trên đưa chợ ra khỏi quy hoạch NTM. Dự án xây dựng chợ do bên B đứng ra “chạy” và đã thực hiện được 2/3 khối lượng công việc. Là người mới kế nhiệm, băn khoăn, trăn trở của ông hoàn toàn có lý. Còn anh Nguyễn Văn Ban, người dân xóm 6 xã Nam Thái cho rằng, Nam Thái chỉ có cây rau ngót và chè xanh, không có sản xuất hàng hóa, tư duy làm dịch vụ cũng không, chợ sẽ khó thành.

Chợ xã Hưng Đông, TP Vinh cũng được xây dựng với kinh phí 5,7 tỷ đồng. Xã đón chuẩn NTM từ năm 2014, nhưng nay chợ vẫn “Cửa đóng then cài”. Theo ông Trần Anh Tấn - Phó BT Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã thì xã đang cố gắng hoàn tất việc đấu thầu các ki ốt còn lại để có thể cưới chợ vào cuối tháng 7 này. Nhưng nhiều người dân băn khoăn rằng, chợ nằm trái đường, xa khu CN Bắc Vinh, gần đó đã có chợ Đông Vĩnh, chợ Già (Hưng Tây),… sẽ rất khó khăn trong việc thu hút người tham gia.

Còn rất nhiều chợ của NTM được xây dựng, nâng cấp nhưng không phát huy được hiệu quả, chỗ thì trở thành sân chơi, chỗ thì cho dân để vật liệu, nhốt trâu bò, thậm chí cả vứt rác thải… Đó là chợ Tân Minh (xã Diễn Phúc, Diễn Châu), chợ Cô Ba (xã Châu Bình, Quỳ Châu), chợ Yên Khê, Mậu Đức, Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), chợ Tân Long (huyện Tân Kỳ),…

Số tiền để đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ ở các xã không phải là ít, xấp xỉ 165,5 tỷ đồng/201 chợ (tổng hợp của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh). Và như vậy, có rất nhiều tỷ đồng tiền ngân sách và huy động từ nhân dân đang bị bỏ phí.

Mặc dù Nhà nước đã có sự điều chỉnh chợ nông thôn là một tiêu chí “mềm”, không mang tính bắt buộc trong xây dựng NTM, nếu các xã thấy việc xây dựng chợ là không phù hợp hoặc chưa cần thiết thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét loại tiêu chí chợ của xã ra khỏi quy hoạch. Nhưng, vẫn nhiều nơi cố chạy cho được dự án xây dựng mà không tính đến hiệu quả.

Trong nhịp sống thời kinh tế thị trường, sản phẩm do người nông dân làm ra được tư thương đến mua tận ruộng, tận nhà. Dịch vụ cho nhà nông từ giống má đến thú y được cung ứng về tận ngõ. Khắp các hang cùng ngõ hẻm ở nông thôn, kể cả ở miền núi đều có những người bán hàng rong. Những chiếc xe máy như những cái chợ lưu động với đủ thứ thịt cá, hoa quả, rau củ, kể cả xoong nồi, bát đũa, mắm muối,… Việc mua, bán cũng diễn ra nhanh chóng. Ra khỏi ngõ là đã có thể mua được thức ăn hàng ngày mà không cần phải đi chợ. Các quầy ốt bán đồ gia dụng, kể cả những đồ điện tử, điện lạnh hầu như thôn xóm nào cũng có. Mọi thông tin về hàng hóa đều có trên mạng, chỉ cần một cuộc điện thoại hay cái nhấp chuột là có thể mua được món hàng mình cần. Nhu cầu gặp gỡ giao lưu ở chợ đã giảm đi nhiều. Vậy thì đua nhau xây chợ to làm gì cho lãng phí, tốn kém?!

Thiết nghĩ, các xã đang trong quá trình xây dựng NTM, khi xây dựng, nâng cấp chợ cần phải chú ý đến tập tục, thói quen cũng như điều kiện kinh tế của địa phương để thiết kế chợ cho phù hợp. Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những chợ không phù hợp và chưa cần thiết, tránh tình trạng chợ cũng như một số công trình khác của NTM chịu sự chi phối của “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy dự án” và không loại trừ cả yếu tố “lợi ích nhóm” của một số lãnh đạo chính quyền địa phương.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528670

Hôm nay

251

Hôm qua

2275

Tuần này

2943

Tháng này

215366

Tháng qua

0

Tất cả

114528670