Người xứ Nghệ
Thám hoa Đặng Văn Kiều: Bản lĩnh và hành xử
Thám hoa Đặng Văn Kiều (1824-1881), tự Tùng Niên, hiệu là Nghiêu Đình, quê làng Phất Não, nay là xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh. Thi đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1852), vì gia đình túng bấn, ông không dự tiếp khoa thi Hội mà ra làm quan, giữ chức Giáo thụ phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Gặp tình cảnh bố mất sớm, bốn con đều còn nhỏ, đứa đầu mới 4 tuổi, mẹ lại đau yếu, nhiệm sở rất xa, không thể thăm nom gia đình, đến năm 1856 thân mẫu lại bị ốm, ông xin về nhà phụng dưỡng mẹ. Sang năm sau, mẹ qua đời, ông ở lại cư tang 3 năm. Triều đình xem như bỏ việc, nên đến năm 1861 bổ dụng lại, cho ông giữ chức Huấn đạo huyện Kì Anh, Hà Tĩnh. Tuy chức Huấn đạo thấp hơn chức Giáo thụ một bậc, song ông không hề tiếc nuối, vì giữ được cả hai chữ “ Hiếu”, “ Trung”..
Giai đoạn này triều Nguyễn đã suy yếu, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược nước ta, phỉ nhà Thanh tràn cả sang biên giới phía Bắc cướp phá, dân tình nghèo khổ bất an, nạn trộm cướp hoành hành, bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy chống đối triều đình. . .Bản chất ông Kiều giàu lòng nhân ái, trắc ẩn, không muốn tham chính. Vì thế đã có lần ông được điều về bộ Hình, nhưng ông đã tìm mọi cách để được chuyển sang làm Toản tu Quốc sử quán và đến đầu năm 1865 thì được giao giữ chức Đốc học tỉnh Bình Định.
Cũng trong năm này vua Tự Đức mở khoa thi Nhã sĩ, tương đương khoa thi Hội, để lấy thêm người tài đỗ Tiến sĩ trở lên. Thí sinh được các địa phương lựa chọn trong số quan chức đã đỗ Cử nhân, có phẩm chất, tài năng, uy tín, tiến cử về triều xét duyệt. Đốc học Đặng văn Kiều được xếp trong danh sách 16 thí sinh dự thi. Khoa thi Nhã sĩ này suốt các triều vua nhà Nguyễn chỉ tổ chức có một lần và đặc biệt hơn các khoa thi Hội, thi Đình khác, ở chổ bài thi văn sách cả 4 kì đều do vua ra đề và chấm. Kết quả ông Đặng Văn Kiều đỗ nhất, xếp Đệ nhất giáp đệ tam danh ( Thám hoa), được nhà vua ban tặng một khánh vàng đề 4 chữ “ Kinh Tế Hiển Dương”, [“ Tỏ tài kinh bang tế thế”] và bổ dụng ngay chức Án sát tỉnh Quảng Bình. Vua Tự Đức tỏ ra rất vừa ý người đỗ đầu khoa thi Nhã sĩ này và hy vọng Thám hoa Đặng Vắn Kiều sẽ cúc cung phụng sự triều đình..
Trước thời cuộc bấy giờ, lại bản tính nhân văn, Thám hoa Đặng Văn Kiều vốn không muốn tham chính chức”, mà luôn ôm ấp nguyện vọng được làm giáo chức, gắn với sách vở và nghề dạy học. Làm quan Án sát, Thám hoa Đặng văn Kiều đã phải lựa chọn cách xử thế phù hợp để vừa giữ được cái tâm sáng , lòng nhân ái với bốn phận làm quan của triều đình. Một lần ông phải sai lính tra tấn một tên trộm để lấy lời khai. Nghĩ tên trộm cũng là con người, do quá nghèo đói phải đi trộm cắp, không nỡ tra tấn đánh đập, ông bèn cho lính đánh vào cây chuối, vừa đánh vừa thét “ Đã biết chưa, khai hay không?. . .”. Tên trộm ở phòng bên biết quan Án có lòng nhân từ, bèn thú hết tội. Ông giảng giải cho tên trộm điều hay lẽ phải rồi tha về. Lại một lần khác xử vụ kiện, đương sự mang biếu quan Án một rá gạo. Ông sinh nghi, bèn cho đổ gạo ra thì thấy phía dưới có mấy nén bạc. Ông giận dữ cảnh cáo và bắt kẻ hối lộ mang về ngay.
Đang trù tính cơ hội xin chuyển sang chức quan coi sóc việc giáo dục hoặc tu thư thì đến năm 1867, vừa dịp may vua Tự Đức cho lập nhà Tôn học để dạy dỗ riêng cho con em trong hoàng tộc. Ông được điều về giữ chức Chưởng giáo[như thể Hiệu trưởng loại nhà trường đặc biệt này]. Nhà vua giao hẹn nếu đào tạo con em tôn thất học hành đỗ đạt thì sẽ được khen thưởng. Thế nhưng sau một thời gian nhận thấy bọn học trò nhà Tôn học ỷ thế con cháu hoàng thân quốc thích học hành lười nhác, chểnh mảng, không tuân thủ phép tắc học đường, ông tâu vua biết sự thực và xin cắt học bổng 12 trường hợp. Đến năm 1871, Chưởng giáo Đặng Văn Kiều lại tâu vua Tự Đức học trò nhà Tôn học học một nghỉ mười, chơi bời không thể đỗ đạt. Kết cục vua đành phải giải tán nhà Tôn học và điều ông sang làm Toản tu Quốc sử quán.
Cũng trong thời gian này, thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Triều đình thiên về chủ hòa, kí hiệp ước Giáp Tuất (1874) nhường cho Pháp 3 tỉnh Nam Kì. Giới sĩ phu và nhân dân ta rất bất bình, nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp xâm lược và triều đình chủ hòa nổ ra khắp nơi, nhất là ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Có tư liệu cho biết Thám hoa Đặng văn Kiều được cử làm Phó tướng, cùng với Thống tướng Lê Bá Thận cầm quân đi đàn áp. Theo gia phả dòng họ Đặng Văn và những lời truyền miệng, thì khi hành quân tới huyện Kì Anh, Hà Tĩnh, ông Kiều cáo ốm. Nghe Thống tướng Lê Bá Thận hỏi, ông đã thực lòng giải bày như sau : “Có nhân dân Nghệ Tĩnh mới có tôi. Tôi chưa làm gì để đền ơn lại còn nhẫn tâm tàn sát dân lành vô tội của quê hương mình nữa ư? Kính mong ngài hiểu thấu nổi đau khổ của tôi. Tôi tin rằng với lòng hiếu sinh cao cả, không muốn nhìn thấy cảnh cốt nhục tương tàn thì ngài có thể hợp sức mạnh quan quân chấm dứt được các cuộc nổi dậy, lại vừa cứu sống được sinh linh vô tội của cả vùng Nghệ Tĩnh. Được như vậy tôi xin chịu ơn vạn bội”. Trước đó có thời gian giữ chức Phó tổng tài, cùng với Thám hoa Đặng Văn Kiều làm Toản tu, biên soạn và hiệu đính bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Thống tướng Lê Bá Thận hiểu rõ tính cách của ông, do đó đã làm ngơ. Còn “ Đại Nam thực lục” lại chép, vua Tự Đức giao cho ông Kiều làm “Khâm phái”, đi đến các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dùng lời lẽ khuyến dụ những kẻ cầm đầu các cuộc nổi dậy hạ vũ khí quay về với triều đình. Theo giai thoại dân gian, mỗi lần Khâm phái Đặng văn Kiều đi hiểu dụ đến địa phương nào thì tìm gọi các học trò cũ của mình đến gặp và dặn rằng, khi mình đang ở lại thì hãy kiềm chế, tránh gây sự rắc rối. Còn về sau thì cần hành động cho khôn khéo. . .Đến giữa năm 1874, thấy các cuộc nổi dậy của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ An, Nguyễn Huy Điển ở Hà Tĩnh chẳng những không dẹp được lại bùng phát mạnh, Tự Đức cho rằng việc khuyến dụ của Khâm phái Đặng Văn Kiều không có kết quả, bèn điều ông trở lại làm Toản tu Quốc sử quán.
Đối với đồng nghiệp, bạn bè,Thám hoa Đặng Văn Kiều cư xử hết sức chân tình, dầu bản thân bị thiệt thòi, thậm chí phải tội còn hơn là đổ cho bạn gánh chịu. Số là vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Tự Đức 30 (1877), Thám hoa Đặng Văn Kiều được cử làm Phó chủ khảo khoa thi Hội. Trong số thí sinh xét đỗ có một người là thầy học cũ dạy trong nhà Chánh chủ khảo Trần Bình, còn một người nữa là em rể Tri cống cử Lê Đại. Theo luật thi cử những quan trường nếu có người quen dự thi thì bộ Lễ không được bổ nhiệm chấm thi. Không hiểu sao khoa thi này bộ Lễ không thực hiện. Phó chủ khảo Đặng Văn Kiều biết rõ, nhưng ông không tố cáo, vì nếu làm vậy thì hai người đồng sự Trần Bình, Lê Đại sẽ bị kết tội nặng, mà phụ trách bộ Lễ là Lê Bá Thận, người đã cùng mình ở Quốc sử quán trước kia cũng không thoát tội. Nhưng rồi có kẻ biết đã tố cáo lên vua Tự Đức. Kết quả mấy người trên đều bị trị tội. Riêng ông Kiều bị qui biết mà không bẩm báo phải giáng ngay ba cấp và chuyển đi nơi khác.
Một chuyện nữa cũng nói lên tình bạn chung thủy của Thám hoa Đặng Văn Kiều. Số là năm Ất Sửu (1865), ông Kiều dự thi khoa Nhã sĩ, còn Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập là quan Độc quyển. Một giai thoại lưu truyền, ông Lập đã ưu ái cho ông Kiều nhấp hai chén rượu, nên ông Kiều nẩy sinh ý hay làm bài được loại ưu. Hai người thấy hợp tính nhau, cuộc đời thi cử, làm quan cũng có nhiều điểm giống nhau, nên hai ông đã kết thân làm bằng hữu. Đến năm Giáp Tuất (1874), Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập bị bệnh nặng tại nhiệm sở. Thám hoa Đặng Văn Kiều túc tực bên giường bệnh của bạn. Ông Lập đã nói với ông Kiều điều ăn năn nhất trước khi nhắm mắt là đứa con đầu lòng Nguyễn Hữu Nghi không chịu nghe lời bố, học hành chẳng đến nơi đến chốn và xin ông Kiều xem như là cha, chú giúp đỡ cho. Nói xong ông Lập tắt thở. Bảy năm sau Thám hoa Đặng Văn Kiều từ kinh đô Huế về thắp hương cho Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập ở làng Trung Lập, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhớ lời bạn dặn trước lúc lâm chung, Thám hoa họ Đặng đã đem cô con gái thứ tư biết chữ, giỏi văn chương, gả cho Nguyễn Hữu Nghi người con đầu của bạn, để ông Nghi trở thành con rể cho dễ bề gần gủi, giúp đỡ. Các con ông Nghi về sau học hành giỏi giang, thi đỗ Tú tài, Cử nhân, nhưng đều ở nhà làm nghề bốc thuốc, dạy hoc, chứ không ra làm quan cho Pháp.
Thám hoa Đặng Văn Kiều là một vị quan sống rất liêm khiết, thanh bạch. Mấy lần gia đình túng bấn quá, ông phải cầm chiếc áo vua ban để lấy tiền giúp đỡ vợ con, đến khi vào chầu lại chuộc về. Người vợ thứ thấy ông làm quan tứ phẩm triều đình mà quá nghèo, thường than thở. Mỗi lần nghe vợ than, ông hay ngâm câu thơ :.
“ Nghĩ cuộc thanh liêm vua chúa trọng
Hóa đường nghèo túng vợ con vân.”
Ngày 14 tháng 7 năm Tân Tỵ (1881), Thám hoa Đặng Văn Kiều bị bệnh và mất tại nhiệm sở ở Huế. Tư trang, của cải không có gì, nên các quan trong triều phải vội tâu lên vua Tự Đức xin cấp tiền bạc, phương tiện để đưa thi hài ông về quê mai táng. Một thời gian dài Đặng Thám hoa làm Toản tu, ít nhất cũng có công biên soạn hai bộ sách lịch sử đồ sộ là cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” và cuốn “ Đại Nam thực lục”, song suốt 16 năm liền ông không hề được thăng chức, phong tước, lên trật. Bởi vậy, sau khi ông mất mấy ngày,vua Tự Đức mới vội ban sắc trả lại cho ông chức Thị độc học sĩ từ năm Ất Sửu (1865) khi ông thi đỗ Thám hoa, đứng đầu khoa Nhã sĩ.
Sống và làm việc trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam rối ren, phức tạp ở nửa cuối thế kỉ XIX, để giữ được phẩm chất cao đẹp của một nho sĩ, một quan chức, Thám hoa Đặng Văn Kiều đã có những cách xử sự đúng đắn, thể hiện bản lĩnh của một bậc đại khoa uyên bác, hiểu biết thời thế và làm chủ được bản thân. Đúng như đôi câu đối giới nho sĩ đương thời làm tặng ông :
“Đại bút hùng văn nhất giáp thạch bi truyền quốc sử
Hoành từ Nhã sĩ thiên thu kim bảng trấn gia thanh.”
( Cây đại bút hùng văn nhất giáp bia đá truyền sử nước
Bậc Hoành từ Nhã sĩ, nghìn thu bảng vàng rạng tiếng nhà)(1)
---------------------------------
Tài liệu tham khảo: “ Đại Nam thực lục tập VII, VIII” của Quốc sử quán triều Nguyễn; Gia phả họ Đặng Văn ở xã Thạch Bình, TP. Hà Tĩnh; Gia phả họ Nguyễn Hữu, làng Trung Lập, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An; Văn bia viết về Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập, do Thám hoa Đặng Văn Kiều soạn văn, dựng ở nhà thờ Nguyễn Hoàng giáp. . .
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512005
2331
2337
22379
218878
121356
114512005