“Trời - Vực” giữa lý thuyết và thực tiễn
Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD - ĐT) - Giám đốc dự án, VNEN được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ 84,6 triệu USD và triển khai tại 1.447 trường tiểu học từ năm học 2012 – 2013 đến 2016. Mô hình này đã giành được một số giải thưởng quốc tế và được Ngân hàng Thế giới cũng như UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển. VNEN có nguồn gốc Colombia từ những năm 1995-2000 để dạy học những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy HS (học sinh) làm trung tâm. Quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản HS”, các “ban” trong lớp có nhiệm vụ tự học, thảo luận, chiếm lĩnh tri thức và hình thành kỹ năng dưới sự hướng dẫn của GV (giáo viên). HS ngồi thành từng nhóm vòng tròn, sử dụng tài liệu hướng dẫn học để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, thảo luận; một thành viên sẽ thay mặt nhóm trình bày kết quả. Theo ông Phạm Ngọc Định, cơ sở lý thuyết của mô hình này là “Thuyết kiến tạo”, “mỗi HS tự hoạt động làm ra sản phẩm học tập bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc các kiến thức hiện có của mình, lúc đó kiến thức mới được gia tăng, đồng thời có giá trị ứng dụng thực tiễn”(1).
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng phương pháp giáo dục truyền thống (hiện hành) với GV là trung tâm, chủ yếu thuyết giảng, truyền thụ một chiều, HS thụ động, kỹ năng yếu, thiên về lý thuyết..; trong khi đó, VNEN lấy HS làm trung tâm, chủ thể của hoạt động giáo dục, thông qua tự học và các hoạt động thực tiễn để chủ động hình thành kiến thức, kỹ năng, gắn lý thuyết với thực tiễn, năng động…
Nghịch lý là với nguyên lý, lý thuyết hiện đại và hấp dẫn như vậy, nhưng khi đi vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, VNEN không đạt được như kỳ vọng, thậm chí trở thành nỗi sợ hãi của nhiều phụ huynh. Ông Nguyễn Phúc Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng (TP Vinh) cho biết: Ngay từ khi VNEN triển khai (đây 3 năm) tại trường tiểu học Hưng Dũng 1, đã có nhiều ý kiến phản đối, đòi bỏ VNEN. Tại Hà Tĩnh và nhiều địa phương, nhiều phụ huynh tìm cách xin chuyển trường cho con để tránh VNEN. Mặc dù Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu triển khai VNEN tại tất cả các trường phổ thông, nhưng vì làn sóng phản đối VNEN nên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định dừng triển khai đại trà, yêu cầu Sở GD – ĐT kiểm điểm. Tại Hà Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng có kết cục tương tự. Tại các kỳ họp HĐND các địa phương giữa năm vừa qua, nhiều đại biểu lên tiếng phản ứng mạnh về VNEN, đề nghị xem xét dừng triển khai. Tại Nghệ An, ngay khi ông Phùng Xuân Nhạ nhậm chức Bộ trưởng GD – ĐT, Trưởng Phòng GD – ĐT huyện Anh Sơn Nguyễn Đức Vĩnh viết tâm thư gửi bộ trưởng, đề nghị xem xét ngay VNEN, vì bất cập về “củng cố kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng cho học sinh”. Đỉnh điểm tại Nghệ An là vào ngày 23/8/2016, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, TP Vinh) tập trung về trường, đeo băng- rôn phản đối, kiến nghị dừng chương trình VNEN. Ngày 28/8/2016, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT khẳng định: Nếu phụ huynh không đồng thuận, sẽ bỏ VNEN(2).
Trước đó, vào ngày 18.8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về triển khai VNEN. Bộ trưởng Bộ GDĐT thừa nhận nhiều bất cập của VNEN: “Việc áp dụng mô hình trường học mới chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương”, “máy móc”; “nóng vội”, “chưa đạt được hiệu quả mong muốn”, “gây ra những băn khoăn trong dư luận”. Từ đó, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án triển khai VNEN trong năm học 2016 - 2017: Khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp.
“Không ai thương, hiểu con bằng cha mẹ”
Nhìn nhận một cách khách quan, VNEN có một số mặt tích cực, có ý nghĩa tham khảo. Theo Bộ GD – ĐT, mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; HS tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ HS và cộng đồng được tăng cường. Nhiều GV và phụ huynh ghi nhận, quá trình học theo VNEN, HS năng động, tích cực hơn; những em có tố chất tiến bộ nhanh, nhất là trong học ngoại ngữ, các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày…Dạy VNEN, buộc GV phải đổi mới phương pháp, tích cực chuẩn bị bài dạy, đồng hành cùng HS để giúp các em chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng. Một số HS giỏi có kết quả vượt trội khi học VNEN.
Tuy nhiên, bất cập của VNEN trong thực tiễn giáo dục Việt Nam rất lớn. Trước hết, về nguyên lý giáo dục, việc mô hình có tính chất thí điểm nhưng lại triển khai ở quy mô lớn (gần 1.500 trường) là phản khoa học. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, “trong giáo dục phải thí điểm trên một diện rất hẹp và đo lường tỉ mỉ; sau đó, nếu có kết quả khả quan mới cho nhân rộng dần. Đáng tiếc là khi đưa mô hình vào thí điểm tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT có phần vội vàng khi cho triển khai ồ ạt”(3). Điều này đã được Bộ GD – ĐT thừa nhận: “Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và GV chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông...”.
Trong nhận định của Bộ GD – ĐT, có nhiều vấn đề thuộc các phương diện khác nhau. Về mặt nhận thức, tâm thế của đội ngũ cán bộ quản lý và GV chưa được chuẩn bị đầy đủ. Không ít cán bộ còn mơ hồ về VNEN, không hình dung được bản chất của nó, những điều kiện để áp dụng, những khó khăn, bất cập nẩy sinh khi triển khai. Ông Trần Thế Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD – ĐT Nghệ An thừa nhận, về những bất cập của VNEN khi đi vào thực tiễn, “ngay cả Bộ cũng bất ngờ”. Bộ GD – ĐT không có khuyến cáo về những bất cập, mặt trái của VNEN. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hậu quả, hệ lụy. Trách nhiệm trước hết và chủ yếu thuộc về Bộ GD – ĐT, sau đó là bộ phận phụ trách dự án của các địa phương.
Về đội ngũ GV, đều là sản phẩm của nền giáo dục truyền thống và được đào tạo để giảng dạy theo phương pháp truyền thống (hiện hành) với mô hình lớp – bảng, SGK, giáo án, bài tập, kiểm tra, đánh giá… Trong khi đó, VNEN là một mô hình dạy học hoàn toàn khác, không còn bục giảng, bảng đen, không còn SGK (thay vào đó là sách hướng dẫn tự học), GV không phải soạn giáo án, không ra bài tập về nhà, không phải chấm bài (thay bằng nhận xét), HS không ngồi theo hàng hướng lên bảng mà ngồi thành vòng tròn, thảo luận nhóm để tự học…Trong khi đó, để dạy VNEN, GV chỉ được tham dự một số buổi tập huấn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” rồi về tự mày mò. Ông Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng THCS Hưng Dũng (TP Vinh) cho biết toàn bộ GV của trường chỉ được tập huấn 2 ngày để dạy VNEN. Nhiều GV cận kề tuổi hưu cũng được giao dạy VNEN. Điều này dẫn tới cú “sốc” đối với đông đảo GV. Về mặt khoa học giáo dục, việc chuẩn bị đội ngũ GV như trên là hết sức bất cập, tất yếu sẽ dẫn đến phản ứng, chán nản, dạy theo kiểu đối phó, hình thức, “diễn nhiều hơn dạy”. Muốn dạy VNEN, GV phải được đào tạo bài bản về phương pháp, mô hình này; chứ không phải dự mấy buổi tập huấn qua loa, “huấn” nhiều hơn “tập”. GV tiểu học Hưng Dũng cho biết chỉ được tập huấn qua đội ngũ gián tiếp (cán bộ trường đi tập huấn về truyền thụ lại), “thực tế” là các băng video do dự án cung cấp.
Về phương diện nội dung, phương pháp giáo dục (thể hiện ở sách hướng dẫn học), theo GS Nguyễn Minh Thuyết, được viết theo mẫu sách lớp 2 của Colombia, nhiều bất cập, sai sót. Sở GD – ĐT Nghệ An cũng cho rằng sách hướng dẫn học còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều GV nhận xét sách hướng dẫn học chất lượng kém; chỉ có môn Ngoại ngữ là có nhiều điểm tích cực. So với SGK được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành, được phản biện, chỉnh sửa rất nhiều lần và được triển khai đại trà, ổn định, thì sách VNEN có thể nói là thứ “chín ép”, “đẻ non”.
Còn “chủ nhân, chủ thể” của VNEN? Theo Bộ GD – ĐT, đối tượng của dự án VNEN là HS các vùng khó khăn, được hiểu là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. HS ở đây còn nhiều hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, khả năng/ý thức tự học, thậm chí nhiều em chưa sõi tiếng Việt. Thả những HS này vào môi trường giáo dục “kiểu Tây” để các em tự học, tự thảo luận rồi chiếm lĩnh tri thức là một điều hết sức khó khăn, nếu không nói là không thể thực hiện được(4).
Với những yếu tố “đầu vào” như trên, “sản phẩm” của VNEN là sự phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh. Không nói đến các yếu tố thứ yếu như phòng học chật, tư thế ngồi không hợp lý, rồi sách đắt, đóng góp tốn kém…nguyên nhân chủ yếu phụ huynh phản đối VNEN là “con học ngày càng đuối”, “không biết gì”, “ngày càng dốt”… Một GV tại Hà Tĩnh nói: “Con tôi học VNEN, tôi kèm cặp, kiểm tra thường xuyên; ra một bài toán cộng trừ có nhớ bình thường, cháu không thể làm được; viết văn cũng không nên chữ, nên câu. Cho nên tôi phải cho con đi học thêm, rất tốn kém và mệt mỏi. Chưa nói là đi học thêm ở tiểu học là trái phép, phải học “chui”. Phụ huynh cho biết những em giỏi thì ngày càng giỏi, vượt trội; còn những em trung bình và yếu thì ngày càng “mất gốc”.
Có một số ý kiến cho rằng sở dĩ có sự việc nói trên là do phụ huynh vẫn còn nặng nề về điểm số, với mục tiêu đưa con em vào trường chuyên, lớp chọn, lạc hậu trong cách đánh giá kết quả giáo dục. Quan niệm đó không thỏa đáng, vì thực tế không có khái niệm “chất lượng giáo dục” một cách chung chung; kết quả phải được lượng hóa. Phụ huynh không cần biết con đã học như thế nào, họ chỉ quan tâm kết quả. Nếu những bài toán thông thường, kiểu trình bày văn bản thông dụng mà các em không làm được, thì lo lắng của phụ huynh là đương nhiên. Mặt khác, điều cốt lõi là việc đánh giá học sinh cuối cùng vẫn qui về điểm số, thể hiện ở các bài kiểm tra cuối kỳ, hay thi lên lớp, thi vào trường THPT, thi đại học…. Ngay cả cách tuyển chọn công, viên chức hiện nay cũng dựa vào kết quả, điểm số từ các cơ sở đào tạo; thì việc phụ huynh quan tâm đến khả năng làm bài (lấy điểm) của con em là đích đáng. Không có phụ huynh nào đồng ý với kiểu học nhẹ nhàng, vui vẻ mà kết quả con em của họ sẽ kém cạnh trong các cuộc thi, dẫn tới cuộc sống vất vả về sau. Một thực tế là hầu hết những HS giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi đều phải học tập miệt mài, vất vả, nỗ lực rất cao; mặc dù đã có tố chất thông minh. “Không ai thương, hiểu con bằng cha mẹ”, ông Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng THCS Hưng Dũng nói.
Tư duy dự án và “bệnh thành tích”?
Thực trạng VNEN hiện hành là hậu quả của cách làm giáo dục theo tư duy dự án. Nghĩa là những nhà quản lý giáo dục quan tâm nhiều đến khía cạnh tài chính. Đây là dự án có nguồn tài trợ lớn, nên được triển khai vội vàng, ồ ạt cho phù hợp với số tiền tài trợ. Việc tham quan học hỏi, tập huấn, hội thảo…được tiến hành với chất lượng, hiệu quả thấp. Yếu tố phản biện càng bị coi nhẹ.
VNEN cũng là một “phép thử” của môi trường giáo dục hiện nay, cho thấy quản lý nền giáo dục hiện hành chưa dân chủ, còn mệnh lệnh, áp đặt. Các trường không được hỏi ý kiến mà được chọn để triển khai dự án. Kiểm tra, thị sát chủ yếu cưỡi ngựa xem hoa, bằng lòng với các tiết dạy “mẫu”, hoạt động “mẫu” đã được chuẩn bị trước. Trong quá trình triển khai, mặc dù có nhiều bất cập, nhưng cơ sở chỉ phản ứng một cách yếu ớt, thậm chí không dám phản biện. Một số GV, cán bộ bị lãnh đạo khiển trách, gây áp lực vì đã lên tiếng phản đối VNEN. Vẫn có một số địa phương do “bệnh thành tích” triển khai ồ ạt VNEN, hoặc báo cáo sai sự thật, “tô hồng” về VNEN. Phụ huynh không được hỏi ý kiến về việc triển khai VNEN, khi họ đề cập nguyện vọng về VNEN không được lắng nghe và đáp ứng; một số trường hợp gây khó dễ nhằm ngăn cản HS chuyển trường. Nguyện vọng của HS về VNEN cũng không được quan tâm và tôn trọng. Văn hóa trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục cũng “có vấn đề”; khi sự việc vỡ lở thì không ai đứng ra nhận trách nhiệm, tìm cách biện hộ, né tránh và đổ lỗi (ví dụ đổ lỗi cho GV và phụ huynh).
Về phương diện truyền thông, đối với dự án VNEN, còn bấp cập. Ban đầu, báo chí chỉ ca ngợi VNEN một chiều theo định hướng của các nhà quản lý dự án. Đến khi VNEN bộc lộ nhiều bất cập và dẫn đến phản ứng gay gắt của phụ huynh mới thông tin, tuy nhiên, vẫn có nhiều bài viết không đúng bản chất, thực trạng của VNEN do phóng viên không am hiểu; hoặc tiếp tục tìm cách biện hộ cho VNEN, không đề cập “bất túc” thuộc cốt lõi vấn đề(5). Cho đến nay, vẫn chưa có bài báo nào phỏng vấn sâu, chất vấn lãnh đạo Bộ GD – ĐT, Chính phủ về những bất cập của VNEN, những hậu quả, hệ lụy của nó cũng như truy vấn trách nhiệm.
Việc triển khai VNEN cho thấy nhiều bất cập, những “căn bệnh trầm kha” của giáo dục; đã được nhiều chuyên gia, trí thức cảnh báo. Với cách vận hành như hiện nay, nền giáo dục của chúng ta khó tránh kết cục tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới.
Chú thích:
(1). Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN). Bộ GD – ĐT.
http://tieuhoc.moet.gov.vn/ver2/portal.php?u=soct&mod=news&new=6583
(2). Sẽ bỏ chương trình VNEN nếu phụ huynh không đồng tình. Báo Thanh Niên.
http://thanhnien.vn/giao-duc/se-bo-chuong-trinh-vnen-neu-phu-huynh-khong-dong-tinh-738763.html
(3).VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay...GS Nguyễn Minh Thuyết.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd
(4). Vì sao đông đảo phụ huynh “nói không” với VNEN? Quang Đại. Báo Lao Động.
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vi-sao-dong-dao-phu-huynh-noi-khong-voi-vnen-583186.bld
(5). 'Giải oan' cho VNEN. TA. Báo Nghệ An.
http://www.baonghean.vn/giao-duc-khoa-hoc/201608/giai-oan-cho-vnen-2728321/